26 C
Hanoi
Thứ ba, Tháng mười một 19, 2024
More
    Home Blog Page 364

    Việt Nam đạt giải nhất cuộc thi ảnh về thời tiết và khí hậu

    Tác phẩm “Ngôi nhà trong bão” của Cơ quan Khí tượng Thủy văn Việt Nam đạt giải nhất cuộc thi ảnh với chủ đề “Thời tiết và Khí hậu khu vực Ủy ban Bão quốc tế”.

    Trong khuôn khổ Khóa họp Thường niên lần thứ 51 của Ủy ban Bão quốc tế tổ chức tại Quảng Châu, Trung Quốc từ ngày 26/2 đến 1/3, Ủy ban Bão quốc tế đã tổ chức Cuộc thi ảnh chủ đề “Thời tiết và khí hậu khu vực Ủy ban Bão quốc tế.”

    Theo chủ đề của cuộc thi ảnh do Ủy ban phát động, 14 quốc gia, vùng lãnh thổ là thành viên Ủy ban Bão quốc tế đã lựa chọn và gửi về Ban Thư ký các tác phẩm ảnh đơn theo tiêu chí và thể lệ cuộc thi.

    Qua vòng sơ loại, có 23 tác phẩm được chọn trưng bày và 11 tác phẩm được bình chọn.


    Tác phẩm “Ngôi nhà trong bão”

    Kết quả bình chọn ngày 1/3 được công bố tại phiên bế mạc Khóa họp Thường niên lần thứ 51, Ban tổ chức đã trao giải cho đại diện các Cơ quan Khí tượng Thủy văn tham gia.

    Giải nhất được trao cho tác phẩm “Ngôi nhà trong bão” của Cơ quan Khí tượng Thủy văn Việt Nam; 2 giải nhì, 2 giải ba được trao cho Cơ quan Khí tượng Thủy văn Trung Quốc và Hong Kong, 2 giải khuyến khích được trao cho Cơ quan Khí tượng Thủy văn Nhật Bản và Trung Quốc.

    Tác phẩm ảnh đơn “Ngôi nhà trong bão” của tác giả Lương Thanh Hải, Nghệ An là một trong số hơn 1.000 các tác phẩm ảnh đạt giải trong Cuộc thi ảnh “Con người với thiên nhiên trong bối cảnh biến đổi khí hậu phục vụ phát triển bền vững đất nước” do Trung tâm Khí tượng Thủy văn Quốc gia và Báo Ảnh Việt Nam đồng tổ chức, chào mừng Khóa họp thường niên lần thứ 50 và kỷ niệm 50 năm thành lập Ủy ban Bão tổ chức tại thủ đô Hà Nội dịp đầu năm 2018.

    Việc tổ chức cuộc thi ảnh của Ủy ban Bão quốc tế là một trong những hoạt động tích cực thể hiện tinh thần đoàn kết và hợp tác mà Việt Nam là thành viên đóng vai trò khởi nguồn cho các hoạt động, được các quốc gia, vùng lãnh thổ yêu mến, ủng hộ.

    Theo TTXVN/Vietnam+ (2/3/2019)

    Hướng mới tái chế các sản phẩm nhựa dùng một lần

    0

    Với quy trình mới, PET tái chế được nâng cấp thành các vật liệu tổng hợp có giá trị cao, thậm chí có thể được sử dụng để sản xuất trong các linh kiện xe hơi, cánh quạt tuabin gió hoặc ván lướt sóng.

    Các nhà khoa học Mỹ đang phát triển một giải pháp hiệu quả và thân thiện với môi trường hơn để tái chế các sản phẩm nhựa dùng một lần vốn được làm từ vật liệu polyester thông thường. Không chỉ giúp giảm thiểu được lượng rác thải nhựa, nghiên cứu này còn khởi động thị trường nhựa tái chế.

    Các sản phẩm nắp hộp nhựa phế thải tại một nhà máy tái chế gần Marseille, Pháp. (Nguồn: AFP/TTXVN)

    Theo nghiên cứu được đăng tải trên tạp chí Joule ra ngày 27/2, các nhà khoa học thuộc Phòng thí nghiệm Năng lượng tái tạo quốc gia Mỹ (NREL) đã kết hợp polyethylene terephthalate (PET) tái chế với các phân tử có nguồn gốc từ sinh khối thực vật bỏ đi để sản xuất hai loại nhựa được gia cố theo dạng sợi, bền gấp hai đến ba lần so với PET ban đầu (PET là nhựa nhiệt dẻo, thuộc loại nhựa polyester và được dùng trong tổng hợp xơ sợi).

    PET là vật liệu nhẹ, bền và chịu nước, được sử dụng rộng rãi trong các đồ dùng như chai nước giải khát, quần áo và thảm. Nó có thể tái chế, nhưng dường như có độ bền thấp hơn so với bản gốc và chỉ có thể tái sản xuất một hoặc hai lần.

    Theo ông Gregg Beckham, tác giả chính của nghiên cứu trên, tái chế PET tiêu chuẩn ngày nay về cơ bản là giảm giá trị (tái chế xuống cấp). Song với quy trình mới, PET tái chế được nâng cấp thành các vật liệu tổng hợp có giá trị cao, thậm chí có thể được sử dụng để sản xuất trong các linh kiện xe hơi, cánh quạt tuabin gió hoặc ván lướt sóng.

    Mặc dù vẫn trong giai đoạn thử nghiệm, song các nhà khoa học dự đoán sản phẩm tổng hợp này sẽ cần ít hơn 57% năng lượng so với quy trình tái chế hiện tại và thải ít hơn 40% khí gây hiệu ứng nhà kính so với sản xuất nhựa gia cố sợi tiêu chuẩn. Tuy nhiên, các nhà khoa học vẫn phải kiểm tra quy trình này trước khi có thể mở rộng sản xuất.

    Theo TTXVN (1/3/2019)

    Biến CO2 thành than ở nhiệt độ thường

    0

    Trong nghiên cứu được đăng tải trên Nature, các tác giả tuyên bố công nghệ của mình mang tới cách thức loại bỏ CO2 “an toàn và vĩnh viễn”.

    Các nhà khoa học vừa thành công trong việc biến khí CO2 ngược thành than rắn, thành tựu mới đưa những nỗ lực giảm thiểu khí thải, hạn chế biến đổi khí hậu lên một tầm cao hơn toàn mới. Đội ngũ nghiên cứu dẫn dắt bởi Đại học RMIT phát triển thành công kỹ thuật mới, áp dụng phương pháp điện phân kim loại trong dung dịch để biến CO2 thành những hạt carbon rắn tại nhiệt độ phòng.

    Trước đây, những cách thức biến CO2 dạng khí thành dạng rắn đều cần tới nhiệt độ cực cao, không thể áp dụng đại trà.

    Trong nghiên cứu được đăng tải trên Nature, các tác giả tuyên bố công nghệ của mình mang tới cách thức loại bỏ CO2 “an toàn và vĩnh viễn”.

    Những kỹ thuật thu nạp carbon hiện tại chủ yếu là biến carbon dạng khí thành chất lỏng rồi lưu trữ bằng các cách khác nhau. Tuy nhiên, có hai trở ngại: về mặt kinh tế và mối nguy hại khi chất lỏng rò rỉ ra khỏi khu vực lưu trữ.

    Nhưng với cách thức mới, khí thải biến thành những khối carbon rắn, gần như là một loại than. Việc cất trữ sẽ dễ dàng hơn nhiều và rất có thể, ta còn có thể tái sử dụng chúng.

    Để biến hóa CO2 thành dạng rắn, các nhà nghiên cứu sử dụng chất xúc tác là dung dịch kim loại, có bề mặt dung dịch được thiết kế đặc biệt để dẫn điện hiệu quả. Điện sẽ được đưa vào carbon dioxide nằm trong một cốc thí nghiệm chứa dung dịch điện phân cùng với một phần nhỏ dung dịch kim loại. CO2 sẽ dần biến thành những mảng rắn qua thử nghiệm điện phân.

    Giáo sư Torben Daeneke, nhà nghiên từ RMIT cho hay: “Chúng ta không thể đảo ngược thời gian, nhưng việc biến carbon dioxide thành than rồi lại chôn xuống đất quả là đi ngược lại với những gì con người vẫn làm”.

    “Cho tới nay, ta mới chỉ có thể biến CO2 thành dạng rắn bằng nhiệt độ cực cao, vì vậy khó có thể tăng quy mô quá trình xử lý CO2. Bằng việc sử dụng chất xúc tác là dung dịch kim loại, chúng tôi tạo ra quá trình mới hiệu quả và có khả năng biến thành dây chuyền lớn”.

    Daeneke công nhận vẫn phải cần thêm các nghiên cứu chuyên sâu, nhưng đây là bước tiến đầu tiên rất đáng kỳ vọng.


    Hai giáo sư RMIT là Torben Daeneke và Dorna Esrafilzadeh.

    Giáo sư Dorna Esrafilzahed, trưởng ban nghiên cứu nói về việc tận dụng sản phẩm carbon tạo ra vào việc sản xuất điện cực.

    “Có một lợi ích nữa của quá trình biến đổi khí carbon dioxide mới, đó là nó có thể giữ được dòng điện, biến được thành một siêu tụ, vì thế có thể đưa nó vào những hệ thống phương tiện của tương lai”.

    Cô nói thêm: “Quá trình ‘rắn hóa’ carbon dioxde cũng tạo ra phụ phẩm là nhiên liệu tổng hợp, có thể dùng trong các ngành công nghiệp”.

    Mọi thứ dường như quá hoàn hảo để thành sự thật.

    Theo tapchicongthuong.vn (1/3/2019)

    Cảnh báo nguy hiểm: Giấy càng trắng càng “ngậm độc”

    Có ý kiến cho rằng, giấy càng có độ trắng cao thì càng có nguy cơ chứa nhiều hóa chất độc hại có thể ảnh hưởng xấu tới sức khỏe và môi trường.

    Hóa chất tăng trắng có hại cho sức khỏe

    Thời gian qua, trên một số diễn đàn xã hội đã có nhiều ý kiến tranh luận về mức độ độc hại của các loại giấy dùng trong cuộc sống hằng ngày. Trong đó, có ý kiến cho rằng, giấy có độ trắng càng cao thì càng độc hại.

    Liên quan tới vấn đề nêu trên, ThS Nguyễn Văn Hiệp (Viện Công nghiệp giấy và Xenluylo) cho biết, trước đây, trên nhiều diễn đàn, bản thân ông cùng một số đồng nghiệp cũng đã có những chia sẻ rất rõ về việc sản xuất giấy cũng như quá trình sử dụng hóa chất làm tăng độ trắng cho giấy.

    Cụ thể, khi chọn mua một sản phẩm giấy (có thể là giấy in, giấy A4, giấy vở…), người tiêu dùng thường hay để ý tới đặc trưng của giấy đó là độ trắng. Giấy càng trắng được cho là có thể bắt mực tốt hơn, giúp chữ viết, hình ảnh in trên giấy chân thực, rõ nét hơn.

    “Nếu muốn tăng độ trắng cho các sản phẩm giấy in, giấy viết hoặc một số loại giấy thường dùng khác, nhà sản xuất có thể sẽ phải sử dụng một lượng chất tẩy trắng bột giấy và chất làm trắng quang học nhất định. Việc này làm tăng độ trắng nhưng lại là nguy cơ gây mất an toàn, ảnh hưởng tới sức khỏe và môi trường”, ThS Hiệp nói.

    Cũng theo vị chuyên gia trên, trong quá trình làm trắng giấy, một số hóa chất như clo, H2O2, xút.. có thể được sử dụng để tăng độ trắng cho nguyên liệu đầu vào, giúp loại bỏ lignin hoặc các hợp chất biến đổi và các hợp chất mang màu…

    “Thực ra bản chất của hiện tượng làm tăng độ trắng quang học là tăng cường độ của tia phản xạ, tăng độ trắng cảm quan cho giấy. Nhưng các chất tăng trắng quang học đều không bền với thời gian nên giấy bị giảm độ trắng và ố dần khi sử dụng.

    Không những thế, các chất hóa học có những ảnh hưởng nhất định đến sức khoẻ và môi trường. Ví dụ như chất tăng trắng huỳnh quang gây kích ứng với mắt và phản ứng với các vùng da nhạy cảm. Một số chất tăng trắng trong nước có hại cho cá và thủy sinh. Đây cũng là các hợp chất khó phân hủy, tích tụ sinh học nên nguy hiểm đến sức khoẻ và môi trường về lâu dài”, ThS Hiệp cảnh báo.

    Khó kiểm soát nguồn gốc hóa chất

    Trao đổi với PV, TS Đặng Văn Sơn (Viện Công nghiệp giấy và Xenluylo) còn cho rằng, hiện một số nơi trên thế giới đã cấm việc sử dụng chất tăng trắng, đặc biệt là huỳnh quang đối với các sản phẩm giấy (đặc biệt là giấy ăn, giấy lau, giấy vệ sinh). Tuy nhiên, cũng có không ít quốc gia còn duy trì việc sử dụng chất tăng trắng với những hàm lượng, tỷ lệ nhất định mà họ có thể kiểm soát được.


    Sản xuất giấy càng trắng càng nguy hại sức khẻo và môi trường.

    Ngoài vấn đề lạm dụng chất tăng trắng khi sản xuất giấy, TS Đặng Văn Sơn còn bày tỏ lo ngại về việc, các hóa chất dùng để tăng độ trắng cho giấy được sử dụng một cách bừa bãi, thiếu kiểm soát. Trong đó, nguy hiểm nhất là những hóa chất không rõ nguồn gốc.

    “Chất tăng trắng thường được dùng với hàm lượng nhỏ, ví dụ như một tấn nguyên liệu chỉ cần 1 kg hóa chất. Tuy nhiên, thứ đáng lo là nguồn gốc xuất xứ hóa chất này đôi khi không được kiểm soát kỹ càng.

    Nếu như nhập khẩu rồi sử dụng các loại hóa chất không rõ nguồn gốc, hóa chất kém chất lượng, hoặc chưa được đánh giá chỉ tiêu an toàn thì nguy cơ gây hại cho sức khỏe con người là điều chắc chắn. Vì vậy, cần có cơ chế để kiểm soát việc này”, TS Đặng Văn Sơn nhấn mạnh.

    Giấy trắng ở mức độ nào phù hợp với người dùng?

    Trong một lần trao đổi với báo chí, bà Phạm Thu Giang, Phó vụ trưởng Vụ KH&CN (Bộ Công Thương) cho hay, xu hướng các nước phát triển thường sử dụng các sản phẩm giấy có độ trắng nhỏ hơn 80% ISO.

    Trong khi đó người tiêu dùng Việt Nam có xu hướng chọn và sử dụng các loại giấy có độ trắng khá cao lên tới 84-90% ISO cho nhu cầu ghi chép, học tập, in ấn… mà không biết rằng để có loại giấy có độ trắng cao và rất cao thì các nhà sản xuất phải sử dụng các loại chất tẩy trắng giấy.

    Mặt khác, kết quả nghiên cứu của Học viện Quân y và Nhà xuất bản Giáo Dục tiến hành trên 102 học sinh tiểu học và THCS ở Cầu Giấy (Hà Nội) cũng đã cho thấy những tác động nhất định của độ trắng của giấy đến thị lực học sinh.

    Cụ thể, nhóm nghiên cứu dùng camera độ phân giải cao gắn gần mắt, ghi hình cận cảnh mắt và đồng tử trong quá trình đọc, qua đó đo các thông số: kích thước đồng tử, khoảng cách khe mi, sự thay đổi đường kính đồng tử khi nhìn vật sát và xa mắt, số lần nháy mắt. Trước và sau mỗi lần đọc, các em đều được đo thị lực.

    Kết quả cho thấy, kích thước đồng tử sau khi đọc hết hai trang giấy ở loại giấy trắng 82-84% ISO là lớn nhất và ở loại giấy 73-75% ISO là nhỏ nhất. Điều đó cho thấy sự thích nghi của mắt với loại giấy 73-75% ISO tốt hơn. Kết quả thực nghiệm cũng phản ánh khoảng cách khe mi sau khi đọc sách có độ trắng 73-75% ISO là nhỏ nhất và lớn dần khi giấy trắng hơn. Qua đó, nhóm nghiên cứu cho rằng đây là thông số đánh giá sự thích nghi của mắt, khoảng cách khe mi thay đổi nhiều nghĩa là mắt phải làm việc nhiều.

    Theo Bảo Lâm/vietq.vn (1/3/2019)

    Khu tích hợp điện gió và điện mặt trời duy nhất ở Việt Nam

    Xu thế của thế giới hiện nay là dùng các nguồn năng lượng tái tạo từ năng lượng mặt trời hay điện gió thay thế cho nhiệt điện vốn có tác động xấu đến môi trường cũng như giảm tải cho thủy điện.

    Người ta hay ca ngợi sức người là có thể biến sỏi đá thành cơm. Điều này có thể đúng ở vùng đất nào đó chứ Ninh Thuận thì không. Ở mảnh đất gió như “Phang” và nắng như “Rang” (cách ví von chỉ vùng đất Phan Rang), khí hậu khắc nghiệt nên rất nhiều nơi mà sức người chịu không thể cải tạo thành đất nông nghiệp. Cái nắng như thiêu đốt, gió làm hơi nước bốc nhanh và thổi hơi muối từ biển vào khiến nhiều nơi khô cằn đến mức chỉ có xương rồng mới sống nổi.

    Khoảng chục năm trước, khi có tin Ninh Thuận được chọn làm nơi phát triển điện hạt nhân thì cũng có không ít người tin rằng địa phương được đầu tư, chuẩn bị đổi đời và cũng có những cơn sốt đất nhẹ ở thời điểm ấy. Nhưng rồi dự án nhà máy điện hạt nhân không đến và dừng hẳn vào cuối 2016, khi Quốc hội đã biểu quyết dừng thực hiện dự án. Dự án dừng lại trong sự thở phào của nhiều người dân, nhất là sau khi chứng kiến thảm họa Fukushima năm 2011 tại Nhật Bản.

    Thay cho điện hạt nhân, Ninh Thuận được tạo điều kiện trở thành một cục pin của nước ta dưới dạng khác: năng lượng tái tạo. Nắng và gió vốn là thứ khiến mảnh đất Ninh Thuận khắc nghiệt trở thành lợi thế trong việc tạo năng lượng điện gió và điện mặt trời.

    Điện gió và điện mặt trời vốn được triển khai khá nhiều ở nước ta trong ít năm gần đây. Tuy nhiên, nơi nào làm điện gió thì thôi điện mặt trời và ngược lại, nơi nào làm điện mặt trời thì thôi điện gió. Chỉ có riêng ở huyện Thuận Bắc (tỉnh Ninh Thuận) lại có một khu tích hợp điện gió và điện mặt trời trong cùng một diện tích.

    Trong vùng diện tích vùng lõi gần 264ha trong khu vực quy hoạch điện gió, điện mặt trời rộng 900ha của Trungnam Group tại tỉnh Ninh Thuận đã được thiết kế 700.000 tấm pin mặt trời với công suất dự kiến 204MW. Dự kiến khi hoàn thành việc lắp đặt vào giữa năm nay thì đây sẽ là nhà máy điện mặt trời lớn nhất Việt Nam.

    Cũng trong khu vực này, Trungnam Group lắp 45 cột điện gió với 3 giai đoạn khác nhau. Các cột điện gió cao cả trăm mét, tương đương với tòa nhà 30-40 tầng với mỗi cánh quạt gió dài trên 50 mét đang sau khi lắp đặt hết sẽ có công suất dự kiến 90-100MW. Khảo sát ở khu vực này cho con số mỗi năm có 2.900 giờ nắng có thể phát được điện mặt trời và 2.800 giờ phát điện gió nên rất thích hợp để vừa đặt pin mặt trời, vừa đặt các cột gió.

    Khó khăn khi làm dự án năng lượng tái tạo ở Ninh Thuận? Ông Nguyễn Tâm Tiến – Tổng giám đốc Trungnam Group khẳng định là không có khó khăn nào cả. Trước hết vì nhà nước đang có chính sách ưu đãi cho các doanh nghiệp làm điện năng lượng sạch. Quan trọng hơn, Trungnam Group không vấp phải sự phản đối của người dân.

    Ông Tiến lý giải vùng đất mà công ty triển khai dự án vốn là nơi nhiều nắng và gió, không thể trồng trọt bất kỳ loại cây nào mang hiệu quả kinh tế nên không ảnh hưởng sinh kế của dân địa phương. Ông Tiến phân tích rằng nếu không được dân địa phương ủng hộ thì rất khó làm điện mặt trời khi các thiết bị pin mặt trời để phơi ngoài trời quanh năm suốt tháng trên một diện tích rất rộng.

    Cũng có lo ngại rằng các tấm pin mặt trời sau khi hết hạn sử dụng sẽ trở thành nguyên liệu tác động xấu tới môi trường. Trước chất vấn này, ông Tiến khẳng định thời hạn sử dụng của tấm pin mặt trời khoảng 30 năm và vật liệu chế tạo ra chúng có thành phần từ silic nên không tác động xấu đến môi trường.

    Nếu có thể khai thác điện từ năng lượng miễn phí như vậy, tại sao các doanh nghiệp không ồ ạt nhảy vào Ninh Thuận, Bình Thuận…? Vấn đề là chi phí ban đầu và đòi hỏi trình độ kỹ thuật cao. Trungnam Group cho biết trong dự án này, họ tự tin có thể thu 107 triệu USD mỗi năm từ tiền bán điện nhưng cũng cần khoảng 10 năm mới thu hồi được vốn.

    Sản xuất điện từ năng lượng tái tạo tốn kém nhưng là cần thiết để giảm bớt gánh nặng cho nhiệt điện, thủy điện vốn đang quá tải trong lúc nhu cầu về điện ngày càng tăng cao. Do vậy, cần có thêm các dự án điện mặt trời, điện gió tại các địa phương có điều kiện thuận lợi để sớm đạt mốc 8.000MW từ năng lượng tái tạo được quy hoạch trong cơ cấu điện vào năm 2030.

    Theo Motthegioi.vn (28/2/2019)

    Nguy cơ ung thư nếu ăn khoai tây bảo quản sai cách

    Ở nhiệt độ thường khoai tây rất dễ bị mọc mầm nên nhiều người thường bảo quản trong tủ lạnh nhưng thật sai lầm vì sẽ làm tăng nguy cơ ung thư.

    Khoai tây là một trong những thực phẩm thường được các bà nội trợ lựa chọn và rất thích hợp để ăn vào mùa đông. Tuy nhiên, một số người có thói quen bảo quản khoai tây trong tủ lạnh, nhưng việc này hoàn toàn sai lầm.

    Theo nghiên cứu của các nhà khoa học Hoa Kỳ, nhiệt độ trong tủ lạnh có thể chuyển hóa tinh bột trong khoai tây thành đường. Nếu nấu khoai tây ở nhiệt độ trên 120 độ C, lượng đường đó sẽ kết hợp với axit amin asparagine và tạo ra một hợp chất tên là acrylamide.

    Acrylamide là chất hóa học thường dùng làm giấy, thuốc nhuộm và nhựa, cũng như được dùng để xử lý nước uống và nước thải. Acrylamide tồn tại trong khói thuốc và cũng được tìm thấy trong thực phẩm như khoai tây chiên, bánh quy, bánh mì, ngũ cốc và cà phê.

    Nghiên cứu ở chuột cho thấy chất này làm tăng nguy cơ ung thư trên chuột. Mặc dù các thí nghiệm trên người chưa chứng minh được rằng chất acrylamide trong thực phẩm làm tăng nguy cơ mắc ung thư, nhưng đã có những kết quả chỉ ra mối liên hệ với của chất này với căn bệnh ung thư thận, ung thư tử cung và buồng trứng.

    Chuột và người có mức độ trao đổi chất acrylamide khác nhau nhưng Chương trình Chống độc của Hoa Kỳ liệt chất này vào danh sách chất gây ung thư, dựa trên những nghiên cứu ở những con vật nạp Acrylamide qua nước uống.

    Theo Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA), 40% lượng calo tiêu thụ hàng ngày của người Hoa Kỳ chứa acrylamide. Chúng nằm trong hầu hết các loại đồ ăn chiên rán, điển hình là khoai tây chiên.

    Tương tự, trước đó, vào năm 2002, Cơ quan Thực phẩm Quốc gia tại Thụy Điển cho rằng, dù acrylamide không còn là chất có tiềm năng di truyền ung thư nhưng đây vẫn là vấn đề khiến cho nhiều nhà khoa học nghi ngờ. Acrylamide chuyển đổi sẽ kết hợp với một hợp chất khác gọi là glycamide, sau đó chúng sẽ gắn với AND của bạn, gây ra đột biến và một số loại ung thư.

    Còn ở Đại học Maastricht (Hà Lan), các nhà nghiên cứu đã tiến hành khảo sát 62.573 phụ nữ trong độ tuổi 55-69. Kết quả thu được là những người phụ nữ có lượng acrylamide cao hơn có nhiều khả năng mắc ung thư vú.

    Từ những nghiên cứu trên, các nhà khoa học cho rằng, dù nghiên cứu còn nhiều tranh cãi về việc bảo quản khoai tây trong tủ lạnh có thể sản sinh ra chất độc gây ung thư cho người ăn nhưng để đảm bảo an toàn nên từ bỏ thói quen tích trữ khoai tây trong tủ lạnh và giảm thời gian nấu để thức ăn không bị cháy xém là cách để giảm lượng acrylamide. Thay vì cất trong tủ lạnh, chúng ta có thể để khoai tây ở chỗ mát và nấu ở nhiệt độ và thời gian vừa phải.

    Ngoài ra, không cất khoai tây trong túi nilon hay hộp kín vì sẽ khiến chúng nhanh hỏng và không khí xung quanh bị nhiễm độc. Không để khoai tây chung với củ hành hoặc quả táo tàu, nếu không khoai sẽ dễ mọc mầm rất độc hại.

    Tránh để khoai tiếp xúc với ánh sáng tự nhiên để chúng không chuyển sang màu xanh và mọc mầm nhanh hơn. Đối với nhiệt độ thường thì không được để quá 2 tuần. Thi thoảng phải kiểm tra để loại bỏ củ thối hoặc củ chuyển màu xanh trên vỏ. Đặc biệt, chỉ nên rửa khoai khi muốn sử dụng vì hơi ẩm sẽ làm khoai mau hỏng hơn.

    Theo An Dương/vietq.vn (28/2/2019)

    Chỉ cần có ánh sáng Mặt trời, có ngay nước sạch 100%

    0

    Mới đây nhất, các nhà khoa học của Australia đã sáng chế ra một loại vật liệu mới, chỉ cần sử dụng ánh sáng Mặt trời thiết bị lọc nước có thể khử được gần như 100% các loại vi khuẩn gây bệnh.

    Khử độc chỉ cần ánh sáng Mặt trời

    Trong một thử nghiệm của mình tại trường Đại học Công nghệ Sydney (Australia), các nhà khoa học này đã sử dụng ánh sáng Mặt trời và một loại vật liệu mới phát minh đã có thể sẵn sàng lọc nước sạch gần như tuyệt đối, phục vụ đủ nhu cầu về nước của 4 người trưởng thành trong một ngày.

    Loại vật liệu kỳ diệu này chính là một tấm graphitic carbon nitride 2D – một chất quang xúc tác. Chất quang xúc tác này giải phóng electron khi ánh sáng chiếu vào, cho ra những chất hóa học có gốc oxy mang theo khả năng diệt khuẩn cấp độ cao.

    Chất hóa học có khả năng tiêu diệt vi khuẩn mới có một điểm khiến nó vượt trội hơn hẳn những cách lọc nước khác như: các chất quang xúc tác đều chứa kim loại, và khi tan vào trong nước nó sẽ khiến nước bị nhiễm độc.

    Còn những vật liệu khác không chứa kim loại như tấm vật liệu 2D được các nhà khoa học Đại học Công nghệ Sydney sử dụng trong nghiên cứu không gây độc tính, tuy nhiên lại không được hiệu quả bằng những thứ vật liệu rò rỉ kim loại ra nước bởi vì chúng giữ electron rất chặt.

    Trong khi nghiên cứu và thực hành thí nghiệm, nhà khoa học vật chất Guoxiu Wang tại ĐH Công nghệ Sydney cùng các cộng sự của mình đã tạo một tấm graphitic carbon nitride siêu mỏng, thêm những thành phần hóa học như axit hay xeton để thu hút các electron ra rìa tấm vật liệu. Tại rìa các tấm vật liệu, các electron nhảy lên các nguyên tử oxy có trong nước và biến thành một sự kết hợp tiêu diệt vi khuẩn như hydro peroxide.

    An toàn tuyệt đối

    Hiện nay, cả nhân loại chúng ta đã, đang và sẽ tiếp tục bị cuốn vào vòng xoáy công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Không chỉ ở các quốc gia nghèo, đang phát triển mà ngay thậm chí tại các quốc gia phát triển thì môi trường cũng đang đương đầu hết sức khó khăn.

    Đặc biệt, vấn đề nhân đạo đang đặt ra trước mắt chúng ta khi hàng năm có tới khoảng gần 1 triệu người tử vong do sử dụng nguồn nước nhiễm khuẩn.

    Chỉ tính riêng châu Phi, hàng năm có khoảng 3,5 triệu người dân đã phải bỏ mạng liên quan đến nước uống không an toàn, vệ sinh kém và các tập tục vệ sinh không đạt chuẩn.

    Với thiết bị lọc nước mới của các nhà khoa học

    Australia, có tới 99,9999% vi khuẩn bị tiêu diệt bởi ánh sáng Mặt trời, trong đó có cả khuẩn E.coli. Ngoài ra, thời gian lọc nước của vật liệu thiết bị này nhanh gấp đôi so với những thiết bị lọc nước thông thường hiện nay.

    Ví dụ, thiết bị lọc nước thông thường muốn lọc được 10 lít nước thì phải mất tới hơn 1 giờ, trong khi đó thiết bị lọc mới có thể lọc được 10 lít nước trong vòng nửa giờ.

    “Mục đích của chúng tôi là phát triển thiết bị sử dụng ánh sáng Mặt trời để lọc nước sạch gần như tinh khiết để đáp ứng nhu cầu tối thiểu cho cuộc sống tại các quốc gia nghèo, chưa phát triển hoặc những vùng xa xôi hẻo lánh khó tiếp cận với nguồn nước sạch”, ông Guoxiu Wang cho biết.

    Bên cạnh đó, ông Wang cũng khẳng định rằng, các thành phần nito và carbon được sử dụng trong thí nghiệp thì hoàn toàn không hề tốn kém. Trong tương lai gần, Wang và các cộng sự của mình đang muốn nhân rộng mô hình lọc nước kiểu mới phục vụ cho mục đích nhân đạo và cả thương mại.

    Theo antd.vn (27/2/2019)

    Công nghệ Lakos: Biến nước biển thành nước ngọt

    0

    Hệ thống xử lý nước do Việt Thái Sinh cung cấp có khả năng đáp ứng nhu cầu nước sinh hoạt cho nhà máy, khu công nghiệp, tàu thuyền đánh cá xa bờ, hải đảo, vùng nhiễm mặn.

    Hiện nay, thiếu nước là vấn đề lớn của thế giới và tiết kiệm nước đang trở nên cấp bách hơn bao giờ hết khi tốc độ ô nhiễm nguồn nước và tình trạng sử dụng lãng phí của con người ngày càng tăng. Ngay cả quốc gia có mạng lưới sông ngòi dày đặc như Việt Nam cũng rơi vào tình trạng thiếu nước.

    Theo thống kê của Hiệp hội tài nguyên nước quốc tế (IWRA), xét về nguồn nước nội địa, Việt Nam chỉ đạt mức trung bình kém của thế giới với 3.600m³/người/năm, ít hơn 400m³/người/năm so với mức bình quân toàn cầu. Thậm chí, theo Bộ Tài nguyên Môi trường, đến năm 2025, lượng nước bình quân đầu người Việt Nam chỉ còn một nửa con số này. Theo đó, cứ mỗi 3 người Việt Nam thì có 1 người sống trong tình trạng thiếu nước sạch để sinh hoạt.

    Bên cạnh đó, cùng với tốc độ đô thị hóa, sự phát triển kinh tế theo hướng công nghiệp hóa hiện đại hóa thì nguồn nước đã bị ô nhiễm nặng nề. Ngoài ra, với tình trạng khai thác quá mức nguồn nước ngầm dẫn đến suy thoái, cạn kiệt ở một số tầng chứa nước, làm gia tăng diện tích nhiễm mặn, sụt lún mặt đất và đang gây ảnh hưởng trực tiếp tới cuộc sống hàng ngày của người dân, đặc biệt là vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

    Thực tế cho thấy một thực trạng đáng báo động, đó là nước sạch đang dần cạn kiệt ở nhiều nơi trên thế giới. Trong một tương lai không xa, khi việc khan hiếm nước lan đến những quốc gia phát triển và cả những vùng đô thị lớn thì giải pháp để mang lại nguồn nước sạch cho người dân sử dụng sẽ là vấn đề được ưu tiên hàng đầu.

    Trao đổi với phóng viên, ông Lê Văn Quang – Giám đốc Việt Thái Sinh cho biết đơn vị này đang triển khai ứng dụng một sản phẩm mới với nhiều ưu điểm vượt trội, đó là hệ thống xử lý nước cấp của Lakos (Mỹ).

    Hệ thống bao gồm đầu hút, thiết bị tách cặn/phù sa và thiết bị lọc áp lực. Đầu hút có tính năng tự động xả rửa lưới chặn rác, ngăn ngừa khả năng chết máy đột xuất, bảo vệ bơm khỏi các hư hại do tích tụ cặn bẩn và bọt khí. Bộ phận tách cặn/phù sa ứng dụng công nghệ lọc ly tâm có khả năng tách cát, bùn, phù sa mà không cần dùng đến lưới lọc, lõi lọc để lọc cặn; loại bỏ 98% các chất bẩn trên 50 micron; xả thải tự động; không cần sử dụng hóa chất, không phải súc rửa;…

    Thiết bị lọc áp lực Lakos là công nghệ tiên tiến nhất hiện nay trong quy trình xử lý nước thô, có thể loại bỏ tạp chất trong nước có kích thước trên 5 micron, không dùng hóa chất gây nguy hại môi trường, tự động vệ sinh, súc rửa khi lọc bị bẩn, hoàn toàn không tốn nhân công cũng như chi phí bảo trì, tiết kiệm diện tích lắp đặt do thiết bị nhỏ gọn.

    Hệ thống ứng dụng được cho nhiều dạng nguồn nước đầu vào: nước sông, nước giếng, nước ao hồ, có công suất được thiết kế đa dạng tùy theo nhu cầu 240 – 500.000 m3/ngày.

    Hệ thống xử lý nước Lakos sử dụng công nghệ gia tốc chuyên biệt tạo lực ly tâm để thu gom, đẩy cặn bẩn xuống phần dưới của thiết bị rồi thoát ra ngoài. Trong đó, công nghệ gia tốc giúp tạo ra tác dụng tối ưu của thiết bị, bảo vệ tối đa các hệ thống xử lý nước khỏi tác động của các chất rắn không mong muốn, kết hợp cùng kiểu thiết kế tiên tiến (được cấp bằng sáng chế của LAKOS), giúp hệ thống có khả năng loại bỏ cát, vụn và các chất rắn khác có trong nước, loại bỏ 98% các chất rắn lơ lửng có kích thước 74 micron (200 mesh) và lớn hơn. Với các chất rắn nặng hơn (vụn kim loại, chì ..) thì hiệu suất tách cặn sẽ cao hơn. Hệ thống tách cặn với tính năng lọc ly tâm độc đáo này là giải pháp tuyệt vời cho các yêu cầu lọc hiện nay.

    Không chỉ thế, ưu điểm của hệ thống xử lý nước Lakos là thiết bị vận hành dễ dàng, lọc sạch nước và có tính năng gom cặn và tự xả ra ngoài mà bị không cần rửa ngược. Với những đầu nối vào, ra có khớp nối giúp dễ dàng lắp đặt ở những nơi bị hạn chế không gian, thiết bị còn được thiết kế theo dạng ứng dụng những khe xoáy bên trong tạo gia tốc để tối đa hóa khả năng tách cặn mà tránh được giảm áp lực nước, giúp giảm thất thoát nước.

    Ông Lê Văn Quang khẳng định, việc ứng dụng công nghệ sẽ mang lại hiệu quả vượt trội như giảm được chi phí đầu tư xử lý nước cấp; giảm diện tích lắp đặt; giảm chi phí vận hành; không dùng hóa chất ảnh hưởng môi trường, sức khỏe con người; đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn của nước đầu ra. Việt Thái Sinh sẵn sàng hợp tác với các đơn vị tại địa phương nhằm ứng dụng công nghệ này một cách phù hợp. Cụ thể, sắp tới công ty có hướng hợp tác với các nhà máy nước ở Bến Tre, Vĩnh Long, Trà Vinh,… triển khai chạy demo, ứng dụng thử nghiệm để vừa chia sẻ chi phí, vừa có thể kiểm chứng hiệu quả trước khi lắp đặt sử dụng. Quan điểm của Việt Thái Sinh là làm sao đưa được giải pháp công nghệ phù hợp giúp người dân xử lý hạn mặn, nếu công nghệ giá rẻ mà không sử dụng được hoặc sử dụng không ổn định thì vẫn là mắc.

    Việt Thái Sinh cũng rất quan tâm hướng đến việc ứng dụng công nghệ mới để giải quyết khó khăn của người dân tại các vùng sâu, vùng xa, đem lại lợi ích chung cho cộng đồng. Cụ thể, với đề án “Thí điểm hoàn thiện và nhân rộng mô hình bảo vệ môi trường trong xây dựng nông thôn mới tại các xã khó khăn, biên giới, hải đảo theo hướng xã hội hóa, giai đoạn 2017 – 2020” đã được Chính phủ phê duyệt, một trong những mục tiêu của đề án là xã hội hóa công tác bảo vệ môi trường theo hướng huy động nguồn lực và sự tham gia của doanh nghiệp, cộng đồng dân cư, các tổ chức chính trị – xã hội. Trong đó, nước sạch ở các vùng nông thôn, hải đảo đang là vấn đề bức xúc, cần ưu tiên giải quyết bằng con đường ứng dụng khoa học – công nghệ. Việt Thái Sinh tập trung tham gia các nội dung thuộc nhiệm vụ xây dựng các mô hình cấp nước sạch nông thôn tập trung; cấp nước uống cho trường học, trạm y tế ở các xã đảo; các tàu đánh bắt xa bờ.

    Qua đó, hàng loạt công trình lọc nước lợ đã được Việt Thái Sinh lắp đặt chuyển giao tại Ninh Thuận, Bến Tre, Sóc Trăng, Cà Mau, Kiên Giang; cùng nhiều máy lọc nước biển cho các tàu đánh bắt xa bờ (ở Bình Định, Bình Thuận, Bà Rịa-Vũng Tàu, Kiên Giang), tàu hải quân (Khánh Hòa), tàu cảnh sát biển (Cần Thơ), tàu kiểm ngư (Hải Phòng, Hà Nội),…

    Với cách tiếp cận đúng đắn, hoạt động chuyển giao công nghệ của Việt Thái Sinh nhận được hỗ trợ từ nhiều nguồn, trong đó có những hỗ trợ giúp mở rộng cơ hội chuyển giao công nghệ ứng dụng vào thực tế khi tham gia Sàn Giao dịch công nghệ TP.HCM – Techmart Daily do Trung tâm Thông tin và Thống kê KHCN (CESTI) quản lý.

    Theo Pcworld.vn (25/2/2019)

    Nguy cơ nhiệt độ Trái Đất tăng mạnh nếu mây tầng tích biến mất

    Ngày 25/2, các nhà khoa học Mỹ và Australia cảnh báo những đám mây tầng tích giúp bảo vệ con người trước sự ấm lên của Trái Đất bằng cách phản chiếu trở lại ánh nắng Mặt Trời vào vũ trụ, có thể tan biến nếu hàm lượng khí thải CO2 trong không khí tăng gấp ba.

    Mây tầng tích nằm che phủ khoảng 20% đại dương cận nhiệt đới, phần lớn là các đại dương ở gần vùng bờ biển phía Tây như bờ biển California (Mỹ), Mexico và Peru. Theo nhà khoa học Tapio Schneider thuộc Phòng thí nghiệm Đẩy phản lực tại Pasadena, bang California, Mỹ, khi mây tầng tích tan biến, nhiệt độ Trái Đất tăng mạnh, khoảng 8 độ C, chưa kể nhiệt độ Trái Đất tăng lên do lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính gây ra.

    Mức tăng cao như vậy sẽ làm băng ở hai đầu cực tan chảy và mực nước biển dâng cao hàng chục mét. Các nhà khoa học nhận định thậm chí nếu nhiệt độ Trái Đất tăng khoảng 4 độ C thôi cũng đã vượt ngưỡng khả năng thích nghi của con người.

    Nhiệt độ Trái Đất chỉ tăng 1 độ C kể từ giữa thế kỷ 19 (phần lớn trong 50 năm qua), đã đủ để gây ra những đợt nắng nóng, khô hạn, lũ lụt và lốc xoáy nghiêm trọng. Theo một báo cáo của Liên hợp quốc công bố hồi tháng 10/2018, thậm chí mức nhiệt tăng 2 độ C so với thời tiền công nghiệp sẽ gây ra những tác động nghiêm trọng như sự biến mất của các rặng san hô ở vùng biển nông vốn góp phần duy trì 1/4 hệ sinh thái biển. Do vậy, Hiệp định Paris năm 2015 về biến đổi khí hậu đã đề ra quy định các nước phải kiểm soát nhiệt độ Trái Đất tăng ở mức dưới 2 độ C.

    Kể từ khi Hiệp định Paris năm 2015 về biến đổi khí hậu bắt đầu có hiệu lực, nồng độ khí thải CO2 trong không khí đã tăng gần 45% từ 285 ppm đến 410 ppm. Bằng cách sử dụng cách tiếp cận sáng kiến để làm mô hình hoạt động của mây tầng, giáo sư Schneider và các đồng nghiệp đã tính toán rằng các đám mây che phủ bảo vệ Trái Đất có thể tan biến nếu nồng độ CO2 lên tới 1.200 ppm. Các nhà khoa học cảnh báo rằng nếu vượt ngưỡng này, cao gấp 3 lần so với hiện nay, thì hậu quả không thể tưởng tượng được.

    Mặc dù 30 năm trước, giới khoa học đã đưa ra cảnh báo mạnh mẽ về hậu quả của tình trạng Trái Đất ấm lên, song lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính trên thế giới vẫn tăng hằng năm. Theo Giám đốc Học viện Khí hậu và Năng lượng thuộc Đại học Melbourne (Australia), Malte Meinshausen, với lượng phát thải CO2 như hiện nay thì hàm lượng CO2 ở mức 1.200ppm sẽ bị vượt qua vào năm 2104.

    Ngoài ra, điều mà các nhà khoa học lo lắng hơn là tình trạng Trái Đất ấm lên do hoạt động của con người sẽ dẫn tới việc thải khí CO2 và mêtan từ các nguồn tài nguyên tự nhiên như tầng đất bị đóng băng vĩnh cửu ở các cực, tạo thêm khó khăn cho các nước  trong nỗ lực giảm khí thải CO2.

    Theo TTXVN (26/02/2019)

    Lối thoát nào cho một trái đất thời @?

    Đầu tháng 2-2019, VTV1 đưa tin ở Nhật Bản, người ta đã tập trung 50 nghìn tấn rác thải là các máy Smart phone, Ipad… cũ đã bỏ, sẽ được dùng làm nguyên liệu sản xuất huy chương cho Olympic mùa Hè 2020 tổ chức tại Tokyo.

    Lần đầu tiên trong lịch sử Olympic, hệ thống huy chương không được làm từ kim loại. Tin này gây sửng sốt cả thế giới. Và nó là gợi ý lớn cho loài người về một lối thoát cứu hành tinh.

    Nhật Bản, cường quốc số 1 châu Á, một quốc đảo ít tài nguyên, đã tiên phong dùng nguyên liệu tái chế trong sự kiện thể thao lớn nhất toàn cầu. Còn ở Việt Nam?

    Đầu năm nay, chương trình “Trái đất xanh” (14h05 hằng ngày trên VTV1) phát phóng sự: quận Gò Vấp, TP Hồ Chí Minh đã phát động thu gom vỏ lon sữa để làm các đồ dùng xinh xắn cho học sinh. Đây là xu hướng cần được nhân lên toàn cầu. Chưa bao giờ tính từ “xanh” được dùng nhiều đến thế, như một ước mơ, khát vọng vươn tới, một viễn cảnh khó khả thi nếu nhân loại không cấp tốc hành động cứu chuộc lại những lỗi lầm, thậm chí tội ác với môi trường sinh thái.

    Trái đất thời @ đang bị bao trùm một đường truyền vô hình bay trong không gian, và như một chiếc kẹo bọc đủ các loại rác công nghiệp. Con người liệu có thoát được khỏi cái vòng luẩn quẩn của chính mình sáng tạo ra hay không?


    Tác phẩm của Von Wong: Từ các bộ phận của máy laptop thải, xếp lại như một hố đen sâu thẳm. Con người sẽ rơi vào hố đen vì máy tính…

    Một câu hỏi đặt ra đang thách thức thời đại. Với công nghệ hiện đại, và sự thông minh siêu vượt so với tất cả các loài vật sinh sống trên trái đất, con người trở thành chủ thể tưởng như điều khiển được vũ trụ. Loài người còn hy vọng với khoa học trong tương lai, sẽ tìm ra được những hành tinh tương đương trái đất và những con tàu vũ trụ tối tân siêu tốc sẽ đưa con người giải thoát khỏi trái đất đang bị ô nhiễm và có nguy cơ bị phá hủy. Liệu thoát được hay không?

    Vấn đề môi trường trở nên nóng hổi trên bàn hội nghị thế giới. Năm 2015, tại Paris đã tổ chức Hội nghị thượng đỉnh Cop 21 về bảo vệ môi trường với sự tham gia của gần 200 nguyên thủ các nước. Tất cả cùng ký tham gia bảo vệ môi trường.

    Đến nay, tình hình chưa mấy khả quan. Các cuộc chiến tranh còn xảy ra, các nhà máy sản xuất vũ khí, nhà máy nguyên tử, hạt nhân còn hoạt động thì còn ảnh hưởng lớn đến môi trường.

    Hai quả bom nguyên tử ném xuống Nhật năm 1945 không chỉ chứng minh sức mạnh của vũ khí hủy diệt loài người, mà những nguy cơ khi các nhà máy hóa chất, hạt nhân bị nổ tung hay rò rỉ như vụ Tchenobyl và những tàu chở dầu bị vỡ, những dòng sông, bờ biển bị ô nhiễm nặng. Con người vẫn tưởng chỉ chiến tranh, và hạt nhân, vũ khí làm hủy diệt môi trường.

    Họ không biết hàng ngày, mỗi người ngày nay đều dùng ít nhất một điện thoại di động, một máy tính, mỗi nhà vài cái tivi và ở các công sở máy tính hoạt động liên tục… Công nghệ đổi, hàng loạt máy móc thành rác vụn.

    Chỉ riêng khoản rác máy vi tính cũng đã là một đống rác khổng lồ trên quả địa cầu. Đống rác vi tính là nỗi lo về môi trường mà ít người tiêu thụ để ý.

    Nhiếp ảnh gia Mỹ Benjamin Von Wong có ý tưởng bất ngờ: ông thu hơn hai tấn đồ thải vi tính để làm ra những tác phẩm điêu khắc nghệ thuật đầy ấn tượng phản ánh thực trạng nói rác công nghiệp đang đe dọa chính con người. Tác giả đã cùng 50 người dựng tác phẩm nghệ thuật với chủ đề “Viễn cảnh tương lai” trên trái đất.

    Thật đáng sợ, khoa học vi tính tưởng giúp con người như một nàng tiên bay bổng trên không trung, nối kết được tất cả, liên kết tình bạn, mọi mối quan hệ, nắm được mọi thông tin, đó lại là cái đống rác nguy hiểm của trái đất với những kim loại và đồ điện tử…

    Trong tương lai, chúng ta sẽ sống trên đống rác thải đó và bị chính nó chôn vùi. Ngay đầu thế kỷ 20, nhiều nhà văn, nhà làm phim đã đề cập đến vấn đề “công nghiệp hóa” trong tác phẩm của họ.

    Kịch gia nổi tiếng Ionesco đã viết một vở kịch Những chiếc ghế. Những cái ghế cứ câm lặng chồng chất lên cho đến hết vở kịch. Thế giới con người đang bị bủa vây bởi hội họp, giấy tờ, và đồ vật…

    Nhà văn Beckett được giải thưởng Nobel Văn học với những vở kịch phi lý. Một người đàn bà đơn độc cứ kêu lên “Trời đẹp!” dù đang bị chôn vùi dần trong đất cát. Đất cát đây chính là rác công nghiệp hiện đại, là cuộc sống hiện hữu. Con người đang bị phi lý và cô đơn chôn vùi nhưng vẫn tưởng trời đẹp…

    Nhà đạo diễn kiêm diễn viên thiên tài Charlie Chaplin đã diễn tả trong phim câm của ông: người công nhân bị áp lực của đời sống công nghiệp đến mức hành động như chiếc máy vô hồn, sống như robot trong thời hiện đại.


    Con người bị chính dòng điện vô hình đang nhập vào người, và bị rác thải ra như những gọng kìm bóp chết lúc nào không hay.

    Công nghệ càng cao liệu có giúp con người thoát khỏi trái đất không hay lại bị che lấp bởi chính rác công nghệ đó. Lượng điện nạp hàng ngày sử dụng điện thoại máy tính, đèn, sản xuất… làm ra từ những nhà máy hạt nhân. Xà phòng, thuốc rửa bát, đồ mỹ phẩm, các bình lọ, máy bay, ôtô, lốp xe đều tạo ra chất thải công nghiệp, hóa học làm ô nhiễm trái đất.

    Tác phẩm của Von Wong mang nỗi ám ảnh rất lớn về rác công nghiệp, đưa con người sống trong ảo tưởng như mây khói, song nó đã biến con người là những bóng ma hiện đại vật vờ trong tương lai.

    Tác phẩm nghệ thuật của Von Wong làm từ rác vi tính là một câu hỏi liệu con người có thoát khỏi được đống rác do chính con người làm ra không? Sáng tạo là đáng khuyến khích, nhưng sáng tạo phải nghĩ đến nguy hại trong tương lai.

    Con người lên được sao Hỏa, sao Kim, vẫn chưa tìm được hành tinh thay trái đất. Con người và mọi sự sống đều cần đất, nước. Không phải ngẫu nhiên mà người Việt dùng từ “đất nước” để chỉ nơi sinh sống của mình. Chỉ có đất và nước mới có màu xanh để trao đổi khí CO2 cho sự sống hàng ngày.

    Giờ đây, trong tác phẩm Von Wong, màu xanh cây lá lại là chất thải của bộ phận điện tử đang mọc lên, vô hồn cứng nhắc. Những cây xanh không lá, không hoa đang biến con người thành những bóng ma trong không trung…

    Con người làm sao để thoát khỏi đống rác công nghiệp. Một câu hỏi làm day dứt tất cả những ai có lương tâm với tương lai nhân loại!

    Theo Anninhthegioi.vn (25/2/2019)