Hiện nay trên mạng xã hội xuất hiện nhiều video hay những lời khuyên về dinh dưỡng. Tuy nhiên theo các chuyên gia dinh dưỡng, nhiều nội dung trong số đó không có cơ sở khoa học.
Trà thải độc có thể chữa bệnh ung thư
Dịch vụ Y tế Quốc gia Anh (NHS) gần đây đã yêu cầu Instagram kiểm soát các tài khoản quảng cáo và bán Apetamin, chất kích thích sự thèm ăn, thường được mời chào mời về khả năng tăng cường đường cong cơ thể. Hay các loại trà giải độc được giới thiệu giúp tăng cường trao đổi chất, đốt cháy mỡ và loại bỏ các độc tố có hại khỏi cơ thể.
“Hiện không có hành động nào được thực thi chống lại vô số tài khoản mạng xã hội bán loại thuốc không được Cục quản lý Thực phẩm và Dược phẩm phê duyệt”, NHS nói.
Năm 2020, Ủy ban Thương mại Liên bang Mỹ (FTC) đã đệ đơn kiện đơn vị tiếp thị trà giải độc, vì cho rằng những tuyên bố chữa bệnh ung thư và giúp thông động mạch, không có bằng chứng xác thực. FTC cũng gửi thư cảnh báo tới 10 người có ảnh hưởng để cảnh báo về hành vi tuyên truyền thực phẩm không rõ nguồn gốc.
Bên cạnh việc đưa ra những tuyên bố sai lệch về sức khỏe, các sản phẩm này ẩn chứa tác dụng phụ, thậm chí gây nguy hiểm đến tính mạng. Như trường hợp một phụ nữ 51 tuổi bị hạ natri máu nghiêm trọng sau khi sử dụng sản phẩm trà giải độc không kê đơn. Hay phụ nữ 60 tuổi bị suy gan cấp tính, xuất hiện các triệu chứng vàng da, suy nhược, tinh thần bất ổn định khi uống sản phẩm này ba lần mỗi ngày, suốt hai tuần.
Cảnh giác với những lời khuyên dinh dưỡng rởm trên mạng xã hội. Ảnh minh họa
Lời khuyên về chế độ ăn kiêng và thanh lọc cơ thể
Ngoài ra, chế độ ăn kiêng và thanh lọc theo trào lưu được quảng cáo rầm rộ trên mạng xã hội cũng thúc đẩy chứng rối loạn ăn uống và gây hại sức khỏe tâm thần.
Theo các chuyên gia, những lời khuyên này không chỉ tăng nguy cơ thiếu hụt dinh dưỡng, dễ gặp vấn đề sức khỏe thể chất, tâm thần và thúc đẩy mối quan hệ không lành mạnh với thực phẩm.
Thậm chí, nhiều nội dung chia sẻ có xu hướng tán dương chế độ ăn kiêng nguy hiểm, thói quen không lành mạnh như nhịn ăn kéo dài, dùng thực phẩm không rõ nguồn gốc hoặc áp dụng chế độ tập luyện khắc nghiệt để giảm cân nhanh chóng.
Nhiều xu hướng giảm cân đạt thân hình mảnh khảnh cũng đặt ra những kỳ vọng không thực tế, thúc đẩy văn hóa ăn kiêng và kéo dài nỗi ám ảnh về việc ăn uống không lành mạnh, nhất là ở người trẻ.
Ăn hoa quả, thức ăn có tính kiềm cao để diệt virus SARS-CoV-2
Trước đó mạng xã hội chia sẻ một số thông tin liên quan tới việc ăn thức ăn hay hoa quả có tính kiềm cao hơn thì sẽ diệt virus. Tuy nhiên, TS. BS Lưu Thị Mỹ Thục – Trưởng khoa Dinh dưỡng, Bệnh viện Nhi Trung ương khẳng định chưa có một loại thức ăn cụ thể nào có thể tiêu diệt được virus. Đây là những thông tin không chính xác. Theo Bộ Y tế, để hạn chế diễn biến nặng, nguy kịch, trẻ cần được theo dõi thường xuyên và thực hiện chế độ dinh dưỡng đầy đủ.
Lời khuyên chữa bệnh ung thư bằng thực dưỡng
Cả tin nghe theo các lời quảng cáo, bài viết lan truyền trên mạng xã hội và những lời khuyên vô căn cứ về việc “thực dưỡng chữa khỏi ung thư”, không ít gia đình đã lâm vào hoàn cảnh tiền mất, tật mang, có những người bệnh đã bỏ lỡ giai đoạn vàng trong quá trình điều trị bệnh, thậm chí là tử vong.
Gần đây, trước thông tin về bệnh nhi 30 tháng tử vong chẩn đoán ung thư máu nhưng không điều trị tại Bệnh viện mà đặt niềm tin vào lời quảng cáo “chỉ cần chữa bệnh bằng thực dưỡng, bé chắc chắn khỏi bệnh” đã để lại hệ quả vô cùng đáng tiếc, bé gái chưa đầy 3 tuổi đã tử vong trong sự xót thương của nhiều người và nỗi ân hận vì sự cả tin của cha mẹ. Đây cũng là hồi chuông cảnh báo đối với những người bệnh đang điều trị bệnh ung thư, đừng “mù quáng” tin vào phương pháp không có cơ sở khoa học.
Được biết em bé này có các dấu hiệu xuất huyết dưới da. Bệnh viện Trung uơng Thái Nguyên chẩn đoán là “theo dõi Lơ xê mi cấp” – ung thư máu dạng cấp. Sau đó, Bệnh viện đề nghị chuyển cho Bệnh viện Huyết học – Truyền máu Trung ương để điều trị tiếp. Tuy nhiên, mẹ của bé đã quyết định bỏ điều trị và tìm đến một nhân vật bán hàng thực dưỡng trên mạng để “điều trị” một thời gian.
Người bán quả quyết rằng ung thư máu ở trẻ em là thách thức đối với Tây y chứ với thực dưỡng thì chẳng khó khăn gì. Người bán còn nhiều lần khẳng định: nếu tuân theo thực dưỡng ngay ở giai đoạn đầu, khi chưa bị tây y can thiệp gì cả thì cơ hội cứu sống cháu bé gần như chắc chắn.
Cách “điều trị” cho cháu bé là nhai gạo sống, ăn cơm lứt với tương tekka, nhai trà thất vị (một loại trà gồm nhiều loại gạo và đậu rang lên, nấu nước, do chính người bán tự pha chế từ các nguyên liệu thực dưỡng), ăn tương sắn dây. Người mẹ cũng phải ăn theo “số 7” (chế độ ăn chỉ bao gồm cơm lứt muối vừng) trong khi cho con bú. Người bán cũng giải thích kỹ đến khi nào các vết bầm biến mất hoàn toàn nghĩa là cháu đã khỏi bệnh. Tuy nhiên bệnh nhi không những không khỏi mà bệnh càng trầm trọng hơn dẫn tới tử vong.
An Dương (T/h)
https://vietq.vn/rui-ro-va-nguy-hiem-khi-nghe-tu-van-dinh-duong-rom-tren-mang-xa-hoi-d201462.html