Ghi nhận cho thấy thời gian gần đây Hà Nội luôn nằm trong top thành phố có mức độ ô nhiễm không khí cao trên thế giới. Trong khi đó từ một thành phố ô nhiễm không khí hàng đầu thế giới trong thời gian dài, Bắc Kinh vài năm trở lại đây được nhiều tổ chức quốc tế ghi nhận nỗ lực cắt giảm ô nhiễm không khí.


Xếp hạng chỉ số chất lượng không khí AQI ngày 17/9 của các thành phố trên thế giới, Hà Nội ở vị trí thứ hai. Ảnh: AirVisual

Theo AirVisual, chỉ số chất lượng không khí (AQI) ngày 17/9 tại nhiều điểm trong Hà Nội ở “mức kém”, liên tục dao động từ 100 đến 200. Các ngày 14-16/9 chỉ số AQI đo ở hơn 20 địa điểm luôn trên 100. Điểm đo tại Hà Đông, Nam Từ Liêm, Hoàn Kiếm AQI trên 150. Tình trạng chất lượng không khí ở mức kém sẽ duy trì đến cuối tuần.

Bụi PM2.5 “sát thủ âm thầm”

Thông tin trên VnExpress cho thấy: Chỉ số bụi mịn PM2.5 hôm qua tại Hà Nội là 111,3 µg/m3, cao gấp 4,5 lần quy chuẩn quốc gia (25 µg/m3) và 11,1 lần trung bình năm của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO).

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), mức PM2.5 lý tưởng trong không khí là 10 µg/m3. Mỹ chia chất lượng không khí ra làm 5 mức, trong đó lượng PM2.5 từ 0-12,0 là tốt, từ 12,1 đến 35,4 trung bình, từ 35,5 đến 55,4 là nguy hiểm cho người nhạy cảm. Chỉ số 55,5-150,4 mức nguy hiểm, từ 150,5 đến 250,4 là rất nguy hiểm, từ 250,5 trở lên là độc hại. Khi nồng độ bụi PM2.5 trong không khí ngoài trời tăng lên, không khí sẽ mờ đi và tầm nhìn bị giảm trông giống như sương mù.

Tiếp xúc với các hạt mịn có thể gây ra các ảnh hưởng sức khỏe ngắn hạn như mắt, mũi, họng và phổi, ho, hắt hơi, sổ mũi và khó thở. Nguyên nhân chính là do bụi PM 2.5 cộng với khí CO hay SO2, NO2 làm kích ứng niêm mạc, đồng thời cản trở hemoglobin kết hợp oxy khiến tế bào thiếu oxy, dẫn đến suy giảm chức năng phổi, làm nặng thêm tình trạng bệnh hen và bệnh tim.

Bụi siêu mịn khi tiếp xúc lâu dài gây gia tăng tỷ lệ viêm phế quản mạn tính, giảm chức năng phổi, tăng tỷ lệ tử vong do ung thư phổi và bệnh tim. Ước tính cứ PM2.5 tăng 10 µg/m3 thì số bệnh nhân cấp cứu vì bệnh cao huyết áp tăng 8%, các bệnh lý về tim mạch cũng tăng lên. Do đó, những người có vấn đề về hô hấp và tim, trẻ em và người già nhạy cảm với bụi bẩn cần đề phòng biến chứng.

Bụi PM2.5 còn được mệnh danh là “sát thủ âm thầm” bởi có thể thúc đẩy bệnh xơ gan và làm tăng nguy cơ mắc bệnh chuyển hóa, rối loạn chức năng gan. PM2.5 gây kháng insulin, viêm và tăng biến chứng bệnh tiểu đường. Bụi mịn còn tấn công vào phế nang, vượt qua vách ngăn khí – máu để đi vào hệ tuần hoàn và gây bệnh, ảnh hưởng đến hệ thống thần kinh.

Các bác sĩ khuyến cáo, để bảo vệ bản thân trước nguy hại của bụi siêu mịn, người lớn, trẻ em nên đeo khẩu trang khi ra đường, hạn chế lưu thông vào những lúc đường đông, tránh khu vực thường bị ô nhiễm như khu công nghiệp, đường cao tốc… Có thể dùng khẩu trang chống bụi có chỉ số KF80, 94 hoặc 99. Chỉ số càng cao, khẩu trang càng lọc được nhiều bụi siêu mịn.

Hạn chế đeo kính áp tròng bởi các hạt bụi có thể kẹt giữa con ngươi và mắt kính, từ đó làm hỏng giác mạc. Nên rửa tay khi về nhà, uống đủ nước. Bạn cũng có thể dùng dung dịch nước muối để làm sạch mũi.

Lựa chọn sống nơi thoáng nhất có thể, nhiều cây xanh càng tốt và bảo vệ cơ thể trước khi ra đường. Những người làm việc trong môi trường có nguy cơ cao nhiễm ô nhiễm nặng như hầm mỏ, đan dệt, xi măng cán thép, các cửa hàng xăng-dầu…cần có bảo hộ lao động đúng tiêu chuẩn.

Kết hợp tập luyện thể dục, thể thao nâng cao sức khỏe, cải thiện sức đề kháng đồng thời xây dựng chế độ ăn đầy đủ bao gồm trái cây, rau quả chứa nhiều vitamin, chất khoáng và protein từ thịt, cá, trứng sữa… vào bữa ăn hàng ngày.

Kinh nghiệm từ Bắc Kinh

Thủ đô Bắc Kinh của Trung Quốc từng ở tình cảnh giống như Hà Nội. Thậm chí, còn thê thảm hơn khi chất lượng không khí của Bắc Kinh luôn ở mức tồi tệ nhất trong nhiều năm. Tuy nhiên, điều này đã thay đổi thời gian gần đây.

“Tôi chưa từng thấy Bắc Kinh như thế này”, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron nói trong một chuyến thăm năm 2018. Sau đó không lâu, số liệu của tổ chức phi chính phủ Greenpeace East Asia chỉ ra rằng ấn tượng của ông Macron là có cơ sở.

Trong quý IV năm 2017 tại Bắc Kinh, nồng độ bụi mịn PM 2.5 – những hạt bụi nhỏ gấp 30 lần sợi tóc, bay trong không khí và ảnh hưởng xấu tới sức khỏe – thấp hơn 54% so với cùng kỳ năm 2016. Nồng độ PM 2.5 tại 26 thành phố dọc khu vực miền bắc Trung Quốc trong thời gian này cũng thấp hơn 1/3.

Theo Guardian, một báo cáo của Liên Hợp Quốc, ghi nhận trong 4 năm, lượng sulphur dioxide trong không khí ở Bắc Kinh giảm 70% và ô nhiễm bụi mịn giảm 36%. Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho biết trong giai đoạn 2013 – 2016, mức độ ô nhiễm bụi mịn ở 62 thành phố Trung Quốc giảm trung bình 30%.

Giới chức Bắc Kinh xây dựng các kế hoạch hành động bao gồm mục tiêu cụ thể như hạn chế tổng số phương tiện đi lại ở thành phố này xuống còn 6 triệu vào cuối năm 2017, giảm 80% lượng tiêu thụ than đá vào năm 2020 và đáp ứng nồng độ bụi mịn PM 2.5 trung bình hàng năm vào năm 2017.

Thông tin trên Danviet cho biết: Năm 2017, hạn ngạch cho các phương tiện mới được cố định ở mức 150.000 ô tô, trong đó có 60.000 chiếc là xe tiết kiệm nhiên liệu. Năm 2018, hạn ngạch này giảm xuống còn 100.000 mỗi năm.

Bên cạnh đó, một kế hoạch áp đặt giới hạn toàn quốc về việc dùng than đá và phân chia mức sử dụng giữa các tỉnh cũng được đưa ra. Bắc Kinh phải giảm 50% lượng than đá tiêu thụ trong giai đoạn 2013 – 2018. Các biện pháp này giúp cắt giảm hơn 1/4 lượng bụi mịn PM 2.5 ở Bắc Kinh trong giai đoạn 2012-2013 và năm 2016.

Việc sử dụng nhiên liệu thân thiện với môi trường và loại bỏ các phương tiện cũ cũng góp phần làm giảm ô nhiễm không khí. Năm 2017, Trung Quốc còn đưa ra một chương trình đầu tư trị giá 2,5 tỷ USD để giảm ô nhiễm không khí.

Giới chức 26 thành phố miền bắc Trung Quốc, trong đó có Bắc Kinh, còn áp đặt kiểm soát đầu ra với các nhà máy luyện thép và nhôm. Họ cấm vô thời hạn các dự án xây dựng lớn để giảm khói bụi từ sản xuất xi măng và các xe tải chạy dầu. Cơ quan Bảo vệ Môi trường mới được thành lập, với quyền lực thực thi cứng rắn tại Bắc Kinh và các khu vực lân cận.

Theo đánh giá của The Economist, các biện pháp kiểm soát của chính phủ Trung Quốc có hiệu quả nhất khi quốc gia này chuyển mục tiêu từ phát triển công nghiệp nặng sang dịch vụ, giai đoạn 2013-2016.

Theo Khánh Ly/moitruong.com.vn (18/9/2019)