23 C
Hanoi
Thứ ba, Tháng mười một 19, 2024
More
    Home Blog Page 365

    Nguy cơ cạn kiệt lương thực toàn cầu

    Tương lai của nguồn cung lương thực toàn cầu đang bị đe dọa nghiêm trọng bởi sự biến mất nhanh chóng của nhiều loài động thực vật. Đó là cảnh báo được Tổ chức Lương Nông Liên Hiệp Quốc (FAO) đưa ra trong báo cáo đầu tiên đánh giá sự đa dạng sinh học của hệ thống lương thực toàn cầu.

    Theo báo cáo được công bố hôm 22-2, số lượng động thực vật có thể làm nguồn lương thực cho con người ngày càng ít, khiến các hệ thống sản xuất dễ bị những cú sốc như sâu bệnh, hạn hán và thời tiết khắc nghiệt do biến đổi khí hậu gây ra.

    Khoảng 6.000 loài thực vật có thể được sử dụng làm thực phẩm nhưng chưa đến 200 loại được tiêu thụ rộng rãi và chỉ có 9 loại chiếm phần lớn tổng sản lượng cây trồng trên thế giới. “Sự biến mất của đa dạng sinh học về thực phẩm và nông nghiệp đang làm suy yếu nghiêm trọng khả năng đáp ứng nhu cầu ăn uống của dân số không ngừng gia tăng trên toàn cầu.

    Chúng ta cần tận dụng đa dạng sinh học một cách bền vững để có thể ứng phó tốt hơn với các thách thức từ biến đổi khí hậu và sản xuất lương thực thân thiện với môi trường” – ông Jose Graziano da Silva, Tổng Giám đốc FAO, nhận định.

     Nông dân đang thu hoạch lúa ở ngoại ô TP Srinagar – Ấn Độ hôm 20-2 Ảnh: GREATER KASHMIR

    Qua phân tích dữ liệu từ 91 quốc gia, FAO cho biết đã có bằng chứng cho thấy đa dạng sinh học thế giới đang đối mặt mối đe dọa nghiêm trọng từ tình trạng ô nhiễm, sử dụng nguồn nước và đất đai kém hiệu quả, chính sách quản lý hạn chế, thu hoạch quá mức và biến đổi khí hậu. Trong hai thập kỷ qua, khoảng 20% bề mặt thảm thực vật trên trái đất giảm hiệu suất.

    Theo báo Guardian (Anh), báo cáo của FAO ghi nhận những thiệt hại trong đa dạng sinh học đất đai, rừng, đồng cỏ, rạn san hô, rừng ngập mặn, cỏ biển và sự đa dạng di truyền ở các loài cây trồng và gia súc. Còn ở các đại dương, 1/3 khu vực đánh cá đang bị khai thác quá mức.

    Nhiều loài liên quan gián tiếp đến sản xuất lương thực, như chim ăn sâu hại và loại cây giúp làm sạch nước, không còn nhiều như trước. Nghiên cứu của FAO chỉ ra 63% loài thực vật, 11% loài chim và 5% loài cá và nấm đang suy giảm.

    Các côn trùng thụ phấn – đóng vai trò quan trọng đối với 3/4 cây trồng trên thế giới – cũng bị đe dọa. Đáng chú ý, 17% loài động vật thụ phấn, như dơi và chim, có nguy cơ tuyệt chủng. Báo cáo FAO cảnh báo một khi mất đi, các loài quan trọng đối với hệ thống lương thực của con người sẽ không thể phục hồi.

    Hãng tin Reuters dẫn nội dung báo cáo cho rằng hoạt động sản xuất lương thực toàn cầu cần đa dạng hơn, tận dụng các loài ít phổ biến hơn nhưng có thể chống chọi với khí hậu bất lợi và sâu bệnh.

    Một nỗi lo khác, theo ông Graziano da Silva, là sự suy giảm đa dạng sinh học không chỉ đe dọa an ninh lương thực mà còn cả chất lượng dinh dưỡng. Đa dạng sinh học có thể giúp đối phó nạn suy dinh dưỡng trên toàn cầu bằng cách sử dụng các loại thực phẩm ít được biết đến nhưng có giá trị dinh dưỡng cao làm nguồn thực phẩm chính.

    Trước mắt, Liên Hiệp Quốc đang thúc giục các quốc gia tăng gấp đôi năng suất và thu nhập của các nhà sản xuất lương thực quy mô nhỏ vào năm 2030 để xóa nạn đói và bảo đảm tất cả người dân có thể tiếp cận nguồn lương thực. Theo thống kê, hiện nay cứ 9 người thì có một người thiếu ăn trong khi dân số thế giới dự kiến đạt 9,8 tỉ người vào năm 2050.

    Theo Nld.vn (23/2/2019)

    Ăn nhiều đồ ăn vặt làm tăng nguy cơ trầm cảm, rối loạn lưỡng cực?

    Các nhà khoa học cho rằng, nên cắt bỏ đồ ăn vặt không lành mạnh ra khỏi chế độ ăn uống để tránh nguy cơ bị rối loạn lưỡng cực và trầm cảm.

    Theo nghiên cứu được công bố trên Tạp chí Dinh dưỡng và Thực phẩm (Mỹ), đồ ăn vặt không chỉ có hại cho quá trình trao đổi chất mà còn làm tăng nguy cơ mắc các vấn đề tâm lý như rối loạn lưỡng cực (một chứng bệnh rối loạn tâm thần gây ra sự biến đổi cảm xúc không ổn định) và trầm cảm, bất kể cả tuổi tác, giới tính, giáo dục và tình trạng hôn nhân ra sao.

    Cũng theo nghiên cứu của các nhà khoa học, việc tiêu thụ nhiều đường có liên quan đến việc gia tăng nguy cơ rối loạn lưỡng cực, trong khi ăn nhiều thực phẩm chiên hoặc ngũ cốc chế biến có thể là một trong những nguyên nhân làm nảy sinh trầm cảm.

    Ảnh minh họa 

    Jim E Banta, Phó giáo sư tại Đại học Loma Linda, California cho biết đã đến lúc cần xem xét kỹ hơn về vai trò của chế độ ăn uống đối với sức khỏe tinh thần. Và mặc dù chưa có những kết luận chính thức, tuy nhiên, nhóm nghiên cứu cho rằng đồ ăn vặt thực sự có hại cho sức khỏe thần kinh.

    Được biết, để thực hiện công trình này, các nhà nghiên cứu đã xem xét dữ liệu từ hơn 240.000 cuộc khảo sát qua điện thoại được thực hiện từ năm 2005 đến 2015.

    Trước đó, nhiều nhà nghiên cứu cũng từng lên tiếng cảnh báo rằng, trong qua trình ăn vặt, con người thường sử dụng thức ăn nhanh có hàm lượng cholesterol cực cao trong các loại đồ ăn nhanh như khoai tây chiên, gà chiên và cá chiên kẹp trong sandwich… rất không tốt cho động mạch. Những loại thức ăn này gây các chứng tắc nghẽn động mạch dẫn đến suy tim. Và nếu con người phải làm việc trong môi trường phải ngồi nhiều thì các nguy cơ tăng gấp đôi.

    Bên cạnh đó với những sản phẩm thức ăn nhanh, đồ ăn vặt không rõ nguồn gốc xuất xứ bán trôi nổi trên thị trường, khâu lựa chọn thực phẩm đầu vào không được kiểm soát chặt chẽ, việc sử dụng các chất phụ gia trong tẩm ướp và các dụng cụ đựng không đáp ứng tiêu chuẩn vệ sinh cũng sẽ gây hại lớn cho sức khỏe người tiêu dùng.

    Ngoài ra, khi ăn vặt giữa các bữa, hệ tiêu hóa phải chịu gánh nặng xử lý chúng một cách nhanh chóng. Nếu tình trạng này xảy ra trong thời gian dài, sẽ gây ra hiện tượng rối loạn tiêu hóa, khiến cơ thể khó hấp thu dưỡng chất cho cơ thể.

    Theo Thanh Thảo/vietq.vn (25/2/21019)

    Tiến sĩ người Việt công bố đột phá về pin mặt trời

    Nhóm nghiên cứu của tiến sỹ Nguyễn Trọng Hiếu tại Đại học Quốc gia Australia (ANU), trường đại học hàng đầu của Australia và thế giới, mới đây đã công bố một loạt phát hiện đột phá có thể giúp cách mạng hóa công nghệ năng lượng Mặt trời.

    Thông tin từ Thông tấn xã Việt Nam cho biết, trong khi đa số các nghiên cứu tập trung vào cải thiện chất lượng của phần lõi bên trong pin Mặt trời, nhóm nghiên cứu của tiến sỹ Trọng Hiếu tập trung vào lớp màng mỏng bên trên của pin, vốn mỏng hơn vài nghìn lần so với tóc người. Lớp vỏ mỏng này dùng để dẫn điện từ pin và bảo vệ phần lõi.

    Đầu năm 2018, nhóm nghiên cứu phát hiện lớp vỏ mỏng này có thể phát ra ánh sáng rất đặc biệt. Họ nhanh chóng nhận ra sự hiện diện của các nguyên tử hydro làm thay đổi đáng kể các đặc tính của ánh sáng này. Đây là thông tin mà sau đó có thể được sử dụng để tìm hiều những gì xảy ra bên trong lớp màng mỏng.

    Cuối năm 2018, nhóm tiếp tục tìm ra ra một phương pháp để tích hợp các nguyên tử hydro vào lớp màng này để cải thiện chất lượng của toàn bộ pin. Trong tự nhiên, hydro thường tồn tại ở dạng phân tử (hai nguyên tử liên kết với nhau).


    Nhiều quốc gia chọn pin mặt trời như một nguồn năng lượng chủ đạo.

    Nhóm nghiên cứu đã khắc phục điều này bằng cách đặt một vật liệu khác có nhiều hydro nguyên tử lên trên lớp màng, sau đó đẩy các nguyên tử hydro riêng lẻ vào trong màng bằng cách làm nóng mẫu ở 400 độ C. Tiến sỹ Hiếu cho biết khi các nguyên tử hydro được “tiêm” vào lớp màng, thay vì lõi tế bào, hiệu suất của toàn bộ pin được tăng lên đáng kể.

    Những khám phá này chắc chắn sẽ giúp sản xuất pin Mặt trời silicon mạnh hơn và hiệu quả hơn bởi các nhà khoa học đã biết cách điều khiển hàm lượng hydro bên trong lớp màng để có pin Mặt trời tốt hơn.

    Năng lượng mặt trời là loại năng lượng rẻ, sạch bậc nhất thế giới hiện nay. Tuy nhiên, loại năng lượng này lại đang ẩn hiện một thảm họa môi trường.

    Bởi lẽ, khi các tấm pin mặt trời lão hóa, các quốc gia đang sử dụng loại này làm một trong những nguồn năng lượng chính sẽ phải đối diện với một “quả bom rác” khổng lồ.

    Tiêu biểu như trường hợp của Trung Quốc. Đây là quốc gia có số lượng nhà máy điện mặt trời lớn nhất thế giới với tổng công suất lên tới gần 80 GW vào năm 2016, gần gấp đôi so với Mỹ.

    Trang tin Business Insider cho hay, hồi đầu năm 2017, Bắc Kinh tuyên bố sẽ dành 361 tỷ USD đầu tư cho năng lượng tái tạo (bao gồm điện mặt trời, điện gió, thủy điện và điện hạt nhân) vào năm 2020. Đến năm 2022, Trung Quốc dự tính đạt 320 GW công suất năng lượng từ gió và mặt trời, cùng với 340 GW năng lượng từ thủy điện. Đến năm 2030, nước này muốn tạo ra 1/5 năng lượng từ các nguồn tái tạo.

    Tuy nhiên, các tấm pin mặt trời có tuổi thọ tương đối ngắn, trong khi Chính phủ Trung Quốc lại chưa có kế hoạch “nghỉ hưu” nào cho chúng. Ông Lu Fang, đại diện Hiệp hội Năng lượng Tái tạo Trung Quốc, ước tính tới năm 2040, khối lượng các tấm pin mặt trời quá hạn sử dụng tại nước này dự kiến sẽ lên tới 20 triệu tấn – tương đương gấp 2.000 lần trọng lượng của tháp Eiffel.

    Một nhà máy điện mặt trời ở Trung Quốc

    Theo Cục Năng lượng Mỹ, tuổi thọ của một tấm pin mặt trời dao động từ 20 – 30 năm, tùy thuộc vào môi trường sử dụng. Ông Tian Min, Tổng giám đốc Nanjing Fangrun Materials – công ty chuyên tái chế tấm năng lượng mặt trời hết hạn sử dụng, đặt tại tại tỉnh Giang Tô, Trung Quốc – đánh giá, ngành điện mặt trời là một quả bom hẹn giờ đang đếm ngược.

    “Quả bom này sẽ nổ tung trong 2 – 3 thập kỷ tới và là hiểm họa khủng khiếp đối với môi trường”, ông Tain nói. “Đó là bãi rác khổng lồ không dễ tái chế”.

    Một tấm pin mặt trời chứa các kim loại như chì, đồng, nhôm, với các tế bào năng lượng mặt trời làm từ tinh thể silicon và được bọc trong lớp nhựa dày để bảo vệ. Tại châu Âu, đã có một số công ty phát triển được công nghệ tinh vi cho phép thu hồi hơn 90% các vật liệu này, tuy nhiên giá cả của công nghệ này là vấn đề lớn.

    Các nhà máy điện mặt trời của Trung Quốc đa phần được đặt tại những vùng sâu vùng xa như Gobi ở Mông Cổ, trong khi các công ty tái chế chủ yếu nằm ở những nơi phát triển dọc vùng duyên hải. Do đó, việc vận chuyển các tấm pin mặt trời hết hạn trên quãng đường xa như vậy cũng vô cùng tốn kém.

    Ngoài ra, việc phân loại và xử lý rác tốn chi phí lớn cho lao động và điện năng, chưa kể các hóa chất như acid sinh ra trong quá trình tái chế cũng gây hại cho môi trường.

    Nếu các phát hiện của nhóm tiến sĩ Việt được phát triển thành giải pháp cho các tấm pin có tuổi thọ dài và hiệu năng cao hơn, ít nhất, những “quả bom rác hẹn giờ” ấy sẽ được kéo dài thời gian để chính quyền các nước có thêm cơ hội tìm kiếm giải pháp triệt để.

    Theo Datviet.vn (24/2/2018)

    Nhật Bản phát triển radar công nghệ cao dự báo mưa trước 30 phút

    0

    Để đảm bảo thành công của Olympic Tokyo 2020, giới nghiên cứu Nhật Bản đang phát triển một hệ thống mới nhằm dự báo chính xác các cơn mưa rào 30 phút trước khi xảy ra hiện tượng thời tiết này.

    Các nhà khoa học đã chế tạo ra một radar công nghệ cao có khả năng phác họa một bản đồ mây 3 chiều của các cơn mưa chỉ trong thời gian ngắn từ 30-60 giây. Đây là tiến bộ lớn so với các hệ thống dự báo hiện nay vốn cần tới 5 phút để tính toán được chỉ một phần của một đám mây có thể gây ra mưa.

    Hệ thống radar này hiện được lắp đặt tại Đại học Saitama, phía Bắc thủ đô Tokyo. Bên cạnh thiết bị trên, nhóm nghiên cứu còn sử dụng các sóng radio để ước tính lượng hơi nước trong không khí, từ đó đưa ra được các dự báo chính xác hơn.


    Ảnh minh họa. (Nguồn: livejapan.com)

    Ông Katsuhiro Nakagawa, Giám đốc Phòng thí nghiệm cảm biến từ xa thuộc Viện Công nghệ thông tin và truyền thông quốc gia Nhật Bản (NICT), cho rằng thời điểm khởi tranh Olympic/Paralympic Tokyo mùa Hè 2020 đang đến gần.

    Thời gian diễn ra các sự kiện thể thao là thời điểm thường xuyên xuất hiện các cơn mưa rào tại Nhật Bản, khiến ban tổ chức không khỏi lo ngại, đặc biệt là với những môn thể thao thi đấu ngoài trời. Do đó, nhóm nghiên cứu tin tưởng rằng phát minh mới này sẽ góp phần cung cấp dữ liệu hữu ích giúp công tác tổ chức đạt hiệu quả.

    Trong tương lai, công nghệ này cũng sẽ có thể hỗ trợ cho các nhà tổ chức nhiều hoạt động ngoài trời khác như lễ hội pháo hoa, các cuộc thi đấu thể thao…

    Nằm ở vị trí địa lý thuộc một trong những khu vực có hoạt động địa chấn nhiều nhất trên thế giới, Nhật Bản thường hứng chịu các đợt thiên tai nặng nề, trong đó có động đất, lũ lụt và lở đất, gây nhiều thiệt hại về người và của.

    Chính vì vậy, Đất nước Mặt Trời mọc không ngừng phát triển các công nghệ cảnh báo sớm, các hệ thống giảm nhẹ thiên tai hiện đại, đồng thời thường xuyên tổ chức các đợt diễn tập khẩn cấp tại nhiều trường học.

    Theo VietnamPlus.vn (18/2/2019)

    Độc đáo mô hình trồng rau sạch từ rác tại hộ gia đình

    Mô hình trồng rau sạch bằng cách tái sử dụng rác thải sinh hoạt để làm phân bón của bà Dương Thị Kim Thoa (tổ 4, phường Bồ Đề, quận Long Biên, Hà Nội) hứa hẹn sẽ được nhiều hộ gia đình học tập và áp dụng.

    Trồng rau sạch từ … rác

    Những năm gần đây, do e ngại về thực phẩm bẩn nên nhiều hộ gia đình ở các đô thị lớn có xu hướng tự trồng rau sạch trên sân thượng để tự cung tự cấp. Tuy nhiên, mô hình trồng rau sạch từ rác tái chế thì chưa hẳn nhiều người làm được. Chính vì thế, bà Dương Thị Kim Thoa (tổ 4, phường Bồ Đề, quận Long Biên, Hà Nội) rất mong muốn mô hình trồng rau từ rác tái chế của mình được nhiều người biết đến và áp dụng vừa phục vụ nhu cầu của mỗi gia đình, vừa góp phần giảm thiểu rác thải sinh hoạt, bảo vệ môi trường sống.

    Bà Dương Thị Kim Thoa kể, năm 2012, sau khi thấy anh trai mình mang từ quê lên một xe tải đất, bà Thoa đã xin mấy thùng xốp để đựng đất trồng cây. Tuy nhiên vấn đề phát sinh ở chỗ, do sử dụng phân bón hóa học nên đất nhanh chóng bị bạc màu, cây trồng chỉ được một vụ là phải thay đất. Việc làm phiền hà, tốn công sức mỗi khi phải mua đất, vận chuyển lên tận sân thượng đã khiến cho bà Thoa suy nghĩ rất nhiều.


    Rác thải hữu cơ được tận dụng để làm phân bón vi sinh, phục vụ việc trồng rau sạch của bà Dương Thị Kim Thoa.

    “Sau khi tự tìm tòi, tôi quyết định làm phân bón vi sinh từ việc tận dụng rác thải sinh hoạt ở gia đình. Cụ thể, tôi sử dụng những thực phẩm bỏ đi như cơm nguội, cuống rau, ruột cá … sau đó ủ chừng 40 – 50 ngày là tôi đã có phân vi sinh bón cho cây. Sử dụng phân vi sinh tốt hơn phân hóa học rất nhiều, đất hồi phục nhanh sau mỗi đợt trồng cây mới. Nhiều gia đình dùng phân hóa học, cây chỉ cho thu hoạch một lần là chết nhưng cây cối tôi trồng, cho thu hoạch 3 – 4 đợt. Đó là chưa kể việc mình tận dụng được tối đa rác thải trong gia đình, hạn chế được ô nhiễm môi trường” – bà Thoa chia sẻ.

    Vườn rau rộng chừng 40 m2 của bà Thoa lúc nào cũng xanh tươi, non mơn mởn của các loại rau cải lá, cải bó xôi, rau muống, cà chua, súp lơ, rau dền Nhật Bản …. Vừa dẫn chúng tôi đi thăm khu vườn, bà Thoa cho vừa cho biết: “Nhiều hàng xóm thấy mô hình này hay nên đã sang nhà tôi học hỏi kinh nghiệm. Tôi ước lượng, rác thải hữu cơ chiếm tới 50% lượng rác thải sinh hoạt của mỗi gia đình nên nếu chúng ta tận dụng được lượng rác thải này, lượng rác thải ra ngoài tự nhiên giảm được một nửa. Điều này sẽ rất hữu ích khi vừa giảm thiểu được chi phí xử lý rác, vừa giảm thiểu ô nhiễm môi trường”.

    Mong muốn mô hình được nhân rộng

    Hiện nay các cấp, ngành đều xác định rác thải là một nguồn tài nguyên và muốn tận dụng nguồn tài nguyên này thì công tác phân rác tại nguồn là việc làm hết sức quan trọng. Phân loại rác thải từ nguồn cũng không phải đến thời điểm này mới được đề cập tới. Có thể hiểu, đây là hoạt động phân chia rác thải ra các loại riêng biệt như rác vô cơ, hữu cơ… ngay tại nơi thải rác. Theo nhiều chuyên gia môi trường, nếu thực hiện phân loại rác ngay từ đầu nguồn thì những thứ này hoàn toàn có thể tái chế và lượng rác mang đi xử lý tại các điểm chôn lấp còn lại rất ít. Tuy nhiên hiệu quả thực hiện chủ trương này chưa cao.

    Vườn rau sử dụng phân vi sinh được chế từ rác thải sinh hoạt của bà Thoa.

    Theo ý kiến riêng của bà Thoa, sở dĩ việc phân rác tại nguồn chưa đạt hiệu quả cao là bởi nó chưa gắn với lợi ích của từng hộ gia đình. “Gia đình tôi có nhu cầu sử dụng chất thải hữu cơ để làm phân vi sinh nên sẽ có ý thức phân loại rác ngay từ ban đầu. Nhưng nhiều gia đình khác do không có nhu cầu làm phân vi sinh nên họ vẫn chưa ý thức việc phân loại rác. Vì thế tôi rất mong muốn mô hình trồng rau sạch từ rác thải sinh hoạt được nhiều hộ gia đình biết tới và làm theo. Khi họ có nhu cầu thì không cần nhắc nhở họ cũng sẽ tự ý thức” – Bà Thoa tâm sự.

    Bà Thoa cũng cho rằng: “Sau vụ bãi rác Nam Sơn bị ùn ứ, tôi thấy mỗi công dân cần có trách nhiệm, chung tay cùng với các cấp chính quyền, Nếu mỗi người dân biết tận dụng những rác thải sinh hoạt để dùng chúng trong việc tạo ra phân vi sinh bón cho cây thì sẽ giảm được chi phí mua phân bón hóa học, tăng được tuổi thọ cho cây và thu hoạch gấp đôi năng suất”.

    Được biết mô hình trồng rau sạch từ rác thải sinh hoạt của bà Dương Thị Kim Thoa đã có sức lan tỏa và ảnh hưởng mạnh mẽ, nhất là với những người dân phường Bồ Đề, quận Long Biên, Hà Nọi. Ngoài tạo ra những sản phẩm hữu ích phục vụ cho gia đình và xã hội, việc làm ý nghĩa này còn giúp người dân nâng cao ý thức trong việc giữ gìn và bảo vệ môi trường.

    Theo tainguyenvamoitruong.com.vn (20/2/2019)

    Ô nhiễm không khí đang tàn phá sức khỏe của con người?

    Theo các nghiên cứu cho thấy, hiện nay tình trạng ô nhiễm không khí đang làm tổn hại tới sức khỏe của con người là vô cùng khủng khiếp.

    Không phải thức ăn hay nước uống, không khí mới là thứ gắn bó và cần thiết với chúng ta nhất. Mặc dù không có tác động trực tiếp khiến bụng ta no, cổ ta hết khát nhưng môi trường ô nhiễm là tác nhân hàng đầu gây ra hàng loạt căn bệnh, đe dọa đến tính mạng của con người.

    Ô nhiễm không khí làm tổn hại tới não thai nhi

    Báo Vnexpress đã chỉ ra những căn bệnh cực nguy hiểm mà nguyên nhân chính xuất phát từ việc ô nhiễm môi trường. Tác hại đáng sợ đầu tiên đó là căn bệnh thế kỷ – căn bệnh đang khiến cả thế giới phải sợ hãi.

    Nghiên cứu cho thấy phụ nữ mang thai sống ở khu vực nhiều khói bụi nguy cơ sinh con tự kỷ cao gấp đôi nơi khác. Trong ba tháng đầu thai kỳ, ô nhiễm không khí sẽ ảnh hưởng đến não thai nhi, theo Reader’s Digest.


    Chất lượng không khí không đảm bảo có thể gây hàng loạt bệnh nguy hiểm.

    Ô nhiễm không khí gây nguy hại cho tim và phổi

    Ô nhiễm không khí gây nguy hại cho tim và phổi. Một nghiên cứu mới của Đại học Duke Mỹ cho biết người trên 60 tuổi tập thể dục nơi đường phố nhiều khói bụi sẽ có hại cho tim, phổi.

    Còn theo số liệu thống kê của Bộ Y tế tại Việt Nam cũng cho thấy, trong những năm gần đây các bệnh nhân về đường hô hấp có tỷ lệ mắc cao nhất trên toàn quốc, nguyên nhân chủ yếu là do ô nhiễm không khí gây ra.

    Ô nhiễm không khí làm tăng khả năng vô sinh

    Tiến sĩ Xiang Qian, Đại học Trung văn Hương Cảng, Hong Kong (Trung Quốc) cho biết, ô nhiễm không khí ảnh hưởng xấu đến chất lượng tinh trùng. Những người thường xuyên hít không khí ô nhiễm dễ bị biến dạng tinh trùng, chất lượng kém.

    Ô nhiễm không khí gây hại cho mắt

    Bệnh viện Mắt Trung ương cũng từng khuyến cáo, bệnh viện từng tiếp nhận rất nhiều trường hợp viêm nhiễm mắt, giác mạc do khí bụi. Do đó, bác sĩ khuyên những người dân khi đi ra ngoài, đặc biệt những người trực tiếp làm việc trong môi trường bị ô nhiễm cần nâng cao cảnh giác, bảo vệ mắt tốt hơn.

    Ô nhiễm không khí là tác nhân hàng đầu khiến bệnh về da tăng cao

    Trong khi đó, các chuyên gia về da liễu cũng nhận định, bụi không khí do ô nhiễm là tác nhân gây các bệnh về da liễu như mụn, dị ứng, viêm da… Chúng là nơi chứa nhiều mầm bệnh, tác nhân mang vi khuẩn, virus, nấm mốc vào cơ thể người nếu tiếp xúc lâu dài và tùy theo cơ địa của từng người sẽ có các bệnh lý khác nhau.

    Trên thực tế, bất chấp việc che chắn kỹ càng cho cơ thể bằng áo khoác hoặc váy chống nắng,… làn da vẫn bị bụi bẩn tấn công mỗi ngày. Ô nhiễm, khói bụi tích tụ sâu bên trong da, làm bít tắc lỗ chân lông, da không đều màu, thâm sạm, tàn nhang, nám,… Những tác nhân này còn phá hủy các vitamin, làm sợi collagen suy yếu khiến da mất độ đàn hồi và các dấu hiệu lão hóa, nếp nhăn dần xuất hiện. Làn da sẽ trở nên nhạy cảm hơn, dễ dị ứng, nổi mụn, không đủ sức để chống chọi với các tác nhân từ bên ngoài.

    Ngoài ra, ô nhiễm không khí còn làm tăng các bệnh về xương; gây suy thận; lão hóa da; tăng nguy cơ bị bệnh tim, đột quỵ.

    Do đó, để đối phó với sự ô nhiễm, các chuyên gia khuyến cáo trên báo Dân trí, để có thể góp phần vào việc giảm ô nhiễm không khí bằng cách thường xuyên sử dụng các phương tiện giao thông công cộng, có ý thức trong việc bảo vệ môi trường sống, trồng nhiều cây xanh. Tuy nhiên, để giải quyết tình trạng ô nhiễm cần một giải pháp đồng bộ của các cơ quan hữu quan.

    Đối với người dân phải luôn lưu ý, đeo khẩu trang hoạt tính, kính chắn bụi mỗi khi ra đường; sử dụng nước muối sinh lý để nhỏ mắt, vệ sinh mũi sau khi đi ra ngoài; rửa tay bằng xà phòng trước khi ăn, trước khi đi ngủ và khi tiếp xúc với bộ phận khác trên cơ thể; khi về nhà, cần thay quần áo và tắm gội ngay; không ăn uống lề đường, chọn thực phẩm sạch, không bị nhiễm bẩn; hạn chế đi ra ngoài.

    Phương Thảo/vietq.vn (13/2/2019)

    Đại dương biến đổi bất thường, nguy cơ thảm họa “tấn công” con người?

    Biến đổi khí hậu đang dần khiến cho nước đại dương biến dạng. Hiện tượng này nếu kéo dài đe dọa tới cuộc sống của con người.

    Màu sắc đại dương đang thay đổi

    Các nhà khoa học đã phát hiện ra rằng, hiện nay đại dương đang xuất hiện nhiều hiện tượng lạ bất thường. Những vùng biển nhiệt đới trở nên xanh đậm hơn và sáng hơn trong khi vùng nước biển lạnh dần trở nên tối hơn.

    Nguyên nhân là do biến đổi khí hậu đang làm thay đổi quần thể tảo nhỏ, siêu nhỏ trôi qua cột nước được gọi là thực vật phù du. Giống như họ hàng chúng sống trên cạn, thực vật phù du có chứa chất diệp lục – sắc tố hấp thụ các bước sóng màu xanh trong ánh sáng mặt trời và phản chiếu ánh sáng màu xanh lá cây để tạo ra carbon cho quá trình quang hợp.


    Đại dương đang biến đổi bất thường sẽ gây ra nhiều thảm họa cho con người.

    Cụ thể, vùng nước lạnh, đậm đặc chất dinh dưỡng với quần thể thực vật phù du dày đặc hơn sẽ có màu nước xanh lá cây đậm hơn. Trong khi đó vùng nước nhiệt đới ít thực vật phù du sẽ có màu nước xanh lam hoặc màu ngọc lam đậm hơn. Nhưng khi vùng nước ấm, cận nhiệt đới trở nên ấm hơn thì dự báo quần thể thực vật phù du sẽ giảm, màu nước thành xanh lam hơn.

    Mặt khác, vùng nước lạnh màu xanh lá cây giàu tảo cũng sẽ ấm lên, thúc đẩy thực vật phù du phát triển đa dạng hơn cũng sẽ trở nên xanh lam hơn. Như vậy, cuộc sống thực vật ở những khu vực này cũng sẽ thay đổi.

    Chỉ một số vùng nước đang xanh lá cây hơn sẽ trở nên xanh đậm hơn nữa. Nhiều vùng nước xanh lá cây hơn khác sẽ thành xanh lam hơn.

    Cũng theo kết luận của các nhà khoa học, vào cuối thế kỷ 21 chắc chắn 50% đại dương sẽ thay đổi màu sắc rõ ràng hơn. Điều này sẽ dẫn đến hậu quả khá nghiêm trọng. Các loại thực vật phù du khác nhau hấp thụ ánh sáng khác nhau và nếu biến đổi khí hậu chuyển quần thể thực vật phù du này sang quần thể khác, sẽ làm thay đổi các lưới thức ăn.

    Các nhà khoa học đã đo màu sắc của đại dương từ cuối thập niên 90, để xác định mức độ chất diệp lục và thực vật phù du. Sự thay đổi đáng kể của chất diệp lục có thể do toàn cầu nóng lên, nhưng cũng có thể do sự biến đổi tự nhiên của chu kỳ tăng trưởng của chất diệp lục do điều kiện thời tiết tự nhiên như El Nino hoặc La Nina.

    Để giải thích những sự kiện tự nhiên này, các nhà nghiên cứu đã vận hành mô hình toàn cầu trước đây được sử dụng dự đoán sự thay đổi của thực vật phù du để đối phó với nhiệt độ tăng lên và axit hóa đại dương, nay dùng để dự đoán thay đổi khí hậu ảnh hưởng đến thực vật phù du thế nào.

    Các nhà khoa học dự báo nhiệt độ toàn cầu tăng thêm 3 độ C vào năm 2100. Họ đã thấy ánh sáng trong dải sóng màu xanh lam và xanh lục cho phản ứng nhanh nhất, nhưng những thay đổi do khí hậu đối với chất diệp lục có thể bắt đầu ngay từ năm 2055.

    Đại dương nóng lên nhanh chóng

    Việc đại dương nóng lên cũng làm cho xuất hiện nhiều cơn bão và siêu bão trong tương lai. Năm 2018 được xem là năm đại dương có mức nhiệt nóng nhất trong lịch sử gần 70 năm.

    Cụ thể, theo nghiên cứu của các nhà khoa học thuộc Viện Vật lý Khí quyển (IAP) tại Viện Hàn lâm Khoa học Trung Quốc: Năm 2018, phần trên cùng của đại dương thế giới đã hấp thụ lượng nhiệt gấp 150 triệu quả bom nguyên tử “Little Boy” Mỹ ném xuống thành phố Hiroshima (Nhật Bản) năm 1945.

    Theo The Washington Post, công bố trên cũng có thể gây những tác động chính sách quan trọng. Nếu nhiệt độ đại dương tăng nhanh hơn những tính toán trước đây, các quốc gia thậm chí có thể còn ít thời gian hơn để cắt giảm khí thải CO2 gây hiệu ứng nhà kính.

    Ngay cả trước khi nghiên cứu nói trên công bố, báo cáo từ IPCC trước đó cũng đã cảnh báo “thời gian hành động sắp hết” và kêu gọi những nỗ lực “nhanh chóng, sâu rộng và chưa từng có tiền lệ” để ngăn toàn cầu nóng thêm 1,5 độ C, thay vì 2 độ C như những kêu gọi trước đây.

    Báo cáo cũng kêu gọi cắt giảm 20% khí thải vào năm 2030 và loại bỏ khí thải vào năm 2075 để thực hiện mục tiêu này. Nghiên cứu công bố hôm 31-10 cho thấy lượng khí thải cần phải thấp hơn 25% so với chỉ dẫn của IPCC, vì nhiệt độ đại dương gia tăng sẽ tiếp tục đẩy mạnh sự nóng lên toàn cầu thêm vài thập kỷ ngay cả khi thế giới tiết giảm khí thải nhà kính ngay lập tức.

    Chưa hết, nghiên cứu mới cũng nhấn mạnh những hậu quả tiềm tàng của sự chây ì hành động trên toàn cầu. Các đại dương nóng lên nhanh chóng đồng nghĩa với mực nước biển sẽ dâng cao hơn và tình trạng nguy cấp hơn đối với những khu vực vốn đã phải đối mặt với tác động của khí hậu nóng lên, như các rạn san hô ở vùng nhiệt đới, các dải băng Greenland và Nam cực.

    Theo An Dương/vietq.vn (15/2/2019)

    Biến năng lượng mặt trời thành nhiên liệu lỏng

    Các nhà khoa học Mỹ giới thiệu phương pháp sử dụng một loại vi khuẩn để biến đổi năng lượng mặt trời thành nhiên liệu lỏng.

    Các nhà khoa học thuộc Đại học Harvard dùng chất xúc tác để tách ánh sáng Mặt Trời thành hydro và oxy. Sau khi hệ thống “lá cây nhân tạo” này sinh ra oxy và hyro, họ sử dụng vi khuẩn Ralstonia eutropha để chuyển hóa và kết hợp carbon dioxide, hydro thành dạng nhiên liệu lỏng gọi là isopropanol.

    Isopropanol chủ yếu được sử dụng làm dung môi và ứng dụng trong ngành công nghiệp dược phẩm. Nó cũng có thể làm nhiên liệu lỏng cho các phương tiện vận chuyển.

    Chuyển năng lượng mặt trời thành nhiên liệu lỏng nhờ một loại vi khuẩn. (Ảnh minh họa: Fotolia)

    “Đây là bằng chứng cho thấy chúng ta có thể thu hoạch năng lượng mặt trời và lưu trữ chúng dưới dạng nhiên liệu lỏng”, Science Daily dẫn lời Pamela Silver, thành viên nhóm nghiên cứu, cho hay. Họ hy vọng có thể tăng hiệu suất chuyển đổi của hệ thống này từ 1% lên 5% trong thời gian tới.

    Theo Time, hiện các nhà khoa học chuyển đổi năng lượng mặt trời thành hydro bằng cách sử dụng tế bào quang điện. Năng lượng có thể được lưu trữ trong tế bào nhiên liệu (hay còn gọi là pin nhiên liệu) và phục vụ cho các mục đích trong tương lai.

    Theo Khoahoc.vn (19/2/2019)

    Sản xuất vật liệu xây dựng từ tro bay bằng công nghệ bán khô

    0

    Công ty TNHH sản xuất Trung Hậu mới đây đã nghiên cứu công nghệ và sản xuất thử nghiệm thành công vật liệu xây dựng từ tro bay hoặc tro xỉ của nhà máy nhiệt điện than.

    Với công nghệ này, sản phẩm đông cứng và đạt cường độ tối đa và có thể đưa vào sử dụng luôn ngay sau khi sản xuất.

    Nhiệt điện thải hơn 16 triệu tấn tro, xỉ, thạch cao mỗi năm

    Trong quá trình đốt cháy than để sản xuất điện, khoảng 20% chất vô cơ không cháy và cả lượng than chưa cháy hết bị dính vón thành các hạt lớn và rơi xuống đáy lò gọi là xỉ than hay tro đáy. 80% chất vô cơ không cháy còn lại sẽ bay theo khói lò thoát ra ngoài thành tro bay. Tro bay xỉ than thường được thu hồi bằng hệ thống lọc bụi tĩnh điện.

    Theo báo cáo của Bộ Công thương, tro, xỉ, thạch cao hiện nay chủ yếu phát sinh từ các nhà máy nhiệt điện than. Các nhà máy này tiêu thụ khoảng 47,8 triệu tấn than/năm với lượng tro xỉ, thạch cao thải ra hàng năm hơn 16,4 triệu tấn/năm. Dự kiến tới năm 2020 sẽ có thêm nhiều dự án nhiệt điện than được đưa vào hoạt động, tiêu thụ khoảng 60 triệu tấn than/năm và phát sinh khoảng 20,5 triệu tấn tro xỉ, thạch cao.


    Tro bay, tro xỉ từ nhà máy nhiệt điện than gây ô nhiễm môi trường nếu không được xử lý.

    Với thành phần hạt có trọng lượng nhẹ, kích thước hạt rất nhỏ (tương đương 1/3 hạt xi măng), tro xỉ có thể bay tự do trong không khí, phát tán khắp nơi. Đây là nỗi lo sợ của cư dân gần nhà máy nhiệt điện và xung quanh nơi chôn lấp tro bay. Không chỉ phát tán trong không khí, chỉ cần có mạch nước ngầm nhỏ cũng có thể đem tro đi khắp mọi ngõ ngách trong lòng đất, với các thành phần của tro bao gồm những ô xít kim loại nặng như SiO2, Al2O3, Fe2O3, CaO, NaO, TiO2,… làm ô nhiễm nguồn nước, gây ra nhiều căn bệnh nguy hiểm.

    Tuy nhiên, loại chất thải này lại có thể tái sử dụng làm nguyên liệu sản xuất ximăng, bêtông và nguyên liệu sản xuất vật liệu xây dựng. Ngoài ra, tro, xỉ, thạch cao còn được sử dụng để làm chất liên kết, gia cố các công trình giao thông, sản xuất gạch không nung, bê tông nhẹ, làm tấm trần, tường thạch cao, gốm sứ..

    Công nghệ vượt trội

    Ông Trần Trung Nghĩa – Chủ tịch HĐTV Công ty TNHH sản xuất Trung Hậu – cho biết, nhóm nghiên cứu của Công ty đã nghiên cứu và áp dụng công nghệ geopolymer bán khô, với đầu vào là tro bay hoặc tro xỉ của nhà máy nhiệt điện than. Sau khi được pha trộn với một loại phụ gia sẽ tạo ra những hạt với kích cỡ theo mong muốn.

    “Chỉ hơn 4 phút một chu trình, công nghệ này cho ra sản phẩm đông cứng, đạt cường độ tối đa ngay sau khi sản xuất, có thể đưa vào sử dụng luôn” – ông Nghĩa nói. Theo ông Nghĩa, các công nghệ trong lĩnh vực bê tông Geopolymer tại Mỹ, Australia phải mất 4 – 8 tiếng để đông cứng và đạt cường độ.

    Theo ông Nghĩa, công nghệ geopolymer bán khô đã tồn tại khá lâu vì các ưu điểm vượt trội về cường độ, khả năng chống ăn mòn,… Tuy nhiên, ứng dụng của công nghệ còn hạn chế do giá thành của các chất hoạt hóa kiềm rất cao và khả năng đông kết khá lâu. Để khắc phục những nhược điểm này, nhóm đã nghiên cứu theo hướng bán khô, tiết kiệm tối đa lượng hoá chất hoạt hoá kiềm sử dụng. Đồng thời, ứng dụng công nghệ song microwave để gia nhiệt và rút ngắn quá trình đông kết.


    Sản phẩm được sản xuất từ tro bay bằng công nghệ geopolymer bán khô.

    Các hạt sản phẩm được sản xuất từ tro bay có module như cát xây dựng đến kích cỡ như đá xây dựng, có thể được ứng dụng làm vật liệu san lấp thay thế cát, làm nền đường giao thông, san lấp lấn biển, hoàn thổ, cốt liệu nhẹ cho bêtông xây dựng. Tuỳ theo yêu cầu sử dụng, sản phẩm có thể được điều chỉnh cường độ từ 5 MPa đến trên 50 MPa, khi được kết hợp với xỉ mangan hoặc xỉ thép, cường độ có thể đạt trên 100 MPa.

    Sản phẩm đã được kiểm tra tại Trung tâm Kỹ thuật Tiêu chuẩn – Đo lường – Chất lượng 3 theo TCVN 7570 cho kết quả nằm trong vùng cốt liệu vô hại, có thể được sử dụng làm vật liệu san lấp.

    Theo ông Nghĩa, với công suất tiêu thụ lớn, mỗi dây chuyền sử dụng công nghệ nói trên có thể tạo ra 2.000 tấn vật liệu san lấp mỗi ngày, đáp ứng nhu cầu ngày một tăng mạnh về vật liệu san lấp. Đồng thời, giải quyết được lượng tro xỉ từ nhà máy nhiệt điện đang ngày càng tăng. Tuy nhiên, do là sản phẩm mới nên nhóm nghiên cứu cần sự hỗ trợ từ phía các địa phương có nhà máy nhiệt điện ưu tiên sử dụng loại vật liệu san lấp này để giải quyết vấn đề đầu ra và vận chuyển do sản phẩm được tiêu thụ tại chỗ.

    Ông Nghĩa cho biết thêm, hiện nay Công ty có trên 10 đối tác trong và ngoài nước muốn đầu tư máy móc theo công nghệ này để sản xuất cốt liệu san lấp tiêu thụ tại thị trường Việt Nam. Trong đó, có một số công ty nước ngoài muốn mua lại công nghệ này để ứng dụng và phát triển thêm.

    Khoahocphattrien.vn (19/2/2019)

    5 phát minh thay đổi thế giới về nguồn năng lượng mặt trời

    0

    Năng lượng mặt trời đang dần trở thành một trong những nguồn năng lượng tái tạo được tận dụng nhiều nhất qua nhiều năm và các nhà sáng tạo đang tìm kiếm nhiều cách tốt hơn để khai thác nguồn năng lượng này.

    Nguồn năng lượng miễn phí có sẵn khoảng 12 tiếng mỗi ngày và thậm chí nhiều hơn ở một vài nước để khai thác? Năng lượng mặt trời đang dần trở thành một trong những nguồn năng lượng tái tạo được tận dụng nhiều nhất qua nhiều năm và các nhà sáng tạo đang tìm kiếm nhiều cách tốt hơn để khai thác nguồn năng lượng này. Đó là các dự án ứng dụng lắp đặt pin năng lượng mặt trời trên mái nhà, phương tiện giao thông, quần áo, điện thoại đi động và nhiều hơn nữa.

    Dưới đây là một trong những phát minh thay đổi thế giới về nguồn năng lượng tái tạo:

    Chảo gương mặt trời (Mirrored solar dishes)

    Được biết đến với nhiều ưu điểm nổi trội, nhiều người thường thắc mắc về lý do tại sao năng lượng mặt trời không phải là nguồn năng lượng duy nhất. Điều đó vẫn chưa thành hiện thức vì các thiết bị năng lượng mặt trời còn có giá thành khá cao. Tận dụng năng lượng từ những vùng được đánh giá là nhiều năng lượng mặt trời như sa mạc cũng không phải là một điều dễ. Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu tin rằng việc phát minh ra những chảo gương mặt trời (mirrored solar dishes) có thể là giải phát tối ưu nhất để khai thác năng lượng mặt trời với giá rẻ nhất.

    Hệ thống thu năng lượng mặt trời với chi phí thấp có thể thu ánh sáng mặt trời 2000 lần. Chảo mặt trời được bao phủ bởi nhiều lớp gương giúp hướng tia nắng quy tụ vào một vùng nhỏ nhất định. Hình lõm lòng chảo cho phép thu hầu hết tia nắng từ mặt trời xuyên suốt ngày. Thiết kế hệ thống thu năng lượng mặt trời hình lõm được đánh giá là hiệu quả hơn hệ thống pin. Trong khi những hệ thống thông thường chỉ chuyển hoá khoảng 20% nắng từ mặt trời thành năng lượng thì hệ thống chảo gương mặt trời có thể chuyển hoá lên đến 80%.

    Pin điện Tesla

    Một thử thách khác khi ứng dụng nguồn điện năng lượng mặt trời tái tạo ngoài chi phí thiết bị cao là công nghệ lưu trữ năng lượng. Lưu trữ năng lượng là chìa khoá để biến năng lượng mặt trời trở nên phổ biến hơn ngày nay và đó là nguồn cảm hứng từ pin điện của Tesla. Được mệnh danh là “Năng lượng Tesla”, pin điện được thiết kế nhằm lưu trữ năng lượng mặt trời hiệu quả hơn nhưng loại pin khác trên thị trường hiện nay.

    Kết hợp công nghệ pin và công nghệ mặt trời là cách tốt nhất để đảm bảo dòng năng lượng ổn định có giá thành rẻ hơn năng lượng được khai thác từ các nhà máy đốt nhiên liệu hoá thạch. Theo các nhà sáng kiến từ Tesla, họ đang đến gần mục tiêu phổ biến hoá sản phẩm pin của mình tới các công ty thương mại.

    “Chia sẻ năng lượng mặt trời” là giải pháp cho những người không có mái nhà để lắp đặt hệ thống pin năng lượng mặt trời bằng việc chia sẻ nguồn năng lượng từ các hệ thống của hàng xóm với chi phí thấp hơn so với việc họ phải trả cho công ty cung cấp điện.

    Hệ thống điện mặt trời di động

    Các nước và khu vực phát triển đang hồi phục sau thiên tai tận dụng tối đa từ nguồn năng lượng thay thế như năng lượng mặt trời, nguồn năng lượng hiệu quả, an toàn và rẻ hơn máy phát điện.

    Các nhà máy điện có tác động to lớn đến việc giúp các nước hồi phục sau thiên tai bằng việc ứng dụng các hệ thống năng lượng mặt trời di động cho việc chiếu sáng và các trạm sạc điện thoại phục vụ nhân viên cứu trợ. Bộ sản phẩm năng lượng di động bao gồm tấm pin năng lượng mặt trời và hộp điều khiển có hệ thống dự trữ có vai trò thu và lưu trữ năng lượng. Nỗ lực mới nhất trong việc sử dụng nguồn điện di động là sử dụng máy in 3D chạy bằng lượng mặt trời để cung cấp thiết bị y tế tại điểm cứu trợ mà chi phí nhỏ.

    Khử muối bằng mặt trời

    Nguồn điện mặt trời chuyển hoá năng lượng từ mặt trời thành điện trong khi việc khử muối với mục đích loại bỏ những khoáng chất không cần thiết từ nước biển để sử dụng và cho mục đích nông nghiệp. Vậy làm thế nào để kết hợp hai quá trình đó?

    Các nhà nghiên cứu đã phát kiến ra máy chạy bằng lượng mặt trời có chức năng biến nước lợ thành nước uống bằng cách tách muối ra khỏi nước. Bên cạnh khử muối, máy có thể thanh lọc và tẩy sạch nước bằng tia cực tím (Ultraviolet Rays). Nhiều vùng đất ngày nay vẫn phải sống trong điều kiện thiếu nước dù 70% trái đất được bao phủ bởi nước. Sáng kiến này là một trong những giải pháp hiệu quả nhất cung cấp nguồn nước sạch cho sinh hoạt.

    Phương tiện chạy bằng năng lượng mặt trời

    Công nghệ năng lượng mặt trời đã thúc đẩy mạnh mẽ việc cải thiện hệ thống phương tiện di chuyển cả trên không và mặt đất. Chúng ta tiếp xúc nhiều với ánh năng mặt trời trong lúc lái xe, đi tàu hay bay trên không. Các nhà khoa học đã thử nghiệm rất nhiều cách để khai thác nguồn năng lượng này. Cùng với những sáng chế phương tiện di chuyển chạy bằng điện, đã đến lúc chúng ta nên bắt đầu sử dụng năng lượng mặt trời thay thế năng lượng điện.

    “Solar Impulse 2” là chiếc máy bay năng lượng mặt trời đầu tiên. Phi công có thể bay đến mọi nơi trên thế giới ngay cả trong đêm cùng với chiếc máy bay được cung cấp nhiên liệu chỉ từ năng lượng mặt trời. Ở Hà Lan còn có cả một con đường chỉ dài bằng 230 feet (70m) tạo ra 3000kWh, tương đương với cung cấp năng lượng cho một hộ gia đình một người trong suốt một năm.

    Theo tech.co (17/2/2019)