Các loài động vật ngày càng trở nên thân thiết với con người hơn nhưng bản thân chúng vẫn mang những nguồn bệnh thực sự đáng sợ, đe dọa sự sống của loài người như bệnh gật gù rồi chết; dịch hạch, bệnh than, bệnh viêm não, dịch cúm gia cầm, dịch ebola, v.v…

Tổ chức Y tế thế giới đã có những minh chứng khoa học cho thấy có khoảng 70% bệnh truyền nhiễm nguy hiểm mới nổi ở người có nguồn gốc từ động vật.

Nguy cơ các bệnh lây truyền từ động vật sang người xảy ra khi có sự tiếp xúc trực tiếp hoặc gián tiếp của con người với động vật, với sản phầm từ động vật, môi trường sống của chúng.

Những bệnh này có thể lây truyền qua tiếp xúc với động vật (như bệnh dại lây qua vết cắn), qua môi trường bị nhiễm (như bệnh than) và qua thực phẩm (bệnh liên cầu lợn), hay gián tiếp qua vector truyền bệnh như muỗi hay bọ ve… Cả vật nuôi và động vật hoang dã đều có thể là ổ chứa tác nhân gây bệnh của những bệnh này.

Bệnh gật gù rồi chết: Đây là nhóm bệnh gây ra bởi một loài ruồi có tên là xê xê và các loài bọ xít, bao gồm hiện tượng ngủ gật của người châu Phi và bệnh chagas. Chúng đang tác động đến khoảng 10 triệu người.

Dịch hạch: Con người bị lây bệnh này từ chuột cống và những loài gặm nhấm khác. Tác nhân gây bệnh được truyền qua vết cắn. Bệnh dịch đầu tiên được nổ ra ở thế kỷ thứ 6 và ở Vizantia: Trong 50 năm gần 100 triệu người bị chết. Vào thế kỷ XIV , bệnh dịch hạch phương Đông đã cướp đi sinh mạng của chừng 1/3 dân số châu Á và châu Âu. Vào cuối thế kỷ XIX đã xảy ra đợt dịch hạch toàn cầu thứ 3 đánh vào trên 100 cảng trên thế giới. Năm 1999 nó lại bùng phát ở 14 nước, chủ yếu ở châu Phi, trên 2,6 nghìn người mắc bệnh, 212 người trong số đó tử vong.

Bệnh than: Đây là bệnh nhiễm khuẩn cấp tính diễn ra ở gia súc (bò, cừu, dê…) do vi khuẩn Bacillus anthracis gây ra, có thể truyền sang người, ở một vài dạng nó có độc tính rất cao. Vi khuẩn than là một trong số ít những vi khuẩn có thể tồn tại rất lâu ở môi trường trong dạng bào tử. Khi vòng đời của vi khuẩn gặp nhân tố bất lợi ví dụ như vật chủ nó ký sinh chết hoặc là nhiệt độ môi trường thay đổi bất lợi, vi khuẩn chuyển thành dạng bào tử có tính ngủ đông để chờ các vật chủ mới, tiếp tục vòng đời của mình. Bệnh than là một trong những bệnh được xếp vào nhóm bệnh “đặc biệt nguy hiểm”. Vi khuẩn than dễ được nghiên cứu sử dụng trong chiến tranh sinh học.

Bệnh viêm não: Con người nhận được tác nhân gây bệnh viêm não từ loài gặm nhấm và chim. Muỗi và bọ cũng là vật trung gian mang virus. Mỗi năm có 100-200 nghìn người mắc các bệnh viêm não khác nhau, 10-15 nghìn người đã chết.

Dịch cúm gia cầm: Hàng loạt các loại virus cúm gia cầm nguy hiểm như H5N1, H5N6… đã làm cả thế giới e ngại có nguyên nhân lây bệnh từ các loài gia cầm như gà, vịt, ngan, ngỗng và các loài chim… Virus này được phát hiện lần đầu tiên là tại Ý vào đầu thập niên 1900 và giờ đây phát hiện ở hầu hết các nơi trên thế giới. Hiện giờ, không một quốc gia nào khẳng định có đầy đủ phương tiện và kỹ thuật để ngăn ngừa, chống lại đại dịch cúm này nếu điều đó xảy ra.

 

Dịch Ebola: Trong thiên nhiên, virus Ebola tồn tại trong một loài dơi chuyên ăn quả ở châu Phi. Tuy nhiên, chỉ có người và động vật linh trưởng (khỉ, khỉ đột, đười ươi, tinh tinh…) mới là vật chủ để virus này gây bệnh. Ngoài ra, người ta cũng ghi nhận một số người bị lây nhiễm do tiếp xúc hoặc ăn uống thịt các thú rừng bị bệnh hoặc chết như: nhím, linh dương, mặc dù những loài thú này không phải là vật chủ của virus Ebola. Đây là bệnh có tỉ lệ tử vong cao: Thường từ 50% đến 90% số người nhiễm virus Ebola bị tử vong. Năm 2014, 10.000 người trên toàn cầu đã thiệt mạng vì dịch Ebola.

Bệnh dại: Bệnh do virus dại (rabies virus) gây nên. Đây là một bệnh truyền nhiễm virus cấp tính của hệ thần kinh trung ương dẫn đến tử vong chắc chắn. Bệnh dại là một trong những bệnh nhiễm được ghi nhận từ thời cổ xưa, mô tả từ cách đây hơn 3000 năm và là một bệnh truyền nhiễm đáng sợ. Bệnh dại có thể gặp ở tất cả động vật có vú. Bệnh lây truyền chủ yếu do các chất tiết bị nhiễm, thường do vết cắn, vết liếm của động vật mắc bệnh dại.

Bệnh do virus dại (rabies virus) gây nên.

Đại dịch HIV/AIDS: Con người mắc phải virus HIV từ những loài vượn dạng người sống ở Trung Phi. Cho đến nay, đại dịch HIV/AIDS đã cướp đi sinh mạng của ít nhất 25 triệu người và 33 triệu người khác hiện đang chung sống với HIV. Cho đến nay, y học vẫn chưa tìm được thuốc chữa căn bệnh này.

Bệnh sốt rét: Là một chứng bệnh gây ra bởi ký sinh trùng tên Plasmodium, lây truyền từ người này sang người khác khi bị muỗi Anopheles đốt. Sốt rét là một trong những bệnh truyền nhiễm phổ biến nhất và là vấn đề rất nghiêm trọng đối với sức khỏe cộng đồng. Mỗi năm có khoảng 515 triệu người mắc bệnh, từ 1 đến 3 triệu người tử vong – đa số là trẻ em ở khu vực phía nam sa mạc Sahara, châu Phi.

Mù lòa do rệp cắn: Mù lòa do rệp cắn: Đây là căn bệnh gây ra bởi một loại rệp và có thể khiến cho bệnh nhân bị mù lòa. Tuy không phải là một căn bệnh gây chết người nhưng nó có thể làm cho hàng triệu trường hợp vĩnh viễn mù.

11 điều cần nhớ để phòng lây bệnh từ động vật

1. Ăn thức ăn đã nấu chín

Nên thực hiện ăn chín uống sôi, tránh ăn uống các loại thực phẩm tái sống, nhất là các món ăn làm từ thịt sống như gỏi, tiết canh… để phòng tránh vi khuẩn, vi-rút lây nhiễm trực tiếp từ động vật sang cơ thể người.

2. Tránh tiếp xúc trực tiếp với động vật khi giết mổ

Khi giết mổ động vật, tránh tiếp xúc trực tiếp với cơ thể động vật mà nên sử dụng các dụng cụ bảo hộ như gang tay, khẩu trang y tế để tránh lây nhiễm trực tiếp mầm bệnh sang con người. Đồng thời nên vệ sinh sạch sẽ thịt động vật sau khi giết mổ, tránh để lây nhiễm các loại chất cặn bã, dư thừa trong quá trình giết mổ để giảm nguy cơ lây nhiễm mầm bệnh vào thịt thành phẩm.

3. Tuyệt đối không ăn thịt động vật đã chết trước khi giết mổ

Nhiều người vẫn có thói quen sử dụng thịt động vật ngay cả khi chúng đã chết. Đây là nguyên nhân khiến các loại vi khuẩn, vi-rút và mầm bệnh gây hại cho động vật lây nhiễm sang con người và gây nên dịch bệnh.

4. Tránh sử dụng thịt động vật không rõ nguồn gốc

Các loại động vật hoang dã được săn bắt làm thực phẩm và được coi là đặc sản nhưng lại ẩn chứa mối nguy hại khi tiềm ẩn nhiều loại vi-rút và mầm gây bệnh đáng sợ cho con người mà không hề được phát hiện hay kiểm tra. Thực tế đã cho thấy, những đại dịch gần đây đều có nguồn gốc từ các loại thịt động vật hoang dã.

5. Nuôi cách ly các loại gia súc gia cầm

Nước ta có thói quen chăn nuôi các loại gia súc, gia cầm gần khu dân cư hoặc trong khuôn viên gia đình. Đây là mối nguy hiểm rất lớn khi các loại động vật này mắc bệnh và có nguy cơ lây nhiễm trực tiếp sang người một cách nhanh và dễ dàng. Để phòng tránh dịch bệnh và giữ vệ sinh, bạn nên chăn nuôi các loại gia súc gia cầm cách ly xa khu vực dân cư.

6. Rửa tay và vệ sinh cá nhân trước khi ăn

Rửa tay và vệ sinh cá nhân sạch sẽ trước khi ăn luôn được các bác sĩ khuyến cáo nên làm để phòng tránh các loại dịch bệnh và bảo vệ sức khỏe cho con người. Vệ sinh trước khi ăn còn giúp ngăn ngừa các loại vi khuẩn lây qua đường tiêu hóa và tiêu diệt vi khuẩn có hại trước khi lây nhiễm trực tiếp vào thức ăn.

7. Lựa chọn thực phẩm có nguồn gốc, được kiểm dịch rõ ràng

Một trong những biện pháp phòng tránh dịch bệnh lây qua thực phẩm có nguồn gốc từ động vật là việc lựa chọn thực phẩm. Bạn nên lựa chọn thực phẩm có nguồn gốc, được kiểm dịch để bảo đảm sức khỏe cho cả gia đình và tránh mua phải thực phẩm có nguồn gốc nhiễm bệnh.

8. Vệ sinh xung quanh môi trường sống

Vệ sinh sạch sẽ môi trường sống giúp tiêu diệt các loài vật trung gia truyền bệnh như ruồi, muỗi, chuột, bọ… đồng thời giúp môi trường sống thêm sạch sẽ, thông thoáng, tránh các loại vi khuẩn và mầm bệnh trong không khí.

9. Hạn chế đến nơi có ổ dịch bệnh

Nên hạn chế tiếp xúc trực tiếp với mầm bệnh, các loại gia súc gia cầm còn sống và nhất là đến các nơi có ổ dịch bệnh để phòng tránh dịch bệnh lây lan trực tiếp. Nếu bắt buộc phải đi đến những nơi phát hiện có ổ dịch, bạn nên đeo khẩu trang y tế, rửa tay và vệ sinh cá nhân bằng nước sát khuẩn.

10. Vệ sinh cá nhân và tiêm phòng dịch

Nên thường xuyên vệ sinh cá nhân sạch sẽ bằng các loại nước sát khuẩn khi có dịch bệnh bùng phát và tiêm phòng dịch để phòng tránh các loại dịch bệnh.

11. Tiêm phòng cho gia súc, gia cầm

Để hạn chế dịch bệnh lây nhiễm từ gia súc gia cầm, bạn nên tiêm phòng cho gia súc gia cầm để phòng tránh dịch bệnh khoảng 3 tháng trước khi giết mổ.

Theo moitruong.com.vn