Theo số liệu từ Tổ chức Lương nông Liên Hiệp Quốc (FAO), lượng thực phẩm lãng phí ở các nước đang phát triển là 630 triệu tấn và con số tăng đến 670 triệu tấn tại các quốc gia phát triển. Theo FAO, nếu lượng rác thực phẩm được giảm bớt thì người nghèo suy dinh dưỡng trên thế giới sẽ được ăn đầy đủ hơn.

Trên khắp châu Âu, khoảng 100 triệu tấn thực phẩm bị vứt vào thùng rác mỗi năm và sau khi phân hủy, chúng sẽ phát sinh ước chừng 227 tấn khí thải giống như CO2. Sự thật đáng lo ngại đó không chỉ là vấn đề của các quốc gia giàu có.

Trong khi các chính quyền, doanh nghiệp, tổ chức từ thiện và các đầu bếp nổi tiếng đang cố gắng giải quyết vấn đề theo nhiều cách khác nhau, rác thực phẩm tại các quốc gia phát triển vẫn được thải ra hằng ngày với số lượng khổng lồ.

Theo số liệu từ Tổ chức Lương nông Liên Hiệp Quốc (FAO), lượng thực phẩm lãng phí ở các nước đang phát triển là 630 triệu tấn và con số tăng đến 670 triệu tấn tại các quốc gia phát triển. Theo FAO, nếu lượng rác thực phẩm được giảm bớt thì người nghèo suy dinh dưỡng trên thế giới sẽ được ăn đầy đủ hơn.

Nói chung, 1/3 lượng thực phẩm sản xuất phục vụ cho nhu cầu người tiêu dùng mỗi năm – giá trị tương đương một nghìn tỷ USD – bị tống vào thùng rác.


Theo FAO, nếu lượng rác thực phẩm được giảm bớt thì người nghèo suy dinh dưỡng trên thế giới sẽ được ăn đầy đủ hơn.

Điển hình từ Đan Mạch

Dalle Valle là một trong số hàng trăm nhà hàng và tiệm cà phê ở Đan Mạch sử dụng ứng dụng smartphone “Too Good To Go” cho phép khách hàng gọi những thức ăn dư thừa với giá rẻ. Ứng dụng là một trong nhiều sáng kiến ra đời nhằm giải quyết triệt để vấn đề rác thải thực phẩm ở Đan Mạch.

Hơn bất cứ quốc gia nào khác trên thế giới, hiện nay Đan Mạch là quốc gia tích cực đưa ra giải pháp khắc phục vấn đề tận dụng rác thải thực phẩm một cách hợp lý nhất. Theo số liệu điều tra từ Hội đồng Nông nghiệp và Thực phẩm Đan Mạch đặt trụ sở tại Copenhagen, trong vòng 5 năm qua nước này đã giảm lượng thực phẩm lãng phí xuống mức 25%.

Thành công của Đan Mạch chủ yếu do nỗ lực kích thích thay đổi thói quen của người tiêu dùng và vào năm 2016, hệ thống siêu thị WeFood tiếp tục mở thêm 2 chi nhánh hoạt động tại thủ đô Copenhagen chỉ để bán thực phẩm quá hạn. Tiếp đến là nước Anh đứng hàng thứ 2 với nỗ lực giảm lượng thực phẩm lãng phí xuống mức 21% từ năm 2008 đến 2013. Selina Juul, nữ chuyên gia thiết kế đồ họa người Nga chuyển sang làm nhà hoạt động về thực phẩm, phát động chiến dịch gọi là Stop Spild Af Mad (Chấm dứt rác thải thực phẩm).

Năm 2008, Selina Juul lập trang Facebook kêu gọi người Đan Mạch chấm dứt tình trạng lãng phí thực phẩm. Sau đó, Juul được REMA 1000 – chuỗi siêu thị giá rẻ lớn nhất Đan Mạch – mời hợp tác giúp đỡ tìm cách hạn chế rác thải thực phẩm trong các cơ sở của họ.

Theo John Rosenlowe, Giám đốc tiếp thị REMA 1000, khoảng 29.000 tấn bánh mì và bánh ngọt các loại bị vứt bỏ mỗi năm ở Đan Mạch chủ yếu do chúng được bán ra với khẩu phần lớn hơn nhu cầu người tiêu dùng. Do đó, để giải quyết vấn đề, REMA 1000 quyết định gia giảm kích cỡ thương hiệu bánh mì của mình xuống 40 đến 50% và từ đó giá bán cũng giảm theo. Sáng kiến này không chỉ giúp người tiêu dùng bớt vứt bỏ thực phẩm thừa mà còn giúp chuỗi siêu thị giảm mạnh lượng rác thải thực phẩm.

Thành công của REMA 1000 nhanh chóng được các công ty kinh doanh thực phẩm khác noi theo – ví dụ như 2 nhà bán lẻ Lidl và Coop Danmark. Riêng Công ty Unilever mở chiến dịch tài trợ những chiếc túi miễn phí cho các nhà hàng khắp Đan Mạch nhằm khuyến khích thực khách mang thức ăn thừa về nhà.

Ngoài ra, các nhà hàng cũng bán thực phẩm thừa thông qua các ứng dụng smartphone như Too Good To Go. Các doanh nghiệp nào có sáng kiến giảm rác thải thực phẩm sẽ nhận được chứng chỉ từ ReFood – tổ chức dịch vụ rác thải và tái chế rác thải thực phẩm của Anh.

Các tổ chức phi lợi nhuận cũng không đứng ngoài cuộc. Ida Merethe Jorgensen, Chủ tịch tổ chức từ thiện Đan Mạch Danske Handicaporganisationer đặt trụ sở tại thành phố Kolding phía nam bán đảo Jutland nước này, hợp tác với một nhóm người tình nguyện để thu gom thực phẩm chưa bán hết và sau đó phân phối đến các gia đình nghèo.

Tại phần đông các quốc gia trên thế giới, bao gồm Đan Mạch, không có điều luật nào cấm bán hay phân phối thực quá hạn sử dụng – yếu tố khiến gia tăng rác thực phẩm.

Aslan Husnu, nhà nghiên cứu Đại học Aarhus của Đan Mạch và người thường xuyên săn lùng thực phẩm giảm giá tại các siêu thị, chia sẻ: “Tôi cho rằng thực phẩm gần hết hạn sử dụng sẽ có giá rẻ hơn. Để chấm dứt rác thải thực phẩm, tôi chỉ mua những khẩu phần nhỏ, mua thường xuyên mà không bao giờ chất đầy giỏ hàng”.

Đối với nữ sinh viên cao học Madeline Holtzman ở Đại học New York (Mỹ), sáng kiến giảm tối đa lượng rác thải thực phẩm là hết sức cần thiết. Holtzman phát biểu: “Rác thải thực phẩm chính là một trong những nguồn góp phần làm tăng khí thải methane lớn nhất thế giới. Holtzman cho rằng việc nâng cao nhận thức người tiêu dùng rất quan trọng để mỗi người có sự chọn lựa riêng cho mình.

Holtzman có hành động rất thiết thực khi giúp cho ra đời loại bia sản xuất từ bánh mì dư thừa ở Mỹ gọi là Toast Ale. Trở lại Đan Mạch, Selina Juul nhận định ý thức xã hội về rác thải thực phẩm đang ngày một nâng cao. Và, các ứng dụng di động như Too Good To Go được sử dụng nhiều đến mức các nhà hàng không đáp ứng kịp.

Ứng dụng smartphone trở thành công cụ hiệu quả

Theo nhận định từ chuyên gia, các ứng dụng smartphone phổ biến hiện nay cho phép mọi người dễ dàng tìm đến những nơi bán thực phẩm dư thừa. Selina Juul giải thích: “Trung bình, một người dùng kiểm tra smartphone cá nhân vào khoảng 6 giây/lần cho nên điều đó giúp cho hoạt động tương tác với thị trường dễ dàng hơn bao giờ hết”.

Tessa Cook hy vọng ứng dụng Olio chia sẻ thực phẩm – kết nối những người láng giềng hay doanh nghiệp địa phương muốn trao đổi hay bán thực phẩm dư thừa còn sử dụng được – sẽ thúc đẩy tạo ra một “cuộc cách mạng chia sẻ thực phẩm” có ý nghĩa. Người dùng mở ứng dụng, đăng hình ảnh, mô tả, nêu giá cả và cung cấp chi tiết về địa điểm cũng như thời gian có thể tiếp nhận thực phẩm thừa. Các đối tác sau đó sẽ tìm kiếm những nơi cung cấp gần nhất và sắp xếp việc tiếp nhận qua thông điệp riêng với nhau.

Tessa Cook, người đồng sáng lập Olio với Saasha Celestial-One, cho biết: “Tôi là con gái của một chủ nông trại cho nên rất ghét vứt bỏ thực phẩm còn sử dụng được, bởi kinh nghiệm cho tôi biết người ta phải lao động cực nhọc đến thế nào để nó ra đời. Do đó mà Olio đã ra đời”.

Từ khi phát hành ứng dụng hồi tháng 1-2016, Olio được tải xuống 50.000 lượt và tạo cơ hội cho 250.000 cuộc giao dịch thành công. Dự kiến, Olio sẽ được mở rộng đến nhiều quốc gia khác.

Theo số liệu tổ chức phi lợi nhuận Chương trình hành động vì nguồn tài nguyên và chất thải (WRAP) của chính quyền Anh, các hộ gia đình ở Anh vứt vào thùng rác số thực phẩm thừa còn sử dụng được trị giá hơn 17 tỷ USD mỗi năm – nghĩa là trung bình mỗi gia đình vứt bỏ hơn 900 USD/năm.

Trong thế giới phát triển, rác thực phẩm trong môi trường dịch vụ khách sạn và nhà hàng trị giá đến 80 tỷ USD/năm. Do đó, công ty công nghệ Winnow đã nỗ lực phát triển phần mềm sử dụng đám mây cho phép các nhà bếp công nghiệp quản lý rác thực phẩm một cách hiệu quả hơn.

David Jackson, Giám đốc phát triển kinh doanh Winnow, giải thích: “Rác thực phẩm trong lĩnh vực dịch vụ nhà hàng và khách sạn không là vấn đề mới mẻ gì. Dữ liệu của chúng tôi cho thấy 10% cho đến 20% trong toàn bộ số thực phẩm được các nhà bếp công nghiệp mua vào có thể trở thành lượng rác thải ra có giá trị khổng lồ”.

Hoạt động từ năm 2013, Winnow phát triển nhanh thành công ty toàn cầu có chi nhánh tại 7 quốc gia ở châu Âu và châu Á, làm việc với hơn 200 nhà bếp công nghiệp – trong đó bao gồm nhiều công ty lớn như là Compass Group của Anh và tập đoàn kinh doanh khách sạn Pháp Accor Hotels.

Trong khi đó, VitalFields – hoạt động tại Đức, Ba Lan và Estonia – phát triển riêng một hệ thống phần mềm quản lý thực phẩm từ khi được trồng trọt ở nông trại. Theo Giám đốc điều hành Martin Rand, phần mềm được thiết kế phân tích mọi dữ liệu thu thập giúp các chủ nông trại điều hành công việc của họ hiệu quả và bền vững hơn. VitalFields đang ký hợp đồng hợp tác hằng tháng với hàng trăm chủ nông trại ở Ba Lan và Đức.

Martin Rand giới thiệu: “Nhờ vào dịch vụ tư vấn của công ty mà chúng tôi giúp ngăn chặn hàng chục tấn nitrogen thấm xuống mạch nước ngầm của một nông trại. Do đó, chủ nông trại tiết kiệm được nhiều tiền”.

Nhiều thực phẩm cũng trở thành rác trên đường vận chuyển từ nông trại đến các nhà máy xử lý, siêu thị và nhà hàng bất chấp những kỹ thuật bảo quản lạnh tiên tiến nhất được sử dụng hiện nay. Công ty công nghệ Israel BT9 – cũng hoạt động tại khắp châu Âu và Nam Mỹ – phát triển hệ thống gọi là Xsense sử dụng thiết bị cảm biến không dây để giám sát điều kiện bảo quản thực phẩm dễ hư hỏng trong từng giây trong lúc vận chuyển và truyền dữ liệu đến khách hàng để cảnh báo về sự cố nếu xảy ra.

Giám đốc điều hành Rob Williams cho biết, công nghệ kiểm soát nhiệt độ và độ ẩm kém trong suốt kênh cung cấp bảo quản lạnh là vấn đề lớn cho ngành công nghiệp thực phẩm, nhưng dữ liệu thời gian thực tốt hơn sẽ giúp giảm mạnh lượng rác thải thực phẩm.

Công nghệ có thể là chìa khóa giúp giải quyết vần đề, song “nếu con người không quan tâm thì giải pháp công nghệ cũng trở nên vô ích”.

Rob Williams phân tích: “Với hệ thống của chúng tôi, ngành công nghiệp thực phẩm sẽ cải thiện đáng kể chất lượng kênh bảo quản lạnh, giúp giảm lượng rác thải không đáng có bằng sự cung cấp tầm nhìn về thời gian tồn tại của thực phẩm”.

Song, bất chấp mọi nỗ lực của các công ty công nghệ, FAO và các tổ chức chính quyền khác trên khắp thế giới đánh giá rác thực phẩm vẫn còn tiếp tục tăng. Robert van Otterdijk, chuyên gia nông nghiệp ở FAO, nhận định công nghệ có thể là chìa khóa giúp giải quyết vần đề, song “nếu con người không quan tâm thì giải pháp công nghệ cũng trở nên vô ích”.

Theo Anninhthegioi