Mặc dù các chất ô nhiễm trong không khí thường không nhìn thấy, chúng có thể có những ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của con người, bao gồm cả phổi, tim và các cơ quan khác, và bào thai đang phát triển.

Không khí ô nhiễm có thể xâm nhập thai nhi qua nhau thai

Thông tin trên VietQ cảnh báo sự ô nhiễm tích hợp bởi những hợp chất nhỏ từ chất thải xe cộ, ống khói nhà máy và nguồn khác đang gây nguy hiểm cho sức khỏe người dân. Nó cũng được cho là có liên quan tới vấn đề đẻ non và nhẹ cân ở trẻ sơ sinh. Các nhà khoa học đã nghiên cứu nhau thai trên 10 bà mẹ sống ở nơi ô nhiễm nặng và 10 bà mẹ ở nơi ô nhiễm thấp hơn. Mức độ ô nhiễm càng cao, các nhà nghiên cứu càng tìm thấy nhiều chất ô nhiễm trong nhau thai.

Nhưng các nhà khoa học không hiểu có vấn đề gì liên quan đến việc chăm sóc thai phụ, khiến nhau thai xảy ra ô nhiễm. Có một giả thuyết đưa ra rằng các hợp chất nằm ở phổi người mẹ và ngấm ngầm gây nên sưng viêm. Vào thứ Ba, các nhà nghiên cứu người Bỉ đã đưa ra một khả năng nữa, rằng nguy cơ có thể còn trực tiếp hơn.

Tờ Nature Communications đưa tin, một lượt chụp cắt lớp bằng công nghệ mới đã cho thấy dấu vết của ô nhiễm là các hạt cacbon đen trong số 28 mẫu nhau thai được đóng góp bởi 28 người mẹ.

Các nhà khoa học Bỉ đã quét các mẫu nhau thai bằng cách sử dụng các bước sóng cực kỳ ngắn từ tia lade, khiến phân tử cacbon đen phát ra màu trắng sáng. Nhau thai có vai trò nuôi dưỡng thai nhi và cố gắng ngăn chặn chất nguy hại đến từ cơ thể mẹ. Nhóm nghiên cứu của Đại học Hasselt tìm thấy những phân tử tích tụ bên cạnh nhau thai gần nhất với thai nhi là ở gần chỗ dây rốn hiện ra.

Tuy nhiên điều này không chứng minh rằng không khí ô nhiễm thực sự đã đi qua nhau thai để tới thai nhi, cũng như chưa chắc nó phải chịu trách nhiệm cho bất kỳ triệu chứng tiêu cực nào, Bác sĩ Yoel Sadovsky đến từ Trung tâm Y tế của trường Đại học Pittsburgh – một chuyên gia về nhau thai nhưng không tham gia vào cuộc nghiên cứu này – cho biết.

Và đây chỉ là một cuộc nghiên cứu nhỏ. Sadovsky cho rằng: “Cứ cho là chỉ tìm thấy chất ô nhiễm trong nhau thai là quan trọng đi. Vấn đề tiếp theo là cần bao nhiêu phân tử cacbon đen này đủ để gây hại”.

Các nhà khoa học đã có một vài manh mối từ những nghiên cứu trên động vật rằng phân tử có thể đi vào nhau thai, nhưng nghiên cứu vào thứ Ba là nghiên cứu đầu tiên về nhau thai của con người.

Chuyên gia môi trường và y học cộng đồng của Hasselt cũng là người đứng đầu cuộc nghiên cứu – Tim Nawrot chia sẻ: “Vì các cơ quan của thai nhi đang phát triển, vấn đề này có thể gây ảnh hưởng xấu”. Ông đang thực hiện thêm các cuộc nghiên cứu để tìm ra các nguy cơ.

Ô nhiễm không khí: Làm gì để hạn chế nhiễm bệnh?

Chia sẻ trên Baotienphong, PGS.TS Nguyễn Viết Nhung, Giám đốc Bệnh viện Phổi T.Ư, cho biết, ô nhiễm môi trường tác động đến nhiều bệnh lý đường hô hấp. Ngoài ra, các bệnh về mắt, dị ứng da, tim mạch cũng tăng vì nguyên nhân này. Các chuyên gia y tế cảnh báo, người lớn trung bình thở trên 15 mét khối khí mỗi ngày. Mặc dù các chất ô nhiễm trong không khí thường không nhìn thấy, chúng có thể có những ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của con người, bao gồm cả phổi, tim và các cơ quan khác, và bào thai đang phát triển.

Các tác động của ô nhiễm không khí trên đường hô hấp phụ thuộc vào loại và sự pha trộn các chất ô nhiễm với nhau, nồng độ trong không khí, thời lượng tiếp xúc, lượng chất gây ô nhiễm được hít vào và lượng chất gây ô nhiễm thâm nhập vào phổi. Các triệu chứng phổi có thể được nhìn thấy ngay sau khi tiếp xúc với mức độ ô nhiễm cao, bao gồm kích ứng đường hô hấp, khó thở và tăng nguy cơ lên cơn suyễn. Khi tiếp xúc với chất gây ô nhiễm không khí trong một thời gian dài có thể làm gia tăng nguy cơ mắc bệnh ung thư phổi.

Theo PGS.TS Phạm Tuấn Cảnh, Giám đốc Bệnh viện Tai Mũi Họng T.Ư, người khỏe mạnh làm việc hoặc tập thể dục ngoài trời cũng rất dễ bị các tác dụng phụ của ô nhiễm không khí, đặc biệt là khi có nồng độ ôzôn mặt đất cao. Các loại bụi có kích thước nhỏ, các chất hóa học hay chất kháng viêm trong bụi có thể phát tán từ phổi vào hệ tuần hoàn, ảnh hưởng đến tim mạch. Việc tiếp xúc với bụi mịn (bụi có đường kính khí động nhỏ hơn 2,5 mm) và bụi phát sinh từ khí thải động cơ có tác hại lớn hơn so với bụi thông thường.

Các loại bụi có kích thước nhỏ, các chất hóa học hay chất kháng viêm trong bụi có thể phát tán từ phổi vào hệ tuần hoàn, ảnh hưởng đến tim mạch. Nguyên nhân là không khí ô nhiễm ảnh hưởng đến khả năng giãn nở và co thắt của các mạnh máu. Dưới tác động của không khí ô nhiễm, của khói thuốc lá, các mạch máu bị giảm kích cỡ, cản trở lưu thông huyết mạch. Không khí ô nhiễm còn làm tăng nguy cơ tạo cục máu đông ở động mạch – nguyên nhân chính của chứng nhồi máu cơ tim.

Bác sĩ Cảnh cho hay, mũi là “cửa ngõ” của đường hô hấp, vì thế đây là cơ quan đầu tiên trên cơ thể phản ứng với những thay đổi thất thường của thời tiết hoặc tác nhân từ môi trường. Khi không khí bị ô nhiễm kéo dài và mức độ ô nhiễm ngày càng gia tăng, những bệnh liên quan đến “cửa ngõ” này rất dễ xuất hiện và khó kiểm soát.

Không khí ô nhiễm cũng là tác nhân gây bệnh về da liễu như mụn, dị ứng, viêm da… Đó là nơi chứa nhiều mầm bệnh, tác nhân mang vi khuẩn, virus, nấm mốc vào cơ thể người nếu tiếp xúc lâu dài và tùy theo cơ địa của từng người sẽ có các bệnh lý khác nhau. Bệnh viện Mắt T.Ư từng tiếp nhận rất nhiều trường hợp viêm nhiễm mắt, giác mạc do khí bụi.

Chăm sóc sức khỏe thế nào?

Trong thời gian ô nhiễm không khí nghiêm trọng, những người có bệnh tim hoặc bệnh phổi nên tránh những bài tập nặng; Những người bị đau ngực, khó thở hoặc ho nên gặp bác sĩ, dùng thuốc giảm triệu chứng nếu đã được cho kê đơn từ trước. Nếu các triệu chứng vẫn tiếp tục, người bệnh nên đi khám bác sĩ.

Vào mùa đông, tránh đi bộ dọc theo các đường phố đông đúc với rất nhiều khói từ các phương tiện xe cộ. Mùa hè, mức độ ô nhiễm không khí thường cao hơn vào những ngày nắng nóng gay gắt, do đó, cố gắng tránh các hoạt động ngoài trời hoặc chỉ tiến hành vào buổi sáng khi mức độ ô nhiễm thường thấp hơn.

PGS.TS Nguyễn Viết Nhung cho hay, để phòng bệnh khi ra đường cần đeo khẩu trang, đeo kính để giảm bớt việc tiếp xúc với khói bụi. Tuy nhiên với những hạt bụi nhỏ dưới 5 micromet, khẩu trang thông thường cũng không có tác dụng.

Theo Thanh Thảo/moitruong.com.vn (19/9/2019)