Thời gian gần đây, làn sóng từ chối nhập khẩu rác và tuyên bổ trả lại rác của một số nước sau khi những container được đưa vào trong nước với kê khai không trung thực và vi phạm luật môi trường.

Từ làn sóng từ chối rác nhập khẩu ở Đông Nam Á

Sau khi Trung Quốc ban hành lệnh cấm nhập khẩu rác, Malaysia đã nổi lên thành điểm đến chính của rác thải nhựa toàn cầu. Hàng chục nhà máy tái chế rác nhựa đã mọc lên ở Malaysia, trong đó nhiều cơ sở hoạt động không có giấy phép. Người dân địa phương đã lên tiếng phàn nàn về vấn đề môi trường mà các nhà máy này gây ra.

Theo bà Yeo Bee Yin, Bộ trưởng Bộ Năng lượng Khoa học Công nghệ Môi trường và Biến đổi Khí hậu Malaysia, 60 container rác nhập khẩu trái phép vào nước này sẽ được trả lại quốc gia xuất phát.

“Những container này được đưa vào Malaysia với kê khai không trung thực và vi phạm luật môi trường của chúng tôi”, bà Yeo Bee Yin nói với báo giới sau một chuyến thị sát các lô hàng rác thải trên tại cảng Klang ở ngoại ô thủ đô Kuala Lumpur.

Trong thời gian tới, Malaysia sẽ trả lại 60 container chứa 3.000 tấn rác thải cho 14 nước, bao gồm cả Australia, Canada và Mỹ.


Indonesia và Malaysia trả lại các container chứa rác nhập khẩu.

Bà Yeo Bee Yin nhấn mạnh: “Chúng tôi kêu gọi các nước phát triển xem lại cách thức quản lý rác thải của mình và dừng việc vận chuyển rác sang các nước đang phát triển. Nếu các bạn đưa rác tới Malaysia, chúng tôi sẽ trả lại không khoan nhượng”.

Cùng với Malaysia, Indonesia – nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á – đã gia nhập cuộc chiến nói không với rác nhập khẩu sau các động thái tương tự của Philippines và Malaysia. Ngày 17/6, Bộ Môi trường & Lâm nghiệp Indonesia thông báo nước này sẽ trả lại 5 container chứa rác thải độc hại về Mỹ.

Theo thông báo, các container này đã được chuyển lên tàu và sẽ sớm cập cảng của Mỹ, mặc dù ban đầu số container này xuất phát từ Canada. Trước đó, tổng cộng 65 container chứa rác thải được coi là “thân thiện với môi trường” (giấy, gỗ, hàng dệt may và giày dép) đã được chuyển đến Indonesia. Tuy nhiên, sau khi kiểm tra, Indonesia phát hiện có ít nhất 5 container chứa rác thải độc hại.

Trước đó, Philippines cũng đã đưa 69 container chứa rác thải trở lại Canada. Trong hai năm 2013 và 2014, một công ty của Canada đã chuyển tới Philippines 103 container rác điện tử và rác sinh hoạt. Những container rác này được nhập khẩu vào Philippines dưới “nhãn” nhựa để tái chế, đã mục nát tại một cảng gần Manila trong gần 6 năm qua.

Động thái trả lại rác của các nước này được đưa ra trong bối cảnh khoảng 180 nước đã nhất trí sửa đổi Công ước Basel 1989-công ước Liên hợp quốc về buôn bán và xử lý chất thải nhựa. Theo Công ước Basel sửa đổi, các loại nhựa thải không phù hợp để tái chế sẽ được bổ sung vào danh sách rác thải cần quản lý và cần phải có sự đồng ý của những nước nhập khẩu trước khi xuất sang các nước này.

Kinh nghiệm quản lý và xử lý rác tại chỗ của các nước

Đối mặt với cảnh báo về cuộc khủng hoảng rác thải toàn cầu đang ngày càng nghiêm trọng, rác có thể gây ra những gánh nặng khổng lồ về môi trường cũng như tài chính cho Chính phủ các nước nên các quốc gia lớn trên thế giới đã có những biện pháp quản lý và xử lý rác thải phù hợp với điều kiện riêng.

Ở Nhật Bản, vấn đề xử lý rác thải và đảm bảo an ninh rác được thực hiện rất hiệu quả nhờ thực hiện thành công hệ thống phân loại rác ngay từ đầu và áp dụng công nghệ xử lý, tái chế rác hiện đại. Theo Waste Atlas, Nhật Bản xả tổng cộng 45.360.000 tấn rác mỗi năm, xếp thứ 8 trên thế giới. Do không có nhiều đất để chôn rác như Mỹ và Trung Quốc, Nhật Bản buộc phải dựa vào giải pháp khác là đốt rác.

Đáng chú ý, với mục tiêu “không rác thải” vào năm 2020, người dân tại Kamikatsu của Nhật Bản đã nỗ lực để phân loại rác thành 45 loại và chuyển đến một cơ sở của địa phương. Người dân tại thị trấn này chia ra tới 45 loại rác khác nhau trước khi mang đi xử lý. Thậm chí thị trấn này còn không có điểm tập kết rác. Theo đó, 1.500 người dân của thị trấn ở miền Tây Nhật Bản đã tự vận chuyển rác thải của họ tới một cơ sở xử lý rác của địa phương.

Vào năm 2000, thị trấn Kamikatsu nhận được chỉ thị phải đóng cửa một lò đốt rác do không đảm bảo được các tiêu chuẩn khắt khe về môi trường. Do vậy, thị trấn này chỉ còn một lò đốt rác và không thể xử lý hết tất cả rác thải của địa phương. Trong khi đó, thị trấn lại không có đủ tiền để xây dựng một lò đốt rác mới hoặc thuê lò đốt của các địa phương lân cận.

“Chúng tôi nghĩ, nếu không thể đốt rác trong thị trấn thì hãy tái chế chúng. Việc tái chế còn rẻ hơn là mang đi đốt”, quan chức thị trấn có tên Midori Suga cho biết. Nhờ động lực này, hiện Kamikatsu đã tiến rất gần tới mục tiêu của họ, khi tái chế gần 80% trong tổng lượng 286 tấn rác thải phát sinh trong năm 2017, cao hơn rất nhiều so với tỷ lệ trung bình của quốc gia là 20%.

Còn tại Hàn Quốc, cách quản lý chất thải giống với Nhật Bản, nhưng cách xử lý rác thải lại giống ở Đức. Rác hữu cơ nhà bếp một phần được sử dụng làm giá thể nuôi trồng nấm thực phẩm, phần lớn hơn được chôn lấp có kiểm soát để thu hồi khí biôga cung cấp cho phát điện. Sau khi rác tại hố chôn phân huỷ hết, tiến hành khai thác mùn ở bãi chôn làm phân bón.

Như vậy, tại các nước phát triển việc phân loại rác tại nguồn đã được tiến hành cách đây khoảng 30 năm và đến nay cơ bản đã thành công trong việc tách rác thành 2 dòng hữu cơ dễ phân huỷ được thu gom xử lý hàng ngày, rác khó phân huỷ có thể tái chế hoặc đốt, chôn lấp an toàn được thu gom hàng tuần.

Tại Đông Nam Á, Singapore đã thành công trong quản lý và xử lý rác thải rắn để bảo vệ môi trường. Chính phủ Singapore đang yêu cầu tăng tỷ lệ tái chế thông qua phân loại rác tại nguồn từ các hộ gia đình, các chợ, các cơ sở kinh doanh để giảm chi ngân sách cho Nhà nước.

Nhiều quốc gia cũng đang trong quá trình tìm kiếm hoặc triển khai mới mô hình quản lý chất thải rắn. Trong khi đó, tại Bangkok (Thái Lan), việc phân loại rác tại nguồn chỉ mới thực hiện được tại một số trường học và một số quận trung tâm để tách ra một số loại bao bì dễ tái chế, lượng rác còn lại vẫn đang phải chôn lấp, tuy nhiên được ép chặt để giảm thể tích và cuốn nilon rất kỹ xung quanh mỗi khối rác để giảm bớt ô nhiễm.

Ở Đan Mạch, các chính quyền địa phương chịu trách nhiệm thu gom và xử lý rác thải. Luật của Đan Mạch cấm đốt những chất thải có thể tái chế được. Các địa phương có thể đổ chất thải có thể tái chế được ở những trung tâm tái chế, mà không phải trả lệ phí. Tuy nhiên, họ sẽ bị phạt nặng nếu đưa chất thải có thể tái chế được vào lò đốt. Ở thành phố Horsholm (Đan Mạch), chỉ có 4% rác thải được đưa tới bãi rác và 1%, gồm hoá chất, sơn và chất thải điện tử, được chuyển tới bãi chôn rác đặc biệt. 61% chất thải của thành phố được tái chế và 34% được đốt trong nhà máy biến chất thải thành năng lượng.

Australia là một trong những quốc gia thải rác nhiều nhất thế giới. Nếu không tính đến Mỹ, Australia thải ra một lượng rác mỗi năm nhiều hơn bất kỳ quốc gia nào. Ước tính một người dân ở Australia mỗi ngày thải ra 3kg rác. Chất thải này có thể ở dạng rắn, lỏng hoặc khí. Nằm ở miền nam Australia, Adelaide được coi là một trong thành phố đáng sống nhất thế giới. 85% rác thải được thành phố tái chế. Đây cũng là một trong những thành phố có môi trường bền vững nhất Australia.

Tại Mỹ, Cơ quan Bảo vệ Môi trường (EPA) quy định về tất cả các loại phế thải theo Đạo luật Bảo tồn và Phục hồi Tài nguyên năm 1976 (RCRA). Chất thải rắn có thể bao gồm cả rác thải và bùn từ các nhà máy xử lý nước thải và các loại phế thải khác từ các hoạt động công nghiệp. RCRA bao gồm xử lý các loại chất thải rắn, chất thải độc hại, khuyến khích các cá nhân, tổ chức xây dựng những kế hoạch toàn diện để quản lý chất thải. Các công ty quản lý phải đảm bảo kinh phí bảo vệ môi trường trong suốt toàn bộ vòng đời của một bãi chôn lấp rác thải. Đối với chất thải rắn được tái chế hay biến thành phân bón để cải tạo đất đã giúp giảm lượng khí thải carbon dioxide.

Theo Mai Anh/moitruong.com.vn (19/6/2019)