Giáo sư Daniel Harrison cho rằng việc “làm sáng mây” dù chỉ một chút trong suốt mùa Hè cũng có thể phần nào làm hạ nhiệt độ nước biển, đủ để giúp ngăn chặn việc san hô bị tẩy trắng.
Trong nỗ lực giải cứu quần thể san hô Great Barrier ở Australia, một trong những hệ sinh thái biển quan trọng nhất thế giới, các nhà nghiên cứu đang cố gắng làm mát nhiệt độ nước biển bằng kỹ thuật “làm sáng mây.”
Tháng Hai vừa qua ghi nhận nhiệt độ nước biển ở mức cao kỷ lục kể từ khi Australia bắt đầu thu thập các dữ liệu vào năm 1990, với nền nhiệt một số nơi cao hơn mức trung bình năm tới 3 độ C. Nhiệt độ tăng cao gây ra tình trạng tẩy trắng hàng loạt san hô và có thể làm chết san hô.
Quần thể san hô Great Barrier. (Nguồn: Getty Images)
Giáo sư Daniel Harrison, trưởng nhóm dự án, cho rằng việc “làm sáng mây” dù chỉ một chút trong suốt mùa Hè cũng có thể phần nào làm hạ nhiệt độ nước biển, đủ để giúp ngăn chặn việc san hô bị tẩy trắng.
“Làm sáng mây” hay còn gọi là “tạo mây biển” là kỹ thuật điều chỉnh bức xạ Mặt Trời với mục đích làm cho các đám mây sáng hơn, phản chiếu một phần nhỏ tia Mặt Trời mà mây hấp thụ trở lại không gian nhằm giảm sức nóng trên biển.
Đây là một trong hai kỹ thuật điều chỉnh bức xạ Mặt Trời có tác động khả thi và đáng kể nhất tạo ra hiệu ứng làm mát nhanh, rõ ràng nhưng chỉ kéo dài trong thời gian ngắn.
Cụ thể, các nhà khoa học Australia tiến hành phun những giọt nước biển siêu nhỏ vào không khí trên rạn san hô, tạo ra nhiều đám mây và bóng râm hơn.
Chỉ ngay trước khi lệnh phong tỏa được áp đặt tại Australia, các nhà nghiên cứu đã tìm cách triển khai 2 chiếc thuyền đến một địa điểm trên rạn san hô Great Barrier, cách Townsville 100km về phía Tây. Họ đã thử nghiệm một tuabin để phun những giọt nước biển vào không khí.
Các giọt nước bay hơi chỉ để lại những tinh thể muối nhỏ bay vào bầu khí quyển, giúp hơi nước ngưng tụ xung quanh chúng, tạo thành những đám mây.
Ông Harrison cho biết chỉ cần một lượng năng lượng nhỏ để tạo ra các tinh thể muối có kích thước nano này sẽ tạo ra một lượng năng lượng rất lớn được phản xạ lại từ đám mây và giúp làm san hô hạ nhiệt.
Năm tới, nhóm dự định thử nghiệm công nghệ này với quy mô lớn gấp ba lần và sẵn sàng tăng gấp mười lần 1 năm sau đó, kế hoạch mà các nhà nghiên cứu cho rằng có thể “làm trắng” các đám mây trên một khu vực 20 x 20km.
Chuyên gia Harrison nói rằng nếu như kỹ thuật này đem lại hiệu quả như mong đợi, sẽ có một ngày những chiếc máy này được triển khai khắp rạn san hô Great Barrier. Công việc có thể mất hàng thập kỷ nhưng chắc chắn đó là việc cần thiết.
Trải dài hơn 2.400km ngoài khơi bờ biển bang Queensland (Quin-xlen), Great Barrier là quần thể san hô lớn nhất thế giới, mỗi năm thu về 4 tỷ USD cho ngành du lịch Australia. Tuy nhiên, quần thể san hô này đang bị tàn phá nặng nề do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu.
Trong vòng hai thập kỷ qua, Great Barrier đã trải qua 4 đợt tẩy trắng ảnh hưởng nghiêm trọng đến tình trạng san hô.
Ngày 7/4 vừa qua, các nhà khoa học Australia cho biết quần thể san hô Great Barrier đã bị tẩy trắng một vùng lớn nhất từ trước đến nay, phản ánh mối đe dọa của tình trạng biến đổi khí hậu đối với rạn san hô lớn nhất thế giới này.
Các chuyên gia cho rằng nhiệt độ nước biển tăng cao kỷ lục là nguyên nhân gây ra đợt tẩy trắng thứ ba tại quần thể san hô này chỉ trong 5 năm qua.
Năm ngoái, một nghiên cứu đăng trên tạp chí Science đã phát hiện rằng các rạn san hô trên toàn cầu đang bị tẩy trắng nhanh gấp 4-5 lần so với giai đoạn trước năm 1980 và tốc độ tẩy trắng nghiêm trọng cũng đang tăng lên theo thời gian./.
Phương Oanh (TTXVN/Vietnam+)
https://www.vietnamplus.vn/thu-nghiem-ky-thuat-lam-sang-may-cuu-quan-the-san-ho-great-barrier/636245.vnp