27 C
Hanoi
Chủ Nhật, Tháng 7 6, 2025
More
    Home Blog Page 442

    Trái đất sẽ biến đổi thế nào nếu túi nilon hoàn toàn biến mất

    Đã bao giờ bạn thử tưởng tượng xem, Trái đất sẽ ra sao nếu con người không còn sử dụng loại túi độc hại này? Hãy cùng đi tìm lời giải dưới đây.

    Nhiều người thường băn khoăn rằng, liệu con người có tồn tại được nếu không có túi nilon. Nhưng điều này là hoàn toàn có thể, bởi lẽ túi nilon được sử dụng chính thức khoảng năm 1957, sau đó mới phát triển và bùng nổ.

    Trước đó, loài người vẫn sống mà không hề biết tới loại túi độc hại – mất tới 500 – 1.000 năm mới phân hủy này. Do vậy, một tương lai không túi nilon là điều hoàn toàn có thể hiện thực hóa.

    Việc loại bỏ túi nilon khỏi cuộc sống của chúng ta là một cách hữu hiệu để kéo dài nguồn tài nguyên đang dần cạn kiệt trên Trái đất.

    Bạn có biết, theo ước tính, tiết kiệm 8 chiếc túi nilon có thể đủ năng lượng cho một chiếc xe ô tô chạy trong 1km. Vậy mà cả thế giới lại đang lãng phí tài nguyên thiên nhiên như dầu mỏ để sản xuất túi nilon?

    Theo ước tính, tiết kiệm 8 chiếc túi nilon có thể đủ năng lượng cho một chiếc xe ô tô chạy trong 1km.

    Chúng ta biết rằng, 3/4 Trái đất bao phủ bởi nước. Nhưng theo ước tính của các chuyên gia, cứ 1km vuông đại dương lại có khoảng 17.692 mẩu rác (gồm túi nilon và các phế phẩm từ nhựa).

    Chỉ tính riêng dòng hải lưu Bắc Thái Bình Dương trong hơn 40 năm qua lượng túi nilon thải ra đây đã gia tăng tới 100 lần. Nếu con người xóa sổ loại chất thải này, đại dương sẽ được trả lại sự trong sạch và tươi đẹp.

    Việc ngừng sử dụng túi nilon trong tương lai sẽ tạo điều kiện cho chúng ta bảo tồn được nhiều loài sinh vật biển hơn hiện nay.

    Nguyên nhân là bởi trong đại dương, túi nilon lơ lửng và có hình dạng giống loài sứa. Theo các chuyên gia sinh vật học, túi nilon là thủ phạm gây ra cái chết của rùa biển vì chúng không phân biệt được đâu là túi rác, đâu là con mồi thật sự.

    Trong bối cảnh Trái đất đang ngày một lâm nguy vì biến đổi khí hậu, nói “KHÔNG” với túi nilon sẽ đóng góp vào việc bảo vệ môi trường rất tốt.

    Bởi lẽ việc sản xuất loại túi này sẽ thải ra môi trường rất nhiều CO2 gây hiệu ứng nhà kính. Thêm nữa, túi nilon khi bị đốt cháy sinh ra dioxin và lưu huỳnh, gặp hơi nước sẽ gây nên mưa axit cực kì độc hại. Điều này sẽ không thể xảy ra nếu chúng ta ngừng sử dụng loại túi nguy hiểm này.

    Từ khía cạnh xã hội, việc loại bỏ túi nilon giúp con người hạn chế những cái chết đáng tiếc có thể xảy ra. Ở Mỹ, mỗi năm có 25 trẻ sơ sinh qua đời vì bị túi nilon bịt kín gây ngạt thở.

    Chưa hết, vì sự tiên lợi mà không ít người sử dụng túi nilon để đựng đồ ăn nóng. Họ không hề biết rằng, túi nilon khi gặp nhiệt độ nóng sẽ sinh ra các kim loại nặng như cadimi, chì gây ung thư não, phổi hoặc biến đổi giới tính người sử dụng.

    Theo thống kê của trang Clean Air, cứ mỗi phút lại có một triệu túi nilon được sử dụng và chỉ có 1% trong số đó sẽ được tái chế.

    Như vậy, với giá trị khoảng 200 đồng/túi nilon, xã hội đã lãng phí tới 288 tỷ đồng/ngày vì sản phẩm độc hại này. Nếu không có túi nilon, số tiền đó hoàn toàn đem lại cuộc sống mới cho khoảng 1 tỷ người thiếu lương thực kinh niên trên toàn cầu.

    Tại Việt Nam, bất chấp hiểu rõ sự nguy hiểm của túi nilon, mỗi ngày người Việt ta vẫn thải ra ngoài 2.500 tấn rác nhựa (chủ yếu là túi nilon).

    Điều đó tương đương với việc cứ mỗi mét vuông đất trên nước ta lại chứa khoảng 9 “quả bom nổ chậm”. Do vậy, một tương lai không túi nilon sẽ không thể đạt được ngay lập tức. Thay vào đó, cách tốt nhất là hạn chế tới mức tối đa việc sử dụng một cách bừa bãi túi nilon.

    Theo Trí Thức Trẻ

    Nhập khẩu rác – Tưởng nghịch lý mà hiệu quả bất ngờ

    Thụy Điển đã và đang là quốc gia phải nhập khẩu… rác để có đủ nguyên liệu cho các nhà máy tái chế của nước này hoạt động.

    Chính sách thuế áp dụng nặng tay đối với năng lượng hóa thạch, kết hợp với công nghệ xử lý rác thải hiện đại nhất luôn được Thụy Điển, một quốc gia Bắc Âu chú trọng, ưu tiên hàng đầu trong định hướng phát triển kinh tế. Nhưng bên cạnh đó, một điều được đánh giá cao nhất chính là người dân của quốc gia này, họ ý thức được BVMT là bảo vệ chính mình…

    Chính sách tái chế đồng nhất toàn quốc

    Trong những năm trở lại đây, Thụy Điển đã triển khai các hoạt động tái chế rác thải rất tốt và mang lại hiệu quả rất cao, thậm chí quốc gia này còn phải nhập khẩu rác từ nước ngoài mới cung ứng đủ nguồn nguyên liệu cho các nhà máy tái chế và xử lý rác hoạt động.

    Thụy Điển được đánh giá là quốc gia gần như hoàn toàn không có rác thải, bởi tính từ năm 2011 đến nay các hộ gia đình ở Thụy Điển chỉ phải bỏ rác ra ngoài các bãi rác chiếm khoảng 1% trong tổng khối lượng rác thải mà họ đã thải ra. Để có được kết quả trên chính là nhờ ý thức bảo vệ môi trường của người dân Thụy Điển.

    Trong khi cả thế giới lo xử lý rác thải, thì Thụy Điển sẵn sàng nhập khẩu cả rác để dùng.

    Năm 1991, Chính phủ Thụy Điển là một trong những quốc gia đầu tiên trên thế giới đi đầu trong việc áp thuế cao đối với hoạt động sử dụng nhiên liệu hóa thạch, trong khi đó phải kể đến điện năng tiêu thụ ở Thụy Điển có tới khoảng 50% là từ năng lượng tái tạo. Thậm chí, nếu trong trường hợp xấu nhất có thể xảy ra khi nguồn nguyên liệu rác không được nhập khẩu để cung ứng cho các nhà máy hoạt động thì Thụy Điển sẽ không hề bị tê liệt bởi họ đã có nguồn nhiên liệu sinh học sẵn sàng thay thế khó khăn trên.

    “Người dân Thụy Điển rất thích sống hòa mình vào thiên nhiên nên chúng tôi nhận thức được rằng cần phải làm điều gì đó để bảo vệ thiên nhiên cũng như môi trường xung quanh. Chúng tôi nỗ lực tuyên truyền trong một thời gian dài để giúp mọi người nhận thức được rằng không nên ném mọi thứ không dùng nữa một cách tùy tiện ra môi trường vì chúng ta có thể tái sử dụng và tái chế chúng”, Anna Carin Gripwall, Giám đốc truyền thông của Hiệp hội Quản lý rác thải Thụy Điển Avfall Sverige cho biết.

    Và qua từng năm, Thụy Điển liên tục áp dụng chính sách tái chế rác thải đồng nhất trên phạm vi toàn quốc, thậm chí cả những công ty tư nhân cũng có thể tự chủ trong việc nhập khẩu và xử lý rác.

    Thiết lập mạng lưới đốt rác sưởi ấm

    Từ thành quả của việc áp dụng chính sách tái chế rác thải đồng nhất nên năng lượng nhiệt từ việc đốt rác, xử lý rác sẽ được khai thác và hòa vào điện lưới quốc gia để sưởi ấm cho từng căn nhà mỗi khi mùa đông đến. Điều này mang lại lợi ích to lớn đối với an sinh xã hội bởi Thụy Điển là một trong những quốc gia Bắc Âu có nền nhiệt rất lạnh khi mùa đông đến.

    “Đây là lý do chính khiến chúng tôi thiết lập mạng lưới theo từng quận, cũng chính là để tận dụng nhiệt lượng từ các nhà máy rác. Trong khi, ở các quốc gia Nam Âu, họ chỉ đốt rác để tiêu hủy, chứ không lợi dụng để sưởi ấm. Ở đây, chúng tôi sử dụng nó để thay cho các nhiên liệu hóa thạch”, bà Gripwell cho biết thêm. Theo bà Gripwell, mục tiêu của chính sách này là khuyến khích mọi người tự tái chế, tái sử dụng toàn bộ rác thải nhà mình trước khi bỏ nó ra bãi rác.

    Ngoài ra, “hiện nay có lệnh cấm chôn bãi rác ở các nước thuộc Liên minh châu Âu (EU), và nếu không muốn phải trả tiền phạt quá cao, các quốc gia này nên gửi rác đến đây cho chúng tôi để xử lý như một loại hình dịch vụ. Họ nên áp dụng mô hình như chúng tôi đang triển khai để chúng ta luôn có bầu không khí trong lành, và hiệu quả kinh tế mang lại cũng không hề nhỏ”, bà Gripwell khẳng định.

    Theo Anninhthudo.vn

    Cần huy động nguồn lực phục vụ tăng trưởng xanh

    0

    Thực hiện chiến lược tăng trưởng Xanh không thể chỉ dựa vào nguồn lực ngân sách mà phải huy động nguồn vốn của hệ thống ngân hàng, khu vực tư nhân, đặc biệt là nguồn đầu tư nước ngoài cùng với sự hỗ trợ của các tổ chức quốc tế.

    Sáng 4/4/2018, tại Hà Nội, Bộ Kế hoạch và Đầu tư kết hợp với Đại sứ quán Thụy Sĩ tổ chức Diễn đàn Tăng trưởng xanh hiệu quả: Triển vọng từ Việt Nam và Thụy Sĩ.

    Diễn đàn là dịp để hai bên chia sẻ các phương thức, các giải pháp nhằm thúc đẩy tăng trưởng Xanh ở Việt Nam trong giai đoạn tới, lồng ghép tăng trưởng xanh vào Chiến lược phát triển kinh tế – xã hội giai đoạn 2021-2030. Đồng thời huy động mạnh mẽ sự tham gia của cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam và Thụy Sĩ đầu tư vào các dự án tăng trưởng Xanh ở Việt Nam trong thời gian tới.

    Chia sẻ tại Diễn đàn, bà Doris Leuthard, Bộ trưởng phụ trách Môi trường, Giao thông, Năng lượng và Truyền thông Thụy Sĩ cho biết, Thụy Sỹ là một quốc gia tiên phong trong việc giảm phát thải khí nhà kính thông qua việc ứng dụng công nghệ hiện đại trong sản xuất và sử dụng các nguồn năng lượng tái tạo.

    Bà Doris Leuthard cho rằng, để tăng trưởng Xanh phát triển bền vững, Việt Nam cần nghiên cứu, áp dụng những phương thức huy động nguồn lực, tài chính phục vụ tăng trưởng Xanh.

    Ở Thụy Sỹ, không chỉ có các doanh nghiệp lớn mà các doanh nghiệp nhỏ cũng áp dụng các chính sách “xanh” vào hoạt động của mình để hướng tới một mô hình bền vững với lợi nhuận cao hơn. Ví dụ như chuỗi cửa hàng ăn nhanh nổi tiếng của Thụy Sỹ (Max Burgers), đã bắt đầu thực hiện các chính sách “xanh” cùng với chiến dịch kinh doanh của mình từ năm 2006.

    Cửa hàng chỉ mua duy nhất năng lượng từ sức gió và bù đắp toàn bộ lượng CO2 thải ra bằng cách trồng một lượng cây tương đương tại Uganda. Đến năm 2008, Max đưa thêm nhãn CO2 vào trong thực đơn của mình, với thông số chính xác về lượng CO2 trong từng gói khoai chiên hay trong mỗi món ăn. Đến năm 2011, Max đã mở thêm 45 cửa hàng mới và tăng gấp đôi thị phần tại Thụy Sỹ.

    Không chỉ vậy, để giữ vững tăng trưởng Xanh, trong những năm qua, Thụy Sỹ không xây dựng chương trình điện hạt nhân mà thay vào đó là các công trình năng lượng tái tạo, năng lượng gió, năng lượng mặt trời… để giảm thiểu phát thải, chống biến đổi khí hậu.

    Chia sẻ về quá trình tăng trưởng của Việt Nam trong thời gian qua, bà Doris Leuthard ghi nhận và đánh giá cao những thành quả đó. Tuy nhiên, theo bà Doris Leuthard, quá trình này đã ảnh hưởng mạnh mẽ tới hệ sinh thái và tạo ra những thách thức đáng kể trong việc quản lý kinh tế và môi trường. Bên cạnh đó, Việt Nam cũng là một trong những quốc gia đang phải chịu ảnh hưởng nặng nề của biến đổi khí hậụ.

    “Do vậy, tăng trưởng Xanh là một chủ đề được đặc biệt ưu tiên đối với Việt Nam. Để tăng trưởng Xanh phát triển bền vững, Việt Nam cần nghiên cứu, áp dụng những phương thức huy động nguồn lực, tài chính phục vụ tăng trưởng Xanh, sự đóng góp từ phía cộng đồng và doanh nghiệp để giải quyết tốt các vấn đề nảy sinh, thách thức trong quá trình phát triển kinh tế-xã hội”, bà Doris Leuthard nhấn mạnh.

    Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng trưởng Xanh, giảm phát thải khí nhà kính… là xu hướng phát triển tất yếu của các quốc gia, trong đó có Việt Nam

    Khẳng định tầm quan trọng của tăng trưởng Xanh, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho rằng, ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng trưởng Xanh, giảm phát thải khí nhà kính và phát triển bền vững đang là xu hướng phát triển tất yếu của các quốc gia, trong đó có Việt Nam.

    Từ năm 2012, Chính phủ Việt Nam đã ban hành Chiến lược quốc gia về tăng trưởng Xanh, nhằm hỗ trợ cơ cấu lại nền kinh tế, thúc đẩy phát triển kinh tế Việt Nam theo hướng sử dụng tiết kiệm, hiệu quả tài nguyên thiên nhiên, giảm phát thải khí nhà kính, nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế, và qua đó thúc đẩy tăng trưởng bền vững, nâng cao mức sống của người dân.

    “Đến nay Việt Nam đã có 7 Bộ, 39 tỉnh thành phố đã xây dựng và thực hiện kế hoạch hành động tăng trưởng Xanh. Nhiều văn bản quy phạm pháp quy, pháp luật về hỗ trợ tăng trưởng Xanh đã được ban hành và Chính phủ cũng dành nhiều ưu tiên về nguồn lực cho thúc đẩy tăng trưởng xanh”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết.

    Tìm vốn đầu tư cho tăng trưởng xanh

    Theo xu hướng chung, Việt Nam đã phê duyệt Chiến lược Quốc gia về tăng trưởng Xanh và quyết tâm theo đuổi mục tiêu này. Tuy nhiên, để Chiến lược đảm bảo thành công thì phải có nguồn lực, trong đó bao gồm cả nguồn lực về tài chính. Việt Nam cần có một cơ chế hỗ trợ, thu hút và quản lý hiệu quả nguồn vốn cho các hoạt động phát triển kinh tế xanh là vấn đề đặt ra.

    Theo tính toán ban đầu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, để đạt được mục tiêu đề ra của Chiến lược tăng trưởng Xanh, Việt Nam sẽ phải cần tới 30 tỷ USD. Đây là thách thức không nhỏ khi nguồn lực ngân sách nhà nước hạn chế.

     Diễn đàn kêu gọi cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam – Thụy Sỹ đầu tư nhiều hơn nữa vào các dự án tăng trưởng xanh ở Việt Nam. 

    Chính vì vậy, thực hiện chiến lược tăng trưởng Xanh không thể chỉ dựa vào nguồn lực ngân sách mà phải huy động nguồn vốn của hệ thống ngân hàng, khu vực tư nhân, đặc biệt là nguồn đầu tư nước ngoài cùng với sự hỗ trợ của các tổ chức quốc tế, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nói.

    Bên cạnh đó, Kế hoạch hành động quốc gia về tăng trưởng xanh của Việt Nam cũng đã chỉ rõ 66 nhóm hành động cụ thể, trong đó 70% kinh phí sẽ huy động từ khu vực tư nhân. Đồng thời, Chính phủ sử dụng các nguồn vốn ngân sách trung ương, địa phương và nguồn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) đầu tư cho các chương trình, dự án liên quan đến lĩnh vực tăng trưởng xanh.

    Ngoài ra, các nguồn vốn hỗ trợ phát triển chính thức, các nhà tài trợ nước ngoài như Thụy Điển, Đan Mạch, Đức… đã hỗ trợ Chính phủ Việt Nam trong việc tăng cường năng lực về thể chế chính sách, tài chính đầu tư cho tăng trưởng Xanh thông qua các chương trình hỗ trợ trong lĩnh vực năng lượng tái tạo và ứng phó với biến đổi khí hậu…

    Vì vậy, trong giai đoạn 2017-2020, mối quan hệ hợp tác giữa Việt Nam – Thụy Sỹ trong vấn đề tăng trưởng Xanh sẽ gắn liền với 3 nội dung chính, bao gồm: Tăng cường thể chế và chính sách kinh tế hiệu quả; Phát triển khu vực tư nhân sử dụng nguồn lực hiệu quả và có khả năng cạnh tranh; Thúc đẩy phát triển đô thị bền vững và thích ứng với biến đổi khí hậu, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhận định.

    Ngay sau khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Chiến lược quốc gia về tăng trưởng Xanh thời kỳ 2013 – 2020 và tầm nhìn đến 2050 tại Quyết định 1393/QĐ- TTg, Bộ Công Thương đã có những hành động rất cụ thể hưởng ứng Chiến lược.

    Theo đó, Bộ đã xây dựng Kế hoạch hành động tăng trưởng Xanh của ngành giai đoạn 2015 – 2020. Trong đó, đã cụ thể hóa các nhiệm vụ trọng tâm trong các lĩnh vực công nghiệp, thương mại để thực hiện các mục tiêu và nhiệm vụ của Chiến lược quốc gia về  tăng trưởng Xanh đã được Thủ tướng phê duyệt.

    Bộ Công Thương cũng chủ trì soạn thảo một loạt các quyết định liên quan đến  tăng trưởng Xanh để Thủ tướng Chính phủ ban hành như: Chiến lược phát triển năng lượng tái tạo ở Việt Nam đến năm 2030 và tầm nhìn đến 2050; Cơ chế hỗ trợ phát triển các dự án điện sinh khối tại Việt Nam; Cơ chế khuyến khích phát triển các dự án điện mặt trời tại Việt Nam…

    Theo tapchicongthuong.vn

    Trái phiếu xanh cho các dự án môi trường

    0

    Tới đây, nguồn vốn huy động từ các đợt phát hành trái phiếu xanh sẽ được phân bổ vào các dự án liên quan môi trường như năng lượng tái tạo, công trình quản lý rác thải và tòa nhà xanh, giao thông vận tải, sân bay với các tiêu chí đạt tiêu chuẩn bền vững…

    Theo thông tin trên Báo Hải Quan, dù chưa có một định nghĩa chính thức nào về sản phẩm này, nhưng trái phiếu xanh được hiểu là công cụ huy động vốn cho các dự án/hoạt động đáp ứng được các tiêu chí về phát triển bền vững, trong đó có thể sẽ đáp ứng tất cả hoặc một phần quy định về môi trường, xã hội, quản trị (ESG).

    Các dự án chuyển đổi sang năng lượng bền vững, kiểm soát cách thức thay đổi hành vi tiêu dùng, hướng tới sử dụng năng lượng sạch, nhằm ngăn chặn hiện tượng khí hậu ấm lên trên toàn cầu, tiến tới loại bỏ sự phụ thuộc về năng lượng hóa thạch đòi hỏi phải có sự đầu tư rất lớn trong nhiều lĩnh vực kinh tế khác nhau.


    Nguồn vốn huy động từ trái phiếu xanh sẽ được phân bổ vào các dự án liên quan đến môi trường.

    Theo Tạp chí Điện tử Tài chính, một trong những giải pháp quan trọng là Bộ Tài chính sẽ thực hiện rà soát, hoàn thiện khung chính sách tài chính nhằm phát triển thị trường vốn xanh và các sản phẩm tài chính xanh. Theo đó, các hoạt động trên thị trường vốn sẽ được thiết lập một khung tài chính xanh như: ban hành các quy định, điều kiện khi niêm yết cổ phiếu (niêm yết xanh), báo cáo (trong báo cáo bền vững) và trong giám sát (theo các tiêu chí tài chính xanh).

    Bộ Tài chính cũng sẽ tiếp tục đẩy mạnh các sản phẩm của thị trường vốn xanh bao gồm: Trái phiếu xanh (các trái phiếu của doanh nghiệp xanh, phát hành cho các dự án xanh hoặc các sản phẩm xanh); Trái phiếu chính phủ và trái phiếu chính quyền địa phương phục vụ cho các mục tiêu, chương trình, dự án xanh; Các chỉ số xanh, chỉ số bền vững, chỉ số carbon; Các chứng chỉ, chứng chỉ đầu tư xanh của các quỹ đầu tư phát hành.

    Về trái phiếu xanh, ngay từ cuối năm 2015, chương trình hợp tác giữa Ủy ban Chứng khoán Quốc gia với Tổ chức Hợp tác Phát triển Đức (GIZ), Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) đã xây dựng Đề án phát triển thị trường trái phiếu xanh.

    Trên cơ sở đó, ngày 20/10/2016, lãnh đạo Bộ Tài chính đã phê duyệt Đề án phát hành thí điểm trái phiếu xanh của chính quyền địa phương và chỉ đạo các đơn vị liên quan triển khai thí điểm trái phiếu xanh chính quyền địa phương. Hai địa phương đầu tiên là TP. Hồ Chí Minh và Bà Rịa – Vũng Tàu đã đồng ý triển khai đề án này.

    Đến nay, TP. Hồ Chí Minh đã phát hành 3.000 tỷ đồng trái phiếu chính quyền địa phương xanh cho 34 dự án, trong đó lập danh mục 11 dự án xanh dựa trên “Danh mục dự án xanh” do Ngân hàng Nhà nước ban hành. Đồng thời, Bà Rịa – Vũng Tàu đã chuẩn bị cho đợt phát hành trái phiếu xanh đầu tiên 500 tỷ đồng cho 8 dự án xanh.

    Trong chương trình hợp tác từ năm 2018, GIZ dự kiến sẽ phối hợp với Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước, Ủy ban Chứng khoán Quốc gia, hai Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh cùng với IFC xây dựng đề án phát triển trái phiếu xanh doanh nghiệp và trái phiếu xanh định chế tài chính và thí điểm phát hành trái phiếu doanh nghiệp xanh, trước mắt có thể là các công ty thuộc VNSI (Top 20 doanh nghiệp về phát triển bền vững) và ngân hàng thương mại lớn của Việt Nam.

    Theo moitruong.com.vn

    Thành lập Quỹ bảo lãnh tín dụng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa

    Chính phủ đã ban hành Nghị định 34/2018/NĐ-CP về việc thành lập, tổ chức và hoạt động của Quỹ bảo lãnh tín dụng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa.

    Nghị định này quy định việc thành lập, tổ chức và hoạt động của Quỹ bảo lãnh tín dụng tại các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (sau đây gọi tắt là Quỹ bảo lãnh tín dụng hoặc Quỹ) để cấp bảo lãnh tín dụng cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa vay vốn tại các tổ chức cho vay theo quy định tại Nghị định này.

    Quỹ bảo lãnh tín dụng là quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thành lập, hoạt động không vì mục tiêu lợi nhuận, bảo toàn và phát triển vốn; thực hiện chức năng cấp bảo lãnh tín dụng cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa theo quy định tại Nghị định này và pháp luật có liên quan. Quỹ bảo lãnh tín dụng hoạt động theo mô hình Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ.

    Quỹ bảo lãnh tín dụng là quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thành lập, hoạt động không vì mục tiêu lợi nhuận.

    Nghị định quy định cụ thể điều kiện thành lập Quỹ bảo lãnh tín dụng gồm: 1- Vốn điều lệ thực có tối thiểu tại thời điểm thành lập Quỹ bảo lãnh tín dụng là 100 tỷ đồng do ngân sách cấp tỉnh cấp; 2- Có Đề án thành lập Quỹ bảo lãnh tín dụng do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trình và được Hội đồng nhân dân cấp tỉnh chấp thuận; 3- Có dự thảo Điều lệ tổ chức và hoạt động của Quỹ bảo lãnh tín dụng phù hợp với quy định; 4- Danh sách các thành viên dự kiến của Quỹ bảo lãnh tín dụng gồm: Chủ tịch, Kiểm soát viên, Giám đốc, Phó giám đốc và Kế toán trưởng Quỹ bảo lãnh tín dụng gồm những người đáp ứng đủ điều kiện, tiêu chuẩn quy định.

    Đối tượng được cấp bảo lãnh tín dụng

    Nghị định nêu rõ: Đối tượng được Quỹ bảo lãnh tín dụng cấp bảo lãnh tín dụng là các doanh nghiệp nhỏ và vừa theo quy định của Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa và các văn bản hướng dẫn, có tiềm năng phát triển nhưng chưa đủ điều kiện tiếp cận tín dụng ngân hàng ở các lĩnh vực được ưu tiên cấp tín dụng theo quy định tại Nghị định này.

    Các doanh nghiệp nhỏ và vừa vay vốn để đầu tư, sản xuất kinh doanh trong các lĩnh vực sau sẽ được ưu tiên xem xét cấp bảo lãnh tín dụng: a) Các lĩnh vực được ưu tiên cấp tín dụng theo hướng dẫn của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam trong từng thời kỳ; b) Các lĩnh vực hoặc dự án thuộc lĩnh vực ưu tiên phát triển kinh tế – xã hội tại địa phương trong từng thời kỳ.

    Quỹ bảo lãnh tín dụng xem xét cấp bảo lãnh tín dụng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa tối đa bằng 100% giá trị khoản vay.

    Căn cứ quy định trên, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ban hành Danh mục cụ thể các ngành, nghề, lĩnh vực ưu tiên phát triển kinh tế – xã hội tại địa phương trong từng thời kỳ được Quỹ ưu tiên xem xét cấp bảo lãnh tín dụng theo quy định.

    Điều kiện để được cấp bảo lãnh tín dụng

    Các đối tượng được bảo lãnh tín dụng chỉ được Quỹ bảo lãnh tín dụng xem xét cấp bảo lãnh khi đáp ứng đủ các điều kiện sau: 1- Có dự án đầu tư, phương án sản xuất kinh doanh có hiệu quả, có khả năng hoàn trả vốn vay; 2- Dự án đầu tư, phương án sản xuất kinh doanh được Quỹ bảo lãnh tín dụng thẩm định và quyết định bảo lãnh theo quy định; 3- Có phương án về vốn chủ sở hữu tối thiểu 20% tham gia dự án đầu tư, phương án sản xuất kinh doanh tại thời điểm Quỹ bảo lãnh tín dụng thẩm định để xem xét cấp bảo lãnh; 4- Tại thời điểm đề nghị bảo lãnh, doanh nghiệp không có các khoản nợ thuế từ 01 năm trở lên theo Luật quản lý thuế và nợ xấu tại các tổ chức tín dụng. Trường hợp nợ thuế do nguyên nhân khách quan, doanh nghiệp phải có xác nhận của cơ quan quản lý thuế trực tiếp; 5- Có biện pháp bảo đảm cho bảo lãnh vay vốn theo quy định.

    Quỹ bảo lãnh tín dụng xem xét cấp bảo lãnh tín dụng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa tối đa bằng 100% giá trị khoản vay (bao gồm cả vốn lưu động và vốn trung, dài hạn) tại tổ chức cho vay. Căn cứ vào tính khả thi, mức độ rủi ro của doanh nghiệp, dự án đầu tư, phương án sản xuất kinh doanh và khả năng tài chính của Quỹ, Quỹ bảo lãnh tín dụng xem xét, quyết định cụ thể mức bảo lãnh cho doanh nghiệp.

    Thời hạn cấp bảo lãnh tín dụng của Quỹ bảo lãnh tín dụng được xác định phù hợp với thời hạn vay vốn đã thoả thuận giữa các bên được bảo lãnh và bên nhận bảo lãnh tại hợp đồng tín dụng và được quy định rõ trong hợp đồng bảo lãnh tín dụng, chứng thư bảo lãnh ký kết giữa các bên liên quan theo quy định.

    Trong thời hạn cấp bảo lãnh, khách hàng không đáp ứng đủ điều kiện, tiêu chuẩn là doanh nghiệp nhỏ và vừa theo quy định của pháp luật thì Quỹ bảo lãnh tín dụng tiếp tục cấp bảo lãnh tín dụng cho khách hàng theo hợp đồng bảo lãnh tín dụng đã ký với bên được bảo lãnh cho đến khi hết thời hạn bảo lãnh theo hợp đồng.

    Theo Chinhphu.vn

    Những nơi nào trên thế giới đã cấm sử dụng túi nylon?

    Nhiều thành phố trên thế giới đã cấm sử dụng túi nylon, trong đó ở một số nước, các nhà bán lẻ tự nguyện trả tiền cho túi nylon dùng trong siêu thị mà không cần chính phủ áp dụng chính sách.

    Ireland là nước đầu tiên ở châu Âu áp dụng biện pháp hạn chế nylon từ tháng 5/2002. Mỗi túi nylon trong siêu thị phải chịu mức phí 15 euro-cent (khoảng 4.400 đồng), khiến số lượng túi nylon được sử dụng giảm khoảng 90% sau khi quy định được áp dụng. Trước đó, khoảng 1,2 nghìn tỷ túi nylon được các nhà bán lẻ phát cho khách hàng mỗi ngày. Mức phí này giờ đã tăng lên mức 22 euro-cent.

    Trong khí đó, San Francisco là thành phố đầu tiên ở Mỹ cấm sử dụng túi nylon trong các cửa hàng lớn. Những cửa hàng này dùng túi phân hủy, thường được làm từ phụ phẩm của ngô.

    Bangladesh từ tháng 3/2002 đã cấm dùng túi nylon ở thủ đô Dhaka, khi thấy rằng túi nylon tràn ngập khắp 2/3 đất nước sau trận lũ lụt lớn năm 1988 và 1998.

    Rất nhiều quốc gia trên thế giới đã ban hành lệnh cấm sử dụng túi nilon để bảo vệ môi trường.

    Chính phủ Nam Phi cấm dùng túi nylon siêu mỏng từ tháng 5/2003. Những nhà bán lẻ phát loại túi này cho khách hàng có thể bị phạt 100.000 rand (($13.800) hoặc 10 năm tù giam. Vì thế, khách hàng phải tự mang túi theo khi đi mua sắm, hoặc mua loại túi dày –  dễ tái chế và tái chế hiệu quả hơn về mặt chi phí.

    Một số nước khác ở châu Phi gồm Zanzibar, Kenya và Uganda cũng cấm sử dụng túi nylon từ năm 2006, 2007 vì loại túi này gây ô nhiễm môi trường, làm tổn hại đến ngành du lịch.

    Đặc biệt năm 2017, Kenya đã chính thức quy việc sản xuất, sử dụng túi nilon là bất hợp pháp. Điều luật được ban hành khi cả quốc gia Kenya đang sử dụng 24 triệu chiếc túi nilon 1 tháng. Bất cứ ai vi phạm sẽ phải đối mặt với mức án 4 năm tù và phạt 38.000 USD.

    Ấn Độ từ tháng 8/2003 cấm sản xuất, bán và sử dụng túi nylon ở bang phía bắc Himachal Pradesh vì nó gây lũ lụt và khiến nhiều con bò bị chết vì nuốt phải. Lệnh cấm tương tự cũng được áp dụng ở Mumbai, bang Maharashtra, Sikkim, Goa, Kerala và Karnatak từ tháng 9/2005 vì túi nylon làm tắc nghẽn hệ thống cống rãnh trong mùa mưa, gây lũ lụt và lở đất nghiêm trọng.

    Tại châu Âu, chính phủ nhiều quốc gia như Luxembourg, Đan Mạch đã áp thuế vào những loại túi sử dụng 1 lần, trong khi đó các siêu thị ở Đức đang tích cực loại bỏ túi nylon, nhựa và thay thế bằng những chất liệu tái sử dụng bền hơn.

    Ở Đức, Đan Mạch và Thụy Sĩ, các nhà bán lẻ tự nguyện trả tiền cho túi nylon dùng trong siêu thị mà không cần chính phủ áp dụng chính sách. Mỗi người châu u sử dụng tới 500 túi nylon/năm và hàng tấn rác nhựa bị thải ra biển. Chỉ tính riêng năm 2008, Châu Âu sản xuất 3,4 triệu tấn túi nylon, tương đương trọng lượng của 2 triệu chiếc xe hơi.

    Theo moitruong.com.vn

    Mũ bảo hiểm và xe đạp tự lọc không khí

    Trong khi Trung Quốc sản xuất loại xe đạp mới có chức năng lọc không khí để làm sạch khói bụi thì tại Việt Nam hai nam sinh ở Ninh Bình đã sáng chế ra chiếc mũ bảo hiểm tự lọc không khí.

    Mũ bảo hiểm tự lọc không khí

    Hai nhà khoa học nhí, chủ nhân của chiếc mũ bảo hiểm tự cầu cứu, tự lọc không khí “made in Việt Nam” nói trên là em Đinh Quốc Bảo và Nguyễn Hữu Anh, học sinh lớp 10 chuyên Tin, trường THPT chuyên Lương Văn Tụy (Ninh Bình).


    Mũ bảo hiểm tự cầu cứu, tự lọc không khí của hai nhà khoa học nhí Ninh Bình.

    Cấu tạo, quy trình vận hành của chiếc mũ bảo hiểm độc đáo được Quốc Bảo và Hữu Anh lý giải: Mũ bảo hiểm này là loại mũ bảo hiểm toàn đầu, hai bộ phận chính là lọc không khí và trung tâm cầu cứu nằm bên trong mũ.

    Quy trình vận hành trung tâm cầu cứu được thực hiện như sau: Khi có va chạm xảy ra, cảm biến rung lò xo sẽ được kích hoạt truyền tín hiệu đến trung tâm cầu cứu. Từ đây, tín hiệu sẽ được truyền ngay đến hệ thống đèn led và loa để tạo tín hiệu trực quan cho người đi đường.

    Cũng từ trung tâm cầu cứu, tín hiệu sẽ được truyền đến bộ phát RF trên mũ, từ bộ phát RF tín hiệu sẽ truyền đến bộ thu RF được đặt trong xe máy. Bộ thu RF sẽ truyền tín hiệu đến modul GPS, mudul GPS sẽ gửi tin nhắn báo tọa độ của người bị tai nạn cũng như gọi điện cho người thân (3 số điện thoại người thân được cài sẵn) và trung tâm cứu hộ (số được cài sẵn).

    Đối với bộ phận lọc không khí, bơm khí sẽ hút không khí (ô nhiễm, bụi bẩn…) từ bên ngoài qua đầu lọc thô rồi dẫn qua khoang lọc gồm: màng lọc 4 lớp và nước vôi trong. Từ đây, không khí tiếp tục đi quang khoang lọc 2 có than hoạt tính. Cuối cùng qua 2 ống xả, không khí đã được lọc sạch xả vào kính rồi phản xạ vào mũi của người dùng bên trong mũ bảo hiểm.

    Theo Dân Trí, mũ bảo hiểm tự cầu cứu, tự lọc không khí của Đinh Quốc Bảo vào Nguyễn Hữu Anh được đánh giá là sản phẩm có tính ứng dụng cao, các tính năng như đảm bảo an toàn, hợp chuẩn, tự cầu cứu tại chỗ bằng âm thanh, ánh sáng và báo tọa độ bị nạn qua điện thoại cho người thân, đồng thời lọc bụi và một số khí thải trong không khí cho người sử dụng rất hữu ích cho người sử dụng.

    Sản xuất loại xe đạp có chức năng lọc không khí

    Trung Quốc mới khởi động dự án sản xuất loại xe đạp mới mang tên “Smog Free Bicycle”, có chức năng hấp thụ cacbon và các phân tử khác trong không khí, với hy vọng có thể xử lý không khí chứa đầy khói bụi tại một số thành phố lớn như Bắc Kinh.

    Chiếc xe sẽ có một mô-đun ở phía trước hút không khí ô nhiễm, làm sạch nó và giải phóng không khí sạch xung quanh người điều khiển xe đạp.

    Người khởi xướng kế hoạch này, nhà thiết kế người Hà Lan Daan Roosegaarde, đã ký thỏa thuận với công ty OFO – công ty khởi nghiệp trong lĩnh vực “xe đạp công cộng” để biến “Smog Free Bicycle” trở thành hiện thực. Chiếc xe sẽ có một mô-đun ở phía trước hút không khí ô nhiễm, làm sạch nó và giải phóng không khí sạch xung quanh người điều khiển xe đạp.

    Sự hợp tác đã được thông báo tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới, tổ chức tại thành phố Đại Liên, Trung Quốc vào tuần trước. Trung Quốc hy vọng giải pháp này sẽ mang lại một lựa chọn thân thiện và lành mạnh cho người dân thành thị, giúp chống lại tắc nghẽn giao thông và ô nhiễm môi trường.

    Nhà thiết kế Roosegaarde nhấn mạnh tầm nhìn của ông về Schoonheid, một từ tiếng Hà Lan có nghĩa là vẻ đẹp và sự sạch sẽ. “Với công nghệ của Trung Quốc và Hà Lan, chúng tôi sẽ sản xuất chiếc xe đạp như một biểu tượng văn hoá của Trung Quốc, trở thành tương lai của các thành phố không khói bụi.”

    Theo moitruong.com.vn

    Sản xuất túi nylon tự hủy thân thiện môi trường

    Cùng đóng góp vào môi trường kinh doanh bền vững, các doanh nhân đã tạo ra những loại túi nylon 100% hữu cơ, được làm từ củ sắn (khoai mì) có thể tự phân hủy và thân thiện với môi trường.

    Từ Ấn Độ…

    Công ty EnviGreen của doanh nhân Asthwash Hedge (Ấn Độ) đã sản xuất 100% những chiếc túi hữu cơ, có thể tự phân hủy và thân thiện với môi trường. Điều đặc biệt là những chiếc túi này có độ bền và mang đến cảm nhận giống y như chúng ta đang sử dụng túi nylon.

    “Mangalore City đã thực hiện một lệnh cấm sản xuất, buôn bán và phân phối túi nylon vào năm 2012. Nhưng quyết định này được thực hiện mà không có sự chuẩn bị để thay thế cho túi nylon. Mọi người đều quan tâm đến việc họ sẽ mang hàng hóa từ siêu thị hoặc chợ về nhà bằng cách nào. Người dân không thể chi trả cho những chiếc túi có giá thậm chí còn cao hơn cả hàng hóa mà họ mua. Vì vậy, tôi đã quyết định đưa ra một sản phẩm thay thế sau khi nghe về vấn đề này.”

    Những chiếc túi này có độ bền và mang đến cảm nhận giống y như chúng ta đang sử dụng túi nylon.

    Mặc dù giá của một chiếc túi EnviGreen có giá cao hơn khoảng 35% so với giá của những chiếc túi nylon, nhưng nó có giá rẻ hơn những chiếc túi vải tới 500%. Với một sản phẩm thân thiện với môi trường và công năng sử dụng hệt như túi nylon thì đây là một mức giá rất tốt.

    Để sản xuất những chiếc túi này, tất cả nguyên liệu được chuyển sang dạng chất lỏng. Sau đó, hỗn hợp được đưa qua sáu bước sản xuất để cho ra sản phẩm cuối cùng. Hiện doanh nghiệp có khoảng 60 nhân viên ở Bangalore, và nhà máy sản xuất được khoảng 1.000 tấn túi EnviGreen mỗi tháng.

    Aswath giải thích việc anh và nhóm của anh đã lấy được cảm hứng để trao quyền cho những người nông dân ở vùng nông thôn Karnataka bằng việc nói rằng tất cả nguồn cung nguyên liệu đều đến từ họ.

    … đến Indonesia

    Nước Indonesia với hơn 17.000 hòn đảo lớn nhỏ đang bị ô nhiễm môi trường biển nặng nề. Theo ước tính của Tổ chức Bảo tồn Đại dương Hoa Kỳ thì Indonesia là nước xả các chất thải nhựa ra biển nhiều nhì thế giới, chỉ sau Trung Quốc.

    Rác thải nhựa gây nhiều ô nhiễm cho môi trường, phải mất từ 500 – 1000 năm mới có thể phân hủy hết. Hơn nữa, khi thiêu hủy, nhựa sẽ thải ra không khí nhiều chất gây ra ung thư phổi, tắc nghẽn mạch máu…

    Rác thải nhựa gây nhiều ô nhiễm cho môi trường, phải mất từ 500 – 1000 năm mới có thể phân hủy hết.

    Hòn đảo Bali, Indonesia đang gặp vấn đề về rác thải nhựa tràn lan trên đường phố và bãi biển. Kevin Kumala, một doanh nhân trên đảo, và người bạn học làm trong lĩnh vực nghiên cứu nhựa sinh học của mình đã cùng làm ra một loại túi có thành phần là bột khoai mì, dầu thực vật và nhựa hữu cơ.

    Chiếc túi được làm ra có khả năng tự phân huỷ trong thời gian vài tháng trên cả đất liền lẫn trên biển, hoặc phân hủy ngay lập tức trong nước nóng. Kumala tuyên bố rằng nhựa hữu cơ của mình không hề có chất độc hại, và anh đã chứng minh bằng cách thả chiếc túi vào nước nóng rồi uống.

    Kevin chia sẻ: “Túi ‘khoai mì’ sẽ mang lại hy vọng cho các sinh vật biển, sẽ không còn tình trạng động vật bị chết do nuốt hoặc mắc kẹt vào rác nữa”.

    Theo moitruong.com.vn

    Trái đất liệu có nóng như ở sao Kim?

    Trước khi qua đời ở tuổi 76, hôm 14/3/2018, Nhà vật lý thiên tài người Anh Stephen Hawking cảnh báo một ngày nào đó nhiệt độ trái đất sẽ “nóng bỏng” như ở sao Kim (khoảng 460 độ C) nếu con người không cắt giảm lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính.

    Một trong những mối quan ngại lớn nhất của Stephen Hawking là hiện tượng ấm lên toàn cầu. Thiên tài Hawking cảnh báo: “Chúng ta đang gần tới điểm giới hạn mà ở đó sự ấm lên toàn cầu là không thể cứu vãn được”.

    Trong một cảnh báo hồi tháng 7/2017, Giáo sư Stephen Hawking cho biết: “Những nguồn tài nguyên vật chất đang cạn kiệt dần với tốc độ đáng báo động. Chúng ta đã trao tặng cho hành tinh của mình một món quà thảm họa là biến đổi khí hậu”.


    Thiên tài Stephen Hawking nhấn mạnh con người cần rời khỏi trái đất trong khoảng trăm năm nếu không muốn bị diệt vong. Ảnh: PA

    Thậm chí nếu không bị biến đổi khí hậu “tàn phá” thì trái đất cũng khó thoát khỏi tai họa diệt vong khi đụng độ tiểu hành tinh là việc không thể tránh khỏi.

    Nhận thấy tiềm năng sống cho con người ở bên ngoài trái đất, nhà vật lý Stephen Hawking đã phối hợp với tỷ phú người Nga Yurri Milner tiến hành thực hiện một dự án mang tên Breakthrough Starshot.

    Mục đích của dự án là sẽ phóng hàng loạt những tàu vũ trụ siêu nhỏ lên Alpha Centauri (hệ sao gần trái đất nhất) để tìm kiếm không gian sống cho con người ở ngoài không gian. Nhưng đáng tiếc là nhà vật lý vĩ đại Stephen Hawking đã qua đời khi dự án vẫn còn dang dở.

    Cảnh báo từ 15.000 nhà khoa học

    Theo thông tin trên Tuổi Trẻ, hơn 15.000 nhà khoa học từ 184 quốc gia mới đây đã kí tên vào cảnh báo tập thể gửi nhân loại về biến đổi khí hậu. Thông điệp chung các nhà khoa học gửi đến nhân loại là: con người phải hành động ngay lập tức để đảo ngược tác động của biến đổi khí hậu, nạn phá rừng và sự tuyệt chủng của các loài trước khi quá muộn.

    Cảnh báo được đăng trên tạp chí Bioscience số kỷ niệm 25 năm ngày giới khoa học gia phát đi một cảnh báo tương tự có tên: “Cảnh báo của các nhà khoa học thế giới đến nhân loại”.

    Người phát động chiến dịch này là William Ripple – giáo sư Trường Đại học Lâm nghiệp bang Oregon. Ông và sinh viên của mình đã rà soát lại các mối lo ngại đã nêu ra trong cảnh báo năm 1992 và thu thập dữ liệu toàn cầu để ghi nhận các xu hướng thay đổi trong 25 năm qua.

    Bài báo của ông nhằm nâng cao nhận thức về tính mong manh của trái đất và được tạp chí BioScience chấp nhận xuất bản. Sau đó, giáo sư Ripple nảy ra sáng kiến kêu gọi các nhà khoa học kí tên vào cảnh báo tập thể gửi nhân loại lần thứ hai trên tài khoản Twitter của mình.

    Một trong những mối quan ngại lớn nhất của Stephen Hawking là hiện tượng ấm lên toàn cầu.

    Bài báo đã nêu ra những vấn đề môi trường cấp bách nhất trên thế giới, hầu hết đều diễn biến theo chiều hướng xấu thêm hơn kể từ năm 1992. Theo đó, các vấn đề môi trường đáng quan tâm bậc nhất là:

    1. Giảm lượng nước ngọt: Lượng nước sạch bình quân đầu người thấp hơn một nửa so với những năm 1960. Rất có thể biến đổi khí hậu sẽ có tác động lớn đến lượng của nước ngọt do làm thay đổi chu trình thủy văn và lượng nước sẵn có.

    2. Đánh bắt hải sản thiếu bền vững: Từ năm 1992, tổng sản lượng đánh bắt hải sản luôn đạt hoặc vượt quá sản sản lượng tối đa cho phép khai thác để duy trì sự bền vững của đại dượng. Tỷ lệ khai thác toàn cầu đã giảm, mặc dù nỗ lực đánh bắt đang gia tăng.

    3. Các vùng chết ở đại dương: Các vùng chết được tạo ra chủ yếu phân bón và nhiên liệu hóa thạch bị rửa trôi xuống biển. Những khu vực này giết chết một số lượng lớn các sinh vật biển do thiếu oxy trong nước và ảnh hưởng dây chuyền đến toàn bộ hệ sinh thái biển. Số lượng những vùng biển chết đã tăng lên đáng kể kể từ năm 1960 và và đến năm 2010 có hơn 600 hệ sinh thái biển bị đe dọa.

    4. Mất rừng: Rừng là nguồn dự trữ cacbon, đa dạng sinh học và nước ngọt cho thế giới. Từ năm 1990 đến 2015, diện tích rừng trên thế giới đã bị giảm từ 4.128 triệu ha xuống còn 3.999 triệu ha và tổng diện tích rừng bị mất 129 triệu ha gần tương đương với diện tích Nam Phi.

    5. Giảm đa dạng sinh học: Đa dạng sinh học của thế giới đang biến mất với tốc độ báo động và quần thể loài động vật có xương sống đang nhanh chóng suy giảm (WWF 2016). Nói chung, trên toàn cầu, số lượng cá, lưỡng cư, bò sát, chim chóc và động vật có vú đã giảm 58% trong giai đoạn 1970-2012.

    6. Biến đổi khí hậu: Lượng khí carbon dioxide thải ra từ các nhiên liệu hóa thạch trên toàn cầu tăng mạnh từ năm 1960. Tương ứng với mức nhiệt độ bề mặt trung bình toàn cầu năm 1951-1980, phát thải CO2 cũng tăng lên nhanh chóng và được thể hiện bằng sự bất thường trong khí hậu. Kể từ năm 1998, thế giới ghi nhận liên tục 10 năm nóng nhất trong 136 năm.

    7. Tăng dân số: Từ 1992, dân số thế giới đã tăng khoảng 2 tỉ người (35%). Với con số này, dân số thế giới không thể ngừng tăng lên trong thế kỷ này và có khả năng sẽ tăng từ 7,2 triệu người hiện nay lên con số đâu đó nằm giữa 9,6-12,3 tỉ người vào năm 2100.

    Theo các nhà khoa học, các quốc gia và các tổ chức quốc tế cần có nhiều chính sách và chương trình thích hợp để giảm và chặn diễn biến cũng như ảnh hưởng của biến đổi khí hậu với tương lai trực tiếp của trái đất.

    Theo moitruong.com.vn

    Uống trà sữa gây hại như thế nào đến môi trường?

    Chắc hẳn có nhiều người đặt ra câu hỏi, uống trà sữa ảnh hưởng gì đến môi trường mà kêu ca? Một ly trà sữa đến tay khách hàng đồng nghĩa với 1 chiếc ly nhựa được thải ra môi trường. Với lượng tiêu thụ ồ ạt như hiện nay, số lượng ly sẽ tăng đáng kể.

    Trà sữa đang tạo nên cơn sốt đáng kinh ngạc trong cộng đồng người trẻ Việt Nam. Không như nhiều trào lưu khác, đến tận thời điểm hiện tại, loại thức uống này vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Mặc kệ những cảnh báo về sức khỏe, người ta vẫn hằng ngày tiêu thụ một lượng lớn trà sữa – theo Thegioitre.

    Chắc hẳn có nhiều người đặt ra câu hỏi, uống trà sữa ảnh hưởng gì đến môi trường mà kêu ca?

    Song, người ta mới chỉ thấy cộng đồng kêu ca về những tác hại của trà sữa đối với sức khỏe người dùng, vẫn chưa thấy có hồi chuông nào nêu vấn đề chất lượng môi trường cũng bị ảnh hưởng.

    Câu trả lời nằm ở những chiếc ly đựng trà sữa của bạn. Đa phần, các nhãn hiệu trà sữa có mặt tại Việt Nam thời điểm này đều đang sử dụng loại ly nhựa để kinh doanh. Một ly trà sữa đến tay khách hàng đồng nghĩa với 1 chiếc ly nhựa được thải ra môi trường. Với lượng tiêu thụ ồ ạt như hiện nay, số lượng ly sẽ tăng đáng kể.

    Trà sữa đang tạo nên cơn sốt đáng kinh ngạc trong cộng đồng người trẻ Việt Nam.

    Người ta sáng tạo ra nhựa từ những năm 1947, ở thời điểm này, đây là loại vật liệu “vàng”, được sử dụng như sáng chế tiện lợi nhất trên thế giới. Nhưng đến những năm gần đây, con người mới nháo nhào lên vì nhận ra, số lượng nhựa thải ra hàng năm đang giết chết Trái Đất từng giây từng phút.

    Trung bình, một chiếc ly nhựa sẽ mất 70-450 năm để phân hủy hoàn toàn. Nếu một ngày bạn uống 1 ly trà sữa, 1 năm sẽ là 365 chiếc ly được thải ra môi trường. Vậy tổng số thời gian để phân hủy hết số ly này trong môi trường tự nhiên sẽ là 25.550 năm. Con số chẳng thể tin nổi!

    Hãy thử tưởng tượng bạn uống một ly trà sữa và mất đến 70 năm cuộc đời mới tiêu hóa nổi chúng, bạn có dám uống nữa không? Vậy mà hằng ngày mẹ thiên nhiên đang phải “nuốt” hàng ngàn chiếc ly như thế.

    Tại Việt Nam, gần như chưa có quán trà sữa nào khẳng định mình dùng ly nhựa tái chế để bảo vệ môi trường. Khách hàng cũng chẳng thèm quan tâm đến vấn đề đó. Họ chỉ quan tâm quán trà sữa nào đẹp nhất, quán nào ngon nhất hay quán nào nổi tiếng nhất.

    Vì vậy, cùng uống trà sữa nhưng cũng xin lưu tâm, đừng để một sở thích cá nhân biến thành những hành động vô tình mang lại hậu quả nghiêm trọng cho môi trường sống.

    2 nữ sinh với dự án giúp giới trẻ uống trà sữa văn minh

    Phương Hoa, thành viên của dự án CHÀ, cho rằng thế hệ trẻ có lối sống hiện đại nhưng thói quen uống trà sữa của họ đang tác động xấu đến môi trường. Trào lưu trà sữa của giới trẻ hiện nay đang gián tiếp thải ra một lượng rác thải nhựa, gây ô nhiễm môi trường.

    Theo khảo sát của dự án CHÀ, trung bình mỗi cửa hàng trà sữa sử dụng 200-300 cốc nhựa/ngày. Trong một cuộc phỏng vấn ngắn của Zing.vn, 70% người được hỏi tiết lộ rằng trà sữa là một trong những thức uống họ yêu thích nhất. Những con số phần nào phác họa viễn cảnh khối lượng rác thải nhựa khổng lồ từ hành vi uống trà sữa.

    Trò chuyện về ý tưởng ấp ủ của mình trên Zing, hai thành viên của CHÀ, Nguyễn Phương Hoa và Vũ Thu Phương, không giấu được nỗi trăn trở mang dự án đến gần hơn với người trẻ, đồng thời thay đổi phong cách sống và tạo nên một trào lưu uống trà sữa kiểu mới, thân thiện hơn với môi trường.

    “Quá trình hiện thực hóa dự án và thay đổi quan điểm, thói quen của mọi người có thể sẽ mất một khoảng thời gian khá dài. Chúng mình hy vọng rằng bình CHÀ như một món phụ kiện tô điểm, tăng thêm giá trị của người dùng”, Phương Hoa hào hứng chia sẻ về dự án tâm huyết.

    Nói về thời gian thực hiện dự án tâm huyết, 9X cho biết quá trình đem lại cho họ nhiều kiến thức về môi trường, những kỹ năng mềm cũng như cơ hội gặp gỡ, làm việc với các chuyên gia tâm huyết, có chuyên môn cao.

    Chính vì thế, 2 nữ sinh hy vọng CHÀ sẽ ngày càng được lan tỏa, phát triển, góp phần giảm bớt lượng rác thải nhựa ra môi trường, thay đổi thói quen dùng bình CHÀ sạch để chung tay vì một xã hội văn minh, hiện đại.

    Theo moitruong.com.vn