23 C
Hanoi
Thứ tư, Tháng mười một 20, 2024
More
    Home Blog Page 347

    Cây xanh đô thị kiểm soát nhiệt độ và điều hòa không khí

    Ở hầu hết các đô thị trên thế giới, cây xanh được trồng với mục đích kiểm soát nhiệt độ và điều hòa không khí. Không những vậy, một nghiên cứu còn cho thấy phụ nữ sống ở khu vực có nhiều không gian xanh giảm 12% tỉ lệ tử vong nói chung so với những người sống ở khu vực có ít cây xanh hơn.

    Tại bất kỳ một thành phố nào trên thế giới, cây xanh được trồng với mục đích kiểm soát nhiệt độ và điều hòa không khí. Tuy nhiên, trong khi nhiều nhà khoa học đang hoài nghi tác dụng làm sạch không khí của cây xanh đô thị, một số khác tiếp tục đặt câu hỏi: Liệu chúng có thực sự làm mát thành phố?

    Thí nghiệm đơn giản nhất để hoài nghi điều này là so sánh nhiệt độ trong không khí ở công viên với một đường phố gần đó. Phương pháp này thường đi kèm với những kết quả đáng thất vọng. Trong nhiều trường hợp một công viên nhiều cây với tán lớn có nhiệt độ không khí ban ngày thấp hơn không quá 1oC so với khu vực gần đó. Vào ban đêm thậm chí nhiệt độ có thể cao hơn.

    Để giải thích nghịch lý trong suy nghĩ này, chúng ta phải xem xét rõ ràng hơn về sự hoạt động của các dòng nhiệt trong thành phố. Thực sự cây xanh đã làm mát thành phố bằng các cách nào và chúng ta có thể đo lường được điều này hay không?


    Biểu đồ nhiệt độ của khu vực đô thị và vùng phụ cận.

    Làm mát bằng bóng râm

    Về mặt lý thuyết, cây xanh có thể cung cấp khả năng làm mát bằng hai cách: cung cấp bóng râm và thông qua một quá trình thoát hơi nước. Chủ yếu chúng ta thường cảm nhận được lợi ích của cây xanh qua cách thứ nhất.

    Như đã nói, nhiệt độ không khí trong công viên chỉ thấp hơn bên ngoài 1oC, thật may mắn cảm giác của chúng ta không phụ thuộc nhiều vào điều đó. Chúng ta thấy mát hơn khi ngồi dưới một tán cây bởi cảm giác này là kết quả của việc bao nhiêu bức xạ chúng ta hấp thụ và lượng nhiệt chúng ta bị mất đi bởi môi trường xung quanh.

    Một tán cây hoạt động như một chiếc dù có thể ngăn cản 90% bức xạ mặt trời mà chúng ta hấp thụ. Bên cạnh đó, nó còn làm giảm nhiệt độ của khu vực nền đất mà chúng ta ngồi. Điều này giúp cơ thể nhanh chóng thoát nhiệt và hạ nhiệt độ sinh lý thực tế của chúng ta.

    Cây cối cũng có thể làm mát các tòa nhà, đặc biệt khi chúng che chắn hướng đông và tây, tại các cửa sổ hoặc bức tường bên ngoài. Cả mô hình nghiên cứu và các điều tra thực tế ở Mỹ chỉ ra rằng bóng mát của cây có thể giảm chi phí điều hòa tại nhà riêng từ 20-30%.


    Một nghiên cứu tổng quát là cần thiết để khai thác triệt để và hợp lý lợi ích của cây xanh

    Làm mát bằng cách thoát hơi nước

    Cây xanh cũng được sử dụng để giải quyết vấn đề lớn hơn: hạ nhiệt độ của cả thành phố. Trong thời gian thời tiết nắng nóng, nhiệt độ không khí tại một thành phố có thể được báo cáo là cao hơn 7oC so với vùng ngoại thành gần đó. Điều này diễn ra đặc biệt là vào những đêm oi bức.

    Vấn đề lớn ở các thành phố là mặt đường nhựa. Chúng được làm màu đen và hấp thụ hầu như tất cả các bức xạ năng lượng cao đến từ mặt trời. Nhiệt độ mặt đường có thể đạt từ 40-60oC vào buổi sáng. Lượng nhiệt này được lưu trữ và tỏa lại không khí khi đêm xuống. Bởi vậy, dẫu không có mặt trời, đêm thành phố vẫn trở thành một đảo nhiệt.

    Cây xanh đô thị có thể chống lại một phần quá trình này bằng cách ngăn chặn các bước xạ xuống đường. Tuy nhiên, chúng phải tiêu thụ được năng lượng của mặt trời theo một cách khác: đó là quá trình bốc hơi nước.

    Khi ánh nắng chiếu xuống tán cây, một mặt nó phải tiêu thụ nước để làm mát, mặt khác hơi nước thoát ra từ các tán lá chẳng khác nào quá trình chúng ta đổ mồ hôi và làm mát cho thành phố.

    Các hiệu ứng của sự thoát hơi nước có thể được định lượng theo hai cách. Cách thứ nhất là đo nhiệt độ ở lá cây để so sánh với nhiệt độ không khí. Chúng ta thường nhận được một kết quả thấp hơn từ 2-3oC. Thật không may, con số này không đáng tin cậy bởi lá cây mát hơn ngay cả khi chúng không thoát nước nhờ cơ chế đối lưu.

    Một phương pháp tốt hơn để tính toán hiệu quả làm mát của cây cối: đo lượng nước mà nó đang mất. Các nhà khoa học sẽ ước tính điều này từ dòng nhựa trên thân cây hoặc lượng nước thoát ra từ từng chiếc lá đơn lẻ.

    Phương pháp này cho thấy tán cây có thể tiêu thụ 60% năng lượng bước xạ để bốc bay hơi nước. Tuy nhiên, có một nhược điểm: cây cối chỉ làm mát theo cách này khi nó phát triển tốt. Tùy từng loài cây có khả năng làm mát khác nhau và thoái hóa dần theo thời gian nếu chúng tăng trưởng kém đi do điều kiện đất.

    Sống gần không gian xanh giúp tăng tuổi thọ

    Nghiên cứu gần đây cho thấy, phụ nữ sống ở khu vực có nhiều không gian xanh giảm 12% tỉ lệ tử vong nói chung so với những người sống ở khu vực có ít cây xanh hơn.

    Những phụ nữ sống gần môi trường xanh cũng giảm 34% nguy cơ tử vong liên quan tới hô hấp và 13% nguy cơ tử vong do ung thư. Mối liên quan giữa việc sống trong môi trường xanh và giảm tỉ lệ tử vong vẫn rõ ràng khi các nhà nghiên cứu tính đến những yếu tố khác như tuổi, chủng tộc, hút thuốc lá và tình trạng kinh tế xã hội.

    Phụ nữ có xu hướng sống thọ hơn khi họ sống ở những khu vực được phủ xanh. Điều này có liên quan đến thực tế là môi trường tự nhiên giúp giảm stress và tăng hoạt động thể chất, góp phần làm tăng tuổi thọ.

    Giảm hoạt động thể chất và hoạt động xã hội có thể dẫn tới trầm cảm, song việc hòa mình vào không gian xanh giúp giảm nguy cơ này. Vì vậy, nếu bạn muốn sống thọ hơn và khỏe mạnh hơn, hãy cố gắng trồng nhiều cây xanh quanh nơi ở.

    The Mai Anh/moitruong.com.vn (22/6/2019)

    Tranh cãi chuyện sóng 5G gây hại sức khỏe con người

    Công nghệ 5G sử dụng tần số cao hơn để tạo khác biệt về khả năng truyền dữ liệu, nhưng nhiều người lo ngại nó có thể ảnh hưởng tới sức khỏe.

    Từ trước tới nay, thế giới vẫn tin rằng công nghệ 5G không gây hại cho sức khỏe. Tuy nhiên, điều đó chưa thuyết phục được tất cả mọi người. Một đơn kiến nghị với 29.000 chữ ký đã được gửi tới nghị viện Anh kêu gọi thực hiện cuộc điều tra độc lập về rủi ro sức khỏe và an toàn của thế hệ di động tiếp theo.


    Công nghệ 5G vẫn khiến một số người lo ngại.

    Chính phủ nước này đã từ chối yêu cầu, nhưng người dân nước Anh và toàn thế giới đều muốn biết xem liệu bức xạ điện từ có gây hại cho cơ thể hay không.

    Tại sao 5G gây ra nỗi sợ hãi?

    Để hiểu 5G có nguy hiểm hay không, chúng ta cần hiểu bản chất của nó là gì. Trước tiên, hãy nhìn vào biểu đồ phổ điện từ, gồm tất cả dải tần số có thể của bức xạ điện từ (hay sóng điện từ).

    Bức xạ điện từ được phân loại gồm sóng radio (radio waves), vi sóng (microwaves), bức xạ terahertz (hay dưới mm), tia hồng ngoại (infrared), ánh sáng nhìn thấy được (visible light), tia tử ngoại (ultraviolet), tia X (X-rays) và tia gamma (gamma waves).


    Phổ điện từ theo mô tả của NASA. Ảnh: NASA.

    Trong số này, người ta lại phân ra làm 2 loại chính:

    – Bức xạ ion hóa (Ionizing), như X-quang hoặc tia gamma, với tần số cao có thể lọt vào cơ thể gây hại cho tế bào. Chúng có năng lượng đủ lớn để gây ra ion hóa các nguyên tử.

    – Bức xạ không ion hóa (Non-ionizing), như sóng radio, ánh sáng nhìn thấy được hay bức xạ tia hồng ngoại, không có khả năng phá hủy nguyên tử. Bức xạ không ion hóa không thể lọt vào cơ thể con người, chỉ làm phân tử bề mặt rung động nhanh hơn.

    Bức xạ điện từ (hay sóng điện từ) được đo bằng tần số và bước sóng. Bức xạ ở tần số thấp hơn và bước sóng dài hơn so với ánh sáng nhìn thấy gồm sóng radio (Radio waves) và vi sóng (Microwaves). Sóng điện thoại di động nằm trong phổ này, bao gồm cả 5G. Chúng thuộc nhóm bức xạ không ion hóa, vì không đủ năng lượng để phá vỡ liên kết phân tử.

    Bức xạ không ion hóa an toàn tuyệt đối?

    Trong khi bức xạ không ion hóa yếu hơn loại ion hóa, có ý kiến cho rằng nó vẫn có khả năng làm biến đổi cơ thể. Nhiều người hiểu nhầm loại bức xạ này có thể gây ung thư giống như bức xạ ion hóa.

    Dịch vụ Y tế Quốc gia (NHS) của Anh cho biết đã có lượng lớn nghiên cứu khoa học về ảnh hưởng sức khỏe của việc sử dụng điện thoại di động kể từ những năm 1990. Nhưng không có nghiên cứu nào chứng minh bức xạ điện thoại di động gây hại như các dạng của bức xạ ion.

    Một số người nghĩ tần số cao của 5G sẽ tác động xấu tới não bộ, nhưng điều này không đúng vì chúng nằm trong ngưỡng cho phép. Chỉ khi tần số vượt mức ánh sáng nhìn thấy thì mới gây hại, như tia cực tím, tia X hay tia gamma.

    Điều gì xảy ra khi sóng vô tuyến đập vào cơ thể?

    Khi sóng vô tuyến đập vào cơ thể con người, chúng bị các mô hấp thụ và đơn giản biến thành năng lượng. Nghiên cứu khoa học chưa cho thấy sóng vô tuyến làm thay đổi cấu trúc phân tử của bất kỳ loại mô nào.


    Sóng vô tuyến nằm bên trái phổ điện từ không có khả năng ion hóa phân tử. Ảnh: NASA.

    Chúng có khả năng làm tăng nhiệt độ các tế bào thêm 0,2 độ C, tương đương với sự gia tăng tự nhiên trong khi tập thể dục, không được coi là nguy cơ sức khỏe.

    “Các nghiên cứu lớn đều chưa có bằng chứng cho thấy sóng vô tuyến điện thoại di động gây ra các vấn đề sức khỏe”, NHS lên tiếng trấn an dư luận.

    Vậy sóng vô tuyến có thực sự gây hại không?

    Cho đến nay, các nghiên cứu chưa đưa ra kết luận khẳng định sóng vô tuyến gây hại cho sức khỏe con người. Tổ chức Nghiên cứu Ung thư của Vương Quốc Anh lưu ý rằng, mặc dù tỷ lệ sở hữu điện thoại di động tăng khoảng 500% giai đoạn 1990 đến 2016, thì tỷ lệ mắc ung thư não chỉ tăng 34%.

    Năm 2011, Cơ quan Nghiên cứu Ung thư Quốc tế đã xếp điện thoại di động vào nhóm “nguyên nhân có thể gây ung thư”. Nhưng đó chỉ là dựa trên các báo cáo khoa học, chứ không được coi là kết luận cuối cùng. Chắc chắn một điều, bức xạ không ion hóa, bao gồm sóng 5G không có khả năng gây ung thư trực tiếp.

    Theo Sky/News.zing (21/06/2019)

    Sống xanh với 9 cách giảm rác thải nhựa hiệu quả

    Nói không với nhựa nghe có vẻ khó nhưng hoàn toàn khả thi khi bạn bắt đầu bằng việc thay đổi một số thói quen hàng ngày.

    Hình ảnh chim hải âu chết với đầy rác thải nhựa trong bụng, rùa biển đau đớn khi được rút ống hút ra khỏi mũi khiến nhiều người không khỏi rùng mình. Không sai nếu nói cuộc sống tất cả sinh vật đang ngày càng ngập ngụa và mắc kẹt trong nhựa.

    Con người cần hành động để tự cứu lấy bản thân và môi trường sống trước khi quá muộn. Nếu chưa thể loại bỏ, chúng ta trước mắt có thể giảm bớt lượng tiêu thụ nhựa bằng cách bắt đầu 9 thói quen mới để theo đuổi lối sống xanh.

    1. Luôn mang theo túi có thể tái sử dụng

    Mỗi lần đi chợ, siêu thị, cửa hàng tạp hóa, chúng ta có thể mang về hàng chục túi nylon vì tiện lợi và thường được cho miễn phí. Tuy nhiên, toàn bộ sẽ thải ra môi trường và trở thành rác vì không thể tái sử dụng. Hơn nữa, loại túi này mất khoảng 500 năm để phân hủy nên có tác hại kinh khủng với môi trường. Trong khi đó, một số loại túi có thể tái sử dụng, ít tạo ra rác thải hơn. Luôn mang theo túi vải để đựng đồ thay vì sử dụng túi nylon sẵn có tại các cửa hàng sẽ góp phần bảo vệ môi trường.


    Thay đổi thói quen sử dụng túi nylon bằng các loại túi thân thiện với môi trường.

    2. Hạn chế các loại hộp nhựa

    Các loại hộp thủy tinh, kim loại có thể được sử dụng thay thế hộp nhựa để đựng các loại hạt, gia vị, thức ăn và kể cả xà phòng, sữa tắm, bột giặt, nước rửa chén. Tuy nhiên, không nên vội vứt hết các loại hộp nhựa đang sử dụng. Bạn có thể tiếp tục sử dụng nếu còn tốt và chỉ thay thế dần khi không còn sử dụng được nữa để tránh lãng phí.

    3. Mang theo “bộ dụng cụ”

    Đũa, thìa từ gỗ, ống hút, khay đựng thức ăn không làm từ nhựa và một bình đựng nước thủy tinh sẽ giúp loại bỏ các đồ vật làm từ nhựa sử dụng một lần trong cuộc sống của bạn. “Các nhà hàng, quán nước trên toàn thế giới đang dần quen với việc khách hàng mang theo bộ dụng cụ của mình”, Jay Sinha – người sáng lập cửa hàng trực tuyến mang tên Life Without Plastic – cho biết.

    4. Mua với số lượng lớn

    Nếu mua những loại thực phẩm được đóng gói sẵn, bạn không nên mua lẻ tẻ mà nên cân nhắc mua với số lượng lớn để hạn chế các loại bao bì. Bạn cũng có thể mang theo hộp thủy tinh để đựng các loại thực phẩm tại chợ. Tuy nhiên, cần cân nhắc về số lượng trước khi mua để tránh quá tải và lãng phí.

    5. Mua đồ cũ

    Nhiều thiết bị, đồ gia dụng phổ biến hiện nay đều được làm chủ yếu từ nhựa. Trước khi có một chiếc máy giặt, máy hút bụi làm hoàn toàn từ kim loại, hay bất kỳ một vật liệu nào khác mà không phải nhựa, Beth Terry, tác giả của blog My Life – Free Life đề xuất nên mua đồ cũ để sử dụng. Đây vừa là một cách tiết kiệm tiền, hạn chế việc sản xuất, sử dụng nhựa mới vừa tránh được các khâu bao bì, đóng gói có thể tạo thêm rác thải.

    6. Tái sử dụng và tái chế nhựa

    Chai nhựa trong, lọ đựng dầu gội đầu, hộp sữa chua, đồ chơi và hộp đựng thực phẩm có khả năng tái chế cao hơn. Trong khi đó, dao, thìa, nĩa nhựa, cuộn màng bọc thức ăn, cốc nhựa đựng cà phê và nắp đậy thường chỉ dùng được một lần và khả năng để tái chế rất thấp. Vì vậy cần hạn chế mua và sản xuất thêm các sản phẩm này.

    7. Mặc quần áo làm từ chất liệu thiên nhiên

    Theo ông Siha, sợi tổng hợp là yếu tố chính gây ra ô nhiễm vi nhựa (micro plastic), loại ô nhiễm được cảnh báo gây tác hại nghiêm trọng đến môi trường sống, đặc biệt là các đại dương và sức khỏe con người. Chọn quần áo làm từ các loại vải có thành phần tự nhiên như cotton, len, gai và lụa sẽ góp phần hạn chế tình trạng này.

    8. Tự làm các sản phẩm vệ sinh

    Khi hầu hết sản phẩm vệ sinh được đóng gói trong chai nhựa và có chứa các hạt vi nhựa, Chantal Plamondon, người sáng lập Life Without Plastic, đã quyết định trở thành một nhà hóa học tại gia. “Chúng tôi tự làm kem đánh răng bằng baking soda, dầu dừa và các loại tinh dầu. Chúng tôi làm kem dưỡng da từ dầu dừa hoặc dầu macadamia”, cô cho biết.

    9. Sống không cần nhựa

    Nếu chỉ có một sự lựa chọn: nhựa. Bạn hoàn toàn có thể không sử dụng. Trước khi hành động, thay đổi thói quen, điều quan trọng nhất chính là thay đổi suy nghĩ, nhận thức.

    Theo Zing.vn (21/6/2019)

    Thành lập liên minh tái chế bao bì Việt Nam vì môi trường xanh

    Việt Nam hiện là một trong 5 nước dẫn đầu trên toàn cầu về lượng rác thải nhựa thải ra đại dương, tương đương với 280.000 tấn/năm, trong khi việc xử lý và thu gom rác thải nhựa, bao bì tại Việt Nam vẫn gặp nhiều khó khăn. Liên minh tái chế bao bì Việt Nam được thành lập với mục đích góp phần tạo một môi trường xanh bền vững.

    Lễ ký kết thành lập liên minh tái chế bao bì Việt Nam (gọi tắt Pro Vietnam) đã diễn ra sáng 21/6, tại TP Hồ Chí Minh, với sự tham gia của 9 tập đoàn, công ty đa quốc gia về ngành đồ uống, thực phẩm đang hoạt động tại Việt Nam.

    Ông Phạm Ngọc Phú Trai, Chủ tịch Pro Vietnam, cho biết, đây là những thương hiệu hàng đầu tại Việt Nam, chuyên sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực hàng tiêu dùng và bao bì. Vì thế, việc liên minh các tập đoàn, công ty này nhằm mục tiêu thúc đẩy nền kinh tế tuần hoàn thông qua chung tay hỗ trợ giải quyết việc thu gom, tái chế và giảm thiểu rác thải nhựa, bao bì theo cách dễ tiếp cận và bền vững hơn.

    Các tập đoàn, công ty đa quốc gia tại Việt Nam tham gia ký kết thành lập liên minh tái chế bao bì vì môi trường bền vững. 

    Mục tiêu của Pro Vietnam là vào năm 2030, tất cả bao bì do các thành viên đưa ra tiêu thụ tại thị trường Việt Nam sẽ được thu gom và tái chế triệt để. Pro Vietnam sẽ hợp tác với ngành công nghiệp tái chế chính thức thông qua việc tăng lượng thu gom, hỗ trợ những lực lượng thu gom tự phát, cùng với việc nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi người tiêu dùng về tái chế và phân loại rác.

    Bên cạnh đó, Pro Vietnam sẽ hỗ trợ các chương trình tái chế của nhà máy xử lý và các nhà máy sản xuất nguyên liệu tái chế tại các địa phương, bao gồm các ứng dụng tái chế tạo ra các sản phẩm thứ cấp và đưa ra các điều kiện, kỹ thuật phù hợp với quy định, cũng như phát triển các ứng dụng sử dụng bao bì tái chế dùng cho thực phẩm tại địa phương, từ đó hướng tới một vòng tái chế khép kín.

    Ngoài ra, Pro Vietnam cũng sẽ phối hợp với các trung tâm nghiên cứu của các trường đại học nhằm tìm ra các giải pháp phù hợp với môi trường của Việt Nam; đồng thời hỗ trợ những người đang làm việc trong các lực lượng thu gom rác do Chính phủ hoặc dân lập bằng các hoạt động hỗ trợ trực tiếp.

    Ông Phan Xuân Dũng, Chủ nhiệm Uỷ ban khoa học, công nghệ và môi trường của Quốc hội, đánh giá cao về việc ký kết liên minh tái chế bao bì Việt Nam và cho rằng sự tiên phong của 9 tập đoàn, công ty lớn tại Việt Nam sẽ là tiền đề để kêu gọi nhiều tập đoàn, công ty khác tại Việt Nam cùng chung tay hành động hướng đến mục tiêu tái chế chung, hiệu quả nhanh hơn so với các hành động riêng lẻ.

    Cũng theo ông Phan Xuân Dũng, việc Pro Vietnam hỗ trợ tái chế sẽ giúp tận dụng được nguồn tài nguyên địa phương bị lãng phí, từ đó tạo thêm được công việc và tăng doanh thu từ thuế. Ước tính trong tương lai, mô hình kinh tế tuần hoàn sẽ tạo ra thấp nhất 400 tỷ USD và hàng triệu việc làm cho người dân.

    Theo số liệu của Ngân hàng Thế giới (WB), lượng rác thải rắn đô thị thải ra tại Việt Nam được dự đoán sẽ tăng từ 11,6 triệu tấn năm 2016 lên 15,9 triệu tấn năm 2030. Đây là mức tăng đứng thứ 4 toàn châu Á về tốc độ tăng lượng rác thải rắn. Trong khi đó, theo số liệu được công bố từ Thời báo Tài chính, 80% lượng phế liệu nhựa để làm nguyên liệu cho ngành công nghiệp tái chế nhựa tại Việt Nam được nhập khẩu. Phần lớn lượng nhập khẩu này đến từ các nước G7 với con số lên tới 254.000 tấn.

    Theo Hải Yên/baotintuc.vn (21/6/2019)

    12 cách giúp nhà của bạn mát mẻ hơn trong những ngày nắng nóng

    Đây đều là những mẹo nhỏ mà bạn có thể áp dụng ngay để căn phòng được mát, có cả bí kíp của người Ai Cập cổ.

    Cách làm mát nhà cửa hay cách làm mát phòng ngủ trong những ngày nắng nóng đỉnh điểm của mùa hè, với nhiệt độ cao nhất có thể lên đến 38-39 độ C sẽ là cách tuyệt vời để hạ nhiệt. Những cách làm mát hạ nhiệt nhà cửa trong bài viết có thể sẽ giúp bạn giảm bớt phần nào sự khó chịu của cái nóng ngày hè.

    1. Luôn kéo rèm cửa

    Theo một nghiên cứu khoa học thì 30% lượng nhiệt không mong muốn đến từ cửa sổ. Do đó, biện pháp đơn giản nhất là luôn kéo rèm cửa và bạn cũng nên lựa chọn những loại rèm có màu sắc tối để tránh bức xạ nhiệt có thể vào được trong phòng. Với biện pháp đơn giản này bạn có thể giúp làm giảm 7% chi phí trên hóa đơn tiền điện và giúp nhiệt độ căn phòng luôn ở mức thấp. Hãy lưu ý đặc biệt là đối với những chiếc cửa sổ kính và có hướng Tây và hướng Nam.

    2. Không phải lúc nào đóng cửa cũng tốt

    Hãy biết tận dụng những luồng gió mát tự nhiên vào buổi tối để giúp không khí trong căn phòng của bạn được lưu thông. Do đó không phải lúc nào đóng cửa cũng tốt, hãy đảm bảo không khí có thể lưu thông bằng cách mở các cánh cửa đối diện nhau. Điều này không chỉ giúp lấy gió mát tự nhiên, mà còn giúp không khí trong phòng có nhiều oxy hơn và làm giảm cảm giác oi bức.

    3. Mẹo nhỏ với một chiếc quạt

    Bạn không cần phải bật máy điều hòa để có hơi lạnh tỏa ra trong căn phòng, mà có thể sử dụng một mẹo nhỏ đơn giản với nước đá và một chiếc quạt. Để đá lạnh vào trong một chiếc bát và đặt phía trước của một chiếc quạt. Hơi lạnh bốc lên sau đó sẽ được quạt thổi khắp phòng giúp giảm nhiệt rất tốt. Nếu chịu khó mày mò, bạn còn có thể tự chế một chiếc quạt thổi đá cho riêng mình với một chiếc thùng xốp.

    4. Thay đệm và ga trải giường

    Mùa hè đến là lúc bạn phải nói lời từ biệt với những chiếc đệm. Tuy nhiên nếu bạn vẫn muốn nằm trên những chiếc đệm êm thì việc lựa chọn chất liệu phù hợp là điều rất quan trọng. Trong tất cả các loại thì đệm lò xo là thích hợp để sử dụng trong mùa hè nhất, tiếp đến đệm làm từ xơ sợi tự nhiên ép sẽ cao hơn đệm bông ép và bọt biển, cao su.

    Lưu ý việc thay ga trải giường thường xuyên cũng sẽ giúp bạn cảm thấy dễ chịu hơn khi trời nóng bức. Bởi nếu để bụi bẩn bám lâu ngày sẽ khiến không khí khó lưu thông.

    5. Chỉnh lại quạt trần để quay ngược chiều kim đồng hồ

    Vào mùa hè, cài đặt quạt trần quay theo chiều ngược chiều kim đồng hồ, tạo gió nhẹ, khi đứng dưới quạt bạn sẽ cảm nhận được luồng gió lạnh trực tiếp xuống cơ thể, không khí lạnh tập trung và không bị loãng khắp phòng.

    6. Làm mát cơ thể bạn thay vì căn phòng

    Thay vì tập trung vào việc làm mát cho căn phòng, chúng ta có thể tập trung vào việc làm mát cơ thể của mình. Một số biện pháp đơn giản là mặc quần áo thoáng mát, sử dụng một chiếc khăn lạnh đắp trên những vùng cơ thể nóng như cổ, bên trong khuỷu tay, uống những loại nước mát giải nhiệt.

    7. Bật quạt thông gió trong nhà bếp và phòng tắm

    Điều này rất cần thiết vì nó giúp tống khứ luồng không khí nóng do nấu ăn hoặc sau khi bạn tắm ra ngoài căn nhà của bạn.

    8. Trồng thêm cây xanh

    Đặt thêm những chậu cây xanh trong nhà, hoặc thiết kế một giàn cây dây leo ngoài ban công sẽ có tác dụng rất lớn giúp làm giảm nhiệt độ trong nhà. Cây xanh còn có tác dụng ngăn bụi và lọc không khí, giúp bạn cảm thấy dễ chịu hơn trong những ngày nóng bức.

    9. Thay đèn sợi đốt bằng đèn compact

    Các bóng đèn sợi đốt cũng tỏa ra một lượng nhiệt rất lớn, năng lượng này là hoàn toàn lãng phí. Do đó, đừng ngần ngại thay thế những bóng đèn sợi đốt này bằng đèn huỳnh quang conpact. Không chỉ giúp làm giảm nhiệt độ trong nhà mà còn giúp làm giảm hóa đơn tiền điện của bạn mỗi tháng.

    10. Các biện pháp lâu dài

    Nếu bạn muốn cải thiện tình hình lâu dài, bạn nên tính đến một số biện pháp như sử dụng phim cách nhiệt trên cửa sổ, thêm các lớp cách nhiệt bên dưới mái tôn, sơn cách nhiệt và rất nhiều biện pháp các mà bạn có thể tham khảo các kiến trúc sư hoặc trên mạng internet.

    11. Hạn chế sử dụng nhiều thiết bị điện

    Không chỉ là vấn đề tiết kiệm điện mà còn bởi nhiệt lượng tỏa ra từ các thiết bị điện, đồ dùng gia đình trong quá trình hoạt động sẽ cộng thêm vài độ C cho ngôi nhà vốn đang bức bí của bạn. Để thực hiện tốt việc này, gia đình bạn nên tập trung sinh hoạt trong một căn phòng thay vì trải ra khắp các phòng như mọi khi. Thêm vào đó, hãy lên lịch nấu nướng, dọn dẹp thật khoa học để tránh phải bật bếp nấu nướng quá nhiều, gây ra sự bức bí không cần thiết.

    12. Cách nhiệt cho mái nhà

    Đối với các loại nhà phố, do thường chỉ có một mặt tiền, bị bít cả ba phía nên sức nóng của nắng vào nhà chủ yếu là từ phần mái. Điều này có thể được thực hiện bằng cách đóng thêm trần giả với các chất liệu chuyên chống nóng bằng thạch cao, túi xốp hơi cách nhiệt.

    Theo genK/khoahoc.tv

    Kỳ lạ cây gỗ cứng hơn thép, đạn bắn cũng khó thủng

    Khi dùng vật gì đó gõ vào thân cây sẽ phát ra âm thanh “dang dang”, như thể đang gõ vào kim loại. Ngay cả khi dùng đạn bắn, viên đạn chạm vào loài cây kỳ lạ cũng chỉ để lại một vết mờ mờ, không thể bị suy chuyển.

    Trong tự nhiên hoang dã không hiếm những điều kỳ diệu, khiến con người cảm thấy vô cùng thú vị. Nếu như các loại cây không thường được dùng để chế tạo thành đồ nội thất hoặc làm giấy thì có một loài cây kỳ lạ, được mệnh danh là cây cứng hơn thép, đạn bắn cũng không thủng.

    Loài cây này được gọi là cây bạch dương sắt hay bạch dương đen (Sai Black Birch), được mệnh danh là “mộc vương” – vua của các loại cây. Bạch dương sắt được tìm thấy ở Nhật Bản, Hàn Quốc, Nga, Trung Quốc.

    Có thân gỗ cứng gấp đôi các loại thép thông thường, đây được coi là loài cây cứng nhất thế giới. Khi dùng vật gì đó gõ vào thân cây, thân cây sẽ phát ra âm thanh “dang dang”, như thể đang gõ vào kim loại. Ngay cả khi dùng đạn bắn, viên đạn chạm vào cây cũng chỉ để lại một vết mờ mờ, không thể bị suy chuyển.

    Được biết, vì tính chất đặc biệt của mình, bạch dương sắt được sử dụng thay thế kim loại. Loại gỗ của “mộc vương” chìm trong nước nhưng bên trong rất khô ráo. Sự khô ráo này có thể duy trì trong một thời gian dài vì nước không thể thấm vào bên trong.

    Có thể thấy được mật đổ phân tử gỗ của cây bạch dương sắt cực cao, hơn nữa lại có thể chịu hạn, chịu lạnh. Tuy vậy, cũng bởi chất lượng gỗ quá tuyệt vời, bạch dương sắt được nhiều người săn lùng, hiện đã trở thành một loại cây hoang dã quý hiếm, bị đẩy đến bờ vực tuyệt chủng.

    Theo tìm hiểu, gỗ bạch dương sắt vì rất cứng, có thể được sử dụng cho các phụ kiện hàng không, phụ kiện xe hơi, tàu tuần dương, đường ống… Nó cũng được sử dụng thay thế thép, giá không hề rẻ.

    Theo Kienthuc.vn (16/6/2019)

    Mạng 5G ảnh hưởng đến dự báo thời tiết

    Mạng 5G không có ảnh hưởng rõ rệt đối với độ ẩm, nhiệt độ không khí hay gió. Mặc dù vậy, nó có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến công việc dự báo thời tiết.

    Điều gì quan trọng hơn: Có thể nhanh chóng cảnh báo lũ lụt hay dự đoán chính xác thời điểm xảy ra? Một số ý kiến cho rằng, cả hai việc đó quan trọng như nhau. Tuy nhiên, góp phần làm cho dự đoán kém chính xác có thể là mạng 5G, cụ thể hơn là tần số của mạng này.

    Mạng 5G hoạt động trên một số tần số và có thể làm giảm tính chính xác của công việc dự báo thời tiết hiện đại, thậm chí tới 30%. Nếu đạt tới mức đó, chúng ta sẽ lùi đến những năm 80 thế kỷ trước với những dự báo thời tiết không chính xác. Sự cố như vậy dường như đã xảy ra tại Mỹ. Chỉ cần một vài quốc gia gặp sự cố là các mô hình khí hậu toàn cầu sẽ bị nhiễu loạn.

    Mạng 5G và thời tiết có gì liên quan? Mạng 5G không có ảnh hưởng rõ rệt đối với độ ẩm, nhiệt độ không khí hay gió. Mặc dù vậy, nó có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến công việc dự báo thời tiết.

    Ảnh minh họa

    Vấn đề chủ yếu ở đây là cách thu thập dữ liệu cần thiết để lập mô hình khí hậu. Các nhà khí tượng học sử dụng radar vi ba, dựa trên đặc điểm của khí quyển.

    Chẳng hạn, chúng ta hãy xét hơi nước. Các phân tử nước trong không khí không đứng yên một chỗ. Chúng dao động, phát ra tín hiệu yếu ớt trong tần số cao – cụ thể là 23,8 GHz.

    Hoạt động trên tần số này là các radar thời tiết, đo chính xác độ ẩm không khí. Dải tần này cũng được các hệ thống khác theo dõi, trong đó có hệ thống MetOp của Cơ quan Vũ trụ châu Âu ESA, bao gồm 3 radar trên quỹ đạo quanh Trái đất.

    Tần số trên rất gần với dải tần mà trên đó mạng 5G có thể hoạt động. Trong kế hoạch có cả việc khởi động mạng ở dải tần 24 GHz. Sự rối nhiễu và làm hư hỏng dữ liệu về độ ẩm không khí, do vậy, là gần như chắc chắn xảy ra.

    “Chúng tôi muốn chuyển sang tần số 23,8 GHz, nhưng không thể được – ông Jordan Gerth, nhà khí tượng học ở ĐH Winsconsin (Mỹ) cho biết – Đối với chính phủ Mỹ, điều quan trọng là khởi động mạng 5G trong dải tần mà họ cho là ổn định”.

    Các nhà khí tượng học có suy nghĩ khác. Đề xuất hiện nay về phân chia tần số ở Mỹ có thể dẫn tới sự mất mát dữ liệu rất lớn. Các dự đoán sẽ không sử dụng 77% dữ liệu từ các vệ tinh dự báo thời tiết bị động, theo dõi toàn nước Mỹ.

    Mô hình khí hậu, tương tự như các dự đoán khác, hiệu quả hay không là phụ thuộc vào dữ liệu thu thập. Việc mất một phần thông tin làm giảm hiệu quả dự báo thời tiết thậm chí đến 30%. Sự thay đổi thời tiết là hiện tượng phức tạp và rối loạn, đến mức nếu có trong tay siêu máy tính hiện đại và các thiết bị nhạy bén trên quỹ đạo, thì chúng ta cũng không biết dự đoán sự thay đổi thời tiết trong vài ba ngày gần nhất.

    Tuy nhiên, sự việc không đến mức mất hết hi vọng. Ông Gerth nhấn mạnh rằng những người điều hành mạng 5G có thể giảm cường độ các máy phát 5G. Khi đó các sóng sẽ không gây nhiễu đối với các thiết bị khí tượng nhạy bén. NASA và NOAA (Cục Quản lý đại dương và khí quyển Mỹ) cam kết hạn chế rối nhiễu đến mức mà Ủy ban châu Âu và các nhà khí tượng học trên thế giới chấp nhận được.

    Nếu tìm ra giải pháp làm hài lòng tất cả mọi người thì chúng ta sẽ có công thức cho các vấn đề phát sinh tiếp theo. Ủy ban Thương mại Liên bang Mỹ có kế hoạch chia mạng 5G theo các tần số cao tiếp theo. Hiện, các dải tần 36 – 37 GHz (sử dụng để phát hiện mưa và tuyết) đang được rao bán đấu giá. Để theo dõi nhiệt độ, người ta sử dụng các tần số trong khoảng 50,2 – 50,4 GHz, nghiên cứu mây và mưa đá trong khoảng 80 – 90 GHz.

    Theo Giaoducthoidai.vn (20/6/2019)

    Độc đáo máy lọc bụi trong không khí sử dụng năng lượng mặt trời

    0

    Thiết bị lọc bụi trong không khí sử dụng năng lượng mặt trời của Từ Thái Nguyên (học sinh trường THPT Nguyễn Huệ, TP. Huế, tỉnh Thừa Thiên Huế) có nguyên lý hoạt động đơn giản, chi phí rẻ nhưng hiệu quả rất lớn, đặc biệt góp phần làm hạn chế ô nhiễm không khí.


    Máy lọc bụi trong không khí sử dụng năng lượng mặt trời của Từ Thái Nguyên

    Nói về lý do tạo ra thiết bị ý nghĩa này, Nguyễn cho hay hiện có nhiều loại máy lọc khí được chế tạo đa dạng chức năng từ lọc bụi đến các loại khí gây hại cho sức khỏe. Quy mô sử dụng của các loại máy lọc khí biến đổi từ hộ gia đình đến các đường phố ở đô thị của các quốc gia Châu Á, Châu Âu. Tuy nhiên, việc chế tạo và ứng dụng máy lọc khí thích hợp cho Huế vẫn là vấn đề còn bỏ ngỏ.

    “Tại sao mình không làm một chiếc máy lọc không khí dựa trên những gì thế giới đã làm với chi phí rẻ hơn, dễ tiếp cận người dùng hơn và việc ứng dụng cho cuộc sống một cách dễ dàng nhất, nhất là giảm thiểu ô nhiễm môi trường…”- Nguyên nói.

    Sau hai tháng ròng rã đeo bám với đề tài, Nguyên đã thành công. Nguyên đã thiết kế một chiếc máy lọc khí sử dụng cho các đường phố nhờ kế thừa thiết kế đã có của các máy lọc khí. Nhằm tăng lưu lượng không khí được lọc, thiết kế sử dụng 2 động cơ cánh quạt đặt cùng chiều với mục đích một quạt hút, một quạt đẩy không khí. Số tấm lọc có thể được linh hoạt thêm bớt cho phù hợp với tình hình kinh tế của địa phương. Về cơ bản, máy luôn có hai tấm lọc bụi, một tấm lọc bụi thô cỡ sợi tóc và một tấm lọc bụi PM10.

    Các tấm lọc đều được dẫn nước chảy theo chiều thẳng đứng để liên tục làm sạch các tấm lọc bằng hiện tượng rửa trôi. Máy bơm có nhiệm vụ đưa nước từ ô nước sạch tưới vào các tấm lọc. Tấm pin năng lượng mặt trời có vai trò cấp năng lượng điện cho thiết bị hoạt động.

    “Khi có ánh sáng mặt trời, pin năng lượng mặt trời sẽ chuyển hóa năng lượng ánh sáng thành điện năng và cấp điện năng cho thiết bị hoạt động. Quạt đẩy sẽ đẩy không khí vào thiết bị, quạt hút cũng sẽ đồng thời hoạt động để tạo dòng lưu thông của không khí. Qua tấm lọc đầu tiên các hạt bụi thô sẽ bị giữ lại. Dòng khí tiếp tục chuyển động xuyên qua tấm lọc thứ hai sẽ giữ lại các hạt bụi có kích thước nhỏ hơn. Cuối cùng, ta thu được một luồng không khí có ít bụi hơn luồng không khí ban đầu”- Nguyên thông tin.


    Chiếc máy được đặt thử nghiệm lọc bụi trên đường phố

    Quá trình nghiên cứu đề tài, Nguyên đã thu được một số kết quả nhất định. Nguyên đã đưa ra được mô hình thiết kế thiết bị lọc bụi có thể được nâng cấp, thay thế các tấm lọc khí một cách dễ dàng. Phương án sử dụng, đặt để­­­ thiết bị trên một số tuyến đường của thành phố cũng đã được đưa ra. Việc kiểm nghiệm khả năng lọc bụi cũng đã được tiến hành bằng cách sử dụng các sensor cảm biến bụi.

    Điểm mới của đề tài chính là sử dụng một phần phương thức thiết kế của máy lọc khí gia đình để đưa ra một phương án thiết kế máy lọc khí cho không gian lớn là đường phố nhưng vẫn đảm bảo giá thành chế tạo và duy trì thấp. Có thể thấy rằng máy lọc khí gia đình tuy sử dụng năng lượng mặt trời nhưng chỉ phù hợp cho các không gian nhỏ hẹp.

    Các máy lọc khí đô thị đều có giá thành rất cao và chủ yếu sử dụng năng lượng điện từ hệ thống điện lưới mà đây cũng chính là nguyên nhân khiến chi phí duy trì máy không dừng lại ở giá thành chế tạo ban đầu. Kế thừa phương pháp thiết kế của những máy lọc khí nói trên, Nguyên mạnh dạn đưa ra thiết kế thiết bị lọc khí chạy bằng năng lượng mặt trời sử dụng cho các tuyến đường phố.

    “Máy của mình có giá thành rẻ, sử dụng năng lượng mặt trời, dễ lắp đặt, sửa chữa. Khi lắp lên những tuyến đường phố, nó có thể vừa lọc mà cũng có không gian trên máy để quảng cáo. Em cảm thấy hài lòng vì đây là chiếc máy do chính tay em làm ra, góp phần làm sạch không khí nơi em sinh sống. Hiệu quả lọc của nó cũng khiến em bất ngờ. Không khí sau khi lọc giảm 30% mật độ bụi”- Nguyên cho hay.

    Trao đổi thêm với PV, thầy Lân – giáo viên hướng dẫn Nguyên cho biết, Nguyên là học sinh trí tuệ, đam mê khoa học kỹ thuật và ý tưởng của đề tài trên rất tốt. Thiết bị mà đề tài hướng tới sẽ chuyển hóa quang năng thành điện năng rồi thành cơ năng để giữ lại những hạt bụi trong không khí.


    Nguyên nhận giải khoa học kỹ thuật cấp tỉnh

    “Nó có tác dụng vừa để làm không khí trong lành, vừa làm hạ nhiệt độ môi trường xung quanh do phần quang năng chuyển hóa thành nhiệt năng đã phần nào giảm đi. Tuy nhiên, để có thể có hiệu quả thật sự trong không gian rộng lớn xung quanh thì cũng cần phải đào sâu nghiên cứu hơn nữa. Cần nhất là sự chung tay của những chuyên gia trong lĩnh vực cơ – điện tử và môi trường giúp đỡ để nâng tầm cho năng lực của thiết bị…”- thầy Lân nói.

    Sản phẩm của Nguyễn đã được trao giải Tư cuộc thi Sáng tạo Khoa học Kỹ thuật cấp tỉnh năm 2019, giải Ba cuộc thi Sáng tạo Thanh Thiếu niên, Nhi đồ­­­­ng cấp tỉnh năm 2019.

    Nguyên kỳ vọng, thiết bị này sẽ được đặt trên những tuyến đường bộ, thay thế những tấm biển quảng cáo, vừa lọc khí vừa có không gian quảng cáo. Qua đó, giúp em góp một phần nhỏ để không khí được trong lành hơn.

    “Thời gian tới mình sẽ hoàn thiện hơn chiếc máy để dự cuộc thi Sáng tạo Thanh thiếu niên, nhi đồng toàn quốc. Đồng thời, tích hợp thêm các lớp lọc các loại khí có mùi khó chịu và các loại khí độc khác, nghiên cứu gắn thêm hệ thống đèn chiếu tia tử ngoại để khử một số loại vi khuẩn có thể gây hại cho sức khỏe của con người…”- Nguyên bộc bạch.

    Theo Baotainguyenmoitruong.vn (19/6/2019)

    7 mẹo tiết kiệm điện hiệu quả trong ngày hè oi bức

    Cứ mỗi khi hè tới là mỗi chúng ta đều trải qua cảm giác “không tin vào mắt mình” khi nhìn vào hóa đơn điện cuối tháng. Vậy phải làm thế nào để giảm bớt gánh nặng do tiêu thụ điện?

    1. Sử dụng điều hòa, quạt điện tiết kiệm

    Trong những ngày hè nắng nóng thì quạt điện hay máy lạnh, máy điều hòa chắc chắn sẽ là thứ “ngốn” của bạn nhiều tiền điện nhất mỗi tháng. Do đó, việc sử dụng điều hòa thế nào để tiết kiệm điện là một trong những lưu ý hàng đầu của các hộ gia đình.

    Nhiệt độ tốt nhất cho căn phòng là từ 25-27 độ C và nên giữ ổn định suốt quá trình sử dụng. Theo nghiên cứu, nếu giảm nhiệt độ xuống 5 độ C, máy lạnh tiêu tốn thêm tới 40% điện năng, và bạn cũng nên sử dụng cả quạt để lưu thông không khí tốt hơn, qua đó giảm tải bớt cho máy điều hòa.

    Vệ sinh điều hòa cũng là một trong những công việc đáng lưu tâm, vì có rất nhiều người do bận rộn đã vô tình quên đi công việc tưởng chừng như vô cùng đơn giản này. Hệ quả là máy điều hòa bị giảm đáng kể hiệu năng, chạy tốn điện hơn, và cũng nhanh hỏng hóc.

    Cần đặc biệt lưu ý khi sử dụng điều hòa trong các ngày nắng nóng. Nguồn: Internet

    2. Rút nguồn các thiết bị điện tử khi không sử dụng

    Theo thống kê, rất nhiều thiết bị điện tử như máy tính, TV, dàn âm thanh,… vẫn sử dụng điện năng ngay cả khi đã tắt. Tuy con số này là không cao, nhưng hãy tính đến việc chúng tiêu tốn của bạn 24 giờ mỗi ngày và 7 ngày mỗi tuần trong suốt một thời gian dài.

    Tại Mỹ, người ta ước tính các thiết bị tiêu tốn điện khi không sử dụng có thể chạm tới con số 100 USD tại mỗi hộ gia đình, và lên tới 19 tỉ USD mỗi năm trên toàn nước Mỹ theo thống kê vào năm 2016.

    Để hạn chế điều này, hãy rút nguồn tất cả các thiết bị mà bạn không còn sử dụng, bao gồm cả những đồ vật mà chúng ta ít để ý tới như laptop, smartphone, iPad, quạt điện tử, lò vi sóng, và những thiết bị có bộ đếm giờ nói chung.

    3. Tắt bớt bóng đèn điện, hạn chế ánh nắng chiếu trực tiếp vào phòng

    Nếu muốn giảm bớt hóa đơn điện vào những tháng cao điểm, không điều gì hiệu quả hơn chính ý thức của người dân, khi chúng ta nên có trách nhiệm với các thiết bị điện trong nhà. Hãy tắt đồ điện tử khi không sử dụng, tắt bớt đèn khi trời sáng, tắt quạt và điều hòa vào sáng sớm để tận dụng gió mát đầu ngày.

    Bên cạnh đó, các hộ gia đình cũng nên lưu ý việc che chắn cho căn phòng của mình vào những ngày nắng nóng. Qua đó có thể lắp mái/trần cách nhiệt, lắp cửa kính phản quang, hoặc dùng các biện pháp khác nhằm ngăn ánh nắng chiếu rọi trực tiếp vào phòng – khiến tăng mạnh nhiệt độ mà dù có bật điều hòa cũng không thể “tải” nổi.

    4. Mở tủ lạnh nhanh tay, và lưu ý khi đóng

    Một trong những lưu ý nữa đó là hãy nhanh tay mỗi khi mở tủ lạnh, vì tủ lạnh trong những ngày nắng nóng rất nhanh bị mất hơi lạnh khi mở. Và sau đó sẽ phải “gồng” lên hoạt động nhằm bù lại mức nhiệt độ yêu cầu.

    Bên cạnh đó, cần lưu ý đóng khít cánh cửa tủ và tuyệt đối tránh để hở. Lý do là vì nếu không kín, tủ lạnh sẽ phải hoạt động với hiệu suất cao liên tục, chóng hỏng hơn, lại gây đóng băng lên các khe kẽ, mấu nối khiến cho việc sử dụng trở nên rất khó khăn.

    5. Sử dụng đèn LED thay vì đèn Compact để tiết kiệm điện

    Về giá thì bóng đèn LED đắt hơn hẳn so với bóng đèn Compact do công nghệ đèn LED tiên tiến hiện đại hơn. Đây được coi là một trong các yếu tố khiến người tiêu dùng e ngại trong việc lựa chọn mua sản phẩm.

    Tuy nhiên xét về lợi ích kinh tế lâu dài thì bóng đèn LED sẽ tiết kiệm hơn so với bóng đèn Compact bởi sử dụng đèn LED sẽ tiết kiệm năng lượng, giảm đáng kể chi phí tiền điện hàng tháng và các khoản chi phí sửa chữa, thay thế bóng.

    6. Sơn tường, sử dụng đồ vật trong phòng có tông sáng màu

    Một trong những điểm ít được chú ý, nhưng lại mang đến tác dụng không ngờ tới việc tiết kiệm điện, đó là sử dụng sơn tường, nội thất có tông sáng màu trong ngày hè thay vì các màu tối.

    Lý do là vì màu này sẽ giúp phản ánh sáng tốt hơn, và bạn có thể sử dụng một bóng đèn ít tốn điện để thắp cho cả căn phòng một cách dễ dàng. Bên cạnh đó, những tông màu sáng cũng giúp căn phòng đỡ bị tình trạng “hấp nhiệt”, đặc biệt là mỗi khi bị ánh nắng mặt trời chiếu trực tiếp.

    7. Tự chế quạt hơi nước, điều hòa “giá rẻ” thay vì phụ thuộc các thiết bị đắt tiền

    Ngày hè tại nước ta, đặc biệt là miền Bắc với khí hậu khô nóng luôn khiến chúng ta cảm thấy oi bức, ngột ngạt và tìm đến các biện pháp làm mát như quạt phun sương, điều hòa,…

    Tuy nhiên nếu như điều kiện kinh tế không cho phép, hoặc chưa thể lắp điều hòa, bạn đọc có thể tham khảo những tuyệt chiêu độc đáo từng được giới thiệu để làm mát căn phòng thay vì phụ thuộc vào những thiết bị đắt tiền.

    Theo Vietnamnet.vn (11/6/2019)

    Làn sóng trả lại rác và kinh nghiệm quản lý rác hiệu quả của các nước

    Thời gian gần đây, làn sóng từ chối nhập khẩu rác và tuyên bổ trả lại rác của một số nước sau khi những container được đưa vào trong nước với kê khai không trung thực và vi phạm luật môi trường.

    Từ làn sóng từ chối rác nhập khẩu ở Đông Nam Á

    Sau khi Trung Quốc ban hành lệnh cấm nhập khẩu rác, Malaysia đã nổi lên thành điểm đến chính của rác thải nhựa toàn cầu. Hàng chục nhà máy tái chế rác nhựa đã mọc lên ở Malaysia, trong đó nhiều cơ sở hoạt động không có giấy phép. Người dân địa phương đã lên tiếng phàn nàn về vấn đề môi trường mà các nhà máy này gây ra.

    Theo bà Yeo Bee Yin, Bộ trưởng Bộ Năng lượng Khoa học Công nghệ Môi trường và Biến đổi Khí hậu Malaysia, 60 container rác nhập khẩu trái phép vào nước này sẽ được trả lại quốc gia xuất phát.

    “Những container này được đưa vào Malaysia với kê khai không trung thực và vi phạm luật môi trường của chúng tôi”, bà Yeo Bee Yin nói với báo giới sau một chuyến thị sát các lô hàng rác thải trên tại cảng Klang ở ngoại ô thủ đô Kuala Lumpur.

    Trong thời gian tới, Malaysia sẽ trả lại 60 container chứa 3.000 tấn rác thải cho 14 nước, bao gồm cả Australia, Canada và Mỹ.


    Indonesia và Malaysia trả lại các container chứa rác nhập khẩu.

    Bà Yeo Bee Yin nhấn mạnh: “Chúng tôi kêu gọi các nước phát triển xem lại cách thức quản lý rác thải của mình và dừng việc vận chuyển rác sang các nước đang phát triển. Nếu các bạn đưa rác tới Malaysia, chúng tôi sẽ trả lại không khoan nhượng”.

    Cùng với Malaysia, Indonesia – nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á – đã gia nhập cuộc chiến nói không với rác nhập khẩu sau các động thái tương tự của Philippines và Malaysia. Ngày 17/6, Bộ Môi trường & Lâm nghiệp Indonesia thông báo nước này sẽ trả lại 5 container chứa rác thải độc hại về Mỹ.

    Theo thông báo, các container này đã được chuyển lên tàu và sẽ sớm cập cảng của Mỹ, mặc dù ban đầu số container này xuất phát từ Canada. Trước đó, tổng cộng 65 container chứa rác thải được coi là “thân thiện với môi trường” (giấy, gỗ, hàng dệt may và giày dép) đã được chuyển đến Indonesia. Tuy nhiên, sau khi kiểm tra, Indonesia phát hiện có ít nhất 5 container chứa rác thải độc hại.

    Trước đó, Philippines cũng đã đưa 69 container chứa rác thải trở lại Canada. Trong hai năm 2013 và 2014, một công ty của Canada đã chuyển tới Philippines 103 container rác điện tử và rác sinh hoạt. Những container rác này được nhập khẩu vào Philippines dưới “nhãn” nhựa để tái chế, đã mục nát tại một cảng gần Manila trong gần 6 năm qua.

    Động thái trả lại rác của các nước này được đưa ra trong bối cảnh khoảng 180 nước đã nhất trí sửa đổi Công ước Basel 1989-công ước Liên hợp quốc về buôn bán và xử lý chất thải nhựa. Theo Công ước Basel sửa đổi, các loại nhựa thải không phù hợp để tái chế sẽ được bổ sung vào danh sách rác thải cần quản lý và cần phải có sự đồng ý của những nước nhập khẩu trước khi xuất sang các nước này.

    Kinh nghiệm quản lý và xử lý rác tại chỗ của các nước

    Đối mặt với cảnh báo về cuộc khủng hoảng rác thải toàn cầu đang ngày càng nghiêm trọng, rác có thể gây ra những gánh nặng khổng lồ về môi trường cũng như tài chính cho Chính phủ các nước nên các quốc gia lớn trên thế giới đã có những biện pháp quản lý và xử lý rác thải phù hợp với điều kiện riêng.

    Ở Nhật Bản, vấn đề xử lý rác thải và đảm bảo an ninh rác được thực hiện rất hiệu quả nhờ thực hiện thành công hệ thống phân loại rác ngay từ đầu và áp dụng công nghệ xử lý, tái chế rác hiện đại. Theo Waste Atlas, Nhật Bản xả tổng cộng 45.360.000 tấn rác mỗi năm, xếp thứ 8 trên thế giới. Do không có nhiều đất để chôn rác như Mỹ và Trung Quốc, Nhật Bản buộc phải dựa vào giải pháp khác là đốt rác.

    Đáng chú ý, với mục tiêu “không rác thải” vào năm 2020, người dân tại Kamikatsu của Nhật Bản đã nỗ lực để phân loại rác thành 45 loại và chuyển đến một cơ sở của địa phương. Người dân tại thị trấn này chia ra tới 45 loại rác khác nhau trước khi mang đi xử lý. Thậm chí thị trấn này còn không có điểm tập kết rác. Theo đó, 1.500 người dân của thị trấn ở miền Tây Nhật Bản đã tự vận chuyển rác thải của họ tới một cơ sở xử lý rác của địa phương.

    Vào năm 2000, thị trấn Kamikatsu nhận được chỉ thị phải đóng cửa một lò đốt rác do không đảm bảo được các tiêu chuẩn khắt khe về môi trường. Do vậy, thị trấn này chỉ còn một lò đốt rác và không thể xử lý hết tất cả rác thải của địa phương. Trong khi đó, thị trấn lại không có đủ tiền để xây dựng một lò đốt rác mới hoặc thuê lò đốt của các địa phương lân cận.

    “Chúng tôi nghĩ, nếu không thể đốt rác trong thị trấn thì hãy tái chế chúng. Việc tái chế còn rẻ hơn là mang đi đốt”, quan chức thị trấn có tên Midori Suga cho biết. Nhờ động lực này, hiện Kamikatsu đã tiến rất gần tới mục tiêu của họ, khi tái chế gần 80% trong tổng lượng 286 tấn rác thải phát sinh trong năm 2017, cao hơn rất nhiều so với tỷ lệ trung bình của quốc gia là 20%.

    Còn tại Hàn Quốc, cách quản lý chất thải giống với Nhật Bản, nhưng cách xử lý rác thải lại giống ở Đức. Rác hữu cơ nhà bếp một phần được sử dụng làm giá thể nuôi trồng nấm thực phẩm, phần lớn hơn được chôn lấp có kiểm soát để thu hồi khí biôga cung cấp cho phát điện. Sau khi rác tại hố chôn phân huỷ hết, tiến hành khai thác mùn ở bãi chôn làm phân bón.

    Như vậy, tại các nước phát triển việc phân loại rác tại nguồn đã được tiến hành cách đây khoảng 30 năm và đến nay cơ bản đã thành công trong việc tách rác thành 2 dòng hữu cơ dễ phân huỷ được thu gom xử lý hàng ngày, rác khó phân huỷ có thể tái chế hoặc đốt, chôn lấp an toàn được thu gom hàng tuần.

    Tại Đông Nam Á, Singapore đã thành công trong quản lý và xử lý rác thải rắn để bảo vệ môi trường. Chính phủ Singapore đang yêu cầu tăng tỷ lệ tái chế thông qua phân loại rác tại nguồn từ các hộ gia đình, các chợ, các cơ sở kinh doanh để giảm chi ngân sách cho Nhà nước.

    Nhiều quốc gia cũng đang trong quá trình tìm kiếm hoặc triển khai mới mô hình quản lý chất thải rắn. Trong khi đó, tại Bangkok (Thái Lan), việc phân loại rác tại nguồn chỉ mới thực hiện được tại một số trường học và một số quận trung tâm để tách ra một số loại bao bì dễ tái chế, lượng rác còn lại vẫn đang phải chôn lấp, tuy nhiên được ép chặt để giảm thể tích và cuốn nilon rất kỹ xung quanh mỗi khối rác để giảm bớt ô nhiễm.

    Ở Đan Mạch, các chính quyền địa phương chịu trách nhiệm thu gom và xử lý rác thải. Luật của Đan Mạch cấm đốt những chất thải có thể tái chế được. Các địa phương có thể đổ chất thải có thể tái chế được ở những trung tâm tái chế, mà không phải trả lệ phí. Tuy nhiên, họ sẽ bị phạt nặng nếu đưa chất thải có thể tái chế được vào lò đốt. Ở thành phố Horsholm (Đan Mạch), chỉ có 4% rác thải được đưa tới bãi rác và 1%, gồm hoá chất, sơn và chất thải điện tử, được chuyển tới bãi chôn rác đặc biệt. 61% chất thải của thành phố được tái chế và 34% được đốt trong nhà máy biến chất thải thành năng lượng.

    Australia là một trong những quốc gia thải rác nhiều nhất thế giới. Nếu không tính đến Mỹ, Australia thải ra một lượng rác mỗi năm nhiều hơn bất kỳ quốc gia nào. Ước tính một người dân ở Australia mỗi ngày thải ra 3kg rác. Chất thải này có thể ở dạng rắn, lỏng hoặc khí. Nằm ở miền nam Australia, Adelaide được coi là một trong thành phố đáng sống nhất thế giới. 85% rác thải được thành phố tái chế. Đây cũng là một trong những thành phố có môi trường bền vững nhất Australia.

    Tại Mỹ, Cơ quan Bảo vệ Môi trường (EPA) quy định về tất cả các loại phế thải theo Đạo luật Bảo tồn và Phục hồi Tài nguyên năm 1976 (RCRA). Chất thải rắn có thể bao gồm cả rác thải và bùn từ các nhà máy xử lý nước thải và các loại phế thải khác từ các hoạt động công nghiệp. RCRA bao gồm xử lý các loại chất thải rắn, chất thải độc hại, khuyến khích các cá nhân, tổ chức xây dựng những kế hoạch toàn diện để quản lý chất thải. Các công ty quản lý phải đảm bảo kinh phí bảo vệ môi trường trong suốt toàn bộ vòng đời của một bãi chôn lấp rác thải. Đối với chất thải rắn được tái chế hay biến thành phân bón để cải tạo đất đã giúp giảm lượng khí thải carbon dioxide.

    Theo Mai Anh/moitruong.com.vn (19/6/2019)