Đề tài “Xử lý rác thải nhựa polyethylene dựa vào quá trình phân hủy sinh học của một số loại sâu” của hai em Trần Hoàng Mai và Thái Mỹ Huyền (lớp 9/1, Trường THCS Võ Văn Ký) ở TP. Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa vừa nhận giải nhất Cuộc thi Khoa học kỹ thuật học sinh trung học cấp quốc gia.

Theo báo Lao Động hai em đã tìm kiếm thông tin trên mạng và phát hiện ra một điều thú vị: “ngoài lá cây, sâu còn có thể ăn được túi ni lông”. Vậy đó là sâu nào và chúng có thực sự “ăn” được nhựa hay không?

Dựa trên phát hiện và nghiên cứu của một số nhà khoa học trên thế giới, hai em đã tiến hành các phương pháp kiểm tra một số loài sâu, xác định khả năng và tìm hiểu cơ chế phân hủy các túi nhựa với mong muốn tìm ra giải pháp giải quyết vấn nạn “ô nhiễm trắng” như hiện nay. “Để làm thí nghiệm, việc đầu tiên là phải nuôi và chăm sóc những con sâu.

Nhờ sự giúp đỡ của cô Vũ Đặng Hạ Quyên – giảng viên Viện công nghệ sinh học và môi trường (Trường đại học Nha Trang) cũng là người bảo trợ cho dự án, hai em tìm được 4 loại sâu để nghiên cứu là sâu sáp, sâu rồng, sâu canxi và sâu quy.

Sâu được nuôi trong 4 thùng riêng biệt và cho ăn nhựa (polyethylene), đồng thời xây dựng vòng đời của sâu để biết được các mốc giai đoạn phát triển của các loài sâu. Hoàng Mai cho biết: “Quan sát thực tế, chúng em thấy sâu sáp và sâu rồng có khả năng ăn được túi ni lông; 2 loại sâu còn lại chết. Nhưng để chắc chắn là sâu thật sự ăn túi ni lông và tiêu hóa chúng chứ không phải “cắn bỏ” nên phải lắp camera quan sát tốc độ “ăn” của hai loài sâu này. Kết quả, sâu sáp ăn nhanh hơn sâu rồng”.

Tiếp đến hai em tiến hành thí nghiệm “sâu có tiết hóa chất làm phân hủy được túi ni lông không?”. Chưa dừng lại ở đó, hai bạn tiếp tục thực hiện quan sát bằng kính hiển vi và bằng máy quang phổ hồng ngoại để xem “túi ni lông có còn trong bụng sâu” và kiểm tra phân sâu để xác định “sâu có hoàn toàn tiêu hóa được túi ni lông?”. Thí nghiệm này được sự hỗ trợ về thiết bị, máy móc và giảng viên của Trường đại học Nha Trang.

Vượt qua khó khăn, hai em đã nghiên cứu và đạt được kết quả đáng mừng: chất thải của sâu sáp và sâu rồng sau khi ăn túi ni lông không còn polyetylen, hoàn toàn không có hại đến môi trường. Để chứng minh sâu có thể ăn và tiêu hóa được nhựa, hai em tiến hành phân lập hệ vi sinh vật đường ruột của sâu để xác định loại vi khuẩn giúp phân hủy túi nhựa. Đó là nhóm vi sinh vật đường ruột sống cộng sinh.

Kết quả của nghiên cứu mang lại lợi ích rất lớn trong việc giải quyết vấn đề môi trường, đặc biệt là xử lý rác thải nhựa. “Giải pháp xử lý rác thải nhựa dựa vào sự phân hủy sinh học của sâu sáp và sâu rồng có chi phí thấp, an toàn mà mang hiệu quả cao. Trong thời gian tới, chúng em sẽ tiếp tục thực hiện nghiên cứu để tìm ra loại enzym giúp phân hủy túi nhựa”– Hoàng Mai cho biết.

Theo moitruong.com.vn