30 C
Hanoi
Thứ hai, Tháng mười một 18, 2024
More
    Home Blog Page 373

    Nhiễm độc chì từ 3 thói quen thường ngày

    0

    Chì là một kim loại nặng, là nguyên tố có độc tính cao với sức khỏe con người. Tuy nhiên, nhiều người nhiễm độc chì từ những thói quen tưởng vô hại này mà không hay.

    Nhiễm trì từ giấy báo gói xôi vỉa hè

    Sử dụng giấy báo bọc xôi là thói quen của nhiều người bán hàng. Đồng thời nó cũng là một hình thức để người bán hàng tăng lợi nhuận của mình lên bằng việc sử dụng nguyên liệu rẻ tiền. Tuy nhiên, ngay cả người bán hàng cũng không lường trước được những nguy hiểm từ tờ giấy báo mà mình đang sử dụng.

    Một số nghiên cứu ở Trung Quốc cho biết loại mực dùng để in báo chứa nhiều nguyên tố gây hại như: ethanol, isopropanol, toluen…đặc biệt là PCBs (Polychlorinated Biphenyls). Khi được làm khô chúng có đã giảm bớt khả năng gây hại nhưng với sức khỏe con người thì nó vẫn phát huy tác hại khôn lường khi bạn ăn phải hay hít phải chúng.

    Ngoài ra, trong một nghiên cứu khác ở Đài Loan (Trung Quốc), người ta cũng cảnh báo về tác hại sức khỏe của các kim loại nặng trong mực in báo. Thành phần chính của giấy báo là các tạp chất, hóa chất tổng hợp. Cùng với đó là loại mực dùng để in giấy báo cần phải có độ bám dính cao, trong đó nó có thành phần chì rất nặng.


    Sử dụng giấy báo bọc xôi là thói quen của nhiều người bán hàng. Ảnh minh họa

    Do chì không có khả năng hòa tan trong nước cũng như việc oxy hóa chúng là không thể nên khi chì được đưa vào cơ thể nó sẽ được các cơ quan như gan, thận, biểu mô mỡ nó sẽ bị tích trữ lại và gây hại. Theo các nhà khoa học thì có tới 0,1 – 1mg chất độc của chì trong 1kg giấy báo. Trong khi đó cơ thể người sẽ bị nhiễm độc khi lượng chì trong cơ thể lên đến 0,5 – 2mg chất độc của chì.

    Tuy nhiên, việc sử dụng giấy báo để gói xôi, bọc bánh hiện nay lại vô cùng phổ biến khiến nguy cơ nhiễm độc chì ở những người thường xuyên ăn thực phẩm bọc bằng giấy báo là rất cao. Theo TS Nguyễn Hữu Hoan, Viện Hóa học Công nghiệp thì chất chì trong giấy báo dùng đẻ bọc xôi, gói thực phẩm có khả năng gây suy giảm trí nhớ, ù tai, hoa mắt, chóng mặt, buồn nôn,….

    Sử dụng bát đũa có hoa văn sặc sỡ nguy cơ nhiễm chì cao

    Theo nghiên cứu, những bát đũa có màu sắc hoa văn sặc sỡ thường có nguy cơ nhiễm độc chì cao.

    PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh khẳng định, các sản phẩm gốm sứ bát đĩa… càng nhiều hoa văn sặc sỡ thì có hàm lượng chì càng cao.

    Trong quá trình sản xuất bát đĩa, người sản xuất sẽ cho thêm chì vào nung để khi nung men và màu sẽ chảy ra nhanh hơn, từ đó giảm nhiệt độ nung, tiết kiệm năng lượng cùng chi phí sản xuất.

    Chưa hết, việc sử dụng kim loại chì cũng giúp dễ tạo màu, giúp bát đĩa có hoa văn đẹp mắt và trở nên long lanh hơn.

    Khi chúng ta sử dụng những loại bát đĩa chứa chì này, vô tình chì sẽ theo thức ăn đi vào cơ thể do quá trình thôi nhiễm vào thức ăn.

    Sử dụng son môi chứa chì


    Chì trong son môi có thể gây ra các bệnh cao huyết áp, đau khớp, suy giảm trí nhớ.

    Theo BS thẩm mỹ da liễu Nguyễn Xuân Quang (trưởng khoa Da liễu, Bệnh viện thẩm mỹ Quốc tế Hà Nội), những loại son môi càng rực rỡ, càng lâu phai thường có những thành phần hóa học giúp bám, ngấm màu lâu trên da.

    Theo BS Quang, những loại son môi này thường sử dụng chì oxit và có độ chì cao hơn hẳn nhưng chị em phụ nữ châu Á thì rất chuộng dùng.

    Chì trong son môi có thể gây ra các bệnh cao huyết áp, đau khớp, suy giảm trí nhớ. Những loại son có độ bám cao còn chứa nhiều chất Propylen glycol, gây ảnh hưởng không tốt cho não, gan, thận và là độc tố gây ung thư.

    Theo Hòa Lê/vietq.vn (21/12/2018)

    Sơn tường thời đại 4.0

    0

    Biến một bức tường bình thường trở thành một thiết bị thông minh hoặc thu năng lượng từ khí quyển là hai trong số rất nhiều những phát minh mới của các nhà khoa học về sơn tường thế hệ mới.

    Trong thời đại ngày nay, bạn không chỉ chọn màu sơn để trang trí tường nhà cho phù hợp mà còn có thể cân nhắc thêm những tiện ích thông minh đi kèm cùng loại sơn bạn muốn.


    Một vật liệu tưởng chừng đơn giản như sơn tường cũng đã trở thành một phần thế giới số hóa thông minh. Ảnh: Lifehacker

    Tường thông minh

    Các nhà nghiên cứu đã phát hiện ra cách biến một bức tường bình thường thành một thiết bị thông minh chỉ với một lớp sơn công nghệ cao, mà chi phí lại thấp. Phát minh này được thực hiện bởi một nhóm từ trường Đại học Carnegie Mellon ở Pittsburgh, Mỹ và Disney Research – một đơn vị của tập đoàn giải trí Walt Disney.

    Yang Zhang, trưởng dự án, cho rằng phần xử lý tường bằng sơn thông minh và phần cứng cảm biến mang tên Wall ++ có thể theo dõi cử chỉ và điệu bộ của người dùng cũng như ước tính tư thế của họ nếu họ ở gần.

    Kỹ thuật này sử dụng sơn dẫn điện để tạo ra các điện cực trong một mẫu lưới hình thoi trên bề mặt của bức tường, sau đó phủ lên một lớp sơn cao su tiêu chuẩn. Bằng cách chụp nhiễu điện từ trong không khí, nó cũng có thể phát hiện các thiết bị nào đang hoạt động và vị trí của chúng.

    Kỹ thuật Wall++ có thể cho phép người dùng điều khiển các chức năng nhà thông minh, chẳng hạn như bật ánh sáng bằng cách chạm nhẹ vào tường, thông báo người dùng ở một vị trí khác trong nhà khi ấm đun nước điện tắt hoặc nhận ra cử chỉ của người dùng đang chơi video game. Để có được bức tường thông minh như vậy, bạn chỉ phải bỏ ra 20 đô la (470.000 đồng) cho mỗi mét vuông.

    Một trong những lợi ích của Wall++ là bảo vệ quyền riêng tư. Không giống như máy ảnh, Wall++ không tiết lộ thông tin có độ phân giải cao của người dùng – thay vào đó nó chỉ theo dõi một số thao tác cơ bản, giảm thiểu những lo ngại về vấn đề quyền riêng tư.

    Nhóm nghiên cứu kỳ vọng Wall++ này được sử dụng phổ biến ở bệnh viện, bảo tàng, phòng tập thể dục, trường học và cả văn phòng. Tập đoàn Disney, đơn vị sở hữu công nghệ này, vẫn chưa tiết lộ thêm bất cứ điều gì về kế hoạch thương mại hoá sản phẩm.

    Sơn tường tạo ra điện

    Một loại sơn năng lượng mặt trời tạo ra năng lượng sạch từ ánh nắng và hơi nước trong không khí đã được phát minh bởi các nhà nghiên cứu tại Viện Công nghệ Đại học Royal Melbourne, Úc. Nó chứa một loại hợp chất mới có thể đóng vai trò như chất bán dẫn và xúc tác việc tách các nguyên tử nước thành hydro và oxy.

    Qua đó, chất này tạo ra nhiên liệu hydro từ năng lượng mặt trời và không khí ẩm. Tiến sĩ Torben Daeneke, trưởng dự án nghiên cứu, cho biết, chỉ với việc kết hợp đơn giản này, chúng ta đã có thể biến một bức tường gạch ở đâu cũng có thành trạm năng lượng và sản xuất nhiên liệu.

    Tuy nhiên lượng điện tạo ra từ loại sơn này còn chưa đủ mạnh để làm nguồn điện chính. Thay vào đó, nó sẽ là nguồn bổ sung vào các tấm pin năng lượng mặt trời để cung cấp điện sạch cho ngôi nhà.

    Sơn “giải nhiệt”

    Một loại sơn công nghệ cao giúp tường nguội đi khi tiếp xúc với ánh sáng mặt trời hứa hẹn sẽ là một giải pháp mới để giải nhiệt cho các toà nhà trong thành phố đông đúc, nóng bức. Công nghệ được phát triển bởi công ty SolCold của Israel, sử dụng hai lớp phủ sơn để giảm tới 10oC nhiệt độ bề mặt tường

    Hai lớp sơn hoạt động song song: bộ lọc nano của lớp bên ngoài chặn các tia nắng mặt trời và lớp bên trong chuyển nhiệt trên bề mặt nó thành ánh sáng dịu mát. Điều đặc biệt là khi ánh sáng mặt trời càng nóng cháy thì lớp sơn càng hoạt động tốt hơn.

    Ông Yaron Shenhav, Tổng giám đốc của SolCold, cho hay nếu áp dụng cho phần mái của một tòa nhà, loại sơn này có thể tiết kiệm tới 60% chi phí máy lạnh, vừa tiết kiệm điện và vừa bảo vệ môi trường. Vị giám đốc này khẳng định sơn này là “100% công nghệ xanh” và không có khí thải carbon.

    Mặc dù còn đang được phát triển, nhiều đơn đặt hàng đã gõ cửa SolCold. Bạn phải chi khoảng 50 đô la Mỹ (1,2 triệu đồng) để sơn diện tích 1 mét vuông. Ông Shenhav nhận định rằng việc làm mát các toà nhà chỉ là một phần rất nhỏ trong tiềm năng rất lớn của loại sơn này. Nó có thể được đưa vào để làm mát ô tô, tàu hỏa và container chẳng hạn.

    Sơn giúp người khiếm thị

    Một loại sơn thông minh đang được phát triển bởi trường Đại học bang Ohio (Mỹ) với mục đích giúp người khiếm thị định vị trong môi trường đô thị. John Lannutti, Giáo sư kỹ thuật khoa học vật liệu, cho biết sơn thông minh cung cấp dịch vụ định vị chính xác cho người khiếm thị.

    Sơn thông minh được sơn lên đường xá. Người khiếm thị “thấy” vạch sơn bằng cách sử dụng một “cây gậy thông minh” – một cây gậy trắng được thiết kế để phát hiện sơn thông minh và hướng dẫn đường đi cho người dùng. Cây gậy cũng có thể được sử dụng để thông báo cho xe cộ, bao gồm các phương tiện tự động về sự hiện diện của người dùng khi đi qua đường.

    Theo Saigontiepthi.vn (20/12/2018)

    Đề xuất xây dựng đề án thu phí bảo vệ môi trường đối với khí thải

    0

    Bộ Tài chính vừa có văn bản gửi 6 Bộ là Bộ Xây dựng, Công Thương, Giao thông vận tải, Khoa học và Công nghệ, Tài nguyên và Môi trường đề nghị xây dựng đề án thu phí bảo vệ môi trường đối với khí thải.

    Cụ thể, Bộ Tài chính đề nghị các đơn vị trên khẩn trương đề xuất phương án thu phí bảo vệ môi trường đối với khí thải. Đề xuất bao gồm đối tượng chịu phí, mức thu phí, cách thức tính phí, cơ chế thu nộp phí, quản lý và sử dụng phí…

    Các đề xuất này gửi về Bộ Tài chính để nghiên cứu, trình Chính phủ ban hành Nghị định quy định thu phí theo thẩm quyền. Đồng thời, Bộ Tài chính đề nghị các bộ phân công đơn vị chuyên môn phối hợp với bộ này trong quá trình nghiên cứu dự thảo Nghị định và trình Chính phủ ban hành Nghị định quy định thu phí.

    Trước đó, tháng 5/2016 Bộ Tài chính cũng đã có văn bản gửi Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Giao thông vận tải đề nghị xây dựng đề án thu phí bảo vệ môi trường đối với khí thải, gửi về Bộ Tài chính để nghiên cứu, trình Chính phủ ban hành Nghị định quy định thu phí. Tuy nhiên đến nay Bộ Tài chính vẫn chưa nhận được đề xuất phương án thu phí bảo vệ môi trường đối với khí thải của 2 bộ này. Cho nên Bộ Tài chính tiếp tục có công văn thúc giục như đã nói ở trên.

    Theo Bộ Tài chính, ngày 16/10/2018 Văn phòng Chính phủ đã có văn bản truyền đạt ý kiến của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, trong đó có nội dung Bộ Tài chính nghiên cứu kiến nghị của Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội, chủ trì, phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Giao thông vận tải khẩn trương hoàn thiện và trình Chính phủ ban hành Nghị định về phí bảo vệ môi trường đối với khí thải.


    Ảnh minh họa.

    Việc thu phí khí thải không phải lần đầu tiên được đưa ra tại Việt Nam. Hồi tháng 7/2007, Bộ Tài nguyên & Môi trường cũng công bố chương trình xây dựng Nghị định thu phí bảo vệ môi trường đối với khí thải để trình Thủ tướng phê duyệt và có thể được áp dụng vào giữa năm 2008. Các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh, các đơn vị, cá nhân thải ra môi trường các loại bụi, khí đốt hàng năm sẽ phải chịu trách nhiệm nộp phí theo quy định.

    Bộ này kỳ vọng nguyên tắc người gây ô nhiễm phải trả tiền sẽ tác động mạnh mẽ đến công tác bảo vệ môi trường. Đối tượng chịu phí, nộp phí ban đầu là những cơ sở, đơn vị trong quá trình sản xuất, kinh doanh; các tổ chức cá nhân sử dụng máy móc, thiết bị; các hộ gia đình… làm phát tán ra môi trường các loại bụi, khí SO2, NO2, CO do đốt các nhiên liệu hóa thạch.

    Cách tính phí được đưa ra cụ thể là: Năm loại khí thải (bụi, SO2, NO, CO, VOC) sẽ là đối tượng chính được tính khi áp giá thu phí theo mức dao động 1.000- 5.000 đồng/kg. Trong đó bụi và SO2 sẽ áp ở mức cao nhất là 5.000 đồng/kg và thấp nhất là 2.000 đồng/kg.

    Khối lượng các chất gây ô nhiễm sẽ được tính trên cơ sở loại hình và chất lượng nhiên liệu, khối lượng bị đốt cháy; công nghệ và trình độ công nghệ của máy móc, thiết bị và phương tiện sử dụng nhiên liệu. Số phí các đơn vị phải nộp sẽ được tính bằng tổng số phí phải nộp của từng chất gây ô nhiễm cộng lại. Đối với nguồn thải di động, phương tiện giao thông, việc thu phí không thể dựa vào lượng phát thải để thu trực tiếp.

    Hiện nay, theo quy định tại Luật phí và lệ phí, có 2 khoản phí bảo vệ môi trường đang thu là: Phí bảo vệ môi trường đối với nước thải và Phí bảo vệ môi trường đối với khai thác khoáng sản, thuộc thẩm quyền của Chính phủ.

    Hiện nay, theo quy định tại Luật phí và lệ phí, có 2 khoản phí bảo vệ môi trường đang thu là: Phí bảo vệ môi trường đối với nước thải và Phí bảo vệ môi trường đối với khai thác khoáng sản, thuộc thẩm quyền của Chính phủ.

    Năm 2015, số tiền thu được từ phí bảo vệ môi trường đối với nước thải là hơn 1.000 tỷ đồng. Đến năm 2017 con số này đã tăng lên được 2.100 tỷ đồng, chủ yếu là từ nước thải sinh hoạt.

    Với phí bảo vệ môi trường đối với khai thác khoáng sản, năm 2015 thu được hơn 1.900 tỷ, đến năm 2017 thu được gần 2.500 tỷ đồng.

    Theo Bảo Lâm/vietq.vn (19/12/2018)

    Cảnh báo sử dụng lò vi sóng có thể gây ung thư và đục thủy tinh thể?

    0

    Nhà khoa học cho rằng, việc sử dụng lò vi sóng để nấu, hâm nóng thức ăn có thể tạo nên nguy cơ gây ung thư, đục thủy tinh thể ở người.

    Lò vi sóng cùng với những chức năng vô cùng tiện dụng đã giúp sản phẩm này chiếm một vị trí quan trọng trong nhà bếp của rất nhiều các gia đình hiện tại. Tuy nhiên, việc sử dụng lò vi sóng cũng có thể gây hại đến sức khỏe một cách nghiêm trọng.

    Một nghiên cứu được tiến hành bởi giáo sư Madga Havas thuộc Đại học Trent (Toronto, Canada) đã cho thấy việc hâm nóng hay nấu ăn bằng lò vi sóng có thể làm gia tăng nguy cơ ung thư, đục thủy tinh thể đồng thời làm giảm giá trị dinh dưỡng của thức ăn.

    Về mặt dinh dưỡng, lò vi sóng sử dụng các sóng năng lượng ngắn, chủ yếu ảnh hưởng đến các phân tử nước, làm cho chúng chuyển động qua lại tạo ra năng lượng nhiệt. Nhiệt mà chúng ta sử dụng để nấu hoặc hâm nóng thực phẩm sẽ phá vỡ các chất dinh dưỡng ở mức độ tế bào, vì vậy nấu thức ăn ở nhiệt độ thích hợp trong một khoảng thời gian vừa đủ là chìa khóa để bảo quản các chất dinh dưỡng có trong thực phẩm.

    Nấu thức ăn quá nóng hoặc hâm nóng quá lâu, một số thực phẩm nhất định có thể bị phá vỡ và loại bỏ các chất dinh dưỡng cần thiết như vitamin, chất chống oxy hoá cũng như một số chất có lợi khác.


    Lò vi sóng có thể là tác nhân gây nên bệnh ung thư.

    Cũng theo nghiên cứu của giáo sư này, việc sử dụng lò vi sóng để hâm nóng hay làm chín thức ăn đều tạo ra khả năng gây ung thư. Điều này xuất phát từ rò rỉ phóng xạ hoặc các bao bì nhựa đựng thức ăn khi bị nhiệt đun nóng có thể chảy và rò rỉ chất gây ung thư.

    “Lò vi sóng có thể gây rò rỉ các tia phóng xạ. Sản phẩm nào cũng có mạng lưới kim loại để ngăn chặn việc đó xảy ra. Tuy nhiên, khi tiến hành nghiên cứu một số sản phẩm mẫu của các thương hiệu nổi tiếng, kết quả cho thấy chúng đều có khả năng rò rỉ tia phóng xạ”, giáo sư Madga Havas cho hay.

    Một số nghiên cứu khoa học cũng đã chứng minh thức ăn được nấu, hâm nóng từ lò vi sóng sẽ chứa một số chất có hại. BPA, BPA, polyethylene terephthalate (PET), benzene, toluene, và xylene là những chất được sinh ra trong quá trình thức ăn được hâm nóng, nấu trong lò vi sóng và chúng đều có khả năng làm gia tăng nguy cơ bị ung thư trên cơ thể người.

    Trong quá trình kiểm chứng tác hại của lò vi sóng, nhiều nhà khoa học cũng đã từng tranh cãi về trường hợp một nhóm các hợp chất được gọi là các HCOs dị vòng (HCAs) và Hydrocarbon thơm đa vòng (PAH), thường được tìm thấy trong các loại thịt như thịt gia cầm hoặc cá đã được nấu chín ở nhiệt độ cao. HCA và PAHs đã được chứng minh là gây ra sự thay đổi DNA, có thể làm tăng nguy cơ ung thư. Thêm vào đó, khi nướng thực phẩm, nồng độ các chất này cao hơn.

    Một vấn đề nghiêm trọng được các nhà khoa học phát hiện ra là việc lò vi sóng có khả năng gây đục thủy tinh thể. Mặc dù đôi lúc giữa các nhà khoa học có nhiều tranh cãi về lợi ích và tác hại của lò vi sóng. Tuy nhiên, với nhận định lò vi sóng gây hại đến thủy tinh thể thì tất cả đều tán thành.

    “Nếu bạn đứng trước cửa lò vi sóng và nhìn thức ăn xoay đều trong một khoảng thời gian lặp lại, bạn có thể bị đục thủy tinh thể”, giáo sư Havas nói.

    Cũng trong một nghiên cứu của mình, giáo sư Havas đã tìm ra một bằng chứng thuyết phục cho rằng lò vi sóng sẽ làm thay đổi nhịp tim của người sử dụng. Nhà khoa học này đã đo nhịp tim của những người sử dụng lò vi sóng, và tất cả những người đó đều có nhịp tim thay đổi khi lò được bật.

    Cơ quan Quản lí Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) đã ban hành quy định sản xuất lò vi sóng an toàn kể từ năm 1971. Đồng thời đưa ra khuyến cáo cho người dân sử dụng lò vi sóng một cách an toàn như sau:

    – Đọc kĩ hướng dẫn sử dụng của nhà sản xuất.

    – Sử dụng các vật dụng an toàn khi cho vào lò vi sóng.

    – Không sử dụng lò vi sóng khi cửa không đóng chặt, cong, vênh.

    – Không sử dụng lò vi sóng vẫn chạy khi mở cửa.

    – Không đứng sát ngay lò vi sóng đang sử dụng.

    – Không để trẻ em sử dụng lò vi sóng.

    – Không đun nấu chất lỏng quá lâu trong lò vi sóng.

    – Không vận hành lò vi sóng khi không có thức ăn.

    – Thường xuyên vệ sinh lò vi sóng.

    – Không dùng vật liệu gây mòn để cọ rửa lò vi sóng.

    Theo Daily Mail, Theweeklychallenger, Vietq (20/12/2018)

    Những “thủ phạm” khiến đôi môi nứt nẻ và cách chữa lành

    0

    Liếm môi, cơ thể mất nước hay thậm chí dùng sai kem đánh răng cũng có thể khiến đôi môi bạn nứt nẻ và thô ráp trong mùa lạnh.

    Cháy nắng

    Môi cực kỳ nhạy cảm vì được bao phủ bằng một lớp da rất mỏng. Vì da mỏng nên chúng rất dễ bị tổn thương khi tiếp xúc quá mức với ánh nắng mặt trời, thậm chí có thể bị ung thư, Reader’s Digest dẫn lời bác sĩ da liễu Jill Waibel, người sáng lập Viện da liễu và laser Miami (Mỹ).

    Do đó, để bảo vệ môi, hãy thường xuyên sử dụng son dưỡng môi mỗi khi ra nắng. Ánh nắng mặt trời có thể gây ra một tình trạng tiền ung thư có tên là viêm môi ánh sáng. Nếu môi bị khô và nứt không rõ nguyên nhân thì hãy tìm đến bác sĩ.

    Dị ứng

    Nếu môi bị khô nứt mà không rõ nguyên nhân thì có thể là do dị ứng. Viêm da tiếp xúc dị ứng là một trong những nguyên nhân phổ biến gây khô môi, bác sĩ Waibel giải thích.

    Nguyên nhân gây dị ứng có thể là kem đánh răng, nước súc miệng hoặc thứ gì đó thường tiếp xúc với môi như son chẳng hạn.

    Nếu là khô môi do dị ứng thì hãy ngưng tiếp xúc với tác nhân mà bạn nghi ngờ gây dị ứng khoảng 2 tuần để xem môi có phục hồi hay không.

    Khô môi mạn tính

    Tình trạng này có thể rất phổ biến ở những bệnh nhân có tiền sử bị khô da, mắc bệnh vẩy nến hay chàm. Cách điều trị là có thể bôi thuốc mỡ hoặc thuốc có hydrocortisone, thường dùng để trị một số vấn đề về da như phát ban hay ngứa, các chuyên gia cho biết.

    Thói quen thở bằng miệng

    Thói quen thở bằng miệng có thể khiến môi bị khô vì không khí đi qua miệng dễ làm bay hơi ẩm trên môi, tiến sĩ da liễu Tsippora Shainhouse, tại Đại học Nam California (Mỹ), cho biết.

    Những người hay thở bằng miệng nhất thường là người bị viêm mũi dị ứng hoặc nghẹt mũi, khiến họ không thở được bình thường bằng mũi.

    Với những trường hợp này, họ thường sẽ thấy khô môi mỗi khi ngủ dậy. Các bác sĩ khuyến cáo nên thoa son dưỡng môi hoặc dầu vitamin E trước khi ngủ để giữ ẩm cho môi. Tất nhiên, nên đến khám bác sĩ để điều trị chứng dị ứng, nghẹt mũi, theo Reader’s Digest.

    Liếm môi

    Khi cảm thấy đôi môi khô và nứt nẻ, phản xạ là bạn muốn liếm môi. Nhưng ngay sau khi liếm môi, lại cảm thấy khô môi hơn, vì vậy bạn lại liếm môi và cứ thế. Chu trình này khiến môi bị mất nước, vì nước bọt bay hơi, làm giảm độ ẩm của môi, gây khô môi.

    Chẳng bao lâu sau, có một lớp thượng bì thô ráp và teo tách ra khỏi lớp ẩm phía dưới môi. Cắn và nhai đôi môi của bạn có thể tạo ra hiệu ứng tương tự. Vì vậy nếu bạn thấy mình thường xuyên làm điều này, hãy cố gắng từ bỏ thói quen xấu này.

    Mất nước

    Môi không chứa các tuyến tạo dầu như da của bạn, vì vậy môi có thể bị khô và trở nên nứt nẻ rất dễ dàng. Trên thực tế, khô môi cũng là một trong những dấu hiệu cơ thể bị mất nước. Nếu bạn không uống đủ nước trong ngày, đôi môi của bạn sẽ trở nên khô và bong tróc. Hơn nữa, hoạt động liên tục ngoài trời, kết hợp với gió và tiếp xúc với tia cực tím, có thể dẫn đến mất nước và khiến đôi môi nứt nẻ nhanh chóng hơn. Nên uống 6-8 ly nước lọc mỗi ngày.

    Không dưỡng môi

    Đừng quên bảo vệ đôi môi của bạn bằng cách dưỡng môi và chống nắng cho làn môi. Hãy tìm một son dưỡng môi có kem chống nắng để bảo vệ làn môi, hoặc chỉ cần thoa nhẹ một chút kem chống nắng trên môi của bạn trước khi bạn ra khỏi nhà.

    Giữ ẩm cho đôi môi của bạn suốt cả ngày với vaseline hoặc sáp ong để có làn môi căng mọng, nhất là trong những ngày thời tiết mùa đông và khô lạnh.

    Kem đánh răng

    Nhiều loại kem đánh răng có chứa thành phần sodium lauryl sulfate, và nhiều nghiên cứu cho thấy thành phần này có thể kích ứng khiến đôi môi khô và nứt nẻ. Nếu bạn đang khó chịu với đôi môi nứt nẻ do kem đánh răng, hãy thử chuyển đổi kem đánh răng khác.

    Các axit trong trái cây họ cam quýt

    Các axit trong trái cây họ cam quýt có thể gây kích ứng môi. Nước sốt cà chua cũng có thể gây khó chịu và đau đớn khi bạn đang bị nẻ môi. Cinnamates, một chất được sử dụng trong bánh kẹo, kẹo cao su và kem đánh răng cũng có thể có tác dụng tương tự như axit trong trái cây họ cam quýt.

    Tiêu thụ quá nhiều vitamin A

    Nếu bạn đang tiêu thụ quá nhiều vitamin A, hoặc đang dùng quá nhiều chất bổ sung vitamin A, có thể gây ra tình trạng khô môi. Nếu bạn dùng hơn 25.000 IU vitamin A mỗi ngày, nghĩa là bạn đang tiêu thụ quá nhiều vitamin A.

    Do thuốc

    Một số loại thuốc kê theo toa, như Accutane để trị mụn trứng cá hay giảm nếp nhăn, thuốc huyết áp propranolol, hoặc thuốc điều trị chóng mặt prochlorperazine cũng có thể gây khô môi.

    Cách chữa lành cho đôi môi của bạn

    Tự làm dầu dừa cho môi

    Các giải pháp dễ nhất để tránh đôi môi nứt nẻ là làm son dưỡng môi của riêng bạn, tốt hơn là với dầu dừa sẽ ổn định ở nhiệt độ phòng và cũng cung cấp các lợi ích chữa bệnh. Nếu bạn làm của riêng bạn, bạn có quyền kiểm soát nhiều hơn về chất lượng, và bạn có thể chắc chắn rằng không có thành phần độc hại đi vào dưỡng môi của bạn.

    Tẩy tế bào chết với một bàn chải đánh răng

    Một bước quan trọng để giữ cho đôi môi của bạn tốt đẹp và mềm mại là tẩy tế bào chết cho đôi môi. Nếu bạn sử dụng một bàn chải đánh răng sợi mềm sạch sẽ, bạn có thể dễ dàng làm mất da khô từ đôi môi của bạn, để lộ ra một lớp mới của da môi.

    Dưa chuột

    Nếu bạn không có bất kỳ dầu để bôi lên môi của bạn, sử dụng một số những quả dưa chuột trong tủ lạnh. Cũng giống như bạn có thể làm với đôi mắt của bạn, bạn có thể cắt một số lát dưa chuột và chà chúng trên môi của bạn sẽ cho một cảm giác sảng khoái, mà còn cung cấp độ ẩm và chất dinh dưỡng cho môi.

    Chanh và mật ong

    Trộn 1 muỗng cà phê nước cốt chanh và 1 muỗng cà phê mật ong nguyên chất cùng với ½ muỗng cà phê dầu thầu dầu. Thoa hỗn hợp này lên môi trước khi đi ngủ hàng ngày và lặp lại điều này trong khoảng 10 ngày hoặc cho đến khi bạn bắt đầu thấy kết quả.

    Theo Hải Hương/vietq.vn (18/12/2018)

    Tết Dương lịch 2019, người lao động được nghỉ mấy ngày?

    0

    Trong dịp Tết Dương lịch 2019, cán bộ, công chức, viên chức và người lao động sẽ được nghỉ từ ngày thứ bảy ngày 29/12/2018 đến hết thứ Ba ngày 1/1/2019, đi làm bù vào thứ Bảy ngày 5/1/2019.

    Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội vừa ban hành Thông báo về việc nghỉ lễ, tết năm 2019 đối với cán bộ, công chức, viên chức và người lao động của các cơ quan hành chính, sự nghiệp tổ chức chính trị, tổ chức chính trị – xã hội.

    Theo đó, trong dịp Tết Dương lịch 2019, cán bộ, công chức, viên chức và người lao động của các cơ quan hành chính, sự nghiệp, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị – xã hội (gọi tắt là công chức, viên chức) sẽ được nghỉ từ ngày thứ bảy ngày 29/12/2018 đến hết thứ Ba ngày 1/1/2019, đi làm bù vào thứ Bảy ngày 5/1/2019. Như vậy, dịp Tết dương lịch, công chức, viên chức nghỉ 4 ngày liên tiếp.


    Dịp Tết dương lịch, công chức, viên chức, người lao động được nghỉ 4 ngày liên tiếp, từ 29/12/2018 đến hết 1/1/2019.

    Thông báo cũng nên rõ, các cơ quan thực hiện lịch nghỉ trên cần bố trí sắp xếp các bộ phận làm việc hợp lý để giải quyết công việc liên tục, đảm bảo tốt công tác phục vụ nhân dân.

    Các cơ quan không thực hiện lịch nghỉ thứ bảy, chủ Nhật hàng tuần sẽ căn cứ vào chương trình, kế hoạch cụ thể của đơn vị để bố trí lịch nghỉ phù hợp.

    Cũng theo Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, doanh nghiệp, tổ chức sử dụng lao động khác tùy vào tình hình sản xuất kinh doanh của đơn vị để bố trí lịch nghỉ dịp lễ, Tết phù hợp quy định của pháp luật lao động.

    Theo Vietq.vn (19/12/2018)

    Hiểu đúng về nhiệt điện than

    0

    Thời gian qua, dư luận vẫn còn cái nhìn thiếu thiện cảm về nhiệt điện than, thậm chí nhiều địa phương không ủng hộ. Vấn đề cần đặt ra là cần hiểu đúng, phản ánh đúng và công bằng về vai trò của nhiệt điện than đối với hệ thống điện cũng như phát triển kinh tế – xã hội đất nước.

    Cần phát triển nguồn điện hài hòa

    Theo Quy hoạch điện VII điều chỉnh, đến năm 2030, cả nước sẽ có hơn 70 nhà máy nhiệt điện than. Dự kiến giai đoạn 2018-2022, tổng công suất các nguồn điện đưa vào vận hành là 34.864MW, trong đó nhiệt điện than chiếm 26.000MW. Nhưng, thực tế tới nay mới chỉ có 7 dự án nhiệt điện than đã được khởi công và đang triển khai xây dựng với tổng công suất 7.860MW, còn thiếu 18.000MW theo yêu cầu.

    Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 2

    Trong bối cảnh áp lực tăng trưởng điện tới năm 2030 rất lớn, các nguồn thủy điện và năng lượng tái tạo chưa đáp ứng được đòi hỏi nhu cầu năng lượng phục vụ phát triển kinh tế – xã hội thì việc có nên phát triển thêm các nhà máy nhiệt điện than hay không là vấn đề đang được dư luận hết sức quan tâm.

    Tuy nhiên, thời gian qua, dư luận vẫn còn cái nhìn thiếu thiện cảm về nhiệt điện than, thậm chí nhiều địa phương không ủng hộ. Vấn đề cần đặt ra là cần hiểu đúng, phản ánh đúng và công bằng về vai trò của nhiệt điện than đối với hệ thống điện cũng như phát triển kinh tế – xã hội đất nước.

    Phát biểu tại Hội thảo “Cần có cái nhìn đúng về nhà máy nhiệt điện than” tổ chức tại Hà Nội sáng ngày 13-12-2018, Thứ trưởng Bộ Công Thương Cao Quốc Hưng cho biết, quan điểm chỉ đạo của Chính phủ là phải bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia, trong đó việc cung cấp đủ điện phục vụ phát triển kinh tế – xã hội là nhiệm vụ quan trọng.

    Trong giai đoạn 2016-2030, dự báo tốc độ tăng trưởng GDP với kịch bản cơ sở bình quân 7,0%, tương ứng với tốc độ tăng trưởng điện thương phẩm toàn quốc ở phương án cơ sở giai đoạn 2016-2020, 2021-2025 và 2026-2030 tương ứng 10,6%, 8,5% và 7,5%.

    Theo Thứ trưởng Cao Quốc Hưng, để đáp ứng nhu cầu điện cần phát triển nguồn điện hài hòa nhất là trong bối cảnh các thủy điện vừa và lớn cơ bản đã khai thác hết, các nguồn điện khác còn hạn chế. Đơn cử như nguồn khí, hiện tổng công suất nhiệt điện khí (dùng khí đốt trong nước) đưa vào cân đối dài hạn chỉ dừng ở mức trên 12.000MW với sản lượng điện khoảng 63 tỉ kWh/năm.

    Nhiệt điện than vẫn giữ vai trò quan trọng

    Trao đổi với các phóng viên, ông Trương Duy Nghĩa – Chủ tịch Hiệp hội Khoa học kỹ thuật nhiệt Việt Nam nhận định, nhiệt điện than có vai trò rất lớn trong hệ thống điện Việt Nam. So với Quy hoạch điện VII điều chỉnh thì tình hình triển khai phát triển nguồn điện, trong đó có nhiệt điện, gặp nhiều khó khăn vì nhiều nguyên nhân. Với nhu cầu điện tăng cao, nguy cơ thiếu điện rất lớn.

    Trong 15-20 năm nữa, nhiệt điện than vẫn giữ vai trò quan trọng vì chưa có nguồn điện nào đủ thay thế. Tuy nhiên, cần hiểu đúng, nói đúng về nhiệt điện than. Muốn vậy phải có thông tin khoa học chính xác để tránh hiểu lầm và suy diễn.

    Chúng ta không thể lấy một vài sự cố của một vài nhà máy nhiệt điện than (đã được khắc phục) để quy kết cho tất cả các nhà máy nhiệt điện than – ông Trương Duy Nghĩa nhấn mạnh.

    Ông Lê Văn Lực – Phó cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo, Bộ Công Thương, cho biết: Từ năm 2016 đến nay, ngành điện đã bảo đảm tốt công tác bảo vệ môi trường, không xảy ra sự cố nào về môi trường do các dự án điện gây nên. Tuy nhiên, thủy điện có giá điện thấp nhất cơ bản đã khai thác hết, nguồn điện khí có giá thành cao và nguồn khí mỏ trong nước đang dần cạn. Còn năng lượng tái tạo thì giá thành vẫn rất cao. Hiện nhiệt điện than là nguồn điện có giá thành hợp lý nhất và là giải pháp cung cấp điện với chi phí hợp lý, phù hợp với kinh tế đất nước và thu nhập người dân. Từ nay đến năm 2030 và những năm tiếp theo, nhiệt điện than vẫn chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu nguồn điện.

    Chính vì vậy, một trong những việc cần làm là Chính phủ khuyến khích xã hội hóa ngành điện, để có thể thu hút thêm nhà đầu tư vào lĩnh vực nhiệt điện than, gánh vác một phần trong việc bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia.

    Theo ông Phạm Anh Dũng – Phó vụ trưởng Vụ Thẩm định đánh giá tác động môi trường, Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) – nguồn thải từ nhiệt điện than gồm có khí thải lò hơi, nước thải công nghiệp, sinh hoạt và nước làm mát và chất thải rắn thông thường (bao gồm tro, xỉ), nguy hại. Hiện đã có nhiều văn bản pháp luật quy định về vấn đề này và các nhà máy cơ bản đã làm rất tốt, đặc biệt là việc thực hiện quan trắc liên tục khí thải của nhà máy và truyền số liệu về các Sở Tài nguyên và Môi trường để giám sát, thực hiện quan trắc liên tục (Clo dư, pH, lưu lượng) tại cửa xả để giám sát chất lượng nước làm mát.

    Đại diện Công ty Kepco (Hàn Quốc) chia sẻ, tại Hàn Quốc, nhiệt điện than vẫn giữ vai trò cơ bản trong việc cung cấp điện cho nền kinh tế, giá cả rất cạnh tranh. Nếu so sánh về dân số thì công suất đặt nhiệt điện than ở Hàn Quốc gấp 3 lần Việt Nam và so sánh diện tích thì công suất đặt gấp 10 lần Việt Nam. Các vấn đề môi trường được kiểm soát tốt do Hàn Quốc sử dụng công nghệ cao, đồng thời sử dụng nguồn tro, xỉ một cách triệt để.

    Theo các chuyên gia, nhiệt điện than với công nghệ cao, hiện đại, thân thiện với môi trường vẫn mang lại nhiều lợi ích cho hệ thống điện vì diện tích chiếm đất ít, sản lượng điện lớn, ổn định, giá thành sản xuất hợp lý hơn các nguồn điện khác (giá nhiệt điện than thấp chỉ sau thủy điện). Bên cạnh đó, vấn đề môi trường đã và đang được kiểm soát, giám sát chặt chẽ.

    Hiện nhiệt điện than là nguồn điện có giá thành hợp lý nhất và là giải pháp cung cấp điện với chi phí hợp lý, phù hợp với kinh tế đất nước và thu nhập người dân. Từ nay đến năm 2030 và những năm tiếp theo, nhiệt điện than vẫn chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu nguồn điện.

    Theo Petrotimes.vn (18/12/2018)

    Gợi ý cách giúp loại bỏ bụi bẩn trong không gian sống

    0

    Gia chủ sử dụng vật liệu xanh, vệ sinh thường xuyên các thiết bị trong nhà, dùng sản phẩm tẩy rửa uy tín, giặt thảm, trồng cây xanh thanh lọc.

    Nhắc đến nhà cửa, thông thường mọi người chú tâm nhiều về kết cấu, ngoại thất với mong muốn công trình được bảo vệ bởi các tác động bên ngoài. Theo WHO, năm 2012, ô nhiễm không khí trong nhà dẫn đến hơn 4 triệu ca tử vong sớm ở trẻ em, người lớn. Trong đó, phần lớn chết vì đột quỵ, bệnh tim thiếu máu cục bộ, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính, viêm phổi và ung thư.

    Để giúp hạn chế bụi bẩn không gian sống, bảo vệ sức khỏe các thành viên trong gia đình, gia chủ có thể bỏ túi những lưu ý sau.

    Sử dụng vật liệu không độc hại

    Cũng theo WHO, một trong những nguyên nhân gây ô nhiễm là các chất thải từ những vật dụng và trang thiết bị nội thất như formadehyde (phoóc-môn), hợp chất hữu cơ bay hơi độc hại V.O.C (Volatile organic compounds), chì… Những chất này tác động đến sức khỏe con người từ từ theo thời gian. Vì vậy, chúng ta khó phát hiện để ngăn chặn sớm.

    Theo các chuyên gia y tế, bạn nên sử dụng vật dụng không chứa clo-phenol hoặc nồng độ V.O.C thấp (hợp chất hữu cơ dễ bay hơi). Ngoài ra, gia chủ cần lưu ý đến việc làm thoáng ngôi nhà để không khí lưu thông tốt nhất.

    Vệ sinh thường xuyên các thiết bị trong nhà

    Bên cạnh việc làm sạch sàn nhà, vệ sinh các thiết bị gia đình trong quá trình sử dụng là điều cần thiết. Nếu nấm mốc phát triển sẽ ảnh hưởng đến chất lượng không khí, có thể gây bệnh cho con người. Điều này đặc biệt quan trọng đối với các nơi như: trung tâm y tế, bệnh viện, không gian sinh hoạt của trẻ em, trường học…

    Sử dụng sản phẩm tẩy rửa uy tín, rõ nguồn gốc

    Chất tẩy rửa là một trong những sản phẩm dễ chứa những chất hóa học độc hại cho người sử dụng, đặc biệt là trẻ nhỏ. Vì thế, chúng ta phải lựa chọn thật kỹ các sản phẩm tẩy rửa cho gia đình.

    Trồng cây thanh lọc không khí

    Theo Health (tạp chí y tế của Mỹ), phương thuốc cho cuộc sống khỏe mạnh đơn giản mà hiệu quả là trồng cây xanh trong nhà. Nhiều nhà nghiên cứu đã chứng minh phong cách sống xanh trong chính ngôi nhà của bạn mang lại rất nhiều lợi ích, đặc biệt giúp giảm stress, cải thiện tâm tính và làm sạch không khí tốt.

    Mỗi buổi sáng thức dậy, nếu thấy không khí trong lành, chúng ta nên mở cửa sổ ra để không khí được lưu thông, giảm bớt bụi bẩn. Bạn chọn loại cây như lô hội, lưỡi hổ… bởi chúng có khả năng loại bỏ một lượng lớn bụi bẩn, dễ trồng và chăm sóc.

    Giặt thảm

    Thảm cũng là vật mà gia chủ nên chú ý làm sạch, giũ bụi thường xuyên nếu chúng bẩn sẽ chứa nhiều vi khuẩn. Bạn có thể dùng baking soda và nhỏ vài giọt tinh dầu lên thảm rồi dùng máy hút.

    Góp phần trong việc mang lại không gian sống an toàn cho người tiêu dùng, sơn TOA Việt Nam nghiên cứu và cung cấp những sản phẩm đáp ứng nhu cầu thị trường. Sản phẩm nội thất tích hợp công nghệ hiện đại, an toàn cho người sử dụng và môi trường xung quanh.

    Theo VnExpress.net (14/12/2018)

    Nên chọn pin loại nào khi lắp đặt điện mặt trời áp mái?

    0

    Tấm pin là thành phần quan trọng nhất của hệ thống điện mặt trời. Giải pháp điện mặt trời áp mái hiện nay sử dụng 2 loại pin chính là mono và poly.

    Monocrystalline (Đơn tinh thể) và Polycrystalline (Đa tinh thể) cả 2 loại đều có khả năng hấp thu quang năng và chuyển hoá thành điện năng. Tuy nhiên, do cấu tạo từ hợp chất đồng nhất nên hiệu suất, khả năng hoạt động của mono sẽ cao hơn poly nếu so về cùng kích thước.

    Tuy nhiên, với cùng một mức công suất tấm pin như nhau, ở cùng một địa điểm, mức điện năng tạo ra của 2 tấm poly và mono là tương đương như nhau.


    Sự khác nhau của pin mặt trời poly và mono về hình ảnh.

    Hiện nay, nhiều khách hàng hiểu lầm về hiệu suất tạo ra nên có xu hướng chọn nhà cung cấp có giải pháp sử dụng tấm pin mono.

    Các chuyên gia cho rằng, việc chọn lựa tấm pin, không phụ thuộc vào loại poly hay mono, mà quan trọng là công suất của tấm là bao nhiêu và kích thước thế nào để phù hợp với nhu cầu và vị trí lắp đặt. Bởi mỗi loại có ưu, nhược điểm riêng khó mà có thể đánh giá loại nào tốt hơn loại nào.


    Hệ thống pin năng lượng mặt trời.

    Trong đó, pin poly có giá thành thấp hơn so với pin mono, mức độ giãn nở và chịu nhiệt cao. Hiệu suất hoạt động của pin poly nằm trong khoảng từ 13-16 không cao bằng pin mono. Ngoài ra, do hiệu suất làm việc ngoài nắng rất cao làm tuổi thọ pin poly giảm so với pin mono trong cùng điều kiện ánh sáng.

    Còn pin mono có hiệu suất hoạt động thường ở khoảng 15-20%; độ bền cao, hiệu quả sử dụng dài lâu; hoạt động hiệu quả hơn so với pin poly trong điều kiện ánh sáng yếu. Tuy nhiên, pin mono có giá thành khá cao do quy trình sản xuất tốn kém và hoạt động kém hiệu quả hơn poly trong cùng điều kiện nhiệt độ tăng cao.

    Theo Mai Phương/petrotimes.vn (12/12/2018)

    Hướng xử lý rác thải tạo điện năng

    0

    Trước nhu cầu bức thiết về xử lý rác thải trên địa bàn Hà Nội, các cán bộ, kỹ sư của Công ty cổ phần Dịch vụ môi trường Thăng Long đã nghiên cứu thành công nhiều công trình xử lý rác thải hiệu quả và tiến tới vừa xử lý được rác không phân loại, vừa tạo ra điện năng.

    Trong số các công trình tham dự Giải thưởng sáng tạo khoa học và công nghệ Việt Nam năm 2017, công trình nghiên cứu “Quy trình và hệ thống thiết bị sấy rác sử dụng thiết bị thu hồi nhiệt có khối vật liệu thu hồi nhiệt không chuyển động và phương pháp sắp xếp khối vật liệu” của Công ty cổ phần Dịch vụ môi trường Thăng Long đã đạt giải Nhì. Đây là công trình đạt giải cao nhất trong số 5 công trình của Hà Nội tham dự cuộc thi.

    Đề cập đến tính mới của đề tài, Ban tổ chức Giải thưởng cho biết, kết quả công trình nghiên cứu là một hệ thống trao đổi nhiệt, có ít nhất 2 thiết bị thu hồi nhiệt làm việc luân phiên.

    Nhà máy xử lý rác thải Sơn Tây của Công ty cổ phần Dịch vụ môi trường Thăng Long.

    Đây là chi tiết sáng tạo, hiện chưa có cơ sở đốt rác thải nào áp dụng tại Việt Nam. Sản phẩm có khả năng ứng dụng và nhân rộng rất tốt, do hệ thống thiết kế theo mô-đun, có thể dễ dàng áp dụng vào các nhà máy có quy mô, công suất khác nhau.

    Ngoài ra, hệ thống cho phép tận dụng nhiệt dư thừa từ sau lò đốt cho việc sấy hoặc nâng nhiệt của các công nghệ khác có nhu cầu. H

    iệu quả kinh tế của đề tài là giảm tới 90% nhiên liệu dầu DO so với các hệ thống lò đốt rác thông thường. Công trình đã quy tụ được các nhà khoa học trong các chuyên ngành công nghệ, vật liệu, nhiệt học… trên địa bàn thành phố. Đề tài khi đưa vào ứng dụng sẽ là chìa khóa để phát triển ngành công nghiệp xử lý chất thải cho Hà Nội nói riêng, Việt Nam nói chung.

    Tác giả Nguyễn Phúc Thành, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Dịch vụ môi trường Thăng Long, đại diện nhóm nghiên cứu cho biết:

    Do thành phần rác của các đô thị Việt Nam, nhất là các thành phố lớn như Hà Nội thường rất hỗn tạp, không được phân loại, nên việc đốt rác là hết sức khó khăn.

    Nhiều dự án nước ngoài đã tham gia vào lĩnh vực này, với số tiền đầu tư lên tới hàng trăm triệu USD, song không mang lại hiệu quả.

    Hiện tại, các cơ sở đốt rác chủ yếu với quy mô nhỏ (khoảng 1-2 tấn/ngày), hong khô rác trong các lò nhỏ có công suất 200-300 tấn/ngày. Còn những rác ẩm ướt, rác hữu cơ không đốt được, lại chính là các thành phần gây ô nhiễm môi trường rất lớn. Thực trạng này đã thôi thúc nhóm nghiên cứu kiên trì theo đuổi đề tài về một công nghệ đốt rác tiên tiến hơn, phát triển trên một nguyên lý và vật liệu mới hoàn toàn. Nhóm nghiên cứu đã mất 3 năm để đi tới thành công.

    Đáng chú ý, vào năm 2012, Công ty cổ phần Dịch vụ môi trường Thăng Long với công trình “Quy trình công nghệ, hệ thống xử lý rác thải sinh hoạt bằng công nghệ đốt tiêu hủy có thu hồi nhiệt” cũng đã được Ban Tổ chức Giải thưởng sáng tạo khoa học và công nghệ Việt Nam 2012 trao giải Ba (lĩnh vực bảo vệ môi trường và sử dụng hợp lý tài nguyên).

    Năm 2016, công ty được sự hỗ trợ của Sở Khoa học và Công nghệ Hà Nội đã thực hiện một chương trình hết sức ý nghĩa với thành phố là cơ giới hóa công tác thu gom rác TP Hà Nội. Nhờ đó, số lượng các điểm tập trung xe gom rác đã giảm rõ rệt, tiến tới trong một vài năm tới, các điểm tập kết xe rác trên đường phố Hà Nội sẽ không còn.

    Tâm huyết với vấn đề bảo vệ môi trường, tác giả Nguyễn Phúc Thành cho biết, ông và các cộng sự vẫn tiếp tục nghiên cứu công nghệ xử lý rác không phân loại, từ đó tạo ra điện năng.

    Ông Thành khẳng định, đối với tình trạng rác tổng hợp như ở Việt Nam sẽ phải có cách thức xử lý khác, nhưng vẫn cần đáp ứng được yêu cầu tạo năng lượng. “Tôi rất mong giải pháp này có thể sử dụng rộng rãi, thay cho những công nghệ nước ngoài đắt tiền. Rác của người Việt, người Việt có thể xử lý”, ông Thành nhấn mạnh.

    Theo Hanoimoi.com.vn (17/12/2018)