Theo các chuyên gia dinh dưỡng, đây là 4 loại thực phẩm họ không bao giờ ăn, vì chúng tiềm ẩn thành phần hóa học hoặc chất độc hại, có thể gây ngộ độc thực phẩm nếu ăn nhiều.

Mỗi ngày chúng ta ăn vào cơ thể mình rất nhiều loại thực phẩm , từ đó có rất nhiều chất được hấp thụ vào cơ thể. Trong đó, có cả chất có lợi và chất có hại, có tốt, có xấu.

Làm sao để nhận biết được đâu là thực phẩm tốt cho cơ thể, đâu là những thứ độc hại hoặc không an toàn để tránh? Bài viết này của các chuyên gia dinh dưỡng đăng trên Kênh Tin nhanh dinh dưỡng (TQ) giúp bạn có kinh nghiệm hơn trong việc lựa chọn thực phẩm cho bản thân và gia đình mình.

1. Bí đỏ để quá lâu

Trong cuộc sống hàng ngày, bí đỏ trong quá trình trồng trọt và chăm sóc ít nhiều sẽ bị ảnh hưởng của sự thay đổi thời tiết, thuốc bảo vệ thực vật, côn trùng… rất dễ hư hỏng. Sau khi ra quả và phát triển hết kích thước, cây vẫn cần một thời gian sau đó mới nuôi quả đến lúc chín già.

Một số người thích ăn bí đỏ xanh nên sẽ thu hoạch sớm. Nhưng cũng có những người thu hoạch xong không ăn ngay, mà chờ cho bí đỏ tự chín thêm sau khi họ tích trữ quả đã thu hoạch trong nhà.

Việc tích trữ bí đỏ trong thời gian dài trước khi ăn thực tế lợi bất cập hại do bị biến chất. Một số người sẽ cảm thấy sau khi bí đỏ để lâu, có cảm giác ngọt hơn (bị xuống nước) do hàm lượng đường trong bí tăng lên. Tuy nhiên, bí để lâu nếu ăn vào sẽ dễ có cảm giác bị chóng mặt, mệt mỏi, thậm chí một số trường hợp nghiêm trọng còn xuất hiện các trạng thái nôn mửa.

2. Cà chua chưa chín, vẫn còn màu xanh

Cà chua xanh hay cà chua chưa đủ chín kỹ là một trong những thực phẩm bạn không nên ăn. Nhiều người không biết hoặc ít khi nghe đến chất solanine – được cho là có nhiều trong cà chua xanh. Trên thực tế, solanine là một chất độc ẩn chứa trong phần màu xanh của quả cà chua. Vì vậy, khi chúng ta ăn quả cà chua còn xanh, sẽ ăn vào cơ thể chất độc này.

Sau khi ăn, có cảm giác như có kiến bò trên môi, tê môi, có vị đắng khác thường, nếu ăn nhiều có thể gây chóng mặt và nôn mửa, do đó, mọi người cố gắng không ăn cà chua xanh, không chỉ có cảm giác tồi tệ mà còn gây ngộ độc thực phẩm.

3. Mộc nhĩ tươi

Trong cuộc sống hàng ngày, chúng ta tiếp xúc nhiều với chất axit tannic. Đặc biệt, thành phần và hàm lượng axit tannic trong mộc nhĩ đen tươi ở mức cao. Nếu ăn món mộc nhĩ tươi, chất này sẽ làm kích thích niêm mạc dạ dày. Nếu ăn quá nhiều, có thể dẫn đến các triệu chứng buồn nôn, nôn mửa và các hiện tượng khác.

Vì vậy, thông thường bạn chỉ nên sử dụng mộc nhĩ khô, không nên dùng mộc nhĩ tươi mới thu hoạch, và càng không nên sử dụng nhiều, có thể dẫn đến ngộ độc.

4. Giá đỗ không có rễ

Có rất nhiều người thích ăn giá đỗ, nhưng có một loại giá đỗ mà bạn tuyệt đối không nên mua, dù nó rất rẻ, rất tươi ngon. Đó chính là loại giá đỗ không có rễ, hoặc rễ rất ngắn.

Bởi vì thực tế, có thể bạn không biết, trong quá trình sản xuất giá đỗ, nhà sản xuất vì không muốn giá mọc rễ (trông có cảm giác bị xấu) sẽ cho thêm chất bảo quản và nguyên liệu hóa học để thúc đẩy tăng trưởng và làm cho giá đẹp hơn.

Ngoài ra, nhiều người sản xuất còn cho thêm chất làm trắng giá và chất bảo quản tươi lâu – đây là những chất cấm sử dụng trong thực phẩm vì chúng gây hại cho cơ thể. Nếu ăn phải những chất này trong thời gian lâu dài có thể có nguy cơ gây hại cho toàn bộ sức khỏe cơ thể bạn.

Nhiều người không biết rằng, có rất nhiều thực phẩm thực sự nếu ăn không đúng cách có thể gây ngộ độc, có thể dẫn đến các triệu chứng khác nhau, từ chóng mặt, nôn mửa, khó chịu, mất trọng lượng, thậm chí dẫn đến ngộ độc thực phẩm, đe dọa sức khỏe và tính mạng. Những thực phẩm nêu trên bạn nên chú ý để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.

Theo ttvn.vn (22/11/2018)