27 C
Hanoi
Thứ hai, Tháng mười một 18, 2024
More
    Home Blog Page 375

    Trứng có thể biến thành độc khi chế biến sai cách

    0

    Bảo quản trứng không đúng cách, không rửa sạch trứng trước khi chế biến có thể khiến người ăn nhiễm vi khuẩn gây ngộ độc, tiêu chảy… gây hại cho cơ thể.

    Trứng hai lòng bổ hơn

    Hiện nay, rất nhiều người vẫn tin rằng trứng hai lòng đỏ sẽ rất bổ vì nhiều dinh dưỡng. Cũng vì vậy, mà không ít phụ nữ mang thai, có con nhỏ, người có sức khỏe yếu tìm mua cho được trứng hai lòng.

    Theo Ths.BS Doãn Thị Tường Vi, Nguyên trưởng khoa Dinh dưỡng, Bệnh viện 198, Phó Viện trưởng Viện dinh dưỡng lâm sàng trứng hai lòng đỏ có giá trị dinh dưỡng tương đương với trứng bình thường.

    Trứng có hai lòng đỏ cholesterol sẽ tăng lên và lòng trắng (chất Lecithin) sẽ giảm đi. Không nên ăn quá nhiều trứng hai lòng vì có thể đưa một lượng lớn cholesterol vào cơ thể.

    “Đặc biệt, với người rối loạn mỡ máu, rối loạn chuyển hóa không nên dùng trứng hai lòng là thực phẩm để bồi bổ. Trứng hai lòng không bổ hơn trứng thường. Nhưng nếu ăn nhiều trứng hai lòng sẽ không tốt, không chỉ ảnh hưởng tới bệnh lý mà còn là vấn đề hấp thu của cơ thể”, bác sĩ Tường Vi khẳng định.

    Trứng trước khi chế biến cần rửa sạch, ảnh minh họa.

    Cũng theo bác sĩ Tường Vi, trứng 2 lòng chỉ là hiện tượng sinh sản bình thường của gia cầm. Cơ thể con vật cũng rụng hai trứng do vậy, gia cầm đẻ trứng hai lòng đỏ là chuyện bình thường.

    Thông thường noãn hoàn từ buồng trứng rụng xuống, đi qua ống dẫn trứng và quá trình cấu tạo quả trứng diễn ra tại đây, bổ sung lòng trắng và một số chất cần thiết, đến cuối ống dẫn trứng mới hình thành vỏ cứng và được sinh ra ngoài, kết thúc chu trình đẻ trứng trong vòng 24 tiếng.

    Ở những con gà, vịt mới bước vào giai đoạn đẻ trứng, quá trình này chưa hoàn chỉnh nên sẽ làm chậm lại và khi quả trứng thứ nhất chưa kịp hình thành vỏ cứng thì lòng đỏ thứ hai lại rơi xuống, tạo thành quả trứng hai lòng đỏ.

    Không rửa sạch trứng trước khi chế biến

    Bác sĩ Tường Vi cho hay, trên bề mặt vỏ trứng có những lỗ khí nên các vi khuẩn, vi rút, bụi, nấm mốc có thể thẩm thấu vào bên trong quả trứng gây hại cho cơ thể.

    Gà, vịt khi đẻ trứng ra trên bề mặt vỏ có một lớp nhầy để bảo vệ, nhưng lớp màng nhầy này lại rất dễ bị dính phân. Trong phân gia cầm có chứa rất nhiều vi khuẩn khác nhau, trong đó có cả Salmonella.

    Khi ăn vào cơ thể có thể gây ra các triệu chứng ngộ độc tiêu chảy , ói mửa , buồn nôn xuất hiện sau 12 – 36 giờ sau ăn trứng bị nhiễm Salmonella. Các triệu chứng thường kéo dài từ 2 – 7 ngày.

    “Khi mua trứng tại chợ hoặc trứng gia cầm của gia đình, cần phải lưu ý rửa thật sạch khi chế biến (rán, xào, luộc, ốp…). Chỉ ăn trứng khi đã chín, không nên ăn trứng trần, trứng sống nguy cơ nhiễm vi khuẩn, vi rút cao gây hại cho sức khỏe”, bác sĩ Tường Vi cho hay.

    Không tích lũy trứng quá 4 tuần trong tủ lạnh

    Trứng gia cầm của nhà sau khi đẻ, rửa sạch để ráo nước có thể bảo quản trong tủ lạnh khoảng 4 tuần. Không nên để trứng trong tủ quá lâu sẽ hỏng và biến chất.

    Đối với trứng mua ngoài chợ, mua ngày nào nên ăn ngày đó không nên bảo quản trong tủ lạnh. Bởi vì, trứng bán ngoài chợ chúng ta không biết được có phải trứng gia cầm mới đẻ hay không. Trứng bán ngoài chợ, phơi nắng độ đảm bảo tươi cũng không còn.

    Bác sĩ Từng Vi khuyến cáo: “Trước khi, bảo quản trứng cần phải rửa thật sạch, lau khô nước.Lưu ý phải rửa trứng dưới vòi nước, không rửa trong chậu để tránh nước quẩn.

    Nếu không rửa sạch trứng khi cho vào tủ lạnh sẽ biến tủ lạnh thành ổ vi khuẩn ô nhiễm cho các thực phẩm khác. Do phân gà vịt bám trên vỏ trứng có rất nhiều vi khuẩn gây độc cho cơ thể”.

    Ăn trứng như thế nào để khỏe

    Theo bác sĩ Tường Vi hiện nay có rất nhiều nghiên cứu khác nhau về trứng và sức khỏe. Thực phẩm chỉ tốt nếu ăn hợp lý và trứng cũng vậy. Với người mắc bệnh lý rối loạn chuyển hóa có thể ăn 1-2 quả/tuần, người khoảng 4-5 quả/tuần. Ăn trứng đã chín kỹ để đảm bảo an toàn về sinh.

    Theo Trithuctre.vn (8/12/2018)

    Cụ thể hóa việc sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả

    0

    UBND TP Hà Nội vừa ban hành Quyết định số 6565/QĐ-UBND quy định về việc sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trên địa bàn thành phố.

    Theo đó, quy định về việc sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trên địa bàn thành phố có 3 chương và 19 điều. Đáng chú ý, về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trong cơ quan, đơn vị tại trụ sở làm việc, sẽ khuyến khích các cơ quan, đơn vị ban hành quy định và tổ chức thực hiện các biện pháp tiết kiệm điện tại trụ sở làm việc, như:

    Thực hiện mua sắm thiết bị chiếu sáng có hiệu suất cao (bóng đèn huỳnh quang T8, T5, đèn LED) để thay thế cho thiết bị chiếu sáng có hiệu suất thấp; sử dụng các thiết bị có dán nhãn năng lượng từ 3 sao trở lên, thay mới; sử dụng xăng sinh học E5 cho phương tiện sử dụng xăng.


    Ảnh minh họa

    Các cơ quan, đơn vị sử dụng ngân sách nhà nước thực hiện quy định tại Khoản 1, Điều 12 của Quy định này và thực hiện tiết kiệm điện, xây dựng phương án, quy định sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả tại trụ sở làm việc theo Thông tư liên tịch số 111/2009/TTLT/BTC-BCT của liên Bộ Công Thương và Bộ Tài chính báo cáo UBND các quận, huyện, thị xã trước ngày 1/4 hằng năm. Sử dụng, thay mới các thiết bị có dán nhãn năng lượng theo quy định; sử dụng xăng sinh học E5 cho phương tiện sử dụng xăng.

    Đáng chú ý, về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trong hộ gia đình, khuyến khích hộ gia đình thực hiện các biện pháp sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả:

    Thiết kế, xây dựng nhà ở có khả năng tận dụng ánh sáng và thông gió tự nhiên; sử dụng vật liệu cách nhiệt, thiết bị gia dụng là sản phẩm tiết kiệm năng lượng, thiết bị có dán nhãn năng lượng; tăng cường sử dụng phương tiện, thiết bị sử dụng năng lượng tái tạo (bình năng lượng mặt trời); ứng dụng công nghệ nhà thông minh (smarthome).

    Hạn chế sử dụng thiết bị điện công suất lớn, tiêu thụ nhiều điện năng vào giờ cao điểm (từ 17 giờ đến 20 giờ hằng ngày). Tham gia phong trào hộ gia đình sử dụng tiết kiệm năng lượng của thành phố; xây dựng nếp sống, thói quen tiết kiệm năng lượng trong sử dụng thiết bị chiếu sáng và gia dụng.

    Theo Phapluatxahoi.vn (9/12/2018)

    Những vấn đề sức khỏe nguy hiểm thường gặp trong mùa đông

    0

    Thời tiết lạnh và khô là nguyên nhân gây ra nhiều vấn đề sức khỏe nguy hiểm cho con người, đặc biệt trong tình trạng môi trường sống đang ngày càng ô nhiễm như hiện nay. Dưới đây là những bệnh thường gặp nhất trong mùa đông và cách để giúp bạn phòng tránh.

    Cảm lạnh

    Nếu gặp các triệu chứng như hắt hơi, nói ra bằng giọng mũi do nghẹt mũi thì đích thị đó là khi bạn bị cảm lạnh. Cảm lạnh thường khiến nước mũi chảy nhiều hơn, khi bị nặng nước mũi sẽ có màu xanh hoặc vàng do mũi đã bị nhiễm trùng. Đó là khi bạn đã mắc cảm lạnh sâu.

    Bạn có thể phòng tránh căn bệnh mùa đông này bằng cách rửa tay thường xuyên. Điều này giúp loại bỏ vi khuẩn mà bạn có thể bị nhiễm từ việc chạm vào các đồ vật được sử dụng chung với những người xung quanh như công tắc đèn, tay nắm cửa…

    Cúm

    Cũng tương tự như cảm lạnh, cúm là một bệnh dễ mắc trong mùa đông. Người ở độ tuổi từ 65 trở lên, phụ nữ có thai và người có bệnh mãn tính như tiểu đường, bệnh thận và bệnh phổi tắc nghẽn (COPD)… đặc biệt có nguy cơ tử vong khi bị cúm.

    Cách tốt nhất để phòng ngừa căn bệnh này là tiêm vắc xin. Thuốc chủng ngừa cúm bảo vệ tốt cho cơ thể chống chọi lại virut này và kéo dài được một năm. Nếu bạn trên 65 tuổi hoặc có tình trạng sức khoẻ mắc bệnh mãn tính, bạn nên tiêm vắc xin chống phế cầu khuẩn và phòng ngừa bệnh viêm phổi.

    Cách tốt nhất để phòng ngừa căn bệnh này là tiêm vắc xin.

    Viêm họng

    Đau họng thường xảy ra vào mùa đông và phần lớn nguyên nhân là do nhiễm virus. Có một số bằng chứng cho thấy sự thay đổi và chênh lệch nhiệt độ – ví dụ như đi từ một căn phòng ấm áp ra ngoài trời lạnh giá – cũng là nguyên nhân ảnh hưởng đến cổ họng.

    Một biện pháp khắc phục nhanh chóng và dễ dàng để xử lý khi bị đau họng là súc miệng với nước muối ấm. Mặc dù nước muối không chữa được nhiễm trùng, nhưng nó có tính chống viêm và giúp làm dịu cổ họng đang đau rát.

    Hen suyễn

    Không khí lạnh là một trong những yếu tố chính gây ra các triệu chứng hen như thở khò khè và thở dốc. Do đó những người bị hen nên đặc biệt cẩn thận vào mùa đông.

    Hãy ở trong nhà vào những ngày nhiệt độ xuống thấp và gió rét. Nếu bạn phải đi ra ngoài, hãy đeo khăn hoặc khẩu trang che kín mũi và miệng. Để cẩn thận hơn nữa, hãy tích trữ các loại thuốc thông thường và giữ thuốc dạng hít hoặc dạng xịt bên mình, đồng thời luôn chú ý giữ ấm để tránh bị bệnh suyễn tấn công.

    Đau dạ dày do lạnh

    Trong thời tiết lạnh, nhiều người thường bị đau dạ dày nhiều hơn so với bình thường. Trong khi chưa có phương pháp hữu hiệu ngăn chặn viêm loét dạ dày, bạn có thể giảm nguy cơ mắc bệnh bằng cách chăm sóc bản thân để tăng sức đề kháng.

    Hàng ngày, hãy làm những việc khiến bạn cảm thấy bớt căng thẳng như tắm nước nóng, đi bộ trong công viên hoặc xem một trong những bộ phim mà mình yêu thích.

    Đau khớp

    Nhiều người bị viêm khớp cho biết khớp của họ trở nên đau đớn và cứng hơn vào mùa đông mà không rõ nguyên nhân. Hiện chưa có bằng chứng cho thấy sự thay đổi thời tiết gây ra những tổn hại chung đến khớp.

    Nhiều người bị trầm cảm nhẹ trong những tháng mùa đông u ám và điều này có thể làm cho họ cảm thấy đau đớn hơn. Tập thể dục hàng ngày có thể làm tăng trạng thái tinh thần và thể chất, trong đó bơi lội là cách luyện tập lý tưởng vì nó tác động trực tiếp lên các khớp một cách tích cực.

    Đau tim

    Các cơn đau tim cũng phổ biến hơn vào mùa đông. Điều này có thể là do thời tiết lạnh làm tăng huyết áp và gây nhiều áp lực hơn lên tim. Trái tim của bạn cũng phải làm việc nhiều hơn để duy trì nhiệt của cơ thể khi trời lạnh.

    Để tránh bị đau tim trong mùa đông, hãy chú ý giữ ấm cho căn nhà của bạn. Duy trì nhiệt độ phòng ở mức thấp nhất là 18 độ C và sử dụng bình nước nóng hoặc chăn điện để giữ ấm trên giường. Ngoài ra, bạn cũng đừng quên mặc ấm khi đi ra ngoài, đặc biệt là phần đầu, cổ và tay chân.

    Bệnh mề đay

    Đây là bệnh về da phổ biến khi tiết trời trở lạnh, thường mắc phải ở cả người lớn và trẻ em. Thông thường, những người mắc bệnh này thường có cơ địa hết sức nhạy cảm. Do vậy, chỉ cần tiếp xúc với môi trường lạnh, đồ ăn – thức uống, mỹ phẩm không phù hợp cũng dễ dẫn đến nổi bệnh.

    Biểu hiện thường thấy là sự xuất hiện những u mảng (dày hoặc mỏng) màu hồng hoặc đỏ nhạt trên da. Mề đay được chia làm 2 trường hợp: Cấp tính (phù nề, ngứa dữ dội trong một khoảng thời gian ngằn) và Mãn tính (cùng dấu hiện mẩn ngứa trong một thời gian dài, có thể ngắt quãng hoặc liên tục). Trong trường hợp mề đay nhiều ngày không khỏi, bạn nên thăm khám cẩn thận để tìm được liệu pháp chữa trị thích hợp.

    Bệnh á sừng

    Hiện nay, á sừng trở thành loại bệnh phổ biến, thường gặp ở nữ giới. Biểu hiện của nó chính là: da bị khô, đóng thành từng mảng vẩy, bong tróc; ban đầu thường xuất hiện ở đầu mỗi ngón tay chân, sau đó lan dần xuống các khớp, rồi cả bàn tay, bàn chân. Khi bị mắc căn bệnh này, người bệnh thường khó co duỗi tay, sinh hoạt khó khăn, chỉ cần nước hay mồ hôi tiếp xúc trên bề mặt vết thương cũng gây đau, xót.

    Bệnh này rất khó để chữa khỏi, nếu đã bị thì suốt cả mùa đông hay hè cũng đều bị tróc vẩy, bong da. Nhưng vào mùa đông sẽ bị bong tróc nặng hơn, thậm chí rớm máu. Khi gặp những dấu hiệu trên bạn cần giữ cơ thể sạch sẽ, hạn chế tiếp xúc môi trường ô nhiễm, thăm khám và xử lý vết thương theo chỉ dẫn của bác sĩ.

    Theo Anninhthudo.vn (9/12/2018)

    EU thúc đẩy cuộc chiến chống biến đổi khí hậu

    0

    Ngày 28/11/2018, Ủy bản châu Âu (EC) đã giới thiệu một đề án về chiến lược khí hậu từ nay đến năm 2050 của Liên minh châu Âu (EU), nhằm thúc đẩy các nước thành viên tiên phong trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu.

    Theo Đề án này, trên cơ sở các quyết định được đưa ra liên quan đến tỷ lệ năng lượng tái tạo trong số các nguồn năng lượng hỗn hợp hoặc liên quan đến tiêu chuẩn khí thải trong ngành vận tải, EU đang đi đúng hướng để có thể hoàn thành mục tiêu tốt hơn dự kiến. EU từng đặt mục tiêu giảm 40% lượng khí thải từ nay đến năm 2030 so với thời điểm năm 1990, song thực tế tỷ lệ này còn có thể đạt được tới 45%. Với chiều hướng này, nhiều khả năng EU sẽ đạt được mục tiêu giảm 60% lượng khí thải từ nay đến năm 2050.

    Khói mù bao phủ bầu trời tại Sydney, Ôxtrâylia (Ảnh: AFP/TTXVN)

    Trong Đề án về chiến lược khí hậu, EC cũng đặt ra 8 mục tiêu khả thi, trong đó có 2 mục tiêu tham vọng nhất là nhằm vào vấn đề phát thải khí Các bon trung tính đến năm 2050. Để có thể đạt được mục tiêu, theo tính toán, EU sẽ phải dành 2,8% GDP mỗi năm, tương đương 290 tỷ euro cho đầu tư vào cơ sở hạ tầng. Mặc dù chi phí đầu tư tốn kém, đề án có thể mang lại lợi ích kinh tế lên đến 2% GDP của EU vào năm 2050, đồng thời tạo thêm nhiều công ăn việc làm cho người lao động, đặc biệt là trong các lĩnh vực năng lượng tái tạo. Ngoài ra, chưa tính đến lợi ích về sức khỏe cộng đồng, các nước thành viên EU còn có thể giảm được chi phí từ 2-3 nghìn tỷ euro cho nhập khẩu hydrocarbon từ nay đến năm 2050.

    Tuy nhiên, theo nhận định của giới chuyên gia kinh tế khu vực, sự lựa chọn mang tính chính trị đầy tham vọng của EU chắc chắn sẽ gặp nhiều khó khăn và thách thức. Các ngành công nghiệp tiêu thụ năng lượng nhiều nhất có thể sẽ bị ảnh hưởng nặng nề. Do đó, các quốc gia thành viên cần phải thận trọng hơn, nhất là trong bối cảnh làn sóng phải đối việc tăng thuế môi trường đối với nhiên liệu đang dâng cao tại Pháp. Trong khi đó, Đức cũng bày tỏ quan ngại mục tiêu giảm khí thải của EU sẽ tác động tiêu cực đến ngành công nghiệp ô tô của nước này.

    Theo Trần Tân/tapchimoitruong.vn

    World Bank cam kết 200 tỷ USD để ứng phó biến đổi khí hậu

    0

    Ngân hàng Thế giới cam kết 200 tỷ USD trong giai đoạn 2021-2025, tức gấp đôi khoản tài trợ 5 năm hiện tại, nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu.

    World Bank ngày 3/12 cho biết quyết định, đưa ra cùng lúc với Hội nghị Liên Hợp Quốc về Biến đổi khí hậu tại Ba Lan, thể hiện “mong muốn mạnh mẽ ngày càng gia tăng đáng kể” để giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu và “lan truyền rộng tín hiệu quan trọng thúc đẩy cộng đồng quốc tế làm theo”.

    Các nước phát triển cam kết tăng tổng chi tiêu công và tư thường niên lên 100 tỷ USD tại những nước đang phát triển nhằm đối phó với hậu quả biến đổi khí hậu trước năm 2020. Theo số liệu của OECD, khoản hỗ trợ này cao hơn nhiều so với năm 2016 (48,5 tỷ USD) và 2017 (56,7 tỷ USD).

    Dẫu vậy, các quốc gia Nam bán cầu chịu ảnh hưởng từ mức tăng nhiệt đang thúc giục Bắc bán cầu thực hiện những cam kết mạnh mẽ hơn.

    Theo thông cáo, trong cam kết 200 tỷ USD, “khoảng 100 tỷ USD là nguồn quỹ trực tiếp từ WB”. 1/3 phần còn lại đến từ hai tổ chức tài chính thành viên của Nhóm Ngân hàng Thế giới và 2/3 là vốn tư nhân “do Nhóm Ngân hàng Thế giới huy động”.

    “Nếu chúng ta không giảm thiểu phát thải và bắt đầu thích ứng ngay bây giờ, ta sẽ có thêm 100 triệu người sống trong nghèo khó vào năm 2030”, John Roome, giám đốc cấp cao về biến đổi khí hậu tại WB, cảnh báo.

    “Và chúng ta cũng biết rằng càng thiếu chủ động trong việc giải quyết vấn đề chỉ ở ba khu vực là châu Phi, Nam Á và Mỹ Latin thì chúng ta đã có tới 133 triệu người di cư khí hậu”, AFP dẫn lời ông Roome.

    Gói tài chính của WB tương đương với “khoảng 40 tỷ USD/năm, nhưng số vốn trực tiếp trung bình là 27 tỷ USD/năm”, ông Roome nói, cho biết thêm riêng năm tài khóa 2018 (tháng 6/2017- tháng 6/2018), WB đã đầu tư 20,5 tỷ USD cho hoạt động khí hậu. Số liệu trung bình trong giai đoạn 2014-2018 là 13,5 tỷ USD.

    Theo ông, khoản vốn được chỉ định hiện chiếm tỷ trọng xấp xỉ 35% tổng cam kết từ WB. Trong đó, phần lớn sẽ được sử dụng để giảm phát thải khí nhà kính, đặc biệt thông qua phát triển các dự án năng lượng tái tạo.

    Tuy nhiên, WB cũng khẳng định “ưu tiên then chốt là tăng cường hỗ trợ thích nghi với biến đổi khí hậu” trong bối cảnh hàng triệu người đang phải chống chọi với thời tiết cực đoan.

    “Bằng cách tăng hỗ trợ tài chính trực tiếp để thích ứng với biến đổi khí hậu lên tới 50 tỷ USD trong giai đoạn tài khóa 2021-2025, đây là lần đầu tiên WB dành sự chú trọng cho mục tiêu này ngang bằng với các khoản đầu tư giảm phát thải khác”, AFP dẫn thông cáo.

    Trước tính cấp bách của tình trạng nước biển dâng, ngập lụt và hạn hán, “chúng ta phải xử lý từ gốc rễ nguyên nhân, nhưng cũng cần thích ứng với những hậu quả mà thường ảnh hưởng nghiêm trọng nhất tới người nghèo”, Tổng giám đốc điều hành WB Kristalina Georgieva nói.

    Theo bà, bằng việc tăng cường hỗ trợ tài chính cho các quốc gia đang phát triển bị ảnh hưởng nặng nề, WB cam kết chuyển đổi cơ sở hạ tầng thích nghi biến đổi khí hậu, đồng thời đầu tư vào “nông nghiệp thích ứng thông minh với khí hậu, quản lý nước bền vững và lưới an sinh xã hội đáp ứng”, cũng như mạng lưới phản ứng sớm.

    “Kể cả nếu có thể giữ cho ấm lên toàn cầu ở mức 2 độ C, chúng ta biết rõ là những khu vực như Chad, Mozambique và Bangladesh sẽ cần điều chỉnh đáng kể để thích ứng”, ông Roome nhấn mạnh.

    Đại diện gần 200 quốc gia đang có mặt tại Hội nghị Liên Hợp Quốc về Biến đổi khí hậu khai mạc hôm 2/12 tại thành phố Katowice, Ba Lan, nhằm nỗ lực hiện thực hóa các cam kết trong Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu năm 2015. Theo thỏa thuận, các nước nhất trí giữ nhiệt độ toàn cầu tăng không quá 2 độ C và nỗ lực giới hạn mức tăng ở 1,5oC.

    Theo Zing.vn

    Đề xuất biến sông Tô Lịch đẹp như sông Thames, DN muốn đổi lấy gì?

    0

    Công ty Cổ phần hạ tầng Phương Bắc vừa có văn bản đề xuất ý tưởng cải tạo sông Tô Lịch đẹp như sông Thames ở nước Anh với thành phố Hà Nội để đối lấy một số “ưu đãi”.

    Văn bản của công ty trên được gởi các cơ quan chức năng của Hà Nội ngày 8.11 vừa qua, do ông Đàm Văn Long Chủ tịch HĐQT công ty này ký. Công ty này nhấn mạnh sẽ không lấy phí từ dự án và giới thiệu Tập đoàn Vingroup làm chủ đầu tư.

    Hình thức đầu tư công ty này đề xuất là kết hợp giữa xây dựng – chuyển giao (BT) và xây dựng – khai thác – chuyển giao (BOT).

    Tình trạng ô nhiễm trên sông Tô Lịch đã kéo dài nhiều năm.

    Riêng với hình thức BT, Công ty Phương Bắc đề xuất UBND thanh toán quỹ đất cho nhà đầu tư. Với hạng mục BOT, Công ty Phương Bắc đề xuất để nhà đầu tư kinh doanh, khai thác du lịch có thời hạn trên sông Tô Lịch.

    Ngoài các hạng mục cải tạo, Công ty Phương Bắc đề xuất xây dựng hệ thống du lịch sông Tô Lịch, bao gồm du lịch đường sông và các quán cafe nổi trên sông để cho nhà đầu tư khai thác một thời gian.

    Công ty Phương Bắc cũng đề xuất xin tham gia đầu tư hệ thống quán cafe nổi trên sông trong nội dung phát triển du lịch sông Tô Lịch.

    Công ty Phương Bắc cũng đưa ra đề xuất hình thức đầu tư cho dự án là đối tác công tư (PPP).

    Trong đó, UBND TP Hà Nội sẽ thanh toán quỹ đất cho Nhà đầu tư; Nhà đầu tư sẽ đầu tư để kinh doanh, khai thác du lịch có thời hạn trên sông Tô Lịch; Ưu đãi một số loại thuế cho doanh nghiệp…

    Để sông Tô Lịch đẹp như sông Thames nước Anh, Công ty Phương Bắc đề xuất cải tạo lại hệ thống thoát nước thải thành hệ thống đi riêng, nước đổ ra sông sẽ là nước mưa tự nhiên và nguồn nước sạch tự nhiên; Xây dựng lại hệ thống kè để tiết kiệm không gian, quỹ đất.

    Trồng cây và các vật liệu kiến trúc mang đến cho Thành phố vẻ đẹp đặc sắc văn hóa riêng của thủ đô Hà Nội và phù hợp với phong thủy như vốn có trước đây.

    Nhà đầu tư sẽ thực hiện nạo vét đáy sông tạo dòng chảy tự nhiên đảm bảo nguồn nước sạch cho các sinh vật sinh sống.

    Kết nối với sông Hồng và một số hồ hiện có như Hồ Tây… tạo thành hệ thống sông – hồ hài hòa (giai đoạn tiếp theo sẽ kết nối với sông Nhuệ, sông Kim Ngưu và các sông khác xung quanh để thoát nước mưa và chống ngập cho thành phố).

    Theo Laodong.vn (5/12/2018)

    VNCPC tham vấn ý kiến địa phương về thực hiện hoạt động thí điểm tại hai làng nghề tái chế nhựa

    0

    Ngày 04/12/2018, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Hưng Yên đã tổ chức cuộc họp tham vấn Gói thầu “Cung cấp dịch vụ và kỹ thuật cho công nghệ tái chế nhựa thí điểm tại 2 làng nghề Minh Khai và Phan Bôi, tỉnh Hưng Yên”. Cuộc họp nhằm tham vấn ý kiến đại biểu thuộc các Sở, ngành, chính quyền địa phương về các hoạt động của dự án trong giai đoạn khởi động và triển khai kế hoạch thực hiện chi tiết, góp phần thực hiện hiệu quả hoạt động thí điểm này.

    Đây là gói thầu thuộc Hợp phần 3 của Dự án “Trình diễn áp dụng Phương pháp kỹ thuật tốt nhất hiện có (BAT) và Kinh nghiệm môi trường tốt nhất (BEP) trong hoạt động đốt ngoài trời nhằm thực hiện Công ước Stockholm về các chất ô nhiễm hữu cơ khó phân hủy (POP)” do Quỹ Môi trường toàn cầu (GEF) tài trợ, ủy thác thông qua Tổ chức Phát triển Công nghiệp Liên Hợp quốc (UNIDO).

    Toàn cảnh cuộc họp tham vấn.

    Tại Việt Nam, Tổng Cục Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) là Ban quản lý Dự án.

    Với vai trò là đơn vị thực hiện, liên danh gồm Công ty TNHH Trung tâm Sản xuất sạch hơn Việt Nam (VNCPC – đơn vị chủ trì), Công ty TNHH Vinacolour và Công ty TNHH Công nghệ Môi trường Việt Trung, đã trình bày cách thức thực hiện và kế hoạch triển khai Hợp phần dự án cụ thể tại 2 làng nghề Minh Khai và Phan Bôi trong 2 năm 2019 – 2020.

    Đại diện VNCPC trình bày cách thức thực hiện và kế hoạch triển khai hợp phần dự án.

    Các đại diện đến từ Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Hưng Yên, lãnh đạo huyện Văn Lâm, Mỹ Hào, thị trấn Như Quỳnh, xã Dị Sử và cơ quan quản lý môi trường các cấp tham gia cuộc họp đã chia sẻ, cập nhật tình hình hoạt động tái chế nhựa tại 2 làng nghề cũng như chiến lược bảo vệ môi trường của địa phương.

    Ông Nguyễn Bật Khánh – Chủ tịch UBND huyện Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên phát biểu ý kiến ủng hộ dự án tại cuộc họp.

    Các đại biểu thuộc các ban ngành rất ủng hộ dự án và mong muốn dự án sớm được triển khai để góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường tại làng nghề, cũng như nâng cao hiệu quả kinh tế cho các hộ dân. Ngoài ra, các đại biểu cũng mong muốn các dây chuyền thí điểm sẽ được xây dựng để các hộ gia đình có thể học hỏi và chuyển đổi nhằm hướng đến một nền sản xuất bền vững.

    Theo VNCPC

    VNCPC tham gia phiên họp khởi động Hợp phần cung cấp dịch vụ và kỹ thuật cho công nghệ tái chế nhựa thí điểm tại 2 làng nghề

    0

    Ngày 6/11/2018, tại Tổng Cục môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường), Ban Quản lý dự án đã tổ chức cuộc họp khởi động Hợp phần cung cấp dịch vụ và kỹ thuật cho công nghệ tái chế nhựa thí điểm tại 2 làng nghề, ở Hưng Yên. Buổi họp nhằm thống nhất các nội dung, kế hoạch thực hiện và các hoạt động điều phối, quản lý các sản phẩm của gói thầu.

    Đây là gói thầu thuộc Hợp phần 3 của Dự án “Trình diễn áp dụng Phương pháp kỹ thuật tốt nhất hiện có (BAT) và Kinh nghiệm môi trường tốt nhất (BEP) trong hoạt động đốt ngoài trời nhằm thực hiện Công ước Stockholm về các chất ô nhiễm hữu cơ khó phân hủy (POP)”, được Quỹ Môi trường toàn cầu (GEF) tài trợ, ủy thác thông qua Tổ chức Phát triển Công nghiệp Liên Hợp quốc (UNIDO).

    Dự án là hành động thiết thực nhằm thực hiện Công ước Stockholm về các chất ô nhiễm hữu cơ khó phân hủy. Trên thế giới, hiện có 5 quốc gia gồm Campuchia, Lào, Mông Cổ, Philippines và Việt Nam được UNIDO lựa chọn là nơi triển khai thực hiện.

    Dự án là hành động thiết thực nhằm thực hiện Công ước Stockholm về các chất ô nhiễm hữu cơ khó phân hủy.

    Gói thầu này do liên danh gồm Công ty TNHH Trung tâm Sản xuất sạch hơn Việt Nam (VNCPC, đơn vị chủ trì) cùng các đối tác là Công ty TNHH Vinacolour, Công ty TNHH Công nghệ Môi trường Việt Trung thực hiện tại 2 làng nghề tái chế nhựa Minh Khai và Phan Bôi (Hưng Yên), trong thời gian 2 năm (2018 – 2020).

    Mục đích của gói thầu là khảo sát, nghiên cứu khả thi, xác định và áp dụng thử nghiệm giải pháp BAT/BEP nhằm cải tiến quy trình sản xuất, giảm lượng chất thải phát sinh trong quá trình sản xuất đồng thời giảm phát thải các chất ô nhiễm hữu cơ khó phân hủy phát sinh không chủ định (UPOP) do các hoạt động đốt chất thải nhựa.

    Các hoạt động chính của Dự án gồm:

    • Khảo sát, đánh giá xác định hiện trạng công nghệ tái chế nhựa tại 2 làng nghề
    • Đề xuất các giải pháp BAT/BEP
    • Tập huấn, chuyển giao công nghệ cho các hộ gia đình
    • Lắp đặt, thử nghiệm hai dây chuyền công nghệ mới tại hai làng nghề
    • Lắp đặt và chạy thử nghiệm dây chuyền tái chế nhựa thải tạo ra sản phẩm có ích như gạch, ngói nhựa, hàng rào nhựa, khay, máng nhựa,…
    • Đo đạc, phân tích hiệu quả kinh tế và môi trường trước và sau khi thực hiện dự án.

    Theo VNCPC

    Costa Rica: Những giải pháp giảm thiểu ô nhiễm môi trường

    0

    Là một trong những quốc gia tích cực trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu, BVMT, Costa Rica đang tiếp tục có những hành động kiên quyết và nghiêm túc nhằm giảm thiểu ô nhiễm môi trường, hướng đến phát triển bền vững đất nước.

    Costa Rica là quốc gia dẫn đầu thế giới về tỷ lệ sử dụng NLTT

    Tháng 6/2016, Costa Rica đã đình chỉ hoạt động của tất cả các nhà máy nhiệt điện chạy bằng than trên toàn quốc và phát triển hiệu quả nguồn năng lượng tái tạo (NLTT). Năm 2017, Costa Rica dẫn đầu thế giới về tỷ lệ sử dụng NLTT, cũng là năm thứ 3 liên tiếp phá kỷ lục về số ngày chỉ sử dụng năng lượng sạch. Theo thống kê của Trung tâm Kiểm soát năng lượng quốc gia Costa Rica (CNCE) công bố ngày 26/2/2018, năm 2017, Costa Rica đã có 300 ngày chỉ sử dụng điện năng từ các nguồn NLTT, vượt mức 299 ngày và 271 ngày, tương ứng của năm 2016, 2015.

         Hiện Costa Rica là quốc gia đứng đầu thế giới về sử dụng năng lượng tái tạo.

    Sản lượng điện từ NLTT của Costa Rica trong năm 2017 đã đáp ứng được 99,62% nhu cầu điện tiêu thụ của 4,8 triệu dân nơi đây, trong đó, thủy điện là nguồn năng lượng chủ chốt, cung cấp 78,26% lượng điện tiêu thụ, tiếp đến là điện gió (phong điện) với 10,29% và địa nhiệt 10,23%. Riêng nguồn điện gió đã đạt sản lượng kỷ lục trong năm 2017, với 1.015 GW/h, đáng chú ý, năm 1996, Costa Rica mới chỉ có 1 công viên phong điện nhưng hiện nay đã lên đến 16 công viên, hoạt động tại hai tỉnh Guanacaste và San Jose, đạt công suất 1.088 GW.

    Trong khi đó, điện Mặt Trời là nguồn năng lượng tiềm năng nhưng chưa được khai thác mạnh, do giá thành cao. Mới đây, Costa Rica đã đưa vào hoạt động công viên năng lượng Mặt trời Solar Juanilama, công suất 9 GWh tại tỉnh Guanacaste, đảm bảo cung cấp điện cho 2.100 hộ dân, góp phần giảm thải 1.500 tấn CO2 vào bầu khí quyển mỗi năm. Costa Rica cũng đã nghiên cứu thành công phương pháp sản xuất điện từ chất thải cà phê, giúp hạn chế khí nhà kính phát thải ra môi trường.

    Đặc biệt, ngày 9/5/2018, tân Tổng thống Costa Rica Carlos Alvarado đã công bố Kế hoạch cấm sử dụng hoàn toàn nhiên liệu hóa thạch và trở thành quốc gia đi đầu trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu toàn cầu, phấn đấu tới năm 2021, trở thành quốc gia không phát thải khí CO2 công nghiệp. Trong đó, mục tiêu của ngành giao thông là 100% phương tiện chạy bằng năng lượng sạch. Hiện đã có 2 dự án luật được đệ trình Quốc hội Costa Rica xem xét, hướng tới miễn thuế nhập khẩu xe ô tô điện, tạo ra một mạng lưới các điểm sạc điện cho loại hình xe hơi và bắt buộc điện hóa một phần hệ thống phương tiện vận tải công cộng.

    Năm 2017, Chính phủ Costa Rica cũng đưa vào hoạt động loại xe buýt sử dụng nhiên liệu khí hydro, đưa Costa Rica trở thành nước thứ 3 trong khu vực Mỹ Latinh áp dụng công nghệ này, sau Braxin và Ác-hen-ti-na. Dự án thực hiện trong vòng 6 năm, tổng số vốn đầu tư là 4,2 triệu USD, với sức chứa 35 hành khách, tốc độ tối đa 110 km/giờ, có thể chạy tối đa 338 km và tiêu thụ hết 39 kg hydro nén. Điểm khác biệt của xe buýt hydro so với các loại xe tương tự đang lưu hành tại các nước công nghiệp phát triển như Nhật Bản và Mỹ là hydro được tách ra từ phân tử nước nên không gây ô nhiễm không khí. Tới đây, Costa Rica sẽ nhân rộng hình mẫu xe buýt hydro hoạt động 100% NLTT trong hệ thống giao thông công cộng, nhằm giảm nhập khẩu dầu khí và cải thiện môi trường không khí ở các TP lớn.

    Phấn đấu đến năm 2021 trở thành quốc gia trung lập về khí thải các bon

    Không chỉ được công nhận bởi những thành tựu trong cuộc chiến ngăn chặn nạn phá rừng, đi tiên phong trong thực hiện chi trả dịch vụ hệ sinh thái từ những năm 1990, mới đây, Chính phủ Costa Rica còn đưa ra cam kết, đến năm 2021 sẽ cấm sử dụng hoàn toàn các loại nhựa dùng một lần, nhằm trở thành quốc gia trung lập về khí thải các bon. Theo đó, tất cả những loại đồ dùng một lần như cốc, đĩa, thìa, ống hút, dao… đều không được phép lưu hành.

    Costa Rica đang lên kế hoạch cấm sử dụng hoàn toàn các loại nhựa dùng một lần vào năm 2021.

    Hiện nay, một bãi chứa rác có diện tích lớn hơn cả bang Texas (Mỹ) đang trôi nổi trên biển Thái Bình Dương, dự kiến đến năm 2050, lượng rác thải nhựa trong lòng đại dương có thể sẽ vượt quá cả số lượng cá. Tại Costa Rica, trung bình mỗi năm có khoảng 4.000 tấn chất thải rắn và 20% trong số đó không thể tái chế mà thải ra môi trường.

    Vì vậy, quốc gia này quyết định phải có những kế hoạch, biện pháp cụ thể để hạn chế sử dụng, tiến tới loại bỏ rác thải không thể tái chế. Để thực hiện Kế hoạch cấm sử dụng hoàn toàn các loại nhựa dùng một lần vào năm 2021, Chính phủ Costa Rica đã đưa ra nhiều chính sách thiết thực như hỗ trợ tài chính cho các tổ chức tư nhân và công cộng chấm dứt việc sử dụng nhựa một lần. Đồng thời, khuyến khích những dự án nghiên cứu sáng tạo, giải pháp bền vững để tìm ra các chất có thể thay thế cho nhựa. Hiện một nhóm nghiên cứu sinh thuộc trường Đại học Costa Rica đã thử nghiệm thành công loại vật liệu làm từ chuối, có ưu điểm là dẻo, dai gấp 5 lần nhựa thông thường và sẽ phân hủy trong vòng 18 tháng.

    Ngoài ra, tháng 4/2018, được sự hỗ trợ của Bộ Y Tế Costa Rica, Công ty Truyền thông và Phát triển bền vững Próxima Comunicatión đã phát động Chương trình tái chế bằng những đồng crytocpoin “xanh”, nhằm khuyến khích người dân thu thập, rửa sạch, hong khô gom và gửi các vật liệu có thể tái chế (chai thủy tinh, thùng các tông, lon nhôm…) về 36 trung tâm thu gom được ủy quyền để đổi lấy tiền điện tử ecolones.

    Cách thức tham gia Chương trình rất đơn giản, chỉ cần đăng ký trực tuyến trên điện thoại di động, mỗi người sẽ được cấp một tài khoản sinh thái và khi mang đồ tái chế đến một trong các trung tâm ủy quyền, tiền sẽ tự động thanh toán vào “ví điện tử”. Khi tích lũy đủ ecolones, người dân có thể sử dụng tiền mặt để chi trả cho sản phẩm, dịch vụ hoặc trải nghiệm một số hoạt động theo ý muốn từ các công ty, doanh nghiệp đồng hành cùng Chương trình. Hiện đã có hơn 10 công ty hỗ trợ, chấp nhận phương thức tiền tệ này của Costa Rica như Musmanni, rạp chiếu phim Magaly, Florex, Casa Armonía, Công ty dược Fischel…

    Những kế hoạch, hành động về BVMT mà Costa Rica đã và đang nỗ lực thực hiện không chỉ là giải pháp tạm thời, nó là quá trình thể hiện sự kiên quyết với hy vọng có thể góp phần kiến tạo nên một thế giới bền vững hơn trong thời kỳ hiện đại hoá – công nghiệp hóa.

    Theo Trương Thị Giang/tapchimoitruong.vn

    Gạch sinh thái Ecobricks: Giải pháp cho môi trường xanh

    0

    Những năm gần đây, các câu lạc bộ (CLB), tổ chức tình nguyện đã có nhiều sáng kiến, chương trình, dự án BVMT hữu ích, dần dần hình thành làn sóng “sống xanh” trong giới trẻ.

    Theo đó, Dự án chế tạo một loại gạch từ vật liệu nhựa phế thải có tên gọi là gạch sinh thái “Ecobicks” do nhóm bạn trẻ (là học sinh, sinh viên Trường Lê Quý Đôn, Trần Phú, Amsterdam, Viện Đại học mở Hà Nội…) đến từ CLB Les Pas Verts thực hiện là một giải pháp cho môi trường xanh.

    Gạch sinh thái “Ecobricks”do các bạn trẻ CLB Les Pas Verts thực hiện

    Trước đây, ý tưởng về công nghệ gạch sinh thái “Ecobricks” đã được thử nghiệm ở Philíppin. Từ các chai, lọ bằng nhựa bỏ đi, trôi nổi tự do trên sông, hồ, đại dương, các nhà khoa học hoạt động về lĩnh vực môi trường ở Philíppin đã biến chúng thành những viên gạch có ích, xây dựng nên những công trình kiên cố và đẹp mắt như nhà trọ, ký túc xá hay nhà tắm mini.

    Năm 2016, Ziggie Gonzales, ông chủ chuỗi nhà nghỉ tại Zambales, La Union và Baler ở Philíppin biết đến cách thức làm gạch sinh thái từ những chai nhựa bỏ đi trên mạng internet và quyết định áp dụng. Ông tìm kiếm lượng lớn chai nhựa trên bãi biển và bắt đầu nhồi tất cả các thứ rắn khác vào trong chai sau đó đóng nắp chai chặt lại để không cho chai nhựa biến dạng. Sau khi tự làm gạch từ các chai nhựa bỏ đi và xây nên những công trình như nhà tắm, nhà trọ thành công, Gonzales đã chia sẻ với mọi người dân thông qua Sáng kiến mới có tên “The Plastic Solution” (giải pháp cho chất thải nhựa) với hy vọng giúp người dân người nhận thức được tầm quan trọng trong việc BVMT.

    Như vây, chỉ cần một chai nhựa hay bất kỳ chiếc hộp đựng nào cũng có thể biến thành một viên gạch từ nhựa tái chế. Có thể tất cả các loại chai, lọ, hộp đều được dùng làm gạch tái chế, nhưng với loại chai nhựa 500ml thì phù hợp nhất bởi nó nhỏ gọn. Trong vòng 4 năm (từ 2010 – 2014), phong trào sản xuất gạch sinh thái “Ecobricks” được phổ biến rộng rãi tại 1.700 trường học ở Philippines để các em học sinh nhận thức được việc BVMT, cũng như xử lý rác thải nhựa tại nơi mình sinh sống. Sau đó, phong trào tái chế các chai nhựa thành gạch sinh thái phát triển mạnh hơn tới Nam Phi, Zambia, Mỹ và Inđônêxia, hình thành Khối liên minh Ecobricks toàn cầu.

    Ở Việt Nam, Dự án chế tạo gạch sinh thái được hình thành từ cuối năm 2017 và bắt đầu được triển khai từ cuối tháng 1/2018. Với thông điệp “Vì một tương lai không chịu ảnh hưởng của rác thải nhựa, hãy hành động ngay từ hôm nay”, CLB Les Pas Verts thuộc Tổ chức tình nguyện Water Wise Vietnam (tổ chức dành cho những bạn trẻ yêu môi trường do Đại sứ quán Mỹ tài trợ) đã tổ chức nhiều đợt truyền thông và những hoạt động ngoại khóa như workshop, triển lãm “Ngày hội sống xanh”, Chương trình làm gạch sinh thái “Ecobricks” cho các em học sinh, nhờ đó, số lượng người tham gia và hưởng ứng Dự án ngày càng tăng.

    Ngôi nhà được xây bằng gạch sinh thái “Ecobricks” ở Philíppin.

    Nguyên liệu để chế tạo nên gạch sinh thái phải được chọn lọc, bao gồm: Chai nhựa được phơi khô, sạch còn nguyên hình dạng không bị thủng, vỡ (có thể dùng chai 500ml – 1,5l), túi ny lông mềm hoặc cứng, hộp xốp, cốc nhựa dùng 1 lần, vỏ bao bì, giấy bọc nhựa, ống hút… Để viên gạch cứng, không bị bục vỡ hoặc nấm mốc sinh sôi thì những nguyên liệu trên bắt buộc phải khô và sạch.

    Cách làm một viên gạch cũng khá đơn giản, chỉ việc mở nắp chai và nhồi những vật liệu nhựa thải vào trong. Việc nhồi chúng vào chai cần có kỹ thuật vì đối với những nguyên liệu cứng và to thì nên cắt nhỏ vật liệu. Bạn cần có một chiếc đũa hoặc que dài để nhồi và ấn chặt nguyên liệu vào chai. Phần đáy chai nên nhồi ni lông mềm hoặc vật liệu dễ vò, đây là phương pháp hiệu quả nhất để không khí không bị lọt vào trong chai nhựa. Xung quanh thành chai càng chèn chặt, ở giữa chai sẽ tự động chặt và cứng.

    Sau khi chai đã được chèn chặt và cứng, đóng chặt nắp là đã được 1 sản phẩm hoàn chỉnh. Lúc này sản phẩm có trọng lượng gấp 0,35 lần so với thể tích chai tính bằng ml (ví dụ: chai 500ml có cân nặng tối thiểu khoảng 180g, chai 1,5l khoảng 500g). Nhiều viên gạch sinh thái nhỏ khi được gắn chặt lại với nhau sẽ tạo thành khối lớn và được sử dụng với nhiều mục đích khác nhau như: bàn, ghế, bồn hoa, giá sách… Gạch sinh thái “Ecobricks” đạt tiêu chuẩn về độ cứng, chặt và đồng đều về kích thước có thể ghép thành những chiếc bàn, ghế và một số công trình lớn hơn như xây những ngôi nhà xanh.

    Gạch sinh thái “Ecobricks” không chỉ đơn giản, rẻ tiền mà còn hiệu quả hơn so với các loại gạch thông thường. Nó khá vững chắc, thậm chí khi có động đất, gạch thường có thể rơi vỡ nhưng gạch được làm từ chai nhựa thì không, nó chỉ lắc lư nên rất an toàn. Hy vọng, Dự án chế tạo gạch sinh thái “Ecobricks” sẽ được phát triển rộng rãi trong cộng đồng, đặc biệt là với trẻ em, góp phần giảm thiểu tình trạng ô nhiễm rác thải nhựa tại Việt Nam.

    Theo Phạm Thị Huế/tapchimoitruong.vn