Đông trùng hạ thảo là một loại dược liệu quý đắt đỏ, được biết đến như một “thần dược” tuy nhiên sản phẩm này không có khả năng điều trị ung thư người tiêu dùng không nên tin tưởng.

Các quảng cáo đông trùng hạ thảo là “tiên dược” chữa bách bệnh, nhất là các bệnh nan y như ung thư, viêm phổi, trị liệt dương, tăng cường sinh lực… Mức giá quá cao cũng khiến sản phẩm này càng được thổi phồng về tác dụng.

Nấm đông trùng hạ thảo được tin rằng có nhiều lợi ích sức khỏe tiềm năng và đã được sử dụng trong y học truyền thống Á Đông để cải thiện sức khỏe tổng thể và tăng cường sức đề kháng. Tuy nhiên, theo ThS. Nguyễn Thị Ngọc Hạnh- Giảng viên Khoa Y – Đại học Quốc tế Hồng Bàng, các nghiên cứu về tác dụng của loài nấm này hiện chỉ giới hạn trên động vật hoặc phòng thí nghiệm và vẫn chưa thể đưa ra kết luận về tác động của chúng trên con người. Các hoạt tính cho trong loại lược liệu này có cấu trúc phức tạp và hoạt tính chuyển hóa không ổn định, cơ chế kháng ung thư cũng chưa rõ ràng. Điều này khiến việc công nhận đông trùng hạ thảo là vị thuốc gặp nhiều rào cản.


Chưa có bằng chứng khoa học nào cho thấy đông trùng hạ thảo có thể chữa ung thư. Ảnh minh họa

Polysaccharide cũng là một hoạt chất có cấu trúc phức tạp và khó tan, việc nghiên cứu và phát triển thuốc từ chúng gặp nhiều khó khăn về cấu trúc. Mặc dù có nhiều báo cáo ghi nhận về hoạt tính kháng ung thư của đông trùng hạ thảo trên tế bào và chuột. Nhưng tính đến tháng 08/2023, hiệu quả của loại dược liệu này đối với ung thư ở con người vẫn chưa được chứng minh.

Hiện tại, chỉ có hai nghiên cứu lâm sàng sử dụng đông trùng hạ thảo trên ung thư nhưng cả hai đều chưa có kết quả. Nghiên cứu đầu tiên tại Trung Quốc đã buộc phải dừng sau khi thử nghiệm trên 9 người mà không công bố kết quả cũng như nguyên nhân đình chỉ nghiên cứu. Nghiên cứu thứ hai dự kiến hoàn thành vào tháng 09/2022, nhưng đã trôi qua hơn 1 năm mà chưa có thông tin cập nhật. Vì vậy, tới thời điểm hiện tại, không có đủ bằng chứng để xác minh tác dụng của đông trùng hạ thảo đối với ung thư ở con người.

Nói tới sản phẩm này, BS Nguyễn Xuân Hướng, nguyên chủ tịch Hội Đông y Việt Nam cho biết, ông đã xem kỹ loại đông trùng hạ thảo tinh chế quảng cáo chữa bách bệnh, khi dùng thì thấy chủ yếu là nước cam thảo và tinh dầu, uống 20 lọ cũng chẳng có tác dụng gì. Thực trạng đông trùng hạ thảo giả không chỉ ở các sản phẩm tinh chế mà ngay cả loại nguyên con cũng bị làm giả một cách tinh vi.

Thực tế không thể có nhiều đông trùng hạ thảo như vậy, đông trùng hạ thảo chỉ sinh trưởng ở những nơi cao hơn so với mặt nước biển 3.000 – 5.000m, nhiệt độ thấp, nơi đó phải thiếu oxy và quanh năm tuyết phủ (vùng cao nguyên Tây Tạng, Trung Quốc) thì trùng thảo mới có giá trị. Còn nếu nuôi trồng ở vùng khác thì không có tác dụng hoặc ít tác dụng, do quá trình sinh trưởng của đông trùng hạ thảo rất đặc biệt. Nó được phát triển từ loại côn trùng gọi là ngài dơi, khi mùa đông thì ấu trùng của con ngài dơi này chui vào trong đất để trú đông.

Một số ấu trùng bị nhiễm khuẩn trong đất chết, các vi khuẩn phát triển trong cơ thể của ấu trùng chuyển thành một loại khuẩn dạng tơ quấn đầy cơ thể của côn trùng. Đến mùa hè, từ đầu của ấu trùng mọc ra một cây giống như cỏ trồi lên mặt đất. Do đó, giá đông trùng hạ thảo rất đắt, nếu là hàng thật lên đến cả vài trăm triệu đồng/lạng.

Lương y Vũ Quốc Trung, Hội Đông y Việt Nam, cho biết đông trùng hạ thảo là loại dược liệu quý nên giá rất đắt. Những loại chiết xuất đang được rao bán trên thị trường có thể sử dụng phụ phẩm (đông trùng hạ thảo chưa đến tuổi, bị teo tóp, kém chất lượng) để sản xuất thành sản phẩm dạng viên, nước uống… Thực chất giá trị của các sản phẩm này như thế nào chưa ai nghiên cứu.

Một số tác dụng phụ khi sử dụng đông trùng hạ thảo

ThS. Nguyễn Thị Ngọc Hạnh- Giảng viên Khoa Y – Đại học Quốc tế Hồng Bàng thông tin, việc sử dụng đông trùng hạ thảo có thể gây ra một số tác dụng phụ như đau bụng, buồn nôn và khô miệng. Mặc dù đã được chứng minh là có khả năng kháng một số dòng ung thư trên tế bào và chuột. Nhưng theo WebMD – nhà cung cấp dịch vụ thông tin y tế của Mỹ đã khuyến nghị rằng, không nên sử dụng loại dược liệu này cho phụ nữ mang thai và cho con bú, người có vấn đề đông máu và bệnh nhân ung thư, vì hiện chưa rõ chúng có an toàn với những đối tượng này hay không.

WebMD cũng nêu thêm, đông trùng hạ thảo có thể tương tác với các loại thuốc như warfarin và các thuốc ức chế miễn dịch. Nó cũng sẽ làm tăng nguy cơ chảy máu cũng như tác dụng phụ khi sử dụng với thuốc đái tháo đường. Ngoài ra, sử dụng đông trùng hạ thảo còn có thể làm tăng sinh tế bào hồng cầu, gây hại đối với trường hợp ung thư máu.

Hiện nay trên thị trường có nhiều loại đông trùng hạ thảo khác nhau, với giá cả đa dạng. Loại được ghi lại trong y văn cổ là đông trùng hạ thảo tự nhiên từ cao nguyên Tây Tạng có giá cực đắt. Trong khi các loại nuôi trồng với nấm Cordycep thay thế có giá rẻ hơn nhưng lại không có đảm bảo sẽ có đủ hoạt tính quý giá như được mô tả trong sách cổ hoặc nghiên cứu chính thống.

Tóm lại, đông trùng hạ thảo chưa có đủ bằng chứng để xác minh tác dụng chống ung thư ở con người và nhiều loại không đảm bảo chất lượng. Việc sử dụng cần thận trọng và nên tham khảo tư vấn với bác sĩ trước khi quyết định sử dụng.

An Dương (T/h)
https://vietq.vn/dong-trung-ha-thao-co-chua-duoc-ung-thu-nhu-loi-don-d214086.html