Những năm gần đây, các câu lạc bộ (CLB), tổ chức tình nguyện đã có nhiều sáng kiến, chương trình, dự án BVMT hữu ích, dần dần hình thành làn sóng “sống xanh” trong giới trẻ.

Theo đó, Dự án chế tạo một loại gạch từ vật liệu nhựa phế thải có tên gọi là gạch sinh thái “Ecobicks” do nhóm bạn trẻ (là học sinh, sinh viên Trường Lê Quý Đôn, Trần Phú, Amsterdam, Viện Đại học mở Hà Nội…) đến từ CLB Les Pas Verts thực hiện là một giải pháp cho môi trường xanh.

Gạch sinh thái “Ecobricks”do các bạn trẻ CLB Les Pas Verts thực hiện

Trước đây, ý tưởng về công nghệ gạch sinh thái “Ecobricks” đã được thử nghiệm ở Philíppin. Từ các chai, lọ bằng nhựa bỏ đi, trôi nổi tự do trên sông, hồ, đại dương, các nhà khoa học hoạt động về lĩnh vực môi trường ở Philíppin đã biến chúng thành những viên gạch có ích, xây dựng nên những công trình kiên cố và đẹp mắt như nhà trọ, ký túc xá hay nhà tắm mini.

Năm 2016, Ziggie Gonzales, ông chủ chuỗi nhà nghỉ tại Zambales, La Union và Baler ở Philíppin biết đến cách thức làm gạch sinh thái từ những chai nhựa bỏ đi trên mạng internet và quyết định áp dụng. Ông tìm kiếm lượng lớn chai nhựa trên bãi biển và bắt đầu nhồi tất cả các thứ rắn khác vào trong chai sau đó đóng nắp chai chặt lại để không cho chai nhựa biến dạng. Sau khi tự làm gạch từ các chai nhựa bỏ đi và xây nên những công trình như nhà tắm, nhà trọ thành công, Gonzales đã chia sẻ với mọi người dân thông qua Sáng kiến mới có tên “The Plastic Solution” (giải pháp cho chất thải nhựa) với hy vọng giúp người dân người nhận thức được tầm quan trọng trong việc BVMT.

Như vây, chỉ cần một chai nhựa hay bất kỳ chiếc hộp đựng nào cũng có thể biến thành một viên gạch từ nhựa tái chế. Có thể tất cả các loại chai, lọ, hộp đều được dùng làm gạch tái chế, nhưng với loại chai nhựa 500ml thì phù hợp nhất bởi nó nhỏ gọn. Trong vòng 4 năm (từ 2010 – 2014), phong trào sản xuất gạch sinh thái “Ecobricks” được phổ biến rộng rãi tại 1.700 trường học ở Philippines để các em học sinh nhận thức được việc BVMT, cũng như xử lý rác thải nhựa tại nơi mình sinh sống. Sau đó, phong trào tái chế các chai nhựa thành gạch sinh thái phát triển mạnh hơn tới Nam Phi, Zambia, Mỹ và Inđônêxia, hình thành Khối liên minh Ecobricks toàn cầu.

Ở Việt Nam, Dự án chế tạo gạch sinh thái được hình thành từ cuối năm 2017 và bắt đầu được triển khai từ cuối tháng 1/2018. Với thông điệp “Vì một tương lai không chịu ảnh hưởng của rác thải nhựa, hãy hành động ngay từ hôm nay”, CLB Les Pas Verts thuộc Tổ chức tình nguyện Water Wise Vietnam (tổ chức dành cho những bạn trẻ yêu môi trường do Đại sứ quán Mỹ tài trợ) đã tổ chức nhiều đợt truyền thông và những hoạt động ngoại khóa như workshop, triển lãm “Ngày hội sống xanh”, Chương trình làm gạch sinh thái “Ecobricks” cho các em học sinh, nhờ đó, số lượng người tham gia và hưởng ứng Dự án ngày càng tăng.

Ngôi nhà được xây bằng gạch sinh thái “Ecobricks” ở Philíppin.

Nguyên liệu để chế tạo nên gạch sinh thái phải được chọn lọc, bao gồm: Chai nhựa được phơi khô, sạch còn nguyên hình dạng không bị thủng, vỡ (có thể dùng chai 500ml – 1,5l), túi ny lông mềm hoặc cứng, hộp xốp, cốc nhựa dùng 1 lần, vỏ bao bì, giấy bọc nhựa, ống hút… Để viên gạch cứng, không bị bục vỡ hoặc nấm mốc sinh sôi thì những nguyên liệu trên bắt buộc phải khô và sạch.

Cách làm một viên gạch cũng khá đơn giản, chỉ việc mở nắp chai và nhồi những vật liệu nhựa thải vào trong. Việc nhồi chúng vào chai cần có kỹ thuật vì đối với những nguyên liệu cứng và to thì nên cắt nhỏ vật liệu. Bạn cần có một chiếc đũa hoặc que dài để nhồi và ấn chặt nguyên liệu vào chai. Phần đáy chai nên nhồi ni lông mềm hoặc vật liệu dễ vò, đây là phương pháp hiệu quả nhất để không khí không bị lọt vào trong chai nhựa. Xung quanh thành chai càng chèn chặt, ở giữa chai sẽ tự động chặt và cứng.

Sau khi chai đã được chèn chặt và cứng, đóng chặt nắp là đã được 1 sản phẩm hoàn chỉnh. Lúc này sản phẩm có trọng lượng gấp 0,35 lần so với thể tích chai tính bằng ml (ví dụ: chai 500ml có cân nặng tối thiểu khoảng 180g, chai 1,5l khoảng 500g). Nhiều viên gạch sinh thái nhỏ khi được gắn chặt lại với nhau sẽ tạo thành khối lớn và được sử dụng với nhiều mục đích khác nhau như: bàn, ghế, bồn hoa, giá sách… Gạch sinh thái “Ecobricks” đạt tiêu chuẩn về độ cứng, chặt và đồng đều về kích thước có thể ghép thành những chiếc bàn, ghế và một số công trình lớn hơn như xây những ngôi nhà xanh.

Gạch sinh thái “Ecobricks” không chỉ đơn giản, rẻ tiền mà còn hiệu quả hơn so với các loại gạch thông thường. Nó khá vững chắc, thậm chí khi có động đất, gạch thường có thể rơi vỡ nhưng gạch được làm từ chai nhựa thì không, nó chỉ lắc lư nên rất an toàn. Hy vọng, Dự án chế tạo gạch sinh thái “Ecobricks” sẽ được phát triển rộng rãi trong cộng đồng, đặc biệt là với trẻ em, góp phần giảm thiểu tình trạng ô nhiễm rác thải nhựa tại Việt Nam.

Theo Phạm Thị Huế/tapchimoitruong.vn