Chiến dịch làm cho thế giới sạch hơn năm 2019 được phát động và tổ chức trên toàn cầu từ ngày 20 – 22/9. Tại Việt Nam, Bộ Tài nguyên và Môi trường lựa chọn chủ đề Chiến dịch năm 2019 là “Hành động địa phương, tác động toàn cầu”, trong đó tập trung chính vào vấn đề giảm thiểu, chống ô nhiễm rác thải nhựa.

Năm 2019 được Liên Hợp Quốc lựa chọn chủ đề về ô nhiễm rác thải nhựa, theo đó khuyến khích tất cả các quốc gia và địa phương cùng nhau hành động để chống lại ô nhiễm rác thải nhựa.

Tại Việt Nam, Bộ Tài nguyên và Môi trường lựa chọn chủ đề Chiến dịch năm 2019 là “Hành động địa phương, tác động toàn cầu”, trong đó tập trung chính vào vấn đề giảm thiểu, chống ô nhiễm rác thải nhựa.

Đây là nội dung thiết thực, cấp bách trong bối cảnh nhiều quốc gia trên thế giới đang nỗ lực để loại bỏ ô nhiễm do rác thải nhựa, đồng thời kêu gọi toàn hệ thống chính trị, các đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp và đồng bào cả nước cùng chung tay, đồng lòng, quyết tâm hành động và thực hiện mục tiêu chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đến năm 2021, các cửa hàng, chợ, siêu thị ở đô thị không sử dụng đồ nhựa dùng một lần; phấn đấu đến năm 2025, cả nước không sử dụng đồ nhựa dùng một lần.

Để thực hiện tốt các hoạt động hưởng ứng Chiến dịch năm 2019 và chống ô nhiễm rác thải nhựa, Bộ Tài nguyên và Môi trường đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quan tâm chỉ đạo và triển khai các hoạt động cụ thể như sau:

Thứ nhất, Xây dựng Kế hoạch triển khai Nghị quyết số 09/NQ-CP ngày 03 tháng 02 năm 2019 của Chính phủ về thống nhất quản lý nhà nước về chất thải rắn, các địa phương tổ chức rà soát, đánh giá hiện trạng công tác phân loại, thu gom, xử lý, tái chế, tái sử dụng chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn. Trên cơ sở đó, đề xuất các giải pháp tổng thể về chính sách, công nghệ, huy động nguồn lực của toàn xã hội nhằm giải quyết dứt điểm các vấn đề tồn tại liên quan đến công tác quản lý chất thải rắn tại địa phương; đề xuất đóng góp ý kiến, báo cáo tham luận cho “Hội nghị toàn quốc về chất thải rắn” do Thủ tướng Chính phủ chủ trì, dự kiến tổ chức tháng 9 năm 2019 tại Hà Nội.

Thứ hai, Tiến hành sơ kết đánh giá và đề xuất các giải pháp thiết thực thực hiện phong trào chống rác thải nhựa theo lời kêu gọi của Thủ tướng Chính phủ tại Lễ ra quân toàn quốc phong trào chống rác thải nhựa; Quyết định số 582/QĐ-TTg ngày 11 tháng 4 năm 2013 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt đề án tăng cường kiểm soát ô nhiễm môi trường do sử dụng túi nilon khó phân hủy trong sinh hoạt đến năm 2020. Lưu ý, mỗi tỉnh, thành phố lựa chọn, giới thiệu tối thiểu 01 mô hình tiêu biểu về thu gom, xử lý, tái chế chất thải rắn, mô hình hạn chế rác thải nhựa hiệu quả báo cáo về Bộ Tài nguyên và Môi trường để tổng hợp và xem xét, nhân rộng mô hình.

Thứ ba, Phối hợp chặt chẽ với các cơ quan truyền thông, báo chí tăng cường thông tin, tuyên truyền về các hoạt động bảo vệ môi trường, các hoạt động hưởng ứng Chiến dịch năm 2019, tập trung vào chủ đề chống rác thải nhựa, xử lý chất thải rắn sinh hoạt; xây dựng chuyên trang, chương trình cổ động, bài viết, phóng sự, clip tuyên truyền về bảo vệ môi trường…; tổ chức treo băng rôn, pano, áp phích, khẩu hiệu về chủ đề bảo vệ môi trường tại các nơi công cộng, đường phố chính, trụ sở cơ quan, nơi đông người qua lại nhằm nhắc nhở người dân cùng hành động bảo vệ môi trường.

Thứ tư, Các địa phương tùy theo từng điều kiện cụ tổ chức lễ phát động, lễ ra quân và các hoạt động thiết thực trực tiếp hoặc góp phần giải quyết các vấn đề môi trường bức xúc, các điểm nóng về ô nhiễm môi trường thuộc trách nhiệm quản lý của địa phương địa phương; tăng cường kiểm tra, giám sát các cơ sở có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao; phối hợp với các nhà sản xuất, trung tâm thương mại tổ chức ngày hội tái chế với mục đích thu gom, thu hồi sản phẩm thải bỏ, đặc biệt là các chất thải điện tử, chất thải nhựa và các chất thải rắn khó phân hủy khác; phát động và duy trì các phong trào bảo vệ môi trường tại cơ sở như: ngày Thứ bảy tình nguyện, ngày Chủ nhật xanh, ngày không sử dụng túi nilon và sản phẩm nhựa sử dụng một lần, tổ chức ngày hội tái chế, ngày hội sống xanh, thi làm sản phẩm tái chế… đặc biệt tập trung các hoạt động làm sạch môi trường từ ngày 14 đến 22 tháng 9 năm 2019.

Thứ năm, Đối với 28 tỉnh/thành phố có biển và các cơ quan đơn vị tại các địa phương ven biển cần tăng cường tổ chức các hoạt động ra quân làm sạch môi trường tại các bãi biển, khu vực ven bờ, trong đó tập trung vào việc thu gom, thu hồi các sản phẩm làm từ nhựa, bao bì, túi nilon khó phân hủy và vận chuyển đến nơi tái chế, xử lý theo quy định; tổ chức bàn giao bãi biển, khu vực ven bờ đã làm sạch cho các tổ chức, đơn vị có trách nhiệm quản lý để không tái diễn tình trạng ô nhiễm môi trường biển.

Đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chủ động xây dựng kế hoạch tổ chức các hoạt động thiết thực hưởng ứng Chiến dịch năm 2019 kết hợp với phong trào chống rác thải nhựa.

Theo Thanh Thảo/moitruong.com.vn (20/9/2019)