27 C
Hanoi
Thứ sáu, Tháng mười một 15, 2024
More
    Home Blog Page 383

    Biến nước tiểu thành gạch xây nhà

    0

    Nước tiểu kết hợp cùng cát và vi khuẩn sẽ tạo nên một loại vật liệu mới trong xây dựng, cứng hơn cả gạch đá vôi.

    Hãng RT đưa tin, các nhà khoa học tại Đại học Cape Town (Nam Phi) đã sáng tạo ra loại gạch đặc biệt, thân thiện với môi trường. Nhóm nghiên cứu trẻ đã thu thập nước tiểu từ nhà vệ sinh nam của khoa kỹ sư bên trong trường, sau đó trộn cùng cát và loại vi khuẩn sản sinh enzyme urease.

    Quá trình kết tủa carbon vi khuẩn đã giúp hỗn hợp đông cứng lại ở nhiệt độ phòng, không giống gạch thông thường phải nung trong các lò đốt nhiệt độ cao 1.400 độ C, giải phóng rất nhiều khí CO2. Cụ thể, chất enzyme urease đã phân hủy urê trong nước tiểu, đồng thời sinh ra calcium carbonate thông qua phản ứng hóa học.


    Gạch sinh học được tạo ra từ nước tiểu, cát và vi khuẩn. Ảnh: RT

    “Bạn càng để những con vi khuẩn nhỏ bé hoạt động lâu bao nhiêu, sản phẩm gạch sẽ càng cứng bấy nhiêu. Chúng ta có thể tối ưu hóa quá trình này”, trưởng nhóm nghiên cứu Dyllon Randall cho biết.

    Độ cứng và hình dạng của gạch sinh học có thể biến đổi theo ý muốn. Đặc biệt, vật liệu xây dựng này còn có khả năng cứng hơn gạch đá vôi đến 40%.

    Hơn thế, quá trình sản xuất gạch sinh học này tạo ra phụ phẩm là nitrogen và kali, có thể dùng để sản xuất phân bón.

    Theo nhà nghiên cứu Randall, nước tiểu chính là “vàng lỏng”. Về số lượng, nước tiểu chiếm chưa đầy 1% nước thải gia đình, tuy nhiên nó chứa đến 80% nitrogen, 56% phosphorus và 63% kali trong nước thải.

    Theo Tin tức/moitruong.com.vn

    Biểu thuế bảo vệ môi trường

    0

    Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Nghị quyết 579/2018/UBTVQH14 về Biểu thuế bảo vệ môi trường. Nghị quyết có hiệu lực thi hành từ 1/1/2019.

    Cụ thể, thuế bảo vệ môi trường với mặt hàng xăng tăng từ 3.000 đồng/lít lên 4.000 đồng/lít, với dầu diesel tăng từ 1.500 đồng/lít lên 2.000 đồng/lít; dầu mazut, dầu nhờn tăng từ 900 đồng/lít lên 2.000 đồng/lít; dầu hỏa tăng từ 300 đồng/lít lên 1.000 đồng/lít.

    Ngoài ra, nghị quyết cũng điều chỉnh mức thuế đối với nhiều mặt hàng có ảnh hưởng xấu đến môi trường như than đá, túi ni lông thuộc diện chịu thuế, dung dịch HCFC…

    Thuế bảo vệ môi trường với mặt hàng xăng tăng từ 3.000 đồng/lít lên 4.000 đồng/lít.

    Thuế bảo vệ môi trường đối với than antraxit tăng từ 20.000 đồng/tấn lên 30.000 đồng/tấn; với than nâu, than mỡ, than đá khác mức thuế tăng từ 10.000 đồng/tấn lên 15.000 đồng/tấn.

    Đối với dung dịch HCFC tăng từ 4.000 đồng/kg lên mức 5.000 đồng/kg; đối với túi ni lông thuộc diện chịu thuế tăng từ 40.000 đồng/kg lên mức 50.000 đồng/kg.

    Theo đó, từ ngày 01/01/2019 sẽ điều chỉnh thuế bảo vệ môi trường đối với một số mặt hàng.

    Nghị quyết số 1269/2011/UBTVQH12 ngày 14 tháng 7 năm 2011 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về Biểu thuế bảo vệ môi trường đã được sửa đổi, bổ sung theo Nghị quyết số 888a/2015/UBTVQH13 ngày 10 tháng 3 năm 2015 hết hiệu lực thi hành kể từ ngày Nghị quyết này có hiệu lực thi hành.

    Theo Mai Anh/moitruong.com.vn (29/10/2018)

    Nguy cơ từ sạn nhựa trong muối

    0

    Hơn 90% lượng muối ăn trên thế giới có thể chứa các mẩu chất dẻo nhỏ li ti (microplastic). Điều đó có nghĩa là mỗi năm một người lớn bình thường có thể “tiêu thụ” khoảng 2.000 mẩu nhựa micro cùng với muối.

    Microplastic là những mẩu chất dẻo nhân tạo có chiều dài dưới 5 mm và hình thành trong quá trình các vật liệu lớn hơn xuống cấp. Chúng có mặt chủ yếu trong mỹ phẩm, các chất tẩy rửa và kem đánh răng.

    Microplastic nhỏ đến mức đi qua được phần lớn các màng lọc nước tiêu chuẩn và lọt vào hệ thống cấp nước trên toàn thế giới, để rồi từ đó xuất hiện trên bàn ăn hàng ngày của chúng ta!

    Microplastic là những mẩu chất dẻo nhân tạo có chiều dài dưới 5 mm và hình thành trong quá trình các vật liệu lớn hơn xuống cấp.

    Để hiểu bằng cách nào các mẩu microplastic lọt vào muối ăn, các nhà nghiên cứu ở Hàn Quốc đã kết hợp với Văn phòng Đông Á của Tổ chức môi trường toàn cầu Greenpeace để theo dõi sự phát tán microplastic trong môi trường.

    Trong số 39 nhãn muối biển tại 21 quốc gia châu Âu, châu Phi, châu Á châu Mỹ, có đến 36 nhãn chứa microplastic. Số lượng microplastic phụ thuộc vào nhãn hàng và quốc gia sản xuất. Các nhà khoa học không công bố tên các nhà sản xuất, để tránh tạo thêm hoang mang không cần thiết.

    Mức độ microplastic đặc biệt cao trong muối ăn tại châu Á – đặc biệt là tại Indonesia. Hơn nữa, muối làm từ nước biển cũng rất bẩn.

    Người ta đã chứng minh rằng chỉ có 3 loại muối được sản xuất ở Đài Loan (Trung Quốc), Pháp và Trung Quốc lục địa không chứa microplastic. “Các phát hiện của chúng tôi cho thấy, việc ăn microplastic qua trung gian là các sản phẩm từ biển có liên quan chặt chẽ với phát tán chất dẻo trong một khu vực nào đó. Để hạn chế tác hại của microplastic đối với con người, cần có các biện pháp phòng ngừa, chẳng hạn như hạn chế thải rác chất dẻo” – Giáo sư Seung-Kyu Kim, tác giả chính của công trình nghiên cứu, cho biết như vậy.

    Ảnh hưởng của microplastic đối với sức khỏe con người vẫn chưa được làm rõ, bởi đây là lĩnh vực nghiên cứu khá mới mẻ. Theo số liệu của Liên Hiệp Quốc, microplastic bắt đầu xuất hiện trong thực phẩm khoảng 50 năm trước và từ đó đến nay vẫn thường có mặt trong thực đơn của chúng ta.

    Theo Giaoducthoidai.vn (26/10/2018)

    Tủ trồng rau thông minh

    0

    Tất cả nhờ vào tủ trồng rau thông minh, một sáng tạo của nhóm sinh viên Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM, gồm Trần Đăng Khôi, Trần Nhật Minh, Chu Thanh Sang và Đỗ Phúc Minh. Nhóm sử dụng hệ thống IoT (mạng lưới vạn vật kết nối internet) giám sát và điều khiến tủ trồng rau.

    Dự án của nhóm cũng vừa mới nhận được giải nhì tại cuộc thi IoT Startup 2018 do Khu công nghệ cao TP.HCM tổ chức.

    Người dùng “ra lệnh” cho phần mềm

    Nói về lý do thực hiện sản phẩm này, Đăng Khôi cho biết việc trồng rau sạch trong gia đình đang trở thành xu hướng của thời đại. Ở hộ gia đình, tủ trồng rau ngay trong nhà (đối với gia đình có diện tích nhỏ) vừa phục vụ nhu cầu rau sạch cho bữa ăn, vừa đáp ứng được tính thẩm mỹ.

    Khôi giới thiệu tủ trồng rau tại Tuần lễ đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp TP.HCM 2018.

    Tủ có các module cảm biến nhiệt độ và độ ẩm được kết nối với bộ điều khiển trung tâm. Một module phần mềm truyền nhận dữ liệu cài đặt tại máy chủ có nhiệm vụ nhận dữ liệu từ các cảm biến, trạng thái mở/tắt của các module điều khiển về máy chủ rồi lưu vào cơ sở dữ liệu, đồng thời gửi lệnh điều khiển từ máy chủ do người dùng “ra lệnh” (tức là người dùng vẫn có thể can thiệp và điều khiển phần mềm tự động này khi thấy cần thiết), hoặc do phần mềm tự động tính toán đến các module điều khiển. Và một module phần mềm chạy trên nền web cho phép người dùng giám sát theo thời gian thực các thông số cảm biến, trạng thái của module, cho phép người dùng điều khiển đóng ngắt các thiết bị bên trong tủ trồng rau sạch…

    Các cảm biến sẽ được cắm vào đất để lấy giá trị nhiệt độ và độ ẩm. Hệ thống tưới nước nhỏ giọt có thể điều khiển được bằng các van điện tử. Các van này tự động đóng mở dựa vào giá trị cảm biến nhiệt độ và độ ẩm trả về.

    Mỗi tầng trồng rau được chiếu sáng bởi hệ thống đèn LED cho ánh sáng tím với quang phổ phù hợp, giúp rau quang hợp và tăng trưởng tốt. Hệ thống đèn LED được điều khiển đóng mở tự động dựa vào giá trị ánh sáng trả về từ bộ cảm biến ánh sáng…

    Trồng rau vẫn làm đẹp nhà

    Học chuyên về kỹ thuật nên ngoài việc tự mày mò nghiên cứu, nhóm phải kết nối với các chuyên gia nông nghiệp để được tư vấn và nhiều lần trồng thử nghiệm rồi ngồi canh sự phát triển của rau, để xây dựng quy trình trồng các loại rau khác nhau, sau đó cài đặt sẵn trong phần mềm.

    “Khi người dùng muốn trồng loại rau nào, chỉ cần bấm chọn trên giao diện phần mềm rồi gửi xuống bộ điều khiển trung tâm để các quá trình tưới nước, cung cấp ánh sáng cho rau theo đúng quy trình đã được cài đặt; sau đó thông báo đến người dùng thông qua điện thoại để biết rau đã đến thời kỳ thu hoạch”, Khôi chia sẻ.

    Và Khôi tự hào khi nhắc đến những thành quả mà nhóm làm được: “Rau được trồng trong đất hữu cơ, môi trường tủ kín và được diệt khuẩn, nấm mốc, sâu bệnh… Do đó, mỗi hộ gia đình sẽ có rau sạch ăn quanh năm. Tủ có 4 tầng và được giám sát, điều khiển độc lập nên người dùng có thể trồng nhiều loại rau khác nhau trong một tủ. Điều đặc biệt là tủ được thiết kế thẩm mỹ, nhỏ gọn, thích hợp để đặt trong nhà, phòng khách hoặc nhà bếp nên vừa sản xuất rau cho gia đình, vừa để trang trí và làm đẹp không gian”.

    Không những thế, theo Khôi, các cảm biến được thiết kế không dây, nhỏ gọn, tỉ mỉ. Thông tin nhận về từ cảm biến chính xác và được truyền về gateway với tốc độ nhanh, đặc biệt có khoảng cách truyền nhận dữ liệu rất xa nhờ sử dụng công nghệ truyền LoRa (lên đến 2,5 km). Nhờ quản lý kết nối thông qua bộ điều khiển trung tâm nên rất dễ dàng trong việc triển khai nhiều tủ trồng rau sạch, có thể tiết kiệm chi phí đầu tư.

    Sản phẩm đánh vào thị trường rất tiềm năng

    Ông Đỗ Nguyên Thanh Đồng, Giám đốc điều hành Công ty cổ phần công nghệ Acis, Chủ tịch Hội đồng ban giám khảo cuộc thi IoT Startup 2018, đánh giá: “Dự án dù chỉ là nghiên cứu của sinh viên nhưng có sự đầu tư rất nghiêm túc và chuyên sâu. Sản phẩm đã ứng dụng rất nhiều công nghệ về IoT, như kiểm soát toàn bộ bằng điện thoại thông minh, có cập nhật các nhật ký, điều khiển quản lý toàn bộ từ xa… Và điều đặc biệt hơn hết là nhóm đã thử nghiệm và đạt được rất nhiều kết quả để cân chỉnh và cho thương mại hóa, ứng dụng vào thực tế. Đây là dự án nhắm được vào thị trường rất tiềm năng vì góp phần giải quyết được tình trạng lạc hậu của nền nông nghiệp nước ta. Bên cạnh đó, giải pháp này cũng giúp các hộ gia đình sống trong chung cư, không có diện tích có thể tự trồng rau ngay tại nhà…”.

    Theo Thanhnien.vn (29/10/2018)

    Chuyển đổi ngành dệt may theo hướng bền vững và thân thiện với môi trường

    0

    Tổ chức Quốc tế về Bảo vệ Thiên nhiên – và Hiệp hội Dệt May Việt Nam hôm nay ra mắt một dự án với mục tiêu đầy tham vọng – chuyển đổi ngành dệt may trở thành một ngành sản xuất bền vững và thân thiện với môi trường.

    Dự án “Xanh hoá ngành dệt may Việt Nam thông qua cải thiện quản lý nước và năng lượng bền vững” sẽ hợp tác với nhiều nhân tố quan trọng của ngành để thúc đẩy quản lý lưu vực sông tốt hơn và góp phần cải thiện chất lượng nguồn nước và sử dụng năng lượng bền vững.

    Dự án được triển khai từ 2018 tới 2020 với mục tiêu là chuyển đổi ngành dệt may tại Việt Nam thông qua tham gia vào các chính sách quản lý ngành và môi trường để mang lại lợi ích xã hội, kinh tế và bảo tồn cho Việt Nam và toàn bộ khu vực sông Mekong, nơi tập trung gần 50% nhà máy may mặc của cả nước.

    Dệt may là một trong những ngành quan trọng đối với nền kinh tế Việt Nam, đóng góp 15% tổng giá trị xuất khẩu.

    Trọng tâm chính của dự án là cải thiện hiệu suất nước và năng lượng, từ đó giảm thiểu tác động của ngành lên tới môi trường. Dự án sẽ hợp tác với các doanh nghiệp để khuyến khích họ chủ động tham gia hơn vào công tác quản lý sông Mekong, quy hoạch năng lượng bền vững và tạo cơ hội cho các doanh nghiệp này thảo luận về kế hoạch hành động chung nhằm đầu tư và phát triển ngành dệt may một cách bền vững.

    Một mục tiêu quan trọng nữa của dự án đó là tác động tới các nhà đầu tư của ngành dệt may Việt Nam nhằm thúc đẩy sản xuất bền vững. Các nhà đầu tư dệt may của Trung Quốc sẽ là một trong những đối tác dự án làm việc cùng. Quốc gia này trong những năm gần đây đã gia tăng đầu tư trực tiếp vào lĩnh vực dệt may của Việt Nam và có nhiều bài học kinh nghiệm để chia sẻ.

    Dệt may là một trong những ngành quan trọng đối với nền kinh tế Việt Nam, đóng góp 15% tổng giá trị xuất khẩu và có tốc độ tăng trưởng cao, trung bình đạt trên 12% từ năm 2010 tới 2017. Với hơn 6.000 nhà máy, cung cấp khoảng 3 triệu việc làm trên cả nước, ngành không chỉ quan trọng đối với nền kinh tế mà còn với xã hội Việt Nam.

    Tuy nhiên, đây cũng là một ngành có thể gây ra nhiều tác động lên tới môi trường. Quá trình sản xuất của ngành sẽ phải khai thác, sử dụng và xả thải một lượng nước lớn, đồng thời sử dụng nhiều năng lượng cho việc đun nóng và tạo ra hơi nước. Đây chính là những yếu tố tác động lên nguồn nước và góp phần gia tăng khí phát thải nhà kính.

    Để giảm tác động tới môi trường và thích ứng với các điều kiện thay đổi đang diễn ra, như sự thiếu hụt 40% nguồn nước trên toàn cầu vào năm 2030 do Liên Hợp Quốc dự đoán, ngành dệt may cần phải thay đổi quy trình sản xuất. Đặc biệt trong bối cảnh ngành vẫn đang tiếp tục mở rộng và phát triển như hiện nay.

    Dự án này là một phần của dự án “Thúc đẩy giảm thiểu tác động thông qua chuỗi cung ứng dệt may”, được tài trợ bởi HSBC, nhằm xanh hoá ngành dệt may tại Trung Quốc, Bangladesh, Ấn Độ và Việt Nam.

    Dự án sẽ được thực hiện bởi WWF với sự hợp tác của VITAS. Các bên liên quan chính trong dự án bao gồm các nhãn hàng quốc tế có nhà cung cấp tại Việt Nam, các nhà máy trên toàn quốc, đặc biệt ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long bao gồm TPHCM, các tổ chức tài chính, đối tác phát triển và các sáng kiến liên quan khác. Các đối tác nước ngoài bao gồm Hội đồng Dệt May Quốc gia Trung Quốc và Hợp tác Lan Thương Mekong.

    Theo Mai Anh/moitruong.com.vn (26/10/2018)

    Hà Nội sẽ thí điểm minibus và xe buýt sử dụng năng lượng sạch

    0

    Ngoài việc mở thêm các tuyến buýt mới, Tổng Công ty vận tải Hà Nội (Transerco) chuẩn bị phương án thí điểm loại hình minibus và xe buýt sử dụng năng lượng sạch theo chỉ đạo của thành phố.

    Bên cạnh đó, đơn vị này cũng tham mưu đề xuất và chuẩn bị sẵn sàng tham gia đấu thầu xe buýt quý 4/2018 theo kế hoạch của thành phố đồng thời tiếp tục nghiên cứu đầu tư giàn thép đỗ xe cao tầng tại 3 điểm đỗ xe Ngọc Hà, Phương Mai, nút giao Linh Đàm; dự án trạm đăng kiểm tại quận Tây Hồ.

    Theo lãnh đạo Transerco, qua chín tháng của năm nay, xe buýt có sự tăng trưởng sản lượng hành khách tiếp tục có những tín hiệu tích cực, vé tháng Transerco tăng 6,6% và toàn mạng tăng 5,4% so với cùng kỳ.

    Ảnh: TTXVN

    “Tình hình hoạt động xe buýt đơn vị tiếp tục giữ ổn định, chất lượng dịch vụ được kiểm soát tốt. Hình ảnh, chất lượng xe buýt Hà Nội đã có nhiều đổi mới bước ngoặt, được nhân dân và thành phố ủng hộ, ghi nhận,” lãnh đạo Transerco nhìn nhận.

    Thời gian tới, Transerco tiếp tục theo dõi, chỉ đạo quá trình thử nghiệm hệ thống vé xe buýt điện tử trên tuyến buýt nhanh BRT 01 (Kim Mã-Yên Nghĩa) đảm bảo vận hành thông suốt, không gây ảnh hưởng đến chất lượng dịch vụ, doanh thu xe buýt và phấn đấu mở rộng triển khai trên toàn mạng lưới xe buýt.

    Tổng công ty cũng chỉ đạo các đơn vị hạ tầng bến bãi tiếp tục các giải pháp tạo điểm nhấn về hình ảnh, công nghệ, chất lượng dịch vụ góp phần thực hiện mục tiêu tạo sự chuyển biến rõ nét về chất lượng dịch vụ tại các bến xe, bãi đỗ xe công cộng của Transerco góp phần đảm bảo trật tự và xây dựng văn minh đô thị của Hà Nội.

    Được biết, những tháng đã qua của năm nay, Transerco triển khai đầu tư mới 132 phương tiện tiêu chuẩn khí thải EURO 4 thay thế các phương tiện cũ và phục vụ kế hoạch mở các tuyến mới; sử dụng hệ thống thẻ vé điện tử thí điểm trên tuyến xe buýt nhanh BRT và sẽ tiếp tục triển khai mở rộng trên toàn mạng lưới xe buýt thành phố sẵn sàng liên thông với các loại hình dịch vụ công cộng khác.

    Theo Vietnamplus.vn (26/20/2018)

    Ứng dụng lưới điện thông minh để phát triển các nguồn năng lượng tái tạo

    0

    Phó Thủ tướng Chính phủ Phạm Bình Minh vừa ký Quyết định số 519/QĐ-TTg phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án “Ứng dụng lưới điện thông minh để phát triển các nguồn năng lượng tái tạo và sử dụng năng lượng hiệu quả (SGRE-EE)”, sử dụng vốn ODA không hoàn lại của Chính phủ Đức.

    Dự án thực hiện trong 4 năm (2018 – 2022) trên toàn quốc với tổng mức đầu tư là 5.297.980 Euro, trong đó: 5 triệu Euro vốn ODA không hoàn lại của Chính phủ Đức; 297.980 Euro vốn đối ứng của phía Việt Nam do Bộ Công Thương tự bố trí bằng các nguồn lực hiện có.

    Dự án nhằm hoàn thiện khung pháp lý liên quan đến việc thúc đẩy và hỗ trợ phát triển các dạng nguồn năng lượng tái tạo trong hệ thống điện và lưới điện thông minh tại Việt Nam, qua đó góp phần đạt được các mục tiêu của Chính phủ đề ra trong Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia (PDP), Chiến lược tăng trưởng Xanh (GGS) cũng như kế hoạch Hàng động Tăng trưởng Xanh (GGAP) nhằm đảm bảo cung ứng điện nâng cao chất lượng điện năng và độ tin cậy cung cấp điện gắn liền với phát triển bền vững ngành điện, ngành năng lượng.

    Kết quả chủ yếu của Dự án là xây dựng và hoàn thiện khung pháp lý và chính sách để hỗ trợ phát triển lưới điện thông minh kết hợp với phát triển năng lượng tái tạo và hiệu quả sử dụng năng lượng. Đặc biệt chú trọng đến lĩnh vực công nghệ thông tin và truyền thông được áp dụng trong việc quản lý, vận hành các nguồn năng lượng tái tạo, tối ưu hóa việc sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.

    Bên cạnh đó, tăng cường năng lực về công nghệ lưới điện thông minh và phát triển năng lượng tái tạo cho các cán bộ chuyên môn tại các đơn vị quản lý nhà nước, các chuyên gia tại các đơn vị trong ngành điện, hình thành mạng lưới chuyên gia về lưới điện thông minh.

    Đồng thời, đẩy mạnh hợp tác và chuyển giao công nghệ giữa các trường đại học, viện nghiên cứu, doanh nghiệp giữa Việt Nam và Đức để phát triển các nguồn năng lượng tái tạo và thúc đẩy hiệu quả sử dụng năng lượng. Thiết lập các mạng lưới hợp tác và trao đổi kinh nghiệm quốc tế giữa các nhà xây dựng chính sách, các nhà quản lý, các đơn vị phát triển dự án.

    Việc hợp tác công nghệ tập trung vào các giải pháp công nghệ hiện đại nhất, nghiên cứu và phát triển sản phẩm công nghệ và phần mềm hiệu quả năng lượng, kết nối và vận hành năng lượng tái tạo với xu hướng của các sản phẩm và dịch vụ để xây dựng ngôi nhà thông minh, thành phố thông minh.

    Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư gửi công hàm thông báo chính thức cho phía Đức biết về quyết định trên của Thủ tướng Chính phủ. Bộ Công Thương lưu ý các ý kiến góp ý của các cơ quan để hoàn thiện, thẩm định, phê duyệt Văn kiện Dự án và quyết định đầu tư Dự án theo quy định hiện hành.

    Theo Hồng Cẩm/tapchimoitruong.vn

    5 loại rau xanh nên ăn trong mùa đông

    0

    Dưới đây là 5 loại rau xanh mà các bà nội trợ nên lựa chọn cho bữa ăn của gia đình mình trong mùa đông năm nay.

    Các chuyên gia và người trồng khuyến cáo, hầu hết các loại rau đều phải phun thuốc bảo vệ thực vật để phòng trừ sâu bệnh. Song, liều lượng thuốc sử dụng có sự khác nhau. Rau trái vụ bao giờ cũng phải phun thuốc nhiều hơn rau chính vụ, bởi trồng chính vụ có lợi thế là thời tiết phù hợp nên rau thường tăng trưởng tốt, không cần dùng nhiều đến các loại thuốc.

    Do vậy, tốt nhất nên chọn mua những loại rau chính vụ. Dưới đây là những loại rau củ chính vụ trong mùa đông, các bà nội trợ tham khảo.

    Rau cải

    Cải chíp, cải xoong, cải ngồng, cải đắng hay cải ngọt, cải cúc,… tất cả những loại rau họ cải có đặc tính mát, nhiều vitamin, thanh nhiệt cực tốt.


    Tất cả những loại rau họ cải đều chứa nhiều vitamin.

    Rau cải được trồng quanh năm, song vào trái vụ, muốn rau cải phát triển tốt, không sâu bệnh và xanh mướt mát, ngon mắt, người trồng có thể phun thuốc bảo vệ thực vật để phòng sâu bệnh.

    Tuy nhiên, nếu rau cải được trồng trong khoảng thời gian từ tháng 8 đến tháng 11 (đông xuân), tức vào chính vụ, thì cải sẽ phát triển tốt, cho năng suất cao mà không cần dùng đến thuốc. Khi đó, người mua sẽ giảm được nguy cơ nhiễm độc bởi tồn dư thuốc bảo vệ thực vật.

    Súp lơ

    Súp lơ có hai loại: súp lơ xanh và súp lơ trắng. Trong khi loại màu xanh thường thu hoạch trong khoảng cuối tháng 7 đến cuối tháng 10 thì loại màu trắng thu hoạch chủ yếu từ giữa tháng 12 đến giữa tháng 4.

    Với cả hai loại, nên chọn những cây có màu sắc tươi, đồng nhất. Chọn những bông cứng và chắc; nếu mềm nghĩa là súp lơ đã héo.

    Súp lơ mua về nếu chưa sử dụng ngay có thể bảo quản nơi thoáng mát hoặc cho túi bóng, cất vào ngăn mát tủ lạnh.

    Su hào

    Nằm trong danh sách các loại rau vụ đông, su hào được gieo trồng từ tháng 9 đến hết tháng 10 bởi khi ấy, thời tiết bắt đầu chuyển lạnh, rất thích hợp với loại rau củ này. Nhiều người dân không chuyên còn trồng su hào xen lẫn bắp cải trong vườn để tự cung cấp nguồn rau sạch cho gia đình.

    Khi mua, người tiêu dùng nên chọn những củ nhỏ, không trong đều hoặc hơi méo, to nhỏ khác nhau; hay bám bùn đất, còn nhiều lá.

    Rau ngót

    Mùa rau ngót bắt đầu từ tháng 7 và kéo dài đến tháng 3 năm sau. Nên tránh những bó rau ngót có lá quá non, to, mỏng, mà chọn những bó có lá dày vừa phải, sẫm màu.

    Khoai tây

    Khoai tây chính vụ ở đồng bằng Bắc Bộ được trồng từ cuối tháng 10, đầu tháng 11, thu hoạch cuối tháng 1, đầu tháng 2. Lúc này, khí hậu phù hợp với thổ nhưỡng, khoai tây dễ dàng phát triển, cho năng suất thu hoạch cao.

    Khoai tây nếu trồng ở các vùng miền Bắc thì thường được vận chuyển gần, bán ngay sau khi thu hoạch nên vỏ hay dính nhiều bụi đất. Đối với khoai tây Đà Lạt vận chuyển đến các vùng khác, do vỏ mỏng nên thường bị trầy xước bên ngoài.

    Theo Hoài Thư/vietq.vn (22/10/2018)

    Đi du lịch giúp con người tăng tuổi thọ

    0

    Những người làm việc quá chăm chỉ và có kỳ nghỉ ít hơn ba tuần trong một năm có khả năng chết sớm hơn 37% so người khác.

    Theo MSN, để đưa ra kết quả, các nhà nghiên cứu từ Đại học Helsinki ở Phần Lan đã theo dõi 1.200 doanh nhân trong vòng 40 năm. Phát hiện này vừa được trình bày tại Hội nghị Đại học Tim mạch châu Âu ở Đức và công bố trên Tạp chí Dinh dưỡng, Sức khỏe và Lão hóa, Mỹ.

    Giáo sư Timo Strandberg, Đại học Helsinki, Phần Lan cho biết: “Đừng nghĩ rằng có một lối sống lành mạnh sẽ bù đắp về mặt sức khỏe khi bạn làm việc quá chăm chỉ và không nghỉ ngơi. Kỳ nghỉ có thể là một cách tốt để giảm bớt căng thẳng”.


    Ảnh minh họa

    Bạn nên dành thời gian đi du lịch với bạn bè và gia đình nhiều hơn để giảm bớt căng thẳng trong công việc và cuộc sống.

    Trong quá trình nghiên cứu, những người có kỳ nghỉ ngắn hơn sẽ làm việc nhiều hơn và ngủ ít hơn những người nghỉ nhiều thời gian hơn. Lối sống căng thẳng này có thể tác động xấu đến tâm lý, tăng thêm nhiều áp lực và mệt mỏi cho cuộc sống của họ.

    Việc áp dụng chế độ ăn uống lành mạnh và tập thể dục thường xuyên cũng có thể hữu ích, nhưng điều quan trọng là đảm bảo mọi thay đổi đều bền vững và không trở thành một nguồn căng thẳng khác.

    Giáo sư Timo Strandberg nói rằng lời khuyên của ông có thể không áp dụng cho những người thấy rằng đi làm thoải mái, dễ chịu hơn so với việc đi nghỉ cùng bạn bè và gia đình. “Điều quan trọng có lẽ không nằm ở việc bạn dành thời gian làm gì, mà là cảm giác của bạn khi làm các việc đó”, ông nói.

    Đồng ý với ý kiến trên, Jeremy Pearson, giám đốc y khoa của Quỹ Tim mạch Anh, cho biết dành thời gian đi nghỉ có thể là một cách tuyệt vời để giảm căng thẳng nhưng bạn cũng có thể nói chuyện với bạn bè và gia đình để chia sẻ những rắc rối mình đang gặp phải.

    Theo VnExpress.net (21/10/2018)

    Việt Nam sẽ có thịt mát

    0

    Trong khi tại các nước ở châu Âu, châu Mỹ đều đang sử dụng chủ yếu thịt mát thì tại Việt Nam từ xưa đến nay vẫn chủ yếu sử dụng thịt nóng.

    Tại cuộc họp báo để giải thích rõ về khái niệm thịt mát tổ chức chiều 17-10 tại Hà Nội, Bộ NN-PTNT cho biết: Trong thực tế sản xuất và kinh doanh sản phẩm thịt trên thị trường Việt Nam hiện nay chỉ tồn tại 2 dạng thịt là thịt tươi – tức thịt nóng ngay sau khi giết mổ được đem đi tiêu thụ và thịt đông lạnh .

    Việt Nam là một trong số ít quốc gia trên thế giới còn sử dụng dạng thịt nóng ngay sau giết mổ, loại thịt mà sẽ ngay lập tức bị giảm chất lượng do không kìm hãm được hoạt động của vi sinh vật và enzyme và rất khó để kiểm soát tình trạng an toàn vệ sinh.

    Còn thịt mát theo các quy trình sản xuất phổ biến trên thế giới là thân thịt ngay sau khi giết mổ được qua quy trình làm mát để hạ nhiệt độ tâm thịt đến nhiệt độ từ 0 đến 4 độ C trong một thời gian nhất định (khoảng 16 giờ đến 24 giờ cho thịt heo) để cho trạng thái của thịt chuyển sang giai đoạn chín sinh hóa (Aging) sau đó mới được đem đi pha lọc và tiếp theo toàn bộ quá trình vận chuyển, bảo quản, phân phối sản phẩm đều đảm bảo tiến hành ở điều kiện nhiệt độ từ 0-4 độ C.


    Ở Việt Nam chưa có doanh nghiệp nào đủ điều kiện chế biến thịt mát.

    Quá trình bảo quản này giúp ức chế hoạt động của hệ vi sinh vật trên miếng thịt trong khi đó vẫn đảm bảo các quá trình sinh hóa của thân thịt (chết mềm, tê cứng, chín sinh hóa) diễn ra và đảm bảo miếng thịt tới tay người tiêu dùng ở trạng thái sinh hóa tốt nhất mà vẫn đảm bảo an toàn thực phẩm. Cách thức sản xuất, bảo quản và kinh doanh dạng thịt này phổ biến từ lâu và được chuẩn hóa trên thế giới (chilled meat).

    Nếu căn cứ quy trình này thì cho đến thời điểm hiện tại Việt Nam chưa có một nhà máy nào sản xuất ra sản phẩm thịt mát đúng nghĩa. Trong khi đó, thịt mát cũng là sản phẩm được tiêu thụ tại các quốc gia tiên tiến trên thế giới (như EU, Mỹ).

    Theo Bộ NN-PTNT, chăn nuôi heo chiếm khoảng hơn 60% giá trị ngành chăn nuôi Việt Nam. Sản lượng thịt heo trong năm 2016 đã đạt mức kỷ lục, tăng 5% so với năm 2015 và đứng thứ 7 trên thế giới sau Trung Quốc, Mỹ, Đức, Tây Ban Nha, Brazil và Nga (MARD). Tuy nhiên, thịt heo chủ yếu phục vụ cho tiêu dùng nội địa trong khi sản lượng xuất khẩu còn rất nhỏ. Tại Việt Nam, thịt heo chiếm tỷ trọng cao nhất với gần 70% các loại thịt trong bữa ăn hàng ngày của người tiêu dùng.

    Trong tương lai thịt mát cũng là xu hướng phát triển của nền công nghiệp giết mổ, chế biến thịt cũng như xu hướng tiêu dùng mới tại Việt Nam. Chế biến thịt heo mát là mục tiêu hướng đến trong quá trình chuyển đổi cơ cấu sản xuất từ nhỏ lẻ sang chế biến công nghiệp, quản lý theo chuỗi, truy xuất nguồn gốc sản phẩm, đáp ứng các tiêu chí xuất khẩu của các thị trường.

    Trước đó, ngày 16-10, Bộ Khoa học và Công nghệ đã chính thức ban hành Quyết định 3087/QĐ-BHCN về việc công bố Tiêu chuẩn quốc gia đối với thịt mát, trước hết là với thịt heo. Đây là cơ sở để hướng tới một ngành công nghiệp chế biến thịt mát tại Việt Nam phục vụ nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu.

    Theo sggp.gov.vn (21/10/2018)