22 C
Hanoi
Thứ sáu, Tháng Một 17, 2025
More
    HomeTiêu dùng bền vữngTrẻ nhỏ và thanh thiếu niên không nên uống nhiều nước tăng...

    Trẻ nhỏ và thanh thiếu niên không nên uống nhiều nước tăng lực

    Date:

    Related stories

    Nước tăng lực là một trong những loại đồ uống được nhiều người yêu thích, đặc biệt là ở trẻ em và thanh thiếu niên tuy nhiên nếu sử dụng quá nhiều có thể ảnh hưởng nghiêm trọng tới tinh thần.

    Nước tăng lực thường được sản xuất với những lon nước nhiều màu sắc bắt mắt và có mặt ở khắp các cửa hàng tiện lợi trên thế giới. Chúng được quảng cáo là sự lựa chọn đồ uống thông minh khi bạn cảm thấy mệt mỏi hoặc cần tăng cường sức khỏe. Tuy nhiên, các loại nước tăng lực thường chứa hàm lượng đường cao cũng như các chất kích thích, chẳng hạn như caffeine, được các cộng đồng y tế khuyến cáo không nên sử dụng cho trẻ nhỏ vì chúng có thể gây ra các vấn đề tiềm ẩn về sức khỏe.

    Trên tạp chí Public Health tháng 2-2024 vừa qua, các nhà nghiên cứu tại Đại học Newcastle và Đại học Teesside (Anh) xem xét dữ liệu của 57 nghiên cứu từ năm 2016 – 2022; với 1,2 triệu thanh thiếu niên từ 9 – 21 tuổi từ hơn 20 quốc gia.

    Kết quả cho thấy nam giới tiêu thụ nước tăng lực nhiều hơn nữ giới. Những người thường xuyên sử dụng có chỉ số khối cơ thể (BMI) tăng cao, nhịp tim bất thường và huyết áp cao hơn so với người không sử dụng.

    Người trẻ uống nước tăng lực quá mức, nhiều khả năng có sức khỏe tinh thần kém hơn như mắc chứng lo âu, trầm cảm, tâm lý đau khổ, hoảng sợ hay các triệu chứng rối loạn tăng động, giảm chú ý ở trẻ em hoặc có chất lượng giấc ngủ kém hơn.

    Đáng chú ý, những thanh thiếu niên thường uống rượu pha với nước tăng lực còn có điểm học tập kém, có hành vi lái xe khi say xỉn và có nguy cơ sử dụng ma túy cao hơn so với những người chỉ uống nước tăng lực.

    Nghiên cứu trên không nêu tên bất kỳ thương hiệu nào và quá trình đánh giá chỉ mang tính chất quan sát nên không kết luận chính xác rằng nước tăng lực là nguyên nhân trực tiếp gây ra các vấn đề sức khỏe trên. Tuy nhiên, nó bổ sung bằng chứng cho thấy rất nhiều tác hại tiềm tàng của loại đồ uống này đối với sức khỏe của giới trẻ hiện nay và các nhà nghiên cứu cho rằng sự kết hợp giữa lượng caffeine và đường cao có thể gây ra các tác hại trên.

    Theo một nghiên cứu mới đây được công bố trên tạp chí Pediatrics (Mỹ) đã cho biết, nước tăng lực ngày càng trở thành một tác nhân gây quá liều caffeine. Tình trạng sử dụng quá liều chất kích thích và những hóa chất trong nước tăng lực có thể gây lệ thuộc, mất ngủ, mất nước, tim đập nhanh hoặc tăng nhịp tim ở cả trẻ em và người lớn. Nhưng ở trẻ em, những triệu chứng này thậm chí còn có mức độ nghiêm trọng hơn. Tiêu thụ quá nhiều nước tăng lực còn dẫn đến các tình trạng nguy hiểm khác cho trẻ nhỏ, chẳng hạn như hưng cảm, co giật, đột quỵ và tử vong.

    Hàm lượng cafein cao trong nước tăng lực được coi là không an toàn cho trẻ nhỏ và thanh thiếu niên. Theo các tuyên bố khoa học, trẻ em và thanh thiếu niên là những đối tượng có nguy cơ đặc biệt cao gặp phải các biến chứng do nước tăng lực vì kích thước cơ thể nhỏ hơn và có tần suất tiêu thụ thường xuyên hơn. Lượng tiêu thụ caffeine quá mức trong nước tăng lực có thể tác động xấu đến hệ tim mạch, thần kinh, tiêu hoá, thận, nội tiết cũng như các triệu chứng tâm thần khác ở trẻ.

    Mặc dù những tác dụng phụ này có thể xảy ra ngay cả ở những trẻ khoẻ mạnh mà không có bất kỳ biến chứng sức khỏe nào đáng chú ý, tuy nhiên những triệu chứng của việc tiêu thụ quá nhiều chất kích thích trong nước tăng lực có thể tăng lên ở những trẻ mắc các bệnh như hen suyễn hoặc bệnh tim. Mặt khác, các chất phụ gia trong nước tăng lực cũng có thể tương tác tiêu cực với một số loại thuốc điều trị bệnh.

    Còn theo một nghiên cứu năm 2020 trên trang Cell Biology (Mỹ), nước tăng lực chứa caffeine nguy cơ gây ra những thay đổi thoái hóa thần kinh ở vùng hải mã – vùng não chịu trách nhiệm về trí nhớ dài hạn. Lượng đường cao làm tăng nguy cơ kháng Insulin. Tình trạng này ngăn cản các tế bào khắp cơ thể, bao gồm cả tế bào não hấp thu đầy đủ glucose – nguyên liệu chính tạo năng lượng cho các tế bào não. Lâu ngày sẽ góp phần gây thoái hóa thần kinh và đẩy nhanh quá trình lão hóa não.

    Thuốc nhuộm thực phẩm như thuốc nhuộm đỏ 40, còn được gọi là Allura Red AC, thường thấy trong đồ uống tăng lực và thể thao, đồng thời chúng có thể làm giảm sự hấp thu các khoáng chất như kẽm và sắt cần thiết cho sự tăng trưởng và phát triển. Mặt khác, một số nghiên cứu cho thấy dùng nhiều chất tạo màu thực phẩm nhân tạo có thể làm trầm trọng thêm các triệu chứng rối loạn tăng động, giảm chú ý ở trẻ em.

    Theo một bài báo đánh giá dinh dưỡng hồi tháng 5/2023 cho biết, caffeine trong nước tăng lực thúc đẩy giải phóng các chất dẫn truyền kích thích và giảm khả năng của các chất dẫn truyền ức chế, do đó làm giảm ngưỡng cơn co giật. Các cơn động kinh dừng lại khi mọi người hạn chế uống nước tăng lực.

    Nước tăng lực còn có thể làm tăng mức độ catecholamine, chất dẫn truyền thần kinh liên quan đến phản ứng căng thẳng của cơ thể. Sự tăng đột biến của các hóa chất này làm tăng nhịp tim và lưu lượng máu, gây ra phản ứng lo lắng cho cơ thể. Ngoài ra, caffeine và các thành phần kích thích khác trong nước tăng lực thúc đẩy tuyến thượng thận giải phóng quá nhiều hormone gây căng thẳng cortisol. Theo thời gian, điều này có thể làm tuyến thượng thận hoạt động quá sức, có khả năng dẫn đến tình trạng suy tuyến thượng thận, mệt mỏi và suy giảm phản ứng với căng thẳng.

    Do đó, theo Học viện Nhi khoa Mỹ khuyến cáo không nên dùng caffeine cho trẻ dưới 12 tuổi. Trẻ từ 12 – 18 tuổi không nên tiêu thụ quá 100mg caffeine trong một ngày, tương đương với lượng caffeine có trong một tách cà phê tiêu chuẩn.

    Để dễ so sánh, trang Daily Mail (Anh) cho biết lượng caffeine trong nước tăng lực thay đổi từ 50 – 505mg tùy thuộc vào mỗi dung tích so với 90mg trong 250ml cà phê; 50mg trong 250ml trà và 34mg trong 500ml cola.

    Các đồ uống tăng lực hiện có trên thị trường có thể chứa 150mg caffeine và 21 thìa cà phê đường, dễ khiến người dùng bị tăng cân và béo phì nếu tiêu thụ thường xuyên. Do vậy, mỗi phụ huynh cần kiểm tra lượng caffeine có trên nhãn mác sản phẩm trước khi dùng.

    Còn theo thông tin từ Bệnh viện Vinmec, nhìn chung, không có lượng nước tăng lực cụ thể nào là an toàn để trẻ nhỏ có thể tiêu thụ thường xuyên. Ngoài những tác động đột ngột và đe dọa đến tính mạng của nước tăng lực đối với trẻ nhỏ, việc tiêu thụ thường xuyên những loại đồ uống này còn làm tăng nguy cơ dẫn đến các vấn đề sức khoẻ khác liên quan đến lượng đường cao trong sản phẩm. Trong nước tăng lực có chứa tới 54 – 62 gam đường bổ sung. Con số này vượt xa lượng đường tối đa được khuyến nghị hàng ngày đối với trẻ nhỏ. Trẻ em khi thưởng thức nhiều đồ uống này sẽ có nguy cao mắc các bệnh tiểu đường, béo phì và những bệnh mãn tính khá

    Trong hầu hết các trường hợp, trẻ chỉ nên uống nước bình thường, hoặc thay vào đó là uống một chút sữa ít béo hay nước trái cây hoàn toàn tự nhiên theo khẩu phần khuyến nghị của các chuyên gia dinh dưỡng.

    Để tăng cường thêm năng lượng nên cân nhắc các món ăn nhẹ lành mạnh cho trẻ. Các loại thực phẩm như trái cây tươi thái lát, cà rốt và bánh quy làm từ lúa mì sẽ giúp trẻ không bị quá mệt mỏi hoặc đói, tuy nhiên không nên thêm bất kỳ lượng đường nào vào những nguồn cung cấp năng lượng này.

    Ngoài ra cũng nên trao đổi và phân tích cho trẻ biết về những nguy cơ tiềm ẩn khi tiêu thụ nước tăng lực, đặc biệt là đối với thanh thiếu niên đã có thể tự mua đồ uống. Thực tế, đã có rất nhiều lầm tưởng về nước tăng lực, bao gồm cả việc chúng có thể giúp con giảm cân và tăng cường sức khỏe giúp học tập hiệu quả hơn. Thế nhưng, những tác động tiêu cực của nước tăng lực vượt xa với mọi điểm tốt của chúng. Vì trẻ em dễ bị thu hút bởi các đồ uống chứa caffeine cao, điển hình là nước tăng lực, do đó nên lập một danh sách về những lựa chọn thay thế về đồ uống lành mạnh khác cho trẻ.

    Ngọc Nga (T/h)
    https://vietq.vn/nguy-co-ton-hai-suc-khoe-tinh-than-do-dung-nhieu-nuoc-tang-luc-vay-dung-bao-nhieu-moi-an-toan-d219316.html

    Subscribe

    - Never miss a story with notifications

    - Gain full access to our premium content

    - Browse free from up to 5 devices at once

    Latest stories

    spot_img