Trái phiếu xanh được xem như một kênh thu hút vốn mới và hiệu quả trong việc đầu tư vào các dự án liên quan tới năng lượng sạch, giảm tác động có hại tới môi trường.
Theo báo cáo của tổ chức phi lợi nhuận Climate Bonds Initiative (CBI), lượng trái phiếu xanh phát hành trên toàn cầu trong năm 2017 tăng 78% so với năm 2016, đạt 155,5 tỷ USD. CBI dự đoán con số này có thể lên tới 250 – 300 tỷ USD trong năm 2018. Các quốc gia có giá trị phát hành trái phiếu xanh cao là Hoa Kỳ, Trung Quốc và Pháp, chiếm 56% tổng giá trị phát hành.
Những nước mới tham gia vào thị trường trái phiếu xanh gồm Argentina, Chile, Fiji, Lithuania, Malaysia, Nigeria, Singapore, Slovenia, Thụy Sỹ và Các Tiểu Vương quốc Arab Thống nhất (UAE).
Số tiền huy động từ việc phát hành trái phiếu xanh trong năm 2017 chủ yếu được sử dụng vào việc phát triển các nguồn năng lượng tái tạo, đặc biệt là cho đầu tư xây dựng các tòa nhà phát thải carbon thấp và có hiệu năng cao.
Trái phiếu xanh đang được xem như một kênh thu hút vốn mới và hiệu quả cho các giải pháp nhằm thích nghi và giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu.
Theo Viện CL&CSTC, tại Việt Nam, xu hướng đầu tư này cũng đang dần được hình thành và phát triển, tạo động lực cho sự phát triển và sử dụng trái phiếu xanh để thu hút đầu tư vào các dự án liên quan tới năng lượng sạch, giảm tác động có hại tới môi trường.
Theo nghiên cứu của các tổ chức quốc tế và các cơ quan chức năng của Việt Nam, Việt Nam là quốc gia có thể chịu tổn thất khoảng 15 tỷ USD/năm do biến đổi khí hậu, tương đương 5% GDP và 20% dân số chịu tác động bởi sự gia tăng 1m của mực nước biển, diện tích đất canh tác trong nông nghiệp bị thu hẹp cho ngập lụt và xâm mặn, chi phí sản xuất của ngành công nghiệp tăng bởi thiếu hụt nguồn nguyên liệu và năng lượng.
Vì vậy, trái phiếu xanh đang được xem như một kênh thu hút vốn mới và hiệu quả cho các giải pháp nhằm thích nghi và giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu tại nhiều quốc gia trên thế giới, bao gồm cả Việt Nam.
Lộ trình phát triển trái phiếu của Việt Nam
Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2011 – 2020 và tầm nhìn đến năm 2050: từ năm 2012, Việt Nam đã có định hướng về tài chính xanh và các sản phẩm tài chính xanh cho thị trường chứng khoán Việt Nam để tạo nguồn lực tài chính cho tăng trưởng xanh.
Theo lộ trình phát triển thị trường trái phiếu giai đoạn 2017 – 2020, tầm nhìn đến năm 2030 (Quyết định số 1191/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 14/8/2017), các cơ chế, chính sách về phát triển thị trường trái phiếu xanh được nhằm hướng tới tạo điều kiện cho các chủ thể phát hành huy động vốn thông qua phát hành trái phiếu để thực hiện các dự án xanh.
Trái phiếu xanh là giải pháp cho phép đa dạng hóa cơ sở nhà đầu tư, tạo kênh vốn cạnh tranh, hỗ trợ cho phong trào đầu tư có trách nhiệm với xã hội và nỗ lực chống biến đổi khí hậu tại Việt Nam; công cụ huy động vốn cho Việt Nam để đối phó biến đổi khí hậu, nâng cao hiệu quả quản lý tài nguyên thiên nhiên và bảo vệ môi trường; đồng thời cũng là đòn bẩy để thực hiện các dự án năng lượng tái tạo như điện gió, năng lượng mặt trời hay đầu tư hệ thống xử lý chất thải, giảm thiểu tác động xấu lên môi trường.
Trong thời gian qua, nhiều biện pháp hỗ trợ thị trường trái phiếu xanh đã được các bộ, ngành đồng loạt triển khai, như: Hướng dẫn doanh nghiệp thực hiện công bố thông tin và minh bạch hóa các hoạt động về tài chính xanh; khuyến khích các doanh nghiệp niêm yết trên thị trường chứng khoán thực hiện báo cáo tài chính, báo cáo thường niên đề cập đến phát triển bền vững, phát triển xanh.
Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) và Sở Giao dịch chứng khoán thành phố Hồ Chí Minh (HOSE) đã và đang tích cực xây dựng các biện pháp để hiện thực hóa việc thu hút vốn đầu tư vào thị trường trái phiếu xanh Việt Nam. Đồng thời, Việt Nam cũng chủ động phối hợp với một số tổ chức quốc tế phát hành thí điểm trái phiếu xanh.
Tuy nhiên, tại Việt Nam, việc phát hành trái phiếu xanh chính thức vẫn chưa được thực hiện do khuôn khổ pháp lý và hướng dẫn báo cáo nhằm hỗ trợ tăng trưởng bền vững chưa đầy đủ, việc áp dụng các tiêu chuẩn quốc tế còn hạn chế, thiếu tổ chức độc lập có đủ năng lực để đánh giá về các chỉ số phát triển bền vững cho các công ty. Bên cạnh đó, chi phí ban đầu cho các dự án xanh thường có nhu cầu vốn cao, rủi ro về chi phí vốn lớn.
Giải pháp thúc đẩy phát triển trái phiếu xanh tại Việt Nam
Đối với các hoạt động trên thị trường vốn, cần thiết lập một khung tài chính xanh như: Ban hành các quy định, điều kiện khi niêm yết cổ phiếu (niêm yết xanh), báo cáo và giám sát theo các tiêu chí tài chính xanh.
Xây dựng đề án phát triển các sản phẩm của thị trường vốn xanh, trong đó có bộ chỉ số xanh (chỉ số bền vững, chỉ số carbon…) để theo dõi, đánh giá và giao dịch trên thị trường vốn; các chứng chỉ đầu tư xanh do các quỹ đầu tư phát hành cho các dự án, lĩnh vực xanh…
Đối với các tổ chức thị trường, các thành viên thị trường là các định chế tài chính và doanh nghiệp niêm yết, cần xây dựng và ban hành quy chế hoặc hướng dẫn về quản trị rủi ro môi trường xã hội nhằm nâng cao trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp đối với đầu tư vào các dự án bảo vệ môi trường.
Việc phát hành trái phiếu xanh nên được thử nghiệm với trái phiếu chính quyền địa phương cho các dự án, chương trình xanh thuộc nhiệm vụ chi của ngân sách địa phương. Điều này vừa tạo được sự minh bạch hơn so với trái phiếu thông thường, vừa giúp liên kết các chính quyền địa phương với thị trường trong việc giải quyết các vấn đề về biến đổi khí hậu, đồng thời chủ động hơn trong việc huy động vốn cho các chương trình, dự án xanh.
Cơ quan chức năng cần sớm ban hành bộ nguyên tắc đầu tư có trách nhiệm (yêu cầu các công ty niêm yết cung cấp các báo cáo tổng hợp về hoạt động và rủi ro xã hội, môi trường của công ty; làm cơ sở cho nhà đầu tư xác định những ngành chính đáp ứng tiêu chuẩn được tài trợ và đầu tư từ trái phiếu xanh) nhằm khuyến khích các hoạt động đầu tư có trách nhiệm đối với xã hội – môi trường.
Để phát triển thị trường tài chính xanh, Nhà nước cần tăng cường triển khai các chính sách, đặc biệt là chính sách thuế, phí để khuyến khích doanh nghiệp huy động vốn đầu tư cho tăng trưởng xanh thông qua phát hành, niêm yết trái phiếu, cổ phiếu xanh. Ngoài ra cần có cơ chế khuyến khích hỗ trợ doanh nghiệp, quỹ đầu tư trong thủ tục, cơ chế đầu tư thuận lợi khi phát hành trái phiếu, chứng chỉ quỹ đầu tư cho các dự án, chương trình và lĩnh vực xanh.
Việt Nam không là ngoại lệ khi đang tích cực theo đuổi nền tài chính xanh.
Nghiên cứu thành lập Quỹ hỗ trợ phát triển bền vững trên cơ sở tham khảo kinh nghiệm của các nước và rà soát lại hệ thống các chính sách hiện hành để đảm bảo tập trung, tránh dàn trải. Đồng thời cần nâng cao nhận thức, thực hiện các biện pháp hành chính, các công cụ kinh tế thúc đẩy lối sống, sinh hoạt, tiêu dùng thân thiện với môi trường.
Tài chính xanh bùng nổ mở ra cơ hội cho ngành ngân hàng
Tại nhiều quốc gia và trong nhiều lĩnh vực, “xanh” là một triết lý tạo cảm hứng, là động lực tích cực đối với người dân, doanh nghiệp khi thực hiện các hoạt động vì sự phát triển bền vững và Việt Nam không là ngoại lệ khi đang tích cực theo đuổi nền tài chính xanh. Ông Kyle Kelhofer, Giám đốc Quốc gia của Tổ chức Tài chính Quốc tế (IFC) tại Việt Nam, Campuchia và Lào đã có cuộc trao đổi với Đặc san Toàn cảnh Ngân hàng về vấn đề này.
Sự bùng nổ của tài chính xanh sẽ làm thay đổi cả khu vực nhà nước và tư nhân, từ đó tạo ra nhiều sản phẩm hơn, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người dân. Theo tôi, đây là cơ hội lớn cho các ngân hàng, không chỉ riêng khách hàng của các nhà băng, bởi tài chính xanh sẽ tạo cơ hội hợp tác giữa các bên. Thực tế, có nhiều dòng vốn nước ngoài thực sự muốn đầu tư vào các công cụ tài chính xanh ở Việt Nam.
“Tôi nghĩ Việt Nam đang trong quá trình chuyển đổi và với giá bán điện năng (feed-in tariff) cùng những dự án điện mặt trời nhỏ được đưa vào hoạt động, Việt Nam đang tiến gần tới kế hoạch phát triển năng lượng tái tạo. Bên cạnh đó, người dân đang trở nên có ý thức cao hơn về vấn đề xanh hóa, phát triển bền vững và có nhu cầu cao với việc sử dụng năng lượng xanh”, Ông Kyle Kelhofer nói, “Tôi nghĩ, Việt Nam nên được chúc mừng vì những nỗ lực trong việc thúc đẩy tài chính xanh. Nếu nhìn vào danh sách khoảng 30 nền kinh tế mới nổi đang có những nỗ lực để phát triển tài chính xanh, Việt Nam đang đứng trong Top đầu.”
Theo đó, nhận thức được tầm quan trọng của tín dụng xanh, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã ban hành Chỉ thị số 03/CT-NHNN ngày 24/3/2015 về thúc đẩy tăng trưởng tín dụng xanh và quản lý rủi ro môi trường và xã hội trong hoạt động cấp tín dụng chỉ rõ, hoạt động cấp tín dụng của ngành ngân hàng cần chú trọng đến vấn đề bảo vệ môi trường, nâng cao hiệu quả sử dụng tài nguyên, năng lượng; cải thiện chất lượng môi trường và bảo vệ sức khỏe con người, đảm bảo phát triển bền vững.
Với Chỉ thị này, Ngân hàng Nhà nước nói riêng và các nhà băng nói chung đã có bước tiến xa hơn trong nỗ lực phổ biến tài chính xanh tại Việt Nam.
Theo moitruong.com.vn