15 C
Hanoi
Thứ hai, Tháng mười hai 23, 2024
More
    Home Blog Page 441

    Vì sao Việt Nam mới “rón rén” dùng xăng E5?

    0

    Sử dụng xăng sinh học E5 đã trở thành xu hướng và nhiều nước trên thế giới đã sử dụng từ lâu trong khi Việt Nam mới “rón rén” dùng xăng E5. Do đó, việc dùng E5 thay thế xăng A92 là đi sau các nước và đã có sự kiểm chứng ở nhiều quốc gia khác chứ không phải chúng ta là “chuột bạch”.

    Xu hướng toàn cầu

    Ethanol và biodiesel là hai loại nhiên liệu sinh học (NLSH) đang được sử dụng phổ biến hiện nay. Ethanol được sử dụng để pha trộn với xăng theo các tỷ lệ có thể thay đổi trong một khoảng rộng, gồm có E5 (xăng chứa 5% ethanol), E10 (10%), E85 (85%) và E100 (100%).

    Theo nghiên cứu của các nhà khoa học, ethanol sản xuất từ ngũ cốc giảm được 40% phát thải khí nhà kính so với xăng, và giảm tới 100% đối với ethanol sản xuất từ nguyên liệu cellulose và từ mía; biodiesel giảm tới 70% so với dầu điezen. Hàm lượng các khí thải độc hại khác như CO, NOx, SOx, hydrocarbon… đều giảm đi đáng kể khi sử dụng NLSH.

    Trước những ưu điểm của NLSH, nhiều nước trên thế giới như Mỹ, Đức, Brazil, Thái Lan, Hàn Quốc… đã đầu tư nghiên cứu, sản xuất và ứng dụng nhiên liệu sinh học nhằm thay thế nguồn năng lượng dầu mỏ đang có nguy cơ cạn kiệt.

    Báo Công Thương cho biết hiện nay Brazil đang là nước mà 90% các ôtô mới đã được lắp thiết bị sử dụng xăng ethanol. Khoảng 25% lượng xăng tiêu thụ ở Brazil đã được thay thế bằng ethanol. Sản lượng ethanol hàng năm tại nước này tăng trưởng khá lớn (trên 10%) và dự kiến sẽ đạt khoảng 32 – 35 tỷ lít vào năm 2015.

    Đã có 50 nước dùng xăng Ethanol, Việt Nam giờ mới là bước thử nghiệm E5 (5% Ethanol) để bảo vệ môi trường là quá chậm.

    Trong khi đó Ấn Độ đưa ra mục tiêu đến năm 2017, việc phối hợp sử dụng NLSH đạt 20%. Từ năm 2012 Hàn Quốc xác định sẽ yêu cầu phối trộn với 2% diesel sinh học nhằm nâng cao tính độc lập về nguồn năng lượng ở Hàn Quốc. Trung Quốc cũng có chính sách ưu tiên sản xuất và sử dụng diesel sản xuất từ mỡ động vật và dầu thực vật. Các sản phẩm này được miễn thuế nếu lượng dầu hay mỡ chiếm không dưới 70%.

    Làm quen với xăng E5

    Việt Nam có tiềm năng rất lớn trong việc phát triển NLSH, tuy nhiên, việc phát triển và sử dụng NLSH vẫn còn hạn chế. Mỗi năm Việt Nam vẫn còn xuất thô hàng triệu tấn sắn để các nước sản xuất ethanol… Nhằm thúc đẩy phát triển ngành NLSH, phát huy cao nhất các lợi ích của NLSH đối với xã hội, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 177/2007/QĐ-TTg phê duyệt “Đề án phát triển NLSH đến năm 2015, tầm nhìn đến năm 2025”.

    Việt Nam đã tiến hành nghiên cứu, phối trộn thành công NLSH là xăng sinh học E5, E10, E15, E20 (dùng ethanol phối trộn với xăng thông thường) và đưa ra bán thí điểm tại 160 cửa hàng trong cả nước. Ưu điểm lớn nhất của việc sử dụng NLSH là giảm từ 27-44% các loại khí thải gây hiệu ứng nhà kính, đồng thời tiết kiệm được nhiên liệu so với dùng các loại xăng thông thường.

    Chính vì vậy, từ ngày 1/1/2018, khi thời hạn “khai tử” xăng A92 chuyển sang sử dụng xăng E5 có hiệu lực, nhiều người dân cũng đã bắt đầu làm quen với việc không tìm thấy cây xăng còn bán xăng A92 nữa.

    Là một trong những doanh nghiệp có hệ thống phân phối xăng dầu lớn nhất cả nước hiện nay, ông Cao Hoài Dương – Tổng giám đốc PVOIL – chia sẻ trên Báo Dân Việt, cho biết: “Xăng E5 được các nước tiên tiến sử dụng từ nhiều năm trước. Điển hình là Thái Lan đã dùng đến E85, tức 85% là Ethanol, còn 15% xăng khoáng. Còn Việt Nam mới “rón rén” dùng xăng E5, tức chứa 5% Ethanol, sắp tới dùng E10 thì vẫn chỉ có 10% Ethanol. Do đó, việc dùng E5 thay thế xăng A92 là đi sau các nước và đã có sự kiểm chứng ở nhiều quốc gia khác chứ không phải chúng ta là “chuột bạch”, ông Dương nói.

    Sử dụng xăng E5 có 3 ưu điểm: đảm bảo an ninh năng lượng; dùng 5% xăng Ethanol sẽ góp phần đảm bảo cho nguồn cung luôn được đáp ứng trong điều kiện xăng khoáng ngày càng cạn kiệt. Ngoài ra, dùng xăng E5 còn tạo môi trường xanh sạch đẹp, trong điều kiện Việt Nam tham gia vào hội nhập với những cam kết tăng trưởng xanh và bền vững. Đồng thời, việc sử dụng xăng E5 sẽ góp phần giải quyết một phần nguyên liệu cho nông nghiệp…

    Thực tế, hiện trên thế giới đã có hơn 50 nước sử dụng nhiên liệu sinh học. Trong khi đó, việc sử dụng nhiên liệu sinh học có rất nhiều ưu điểm như thay thế một phần nhiên liệu hóa thạch góp phần đảm bảo an ninh năng lượng, giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính, giá rẻ hơn…

    Theo moitruong.com.vn

    Các nước giải bài toán xăng sinh học như thế nào?

    0

    Nhiều nước sử dụng biện pháp tác động đến giá cả thị trường xăng dầu để thúc đẩy sản xuất và tiêu thụ nhiên liệu sinh học. Vậy các nước có những chính sách “nuôi” thị trường xăng sinh học như thế nào?

    Chính phủ Mỹ dưới hai đời tổng thống Barack Obama và người tiền nhiệm George W. Bush đều mong muốn thúc đẩy sử dụng nhiên liệu sinh học để nước Mỹ bớt phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch, vốn nhập khẩu từ những khu vực có nhiều bất ổn và đôi khi có bất đồng chính trị với Mỹ như Trung Đông và Nam Mỹ. Một trong các biện pháp thúc đẩy sử dụng nhiên liệu sinh học tại Mỹ là đánh vào giá cả đã gây ra ít nhiều tranh cãi.

    Đánh vào giá dễ gây tranh cãi

    Cựu Tổng thống Mỹ Obama từ năm 2010 đã công bố ý định tác động đến thị trường để khiến các nhiên liệu gây ô nhiễm cao trở nên đắt đỏ hơn những nhiên liệu tái tạo và ít gây ô nhiễm, theo hãng tin Reuters. Tổng thống Obama mong muốn bằng chính sách quyết liệt này, đến năm 2020 Mỹ có thể tăng gấp đôi lượng nhiên liệu sinh học tự sản xuất, lên đến gần 36 tỉ gallon (hơn 136 tỉ lít).

    Năm 2016, ngay trước khi kết thúc nhiệm kỳ, chính phủ của Tổng thống Obama đã đưa ra chính sách mới nhằm thúc đẩy xăng sinh học trong thị trường nhiên liệu của nước Mỹ.

    Chính sách này đánh trực tiếp vào các công ty lọc dầu của Mỹ và qua đó ảnh hưởng lên mức giá của xăng dầu “truyền thống”. Cụ thể, các công ty lọc dầu của Mỹ được yêu cầu trong năm 2017 phải pha trộn 19,28 tỉ gallon (gần 73 tỉ lít) ethanol, dầu diesel sinh học và các loại nhiên liệu sinh học khác vào nguồn cung xăng và dầu diesel bán ra thị trường.

    Theo Viện Nghiên cứu năng lượng Mỹ (IER), đây là mức yêu cầu kỷ lục trong các chính sách thúc đẩy năng lượng tái tạo của Mỹ từ năm 2007. Trong trường hợp các công ty lọc dầu không đạt được yêu cầu pha trộn nhiên liệu sinh học, họ phải mua “điểm” phạt (RIN) của Cơ quan bảo vệ môi trường (EPA), theo Đạo luật An ninh và độc lập năng lượng năm 2007 của Mỹ.

    Tuy nhiên, với mức giá điểm phạt và mức yêu cầu pha trộn nhiên liệu sinh học ngày càng tăng, nhiều công ty lọc dầu của Mỹ trong năm 2016 đã chịu tốn kém rất lớn vì không thể đạt được yêu cầu pha trộn nhiên liệu sinh học mà chính phủ Tổng thống Obama đặt ra. Theo báo cáo tháng 11-2016 của IER, tính riêng trong năm tài khóa này, Tập đoàn năng lượng Valero của Mỹ đã tốn đến 850 triệu USD điểm RIN.

    Ông lớn khác trong ngành hóa dầu Mỹ là CVR cũng tốn 250 triệu USD cho điểm RIN, còn công ty năng lượng PBF thì tăng mức chi phí thêm 15%. IER nhận định biện pháp đánh vào giá của chính phủ Tổng thống Obama có khả năng làm các công ty lọc dầu nhỏ bị phá sản và giá cả xăng dầu của Mỹ tăng cao khiến người tiêu dùng Mỹ chịu thiệt. Trong khi các lợi ích lớn từ nhiên liệu tái tạo vẫn chưa cho “kết quả ngọt” thì biện pháp đánh vào giá lại khiến nền kinh tế và người tiêu dùng Mỹ dễ bị tổn thương, IER nhận định.

    Thật ra các chính sách thúc đẩy sử dụng nhiên liệu sinh học của Mỹ không chỉ tập trung vào giá cả. Các đời tổng thống Mỹ cũng đưa ra những chính sách tăng sản xuất ethanol để giảm giá thành nhiên liệu sinh học hoặc thúc đẩy tiêu thụ xe sử dụng nhiên liệu sinh học. Cụ thể là các sắc lệnh yêu cầu những cơ quan thuộc chính phủ Mỹ phải đảm bảo một tỉ lệ nhất định các xe mua mới phải là loại xe phù hợp với năng lượng thay thế.

    Năm 2015, Tổng thống Obama cũng ký sắc lệnh yêu cầu những cơ quan chính phủ có hơn 20 xe phải nâng cấp phương tiện và giảm lượng khí thải nhà kính. Hồi tháng 3-2013, bản thân Tổng thống Obama cũng thừa nhận rằng cách duy nhất để thoát khỏi vòng luẩn quẩn giá xăng dầu là chuyển đổi toàn diện sang các mẫu xe không phụ thuộc vào dầu mỏ. Ông nhấn mạnh cách để Mỹ không tụt hậu trong cuộc đua năng lượng tái tạo là đầu tư phát triển các phương tiện giao thông tối tân hơn.

    Trung Quốc cấm dòng xe dùng xăng ô nhiễm?

    Hồi tháng 9-2017, Trung Quốc (TQ) cũng tuyên bố đang xây dựng lộ trình đến năm 2020 sẽ sử dụng ethanol trong nhiên liệu trên toàn quốc. Trang China Daily cho biết kế hoạch này được phác thảo bởi ba cơ quan cấp cao của TQ là Ủy ban Phát triển và cải cách quốc gia (NDRC), Cơ quan năng lượng quốc gia (NEA), Bộ Tài chính TQ phối hợp cùng 12 bộ, ngành, cơ quan khác.

    Theo hãng tin Reuters, Bắc Kinh đang muốn đẩy mạnh mức tiêu thụ bắp cho lĩnh vực công nghiệp, đồng thời giải quyết tình trạng khói thải gây ô nhiễm môi trường trầm trọng tại các thành phố lớn.

    Đó là lần đầu tiên chính phủ Bắc Kinh đặt ra một thời hạn cụ thể để thúc đẩy sử dụng nhiên liệu sinh học, cụ thể là xăng E10 với 10% nhiên liệu ethanol chiết xuất từ bắp. Chiến lược nhiên liệu sinh học của TQ được tính toán một cách tổng quan với mục tiêu không chỉ cắt giảm khí thải mà còn thúc đẩy các ngành công nghiệp khác trong nước.

    Điển hình là TQ trước tháng 9-2017 đã tuyên bố mục tiêu đến năm 2020 tăng gấp đôi sản lượng ethanol công nghiệp, một phần để giải quyết lượng bắp tồn kho khổng lồ của ngành nông nghiệp nước này, theo Tân Hoa xã. Song song với các biện pháp này, chính phủ TQ cũng đặt mục tiêu đến năm 2025 sản xuất quy mô lớn nhiên liệu sinh học thế hệ thứ hai (với thành phần là cellulose, có nguồn gốc không từ cây lương thực).

    Mặc dù TQ từ năm 2004 đã khởi động các chương trình tiên phong sản xuất ethanol từ bắp, nhiên liệu có pha ethanol chỉ chiếm 1/5 tổng tiêu thụ xăng dầu tại nước này, theo trang China Daily. Tuy nhiên, những bước đi thúc đẩy sử dụng xăng sinh học của TQ trong thời gian tới không đánh vào điều chỉnh giá cả của nhiên liệu hóa thạch truyền thống.

    Thậm chí vào tháng 5-2017, Tập đoàn Xăng dầu và hóa chất TQ (Sinopec) còn giảm giá bán lẻ xăng dầu xuống 20% so với giá định bởi chính phủ, theo báo cáo năm 2017 của Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA).

    Thay vào đó, TQ hướng việc điều chỉnh vào các lựa chọn đi lại của người dân. Cục Số liệu quốc gia (NBS) của nước này cho biết lượng sử dụng nhiên liệu tại TQ ổn định chứ không tăng mạnh do tăng trưởng kinh tế chậm lại, đặc biệt là người dân có thêm nhiều lựa chọn giao thông công cộng, cùng với việc các mẫu xe sử dụng nhiên liệu hiệu quả hoặc xe điện-ethanol xâm nhập ngày càng mạnh hơn trên thị trường.

    Chính phủ Bắc Kinh thậm chí đã bắt đầu nghiên cứu lộ trình cấm sản xuất và buôn bán ô tô sử dụng xăng dầu truyền thống, mặc dù không đưa ra mốc thời gian cụ thể, theo China Daily.

    Theo Plo.vn

    EIB cấp khoản vay 143 triệu euro cho Tuyến đường sắt đô thị số 3 tại Hà Nội

    0

    Ông Jonathan Taylor, Phó chủ tịch EIB phụ trách khu vực châu Á Ngân hàng Đầu tư châu Âu (EIB) cho biết, EIB sẽ cung cấp 143 triệu Euro cho việc xây dựng tuyến đường sắt đô thị số 3 (metro line 3) tại Hà Nội và cho việc mua sắm tàu điện mới.

    Ông Jonathan Taylor cho biết, khoản đầu tư mới để nâng cao giao thông công cộng bền vững và giảm khí phát thải có hại là cần thiết đối với các thành phố lớn trên thế giới. Việc đi lại hàng ngày của hàng trăm nghìn người dân sẽ thay đổi bởi việc mở rộng giao thông đô thị tại thành phố thủ đô Việt Nam bằng cách xây dựng tuyến đường sắt đô thị mới này.

    Khoản tiền 143 triệu Euro được chấp thuận với Ngân hàng Đầu tư châu Âu, một Ngân hàng của Liên minh châu Âu, thể hiện cam kết của châu Âu trong việc hỗ trợ các khoản đầu tư tầm cỡ thế giới có liên quan tới khí hậu trên khắp châu Á cũng sự cam kết mạnh mẽ tại Việt Nam. Khoản cho vay cho Tuyến đường sắt đô thị Hà Nội sẽ ghóp phần lớn cho một dự án mà sẽ giảm tắc nghẽn giao thông và ô nhiễm tại thành phố đang phát triển mạnh mẽ những năm gần đây.

    Ông Bruno Angelet, Đại sứ – Trưởng Phái đoàn Liên minh châu Âu cho biết, hỗ trợ của EIB cho công tác đầu tư chuyển đổi ở Hà Nội thể hiện sự hợp tác chặt chẽ giữa Liên minh châu Âu và Việt Nam. Khi tuyến đường sắt mới hoàn thành, giao thông trong thành phố sẽ có sự thay đổi và người dân ở đây sẽ có thể đi lại dễ dàng hơn và ô nhiễm cũng sẽ giảm.

    EIB là ngân hàng quốc doanh quốc tế lớn nhất trên thế giới và sở hữu bởi 28 quốc gia thành viên EU. Hỗ trợ tài chính cho giao thông ở Việt Nam của Ngân hàng Đầu tư châu Âu là dành cho việc xây dựng cơ sở hạ tầng đường ray mới ở Hà Nội và TP HCM. Kể từ năm 1998, Ngân hàng Đầu tư châu Âu đã cung cấp hơn 710 triệu euro cho Việt Nam.

    Theo Vietq

    Cấm sử dụng hạt vi nhựa trong các sản phẩm chăm sóc sắc đẹp

    0

    Nhằm hạn chế tác hại đối với môi trường và sức khoẻ con người đã có lệnh cấm sử dụng hạt vi nhựa trong các sản phẩm chăm sóc sắc đẹp.

    Theo thông tin trên TTXVN, Từ ngày 9/1, việc sản xuất các sản phẩm có chứa các hạt vi nhựa (microbead) sẽ chính thức bị cấm trên toàn nước Anh. Đây được xem là một trong những lệnh cấm nghiêm khắc nhất trên thế giới đối với việc sử dụng các hạt siêu nhỏ độc hại này.


    Lệnh cấm sử dụng hạt vi nhựa trong hóa mỹ phẩm bắt đầu có hiệu lực tại Anh. Ảnh minh họa

    Phát biểu trước báo giới, Bộ trưởng Môi trường Anh Therese Coffey tuyên bố các nhà sản xuất mỹ phẩm và các sản phẩm chăm sóc cá nhân sẽ không còn được phép bổ sung các hạt nhựa nhỏ li ti vào các sản phẩm làm sạch như sữa rửa mặt, kem đánh răng hay sữa tắm.

    Theo quan chức này, việc sử dụng các hạt siêu nhỏ này trong những sản phẩm trên là hoàn toàn không cần thiết bởi vẫn còn những giải pháp thiên nhiên khác có thể thay thế. Trong khi đó, người phát ngôn của Bộ Môi trường, Thực phẩm và các vấn đề Nông thôn (Defra) của Anh nhấn mạnh do những hạt nhựa siêu nhỏ độc hại này có thể đe dọa nghiêm trọng môi trường biển, vì vậy lệnh cấm trên sẽ giúp ngăn chặn hàng tỷ microbead thâm nhập vào đại dương mỗi năm.

    Tờ VTV đăng tải, hạt vi nhựa microbeads thường được dùng trong các loại hóa mỹ phẩm để làm sạch và bị cho là gây ảnh hưởng xấu đến đời sống của động vật. Hiện có khoảng 51.000 tỷ hạt vi nhựa từ mỹ phẩm đang tồn tại trong các đại dương. Chúng tích lại trong cơ thể thực vật, động vật, sau đó qua các chuỗi thức ăn mà ngấm sang con người. Nhiều nhà khoa học cảnh báo, các hạt vi nhựa này có thể gây nguy hại cho sức khỏe của con người.

    Lệnh cấm mới được dự báo sẽ tạo ra những thay đổi lớn trong ngành công nghiệp sản xuất mỹ phẩm của xứ sở sương mù, bởi có tới hàng trăm loại sản phẩm làm đẹp sử dụng hạt vi nhựa. Để thích ứng với những thay đổi, nhiều công ty đã chuyển sang sử dụng các thành phần có nguồn gốc tự nhiên.

    Tác động từ chất thải nhựa tới môi trường đang là vấn đề rất được quan tâm tại Anh. Cách đây ít ngày, một nhóm các nhà lập pháp đã đề xuất áp thuế đối với sản phẩm cốc giấy dùng một lần, đồng thời đặt ra mục tiêu tái chế toàn bộ số cốc giấy đã qua sử dụng hoặc cấm hoàn toàn việc sử dụng sản phẩm này.

    Việc sản xuất các sản phẩm có chứa hạt vi nhựa hiện đã bị cấm, tuy nhiên, theo dự kiến, phải tới tháng 7 năm nay, các sản phẩm này mới hoàn toàn được loại khỏi các kệ hàng.

    Theo Vietq

    Việt Nam khuyến khích sản xuất ô tô thân thiện môi trường

    0

    Trong Chiến lược phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035 đã nhấn mạnh việc khuyến khích sản xuất dòng xe thân thiện môi trường (trong đó có xe Hybrid).

    Mục đích ra đời của khái niệm xe lai – Hybrid – nhằm để tiết kiệm nhiên liệu và bảo vệ môi trường. Về sau này, các hãng sản xuất tìm ra phương án tối ưu hoá các động cơ điện và mang đến thêm mục đích tăng khả năng vận hành và tính hiệu quả, điển hình như hãng xe đại gia Porsche ứng dụng hybrid trên siêu xe 918 Spyder nhằm tạo ra một trong những chiếc siêu xe thể thao tốc độ nhanh nhất thế giới.
    Định hướng của Chính phủ là khuyến khích tiêu dùng và phát triển xe thân thiện với môi trường trong đó có xe hybrid.
    Định hướng của Chính phủ là khuyến khích tiêu dùng và phát triển xe thân thiện với môi trường trong đó có xe hybrid. Định hướng này thể hiện rất rõ qua luật Thuế 106/QH13/2016 khi quy định giảm 30% thuế tiêu thụ đặc biệt cho dòng xe hybrid xăng kết hợp năng lượng điện nếu xe hybrid này chứng minh mức tiêu hao nhiên liệu giảm 30% so với xe chạy xăng thông thường cùng dung tích và cùng số chỗ ngồi.Tuy nhiên, theo thống kê từ Bộ Giao thông vận tải, đến tháng 8/2017 chỉ có 1.299 xe ô tô hybrid và 8 ô tô điện được nhập khẩu vào Việt Nam, điều này do tác động bởi nhiều yếu tố như cách diễn giải về mức thuế, độ chênh của các tiêu chuẩn và quy phạm kỹ thuật trong nước, cũng như tâm lý người tiêu dùng còn bỡ ngỡ, e dè…

    Tại Việt Nam hiện nay, với tình trạng kẹt xe thường xuyên, nếu hoạt động ở chế độ vận hành thuần điện (EV mode), xe Hybrid không hề phát thải khí carbonic và không lãng phí một giọt xăng nào. Vì thế, không chỉ khuyến khích tiêu dùng thông qua việc giảm thuế mà Chính phủ còn có định hướng khuyến khích sản xuất dòng xe này.

    Trong Chiến lược phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035 đã nhấn mạnh việc khuyến khích sản xuất dòng xe thân thiện môi trường (trong đó có xe Hybrid).

    Tin rằng, dòng xe lai – Hybrid sẽ có mặt phổ biến hơn trên thị trường nước ta, góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường và theo kịp đà phát triển của công nghệ ô tô thế giới.

    Theo moitruong.com.vn

    Sản xuất sạch hơn giúp doanh nghiệp “lấp” những khoảng trống gây lãng phí

    0

    Trong quá trình hoạt động, doanh nghiệp thường vô tình có những lãng phí mà hầu hết đều không nhận ra cho đến khi họ tiếp cận với khái niệm và phương pháp luận sản xuất sạch hơn (SXSH).

    Khi tham gia vào dự án “Triển khai sáng kiến khu công nghiệp sinh thái hướng tới khu công nghiệp bền vững”, các doanh nghiệp trong nhiều ngành sản xuất khác nhau đã được tăng cường chuyển giao, ứng dụng và phổ biến công nghệ và phương thức sản xuất sạch hơn để giảm thiểu chất thải nguy hại, phát thải khí nhà kính cũng như các chất gây ô nhiễm nước…

    Từ tháng 11 đến tháng 12/2017, đoàn công tác của Công ty TNHH Trung tâm Sản xuất sạch hơn (VNCPC) đã có 2 đợt làm việc với các doanh nghiệp ở Ninh Bình. Đơn cử tại một nhà máy sản xuất xi măng, qua khảo sát và thảo luận, chuyên gia của VNCPC đã cùng với nhóm SXSH của doanh nghiệp nhận diện các lãng phí tồn tại trong quá trình hoạt động thường nhật cũng như đề xuất các cơ hội tiết kiệm đầu vào sản xuất để doanh nghiệp có thể áp dụng.

    Tiết kiệm lớn chỉ từ những điều chỉnh nhỏ

    Qua số liệu đo được từ 4 máy nén khí và các số liệu thu thập được từ phòng điều kiển trung tâm, các chuyên gia VNCPC nhận thấy: Các máy nén khí đang bị đặt trong phòng kín, không có thông gió nên phòng khí nén rất nóng.

    Nhiệt độ khí cấp nóng sẽ làm giảm hiệu suất của máy nén khí. Theo đánh giá của chuyên gia VNCPC, khi phòng máy nén khí quá nóng sẽ gây ra tổn thất năng lượng máy nén khí khoảng 3%. Giả thiết hệ thống máy nén khí chạy 18 giờ/ngày (nghỉ 6 giờ/ngày để tránh giờ cao điểm; hoạt động 300 ngày/năm và giá điện trung bình là 1700 VNĐ/kWh) chỉ riêng yếu tố này đã gây lãng phí không nhỏ cho nhà máy.

    Tiếp đến, chuyên gia VNCPC còn quan sát thấy, hiện công ty đang đặt mức độ và thời gian xả nước ngưng trong khí nén cao hơn mức cần thiết, gây tổn thất năng lượng khí nén rất cao. Ước tính việc xả nước ngưng này gây tổn thất khoảng 8% năng lượng khí nén.

    Chưa kể tới, khoảng thời gian máy đóng bao không hoạt động nhưng vẫn sử dụng khí nén liên tục, gây tổn thất khá nhiều năng lượng.

    Sử dụng khí nén để “phủi bụi” là rất lãng phí

    Tại công ty còn có tình trạng: Công nhân đóng bao xi măng mỗi khi rời khu vực sản xuất đều sử dụng khí nén để loại bỏ lớp bụi bám trên quần áo và các vật dụng. Điều này gây ra tổn thất năng lượng quá lớn do khí nén áp suất cao có chi phí rất cao.

    Cách giải quyết hợp lý cho vấn đề này là sử dụng quạt thổi (Blower) do khí nén của blower có lưu lượng lớn, rẻ tiền và có áp suất đủ cho mục đích vệ sinh cá nhân. Một giải pháp đơn giản hơn là mua riêng 01 máy nén khí cỡ nhỏ dùng cho mục đích giúp công nhân làm sạch lớp bụi trước khi rời nhà xưởng.

    Hệ thống quạt phụ trợ sản xuất đang tổn thất năng lượng rất lớn

    Toàn công ty có rất nhiều quạt công suất lớn đang hoạt động. Song chỉ có một vài quạt được điều khiển bằng biến tần, còn lại được điều chỉnh lưu lượng bằng van gió (Damper), với độ mở khá ổn định từ 25-55% nên tổn thất năng lượng là rất lớn.

    Ngoài ra, cán bộ của VNCPC cũng quan sát thấy, công ty đang có nhiều lãng phí trong việc sử dụng nước. Mặc dù chỉ quan sát trong một khu vực rất nhỏ của công ty: từ văn phòng chính ra đến khu nhà máy nghiền đóng bao xi măng đã thấy có 3 vị trí nước bị chảy tràn gây lãng phí.

    Theo đó, khi công ty có những điều chỉnh để khắc phục những vấn đề đã được các chuyên gia SXSH đưa ra là có thể tiết giảm đáng kể chi phí năng lượng trong quá trình sản xuất.

    Theo VNCPC

    Không nghiệm thu chất lượng công trình khi chưa nghiệm thu PCCC

    0

    Theo yêu cầu của UBND TP Hà Nội, các công trình chưa nghiệm thu PCCC sẽ không được nghiệm thu chất lượng công trình.

    Vi phạm PCCC còn diễn biến phức tạp

    Thông tin từ Cục Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy (PCCC) và Cứu nạn cứu hộ cho hay, trong 9 tháng năm 2017, cả nước xảy ra 3.089 vụ cháy, làm chết 75 người, bị thương 143 người, thiệt hại về tài sản là 1.507 tỷ đồng và 806 ha rừng. Trong đó có 22 vụ cháy lớn, gây thiệt hại 1.104,5 tỷ đồng.

    Thống kê của cơ quan chức năng cũng cho thấy, các vụ cháy xảy ra chủ yếu tại loại hình nhà dân-hộ gia đình kết hợp sản xuất, kinh doanh quy mô nhỏ nhưng gây thiệt hại lớn về người; cháy tại các cơ sở sản xuất trong khu công nghiệp gây thiệt hại nghiêm trọng về tài sản và cháy tại cơ sở, công trình cũ được xây dựng lâu đời, nhất là cơ sở được xây dựng trước khi có Luật Phòng cháy chữa cháy.

    Còn theo báo cáo của UBND TP Hà Nội về tình hình xử lý 79 chung cư vi phạm PCCC (được nêu từ phiên chất vấn tại kỳ họp HĐND TP lần thứ tư đầu tháng 7/2017), TP đã thành lập đoàn kiểm tra liên ngành, kiểm tra định kỳ với các chung cư vi phạm 15 ngày một lần. Riêng với công trình do Cty tư nhân xây dựng số 1 Điện Biên làm chủ đầu tư thì kiểm tra 7 ngày một lần.


    Vụ cháy quán karaoke trên đường Trần Thái Tông, Hà Nội. Ảnh: Thời báo Tài chính

    Đến cuối tháng 11/2017 đã có 21 trên tổng số 79 chung cư vi phạm khắc phục xong. Còn 58 công trình chưa được nghiệm thu về PCCC, trong đó có 13 công trình của Công ty xây dựng số 1 Điện Biên. Với một số chủ đầu tư chây ỳ, cơ quan cảnh sát PCCC tiếp tục củng cố hồ sơ chuyển cơ quan cảnh sát điều tra xem xét, xử lý.

    Cơ quan chức năng cũng đã xử phạt hành chính đối với chủ đầu tư của 48/58 công trình với tổng số tiền trên 3,4 tỷ đồng. Đơn cử như: Khối đế và tháp B -Tòa nhà hỗn hợp HH1 ngõ 102 Trường Chinh của Cty CP cơ điện và xây dựng Việt Nam; Tổ hợp văn phòng, dịch vụ thương mại và nhà ở xã hội số 30 đường Phạm Văn Đồng của Cty CP đầu tư xây dựng và thương mại dịch vụ Bắc Hà; Chung cư cảnh sát 113 Trung Kính của Cty TNHH Thăng Long; Tòa nhà FLC Complex 36 Phạm Hùng của Cty TNHH đầu tư và quản lý tòa nhà ION Complex…

    Đặc biệt, đã quyết định tạm đình chỉ hoạt động 17 hạng mục công trình và đình chỉ hoạt động 25 hạng mục công trình trong đó có nhiều công trình chung cư lớn.

    Không nghiệm thu chất lượng khi chưa nghiệm thu PCCC

    Văn phòng UBND TP. Hà Nội vừa ban hành Thông báo truyền đạt kết luận của Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Nguyễn Văn Sửu tại cuộc họp giải quyết, khắc phục các vi phạm quy định về PCCC trong đầu tư xây dựng trên địa bàn thành phố.

    Cụ thể, TP. Hà Nội chỉ đạo lực lượng Cảnh sát PCCC ngoài phối hợp với các Sở, ngành cần tăng cường kiểm tra các công trình vi phạm về PCCC; đối với nhóm công trình vi phạm quy định về PCCC khó có khả năng khắc phục, cần báo cáo Cục Cảnh sát phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ (PCCC&CNCH) – Bộ Công an, Vụ Khoa học công nghệ và Môi trường (Bộ Xây dựng) xin ý kiến, thống nhất các biện pháp, giải pháp thực hiện, vận dụng thực tiễn đối với từng trường hợp cụ thể.

    Đối với nhóm công trình người dân không đồng ý cho chủ đầu tư tổ chức khắc phục: Phối hợp với UBND quận, huyện tổ chức tuyên truyền để nâng cao ý thức trách nhiệm cho người dân, kiên quyết áp dụng các biện pháp hành chính, bảo vệ thi công đối với trường hợp cản trở không cho chủ đâu tư thực hiện thi công khắc phục các tồn tại vi phạm về PCCC…

    UBND TP cũng yêu cầu Sở Xây dựng không cấp phép xây dựng khi công trình chưa được cơ quan Cảnh sát PCCC cấp giấy chứng nhận thẩm duyệt thiết kế về PCCC; không nghiệm thu và cấp văn bản nghiệm thu chất lượng công trình khi chưa được cấp văn bản nghiệm thu về PCCC.

    Chủ trì phối hợp với UBND các quận: Hai Bà Trưng, Hà Đông, Thanh Xuân, Long Biên, Cầu Giấy, Nam Từ Liêm, Bắc Từ Liêm tổ chức kiểm tra, thanh tra, xem xét trách nhiệm của cá nhân, các đơn vị có liên quan đối với các công trình xây dựng chủ đầu tư thi công khi chưa được các cơ quan quản lý nhà nước cho phép…

    Sở Quy hoạch Kiến trúc, TN&MT phối hợp với Cảnh sát PCCC thành phố đánh giá thực tế việc điều chỉnh chuyển đổi công năng sử dụng, nâng tầng của các công trình thay đổi so với hồ sơ thiết kế đã được phê duyệt, đồng thời, đưa ra các giải pháp, biện pháp cụ thể báo cáo UBND thành phố xem xét, chấp thuận.

    Cùng với đó, không giới thiệu địa điểm cấp đất, giao đất, cho thuê đất đối với các đơn vị đang là chủ đầu tư công trình nhà chung cư cao tầng vi phạm quy định về PCCC trong đầu tư xây dựng hiện nay chưa được khắc phục.

    UBND TP cũng yêu cầu Sở Xây dựng không cấp phép xây dựng khi công trình chưa được cơ quan Cảnh sát PCCC cấp giấy chứng nhận thẩm duyệt thiết kế về PCCC.

    Sở GTVT phối hợp với Cảnh sát PCCC, Sở Xây dựng, UBND quận, huyện kiểm tra, đánh giá thực tế đường giao thông phục vụ chữa cháy đối với 3 công trình không đảm bảo khả năng tiếp cận của xe thang, xe chữa cháy, đề xuất UBND thành phố các biện pháp, giải pháp thực hiện đối với từng trường hợp cụ thể.

    Sở Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Cảnh sát PCCC thực hiện có hiệu quả trong việc cấp phép, phê duyệt dự án. Cụ thể, trong quyết định phê duyệt dự án, Giấy chứng nhận đầu tư phải bổ sung nội dung “Các dự án, công trình phải đảm bảo điều kiện an toàn về PCCC theo Luật PCCC quy định”.

    UBND TP Hà Nội cũng chỉ đạo Sở Tư pháp phối hợp với Sở Xây dựng, Công an thành phố, Cảnh sát PCCC xây dựng quy trình, thủ tục đảm bảo yếu tố pháp lý và những điều kiện liên quan để tổ chức xử lý, cưỡng chế các trường hợp chây ỳ, cố tình vi phạm kéo dài, kể cả các chung cư chưa đủ điều kiện an toàn PCCC mà người dân đã vào ở.

    Giao Công an thành phố chỉ đạo Công an quận, huyện, thị xã và phòng, ban chức năng phối hợp với chính quyền địa phương trên địa bàn thành phố có các công trình vi phạm về PCCC tổ chức để áp dụng biện pháp hành chính. Tiếp nhận hồ sơ quản lý về PCCC của các công trình vi phạm về PCCC, xem xét và đề xuất xử lý chủ đầu tư theo quy định pháp luật.

    Theo Vietq

    SXSH có phải là cơ chế phát triển sạch?

    0

    Sản xuất sạch hơn (SXSH) và cơ chế phát triển sạch có giống nhau hay không; SXSH có mối liên hệ thế nào với kiểm toán môi trường… để làm rõ những vấn đề này, chớ bỏ qua những nội dung dưới đây.

    Sự giống nhau và khác nhau giữa sản xuất trực tiếp và sản xuất sạch hơn?

    Trước hết, sản xuất sạch hơn không phải là một phương pháp sản xuất khác.

    Theo UNEP, “SXSH là việc áp dụng liên tục chiến lược phòng ngừa tổng hợp về môi trường vào các quá trình sản xuất, sản phẩm và dịch vụ nhằm nâng cao hiệu suất sinh thái và giảm thiểu rủi ro cho con người và môi trường”.

    SXSH là việc áp dụng liên tục chiến lược phòng ngừa tổng hợp về môi trường vào các quá trình sản xuất, sản phẩm và dịch vụ nhằm nâng cao hiệu suất sinh thái và giảm thiểu rủi ro cho con người và môi trường.

    Đây là một hoạt động mang tính “hỗ trợ” hoạt động sản xuất bình thường (sản xuất trực tiếp) của doanh nghiệp nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất, giảm ô nhiễm môi trường, giúp doanh nghiệp kiểm soát, sử dụng nguyên liệu, năng lượng, nhân công… một cách có hiệu quả thông qua đó giúp hài hòa lợi ích kinh tế – xã hội – môi trường.

    Mối quan hệ giữa kiểm toán môi trường và SXSH?

    Trên thực tế, đây là hai khái niệm hoàn toàn khác nhau:

    Kiểm toán môi trường là một quá trình đánh giá có tính định kỳ và khách quan được văn bản hoá về việc làm thế nào để thực hiện tổ chức môi trường, quản lý môi trường và trang thiết bị môi trường hoạt động tốt.

    Sản xuất sạch hơn là việc áp dụng liên tục chiến lược phòng ngừa tổng hợp về môi trường vào các quá trình sản xuất, sản phẩm và dịch vụ nhằm nâng cao hiệu suất sinh thái và giảm thiểu rủi ro cho con người và môi trường…

    Kiểm toán môi trường và SXSH có mục đích áp dụng, phạm vi thực hiện, cách thức thực hiện và việc sử dụng kết quả sau kiểm toán hoàn toàn khác nhau. Ví dụ: Báo cáo kiểm toán môi trường đánh giá mức độ tuân thủ về môi trường của đối tượng được kiểm toán; Báo cáo SXSH đánh giá hiện trạng các tổn thất trong dòng thải và đưa ra các giải pháp cải tiến nhằm giảm tiêu thụ nguyên liệu, nhiên liệu, nước qua đó giảm tổn thất trong dòng thải.

    Tuy nhiên, trong một số trường hợp, kết quả của kiểm toán môi trường có thể tạo ra động lực để thực hiện SXSH tại doanh nghiệp, do hai khái niệm có một vài điểm tương đồng như mục tiêu cắt giảm chi phí về rác thải; mục tiêu giảm chi phí về nhiên liệu và vật liệu; Phạm vi đánh giá đều có quan tâm đến tính hiệu quả trong sử dụng thiết bị, quản lý chất thải.

    Mối quan hệ giữa SXSH và cơ chế phát triển sạch?

    Cơ chế phát triển sạch (CDM – Clean Development Mechanism) là cơ chế hợp tác được thiết lập trong khuôn khổ nghị định thư Kyoto (Nhật Bản) tháng 12 năm 1997. Nghị định thư này đã gây dựng một khuôn khổ pháp lý mang tính toàn cầu cho các bước khởi đầu nhằm kiềm chế và kiểm soát xu hướng gia tăng phát thải khí nhà kính; trong đó đưa ra các mục tiêu giảm phát thải chính và thời gian thực hiện cho các nước phát triển. Theo đó, các nước phát triển (các nước công nghiệp) hỗ trợ, khuyến khích các nước đang phát triển thực hiện các dự án thân thiện với môi trường, nhằm phát triển bền vững.

    SXSH nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất, giảm ô nhiễm môi trường cho các doanh nghiệp sản xuất.

    Mối quan hệ giữa SXSH và cơ chế phát triển sạch (CDM):

    – Về bản chất đây là hai hoạt động độc lập:

    SXSH thực hiện theo 6 bước, 18 nhiệm vụ của UNEP

    CDM thực hiện theo khuôn khổ nghị định thư Kyoto

    – Về mục đích:

    SXSH nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất, giảm ô nhiễm môi trường cho các doanh nghiệp sản xuất.

    CDM nhằm kiềm chế và kiểm soát xu hướng gia tăng phát thải khí nhà kính.

    CDM có đa dạng đối tượng áp dụng hơn với bất cứ hoạt động nào chính đáng mà giúp giảm phát thải khí nhà kính một cách trực tiếp hay gián tiếp. Như vậy, hoạt động áp dụng SXSH cho doanh nghiệp nếu như giúp làm giảm phát thải khí nhà kính thì cũng coi là CDM. Và khi đó, tổ chức đánh giá sẽ chúng nhận lượng khí nhà kính cắt giảm được và doanh nghiệp sẽ được kinh doanh chứng chỉ giảm phát thải đó trên thị trường CDM.

    Theo VNCPC

    Ứng dụng Nano sắt trong xử lý ô nhiễm môi trường

    0

    Sắt Nano có thể phản ứng một cách hiệu quả với nhiều loại đất ô nhiễm khác nhau trong môi trường, bao gồm các hợp chất hữu cơ chứa clo, kim loại nặng và các chất vô cơ khác.

    Sắt nano có thể khử hầu hết các hợp chất hữu cơ chứa clo thành các hợp chất không độc như hydrocacbon, clo và nước.

    Vật liệu nano để làm sạch chất thải phóng xạ trong nước: Các nhà khoa học đang nghiên cứu giải pháp xử lý chất thải phóng xạ cho công nghệ nano, đặc biệt là việc sử dụng các sợi nano titanate làm chất hấp phụ để loại bỏ các ion phóng xạ khỏi nước. Các nhà nghiên cứu cũng đã khẳng định rằng các đặc tính cấu trúc độc đáo của các ống nano cực tím và các sợi nano tạo thành nguyên liệu cao cấp để loại bỏ các ion phóng xạ cisium và iodine phóng xạ trong nước.

    Sắt nano có thể khử hầu hết các hợp chất hữu cơ chứa clo thành các hợp chất không độc như hydrocacbon, clo và nước.

    Các giải pháp dựa trên công nghệ nano đối với sự cố tràn dầu: Các kỹ thuật làm sạch thông thường không đủ để giải quyết vấn đề tràn dầu tràn lan. Trong những năm gần đây, công nghệ nano đã nổi lên như là một nguồn tiềm năng của các giải pháp mới cho nhiều vấn đề nổi bật của thế giới. Mặc dù việc áp dụng công nghệ nano để dọn sạch dầu tràn vẫn còn trong giai đoạn mới mẻ, nó hứa hẹn rất lớn cho tương lai. Trong vài năm gần đây, đã có sự quan tâm đặc biệt ngày càng tăng trên toàn thế giới trong việc khám phá cách tìm ra các giải pháp phù hợp để làm sạch sự cố tràn dầu thông qua việc sử dụng vật liệu nano.

    Ứng dụng xử lý nước: Các lĩnh vực tác động tiềm tàng đối với công nghệ nano trong các ứng dụng xử lý nước được chia thành ba loại: xử lý và khắc phục hậu quả, phát hiện và phát hiện, và ngăn ngừa ô nhiễm và cải tiến kỹ thuật khử muối là một lĩnh vực chính. Các thiết bị lọc nước có công nghệ nano có khả năng biến đổi lĩnh vực khử muối, ví dụ bằng cách sử dụng hiện tượng phân cực nồng độ ion.

    So với hạt có kích thước micro, hạt sắt nano có tốc độ phản ứng lớn hơn do diện tích bề mặt riêng và diện tích bề mặt hoạt động lớn hơn.

    Hơn thế nữa, do có khả năng tồn tại ở dạng lơ lửng, sắt nano có thể đi vào trong đất bị ô nhiễm, trầm tích và tầng ngậm nước. Tuy nhiên, do sự kết đám của các hạt nano, chúng rất khó tồn tại lâu dài ở dạng lơ lửng. Schrick và các cộng sự đã chứng minh rằng nguồn cacbon hạn chế đáng kể sự kết tụ và tăng sự vận chuyển hạt sắt nano.

    Với vật liệu sắt micro ngoài thị trường không quan sát thấy bất kỳ sự loại bỏ clo nào sau 180 ngày, còn thí nghiệm sau 45 ngày với sắt nano cho thấy sắt nano có khả năng khử clo của PCBs trong hỗn hợp nước –metanol ở điều kiện thường.

    Kanel và các cộng sự đã tiến hành thí nghiệm ở các hàm lượng sắt nano khác nhau (0,5; 2,5; 5; 7,5; 10g/l) để đánh giá khả năng hấp phụ As(III) (1mg/l ở pH =7) trên bề mặt vật liệu.

    Kết quả thu được cho thấy ngoại trừ ở nồng độ 0,5g/l, hơn 80% lượng Asen bị hấp phụ trong 7 phút và gần 99% bị hấp phụ sau 60 phút. Dung lượng hấp phụ cực đại tính theo định luật Freundlich là 3,5mg Asen/g sắt nano ở 250C.

    Mondal và các cộng sự đã nghiên cứu loại bỏ Selen bằng vật liệu sắt nano và hợp kim Fe-Ni tổng hợp. Trong 5h thí nghiệm, gần 100% Selen bị loại bỏ bởi vật liệu Fe0 nano.

    Với hàm lượng vật liệu là 0,1g/l, sự loại bỏ của sắt nano đạt 155mg/g. Ở những nồng độ xác định, hiệu quả xử lý Selen của sắt nano tăng khi tăng lượng vật liệu sử dụng.

    Xem xét động học phản ứng khử nitrat bằng sắt nano, Choe và cộng sự cho thấy có thể khử hoàn toàn nitrat trong dung dịch chỉ sau vài phút bằng cách cho dung dịch đó tiếp xúc với bột sắt nano ở điều kiện thường, không có sự kiểm soát pH.

    Theo moitruongvadothi.vn

    Cửa sổ kính năng lượng mặt trời công nghệ chấm lượng tử

    0

    Các nhà nghiên cứu tại Phòng thí nghiệm Quốc gia Los Alamos đã thiết kế các cửa sổ kính năng lượng mặt trời vừa hiệu quả và mang lại lợi nhuận bằng cách kết hợp công nghệ chấm lượng tử (quantum dot) với cấu trúc hai lớp kính (double pane).

    Các lớp chấm lượng tử được điều chỉnh để hấp thụ một phần của phổ mặt trời, cho phép các cửa sổ hai mặt kính này vừa tạo ra năng lượng vừa cung cấp độ tối cho nhà.

    “Cách tiếp cận này bổ sung cho công nghệ quang điện hiện tại bằng cách bổ sung các bộ thu năng lượng mặt trời hiệu quả cao vào các tấm pin mặt trời hiện có hoặc tích hợp chúng như những cửa sổ bán trong suốt trong kiến trúc của tòa nhà”, Victor Klimov, lãnh đạo nhóm nghiên cứu cho biết.


    Cửa sổ kính năng lượng mặt trời – Ảnh: Nguồn Internet.

    Các cửa sổ mới dựa vào một công nghệ gọi là “tách sóng quang phổ mặt trời”, cho phép các tấm pin đồng thời hấp thụ những photon năng lượng mặt trời ở mức thấp hơn và photon có năng lượng mức cao hơn. Công nghệ này ngăn ngừa sự hấp thụ lại, một hiện tượng làm giảm sản lượng điện của pin.

    Để tách được quang phổ mặt trời, các nhà khoa học đã lắp đặt các chấm lượng tử kết hợp với các ion Mangan. Khi các chấm lượng tử hấp thụ các photon mặt trời, Mangan không tinh khiết được kích hoạt, phát ra năng lượng dưới ngưỡng hấp thụ lượng tử. Công nghệ gần như hoàn toàn loại bỏ sự tái hấp thụ.

    Mặt trước của tấm kính đầu tiên có các chấm lượng tử phủ Mangan, còn các chấm lượng tử đồng indium selenide sẽ được phủ ở mặt sau của tấm kính thứ hai. Tấm kính đầu tiên hấp thụ ánh sáng xanh và tia cực tím, trong khi tấm kính sau hấp thụ phần còn lại của quang phổ.

    Sau khi hấp thụ, các chấm lượng tử sẽ phóng ra một photon ở bước sóng dài hơn. Khu vực bên trong 2 lớp kính sẽ giữ và hướng những bước sóng này về phía khung cửa sổ, nơi các pin năng lượng mặt trời chuyển ánh sáng thành điện.

    Theo tietkiemnangluong.vn/UPIA