25 C
Hanoi
Thứ sáu, Tháng mười một 8, 2024
More
    Home Blog Page 411

    EVN HANOI: Khuyến cáo khách hàng sử dụng điện tiết kiệm trong dịp nắng nóng

    Trong nhiều năm qua, công tác đảm bảo cung cấp điện trên địa bàn Thủ đô luôn được xác định là một nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của Tổng công ty Điện lực TP Hà Nội (EVN HANOI).

    Đặc biệt là trong các dịp hè nắng nóng. Với việc thực hiện đồng bộ các giải pháp về kỹ thuật vận hành, đầu tư xây dựng cải tạo, nâng cấp và phát triển lưới điện, các chỉ số về chất lượng cung cấp điện ngày càng được cải thiện tốt hơn. Cụ thể kết quả năm 2017 là:

    – Thời gian mất điện trung bình (phút)/KH/năm – SAIDI: 543,1 phút, giảm 198 phút so với cùng kỳ và giảm được 3.452 phút so với 2013.

    – Số lần mất điện trung bình (lần)/KH/năm:

    + SAIFI (trên 05 phút): 2,58 lần giảm 3,81 lần so với cùng kỳ.

    + MAIFI (từ 05 phút trở xuống): 1,03 lần giảm 1,19 lần so với cùng kỳ.

    Nhằm đảm bảo cung cấp đủ điện, giảm đến mức thấp nhất thời gian mất điện và hạn chế nguy cơ sự cố, EVNHANOI đang tập trung chỉ đạo gấp rút hoàn thành đóng điện các công trình quan trọng và chuẩn bị sẵn sàng các nguồn lực theo phương án vận hành cung cấp điện trong mùa hè nắng nóng năm nay.

    Tình trạng nắng nóng gay gắt, kéo dài sẽ dẫn đến nhu cầu sử dụng điện tăng cao đột biến. 

    Theo thông tin từ Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, cao điểm mùa nắng nóng năm 2018 sẽ diễn ra trong các tháng 5, 6, 7;nhiệt độ cao nhất tại các tỉnh Bắc bộ có thể đạt mức 38-39 độ C.

    Trong những ngày đầu tháng 5/2018 đã xuất hiện đợt nắng nóng gay gắt đầu tiên ở Bắc Bộ và Trung Bộ (vào các ngày 7 và 8/5). Tại thủ đô Hà Nội, sản lượng điện tiêu thụ toàn thành phố đã đạt 64,6 triệu kWh (vào ngày 16/5/2018), đây là mức tiêu thụ điện trong ngày cao nhất từ đầu năm. Sản lượng điện tiêu thụ bình quân các ngày đầu tháng 5 (tính đến ngày 16/05/2018) đã tăng 21% so với tháng 4/2018.

    Tình trạng nắng nóng gay gắt, kéo dài sẽ dẫn đến nhu cầu sử dụng điện tăng cao đột biến, chủ yếu do việc sử dụng điều hòa nhiệt độ và các thiết bị làm mát tăng rất cao dẫn đến nguy cơ đầy tải và quá tải lưới điện cục bộ ở một số khu vực, gây mất an toàn ổn định vận hành hệ thống điện.

    Vì vậy, EVN HANOI khuyến cáo quý khách hàng hãy sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả, bằng việc hạn chế sử dụng các thiết bị tiêu thụ nhiều điện vào giờ cao điểm từ 11h00 ¸ 14h00 và từ 18h00 ¸ 23h00 hàng ngày. Đặc biệt khi sử dụng điều hòa nhiệt độ cần lưu ý để ở chế độ tối ưu, chỉ nên đặt ở mức 26 độ C trở lên, như vậy sẽ đảm bảo tiết kiệm điện tiên thụ, hạn chế tình trạng hóa đơn tiền điện tăng đột biến cho khách hàng, mặt khác sẽ góp phần giảm thiểu nguy cơ quá tải cục bộ, gây sự cố gián đọan cung cấp điện.

    Trong quá trình sử dụng điện, nếu có vướng mắc, quý khách hàng vui lòng liên hệ Trung tâm chăm sóc khách hàng của EVN HANOI theo số điện thoại 19001288 và 024 2222 2000 để được hỗ trợ và giải đáp.

    Theo VNE HANOI

    Biển Đông: Thảm họa môi trường đang tiềm tàng?

    Việc nạo vét và xây dựng trên các rạn san hô ở Biển Đông đang hủy hoại nghiêm trọng một trong những hệ sinh thái có sự đa dạng vào bậc nhất trên Trái Đất.

    Hầu hết sự tập trung chú ý về Biển Đông đều xoay quanh các hành động quân sự của Trung Quốc. Tuy nhiên, thảm họa tự nhiên đang âm thầm diễn ra trong khu vực cũng là một vấn đề gây quan ngại nghiêm trọng.

    Một báo cáo môi trường gần đây đã đề cập tới các số liệu và bằng chứng cụ thể cho thấy có một diện tích lớn các rạn san hô đang bị “xóa sổ” do sự ấm lên của nước biển. Tuy nhiên, bên cạnh các yếu tố thay đổi của môi trường tự nhiên, sự biến mất của nhiều rạn san hô còn do một yếu tố khác, đó chính là các hoạt động khai thác quá mức và cải tạo đảo của Chính phủ Trung Quốc.

    Phán quyết của Tòa Trọng tài ở La Hay hồi tháng 7/2016 về vụ kiện giữa Philippines và Trung Quốc nhấn mạnh việc Trung Quốc xây dựng 7 hòn đảo nhân tạo ở quần đảo Trường Sa đã vi phạm các nghĩa vụ về bảo vệ môi trường trong khuôn khổ Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS).

    Những rạn san hô đã chết sẽ bị chôn vùi dưới cát, sau đó kết thành khối và không thể tái sinh.

    Trong khi đó, Bắc Kinh tuyên bố các hoạt động xây đảo nhân tạo của họ là thuộc phạm vi “Dự án Xanh”, và các kỹ thuật mà họ sử dụng đơn giản là mô phỏng các quá trình vẫn diễn ra trong tự nhiên, chẳng hạn như việc những cơn bão trên biển cuốn mảnh vụn và xác các sinh vật biển khiến chúng kết tụ dần thành các thực thể trên biển.

    Ông John McManus, hiện đang làm việc tại Trường Rosenstiel, thuộc Đại học Miami, đã nhấn mạnh rằng việc cải tạo địa hình ở Bãi cạn Scarborough, quần đảo Pratas, quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa có thể đang khiến địa hình và môi trường tự nhiên tại các khu vực này bị phá hủy tới mức không thể khôi phục được. Năm 2016, trong một công trình nghiên cứu của mình, ông McManus kết luận tại khu vực Biển Đông, ít nhất 104 km2 diện tích san hô đã bị hủy hoại do hoạt động cải tạo của con người.

    Không chỉ xây đảo nhân tạo tại các đảo đá và rạn san hô có tranh chấp chủ quyền với các quốc gia khác, Trung Quốc còn cải tạo và phá hủy môi trường tại nhiều rạn san hô vòng, với tổng diện tích lên tới gần 60km2.

    Tính tổng số diện tích san hô bị hủy hoại do các hoạt động này của Trung Quốc, ông McManus cho rằng khoảng 10% diện tích san hô tại quần đảo Trường Sa và 8% diện tích san hô ở Hoàng Sa đã bị xóa sổ.

    Nhà sinh học Alan Freidlander, hiện đang làm việc tại Đại học Hawaii, cho biết việc nạo vét và xây dựng trên các rạn san hô ở Biển Đông đang hủy hoại nghiêm trọng một trong những hệ sinh thái có sự đa dạng vào bậc nhất trên Trái Đất.

    Những rạn san hô đã chết sẽ bị chôn vùi dưới cát, sau đó kết thành khối và không thể tái sinh. Điều mà nhiều chuyên gia liên tục lưu ý là khi tiến hành các hoạt động cải tạo và xây dựng ở Biển Đông, Trung Quốc cần xem xét và tôn trọng UNCLOS, một công ước mà chính họ cũng đã đặt bút ký.

    Điều 206 của UNCLOS nêu rõ: “Các quốc gia có cơ sở vững chắc để chứng minh rằng kế hoạch mà họ dự định tiến hành tại những khu vực mà họ có quyền tài phán hoặc quyền kiểm soát có thể khiến môi trường tại đó ô nhiễm hoặc tạo ra những thay đổi xấu tới môi trường biển thì các quốc gia đó phải đánh giá tác động của các hoạt động này đối với môi trường, và phải công bố kết quả đánh giá theo quy định được nêu trong Điều 205”.

    UNCLOS cũng yêu cầu các quốc gia phải tiến hành những đánh giá cần thiết trong trường hợp các hoạt động mà họ dự định tiến hành có thể có những tác động đáng kể vượt ra ngoài đường biên giới của mình.

    Đã đến lúc các cộng đồng an ninh và môi trường truyền thống ở Biển Đông cần có sự kết nối và hợp tác sâu sắc hơn. Các quốc gia ở Thái Bình Dương cần phải hiểu rõ các vấn đề liên quan tới cả khía cạnh quân sự và môi trường. Không thể phủ nhận một thực tế là Mỹ đang có những đóng góp hữu ích cho việc tăng cường công tác quản lý hoạt động đánh bắt cả ở Đông Nam Á.

    Các quốc gia khu vực cũng có thể hợp tác với các tổ chức môi trường, song khi vấn đề liên quan tới việc lên án các hoạt động cải tạo ở rạn san hô, người ta thường đối mặt với một sự “im lặng”. Nguyên nhân có thể là bởi việc bảo tồn các rạn san hô hiện không phải là một vấn đề nóng, không được dư luận quan tâm nhiều như những vấn đề môi trường khác, chẳng hạn như năng lượng sạch.

    Hơn thế nữa, nhiều quốc gia khu vực cũng khá dè dặt trong việc hợp tác với Mỹ do lo ngại điều này có thể khiến họ trở thành “con rối” của Washington. Một số nhà hoạt động môi trường cho rằng nhận thức của dư luận đối với nguy cơ mà các rạn san hô đang phải đối mặt không cao cũng là bởi sự vắng mặt của truyền thông.

    Hình ảnh những rạn san hô và các loài sinh vật biển đang đứng trước nguy cơ biến mất không xuất hiện nhiều và gây ám ảnh như các hình ảnh mô tả gấu trắng vất vả đi trên nền băng tan trơn trượt, hay những chú chim thoi thóp do dính dầu tràn trên biển, hoặc những chú voi với đôi ngà bị cắt cụt và những chú rùa mắc kẹt trong lưới đánh cá.

    Cho dù lý do là gì đi chăng nữa thì thảm họa môi trường tại Biển Đông cũng cần nhiều sự quan tâm như những gì người ta dành cho các hoạt động quân sự của Trung Quốc. Điều này cần tới sự phối hợp chặt chẽ hơn trên khía cạnh môi trường và quân sự, đòi hỏi sự vào cuộc của các chuyên gia ở cả hai lĩnh vực này, ngay cả khi điều đó có thể khiến Trung Quốc cho là vấn đề môi trường đã bị các nước láng giềng và khu vực “chính trị hóa” hoặc “thù địch hóa”.

    Theo Nghiên cứu Biển Đông/Aspistrategist

    1/7: Hà Nội thí điểm mở tuyến xe buýt sử dụng nhiên liệu sạch 

    Theo tin từ Sở Giao thông Vận tải Hà Nội, từ ngày 1/7, Hà Nội sẽ thí điểm mở tuyến xe buýt sử dụng nhiên liệu sạch (khí CNG).

    Đó là các tuyến bến xe Mỹ Đình-bến xe Sơn Tây, bến xe Yên Nghĩa-khu đô thị Đặng Xá, Bệnh viện nhiệt đới Trung ương cơ sở 2-khu đô thị Times City.

    Cả 3 tuyến buýt này đều do Công ty Trách nhiệm hữu hạn Du lịch Dịch vụ Xây dựng Bảo Yến vận hành.

    Tuyến buýt bến xe Mỹ Đình-bến xe Sơn Tây có lộ trình chiều đi: Bến xe Mỹ Đình-Phạm Hùng-Mễ Trì-Châu Văn Liêm-đại lộ Thăng Long (đường gom)-Phượng Cách-tỉnh lộ 421B-Tỉnh lộ 420-tỉnh lộ 419-quốc lộ 32-Chùa Thông (Sơn Tây)-bến xe Sơn Tây.

    Chiều về: Bến xe Sơn Tây-Chùa Thông (Sơn Tây)-quốc lộ 32-tỉnh lộ 419-tỉnh lộ 420-tỉnh lộ 421B-Phượng Cách-đại lộ Thăng Long (đường gom)-Lê Quang Đạo-Mễ Trì-Phạm Hùng-quay đầu tại nút giao Phạm Hùng, Tôn Thất Thuyết-Phạm Hùng-bến xe Mỹ Đình.

    Tuyến này dự kiến sẽ có 122 lượt xe/ngày; tần suất dịch vụ 15-20 phút/lượt.

    Cả 3 tuyến buýt này đều do Công ty Trách nhiệm hữu hạn Du lịch Dịch vụ Xây dựng Bảo Yến vận hành.

    Tuyến xe buýt bến xe Yên Nghĩa-khu đô thị Đặng Xá (đối viện nhà CT3 khu đô thị Đặng Xá), có lộ trình chiều đi: Bến xe Yên Nghĩa-Quang Trung (Hà Đông)-Lê Trọng Tấn (Hà Đông)-đường Phúc La, Văn Phú-Cầu Bươu-Thanh Liệt-Cầu Dậu-Nghiêm Xuân Yêm-Nguyễn Hữu Thọ-Giải Phóng-Bến xe Giáp Bát-Giải Phóng-Kim Đồng-Tân Mai-Tam Trinh-Minh Khai-Cầu Vĩnh Tuy- Đàm Quang Trung-Chu Huy Mân-Trần Danh Tuyên-Sài Đồng-Nguyễn Đức Thuận-Khu đô thị Đặng Xá-đường nội bộ ĐX2-đường vành đai nội bộ khu đô thị Đặng Xá (qua các khu nhà CT9B, D3, D13, D10)-khu đô thị Đặng Xá (đối diện nhà CT3 khu đô thị Đặng Xá).

    Chiều về: Khu đô thị Đặng Xá (Đối diện nhà CT3 Khu đô thị Đặng Xá)- đường vành đai nội bộ khu đô thị Đặng Xá (qua các khu nhà CT9B, D3, D13, D10)-đường nội bộ ĐX2-khu đô thị Đặng Xá-Nguyễn Đức Thuận-Sài Đồng- Trần Danh Tuyên-Chu Huy Mân-Đàm Quang Trung-Cầu Vĩnh Tuy-Minh Khai-Tam Trinh-Tân Mai-Kim Đồng-Giải Phóng-Nguyễn Hữu Thọ-Nghiêm Xuân Yêm-Cầu Dậu-Thanh Liệt-Cầu Bươu-Phúc La, Văn Phú-Lê Trọng Tấn (Hà Đông)-Quang Trung (Hà Đông)-bến xe Yên Nghĩa.

    Dự kiến trên tuyến này sẽ có 126 lượt xe/ngày; tần suất dịch vụ 15-20 phút/lượt.

    Tuyến xe buýt: Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương cơ sở II-khu đô thị Times City (Bệnh viện Vimmec) sẽ có lộ trình chiều đi: Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung Ương cơ sở II-Khu công nghiệp Bắc Thăng Long-Hoàng Sa- Phương Trạch-đường 6 km-cầu Nhật Tân-Võ Chí Công-Bưởi (đường dưới bên bờ sông Tô Lịch)-Đội Cấn-Liễu Giai-Kim Mã-Nguyễn Thái Học-Lê Duẩn- Trần Hưng Đạo-Bà Triệu-Trần Khát Chân-Võ Thị Sáu-Thanh Nhàn-Kim Ngưu-Cầu Mai Động-Minh Khai-khu đô thị Times City (Bệnh viện Vinmec).

    Chiều về: Khu đô thị Times City (Bệnh viện Vinmec)-Minh Khai-quay đầu tại gầm cầu Vĩnh Tuy-Minh Khai-Kim Ngưu-Cầu Mai Động-Thanh Nhàn-Võ Thị Sáu-Trần Khát Chân-Phố Huế-Hàng Bài-Trần Hưng Đạo-Quán Sứ-Hai Bà Trưng-Thợ Nhuộm-Điện Biên Phủ-Trần Phú-Sơn Tây-Kim Mã-Liễu Giai-Đội Cấn-Bưởi (đường dưới bên nút giao Đội Cấn)-Võ Chí Công-Cầu Nhật Tân – Hoàng Sa-khu công nghiệp Bắc Thăng Long-bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương cơ sở II. Tuyến này tần suất 138 lượt xe/ngày; tần suất dịch vụ 12-15 phút/lượt.

    Xe buýt sử dụng nhiên liệu sạch CNG đã được đưa vào hoạt động thành công ở địa bàn thành phố Hồ Chí Minh.

    Theo tính toán đối với 21 xe đưa vào chạy thí điểm từ năm 2011, sau một năm chạy thử nghiệm, các xe buýt CNG tiết kiệm được 2 tỷ đồng (23% chi phí nhiên liệu) so với các xe chạy dầu DO trên cùng cự ly.

    So với động cơ xăng và dầu DO, sử dụng khí CNG động cơ vận hành êm, các khí độc hại giảm từ 53 đến 63%, khí CO2 giảm 20%, không gây bụi và khói đen.

    Theo TTXVN

    Bộ Tài chính quyết tăng thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu

    Bộ Tài chính vừa đề xuất mức thuế bảo vệ môi trường đối với mặt hàng xăng kịch trần là 4.000 đồng mỗi lít, tăng 1.000 đồng so với hiện hành. Còn mặt hàng dầu là 2.000 đồng mỗi lít, tăng 1.100-1.700 đồng/lít so với mức hiện hành.

    Tổng số thuế bảo vệ môi trường dự kiến thu sẽ vào khoảng 57.612 tỷ đồng/năm, tăng khoảng 15.189 tỷ đồng/năm nếu thuế môi trường với xăng dầu tăng kịch khung

    Bộ Tài chính: Nhất thiết phải tăng thuế bảo vệ môi trường

    Tờ trình dự thảo Nghị quyết về biểu thuế bảo vệ môi trường mới nhất này vừa được người đứng đầu ngành Tài chính – ông Đinh Tiến Dũng ký và vừa gửi tới Uỷ ban Thường vụ Quốc hội.

    Tổng số thuế bảo vệ môi trường dự kiến thu sẽ vào khoảng 57.612 tỷ đồng/năm.

    Theo Bộ Tài chính, thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu được thực hiện từ năm 2012 đã phát huy được những hiệu quả đáng kể như: Nâng cao trách nhiệm và nhận thức của xã hội đối với môi trường, khuyến khích sản xuất, tiêu dùng hàng hoá, đáp ứng yêu cầu phát triển bên vững; đồng thời đảm bảo lợi ích quốc gia trong điều kiện hội nhập sâu khi thực hiện cắt giảm dần thuế nhập khẩu theo cam kết quốc tế.

    “Dòng thuế này cũng đóng góp đáng kể vào ngân sách nhà nước. Cụ thể, giai đoạn từ năm 2012 đến năm 2017, tổng số thu từ thuế bảo vệ môi trường vào khoảng trên 150.000 tỷ đồng, bình quân hơn 25.000 tỷ đồng mỗi năm”, Bộ Tài chính nêu.

    Dù vậy, Bộ Tài chính vẫn bảo lưu quan điểm rằng, bối cảnh kinh tế xã hội hiện nay của đất nước, nhất thiết phải nghiên cứu điều chỉnh thuế bảo vệ môi trường lên mức phù hợp.

    Bởi, giá bán lẻ xăng dầu ở Việt Nam cơ bản đang thấp hơn so với các nước có chung đường biên giới và một số nước trong khối ASEAN và châu Á. Hiện, giá bán lẻ xăng dầu của Việt Nam đứng vị trí 47 từ thấp đến cao trong tổng số 167 quốc gia và thấp hơn 120 nước, với mức 19.980 đồng/lít.

    “Các nghiên cứu cho thấy hàng hoá thuộc diện chịu thuế bảo vệ môi trường như xăng, dầu, mỡ nhờn, than đá, túi nilon… trong quá trình sử dụng gây tác động ấu đến môi trường. Và cũng theo tính toán của các nhà khoa học, để trả lại môi trường thì thuế đối với các mặt hàng kể trên phải được điều chỉnh cao hơn rất nhiều”, Bộ Tài chính lập luận.

    Để bảo lưu quan điểm đánh thuế cao của mình, tờ trình do Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng ký cũng dẫn ra một số liệu thống kê được Bộ lấy ý kiến rộng rãi trên Cổng thông điện tử của ngành. Cụ thể, trong tổng số 77 ý kiến tham gia góp ý thì có 19 ý kiến của các bộ ngành, 43 ý kiến của các địa phương, 5 ý kiến của các hiệp hội và doanh nghiệp, tổ chức khác.

    Về cơ bản, theo Bộ Tài chính, các ý kiến đều nhất trí với sự cần thiết về nội dung của dự thảo. Trong đó, 47/77 ý kiến nhất trí hoàn toàn. Các ý kiến còn lại cũng được Bộ giải trình, tiếp thu…

    Tăng kịch khung thuế, thu thêm hàng tỷ USD

    Theo tính toán của Bộ Tài chính, nếu thuế bảo vệ môi trường đối với xăng được tăng kịch khung từ mức 3.000 đồng/lít lên 4.000 đồng/lít, các mặt hàng dầu tăng kịch khung lên mức 2.000 đồng/lít, số thu từ dòng thuế này sẽ vào khoảng trên 55.000 tỷ đồng/năm, tăng khoảng 14.368 tỷ đồng/năm.

    Ngoài xăng dầu, một số mặt hàng khác như than đá, dung dịch HCFC, túi nilon, cũng được Bộ Tài chính đề xuất tăng thêm từ 1.000 đồng đến 10.000 đồng, tuỳ loại.

    Cụ thể, đối với than đá, mức tăng dự kiến thêm 5.000 đồng đến 10.000 đồng/tấn. Tổng số thu mà Bộ Tài chính nhẩm tính sau khi tăng thuế đối với mặt hàng này sẽ vào khoảng 2.385 tỷ đồng/năm, tăng khoảng 795 tỷ đồng/năm.

    Đối với mặt hàng túi nilon, với đề xuất tăng 10.000 đồng mỗi kg (từ 40.000 đồng/kg lên 50.000 đồng/kg), tổng số thu sẽ vào khoảng 67,5 tỷ đồng, tăng khoảng 13,5 tỷ đồng/năm. Đối với mặt hàng dung dịch, với đề xuất tăng 1.000 đồng mỗi kg (từ 4.000 đồng/kg lên 5.000 đồng/kg), tổng số thu sẽ vào khoảng 63,5 tỷ đồng, tăng khoảng 12,7 tỷ đồng/năm.

    Theo Bộ Tài chính, nếu phương án được tăng qua, tổng số thuế bảo vệ môi trường dự kiến thu sẽ vào khoảng 57.612 tỷ đồng/năm, tăng khoảng 15.189 tỷ đồng/năm.

    Đây không phải là lần đầu tiên, Bộ Tài chính đưa ra phương án tăng kịch trần khung thế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu. Và lần nào đưa ra, Bộ Tài chính cũng bị phản đối kịch liệt. Các ý kiến phản đối đều cho rằng mức thuế tăng rất vô lý.

    Bên cạnh đó, các lý lẽ về phương án thuế của Bộ Tài chính là bảo vệ môi trường hầu như cũng không được chấp nhận. Bởi, mặt hàng này đã áp dụng mức thuế khá cao từ thời điểm năm 2012.

    Thế nhưng, cuối tháng 11/2017, Tổ chức Y tế Thế Giới (WHO) vẫn xếp Việt Nam là một trong những quốc gia có tình trạng ô nhiễm không khí hàng đầu khu vực Đông Nam Á.

    Còn, giữa tháng 2/2018, trang web Aqicn.org (Mỹ) – nơi cung cấp số liệu ô nhiễm không khí các thành phố trên thế giới theo từng giờ – cho biết chỉ số bụi mịn PM2.5 tại Hà Nội lên tới 256 – tức có 256 hạt bụi PM2.5 trong 1m3 không khí. Đây là mức rất không tốt, cảnh báo tình trạng ô nhiễm khẩn cấp tới tất cả mọi nhóm người.

    Cùng thời điểm, chỉ số chất lượng không khí (AQI) tại Bangkok (Thái Lan) là 186, tại Jakarta (Indonesia) là 165, TP.HCM – thành phố lớn nhất Việt Nam có chỉ số AQI là 169. Cả ba thành phố đều nằm trong mức không tốt đối với tất cả mọi nhóm người.

    Chỉ số AQI tại Hà Nội đo vào một năm trước (tháng 1/2017) là 156 – tức là có 156 hạt bụi PM2.5 trong 1m3 không khí, mức không tốt cho tất cả mọi người, bao gồm cả người khỏe mạnh và người có vấn đề về hô hấp.

    Vấn đề đặt ra là, không phải mức thuế mà Bộ Tài chính định tăng với xăng dầu lên bao nhiêu, mà ở việc số tiền thuế tăng thực sự được chi dùng vào đâu. Không phải ở con số hàng nghìn tỷ đồng được chi vào các dự án môi trường như thế nào, mà ở việc môi trường thực sự đã, đang và sẽ được bảo vệ ra sao…

    Theo Dantri.com.vn

    Phát động cuộc thi Giải pháp Xanh cho thành phố 2018

    Hãy gia nhập đội ngũ những người giúp cho Trái Đất tốt đẹp hơn bằng cách tham dự cuộc thi Giải pháp Xanh cho thành phố – Go Green in the City 2018 với những giải thưởng và các vòng thi hết sức hấp dẫn.

    Ban tổ chức cho biết năm thứ 8 của hành trình Giải pháp Xanh cho thành phố, cuộc thi toàn cầu do Schneider Electric tổ chức đã thu hút hơn 10.000 đơn đăng ký từ khắp mọi nơi trên thế giới, chúng ta đang tiến rất gần đến hạn chót nộp ý tưởng vào ngày 1/6/2018.

    Bạn là một người yêu môi trường?

    Bạn là một người trăn trở với vấn đề nóng lên toàn cầu hay biến đổi khí hậu?

    Bạn nghĩ sứ mệnh của mình là bảo vệ trái đất?

    Bạn muốn được trở thành là một trong những người làm trái đất này tốt đẹp hơn?

    Hãy cùng chúng tôi gia nhập đội ngũ những người giúp cho Trái Đất tốt đẹp hơn bằng cách tham dự cuộc thi Giải pháp Xanh cho thành phố – Go Green in the City 2018 với những giải thưởng và các vòng thi hết sức hấp dẫn

    Vòng Nộp ý tưởng: Hợp tác cùng với đồng đội của mình để giải quyết một trong bốn đề tài thực tế về quản lý năng lượng hiệu quả cho thành phố thông minh hoặc cho cộng đồng bạn đang sinh sống. Tại thời điểm này, bạn chỉ cần nộp ý tưởng tóm tắt bằng một trang word tối đa 500 từ hoặc 4 trang power point. Hạn chót: 01/06/2018.

    Vòng Bán kết Quốc Gia: Cùng Tranh tài tại trụ sở Công ty Schneider Electric Việt Nam Tầng 7, Tòa Nhà Etown1, đường Cộng Hòa, Quận Tân Bình, TP.HCM.

    Vòng Bán Kết khu vực Châu Á – Thái Bình Dương: Đội chiến thắng sẽ đại diện cho Schneider Electric Việt Nam tranh tài với các đội thắng cuộc ở các quốc gia Khu vực Châu Á – Thái Bình Dương vào ngày 28-29/8/2018 để giành lấy suất tham dự vòng Chung Kết Toàn Cầu tổ chức tại Atlanta, Mỹ vào ngày 3/11/2018.

    Vòng Chung Kết Toàn Cầu: 10 đội lọt vào vòng Chung Kết Toàn Cầu sẽ được tài trợ toàn bộ chuyến đi đến Mỹ để dự thi. Đội Vô Địch Toàn Cầu sẽ được Schneider Electric tài trợ chuyến du lịch vòng quanh thế giới theo phong cách VIP- đến tham quan các văn phòng làm việc của Schneider Electric tại hai nước tùy chọn trên thế giới, giao lưu với các nhân viên và quản lý cấp cao cùng cơ hội việc làm tại công ty Schneider Electric tại quốc gia của mình.

    Theo moitruong.com.vn

    Khởi động chiến dịch giảm sử dụng rác thải nhựa

    Ngày 16/05, trong khuôn khổ phong trào sống xanh kéo dài nhiều năm iCHANGE (tạm dịch Tôi Thay đổi), CHANGE cùng Đại sứ thiện chí diễn viên Diễm My 9X đã chính thức khởi động chiến dịch đầu tiên với mục tiêu giảm thiểu rác thải nhựa mang tên iCHANGE Plastics, bằng việc công bố video kêu gọi tham gia chiến dịch và trang web chính thức www.iCHANGEvn.org.

    Ô nhiễm rác thải nhựa là một vấn đề đáng báo động toàn cầu, nhất là trong những năm gần đây, với khoảng 8,8 triệu tấn rác thải nhựa được thải ra đại dương mỗi năm.

    Hiện đại dương đang có khoảng 5,25 nghìn tỉ miếng rác nhựa, nặng khoảng 269.000 tấn trôi nổi trên biển, và một con số lớn hơn rất nhiều là lượng rác chìm sâu trong đại dương.

    Một số nghiên cứu cho thấy mỗi km2 đại dương có chứa khoảng 4 tỉ sợi vi nhựa, đang làm ô nhiễm các vùng biển sâu và có nguy cơ cao xâm nhập vào chuỗi thức ăn.

    Việt Nam là một trong năm quốc gia xả nhiều rác thải nhựa ra biển nhất thế giới với khoảng 1,8 triệu tấn rác thải nhựa bị xả ra biển mỗi năm.

    Rác thải nhựa không chỉ ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống các loài sinh vật biển mà còn gây nguy hiểm đến sức khỏe con người.

    Rác thải nhựa không chỉ ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống các loài sinh vật biển mà còn gây nguy hiểm đến sức khỏe con người. Người ta tìm thấy hạt nhựa siêu nhỏ trong 83% mẫu nước uống từ vòi, và trong 93% mẫu nước uống đóng chai.

    Việc tiếp xúc thường xuyên với các hoá chất trong đồ nhựa dùng một lần (như BPA, styrene) sẽ gây ra nguy cơ mắc các bệnh như ung thư, viêm gan, dị ứng, rối loạn hệ thần kinh, rối loạn nội tiết và vô sinh.

    Chiến dịch iCHANGE Plastics với khẩu hiệu “Tôi thay đổi vì một Việt Nam không rác nhựa”, là chiến dịch đầu tiên trong chuỗi dự án iCHANGE, nhằm truyền thông nâng cao nhận thức của công chúng về tác hại của rác thải nhựa đến với cuộc sống và môi trường, từ đó xây dựng một cộng đồng người dân Việt Nam cùng hành động để hạn chế sử dụng và loại bỏ dần những sản phẩm nhựa dùng một lần như bao ni lông, ống hút, hộp xốp, muỗng nĩa nhựa, nước đóng chai…

    Chiến dịch cũng sẽ liên kết với các doanh nghiệp đối tác nhằm khuyến khích giảm thiểu hoặc thay đổi những sản phẩm nhựa dùng một lần trong hoạt động sản xuất và kinh doanh của doanh nghiệp, đồng thời phân phối những sản phẩm, giải pháp thay thế cho các sản phẩm nhựa dùng một lần rộng rãi trong công chúng.

    “Là một người yêu môi trường, Diễm My đang cố gắng thay đổi các thói quen tiêu dùng hàng ngày, cụ thể là hạn chế việc sử dụng đồ nhựa dùng một lần và thay bằng những vật dụng thân thiện hơn với môi trường, như ống hút tre, túi vải đi chợ thời trang, ly sứ có nắp để mua cà phê mang đi” – Đại sứ thiện chí chiến dịch iCHANGE Plastics, Diễm My 9X chia sẻ. “Diễm My mong muốn là tất cả các bạn hãy tham gia cùng Diễm My, cùng gia nhập cộng đồng những người yêu môi trường và cam kết hành động để hạn chế rác thải nhựa. Cùng nhau mình sẽ tạo nên một phong trào sống xanh thật sự mạnh mẽ, bởi vì đó mới là lối sống văn minh và sành điệu nhất”.

    Trong thời gian sắp tới, chiến dịch iCHANGE Plastics sẽ thực hiện hàng loạt các chiến dịch truyền thông rộng khắp trên mạng xã hội; xây dựng một cộng đồng iCHANGE gồm những người yêu môi trường và cam kết hành động và lan toả để hạn chế rác thải nhựa; phát động “Thử thách 21 ngày không rác thải nhựa”; vận động các trường học, cơ quan, khách sạn v.v. trở thành các “thiên đường không rác nhựa”; liên kết với các doanh nghiệp đối tác nhằm khuyến khích thay đổi những sản phẩm nhựa dùng một lần trong hoạt động sản xuất và kinh doanh của doanh nghiệp, đồng thời phân phối bộ iCHANGE kit với những sản phẩm thay thế cho đồ nhựa dùng một lần như ống hút tre, muỗng gỗ dừa, túi đi chợ, hộp cơm …

    Một điểm khác biệt lớn nhất của iCHANGE so với nhiều dự án môi trường khác, là các hoạt động của phong trào này sẽ được khởi xướng và thực hiện bởi các thành viên của cộng đồng iCHANGE, chứ không phải chỉ do ban tổ chức chiến dịch phát động.

    Cộng đồng iCHANGE, dưới hình thức là một group Facebook, sẽ không chỉ là nơi các thành viên trao đổi thông tin kiến thức và truyền cảm hứng cho nhau về lối sống xanh, mà còn được kỳ vọng sẽ là nơi kết nối, thúc đẩy, và huy động nguồn lực cho việc phát triển các sản phẩm và dịch vụ thân thiện môi trường mà hiện nay đang còn rất thiếu tại Việt Nam.

    Bà Hoàng Thị Minh Hồng, giám đốc CHANGE, chia sẻ: “Đối diện với cuộc khủng hoảng ô nhiễm nhựa toàn cầu, đã có rất nhiều quốc gia và thành phố trên thế giới ban hành lệnh cấm các đồ nhựa dùng một lần. Để Việt Nam, từ một trong những quốc gia thải nhiều rác nhựa ra đại dương nhất, có thể đi theo xu thế xanh này, chắc chắn sẽ là một quá trình khó khăn và lâu dài. Và điều đó chỉ có thể thành hiện thực, khi có sự đồng thuận của cả người dân, doanh nghiệp và chính quyền. Yếu tố quan trọng nhất ở đây vẫn là con người, và tôi hy vọng tất cả các bạn hãy tham gia cộng đồng iCHANGE, cùng cam kết “Tôi thay đổi”, cho một Việt Nam xanh sạch đẹp hơn trong tương lai”.

    Theo moitruong.com.vn

    Làm thế nào để phòng tránh sét đánh vào mùa mưa?

    Sét thường đánh vào các điểm cao. Khu vực đô thị được bao bọc bởi các tòa nhà, công trình cao tầng, do vậy nguy cơ người dân bị sét đánh ở đô thị thấp hơn ở nông thôn và đồi núi.

    Nam Bộ đã bước vào mùa mưa. Những cơn mưa dông kèm theo giông sét bắt đầu hoạt động mạnh và có thể gây nguy hiểm đến tính mạng của người dân. Tuy nhiên, không phải ai cũng biết cách bảo vệ an toàn cho mình và người thân khỏi nguy cơ bị sét đánh.

    TS Nguyễn Nhân Bổn, chuyên gia về nhà máy điện và chống sét, Giảng viên khoa Điện – Điện tử, trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM đã có cuộc trao đổi cùng phóng viên về vấn đề này.

    Là một chuyên gia về nhà máy điện và chống sét, ông có thể cho biết, giông sét có thể gây nguy hiểm như thế nào đối với con người?

    Sét là một hiện tượng thiên nhiên do việc hình thành các đám mây dông mang điện tích trái dấu. Khi các đám mây trái dấu tương tác với nhau thì sẽ tạo nên hiện tượng sét, khiến các dòng tiên đạo (dòng điện sét) có thể phát triển xuống mặt đất.

    Đặc điểm của các dòng tiên đạo khi phát triển sẽ hướng đến các vật nhọn, các vật kim loại có khả năng truyền điện và cả con người (vì cơ thể con người mang điện).

    Dòng điện của sét có thể lên đến hàng ngàn Ampe (A). Đối với con người, dòng điện đi qua chỉ cần 50mA thì có thể tử vong. Thời gian sét đánh vào người chỉ kéo dài vài mili giây. Song, do cường độ dòng điện quá mạnh, con người có thể tử vong. Việc sét đánh cũng tạo ra hiện tượng phóng hồ quang điện dẫn đến con người có thể bị bỏng, cháy da thịt do sét đánh.

    Một số trường hợp, sét đánh vào những vật dẫn điện hoặc mang điện nhưng cảm ứng và truyền điện sang người cũng sẽ dẫn đến tử vong.

    Mỗi năm khi vào đầu mùa mưa vẫn có những hiện tượng người dân gặp nạn khi bị sét đánh, nhưng chủ yếu là vùng nông thôn. Tại các vùng đô thị lớn như TP.HCM thì nguy cơ bị sét đánh có tương tự như ở vùng nông thôn không?

    Tính chất của sét là các đường tiên đạo phát triển xuống mặt đất. Các đường tiên đạo này sẽ hướng đến các vị trí cao, các đỉnh nhọn mang điện, và các vị trí có kim loại dẫn điện….

    Hiện tượng bị sét đánh xảy ra nhiều ở các đồng trống, hoặc những tán cây cao mà xung quanh là đất trống. Những vị trí như vậy, nguy cơ bị sét đánh là rất cao. Các vùng núi, đồi trống cũng tương tự và có nguy cơ lớn vì vị trí nằm gần hơn các đám mây giông tích điện.

    Còn đặc điểm của các đô thị lớn như TP.HCM lại khác. Ở thành phố mật độ nhà cửa, các công trình cao tầng rất nhiều. Vì thế, khi sét đánh, các đường tiên đạo sẽ hướng đến các vị trí cao như tường các tòa nhà (tường có bê tông cốt thép), các đỉnh nhọn, vật nhọn mang điện hoặc có khả năng dẫn điện… Vì thế người dân ở các vùng đô thị có nguy cơ bị sét đánh thấp hơn các vùng nông thôn, đồi núi.

    Vì sao ngồi trong nhà vẫn có thể bị sét đánh?

    Khi gặp trời giông sét, người dân ở ngoài đường cần phải tuân thủ nguyên tắc chung nào? Và cần làm gì để phòng tránh và giữ an toàn cho bản thân?

    Tại các địa phương, nhất là ở vùng nông thôn, đồi núi, chính quyền hoặc các cơ quan chuyên môn có thể lập ra bản đồ sét. Cụ thể, các đơn vị này có thể thu thập dữ liệu về các vị trí có khả năng bị sét đánh, từng bị sét đánh để có thể khuyến cáo cho người dân được biết và phòng tránh.

    Về phía người dân, khi bắt đầu hiện tượng mưa dông và sấm sét người dân phải tìm kiếm những chỗ trú ẩn an toàn bằng cách lập tức vào nhà. Người dân tuyệt đối không đứng ở các đồng trống, hoặc trú ẩn dưới gốc cây lớn mà xung quanh là chỗ trống hoặc cây nhỏ. Gốc cây lớn với chóp ở cao là vị trí có nguy cơ bị sét đánh cao. Khi sét đánh vào cây, dòng điện sẽ truyền xuống dưới và cảm ứng với con người.

    Người dân cũng hạn chế đứng gần cột điện hoặc khu vực gần đường dây điện. Vì khi sét đánh có thể đứt dây và rơi xuống đất gây nguy hiểm cho con người.

    Trong trường hợp người đi làm đồng gặp mưa dông kèm thêm sấm sét mà không có điều kiện để về ngay thì có thể chọn các cây nhỏ làm địa điểm trú và tránh sét. Nếu không có thì có thể nằm sát trên nền đất khô hoặc ngồi thấp và mặc áo mưa để tránh sét.

    Để phòng tránh, người dân nên theo dõi các bản tin dự báo thời tiết. Nếu nhà đài báo đề phòng tố lốc và giông sét thì nông dân nên có kế hoạch làm đồng hợp lý. Khi đang làm đồng nếu thấy bắt đầu có hiện tượng giông sét nên về nhà sớm.

    Một lưu ý khác, khi trời đang có sét, người dân nên rút nguồn hết tất cả các thiết bị điện đề phòng nguy cơ cháy nổ. Bởi, sét có thể cảm ứng đến đường dây làm tăng áp dòng điện dẫn đến cháy các thiết bị điện, điện tử trong nhà.

    Tuy nhiên, vẫn có những trường hợp ở trong nhà bị sét đánh là trường hợp nhà nằm trên các vùng đồi cao, xung quanh là đất trống, hoặc nhà làm bằng các vật liệu không kiên cố như làm bằng tre, nứa… Khi sét đánh trúng nhà, các vật liệu dễ bắt lửa từ vật liệu làm nhà có thể làm cháy nhà, gây nguy hiểm tín mạng con người.

    Mới đây một người phụ nữ ở Cần Thơ đi làm đồng thì bị sét đánh. Vùng cổ và ngực bị cháy vì đeo dây chuyền bằng vàng. Vậy mang trang sức có thể là yếu tố gây ra sét đánh không?

    Như đã chia sẻ ở trên, cơ thể con người mang điện. Tính chất của sét là các đường tiên đạo hướng xuống đất. Nên sét sẽ đánh vào các vị trí trên cao, gần với đường di chuyển của nó nhất. Vì thế không thể kết luận, việc người dân mang đồ trang sức hay các kim loại dẫn điện khác thì nguy cơ bị sét đánh cao hơn.

    Theo Khampha.vn

    Chế độ Dry có thực sự giúp điều hòa “siêu” tiết kiệm điện?

    Hiện nhiều người vẫn đang truyền tai nhau rằng, khi dùng điều hòa hãy để ở chế độ Dry, bởi ở chế độ này sẽ giúp tiết kiệm điện 10 lần. Vậy chế độ Dry có thật sự tiết kiệm điện đến thế không?

    Mùa hè nắng nóng, trên các diễn đàn mạng xã hội, cư dân mạng lại bắt đầu chia sẻ kinh nghiệm dùng điều hòa để tiết kiệm điện nhất. Mọi người thường truyền tai nhau rằng khi sử dụng điều hòa hãy để ở chế độ Dry (biểu tượng hình giọt nước trên điều khiển). Làm như sẽ giúp điều hòa tiết kiệm điện 10 lần.

    Theo đó, muốn để điều hòa ở chế độ Dry, khi mở điều hòa chỉ cần chuyển từ chế độ “Cool” (hơi lạnh với biểu tượng bông tuyết trên màn hình điều khiển) sang. Thao tác đơn giản này sẽ giảm công suất tiêu thụ điện của điều hòa sẽ giảm đi nhiều lần, hạn chế sốc nhiệt vì nhiệt độ phòng sẽ không thấp quá 23 độ C và không dao động lớn với nhiệt độ bên ngoài.

    Nghe có vẻ hấp dẫn, và có thể làm được ngay. Thế nhưng, sự thật đằng sau chế độ Dry liệu có đúng như những gì mọi người đang bàn tán, truyền tai nhau?

    Theo các chuyên gia điện máy, trong một chiếc điều hòa có hai chế độ làm lạnh: Cool và Dry. Và mỗi chế độ lại phục vụ cho một mục đích khác nhau.


    Chế độ Cool bên trái hình (biểu tượngbông tuyết) và chế độ Dry bên phải hình (biểu tượng giọt nước)

    Cụ thể, chế độ Cool (mục đích chính là làm lạnh) có tác dụng giảm nhiệt độ phòng xuống đến nhiệt độ cài đặt mong muốn trên điều khiển từ xa và duy trì nhiệt độ đó trong dải cho phép, đồng thời nó cũng khống chế một phần độ ẩm trong không gian điều hòa.

    Chế độ Dry (mục đích chính là khử ẩm) thực hiện chức năng khử độ ẩm của không khí trong phòng và duy trì nhiệt độ phòng không vượt quá so với nhiệt độ của phòng lúc bắt đầu thực hiện chế độ khử ẩm. Về bản chất, hoạt động của các thiết bị có tiêu thụ điện năng trong máy điều hòa nhiệt độ là giống nhau, sự khác nhau chính ở đây chính là mốc nhiệt độ so sánh hoạt động.

    Khi chuyển từ chế độ Cool sang chế độ Dry, ta cũng có thể cảm thấy mát hơn một chút do hơi ẩm trong phòng bị hạ xuống làm mồ hôi bay hơi nhanh hơn, giúp cơ thể tỏa nhiệt nhanh theo và hiệu quả này cũng chỉ có thể cảm thấy trong những ngày trời mát, nhiệt độ không cao.

    Các chuyên gia cũng khẳng định, phương pháp sử dụng chế độ Dry ở điều hòa thực sự tiết kiệm điện hơn dùng chế độ Cool, còn khả năng làm mát thì không mấy tác dụng nếu nhiệt độ ngoài trời quá cao. Bởi, khi hoạt động ở chế độ Cool, điều hòa lấy nhiệt nóng từ trong phòng để đẩy ra cục nóng bên ngoài, giúp làm giảm nhiệt độ, làm mát không khí trong phòng. Điện năng tiêu thụ cần khá nhiều.

    Song, điều chỉnh sang chế độ Dry, điều hòa sẽ hút hơi ẩm ra khỏi phòng, trả lại không khí trong lành và khô ráo hơn, tiêu thụ điện năng ít hơn. Thế nhưng, ở chế độ này cũng chỉ tiết kiệm được một phần chứ không đến mức “thần thánh” tiết kiệm được 10 lần như mọi người đồn thổi.

    Vậy, có nên lúc nào cũng cài đặt ở chế độ Dry để tiết kiệm điện?

    Câu trả lời của các chuyên gia điện máy là không phải lúc nào cũng sử dụng được chế độ này để tiết kiệm điện.

    Bản chất của chế độ Dry không phải là làm mát, mà chỉ là quá trình tách nước.

    Bản chất của chế độ Dry không phải là làm mát, mà chỉ là quá trình tách nước. Vì vậy, chỉ nên sử dụng chế độ Dry trong những ngày trời không quá nóng (nhiệt độ dưới 36 độ C) và độ ẩm không khí cao là một lựa chọn không gì tuyệt vời hơn.

    Ngược lại, có những ngày trời khô nóng, sử dụng Dry không còn ý nghĩa. Ngoài ra, những nơi độ ẩm thấp, tuyệt không nên dùng chế độ Dry vì có thể làm khô da, gây nứt nẻ môi và tay chân. Nguyên nhân do độ ẩm không khí vốn đã thấp, việc lấy đi nước sẽ khiến không khí đã khô còn khô hơn.

    Cũng theo các chuyên gia điện máy, để sử dụng chiếc điều hòa của mình hiệu quả nhất, trước khi sử dụng điều hòa, hãy kiểm tra độ ẩm trong phòng trước. Những ngày thời tiết nóng ẩm, oi bức có thể dùng Dry. Còn trong điều kiện thời tiết khô nóng, lựa chọn tốt nhất cho bạn là chế độ Cool.

    Theo Vietnamnet

    Kinh tế xanh giúp tạo ra 24 triệu việc làm trên thế giới

    Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) vừa công bố một báo cáo nhấn mạnh từ nay đến năm 2030, 24 triệu việc làm sẽ được tạo ra trên toàn thế giới nếu các chính phủ thực hiện chính sách thúc đẩy một nền kinh tế thân thiện hơn với môi trường, hay nói cách khác “nền kinh tế xanh”.

    Báo cáo của ILO, mang tên “Việc làm và các vấn đề xã hội trên thế giới năm 2018: Một nền kinh tế xanh và tạo công ăn việc làm”, cho biết những hành động nhằm kiềm chế sự tăng nhiệt trên toàn cầu dưới 2 độ C sẽ dẫn đến việc tạo đủ việc làm để bù đắp cho 6 triệu việc làm bị cắt giảm ở những khu vực khác. Việc làm mới sẽ được tạo ra thông qua việc áp dụng các thông lệ bền vững trong lĩnh vực năng lượng, bao gồm cả việc thay đổi cơ cấu năng lượng, thúc đẩy việc sử dụng xe điện và nâng cao hiệu quả năng lượng của các tòa nhà.

    Các dịch vụ hệ sinh thái – bao gồm thanh lọc không khí và nước, cải tạo và bón phân cho đất, kiểm soát dịch hại cũng như các công việc thụ phấn và bảo vệ động thực vật chống lại điều kiện thời tiết khắc nghiệt – đóng góp (cùng với những công việc khác) vào việc bảo tồn nông nghiệp, thủy sản, lâm nghiệp và du lịch, sử dụng 1,2 tỷ người lao động.

    Nền kinh tế xanh có thể cho phép thêm hàng triệu người vượt qua đói nghèo và mang lại một cuộc sống tốt đẹp hơn.

    Tuy nhiên sự gia tăng nhiệt độ dự kiến sẽ gây ra hiện tượng sốc nhiệt, đặc biệt trong sản xuất nông nghiệp. Báo cáo tính toán hiện tượng này sẽ làm giảm 2% số giờ làm việc từ nay đến năm 2030.

    Phó Tổng Giám đốc ILO, Deborah Greenfield cho biết các kết luận của báo cáo nhấn mạnh rằng việc làm phụ thuộc rất nhiều vào chất lượng môi trường và các dịch vụ được cung cấp. Nền kinh tế xanh có thể cho phép thêm hàng triệu người vượt qua đói nghèo và mang lại một cuộc sống tốt đẹp hơn cho thế hệ này và các thế hệ sau”.

    Ở cấp độ khu vực, việc làm sẽ được tạo ra tại châu Mỹ, châu Á – Thái Bình Dương và châu Âu, với số lượng việc làm lần lượt lên tới 3 triệu, 14 triệu và 2 triệu việc làm, nhờ các biện pháp được thực hiện trong sản xuất và tiêu thụ năng lượng. Tuy nhiên, có thể có những việc làm bị cắt giảm tại Trung Đông (-0,48%) và châu Phi (-0,04%) nếu xu hướng hiện nay vẫn tiếp tục.

    Báo cáo kêu gọi các quốc gia phải hành động khẩn cấp để đào tạo người lao động có các kỹ năng đáp ứng được sự chuyển đổi sinh thái của nền kinh tế cũng như hành động để cung cấp bảo trợ xã hội nhằm tạo điều kiện cho người lao động chuyển đổi sang công việc mới, góp phần vào công tác phòng chống nghèo đói và giảm sự tổn thương của các hộ gia đình và cộng đồng.

    Chuyên gia Catherine Saget, tác giả chính của báo cáo, cho rằng thay đổi chính sách ở các khu vực như Trung Đông hay châu Phi sẽ có thể bù đắp những mất mát về việc làm được dự kiến và giảm tác động tiêu cực của vấn đề. Các quốc gia có thu nhập thấp và một số nước thu nhập trung bình vẫn cần sự giúp đỡ để phát triển việc thu thập dữ liệu, áp dụng và cấp vốn cho các chiến lược nhằm chuyển đổi sang một nền kinh tế bền vững về mặt môi trường và một xã hội chú trọng tới từng cá nhân, ở mọi tầng lớp xã hội.

    Nếu các biện pháp được thực hiện nhằm chống biến đổi khí hậu đôi khi có thể dẫn đến thực tế cắt giảm việc làm trong ngắn hạn, các chính sách thích hợp sẽ giúp làm giảm tác động tiêu cực của vấn đề cắt giảm việc làm trong ngắn hạn nêu trên.

    Báo cáo kêu gọi sự phối hợp giữa các chính sách môi trường và các chính sách bảo trợ xã hội, những yếu tố sẽ hỗ trợ cả thu nhập của người lao động và quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế xanh.

    Theo TTXVN

    Xăng sinh học: “Cứu tinh” hay “tội đồ”?

    Nhiên liệu sinh học, thứ từng được xem như giải pháp hoàn hảo để thay thế cho các loại nhiên liệu hóa thạch, có thực sự bảo vệ môi trường?

    Nghe đến cụm từ “xăng sinh học”, chúng ta dễ hình dung đây là một loại xăng thân thiện với môi trường, giúp bảo vệ môi trường.

    Trên thực tế, ý nghĩa lớn nhất của xăng sinh học là nó giúp giảm sự phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch cũng như giảm tiêu thụ nhiên liệu hóa thạch. Khí thải từ các động cơ sử dụng xăng pha cồn ít hơn so với các loại xe sử dụng xăng dầu thông thường, với mức giảm lượng khí thải carbon monoxide (CO-khí thải gây hiệu ứng nhà kính) từ 20-30%.

    Sản xuất ethanol từ các sản phẩm nông nghiệp như ngô, mía đường, sắn lát, khoai mì… có thể giúp tạo công ăn việc làm cho người dân, nâng cao giá trị nông sản và phần nào mang lại lợi ích cho nông dân.

    Nghe đến cụm từ “xăng sinh học”, chúng ta dễ hình dung đây là một loại xăng thân thiện với môi trường, giúp bảo vệ môi trường.

    Tuy nhiên, các tài liệu tuyên truyền cho xăng sinh học đang bỏ qua nhiều yếu tố có thể gây hại đối với hệ sinh thái và môi trường.

    Theo báo cáo năm 2015 của Viện Tài nguyên Thế giới (WRI), nhiên liệu sinh học, thứ từng được xem như giải pháp để bảo vệ hành tinh khỏi sự tàn phá môi trường của các loại nhiên liệu hóa thạch, đang mất dần “vai trò vẻ vang” của mình.

    WRI cảnh báo các nước nên xem lại chính sách năng lượng và cho rằng, việc tiếp tục theo đuổi chiến lược vốn đã ngốn hàng tỉ đô la đầu tư này sẽ dẫn tới việc hao tốn thêm nhiều vùng đất rộng lớn màu mỡ có thể dùng để giúp nuôi sống dân số ngày càng tăng của thế giới.

    Theo ông Timothy D. Searchinger, học giả tại Đại học Princeton và là tác giả chính của báo cáo, để đáp ứng nhu cầu năng lượng toàn cầu hiện tại bằng nhiên liệu sinh học, sẽ cần tới hàng trăm triệu ha đất trồng trọt. Trong khi diện tích đất đó cũng cần thiết để đáp ứng nhu cầu lương thực trên toàn thế giới, dự kiến sẽ tăng 70% hoặc hơn vào năm 2050.

    “Chúng ta chỉ có một hành tinh, với từng ấy đất. Nếu bạn có sử dụng đất cho mục đích này, bạn không thể sử dụng nó cho mục đích khác”, ông Searchinger lập luận.

    Việc mở rộng diện tích trồng cây làm nhiên liệu sinh học cũng hủy hoại trực tiếp và gián tiếp nhiều diện tích rừng. Theo ước tính, nếu như 1 ha đất trồng mía để chế tạo ethanol cho phép giảm 13 tấn CO2 một năm ở Brazil, thì cũng cần biết là 1 ha rừng có khả năng hấp thụ đến 20 tấn CO2 một năm. Hủy hoại 1 ha rừng để trông mía như vậy “không có lãi” về khối lượng khí thải carbon.

    Chính vì thế, báo cáo của WRI cho rằng, nếu rừng hoặc cỏ được trồng ở vị trí của mình (không bị biến thành nhiên liệu), nó sẽ hút CO2 khỏi không khí, lưu trữ trong thân cây và đất, có lợi hơn so với những gì mà nhiên liệu sinh học làm.

    Bên cạnh đó, sự đa dạng môi trường sinh thái có thể bị đe dọa khi hàng trăm ngàn ha đất được sử dụng để trồng một thứ thực vật duy nhất, ví dụ như những cánh đồng trồng toàn ngô, toàn mía hoặc toàn sắn… chỉ để cung cấp nguyên liệu sản xuất ethanol.

    Để đảm bảo chất lượng nguyên liệu, người ta cần dùng thêm rất nhiều phân bón và nước để trồng cây nguyên liệu, và điều này có thể dẫn tới các vấn đề khác về môi trường như tồn dư hóa chất trong đất từ phân bón, hoặc thiếu nước phục vụ dân sinh.

    Theo một báo cáo năm 2013 của tổ chức Nông lương LHQ (FAO), phải cần 1000 – 4000 lít nước để sản xuất 1 lít nhiên liệu ethanol. Trước bối cảnh khủng hoảng nước ngọt mà nhân loại đang đối mặt, mức độ sử dụng nước để sản xuất ethanol như vậy là phi lý.

    Ngoài ra, tác động của nhiên liệu sinh học đối với vấn đề lương thực đã được kiểm chứng. Tổ chức chống nghèo đói và bất công Oxfam cũng đã có nhiều cảnh báo về việc năng lượng xanh có thể đe dọa đến vấn đề an ninh lương thực. Khi đất trồng trọt được sử dụng tối đa để trồng cây làm nguyên liệu sản xuất năng lượng sinh học thì sẽ thiếu đất để trồng cây lương thực, đồng thời đẩy giá nông sản lên cao và đe dọa cuộc sống của người nghèo. Theo một nghiên cứu của Quỹ tiền tệ quốc tế IMF, vai trò của nhiên liệu sinh học trong sự gia tăng giá là 70% với giá ngô và 40% với giá đậu nành.

    FAO ước tính hiện nay thế giới vẫn còn khoảng 800 triệu người thiếu đói, và thật vô lý khi nguồn lương thực bị biến thành chất đốt. Có thể thấy rõ thực tế này qua một bài toán rất đơn giản: Phải mất khoảng 2,6 kg ngô mới sản xuất ra được 1 lít ethanol, và để đổ đầy bình xăng một chiếc xe ô tô với 94 lít nhiên liệu ethanol, phải dùng đến 244 kg ngô, đủ để nuôi một người trong một năm.

    Vì vậy, ông Jean Ziegler, trong nhiệm kỳ làm Điều phối viên đặc biệt của Liên hợp quốc về Quyền được đảm bảo dinh dưỡng (từ năm 2001-2008), đã gọi nhiên liệu sinh học là “tội ác chống loài người”.

    Ngoài ra, Bộ Môi trường Brazil năm 2014 đã công bố một bản báo cáo cho biết, khi sử dụng nhiên liệu ethanol làm nguyên liệu cho động cơ ô tô, lượng khí thải ô nhiễm cho dù có thể không ảnh hưởng đến sự biến đổi khí hậu, nhưng vẫn ảnh hưởng tới sức khỏe con người do vẫn phát thải các khí như carbon monoxide, hydrocarbons và nitrogen oxide.

    Nói tóm lại, các loại động cơ sử dụng nhiên liệu sinh học thải ít khí CO2 vào khí quyển hơn, nhưng nếu tính tới cả toàn bộ chu kỳ từ sản xuất, phân phối và sử dụng thì ưu điểm trên sẽ giảm đi ít nhiều, và trong một số trường hợp thì nhiên liệu sinh học còn tiêu cực hơn so với nhiều loại nhiên liệu khác.

    Vì thế, giải pháp trên cấp độ toàn cầu chỉ có thể là giảm mức tiêu thụ năng lượng, đặc biệt là tại các nước phát triển, và đầu tư vào công nghệ mới (như điện mặt trời, phong điện…). Còn nhiên liệu sinh học bản thân nó không hoàn toàn mang tính tiêu cực và có thể là giải pháp đáng quan tâm ở cấp độ địa phương, với điều kiện tôn trọng sự đa dạng sinh học, chất lượng đất, nguồn nước, và đảm bảo an ninh lương thực.

    Theo Khampha.vn