Phát biểu tại Hội thảo “Sản xuất và sử dụng bao bì nhựa thân thiện với môi trường”, ông Trần Văn Học – Phó Chủ tịch Hội KH&KT về Tiêu chuẩn và Chất lượng Việt Nam cho rằng, trong nền kinh tế tuần hoàn, hoạt động về xử lý chất thải nhựa sẽ được giảm áp lực đi rất nhiều so với nền kinh tế tuyến tính do các hoạt động theo mô hình 7R đem lại các hiệu quả tích cực.

Hiện nay, việc sản xuất và tiêu thụ nhựa, đặc biệt là nhựa sử dụng một lần đang ngày càng trở nên không bền vững dẫn đến cuộc khủng hoảng ô nhiễm nhựa toàn cầu – “ô nhiễm trắng”. Số lượng rác thải, vật liệu nhựa thải ra đại dương sẽ tăng gấp ba lần vào năm 2040 nếu không có những thay đổi lớn về chính sách và trong hành vi.

Việt Nam đang đối mặt với “ô nhiễm trắng” khi lượng tiêu thụ nhựa xếp thứ 3 tại khu vực ASEAN và thuộc hàng cao nhất thế giới; đứng thứ 4 trên thế giới về số lượng rác thải nhựa đổ ra biển và chiếm 6% tổng lượng rác thải nhựa của toàn thế giới. Trước thực trạng trên, Việt Nam cần tiếp cận kinh tế tuần hoàn để phát triển ngành nhựa bền vững. Trước đây nền kinh tế truyền thống là nguyên nhân cơ bản dẫn đến sự cạn kiệt tài nguyên, gia tăng chất thải, gây suy thoái môi trường, thì giờ đây, thế giới chuyển sang tiếp cận theo mô hình kinh tế tuần hoàn hướng tới phát triển sản xuất và tiêu dùng bền vững, đặt ra mục tiêu tái tạo tài nguyên theo vòng khép kín tránh tạo ra phế thải, mang lại các giá trị về xã hội và môi trường.

Bên cạnh đó, đối với doanh nghiệp, kinh tế tuần hoàn còn góp phần giảm rủi ro về khủng hoảng thừa sản phẩm, khan hiếm tài nguyên; tạo động lực để đầu tư, đổi mới công nghệ, giảm chi phí sản xuất, tăng chuỗi cung ứng… Phát triển kinh tế tuần hoàn là nhu cầu tất yếu của phát triển bền vững và đang trở thành một trong những xu thế chủ đạo của các nền kinh tế trên thế giới.

Theo ông Trần Văn Học – Phó Chủ tịch Hội KH&KT về Tiêu chuẩn và Chất lượng Việt Nam, nền kinh tế tuần hoàn được vận hành dựa trên các nguyên tắc quản lý chất thải 3R, 5R, 7R là công cụ tiềm năng, thích hợp cho việc phát triển ngành nhựa bền vững đã được thực thi tại nhiều nước trên thế giới và đem lại hiệu quả nhất định. Tại Việt Nam, sự hưởng ứng của doanh nghiệp trong tiếp cận kinh tế tuần hoàn đã bắt đầu có dấu hiệu tích cực.


Ông Trần Văn Học – Phó Chủ tịch Hội KH&KT về Tiêu chuẩn và Chất lượng Việt Nam.

“Trong nền kinh tế tuần hoàn, hoạt động xử lý chất thải nhựa sẽ được giảm áp lực đi rất nhiều so với nền kinh tế tuyến tính do các hoạt động theo mô hình 7R đem lại các hiệu quả tích cực”, Phó Chủ tịch Hội KH&KT về Tiêu chuẩn và Chất lượng Việt Nam nhấn mạnh.

Mô hình 7R trong sản xuất và tiêu dùng sản phẩm nhựa bao gồm: Rethink (thay đổi tư duy); Refuse (từ chối); Reduce (giảm); Reuse (tái sử dụng); Recycle (tái chế); Repair (Sửa chữa) và Replace (thay thế).

Theo đó, rethink (thay đổi tư duy) – người tiêu dùng có thể thay đổi tư duy về nhận thực đối với nguồn tài nguyên thiên nhiên và tác động của chất thải nhựa đối với môi trường để thực hiện việc cân nhắc kiểm soát/phân loại rác thải nhựa, lựa chọn sử dụng các sản phẩm nhựa gia dụng và mỹ phẩm thiết yếu một cách bền vững hơn.

Refuse (từ chối) – người tiêu dùng có thể từ chối các mặt hàng được đóng góp gói quá mức hoặc đóng gói bằng bao bì nhựa, từ chối chấp nhận hoặc hỗ trợ cho các sản phẩm, công ty gây hại cho môi trường, từ chối túi nilon của cửa hàng mà túi sử dụng nhiều lần của mình khi mua hàng.

Reduce (giảm) – người tiêu dùng chủ động giảm mức sử dụng năng lượng, sử dụng nước cùng với việc giảm rác thải, chất thải nhựa, nhựa.

Reuse (tái sử dụng) – người tiêu dùng có nhiều cách sử dụng các loại đồ vật dùng nhựa còn sử dụng được hoặc chia sẻ nó với người khác khi không cần.

Recycle (tái chế) – người tiêu dùng có thể tìm hiểu vật liệu nào có thể tái chế, thu gom, xử lý, phân loại rác thải nhựa để đưa đi tái chế, tham gia các chương trinhg tái chế do các tổ chức, cá nhân chủ trì.

Repair (sửa chữa) – sửa chữa hoặc thay linh kiện các vật dụng bị vỡ, hỏng để dùng lại và kéo dài tuổi thọ là một cách khác để giảm tiêu thụ vật liệu và tài nguyên thiên nhiên. Trước khi định vứt bỏ một món đồ, hãy xem xét các cách mà nó có thể được tái sử dụng hoặc sửa chữa.

Replace (thay thế) – có thể dử dụng các vật liệu thay thế cho nhựa ở những chỗ có thể hoặc thay thế các đồ nhựa sử dụng một lần bằng các sản phẩm có thể tái sử dụng là cách người tiêu dùng có thể làm để thực hiện Replace.

Phát triển mô hình kinh tế tuần hoàn với trọng tâm là sử dụng tài nguyên thiên nhiên có trách nhiệm và quản lý chất thải nhựa hiệu quả là vấn đề đang được các cấp, các ngành ở Việt Nam rất coi trọng và theo đuổi chiến lược phát triển bền vững dài hạn. Tuy nhiên, với yêu cầu phải xử lý chất thải không thể tái chế và nhu cầu về các công nghệ, thiết bị hỗ trợ cho hoạt động thu hồi, thu gom, phân loại, phân tách, phục hồi tài nguyên và sản xuất ra các sản phẩm nhựa tái chế vẫn là một thách thức không nhỏ đối với Việt Nam.

Hà My
http://vietq.vn/phat-trien-nhua-ben-vung-trong-nen-kinh-te-tuan-hoan-voi-mo-hinh-7r-d184820.html