28.4 C
Hanoi
Thứ Tư, Tháng 7 9, 2025
More
    Home Blog Page 452

    Khắc phục thẻ vàng cho thủy sản Việt Nam: Nhiều tín hiệu vui

    Các biện pháp nhằm khắc phục thẻ vàng cảnh cáo từ EC đối với thủy sản Việt Nam đang được triển khai tích cực, hiệu quả.

    Mới đây, Ủy ban châu Âu (EC) ra thông báo “thẻ vàng” đối với thủy sản Việt Nam. Theo cảnh báo này, trong khoảng thời gian từ 23/10/2017 đến 23/4/2018, nếu Việt Nam không khắc phục được những thiếu sót theo khuyến nghị về chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU) thì EC sẽ rút “thẻ đỏ”, đồng nghĩa việc các mặt hàng thủy sản của Việt Nam bị cấm xuất khẩu sang thị trường Liên minh châu Âu.

    Nhận rõ tính chất cấp bách của vụ việc có thể ảnh hưởng nặng nề đến lĩnh vực quan trọng này, trong thời gian qua, Chính phủ, Bộ NN&PTNT, các địa phương đã có những hành động hết sức quyết liệt để các nước trên thế giới thấy rằng Việt Nam không dung túng, làm ngơ cho khai thác bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU) nhằm bảo đảm việc khai thác thủy sản có trách nhiệm.

    Sau nhiều chỉ đạo cụ thể (Công điện 732/CĐ-TTg ngày 28/5/2017; Chỉ thị số 45/CT-TTg ngày 13/12/2017), ngày 16/1/2018, Thủ tướng Chính phủ có quyết định phê duyệt Kế hoạch hành động quốc gia nhằm ngăn chặn, giảm thiểu và loại bỏ khai thác hải sản IUU đến năm 2025.

    Mục tiêu của kế hoạch nhằm ngăn chặn tiến tới loại bỏ hoạt động khai thác IUU của tổ chức, cá nhân Việt Nam và nước ngoài trên các vùng biển Việt Nam; thúc đẩy phát triển nghề cá bền vững, có trách nhiệm, góp phần đảm bảo an ninh quốc gia, khu vực và hội nhập quốc tế; chấm dứt tình trạng tàu cá, ngư dân Việt Nam khai thác hải sản trái phép tại vùng biển các nước.

    Nhiệm vụ tập trung thực hiện đến tháng 4/2018 bao gồm: Rà soát, sửa đổi và bổ sung các văn bản liên quan đến khai thác IUU theo hướng tăng cường hiệu quả kiểm soát khai thác IUU, phù hợp với một số khuyến nghị của EC và thực tiễn quản lý tại Việt Nam; rà soát, bổ sung nghề, vùng biển, loài thủy sản cấm khai thác, cấm có thời hạn.

    Cùng với chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ NN&PTNT ban hành Công văn số 412/BNN-TCTS gửi UBND các tỉnh, thành phố ven biển về việc xử lý tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài. Theo công văn này, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố ven biển chỉ đạo cơ quan có thẩm quyền tại địa phương áp dụng các hình thức xử phạt cao nhất đối với chủ tàu, thuyền trưởng vi phạm, xử lý nghiêm đối với các tổ chức, cá nhân môi giới đưa tàu cá và ngư dân đi khai thác hải sản trái phép ở vùng biển nước ngoài.

    Bộ NN&PTNT cũng xây dựng kế hoạch hành động và triển khai quyết liệt nhiều nhóm giải pháp khắc phục “thẻ vàng”. Theo đó, với nhóm giải pháp hoàn thiện thể chế, Luật Thủy sản (sửa đổi) vừa được ban hành đã tiếp thu tối đa các khuyến nghị của EC về khai thác IUU.


    Hoạt động khắc phục thẻ vàng của EC đối với thủy sản Việt Nam đã có nhiều kết quả tích cực. Ảnh: CafeF

    Cụ thể, quy định các hành vi khai thác IUU và chế tài nghiêm khắc đối với chủ tàu, thuyền trưởng vi phạm, mức xử phạt cao nhất gấp 7 lần giá trị thủy sản khai thác bất hợp pháp (cá nhân có thể bị phạt tới 1 tỷ đồng); thu hồi giấy phép khai thác đối với cá nhân, tổ chức khai thác trái phép ở vùng biển ngoài Việt Nam; bắt buộc chủ tàu đánh bắt xa bờ có chiều dài từ 15 m trở lên (đặc biệt là các tàu trên 24 m) phải lắp đặt thiết bị giám sát hành trình theo quy định và yêu cầu mở máy liên lạc 24/24h để giám sát hoạt động khai thác trên các vùng biển…

    Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, nhiều tỉnh đã ban hành các biện pháp nhằm xử lý mạnh việc khai thác IUU. Tỉnh Quảng Bình triển khai kế hoạch kiểm tra 100% tàu cá xuất/nhập bến theo khuyến cáo của EC. Cụ thể: 100% tàu cá được kiểm tra hồ sơ giấy tờ, thực tế khi tàu xuất bến, chú trọng tàu lưới kéo, tàu có dấu hiệu nghi ngờ đánh bắt hải sản ở vùng biển nước ngoài; 100% tàu cá được kiểm tra, giám sát, khai báo khi cập cảng cá sông Gianh, Nhật Lệ; kiểm tra, thanh tra tại cảng cá ít nhất 20% sản lượng lên bến đối với cá ngừ; 5% sản lượng lên bến đối với các sản phẩm khai thác khác theo khuyến nghị của EC cùng với việc kiểm tra, phát hiện, ngăn chặn và xử lý các vi phạm trên biển.

    Tại Kiên Giang, UBND tỉnh yêu cầu cơ quan chức năng thanh tra tại cảng cá ít nhất 20% sản lượng lên bến đối với cá ngừ, 5% sản lượng lên bến đối với sản phẩm khai thác, 10% sản lượng lên bến của tàu vận chuyển nước ngoài nhập thủy sản nguyên liệu vào Kiên Giang. Ngày 25 hằng tháng, công bố công khai danh sách tàu cá và chủ tàu vi phạm về chống khai thác IUU, cập nhật danh sách tàu cá, chủ tàu và địa phương có tàu cá vi phạm. Không cấp giấy phép khai thác thủy sản, không cho đóng mới đối với chủ tàu có tàu cá vi phạm; tàu cá bị bắt giữ nếu được chuộc, được thả hoặc trốn về nước bị tạm dừng chuyển quyền sở hữu và tước quyền giấy phép khai thác thủy sản 6 tháng; tàu cá vi phạm không được hưởng các chính sách hỗ trợ của Nhà nước.

    Buộc chủ tàu cá và thuyền trưởng khai thác hải sản xa bờ ký cam kết không khai thác hải sản trái phép vùng biển nước ngoài; thực hiện ghi nhật ký khai thác, báo cáo khai thác, lắp đặt, vận hành thiết bị giám sát hành trình theo quy định, bật thiết bị liên lạc 24/24 giờ và kết nối với trạm bờ của chi cục thủy sản…

    Tại Khánh Hòa, khi tàu cá về cảng, Chi cục Thủy sản tỉnh cử cán bộ đến tận cảng để lấy thông tin. Nếu phát hiện tàu cá vi phạm, Chi cục sẽ không cấp phép và không cho tàu đó hưởng các chính sách của Nhà nước. Nếu tàu cá tái phạm sẽ bị thu hồi giấy phép vĩnh viễn…

    Theo đánh giá của Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Vũ Văn Tám, đến thời điểm này, việc khắc phục “thẻ vàng” của EC đã có nhiều kết quả khả quan. Tình trạng các tàu cá đánh bắt bất hợp pháp đã giảm.

    Tại lễ mừng xuất khẩu thủy sản Việt Nam hoàn thành kế hoạch 8 tỷ USD năm 2017 tổ chức ở TPHCM ngày 14/1, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) đã công bố “Sách Trắng về chống khai thác thủy sản bất hợp pháp ở Việt Nam”.

    Đây là cuốn sách tập hợp các thông tin cơ bản về khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định.

    Cuốn sách gồm 5 chương, được biên soạn bằng tiếng Việt và tiếng Anh, trong đó, giới thiệu chi tiết từ tổng quan ngành thủy sản Việt Nam, những quy định và thực tế áp dụng, bối cảnh thẻ vàng với Việt Nam và những nỗ lực khắc phục; kế hoạch hành động dài hạn chống khai thác IUU của Chính phủ Việt Nam và các khuyến nghị đối với các bên liên quan trong chuỗi giá trị hải sản.

    Thông qua cuốn sách này, hy vọng Ủy ban châu Âu (EC) sẽ nắm bắt đầy đủ thông tin, tin tưởng và ghi nhận những nỗ lực cải thiện của Việt Nam, cùng với đánh giá thực tế hy vọng EC sẽ sớm rút lại “thẻ vàng” cho Việt Nam.

    Theo Vietq

    Sửa đổi QCVN về tương thích điện từ: Sản phẩm gia dụng nào sẽ được áp chuẩn?

    Nhằm nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, phù hợp với xu thế hội nhập quốc tế và tình hình thực tế, Bộ Khoa học và Công nghệ đã nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung QCVN 9:2012 về tương thích điện từ.

    Theo nội dung dự thảo QCVN 9 sửa đổi, phạm vi điều chỉnh sẽ không áp dụng cho thiết bị điện, điện tử sử dụng nguồn điện ba pha. Tuy nhiên, quy chuẩn sẽ bổ sung thêm 4 nhóm sản phẩm cần quản lý theo từng giai đoạn, cụ thể: Máy sấy tóc; Lò vi sóng (kể cả loại kết hợp) sẽ áp dụng QCVN từ tháng 7/2019; Thiết bị đun nấu (loại điện từ); Bếp điện (bếp điện quang, bếp điện từ) sẽ áp dụng QCVN từ tháng 7/2020 và Máy xay sinh tố, máy ép trái cây, máy xay thịt, máy đánh trứng sẽ phải đáp ứng các yêu cầu của QCVN trước khi lưu thông trên thị trường từ tháng 7/2021.

    Máy sấy tóc, máy xay sinh tố… là những sản phẩm gia dụng sẽ phải áp quy chuẩn QCVN 9 sửa đổi.

    Việc ban hành QCVN 9 sửa đổi sẽ là một công cụ kỹ thuật hiệu quản kiểm soát, loại trừ hoặc hạn chế các nguy cơ có thể xảy ra gây mất an toàn cho hạ tầng cơ sở (mạng thông tin, viễn thông, điều khiển, mạng điện…), cũng như bảo vệ môi trường tài nguyên (dải tần số vô tuyến), đồng thời nhằm bảo đảm sự hoạt động ổn định của các thiết bị, phòng tránh các sự cố gây ra do tương tác, can nhiễu quá mức khiến các thiết bị hoạt động sai lệch, không đúng tính năng hoặc nghiêm trọng hơn, làm tê liệt hoặc hư hỏng.

    Theo Vụ Tiêu chuẩn – Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng ( Bộ KH&CN), trên thế giới, hệ thống tiêu chuẩn của Ủy ban Kỹ thuật điện Quốc tế – IEC được đánh giá là khá đầy đủ, đồng thời hệ thống tiêu chuẩn này vẫn đang được tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện. Hầu hết các nước trên thế giới đều tuân theo các tiêu chuẩn này. Các tài liệu của IEC được chia thành 2 nhóm chính:

    Các tiêu chuẩn tương thích điện từ cơ bản: Các tiêu chuẩn cơ bản của IEC qui định các điều kiện hoặc các nguyên tắc chung để đạt được sự tương thích điện từ. Các tiêu chuẩn này được bao gồm trong các bộ tiêu chuẩn IEC 61000 hoặc CISPR x.

    Các tiêu chuẩn áp dụng cho các sản phẩm: Chúng có thể là các tiêu chuẩn tương thích điện từ chung hoặc tiêu chuẩn tương thích điện từ cho một sản phẩm cụ thể, đó là các nguyên tắc áp dụng các tiêu chuẩn cơ bản cụ thể.

    CISPR 16 gồm 14 tiêu chuẩn qui định thiết bị và các phương pháp đo nhiễu và khả năng miễn nhiễm đối với chúng ở các tần số trên 9 kHz. CISPR 16-1 bao gồm 5 phần, qui định điện áp, dòng điện và dụng cụ đo trường cho các loại nhiễu băng rộng và hẹp ở các tần số này, bao gồm các đặc tính kỹ thuật cho thiết bị chuyên biệt cần để đo nhiễu liên tục.

    CISPR 22 là tiêu chuẩn về họ sản phẩm của IEC. Tiêu chuẩn quốc tế CISPR 22 “Information technolory equipment – Radio disturbance characteristics – Limits and methods of measurement” đề cập cụ thể đến giới hạn và phương pháp đo đặc tính nhiễu vô tuyến của thiết bị công nghệ thông tin. Tiêu chuẩn CISPR 22 đã được bổ sung cập nhật trong các phiên bản đã ban hành gần đây nhất.

    CISPR 25 đưa ra các giới hạn nhiễu vô tuyến và phương pháp đo kiểm để bảo vệ máy thu trên tàu thuyền.

    CISPR 11 đề cập đặc tính nhiễu điện từ, phương pháp đo nhiễu đối với các thiết bị vô tuyến dùng trong công nghiệp, y tế và khoa học.

    Các tiêu chuẩn của IEC thường là các tiêu chuẩn cơ bản dùng chung, đề cập tới các giới hạn nhiễu, miễn nhiễm và phương pháp đo kiểm đối với các họ thiết bị, hệ thống.

    Nhìn chung, các sản phẩm điện, điện tử tiêu thụ trên thị trường của các nước thành viên EU, Mỹ, Úc đều phải được chứng nhận về EMC.

    Ở các nước khác trong khối ASEAN, việc chứng nhận về EMC đang áp dụng theo hình thức tự nguyện, chỉ có Thái Lan đang áp dụng theo hình thức bắt buộc chứng nhận EMC theo CISPR 15 đối với sản phẩm chiếu sáng. Hiện nay, tổ chức này cũng đang đưa ra xem xét việc quản lý EMC cho các sản phẩm thiết bị, điện điện tử trong thời gian tới.

    Theo Vietq

    Mỹ “nâng cấp” gỗ thành vật liệu cứng hơn titan

    Nhóm giáo sư thuộc Đại học Maryland Mỹ đã nghiên cứu thành công cách để gia cường gỗ thành một vật liệu có độ cứng hơn thép và thậm chí là hợp kim titan.

    Việc gia cường làm gỗ cứng gấp nhiều lần thép, hay thậm chí là hợp kim titan, mở ra hy vọng cho việc áp dụng vào xây dựng, sản xuất ô tô và máy bay.

    Phương pháp mới này được công bố trong một nghiên cứu do phó giáo sư Liangbing Hu (Đại học Maryland) đứng đầu, giúp làm gỗ cứng hơn khoảng 10 lần và bền hơn 12 lần so với gỗ tự nhiên.


    Khối gỗ được gia cường sau khi ép chặt có độ cứng hơn titan – Ảnh: Internet

    “Vật liệu này có thể cạnh tranh với thép, hợp kim titan vì nó rất cứng và bền. Thậm chí còn có thể ngang với hợp chất carbon, nhưng lại có giá thành rẻ hơn,” vị phó giáo sư cho biết.

    Quy trình tạo ra gỗ siêu cứng như sau: Đầu tiên, lignin, một chất hữu cơ trong thực vật khiến gỗ có màu nâu, được loại bỏ bằng hóa chất. Thực chất việc làm này khá đơn giản, chỉ là bước tương tự trong sản xuất bột giấy.

    Sau đó, các nhà khoa học nén khối gỗ ở nhiệt độ 100 độ C trong khoảng một ngày, làm cho nó mỏng hơn 5 lần so với kích thước ban đầu. Các nhà nghiên cứu cho hay hành động này khiến các sợi gỗ ép chặt vào nhau, không có bất kỳ điểm hở nào.

    Một bước khác trong quá trình xử lý là sơn một lớp bên ngoài bề mặt gỗ.

    “Các sợi gỗ được ép chặt với nhau để chúng có thể tạo thành các liên kết hydro mạnh, như là một đám đông người ních chặt với nhau bằng cách nắm tay”, nhóm khoa học Mỹ giải thích.

    Giáo sư Teng Li, người đồng dẫn đầu nghiên cứu vật liệu này cho hay là do đặc tính cơ học của gỗ khiến nó cứng như thép và nhẹ hơn vật liệu này 6 lần.

    Thành công này giúp đem lại triển vọng cho việc phát triển hàng loạt các loạt vật liệu bền chắc, kích thước và trọng lượng nhỏ gọn, giá thành hợp lý và thân thiện với môi trường.

    Nhóm nghiên cứu thậm chí đã thử dùng súng bắn vào khối gỗ gia cường nhưng viên đạn không thể xuyên qua khối gỗ.

    Theo motthegioi.vn

    Nâng cao chất lượng, màu sắc nông sản nhờ ứng dụng màng sinh học

    Các nhà nghiên cứu khoa học đã tạo ra các chế phẩm sinh học để bảo quản sản phẩm, giúp chất lượng và màu sắc các sản phẩm được đảm bảo.

    Ngày nay vấn đề an toàn thực phẩm luôn là một vấn đề nóng và nhận được nhiều sự quan tâm của các cơ quan chức năng quản lý nhà nước lẫn người dân; việc các thực phẩm sử dụng hóa chất bảo quản, trái cây, rau quả sử dụng hóa chất để bảo quản giữ tười lâu hơn; nhưng những chất bảo quản này rất có hại cho sức khỏe người tiêu dùng, nhưng vì lợi nhuận bất chấp tác hại của chúng người buôn bán vẫn sử dụng. Việc sử dụng những sản phẩm sạch, các chế phẩm sinh học để bảo quản sản phẩm đang được sự quan tâm hàng đầu của các nhà nghiên cứu khoa học.

    Cam Canh Lục Ngạn bảo quản bằng màng sinh học chitosan sau 16 ngày vẫn cho màu sắc, chất lượng tốt. Ảnh Sở KH&CN Bắc Giang

    Trên cơ sở các kết quả nghiên cứu, mới đây nhóm tác giả của Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội đã tổ chức tập huấn kỹ thuật ứng dụng màng sinh học chitosan kết hợp với axit axetic để bảo quản cam đường Canh tại tỉnh Bắc Giang.

    Đơn vị này cũng đã tiến hành thí nghiệm bảo quản cam đường Canh với 4 công thức đối chứng lần lượt là: Không nhúng qua dung dịch chitosan, nhúng qua dung dịch với nồng độ 1%, nhúng qua dung dịch với nồng độ 1,5%, nhúng qua dung dịch với nồng độ 2%, kết quả cho thấy thí nghiệm nhúng cam Canh qua dung dịch có nồng độ 1,5% cho kết quả tốt nhất, màu sắc và hàm lượng đường có sự biến đổi ít nhất. Với công thức này, có thể bảo quản quả cam trong thời gian lên tới 45 ngày.

    Chitosan là chất xơ có nguồn gốc động vật. Tiền thân của chitosan chính là chitin có nhiều trong vỏ của động vật giáp xác, ở động vật thân mềm, côn trùng và một số loại nấm. Việc sử dụng màng chitosan giúp ngăn nấm mốc, vi khuẩn thâm nhập vào quả cam. Do đó thời gian bảo quản lâu hơn, chất lượng và màu sắc được đảm bảo.

    Theo Vietq

    Kêu gọi ngừng cung cấp tài chính cho các dự án nhiệt điện gây ô nhiễm tại Việt Nam

    Tổ chức CHANGE cùng các liên minh quốc tế kêu gọi các ngân hàng của Singapore ngừng cung cấp tài chính cho các dự án nhiệt điện gây ô nhiễm tại Việt Nam.

    Trong thông cáo phát đi ngày 08/02/2017, CHANGE cùng một liên minh lớn bao gồm những tổ chức môi trường quốc tế hàng đầu đại diện cho 896.341 người dân từ nhiều quốc gia đã ký vào một thư ngỏ kêu gọi những ngân hàng chủ chốt của Singapore bao gồm ngân hàng DBS, OCBC và UOB chấm dứt cung cấp tài chính cho những nhà máy nhiệt điện than gây ô nhiễm cao tại khu vực Đông Nam Á và cùng hành động vì khí hậu. Liên minh này bao gồm Greenpeace, Walhi, Friends of the Earth, CHANGE, Market Forces, BankTrack và GreenID.

    Vào ngày 26/01, Ngân hàng DBS (Singapore) đã kín đáo đưa ra một chính sách về khí hậu mới, hoàn toàn không loại trừ bất kỳ nhà máy nhiệt điện than nào trong danh sách “Unlucky 7” mà DBS có kế hoạch tài trợ ở Indonesia và Việt Nam.

    Chính sách này cũng sẽ cho phép ngân hàng DBS tiếp tục hỗ trợ 7 nhà máy nhiệt điện than tiềm năng tại Việt Nam và Indonesia. Dự báo phát thải của những dự ántrên là khoảng 1,5 tỉ tấn CO2 trong toàn bộ quá trình hoạt động, tương đương với lượng phát thải của cả đất nước Singapore trong 30 năm.

    Việt Nam là một trong những quốc gia có tiềm năng lớn về năng lượng tái tạo. Đó mới là tương lai của chúng ta, chứ không phải là những nguồn năng lượng gây ô nhiễm cũ rích đã bị phần còn lại của thế giới chối bỏ.

    Điều này sẽ ảnh hưởng lớn tới người dân sinh sống tại hai quốc gia này, bao gồm những tổn hại tới sức khoẻ và sinh kế, thậm chí mạng sống. Theo một nghiên cứu của trường Đại học Harvard về tử vong sớm do ô nhiễm than đá, tới năm 2030, Indonesia sẽ có 24.400 ca tử vong và Việt Nam sẽ có 19.220 ca.

    Sự tham gia của DBS trong việc mở rộng ngành công nhiệp năng lượng than đá cũng ảnh hưởng tới nỗ lực của các quốc gia trên toàn cầu trong việc giữ mức tăng nhiệt độ toàn cầu dưới 2 độ C.

    Như Chủ tịch Ngân hàng Thế giới – Kim Yong Jim đã phát biểu trong năm 2016: “Nếu Việt Nam tiếp tục sản xuất 40GW điện từ nhiên liệu hoá thạch, nếu toàn bộ khu vực Đông Á tiếp tục triển khai các kế hoạch phát triển nhiệt điện than như hiện nay, tôi nghĩ chúng ta “xong đời”. Ngân hàng DBS, với việc hỗ trợ tài chính cho nhiệt điện than với tổng công suất 9,4GW sẽ góp phần đẩy nhanh quá trình tới kết cục bi thảm này.

    Bình luận về thông tin này, bà Hoàng Thị Minh Hồng, Giám đốc CHANGE nói: “Có vẻ như ngân hàng DBS nghĩ rằng chỉ có người dân châu Âu thì mới xứng đáng được hưởng không khí và năng lượng sạch, trong khi người dân ở Việt Nam và Indonesia thì phải chịu ô nhiễm và những công nghệ sử dụng nhiên liệu hoá thạch đã lỗi thời. Cái lối suy nghĩ theo tiêu chuẩn kép thế này thật sự là một điều xúc phạm đối với chúng tôi, những người mong muốn có cơ hội được phát triển sạch và tránh những sai lầm mà thế giới phương Tây đã mắc phải khi phải dùng năng lượng bẩn.”

    “Việt Nam là một trong những quốc gia có tiềm năng lớn về năng lượng tái tạo. Đó mới là tương lai của chúng ta, chứ không phải là những nguồn năng lượng gây ô nhiễm cũ rích đã bị phần còn lại của thế giới chối bỏ”.

    Hindun Mulaika, Trưởng nhóm Chiến Dịch Khí hậu và Năng Lượng, Greenpeace Đông Nam Á – Indonesia nói: “DBS đã hỗ trợ tài chính cho một số dự án năng lượng gây ô nhiễm và tranh cãi tại Indonesia, trong đó có thể kể đến nhà máy nhiệt điện Paiton 3 và Trung Java (ở Batang), và đang tìm kiếm thêm những thoả thuận tương tự trong tương lai. Những dự án này là thảm hoạ cho khí hậu, cho ô nhiễm và cho danh tiếng của DBS. Để xứng với cái danh là một ngân hàng cam kết đóng góp cho một tương lai lành mạnh cho khu vực, họ cần phải dừng việc cấp tài chính cho ngành than đá, cũng như hỗ trợ chúng ta bằng cách đầu tư vào năng lượng sạch.”

    Julien Vincent, Giám Đốc Điều Hành của Market Forces nói: “Kế hoạch tài chính cho ngành than đá của DBS là một rủi ro khi nó đúng như một lời nhạo báng đối với tuyên bố mới đây của Chính phủ Singapore rằng 2018 là “Năm Hành Động vì Khí Hậu. Thực tế là DBS đang chuẩn bị cung cấp tài chính cho một nhà máy nhiệt điện than gây ô nhiễm lớn ở Việt Nam, nhà máy nhiệt điện than Nghi Sơn 2, chỉ vài tuần sau khi ban hành chính sách này, cho thấy chính sách đó đã không đạt kết quả mong muốn.”

    Cùng với việc gửi thư ngỏ, liên minh trên cũng tiến hành nhiều hoạt động khác để vận động cộng đồng quốc tế cùng lên tiếng phản đối những dự án gây ô nhiễm của các ngân hàng Singapore tại các nước đang phát triển tại khu vực Đông Nam Á, bao gồm các hoạt động truyền thông, và công bố một nghiên cứu về hoạt động cung cấp tài chính cho ngành than đá của các ngân hàng Singapore.

    Theo nghiên cứu này, từ năm 2012, các ngân hàng này đã cung cấp 2,29 tỉ đô la Mỹ cho các dự án nhà máy nhiệt điện, cảng chở than và mỏ khai thác than trên toàn cầu và sắp tới sẽ còn cung cấp cho nhiều dự án nữa. Riêng ở Việt Nam và Indonesia, chỉ riêng ngân hang DBS đã cho vay và tư vấn tài chính cho các nhà máy nhiệt điện với tổng công suất 8,8 GW.

    “Liên minh này cũng đã tới gặp làm việc với ngân hàng DBS, để chuyển tiếng nói của cộng đồng quốc tế, cũng như của chính những người dân sinh sống tại Việt Nam và Indonesia tới lãnh đạo của ngân hàng này. Tôi nghĩ, cộng đồng quốc tế mà còn quan tâm tới sức khoẻ và môi trường của Việt Nam như vậy, thì chúng ta không có lý gì để đứng ngoài chiến dịch này. Tôi hy vọng mọi người sẽ cùng tham gia với chúng tôi trong việc kêu gọi ngân hàng DBS đầu tư vào năng lượng sạch cho Việt Nam thay vì đầu tư vào các dự án gây ô nhiễm”, bà Hoàng Thị Minh Hồng chia sẻ.

    Hoạt động lần này nằm trong khuôn khổ chiến lược dài hạn của CHANGE liên quan đến việc phản đối xây mới và cung cấp tài chính cho các nhà máy nhiệt điện than tại Việt Nam.

    Trong thời gian sắp tới, CHANGE sẽ tiếp tục thực hiện hàng loạt các hoạt động nhằm nâng cao nhận thức công chúng về nhiệt điện than và các tác động của nhiệt điện than, bao gồm: truyền thông mạng xã hội, sản xuất phim tài liệu và ấn phẩm truyền thông, tổ chức các cuộc thi vẽ tranh tường, tổ chức hội thảo, tổ chức tập huấn cho nhà báo và giới trẻ.

    Theo moitruong.com.vn

    Báo Nhật bình luận chính sách phát triển điện tái tạo Việt Nam

    Theo bình luận của Tạp chí Nikkei Asian, tương tự như Nhật Bản vào những năm 70 của thế kỷ trước, Việt Nam hiện đang đối mặt với nhiều vấn đề môi trường nghiêm trọng. Với chủ trương của Chính phủ, nhiều công ty của Việt Nam đã chú trọng đến phát triển năng lượng tái tạo.

    Hiện quốc gia này đang nỗ lực để đáp ứng nhu cầu năng lượng cho tương lai sau khi hoãn xây dựng nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận.

    Theo Nikkei Asian, Thiên Tân Group sẽ đầu tư 2 tỷ USD cho điện mặt trời. Đến năm 2020, công ty dự kiến hoàn tất việc xây dựng 5 nhà máy ở tỉnh Ninh Thuận. Nhà máy đầu tiên có công suất 50 MW sẽ khởi công trong năm nay, sau đó sẽ tiến hành xây dựng 4 nhà máy có công suất từ 200 – 300 MW. Tổng công suất dự kiến của 5 nhà máy là 1 GW (tương đương với một nhà lò phản ứng hạt nhân).

    Năm 2015, Chính phủ Việt Nam có kế hoạch xây dựng hai nhà máy điện hạt nhân với Nga và Nhật Bản tại tỉnh Ninh Thuận. Các nhà sản xuất điện hạt nhân và các công ty điện lực của Nhật muốn giành được hợp đồng. Tuy nhiên, vào tháng 11/2016, Chính phủ quyết định dừng dự án do chi phí đầu tư lớn, lên đến vài tỷ USD cho mỗi lò phản ứng.

    Do vậy, Ninh Thuận đang nỗ lực thu hút đầu tư các nhà máy điện mặt trời, thay thế cho dự án điện hạt nhân. Tỉnh Ninh Thuận có ánh sáng mặt trời dồi dào và nhiều diện tích đất nhàn rỗi nên rất phù hợp để sản xuất điện mặt trời. Địa phương này đặt kế hoạch đến năm 2030, công suất lên đến 4,85 GW.

    Tập đoàn TTC cũng tham gia lĩnh vực sản xuất điện mặt trời tại Việt Nam. TTC hiện hoạt động trong 6 lĩnh vực chính là: bất động sản, năng lượng, mía đường, giáo dục, du lịch, nông sản. Tập đoàn này có tham vọng xây dựng 20 nhà máy điện mặt trời vào năm 2020, trong đó có nhà máy công suất 320 MW ở Tây Ninh và nhà máy 300 MW ở Bình Thuận.

    Công suất phát điện năm 2020 sẽ đạt 1 GW khi các nhà máy điện mặt trời bắt đầu vận hành. Tổng mức đầu tư ước tính là 1 tỷ USD (bao gồm cả nhà máy điện gió).

    Ngoài Ninh Thuận, tỉnh Khánh Hòa đã mời gọi đầu tư các nhà máy điện mặt trời với tổng công suất 120 MW. Các dự án này do do Tập đoàn Điện lực Việt Nam và các đơn vị khác đầu tư xây dựng, dự kiến đưa vào vận hành trong năm nay.

    Các tỉnh miền Nam (ngoại trừ TP.HCM), cũng có nhiều đất nhàn rỗi, vì vậy việc dành một mảnh đất với diện tích 50 – 70 ha cho các nhà máy điện mặt trời là tương đối dễ dàng. Mục tiêu đến năm 2020, sản lượng điện hằng năm của miền Nam cao hơn 20-30% so với một số thành phố lớn ở Nhật Bản.

    Chính phủ Việt Nam nỗ lực đưa năng lượng mặt trời trở thành nguồn cấp điện chính của cả nước. Năng lượng mặt trời hiện mới chỉ chiếm 0,01% trong tổng sản lượng điện sản xuất, và kế hoạch nâng con số này lên 3,3% vào năm 2030 và 20% vào năm 2050.

    Giá pin năng lượng mặt trời ngày càng giảm. Hơn nữa, Chính phủ Việt Nam có chính sách hỗ trợ ngành này bằng cách mua điện mặt trời dư thừa. Những điều này sẽ khuyến khích các hộ gia đình tích cực sử dụng năng lượng mặt trời.

    Việt Nam đang phụ thuộc vào nguồn điện than, điểm tích cực là Chính phủ hiện tập trung vào năng lượng tái tạo.

    Vào tháng 9/2017, tại sự kiện xúc tiến đầu tư tỉnh Hậu Giang, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu chú trọng đến bảo vệ môi trường và phát triển bền vững. Kiên quyết không đánh đổi môi trường lấy tăng trưởng kinh tế.

    Phát biểu của Thủ tướng thể hiện sự thay đổi trong chính sách của Việt Nam. Trước đây, Việt Nam có vẻ xem trọng tăng trưởng kinh tế hơn bảo vệ môi trường.

    Tháng 3/2017, Công ty Hitachi Zosen (Nhật Bản) hoàn tất xây dựng nhà máy đốt rác phát điện đầu tiên tại Hà Nội. Nhà máy này xử lý 75 tấn rác thải mỗi ngày, từ đó sản xuất ra 1.930 kW điện, đủ cho 5.000 hộ gia đình.

    Tại Hà Nội, Công ty Ichikawa Kankyo Engineering (Nhật Bản) xử lý chất thải giấy và nhựa để sản xuất viên đốt RPF dùng thay cho than đá. Còn với Tập đoàn điện mặt trời Superblock (Thái Lan) có kế hoạch liên doanh với một công ty trong nước để xây dựng 6 nhà máy điện gió có tổng công suất 700 MW ở miền Nam vào năm 2019.

    Theo Nikkei Asian Review

    Nhiều ưu đãi dành cho dự án, công trình nước thải

    Nghị định 04/2018/NĐ-CP ngày 04/01/2018 quy định về cơ chế, chính sách ưu đãi đối với Khu công nghệ cao (KCNC) Đà Nẵng với các hạng mục hệ thống thoát nước, hệ thống thoát nước thải, hệ thống xử lý chất thải, hệ thống hào và tuynel kỹ thuật, giao thông, hệ thống cấp nước, v.v…

    Cụ thể: dự án, công trình trong KCNC được áp dụng huy động vốn đầu tư gồm đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kỹ thuật trong KCNC bao gồm các hạng mục: San nền, hệ thống kênh dẫn, hệ thống thoát nước, hệ thống thoát nước thải, hệ thống xử lý chất thải, hệ thống hào và tuynel kỹ thuật, giao thông, hệ thống cấp nước, hệ thống công nghệ thông tin, hệ thống cấp điện nguồn, hệ thống điện chiếu sáng, vỉa hè, hàng rào, cổng chào, cây xanh, cảnh quan công cộng; chi trả tiền bồi thường, giải phóng mặt bằng, tái định cư các dự án và các công trình trong KCNC theo phương án được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

    Miễn tiền thuê đất trong thời gian xây dựng cơ bản nhưng tối đa không quá 03 năm kể từ ngày có quyết định cho thuê đất (không bao gồm các trường hợp đầu tư xây dựng cải tạo và mở rộng cơ sở sản xuất, kinh doanh);

    Miễn tiền thuê đất sau thời gian miễn tiền thuê đất của thời gian xây dựng cơ bản 15 năm đối với dự án đầu tư không thuộc Danh mục lĩnh vực ưu đãi đầu tư; dự án đầu tư xây dựng, kinh doanh kết cấu hạ tầng Khu công nghệ cao;

    Miễn tiền thuê đất sau thời gian miễn tiền thuê đất của thời gian xây dựng cơ bản 19 năm đối với dự án thuộc Danh mục lĩnh vực ưu đãi đầu tư;

    Miễn tiền thuê đất trong thời gian buộc phải ngừng sản xuất, kinh doanh do bị thiên tai, hỏa hoạn hoặc tai nạn bất khả kháng.

    Theo moitruong.com.vn

    Vi hạt nhựa: Chất ô nhiễm của môi trường hiện đại

    Vi hạt nhựa (VHN) là một dạng tồn tại khác của nhựa trong môi trường, bao gồm các sợi hoặc mảnh vụn nhựa có kích thước nhỏ hơn 5mm. Sự tồn tại của VHN trong hệ thống sông ngòi và biển được cho là một thách thức lớn đối với môi trường toàn cầu.

    Từ rác nhựa đến vi hạt nhựa

    Theo báo cáo của Hiệp hội Các nhà sản xuất nhựa châu Âu, tổng sản lượng nhựa toàn cầu tăng từ 1,7 triệu tấn năm 1950 lên 335 triệu tấn năm 2017. Như vậy kể từ năm 1950 đến nay, tổng khối lượng nhựa được sản xuất khoảng 5 tỉ tấn và dự đoán đạt gần 40 tỉ tấn vào năm 2050.

    Chỉ 5% rác nhựa được tái sử dụng, phần còn lại vẫn tồn tại trong môi trường. Rác nhựa chiếm 80%-85% tổng lượng rác tồn tại ở các đại dương.

    VHN có mặt khắp các đại dương và được tìm thấy ở các khu vực bờ biển, trầm tích đáy biển, trên mặt biển, thậm chí ở Nam cực, Bắc cực và kênh rạch, sông ngòi. Các nghiên cứu cho thấy sự tồn tại của VHN trong sinh vật phù du, động vật giáp xác, các loài cá, nghêu, hàu và chim biển. Một nghiên cứu khác cũng tìm thấy VHN, với mật độ không đáng kể, trong một số loại muối ăn thương mại.

    Các nhà khoa học cảnh báo: nếu chúng ta tiếp tục sử dụng bừa bãi các sản phẩm nhựa, không cải thiện công tác quản lý rác thải thì khả năng tích tụ VHN trong môi trường nước và các sản phẩm liên quan là rất cao.

    Rác nhựa chiếm 80%-85% tổng lượng rác tồn tại ở các đại dương.

    Ngoài ra, VHN cũng được tìm thấy trong không khí do bay lên từ mặt đất, đặc biệt tại những bãi rác trước khi chôn lấp hoặc tại các lò đốt rác. Rác nhựa đã được chôn lấp cũng có nguy cơ lộ trở lại bề mặt và trở thành nguồn phát tán VHN vào không khí.

    Như vậy, việc đưa rác nhựa vào bãi rác để đốt hoặc chôn lấp chưa phải là giải pháp xử lý triệt để vấn đề ô nhiễm VHN, mà còn có khả năng chúng ta đang trữ nguồn ô nhiễm VHN cho tương lai. VHN trong không khí có thể rơi trực tiếp xuống môi trường nước, hoặc rơi trở lại mặt đất rồi được đưa xuống sông, biển do dòng nước chảy tràn trên bề mặt.

    Nguy cơ đối với sức khỏe con người

    Mặc dù ảnh hưởng của VHN đến sức khỏe con người và môi trường sinh thái chưa được nghiên cứu thấu đáo, nhưng sự tồn tại của VHN trong hệ thống sông ngòi và biển là một thách thức lớn đối với môi trường toàn cầu. Các loài sống trong nước như sinh vật phù du, các loài giáp xác, cá nhỏ, nghêu, hàu có thể ăn VHN do nhầm đó là thức ăn. Từ đó, có thể VHN sẽ đi vào cơ thể các loài sinh vật lớn hơn hoặc cơ thể con người thông qua chuỗi thức ăn.

    VHN cũng có thể đi vào cơ thể người khi chúng ta tiêu thụ muối biển, nước uống hoặc hít phải VHN lơ lửng trong không khí. Các nhà khoa học đang nghiên cứu 3 nguy cơ đối với sức khỏe con người và môi trường liên quan tới VHN:

    – Nguy cơ bị tổn thương và tắc nghẽn: Khi đi vào cơ thể sinh vật, VHN có thể gây tổn thương một số cơ quan hoặc làm tắc nghẽn hệ tiêu hóa. Dù số lượng các nghiên cứu về ảnh hưởng của VHN lên cơ thể người rất ít, nhưng các ảnh hưởng được ghi nhận đến nay gồm tổn thương phổi và dạ dày. Các hạt nhựa siêu nhỏ có thể đi qua màng tế bào, hàng rào máu não và nhau thai, từ đó có thể dẫn đến hiện tượng kích ứng oxy hóa, tổn hại tế bào, viêm và suy yếu các chức năng phân bổ năng lượng.

    Vi hạt nhựa trong kem đánh răng – Ảnh: Daily Mail

    – Nguy cơ từ các chất phụ gia: Để cải thiện những đặc tính vật lý và hóa học của nhựa, có rất nhiều chất phụ gia độc hại như bisphenol A, phthalates, phụ gia chống cháy đã được thêm vào trong quá trình sản xuất nhựa. Phần lớn chất độc này sẽ phát tán ra ngoài và làm nhiễm độc môi trường sinh thái. Phần chất độc còn lại trong nhựa, dù ít, vẫn có khả năng gây bất lợi đối với sức khỏe sinh vật và con người sau quá trình tích tụ thông qua chuỗi thức ăn.

    – VHN là vật chủ trung gian phát tán mầm bệnh và chất ô nhiễm: Do tỉ số giữa diện tích bề mặt và thể tích của VHN khá lớn nên các kim loại nặng, các chất ô nhiễm hữu cơ khó phân hủy (POPs) và vi khuẩn gây bệnh có thể dễ dàng bám trên bề mặt VHN, trở thành vật chủ trung gian phát tán các chất và mầm bệnh này trên hành trình dài từ lục địa ra đại dương.

    Các loại vi khuẩn gây bệnh có thể bám vào các sợi VHN có trong nước thải sinh hoạt và công nghiệp. Một khi nước thải được xả ra môi trường, các sợi VHN mang mầm bệnh có thể đi vào nguồn nước sinh hoạt và ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe người dân.

    VN và các nước đang phát triển ở Đông Nam Á đứng đầu trong ngành sản xuất nhựa. Do những yếu kém trong quản lý rác nhựa, VN nằm trong top 5 nước trên thế giới xả rác nhựa ra biển nhiều nhất. Trong khi túi nilông cũng như các loại túi tự hủy bị cấm ở châu Âu thì ngành bao bì nhựa lại được VN ưu đãi về thuế.

    Theo kết quả nghiên cứu sơ bộ về nước sông Sài Gòn, thực hiện bởi Trung tâm Nghiên cứu châu Á về nước (CARE – ĐH Bách khoa, ĐH Quốc gia TP.HCM), lượng rác nhựa trôi nổi trên kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè được vớt bởi Công ty Môi trường đô thị TP.HCM chiếm 11%-43% tổng lượng rác, tương ứng lượng rác mỗi người dân TP vứt xuống sông 1-20g/ngày.

    Các nhà khoa học cho rằng có khả năng VHN đang hiện diện trong nước sông Sài Gòn với mật độ khá cao. Do đó, việc nghiên cứu chi tiết về nguồn cung cấp, cơ chế phân rã và quá trình phát tán VHN trong môi trường nước sông Sài Gòn là hết sức cấp bách.

    Thử tưởng tượng nếu hôm nay chúng ta sử dụng một cái túi nilông, hàng trăm năm sau sẽ có vô số VHN cùng với các chất độc hại chu du khắp các đại dương, lơ lửng đâu đó trong không khí hoặc nằm trong cơ thể của các thế hệ tương lai.

    Về nguồn gốc, VHN có thể có nguồn gốc nguyên sinh hoặc thứ sinh. VHN nguyên sinh được sản xuất để trực tiếp đưa vào các sản phẩm chăm sóc da, kem đánh răng. VHN thứ sinh gồm các mảnh vụn và sợi được sinh ra do: 1. Sự mài mòn trong quá trình giặt giũ những sản phẩm may mặc làm từ sợi tổng hợp, sau đó các VHN này đi ra môi trường qua hệ thống nước thải không qua xử lý hoặc xử lý chưa đạt yêu cầu. 2. Sự phân rã các mảnh nhựa lớn dưới tác dụng của tia cực tím hoặc các tác nhân phong hóa như dòng chảy, gió.

    Theo tuoitre.vn

    Phóng sinh như thế nào để không hủy hoại môi trường

    Do sự thiếu hiểu biết của con người, việc phóng sinh đã gây những tác động không tốt đối với môi trường sống trong vùng. Phóng sinh một cách bừa bãi chính là tác nhân phát tán của các loài xâm nhập vào môi trường bản địa.

    Theo quan niệm của Phật giáo, phóng sinh là một hành động nhằm cứu các loài sinh vật khỏi bị giết hại hay giam nhốt và trao cho chúng cơ hội tiếp tục sống.

    Phóng sinh thường được hiểu đơn giản là khi gặp một con vật bị nạn, thì ra tay cứu thoát. Đặc biệt vào dịp Tết, mùng 1 hay ngày rằm, mọi người thường mua chim, cá, rùa để thực hiện việc phóng sinh, cầu mong năm mới, tháng mới gặp nhiều may mắn, tốt lành.

    Tuy nhiên, có một thực tế đáng buồn hiện nay khi việc làm ý nghĩa này đang ngày càng mất đi nét đẹp vốn có, gây ra không ít hậu quả cho môi trường sống của các loài sinh vật và chính các loài những tưởng là sẽ được cứu vớt nhờ phóng sinh.

    Phóng sinh thường được hiểu đơn giản là khi gặp một con vật bị nạn, thì ra tay cứu thoát.

    Theo Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên, do sự thiếu hiểu biết của con người, việc phóng sinh đã gây những tác động không tốt đối với môi trường sống trong vùng. Phóng sinh một cách bừa bãi chính là tác nhân phát tán của các loài xâm nhập vào môi trường bản địa.

    Nhiều người đem phóng sinh các loài rắn độc, rùa tai đỏ – những loài có khả năng sinh sản nhanh, ăn tất cả các loài thủy sinh trong ao, làm phá hủy môi trường nước, đe dọa đến sự sống của các loài sinh vật đang sinh sống trong môi trường đó.

    Ngoài ra, không ít loài đã chết sau khi được phóng sinh. Những con chim trời đang tự do bay lượn thì bị người ta bẫy và bán cho những người đi phóng sinh. Vòng luẩn quẩn bắt rồi thả rồi lại bị bắt khiến những chú chim tội nghiệp chết dần chết mòn và không còn có thể cất cánh bay cao được nữa.

    Nhiều loài rùa như rùa núi viền, rùa núi vàng thường bị phóng sinh xuống ao chùa, nhưng trên thực tế chúng không thể sống hoặc ở lâu trong môi trường nước. Hầu hết chúng sẽ chết sau vài ngày hoặc một tuần sau khi được thả xuống ao. Nhiều loài trong số chúng được xếp vào nhóm loài đặc biệt nguy cấp và được pháp luật bảo vệ.

    Đặc biệt, việc mua động vật hoang dã (ĐVHD) để phóng sinh đã vô tình tiếp tay cho hoạt động buôn bán, nuôi nhốt ĐVHD, tác động tiêu cực đến đa dạng sinh học cũng như những nỗ lực của các cơ quan chức năng và các tổ chức xã hội trong công tác bảo vệ ĐVHD nói chung.

    Việc mua động vật hoang dã (ĐVHD) để phóng sinh đã vô tình tiếp tay cho hoạt động buôn bán, nuôi nhốt ĐVHD.

    Hành vi nuôi nhốt, tàng trữ ĐVHD trái phép sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính lên đến 500 triệu đồng theo Nghị định 157/2013/NĐ-CP và Nghị định 103/2013/NĐ-CP (sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định 41/2017/NĐ-CP) hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự lên đến 15 năm tù theo quy định tại Bộ luật hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017).

    Phóng sinh như thế nào mới đúng?

    Việc phóng sinh trước hết không nên quá hình thức mà nên được làm một cách tùy duyên, ngay trong cuộc sống hàng ngày của mỗi người. Khi gặp một con vật bị nạn, mình ra tay cứu thoát. Cứu chúng sinh trong thời điểm này mới thực là ý nghĩa nguyên bản của việc phóng sinh.

    Tuy nhiên, để việc phóng sinh thực sự có ý nghĩa, người phóng sinh cần phải tìm hiểu rõ môi trường sống của các loài vật để có thể đưa chúng đến nơi phù hợp và an toàn, tạo cơ hội sống sót cho các loài sinh vật được phóng sinh. Khi gặp khó khăn, có thể liên hệ các cơ quan chuyên môn để có cách phóng sinh, cứu giúp các loài sinh vật đúng đắn và phù hợp nhất, tránh phóng sinh vội vàng, bừa bãi.

    Bà Nguyễn Thị Phương Dung, Phó Giám đốc Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên (ENV) chia sẻ: “Phóng sinh vốn là nét đẹp trong văn hóa người Việt, có ý nghĩa nhân sinh và góp phần giáo dục con người bảo vệ thiên nhiên. Tuy nhiên, việc phóng sinh bừa bãi không có hiểu biết chính là nguy cơ đe dọa sự sống cho các loài ĐVHD. Nếu muốn bảo vệ ĐVHD thì cách tốt nhất là để chúng được sống trong môi trường tự nhiên và đảm bảo chúng không bị săn bắt.”

    Bên cạnh đó, cá nhân mỗi người có thể góp sức bảo vệ các loài ĐVHD bằng cách: Cam kết KHÔNG tiêu thụ các sản phẩm từ ĐVHD. Kêu gọi người thân, bạn bè và những người xung quanh không sử dụng các sản phẩm từ ĐVHD. Thông báo các hành vi săn bắt, quảng cáo, buôn bán, nuôi nhốt ĐVHD đến các cơ quan chức năng địa phương hoặc gọi đến đường dây nóng miễn phí về bảo vệ ĐVHD 1800-1522.

    Theo moitruong.com.vn

    Cách bảo vệ sức khỏe trong tình trạng ô nhiễm không khí

    Tình trạng ô nhiễm không khí là nỗi ám ảnh chung của hầu hết các quốc gia trên Thế giới. Vì vậy sử dụng máy điều hòa trang bị bộ lọc khí hay đeo khẩu trang đặc biệt là những cách đối phó với ô nhiễm không khí dạng khói bụi.

    Tình trạng ô nhiễm không khí là nỗi ám ảnh chung của hầu hết các quốc gia trên Thế giới. Riêng tại Việt Nam, sự gia tăng của các phương tiện giao thông, sự phát triển của các khu công nghiệp, khí thải sinh hoạt cũng khiến bầu không khí ô nhiễm nghiêm trọng.

    Nói về những tác hại của ô nhiễm không khí, PGS TS Nguyễn Hoài Nam – Phó chủ tịch Hội Phẫu thuật Lồng ngực và Tim mạch TP HCM – được VietQ dẫn lời cho hay, ô nhiễm không khí ảnh hưởng đến hệ hô hấp đầu tiên và nó chính là “thủ phạm” gây viêm đường hô hấp trên như tai mũi họng. Mũi là cửa ngõ của đường hô hấp nên sẽ chịu tác động đầu tiên của ô nhiễm không khí, dẫn đến tình trạng nghẹt mũi, xoang…

    Theo số liệu thống kê của Bộ Y tế, các thành phố lớn bị ô nhiễm không khí có tỷ lệ người nhiễm khuẩn hô hấp cao gấp 4 – 5 lần so với các đô thị khác. Các bệnh nghiêm trọng về đường hô hấp như viêm phổi, ung thư phổi, vòm họng, mũi… đều có nguyên nhân rất lớn là do ô nhiễm không khí.

    Tình trạng ô nhiễm không khí là nỗi ám ảnh chung của hầu hết các quốc gia trên Thế giới.

    Theo PGS. TS Nguyễn Hoài Nam, ô nhiễm không khí cũng tác động đến tim mạch. Cụ thể, các chất độc hại sẽ xuyên qua màng lọc của phổi, vào trong máu, làm tăng độc tố trong máu. Các độc tố này sẽ ngấm vào các thành mạch gây xơ vữa động mạch, cao huyết áp. Về lâu dài, chúng gây ra các hệ lụy nguy hiểm khác như đột quỵ, suy tim,…

    Theo Neira, một loạt căn bệnh nguy hiểm bao gồm 36% ung thư phổi, 34% đột quỵ và 35% tắc nghẽn phổi mãn tính đều có liên quan đến ô nhiễm không khí. Các nhà nghiên cứu cũng phát hiện ô nhiễm không khí làm tăng tỷ lệ hen suyễn và viêm phổi ở trẻ em, cũng như làm giảm trọng lượng của trẻ sơ sinh.

    Ô nhiễm không khí là mối đe dọa chung đối với cộng đồng, diễn ra không chỉ ở các thành phố có nhiều khói bụi như Bắc Kinh (Trung Quốc), Mumbai (Ấn Độ) và Los Angeles (Mỹ), theo Huffington Post. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết, khoảng 6,5 triệu người chết có liên quan đến ô nhiễm không khí hàng năm. Trung bình cứ 10 người trên thế giới thì có 9 người sống ở nơi không khí không đủ sạch cho sức khỏe của con người.

    “Tình hình thực sự rất nghiêm trọng. Bạn không nên thở hít thở loại không khí có thể giết chết bạn”, Maria Neira, Giám đốc Cục Y tế Công cộng Môi trường & Yếu tố Xã hội Về Sức khỏe của WHO, cho biết.

    Đối với người dân ở nhiều nơi trên thế giới, việc chịu đựng ô nhiễm không khí là điều không thể tránh khỏi. Họ không thể di chuyển ra khỏi thành phố, nơi khói bụi phủ kín tới tận đường chân trời. Nhưng họ có thể thực hiện một số biện pháp đơn giản để hạn chế những ảnh hưởng tiêu cực.

    Việc cố gắng không đi bộ hoặc tập thể dục dọc theo những đường phố đông đúc có thể giúp bạn tránh khỏi không khí ô nhiễm thải ra từ các phương tiện giao thông, Ed Avol, giáo sư y học dự phòng lâm sàng tại Đại học Southern California, Mỹ, cho biết.

    Avol lưu ý rằng, vào thời điểm mức độ ô nhiễm không khí cao, nơi tốt nhất cho sức khỏe là ở trong nhà với một chiếc điều hòa không khí được trang bị bộ lọc. Bạn cũng nên hạn chế hoạt động để tránh thở gấp.

    Trong những ngày nhiều khói bụi tại các thành phố như Bắc Kinh, khẩu trang thường không có hiệu quả chống ô nhiễm không khí, trừ khi chúng ôm khít quanh mũi và miệng. Khẩu trang y tế giá rẻ hoặc những “rào chắn” tạm thời như khăn tay ít có khả năng bảo vệ, do các chất ô nhiễm không khí có thể dễ dàng lọt qua mép của khẩu trang khi bạn hít vào. Bạn nên lựa chọn loại mặt nạ N95 để bảo vệ bản thân do chúng có đường viền ôm sát mũi và khuôn mặt. Khả năng lọc bụi của mặt nạ N95 khoảng 95%, nhưng nhược điểm của nó là khá đắt tiền.

    Theo thông tin trên VnExpress, WHO đang thúc đẩy chính phủ của các quốc gia thực hiện cam kết của họ để khiến không khí sạch hơn. Chỉ số bụi PM2.5 trung bình hàng năm ở mức chấp nhận được theo tiêu chuẩn của WHO chỉ từ 20 – 25 microgram/m3, nhưng hiện nay 80% các thành phố trên thế giới đã vượt qua ngưỡng này.

    Theo moitruong.com.vn