Thường xuyên cảm thấy đau đầu, chóng mặt, ho, khó thở, tức ngực,… là những dấu hiệu cho thấy cơ thể bạn đang lên tiếng vì ảnh hưởng của không khí bị ô nhiễm.

Dưới đây là 5 dấu hiệu cho thấy cơ thể bạn đang báo động với không khí bị ô nhiễm.

Đau đầu, chóng mặt: Nguyên nhân của triệu chứng này là do lượng lớn CO2 gây cản trở việc nuôi dưỡng oxy khắp cơ thể. Nhân viên văn phòng là nhóm người đầu tiên gặp phải tình trạng này. Tạp chí Scientific American kết luận, những người làm việc trong nhà có nguy cơ tiếp xúc với ô nhiễm không khí nhiều gấp 10 lần bên ngoài. Các nhà khoa học lý giải, phân tử ozone di chuyển và phản ứng hóa học với các vật liệu trong văn phòng, tạo ra các hóa chất độc hại như formaldehyd và các chất kích thích khác. Theo tạp chí The Lancet, mỗi năm có tới 800.000 người chết do chất lượng không khí kém ở nơi làm việc của họ.

Ho và hen suyễn: London Air đưa ra kết luận, khi hít phải không khí bị ô nhiễm, cơ thể sẽ xuất hiện những cơn ho kéo dài vì tế bào phổi bị bao quanh bởi những hạt bụi mịn, vật chất ô nhiễm. Riêng đối với những người có vấn đề về phổi và hô hấp, người bệnh sẽ tiết ra chất nhầy nhiều hơn, gây nên hiện tượng viêm xoang, hen suyễn. Đây cũng là triệu chứng dễ nhìn thấy ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ khi bị không khí ô nhiễm tấn công.

Khó thở, tức ngực: Theo Quỹ Phổi Anh, nếu trực tiếp tiếp xúc với không khí ô nhiễm (như đi trên đường nhiều khói bụi hoặc khu vực ô nhiễm nặng), nhóm người bị ảnh hưởng đầu tiên và rõ rệt nhất là những bệnh nhân có sẵn bệnh lý về hô hấp. Người bệnh sẽ thấy khó thở, kèm theo tức nặng ngực. Nguyên nhân là vì các hạt bụi mịn xâm nhập và nằm bên trong phổi. Sau đó chúng xuyên qua hàng rào hô hấp, tấn công hệ thống máu gây gia tăng nguy cơ mắc bệnh về tim mạch, hô hấp và ung thư phổi. PGS.TS.BS Vũ Văn Giáp – Tổng thư ký Hội Hô hấp Việt Nam, Phó giám đốc Trung tâm Hô hấp, Bệnh viện Bạch Mai cảnh báo khoảng 30% bệnh nhân tử vong do ung thư phổi có liên quan đến ô nhiễm không khí. Con số này chiếm khoảng 25% với bệnh lý về tim mạch và đột quỵ.

Đau, mỏi mắt: Bộ Y tế Singapore nhấn mạnh, ngay cả những người khỏe mạnh khi tiếp xúc với ô nhiễm không khí trong thời gian ngắn cũng có những dấu hiệu như đau, mỏi mắt, dị ứng, chảy nước mũi, ngứa cổ. Bởi trong không khí chứa các hạt vật chất siêu mịn (PM), sulfur dioxide, ozone, nito dioxide và carbon monoxide bám vào các thành tế bào, gây nên hiện tượng kích ứng. Thông thường, các triệu chứng này sẽ kéo dài từ 1-3 ngày. Tuy nhiên, đây chính là dấu hiệu cảnh báo cơ thể bạn đang ở trong vùng không khí ô nhiễm nặng, nếu tiếp xúc lâu có thể dẫn tới suy tim, phổi tắc nghẽn mạn tính.

Rụng tóc, hói đầu: Theo một nghiên cứu của nhóm tác giả Hàn Quốc, Independent dẫn lại, việc tiếp xúc với các chất ô nhiễm phổ biến khiến lượng protein giúp tóc phát triển giảm đi đáng kể. Cụ thể, các hạt bụi mịn PM10 và diesel khiến hàm lượng beta-catenin trong cơ thể bị triệt tiêu. Đây là một loại protein thúc đẩy, duy trì sự mọc tóc.

Hướng dẫn cách bảo vệ sức khỏe khi ô nhiễm không khí

Trước tình trạng ô nhiễm không khí, chúng ta nên tự bảo vệ sức khỏe của bản thân bằng cách đeo khẩu trang, kính mắt, áo chống nắng khi ra khỏi nhà. Với những ngày mức ô nhiễm cao, nên hạn chế các hoạt động ngoài trời của trẻ nhỏ; Vệ sinh mũi, mắt mỗi tối; Hạn chế cho trẻ nhỏ ra đường, sử dụng máy lọc không khí trong nhà và giữ ấm cổ, mũi, họng. Tập thể dục thường xuyên và bổ sung đủ 4 nhóm chất cần thiết, đặc biệt rau xanh, trái cây để tăng cường sức đề kháng từ bên trong.

Để bảo vệ sức khỏe khi ô nhiễm môi trường, cụ thể là tránh khói từ các phương tiện giao thông, bụi từ các công trình xây dựng hoặc các mùi hắc khó chịu, bác sĩ khuyến cáo người dân:

Cập nhật thông tin chất lượng không khí từ các nguồn tin cậy để chủ động phòng ngừa, bảo vệ sức khỏe khi ô nhiễm môi trường;

Từ bỏ và tránh xa khói thuốc lá;

Đeo khẩu trang đạt tiêu chuẩn chất lượng cản bụi mịn do cơ quan chức năng chứng nhận, ôm kín tối ưu gương mặt, có gọng mũi và van thở lọc 1 chiều khi ra đường (không phải khẩu trang y tế thông thường);

Thường xuyên vệ sinh phòng ở và nhà cửa, dọn dẹp thông thoáng môi trường sống;

Hạn chế đốt vàng mã, đốt nhang quá nhiều vào các dịp lễ;

Người dân ngoại thành không nên đốt rơm rạ khiến bầu không khí thêm ngột ngạt và ô nhiễm nặng nề hơn;

Chuyển sang sử dụng nhiên liệu sạch (bếp điện, bếp từ) để đun nấu, thay thế bếp than tổ ong;

Tắt máy xe khi dừng đèn đỏ;

Nhắc nhở các phương tiện giao thông hoặc công trình xây dựng phát thải nhiều khói bụi nhưng không che chắn kỹ;

Trồng thêm cây xanh góp phần bảo vệ môi trường trong lành;

Đặc biệt, bệnh nhân có vấn đề về hô hấp không nên ra ngoài vào thời điểm không khí bị ô nhiễm nặng nếu không thật sự cần thiết. Người bệnh hen và phổi tắc nghẽn mạn tính cần phải tuân thủ và duy trì uống thuốc hàng ngày theo chỉ định của bác sĩ nhằm bảo vệ sức khỏe khi ô nhiễm môi trường không khí. Nếu các dấu hiệu khó chịu trở nặng thì nên yêu cầu bác sĩ kê toa tăng liều thuốc giãn phế quản. Khi phát hiện triệu chứng đợt cấp, khó thở thì cần liên lạc ngay với nhân viên y tế để được hỗ trợ, hướng dẫn giải pháp khắc phục và cấp cứu, tránh gây nguy hiểm tính mạng vì ảnh hưởng của ô nhiễm không khí.

Theo Khánh Ly/moitruong.com.vn/Zing/Vinmec (2/11/2019)