Điều hòa là sản phẩm không thể thiếu mỗi khi hè tới tuy nhiên vẫn có nhiều người dùng mắc những sai lầm nghiêm trọng khiến tốn điện, hại sức khỏe.
Dùng điều hòa không khí rất có lợi cho sức khỏe của con người, nếu nhiệt độ quá cao, cơ thể sẽ bị mệt mỏi, hay nếu nhiệt độ quá thấp sẽ khiến cho cơ thể rét buốt, khó khăn trong hoạt động.
Vậy nên điều hòa sẽ giúp cho không khí được điều hòa về nhiệt độ trung bình, trong lành hơn, giúp chúng ta dễ dàng hoạt động hơn, nhất là với gia đình có người già và trẻ nhỏ. Điều hòa không khí còn lọc không khí, lọc sạch bụi bẩn và vi khuẩn, giúp cho không khí trở nên trong lành hơn.
Điều hòa không khí hiện nay trên thị trường khá đa dạng, có nhiều loại, theo từng phân khúc về mẫu mã, giá cả. Tuy nhiên, vì đây là thiết bị chạy bằng điện năng, nên cần lựa chọn một loại tốt, chính hãng, mua của một đại lý uy tín để đảm bảo được hiệu suất của máy. tuy nhiên việc lạm dụng và sử dụng điều hòa không đúng cách có thể gây méo miệng, liệt mặt, thậm chí đột quỵ và tử vong.
Chọn sai chế độ
Trên bảng điều khiển máy lạnh, chế độ thường được lựa chọn là Tự động (Auto), một số điều khiển có chế độ đặc thù như làm mát (Cool), làm khô (Dry), chế độ quạt (Fan)… Việc sử dụng sai chế độ là một trong những nguyên nhân khiến máy lạnh không làm đúng mục đích gây tăng tiền điện.
Do đó hãy chọn chế độ Cool khi cần làm lạnh nhanh và giữ nhiệt độ phòng ổn định như mức đã được chọn ngay từ đầu. Chế độ Fan, máy làm lạnh sẽ tắt và quạt vẫn chạy. Chế độ này nên dùng khi cần lưu thông không khí trong phòng nhưng không cần làm lạnh.
Chế độ Dry sẽ được bật lên để làm giảm độ ẩm trong phòng. Chế độ phù hợp với những ngày mưa gió khi độ ẩm bên ngoài cao. Thời gian sử dụng chế độ này khoảng 1 – 2h đồng hồ. Nếu sử dụng lâu dễ ảnh hưởng đến làn da như khô da tay, da cơ thể, khô giác mạc, khô niêm mạc mũi.
Sử dụng điều hòa sai cách nguy hiểm cho sức khỏe, tốn tiền điện. Ảnh minh họa
Ngồi trước điều hòa ngay khi vừa tắm
Trên thực tế, đã có rất nhiều trường hợp tử vong do tắm xong vào phòng điều hòa chế độ lạnh ngay. Việc thay đổi môi trường như vậy gây ra sự chênh lệch nhiệt độ một cách bất ngờ sẽ làm nhiệt độ cơ thể hạ đột ngột, mồ hôi không toát ra được, gây tổn hại nghiêm trọng đến trung khu thần kinh.
Nếu tiếp tục ở dưới quạt hay điều hòa sẽ gây ảnh hưởng xấu tới hoạt động lưu thông máu trong cơ thể, kéo theo hệ lụy là máu lên não chậm, không những thế còn ảnh hưởng tới nhịp đập của tim và huyết áp.
Để tránh điều này, sau khi tắm xong nên lau khô người, không ngồi điều hòa chiếu thẳng vào người. Tốt nhất là không vào phòng có điều hòa ngay khi vừa tắm xong. Nếu phòng đang bật sẵn điều hòa thì nên tắt đi để cơ thể dần thích nghi với nhiệt độ phòng rồi mới bật điều hòa lại.
Để điều hòa thổi trực tiếp vào người
Khi bị luồng không khí với nhiệt độ quá thấp thổi thẳng vào cơ thể trong thời gian dài sẽ khiến máu huyết không lưu thông, gây ra đau nhức, thậm chí là tê liệt các cơ. Cho nên, khi bật điều hòa bạn cần điều chỉnh hướng gió cho thích hợp, tốt nhất là để luồng lạnh thổi hướng lên trên, tránh thổi trực tiếp vào người người, nhất là phần đầu và tứ chi.
Đóng kín cửa phòng
Khi bật điều hòa, chúng ta luôn phải đóng kín tất cả các cửa để tránh làm thất thoát khí lạnh, gây tốn điện. Tuy nhiên, thói quen này rất có hại cho sức khỏe do luồng không khí không được lưu thông, bị “quẩn” và trong thời gian dài tạo cảm giác bí.
Điều hòa thực tế không lấy khí lạnh từ bên ngoài mà chỉ luân chuyển không khí trong phòng qua dàn lạnh để làm lạnh nên người dùng cần hé cửa hoặc sử dụng quạt thông gió nhỏ để có thêm khí tươi vào trong phòng.
Do đó, cách tốt nhất là tạo khe hở thật nhỏ để không khí lưu thông, nên chọn máy điều hòa thế hệ mới để có thêm chức năng lọc khí và diệt khuẩn, giúp căn phòng thoáng khí như đang được thở.
Đặt chậu nước trong phòng điều hòa
Nhiều gia đình có thói quen đặt chậu nước trong phòng điều hòa để tạo độ ẩm. Tuy nhiên, cách làm này được các bác sĩ cho biết là dễ gây nguy hiểm cho sức khỏe vì hơi nước sẽ thu hút bụi bẩn, vi trùng gây bệnh.
Nhiều nhà còn mua thêm máy phun sương để tạo độ ẩm, nhưng việc này không cần thiết, đặc biệt với gia đình có em nhỏ. Trẻ em hít phải nhiều hơi nước, ở trong môi trường độ ẩm nhiều, sẽ không tốt cho hệ hô hấp, dễ gây viêm phổi, ho…
Mở máy điều hòa cả ngày
Thực tế, bật điều hòa liên tục cả ngày sẽ gây hại cho sức khỏe của bạn vì không khí không được lưu thông cũng như độ ẩm trong phòng bị giảm đi khá lớn. Do đó, hãy tắt điều hòa và sử dụng quạt vào những thời gian không quá nóng trong ngày. Điều này vừa giúp làm không gian phòng thông thoáng hơn vừa giúp tiết kiệm điện năng đáng kể.
Trời càng nóng càng bật điều hòa ở nhiệt độ thấp
Bật điều hòa nhiệt độ quá thấp không chỉ tốn điện mà còn dễ làm người dùng bị sốc nhiệt do chênh lệch với nhiệt độ bên ngoài khi đi ra vào, gây ra nhiều hệ lụy sức khỏe. Ngay cả những ngày nắng nóng, cũng không nên để nhiệt độ thấp hơn 5 độ C so với bên ngoài. Ngoài ra, vào những ngày mát mẻ hơn 35 độ C, bạn chỉ nên bật ở mức thấp hơn 5 độ C bên ngoài trời để bảo vệ sức khỏe, tránh sốc nhiệt.
Ngủ trong phòng điều hòa sau khi say rượu, bia
Khi mới bước vào phòng chúng ta thường có thói quen mở máy lạnh ở mức nhiệt độ thấp. Trong khi đó, rượu, bia thường khiến người ta ngủ say. Điều này rất dễ dẫn đến tình trạng nhiễm lạnh.
Một khi cơ thể khi bị nhiễm lạnh lâu mà bản thân người nằm điều hòa không ý thức được để phòng vệ sẽ dẫn tới tình trạng nguy kịch như sốc, tê liệt.
Không vệ sinh, bảo trì máy thường xuyên
Thường xuyên vệ sinh, đặc biệt là lọc gió của điều hòa sẽ vừa giúp tăng hiệu suất làm lạnh của điều hòa, đây cũng là cách tiết kiệm điện tối đa trong quá trình sử dụng. Ngoài ra bất kỳ những hỏng hóc, hoặc trục trặc nào trong quá trình làm việc của điều hòa cũng nên lập tức được khắc phục, để điều hòa có thể hoạt động hiệu quả và tiết kiệm điện hơn.
Tắt máy ngay khi phòng đủ mát
Nhiều người có thói quen “tiết kiệm” điện bằng cách tắt điều hòa ngay khi thấy nhiệt độ trong phòng đủ mát, sau đó điều hòa lại được bật lên khi cảm thấy nhiệt độ trong không khí bắt đầu nóng lên. Cách bật/ tắt này khiến máy lạnh phải khởi động nhiều gây tốn điện.
Máy lạnh bao gồm dàn nóng và dàn lạnh. Dàn nóng tiêu thụ điện nhiều hơn, chiếm 95% tổng công suất máy lạnh. Thời gian khởi động cũng là lúc toàn bộ hệ thống máy lạnh làm việc để giảm nhiệt độ phòng.
Khi độ lạnh đạt yêu cầu, dàn nóng sẽ dừng, chỉ còn quạt gió và động cơ đảo gió tiếp tục vận hành. Các máy lạnh đời mới đều được trang bị tính năng ngắt tự động này nên bạn không cần chủ động bật/ tắt máy lạnh gây tiêu thụ điện năng gấp 3 lần mức năng lượng cần để duy trì độ lạnh.
Ngọc Nga (T/h)
https://vietq.vn/vua-nguy-hiem-vua-ton-dien-neu-mac-nhung-sai-lam-nay-khi-su-dung-dieu-hoa-d201253.html