25 C
Hanoi
Thứ bảy, Tháng mười một 16, 2024
More
    Home Blog Page 384

    Nhựa phân hủy sinh học có thân thiện như bạn nghĩ?

    0

    Cụm từ “có thể phân hủy sinh học” không cho ta biết bất cứ thông tin gì về quá trình tự phân hủy của sản phẩm. Nó sẽ phân hủy thành gì? Độc hại hay không? Quá trình phân hủy thực chất kéo dài bao lâu? Nếu không xem xét trong hoàn cảnh cụ thể thì cụm từ này rất dễ gây nhầm lẫn và định hướng sai.

    Các nhà sản xuất tất nhiên muốn in dòng chữ này trên sản phẩm để người tiêu dùng tin vào sự thân thiện của chúng đối với môi trường và từ đó đưa ra quyết định lựa chọn. Các công ty cũng có thể đưa ra bằng chứng thuyết phục về khả năng phân hủy của sản phẩm, tuy nhiên, không phải công ty nào cũng làm được điều này. Và đối với người tiêu dùng thì thật khó mà phân biệt đâu là những giải thích xác đáng.

    Phân hủy sinh học là một quá trình hóa học, trong đó vật chất được vi sinh vật chuyển hóa thành nước, carbon dioxide, và sinh khối. Tùy thuộc vào từng vật liệu khác nhau mà dư lượng độc hại có thể vẫn tồn tại sau quá trình này.

    Quá trình phân hủy sinh học bị tác động bởi nhiều yếu tố bao gồm nhiệt độ, độ ẩm, nồng độ oxy, sự hiện diện của các loại vi khuẩn và thời gian. Tuy nhiên, vì không có định nghĩa cụ thể khả năng phân hủy sinh học là gì nên nhiều chương trình cấp chứng chỉ đã được phát triển dựa trên các tiêu chuẩn khoa học và thí nghiệm.

    Hiện có rất nhiều tiêu chuẩn khác nhau dành cho nhựa phân hủy sinh học, song chưa có tiêu chuẩn nào rõ ràng với tiêu chí đạt hay không đạt về khả năng phân hủy nhựa trong nước biển. Riêng với nhóm sản phẩm có thể phân hủy sinh học bằng cách ủ phân tại nhà, hiện có một số tiêu chuẩn để xem xét như: Tiêu chuẩn AS 5810 của Australia; các chương trình chứng nhận do Cơ quan cấp chứng chỉ Vinvotte của Bỉ phát triển gồm OK Compost Home, DIN – OK Compost Home, DIN-Geprüft Home Compostable Mark và Australasian Bioplastics Association (ABA) Home Compostable. Các chứng chỉ này đòi hỏi ít nhất 90% sản phẩm bị phân hủy trong vòng 12 tháng ở nhiệt độ thường.

    Đối với các sản phẩm phân hủy trong môi trường công nghiệp hoặc qua phân hủy yếm khí, có thể kể tới một số tiêu chuẩn như: các tiêu chuẩn châu Âu EN/13432/14995, trong đó 13432 chỉ áp dụng cho bao bì, 14995 áp dụng cho nhựa nói chung; Tiêu chuẩn ASTM D6400 của Hoa Kỳ; Nhật Bản không có tiêu chuẩn nào được chấp nhận và thường áp dụng theo chương tình GreenPla (yêu cầu mức tối thiểu các chất hữu cơ trong sản phẩm chuyển hóa thành CO2 là 60%). Các logo chứng minh khả năng phân hủy trong các cơ sở công nghiệp bao gồm: ABA Compostable Seedling, Vinçotte OK Compost, the DIN-Geprüft Industrial Compostable Mark, và Biodegradable Products Institute (BPI) Compostable.

    Đáng chú ý là các sản phẩm được chứng nhận phân hủy sinh học không có nghĩa chúng có thể phân hủy 100% và không chứa kim loại nặng hoặc các chất độc hại. Mỗi tiêu chuẩn chứng nhận cho phép mức độ kim loại nặng như: đồng, nickel, cadium, trì, thủy ngân hay crôm, asen khác nhau, trong đó tiêu chuẩn ASTM D6400 của Hoa Kỳ có mức độ cho phép cao nhất.

    Dưới góc độ luật pháp, hiện chưa có một quy định bắt buộc nào về khả năng phân hủy sinh học của sản phẩm, tuy nhiên, vẫn có các hướng dẫn sử dụng cụm từ “có thể phân hủy sinh học” (và một số logo môi trường khác) để tránh trường hợp chúng bị định hướng sai.

    Ở Australia, Đạo luật Thương mại năm 1974 yêu cầu các doanh nghiệp phải cung cấp cho khách hàng thông tin chính xác về hàng hóa và dịch vụ. Các doanh nghiệp sẽ phải đưa ra bằng chứng xác đáng cho những khẳng định về khả năng phân hủy của sản phẩm. Các khẳng định này phải đảm bảo trung thực; thông tin chi tiết về thành phần hoặc quy trình liên quan; sử dụng ngôn ngữ toàn dân; giải thích tầm quan trọng hoặc lợi ích nhưng không được nói quá; và có khả năng chứng minh.

    Ở Australia, Ủy bạn Cạnh tranh và Người tiêu dùng (Australian Competition and Consumer Commission – ACCC) từng chỉ điểm một số công ty đưa ra các khẳng định dễ gây nhầm lẫn về khả năng phân hủy sinh học, bao gồm chuỗi siêu thị Woolworths.

    Để nhận diện các sản phẩm phân hủy sinh học, trước tiên, cần tìm hiểu các sản phẩm có dán nhãn “có thể phân hủy trong thùng phân ủ gia đình”, và nên nhớ ngay cả những sản phẩm có thể phân hủy công nghiệp thì vẫn có thể bị chôn lấp và nhựa phân hủy sinh học không phân hủy trong môi trường nước biển. Các sinh vật biển như rùa vẫn có thể nhìn nhầm nhựa thành sứa dù chúng được dán nhãn phân hủy sinh học hay không và cuối cùng, phân hủy sinh học không đồng nghĩa với việc có thể tiêu hóa.

    Đặc biệt, nếu những bao bì có thể phân hủy sinh học bị vứt bừa bãi, chúng cũng gây nguy hại không kém bao bì thông thường. Và mặc dù sản phẩm nhựa được chứng nhận có thể phân hủy sinh học vẫn tốt hơn những sản phẩm không phân hủy, nhưng chúng cũng không phải là giải pháp tối ưu. Từ chối, tái sử dụng các sản phẩm nhựa khi có thể mới là quyết định sáng suốt.

    The Treadingmyownpath.com/BVR&MT (20/10/2018)

    Ô nhiễm không khí – Sát thủ vô hình dắt từng người vô bệnh viện

    0

    Bệnh hô hấp ngày càng có chiều hướng gia tăng. Trước đây, mỗi ngày BV đa khoa khu vực Hóc Môn (TP.HCM) tiếp nhận khoảng 20 trường hợp khám bệnh, hiện tăng lên 30 trường hợp. Trong đó, số ca do ảnh hưởng bởi ô nhiễm không khí như khói, bụi… chiếm đa số.

    Bác sĩ (BS) Phạm Văn Hùng, Trưởng khoa Nội tổng hợp BV đa khoa khu vực Hóc Môn, nói tại hội thảo “Môi trường không khí và các bệnh có liên quan” do Hội Y học và Liên hiệp Các hội khoa học kỹ thuật TP.HCM tổ chức mới đây.

    Hoạt động giao thông ở TP.HCM là nguyên nhân chủ yếu phát sinh ô nhiễm không khí. Ảnh: TRẦN NGỌC

    Ho, khó thở kéo dài

    Là tài xế xe ôm nên ông NVT (48 tuổi, ở TP.HCM) dường như sống ở ngoài đường nhiều hơn trong nhà. Cách đây khoảng hai tháng, ông T. ho kéo dài, khó thở, liên tục khạc ra đàm. Không chịu đi BV vì sợ mất “sở hụi”, ông T. ráng cầm cự và tiếp tục chạy xe. Đến khi xuất hiện các triệu chứng như khó thở ngay cả khi nghỉ ngơi, thở hổn hển, khò khè…, ông T. mới tới BV.

    “Sau khi khám, BS chẩn đoán ông T. bị bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính do thường xuyên hít bụi và khói xe. Ông T. phải điều trị nội trú nhiều ngày” – BS Hùng cho biết.

    Tương tự, bà TTTH (46 tuổi, ở tỉnh Tây Ninh) cũng bị bệnh suy giảm chức năng phổi do thường xuyên hít khói xe và bụi đường. Hơn 25 năm qua, do là công nhân vệ sinh nên bà H. thường xuyên ở ngoài đường quét rác. Cách đây hai tháng, bà H. cảm thấy tức ngực và thở khò khè. Chưa hết, bà H. còn luôn mệt mỏi và ho kéo dài. Điều đáng nói là sau khi ho mạnh, bà H. tá hỏa khi thấy máu trong đàm. “Với các biểu hiện trên cộng với những xét nghiệm, BS chẩn đoán bà H. bị suy giảm chức năng phổi do liên tục hít bụi đường và khói xe ” – BS Hùng cho biết thêm.

    Ô nhiễm không khí gây tử vong hàng đầu

    “Ô nhiễm không khí là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu thế giới, cao hơn lao phổi, sốt rét, AIDS…” – PGS-TS-BS Lê Thị Tuyết Lan, Chủ tịch Hội Hen – Dị ứng – Miễn dịch lâm sàng TP.HCM, cho biết.

    Theo bà Lan, ô nhiễm không khí gây ho và đàm mạn tính, gây suy giảm chức năng phổi ở người lớn. Chưa hết, ô nhiễm không khí còn tăng tần suất bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, nhiễm trùng đường hô hấp dưới cấp tính ở người lớn.

    “Đối với trẻ em, do hệ miễn dịch chưa phát triển đầy đủ nên dễ nhiễm trùng hô hấp một khi bị ảnh hưởng bởi ô nhiễm không khí. Điều quan trọng do phổi của trẻ đang phát triển nên bất kỳ một khiếm khuyết nào cũng sẽ ảnh hưởng cả cuộc đời” – bà Lan cho biết thêm.

    Bà Lan còn cho biết các nghiên cứu ghi nhận sự phát triển của hệ hô hấp ở trẻ bị giới hạn nên trẻ dễ bị ho, khò khè, hen suyễn… do ảnh hưởng của ô nhiễm không khí. “Chưa hết, một khi trẻ phơi nhiễm với bụi , khí sulfur dioxide (SO2), khí nitrogen dioxide (NO2) thì sẽ bị ho và viêm phế quản cấp nhiều hơn” – bà Lan nói.

    Theo plo.vn (19/10/2018)

    Việt Nam sản xuất vệ tinh quan sát Trái Đất để dự báo thiên tai

    0

    Các kỹ sư của Việt Nam cùng với chuyên gia Nhật Bản trực tiếp sản xuất vệ tinh LOTUSat – 1 tại Nhật Bản trong 36 tháng.

    Chiều 18/10, Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản đã thông tin về việc Việt Nam và Nhật Bản đang chuẩn bị để sản xuất vệ tinh radar LOTUSat – 1. Vệ tinh có độ phân giải cao (từ 1 đến 16 m), tức là có thể quan sát hình ảnh của một vật thể chi tiết khoảng 1-16 m.

    Đây là nhiệm vụ thuộc hợp phần của dự án Phòng chống thiên tai và biến đổi khí hậu sử dụng vệ tinh quan sát Trái Đất do Trung tâm Vũ trụ Việt Nam thực hiện.

    Lộ trình phát triển vệ tinh của Việt Nam. Ảnh: VNSC.

    LOTUSat – 1 là vệ tinh dùng cảm biến chủ động (sóng vô tuyến), không phụ thuộc vào nguồn sáng mặt trời, cho khả năng quan sát cả ngày lẫn đêm, giúp tăng gấp đôi hiệu suất quan sát Trái Đất so với vệ tinh dùng cảm biến quang học (chỉ chụp ban ngày). Nó còn có khả năng đâm xuyên, phân biệt tính chất vật liệu bề mặt và phản xạ tín hiệu vô tuyến.

    TS Vũ Anh Tuân, Phó tổng Giám đốc Trung tâm Vũ trụ Việt Nam cho biết, thời gian thực tế cần để sản xuất vệ tinh LOTUSat – 1 là 36 tháng. Thời gian thử nghiệm và phóng lên quỹ đạo chưa xác định được do còn phụ thuộc nhiều yếu tố (thông thường phải đợi 6 tháng đến một năm).


    Vệ tinh MicroDragon (50kg) thuộc chương trình đào tạo của Dự án đã được chế tạo thành công và chuẩn bị phóng vào cuối năm 2018. Ảnh: VNSC.

    Ông Tuân cho biết việc sản xuất vệ tinh này sẽ được thúc đẩy nhanh để phục vụ việc dự báo thiên tai. Dự kiến khi ứng dụng sẽ giảm 10% thiệt hại do thiên tai ảnh hưởng đến nền kinh tế Việt Nam.

    Hiện nay muốn chụp ảnh một khu vực nào đó Việt Nam phải đặt hàng, sau đó ít nhất hai ngày mới nhận được kết quả. Nhưng có vệ tinh quan sát Trái Đất riêng, mọi việc sẽ được hoàn tất chỉ trong vòng 6 -12 giờ.

    Để hoàn thành mục tiêu này, từ khâu thiết kế, lắp ráp và thử nghiệm đều được các sinh viên, kỹ sư của Việt Nam thực hiện ở Nhật Bản. Hiện đã có 36 cán bộ nghiên cứu và kỹ sư trẻ của Việt Nam được gửi đến 5 trường đại học của Nhật Bản để theo học chương trình đào tạo thạc sĩ công nghệ vũ trụ và thực hành sản xuất vệ tinh micro cỡ 50 kg sẽ được phóng vào tháng 12 tới.

    Việt Nam từng phóng lên vũ trụ Vinasat 1 (tháng 4/2008) và Vinasat 2 (phóng tháng 5/2012). Đây là hai vệ tinh viễn thông có nhiệm vụ phát, tiếp sóng.

    VNRedSat 1 (phóng tháng 5/2013) là vệ tinh quang học quan sát Trái Đất của Việt Nam, có nhiệm vụ giám sát thảm họa thiên nhiên, môi trường và tài nguyên của Việt Nam.

    Theo VnExpress/moitruong.com.vn (19/10/2018)

    Đóng kín cửa – thói quen nguy hiểm “chết người” khi sử dụng điều hòa vào mùa đông

    0

    Dưới đây là những thói quen sử dụng điều hòa vào mùa đông tưởng chừng “vô thưởng vô phạt” song lại gây hại sức khỏe cho cả gia đình bạn.

    Đóng kín cửa khi bật điều hòa

    Khi bật điều hòa, các gia đình thường có thói quen đóng kín cửa lại để tiết kiệm điện. Tuy nhiên, phòng bí khiến không khí ngột ngạt, thiếu oxy để hô hấp, đặc biệt với trẻ nhỏ sẽ gây ảnh hưởng xấu tới sức khỏe.


    Không nên bật nhiệt độ quá cao khi sử dụng điều hòa vào mùa đông.

    Vì vậy, thay vì đóng kín cửa và để máy phun sương tạo ẩm, bạn nên lắp một chiếc quạt thông gió trong phòng. Nếu đã có quạt thông gió rồi thì cũng nhớ bật lên khi sử dụng điều hòa. Nên nhớ rằng, việc lưu thông không khí là rất quan trọng đối với sức khỏe của con người nhất là với trẻ nhỏ.

    Để nhiệt độ quá cao

    Nhiều người cho rằng đặt nhiệt độ càng cao thì càng ấm đó là một quan niệm sai lầm. Bởi lẽ nhiệt độ miền Bắc nước ta vào mùa đông thường dao động từ 16 – 20 độ, có nhiều ngày có thể lạnh hơn. Chính vì thế, nếu như bạn để mức nhiệt độ quá cao sẽ có thể gây sốc nhiệt cho người sử dụng, nhất là đối với trẻ em và người già.

    Ở trong phòng điều hòa quá lâu

    Dùng điều hòa liên tục không tốt cho sức khỏe của cả gia đình. Ngoài giấc ngủ ban đêm cần bật điều hòa thì không nên ở trong phòng có điều hòa liên tục trong 4 giờ, nó sẽ làm bạn lệ thuộc vào điều kiện chuẩn quá mức mà thiếu đi khả năng thích nghi. Khoảng 2-3 giờ một lần, cần ra ngoài nhiệt độ bình thường, nhưng lưu ý là mặc ấm và tránh nơi có gió.

    Theo Hòa Lê/vietq.vn (18/10/2018)

    Nông nghiệp 4.0 cần bắt đầu từ bớt phân thuốc

    0

    Khi nông nghiệp 4.0 bắt đầu được bàn luận nhiều thì theo giáo sư Võ Tòng Xuân, nên nghĩ đến nó từ việc rất căn bản là giảm phân thuốc.

    Sau thời gian “công nghiệp 4.0” được bàn luận sôi nổi, “khí thế” này cũng đã lan sang ngành nông nghiệp. Trong một hội thảo mới diễn ra, Viện Ứng dụng Công nghệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) nhận định, nông nghiệp 4.0 hay còn gọi là nông nghiệp thông minh đã giúp nền nông nghiệp nhiều quốc gia “phát triển rực rỡ”, mang lại bước nhảy vọt về năng suất, chất lượng canh tác.

    Tại Việt Nam, đã có các dự án nông nghiệp công nghệ cao lớn như mô hình sản xuất nấm của Kinoko Thanh Cao, trồng rau của VinEco, nuôi bò sữa của Vinamilk, nuôi gà của Hùng Nhơn… Tuy nhiên, số lượng chưa nhiều.


    Mô hình thủy canh giá thể nhiều tầng Sky Green của VinEco.

    “Việc ứng dụng công nghệ cao, công nghệ tiên tiến dựa trên số hóa và kết nối tạo ra các mô hình nông nghiệp thông minh đã xuất hiện nhưng còn rất ít”, cơ quan này nhận định.

    Là chuyên gia làm việc lâu năm trong ngành nông nghiệp, giáo sư Võ Tòng Xuân bình luận, chính bởi đa số người làm nông chưa có điều kiện áp dụng công nghệ cao nên nếu suy nghĩ đến 4.0 thì việc đầu tiên cần làm đơn giản là bớt dùng phân bón, thuốc hóa học.

    “Ngoài những cá nhân có điều kiện áp dụng nông nghiệp 4.0, đại bộ phận nông dân sẽ áp dụng nó trong chuỗi phát triển nông nghiệp theo mục tiêu tối hậu của nó, tức là ứng dụng các chế phẩm mới nhất trong quy trình sản xuất, giảm mạnh phân bón hóa học, nhất là phân đạm, tăng cường phân hữu cơ kết hợp với phân sinh học chứa nhiều nguyên tố vi lượng và vi sinh vật kháng sâu bệnh”, ông khuyến nghị.

    Vị giáo sư cho rằng, triển khai nông nghiệp 4.0 ở Việt Nam sẽ không đơn giản vì còn hàng loạt thách thức, cả khách quan lẫn chủ quan. Biến đổi khí hậu, điều kiện đất đai, tập quán canh tác là các điển hình.

    “Trước khi quyết định làm 4.0 thì cũng phải thấy bây giờ khí hậu thất thường, mưa nắng không đều, nước lũ về thấp hơn. Kênh mương chằng chịt làm đất đai manh mún, khó ứng dụng cơ giới hóa trên cánh đồng lớn”, ông nói.

    Dẫn con số 68% người dân khu vực nông thôn dùng smartphone, ông Võ Tòng Xuân nhận định nhiều nông dân hứng thú tiếp cận công nghệ nhưng tư duy sản xuất vẫn giữ thói kinh nghiệm lão nông.

    “Ông nông dân mình rất sang, chi mấy triệu mua smartphone không sao nhưng dùng hiệu quả chưa là chuyện khác. Mình cần nhiều thanh nông hơn chứ lực lượng lão nông rất khó sửa và cập nhật tiến bộ mới.

    Nông dân cũng quá tự do, muốn trồng gì thì trồng, chặt gì thì chặt, không thích hợp tác một cách tự nguyện nên mỗi lần có chương trình, dự án phải vận động rất nhiều”, ông nhận định.

    Theo vị giáo sư, qua 40 năm, ngành trồng lúa đã được cơ giới hóa hoàn toàn. Sản lượng lúa tăng tốt nhưng chất lượng chưa cao. Chăn nuôi và cây ăn quả phát triển nhưng chưa bền vì sâu bệnh tăng. Xuất khẩu cũng tăng nhưng không ổn định, dễ “dội chợ”. Do đó, suy nghĩ về nông nghiệp 4.0 cũng hợp lý nhưng còn rất nhiều việc phải làm.

    Theo khái niệm của Hiệp hội Máy Nông nghiệp châu Âu, nông nghiệp 1.0 xuất hiện ở đầu thế kỷ 20 vận hành với hệ thống tiêu tốn sức lao động, năng suất thấp. Nông nghiệp 2.0 là cuộc cách mạng xanh vào những năm 1950.

    Nông nghiệp 3.0 diễn ra từ những năm 1990 với ứng dụng GPS, cảm biến, cơ giới hóa cao. Và gần đây, nông nghiệp 4.0 được nhắc đến từ khái niệm công nghiệp 4.0 do người Đức định nghĩa.

    Với một số chuyên gia và nhà quản lý tại Việt Nam, việc hướng đến nông nghiệp 4.0 đang cần thiết để thay đổi mô hình tăng trưởng nông nghiệp vẫn trong tình trạng khối lượng nhiều – giá trị thấp, hiệu suất dùng đất đai và tài nguyên chưa cao. Ngoài ra, thị trường thế giới đang là thời cơ cần nắm bắt.

    “Việt Nam có vị trí chiến lược tại Đông Nam Á để cung cấp sản phẩm nông nghiệp cho khu vực. Ngoài ra, chúng ta đang nằm cạnh một thị trường hết sức lớn và dễ tính”, Tiến sĩ Đoàn Duy Khương – Phó chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) nêu ví dụ.

    Theo VnExpress/moitruong.com.vn (17/10/2018)

    90% gia đình đều mắc phải thói quen sai lầm khi dùng tủ lạnh

    0

    Tủ lạnh có tác dụng bảo thực phẩm tươi lâu hơn nhưng lại không có tác dụng diệt các loại vi khuẩn gây hại. Trong khi đó, tuy có nhiệt độ thấp nhưng tủ lạnh luôn đóng kín và chứa đủ loại thực phẩm từ chín đến đến sống. Qua thời gian, các loại vi khuẩn kháng đông tồn tại và phát triển, gây hại trực tiếp cho cơ thể chúng ta mà không hay biết.

    Nếu bạn chú ý một chút sẽ thấy tủ lạnh thường có mùi không dễ chịu, đây chính là dấu hiệu vi khuẩn phát triển và sinh sôi. Trong quá trình vi khuẩn phân hủy, chuyển hóa thức ăn sẽ gây ra mùi lạ, đồng thời khiến thức ăn bị nhiễm độc, nếu nghiêm trọng có thể gây nguy hiểm đến tính mạng người dùng.

    Vi khuẩn trong tủ lạnh, tiềm ẩn nguy cơ gây hại cho sức khỏe

    Vi khuẩn trong tủ lạnh sẽ liên tục tạo ra các chất khí chuyển hóa như: trimethylamine, hydrogen sulfide, methylamine,… khiến các thực phẩm nhanh hư hỏng. Sau đây là một hình ảnh của một con gà dưới kính hiển vi được đặt trong tủ lạnh 3 ngày.

    Nhưng điều đáng sợ hơn chính là vi khuẩn không nhìn thấy bằng mắt thường. Thực phẩm bị nhiễm độc trong giai đoạn đầu cũng không nhận biết được bằng mắt thường nhưng sau khi đưa vào cơ thể gây nguy hiểm không lường trước được.

    Hãy tưởng tượng đây là thực phẩm bạn sắp ăn, vậy bạn còn muốn ăn nữa không?

    Một trường hợp điển hình: Vào tháng 7 năm 2018, một bệnh nhân được đưa đến Bệnh viện Triều Dương cấp cứu đột nhiên xuất hiện tình trạng mất ý thức, nhức đầu và sốt cao. Đây là bệnh cấp tính và phát triển rất nhanh, trong một thời gian ngắn bệnh nhân rơi vào hôn mê, tính mạng bị đe dọa.

    Sau khi bác sĩ kiểm tra đã phát hiện ra, nguyên nhân gây bệnh là do ăn phải thức ăn không sạch sẽ, vi khuẩn từ thức ăn đã xâm nhập vào máu qua thành ruột đến não, gây viêm não!

    Vi khuẩn phổ biến này chính là Listeria monocytogenes, thường thấy nhất trong tủ lạnh, gây nhiễm trùng rất cao và tỷ lệ tử vong cũng tương đối cao. Tại Hoa Kỳ, tỷ lệ tử vong của nó thậm chí còn cao hơn Salmonella và Botox.

    “Ba đặc tính” của khuẩn Listeria Monocytogenes:

    1. Phân phối rộng rãi

    Listeria Monocytogenes được tìm thấy rộng rãi trong tự nhiên, chẳng hạn như không khí, đất, nước, động vật và thực vật, có thể lây lan qua nhiều đường khác nhau, gây ra ô nhiễm ở môi trường sống của gia đình và ô nhiễm thực phẩm.

    Không chỉ các loại trái cây và rau quả tươi có thể bị nhiễm Listeria, mà các sản phẩm nấu chín như nước sốt thịt bò cũng rất dễ nhiễm loại vi khuẩn này. Ở một mức độ nào đó, thực phẩm được đặt trong tủ lạnh có tỉ lệ gây nhiễm Listeria rất cao.

    2. Khả năng sống rất mạnh mẽ

    Listeria monocytogenes là một vi khuẩn rất “kiên cường”, chúng chịu được lạnh, muối, axit và kiềm. Đáng sợ hơn nhiệt độ lý tưởng để sinh sản của Listeria rơi vào 0 – 10°C, cũng chính là mức nhiệt độ thường thấy trong tủ lạnh. Nếu chẳng may bị rơi vào tủ đông có nhiệt độ thấp đến -20°C đi chăng nữa, Listeria cũng có thể vui vẻ sống đến một năm.

    3. Độ nguy hại lớn

    Listeria có khả năng xâm lấn rất mạnh, sau khi kết hợp với thức ăn, nó có thể trở thành “kẻ giết người” và vô tình kích hoạt mối đe dọa tới sức khỏe.

    Đặc biệt là ở phụ nữ mang thai, trẻ sơ sinh, người cao tuổi, những người có khả năng miễn dịch kém, nó có thể gây đau bụng, tiêu chảy và tử vong. Khi xâm nhập vào cơ thể người, Listeria đi vào não thông qua máu, có thể gây áp xe não, xuất hiện ý thức bất thường, hôn mê và các triệu chứng khác, cũng có thể gây nhiễm trùng thai nhi, dẫn đến sẩy thai hoặc thai chết lưu.

    Biết cách sử dụng tủ lạnh sẽ tránh xa vi khuẩn gây bệnh:

    Mối nguy hiểm lớn nhất của an toàn thực phẩm không phải là chất phụ gia, mà vi sinh vật gây bệnh! Trong các loại thức ăn thô, có một nguy cơ gây bệnh tiềm ẩn là vi khuẩn Listeria, và tủ lạnh cũng là nơi ẩn náu tốt nhất của loại vi khuẩn này. Nếu trong gia đình, không biết cách sử dụng tủ lạnh sẽ gây ra rất nhiều tác hại tới sức khỏe con người.

    1. Vệ sinh tủ lạnh thường xuyên

    Không lau chùi sạch sẽ tủ lạnh trong một thời gian dài, sẽ khiến thức ăn dễ dàng nhiễm các loại vi khuẩn gây bệnh. Do vậy, chuyên gia y tế khuyến khích thường xuyên làm sạch tủ lạnh mỗi tuần. Tuy nhiên, không khuyến khích làm sạch tủ lạnh bằng chất tẩy rửa, chất khử trùng,… để tránh ô nhiễm thứ cấp.

    2. Đặt vị trí các thực phẩm trong tủ lạnh

    – Rửa sạch tay trước khi cất đồ ăn, đóng hộp thực phẩm.

    – Thực phẩm sau khi nấu chín, để nguội, dùng màng bảo quản thực phẩm hoặc hộp chuyên dụng đậy kín và cho ngay vào tủ lạnh. Nếu để càng lâu, một loại vi khuẩn là Listeria sẽ phát triển, đặc biệt với các tủ lạnh có nhiệt độ trên 4ºC.

    – Không cho thức ăn còn nóng vào tủ lạnh vì đột ngột cho vào môi trường nhiệt độ thấp, thức ăn sẽ bị ngưng tụ hơi nước, tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển của nấm mốc.

    – Thức ăn thừa khác nhau cần phải bỏ riêng để tránh lây nhiễm chéo vi khuẩn.

    – Thời gian bảo quản thức ăn thừa trong tủ lạnh cũng không nên quá dài, tốt nhất chỉ trong vòng 4 – 5 giờ.

    – Chú ý nấu lượng thức ăn vừa đủ. Một số loại thực phẩm không nên hâm, nấu lại mà nên sử dụng ngay trong ngày như cơm, các thực phẩm từ nông sản, trứng đã bóc vỏ, hải sản, các sản phẩm từ sữa.

    – Thực phẩm khi cất giữ trong tủ lạnh nên chia thành các lượng vừa đủ cho một lần dùng. Thịt tươi tốt nhất mang ra chế biến càng sớm càng tốt,

    – Khi lấy thực phẩm ra khỏi tủ lạnh nên chế biến ngay không được lấy ra rồi lại đưa vào bảo quản tiếp.

    – Bảo quản thức ăn thừa tránh xa các thực phẩm sống, thịt gia cần, hải sản để ngăn ngừa vi khuẩn xâm nhập.

    – Giữ nhiệt độ tủ lạnh dưới 4ºC, tủ đông là dưới 0ºC.

    – Nếu cảm thấy nghi ngờ thức ăn đã hư hỏng thì nên vứt bỏ thức ăn thừa ngay. Vi khuẩn vẫn có thể phát triển ngay trong tủ lạnh, khiến thức ăn không còn tươi và gây hại cho sức khỏe.

    Theo Vietnamnet/moitruong.com.vn (17/10/2018)

    Phần Lan hiến kế biến rác thải thành năng lượng sạch cho Việt Nam

    0

    Theo đánh giá của đại diện đến từ Phần Lan, Việt Nam hoàn toàn có thể biến rác thải, phế liệu thành năng lượng sạch phục vụ cho lưới điện quốc gia, góp phần giảm thiểu tác động đến môi trường và phát triển một cách bền vững.

    Rác thải cũng là tài nguyên quý

    Ngày 16/10, tại Hà Nội, Bộ trưởng Bộ Kinh tế Phần Lan đã dẫn đầu phái đoàn 20 công ty chia sẻ những kinh nghiệm về công nghệ tái tạo năng lượng từ rác thải cho Việt Nam.

    Ông Mika Lintila – Bộ trưởng Bộ Kinh tế Phần Lan cho biết, là một trong những quốc gia xanh nhất thế giới với 40% năng lượng được sản xuất từ nhiên liệu tái tạo rác thải, sinh khối, thủy điện… Mục tiêu của Phần Lan đến năm 2030, không sử dụng than đá để sản xuất ra điện mà sử dụng hoàn toàn từ rác thải. Do đó, trong chuyến thăm Việt Nam lần này, các doanh nghiệp Phần Lan sẽ chia sẻ những bí quyết công nghệ và chuyên môn trong ngành công nghệ năng lượng thông minh và số hóa giúp Việt Nam tìm thấy được các giải pháp để phát triển kinh tế xã hội bền vững.

    Ông Saku Liuksia, Giám đốc Chương trình Xử lý Rác thải thành Năng lượng và Năng lượng Sinh học của Business Filand cho biết, hiện nay, nhu cầu sử dụng năng lượng sạch tại Việt Nam đang tăng cao. Do đó, phương pháp xử lý rác thải từ sinh hoạt, nông nghiệp hay công nghiệp cũng trở nên quan trọng.

    Số liệu thực tế mới nhất cho thấy, Việt Nam có khoảng 93 triệu dân, trong đó trung bình mỗi người thải ra 1,2kg chất thải rắn mỗi ngày và khoảng 16% trong số đó là rác thải nhựa, phần lớn số rác thải này sẽ bị trôi ra sông và biển.

    “Rác thải là các tài nguyên vô cùng quý giá nếu biết tái chế. Tuy nhiên, nó cũng là gánh nặng với môi trường nếu không biết cách xử lý”, ông Saku Liuksia chia sẻ.

    Tại buổi gặp, đại diện các công ty Phần Lan cũng đã chia sẻ những kinh nghiệm về biến rác thải thành năng lượng sạch cho Việt Nam.

    Bà Minna Vilkuna, đại diện Cty BMH (BMH Technology Oy) cho biết, tại Việt Nam, tốc độ đô thị hóa và công nghiệp hóa đang trong giai đoạn phát triển nhanh dẫn đến tình trạng chất thải rắn đô thị gia tăng đáng kể. Theo đó, ước tính có đến 76-82 % chất rắn thải đô thị được thu gom và xử lý tại các bãi rác bằng cách chôn lấp, con số này dự kiến sẽ tiếp tục tăng trong thời gian tới.

    Theo ông Juha Soumi, Giám đốc khu vực Châu Á Cty Fortum, việc một số quốc gia đang thắt chặt chính sách nhập khẩu phế liệu, trong đó có Trung Quốc đã vô tình khiến Việt Nam trở thành bãi đáp của hàng nghìn tấn phế liệu.

    “Thay vì chiếm phần lớn không gian tại các cảng biển chính trên cả nước, các loại rác thải này có thể được biến đổi thành điện năng để phục vụ nhu cầu điện của người dân và doanh nghiệp trong nước”.

    Việt Nam có thể biến rác thải, phế liệu thành năng lượng sạch

    Theo đánh giá của đại diện đến từ Phần Lan, Việt Nam hoàn toàn có thể biến rác thải, phế liệu thành năng lượng sạch phục vụ cho lưới điện quốc gia, góp phần giảm thiểu tác động đến môi trường và phát triển một cách bền vững.

    Theo bà Minna Vilkuna , với công nghệ TY-RANNOSAURUS có thể biến chất thải rắn, không nguy hại thành nhiên liệu thu hồi dạng rắn (SRF). Loại nhiên liệu này có thể dùng để thay thế than, dầu dùng trong máy phát điện hơn nước và lò nung xi măng….

    Sản xuất SRF từ rác thải của địa phương và đốt trong lò hơi công nghệ CFB (Circulating Fluidized Bed) hiện đại có thể mang lại nhiều lợi ích kinh tế và môi trường, không còn chất thải đốt, giảm khí CO2, phát điện với lượng khí thải rất thấp với hiệu suất nhiệt và điện cao, thu hồi các kim loại tái chế trước khi đốt, giảm lượng tro bay và tro đáy.

    Ông Juha Soumi cho biết thêm, tại Việt Nam không chỉ chất thải rắn đô thị, mà việc sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp như tre, sắn, dừa, cà phê, gạo, mía, gỗ… cũng đang tạo ra phần lớn các chất thải nguy hại. Tuy nhiên, theo ông Juha, tất cả các loại chất thải này đều có thể tái sử dụng để biến đổi thành năng lượng sạch.

    Dẫn chứng từ các thị trường của công ty Fortum, ông Juha Soumi cho biết, có khoảng 61 % sản lượng điện sản xuất từ rác thải không thải ra CO2. Lĩnh vực này có thể trở thành một ngành kinh tế mới, khi trong năm 2017, doanh thu của Fortum đạt 4,5 tỷ Euro, trong đó lợi nhuận là 0,8 tỷ Euro.

    Trong lĩnh vực lâm nghiệp, ông Jussi Rasinmaki, Giám đốc Simosol Oy cho biết, Việt Nam có thể ứng dụng công nghệ thông tin để lập bản đồ, kế hoạch sử dụng bền vững và theo dõi các thay đổi tài nguyên rừng nhằm tối ưu hóa hoạt động trồng rừng và chuỗi cung ứng gỗ.

    Thực tế, trong thời gian gần đây, nhiều doanh nghiệp của Phần Lan đầu tư, triển khai các dự án trong lĩnh vực này tại Việt Nam và đã có những tiến triển khả quan.

    Đơn cử, dự án lớn nhất với nhà máy xử lý bãi rác trị giá 6 triệu Euro đang được xây dựng ở vùng ngoại thành TP.HCM, với mục tiêu chuyển hóa 35.000 tấn chất thải thành năng lượng.

    Cách đây gần 1 năm, 1 công ty của Phần Lan thực hiện dự án tổng thể biến đổi rác thành năng lượng tại Bình Dương. Theo đó, Dự án này sẽ thu hồi khí từ bãi rác và xử lý cung cấp khí sinh học cho nhà máy điện có công suất 1,6 MW.

    Tuy nhiên, theo các doanh nghiệp Phần Lan, một thách thức đang đặt ra với rác thải ở Việt Nam là chưa được phân loại khiến việc xử lý rác khó khăn hơn. Bên cạnh đó, tại các thành phố lớn, thường có sự trợ giá về giá điện, kinh phí hỗ trợ doanh nghiệp thu từ người mang rác thải đến nhà máy xử lý… Do đó, cần nghiên cứu kỹ pháp lý và động lực kinh tế để việc đầu tư công nghệ để biến rác thải thành điện năng không trở nên quá đắt đỏ so với điều kiện Việt Nam.

    Theo Tienphong/moitruong.com.vn (17/10/2018)

    Sinh viên khởi nghiệp sẽ được hỗ trợ kinh phí

    0

    Bộ Tài chính đang dự thảo Thông tư hướng dẫn quản lý và sử dụng kinh phí sự nghiệp thực hiện Đề án “Hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp đến năm 2025”.

    Dự thảo nêu rõ nguồn kinh phí sự nghiệp thực hiện Đề án gồm: Nguồn ngân sách nhà nước (ngân sách chi sự nghiệp giáo dục và đào tạo thuộc ngân sách trung ương, ngân sách địa phương theo phân cấp ngân sách); nguồn kinh phí lồng ghép trong các chương trình, đề án về giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ; Quỹ Phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa; Chương trình đào tạo nguồn nhân lực cho doanh nghiệp nhỏ và vừa; Nguồn thu hoạt động sự nghiệp, Quỹ hỗ trợ học sinh, sinh viên, Quỹ phát triển hoạt động sự nghiệp của các cơ sở giáo dục – đào tạo; Nguồn tài trợ, hỗ trợ của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước; các nguồn vốn xã hội hóa, nguồn vốn huy động hợp pháp khác.

    Dự thảo cũng đề xuất nội dung và mức chi. Đối với chi cho các hoạt động thông tin, truyền thông: Chi tổ chức sự kiện ngày hội khởi nghiệp quốc gia cho học sinh, sinh viên trong toàn quốc thực hiện theo quy định tại Thông tư số 40/2017/TT-BTC của Bộ Tài chính quy định chế độ công tác phí, chế độ chi hội nghị.

    Cơ quan tổ chức sự kiện ngày hội khởi nghiệp (Bộ Giáo dục và Đào tạo) chi hỗ trợ cho các đội tham dự sự kiện ngày hội khởi nghiệp. Cụ thể, chi hỗ trợ cho học sinh, sinh viên là thành viên các đội tham dự sự kiện ngày hội khởi nghiệp: Hỗ trợ tiền mua vé tầu, xe theo mức giá quy định của nhà nước và các doanh nghiệp vận tải theo lộ trình, chặng đi. Trường hợp phải di chuyển bằng máy bay, hỗ trợ tiền mua vé máy bay theo mức giá của các hãng hàng không nội địa đối với dịch vụ hàng không giá rẻ.


    Sinh viên khởi nghiệp được hỗ trợ kinh phí. Ảnh: báo BHXH

    Về hỗ trợ tiền ăn, tiền nghỉ theo định mức quy định tại Thông tư số 40/2017/TT-BTC, số lượng học sinh, sinh viên được hỗ trợ chi phí: hỗ trợ 50% tổng số thành viên của mỗi đội/đoàn tham gia sự kiện theo quy định của cơ quan tổ chức sự kiện, nhưng không quá 15 người/đội.

    Chi hỗ trợ các khoản chi phí thuê mặt bằng (điện, nước, vệ sinh, an ninh, bảo vệ); chi phí vận chuyển và thiết kế, dàn dựng gian hàng; chi phí hoạt động chung của việc tham gia sự kiện ngày hội khởi nghiệp (truyền thông, công tác phí, khen thưởng, trang trí, các chi phí liên quan khác): Mức hỗ trợ tối đa 10 triệu đồng/đơn vị/lần tham gia đối với sự kiện tổ chức tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh; tối đa 15 triệu đồng/đơn vị/lần tham gia đối với sự kiện tổ chức tại các địa phương khác.

    Theo dự thảo, chi biên soạn tài liệu đào tạo, bồi dưỡng dưới dạng giáo trình, tài liệu giảng dạy trong nhà trường; tài liệu bồi dưỡng; sổ tay, cẩm nang hướng dẫn; tờ rơi, tờ gấp, gồm tài liệu đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ đối với đội ngũ cán bộ làm công tác tư vấn, hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp tại các đại học, học viện, trường đại học, trường cao đẳng, trường trung cấp (cơ sở đào tạo): Thực hiện theo quy định tại Thông tư số 76/2018/TT-BTC.

    Chi tổ chức các hoạt động giao lưu, tọa đàm trao đổi kinh nghiệm quốc tế cho học sinh, sinh viên và đội ngũ cán bộ tư vấn, hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp trong các cơ sở đào tạo: Thực hiện theo quy định tại Thông tư số 40/2017/TT-BTC.

    Về hỗ trợ nguồn vốn cho các chương trình, dự án khởi nghiệp của học sinh, sinh viên: Các cơ sở đào tạo chủ động sử dụng nguồn kinh phí hợp pháp (bao gồm các nguồn chi thường xuyên, nguồn nghiên cứu khoa học sinh viên, các quỹ hỗ trợ sinh viên, quỹ hỗ trợ hoạt động sự nghiệp, các nguồn thu hợp pháp khác) để hỗ trợ các hoạt động, các ý tưởng, dự án khởi nghiệp của học sinh, sinh viên trong các cơ sở đào tạo. Việc sử dụng kinh phí để tổ chức các hoạt động này được cụ thể hóa trong quy chế chi tiêu nội bộ của cơ sở đào tạo.

    Theo Bảo Lâm/vietq.vn (16/10/2018)

    Cứ 9 người lại có 1 người không có đủ thức ăn

    0

    Trong thông điệp nhân Ngày Lương thực thế giới 16/10, Tổng thư ký Liên hợp quốc Guterres nêu rõ trên thế giới, cứ 9 người lại có 1 người không có đủ thức ăn. Khoảng 820 triệu người vẫn thường xuyên bị đói, mà phần lớn là phụ nữ.

    Ngày 15/10, Tổng Thư ký Liên hợp quốc (TTK LHQ) Antonio Guterres nhấn mạnh sự cần thiết phải tiếp tục thực hiện trách nhiệm ủng hộ “quyền cơ bản” của con người trong việc tiếp cận thực phẩm.

    Trẻ em bị suy dinh dưỡng được điều trị tại bệnh viện ở tỉnh Hajjah, Yemen ngày 1/10/2018. Ảnh: THX/TTXVN

    Trong thông điệp nhân Ngày Lương thực thế giới 16/10, TTK Guterres nêu rõ trên thế giới, cứ 9 người lại có 1 người không có đủ thức ăn. Khoảng 820 triệu người vẫn thường xuyên bị đói, mà phần lớn là phụ nữ.

    Ngoài ra, khoảng 155 triệu trẻ nhỏ bị suy dinh dưỡng và có nguy cơ phải chịu nhiều thiệt thòi do thể trạng còi cọc trong suốt cuộc đời. Ngoài ra, đói ăn còn là nguyên nhân chính gây ra 50% trường hợp tử vong ở trẻ nhỏ trên toàn thế giới.

    Trước thực trạng này, TTK Guterres kêu gọi các quốc gia cam kết vì một thế giới không đói ăn, một thế giới mà ở đó mọi người được quyền tiếp cận với chế độ ăn uống lành mạnh, giàu dinh dưỡng.

    Bên cạnh đó, TTK cũng hối thúc các quốc gia, các công ty, tổ chức và cá nhân cùng góp sức phát triển các hệ thống thực phẩm bền vững.

    Cũng trong ngày 15/10, Tổ chức Lương Nông LHQ (FAO) có trụ sở tại Rome (Italy) đã công bố báo cáo Thực trạng Lương thực và nông nghiệp thường niên, phù hợp với chủ đề của Ngày Lương thực thế giới năm nay đó là “Hành động của chúng ta là tương lai của chúng ta. Một thế giới Không đói ăn vào năm 2030 là điều có thể”.

    Ngày 16/10 hằng năm được LHQ chọn là Ngày Lương thực thế giới (WFD) để kỷ niệm ngày thành lập FAO năm 1945 và nhằm mục đích nâng cao nhận thức của mọi người về cuộc chiến chống đói nghèo trên toàn cầu.

    Theo TTXVN/moitruong.com.vn (16/10/2018)

    Quy chuẩn quốc gia về môi trường đối với phế liệu nhập khẩu có hiệu lực từ ngày 29/10

    0

    Bộ Tài nguyên và Môi trường vừa ban hành Thông tư 08/2018/TT-BTNMT và Thông tư 09/2018/TT-BTNMT về Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường đối với 6 phế liệu nhập khẩu làm nguyên liệu sản xuất.

    Thông tư có hiệu lực từ ngày 29/10 bao gồm: Sắt, thép; nhựa; giấy; thủy tinh; kim loại màu; phế liệu xỉ hạt lò cao (xỉ hạt nhỏ, xỉ cát từ công nghiệp luyện sắt hoặc thép).

    Theo đó, Thông tư 08/2018/TT-BTNMT Bộ TNMT ban hành 3 quy chuẩn quốc gia về môi trường gồm: QCVN 31:2018/BTNMT – Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường đối với phế liệu sắt, thép nhập khẩu làm nguyên liệu sản xuất; QCVN 32:2018/BTNMT – Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường đối với phế liệu nhựa nhập khẩu làm nguyên liệu sản xuất; QCVN 33:2018/BTNMT – Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường đối với phế liệu giấy nhập khẩu làm nguyên liệu sản xuất.

    Thông tư 08/2018/TT-BTNMT có hiệu lực thi hành kể từ ngày 29/10/2018 và thay thế Thông tư số 43/2010/TT-BTNMT ngày 29/12/2010.

    Đối với Thông tư 09/2018/TT-BTNMT, Bộ TNMT cũng ban hành 3 quy chuẩn quốc gia về môi trường gồm: QCVN 65:2018/BTNMT – Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường đối với phế liệu thủy tinh nhập khẩu làm nguyên liệu sản xuất; QCVN 66:2018/BTNMT – Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường đối với phế liệu kim loại màu nhập khẩu làm nguyên liệu sản xuất; QCVN 67:2018/BTNMT – Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường đối với phế liệu xỉ hạt lò cao (xỉ hạt nhỏ, xỉ cát từ công nghiệp luyện sắt hoặc thép) nhập khẩu làm nguyên liệu sản xuất.

    Các loại phế liệu này quy định tại Danh mục phế liệu được phép nhập khẩu từ nước ngoài làm nguyên liệu sản xuất ban hành kèm theo Quyết định số 73/2014/QĐ-TTg ngày 19/12/2014 của Thủ tướng Chính phủ là hàng hóa có khả năng gây mất an toàn (hàng hóa nhóm 2 nhập khẩu) thuộc trách nhiệm quản lý của Bộ TNMT.

    Thông tư 08/2018/TT-BTNMT có hiệu lực thi hành kể từ ngày 29/10/2018 và thay thế Thông tư số 43/2010/TT-BTNMT ngày 29/12/2010 của Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường. Thông tư 09/2018/TT-BTNMT có hiệu lực thi hành kể từ ngày 29/10/2018.

    Theo quy định tại Điều 76 Luật Bảo vệ môi trường thì phế liệu nhập khẩu từ nước ngoài vào Việt Nam phải đáp ứng quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường và thuộc danh mục phế liệu được phép nhập khẩu.

    Trước đó, nhằm tăng cường quản lý hoạt động nhập khẩu, sử dụng phế liệu nhập khẩu làm nguyên liệu sản xuất, thực hiện có hiệu quả các biện pháp phòng vệ thương mại, kiểm soát chặt chẽ việc nhập khẩu phế liệu từ xa, giảm thiểu nguy cơ gây ô nhiễm môi trường, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Tài nguyên và Môi trường chịu trách nhiệm trước Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong công tác quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường đối với hoạt động nhập khẩu và sử dụng phế liệu làm nguyên liệu sản xuất.

    Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Tài nguyên và Môi trường không cấp mới Giấy xác nhận, không gia hạn Giấy xác nhận đối với đơn vị nhận ủy thác nhập khẩu phế liệu; chỉ xem xét cấp mới, cấp lại Giấy xác nhận đủ điều kiện về bảo vệ môi trường trong nhập khẩu phế liệu làm nguyên liệu sản xuất đối với đơn vị nhập khẩu phế liệu để sử dụng trực tiếp làm nguyên liệu sản xuất khi chứng minh được nhu cầu và năng lực sử dụng phế liệu.

    Theo Hoàng Dương/vietq.vn (9/10/2018)