Hiện nay, nhất là vào những ngày mưa gió, trời nồm tủ sấy quần áo chính là sản phẩm được chị em lưa chọn nhưng thị trường có rất nhiều loại để chon được sản phẩm chất lượng, ưng ý không phải dễ.

Tủ sấy quần áo là một thiết bị gia dụng được sử dụng để làm khô quần áo sau quá trình giặt. Đây là một sản phẩm tiện ích, thường có kiểu dáng tương tự tủ đựng quần áo, được trang bị các tính năng và công nghệ đặc biệt giúp nhanh chóng làm khô quần áo một cách hiệu quả.

Nguyên lý hoạt động của tủ sấy quần áo dựa vào nguyên lý đối lưu nhiệt. Khi tủ sấy quần áo hoạt động, nó tạo ra luồng không khí nóng và đẩy không khí này vào lồng giặt chứa quần áo. Trong quá trình này, nhiệt độ của không khí tăng lên và tác động lên quần áo, làm cho nước trong quần áo chuyển từ trạng thái lỏng sang hơi, sau đó hơi ẩm sẽ được tiết hợp ra ngoài tủ thông qua ống thoát. Không khí đã thải ra ngoài tủ sau khi hấp thụ độ ẩm sẽ được làm mát để giảm độ ẩm và đưa vào lồng giặt tiếp theo. Quá trình này diễn ra lặp lại đến khi quần áo trong tủ đạt độ khô mong muốn.

Nguyên lý đối lưu nhiệt trong tủ sấy quần áo giúp tăng tốc quá trình làm khô quần áo một cách hiệu quả và nhanh chóng, đồng thời giữ cho quần áo không bị tổn hại bởi ánh nắng mặt trời hay các yếu tố môi trường bên ngoài. Chính nhũng ưu điểm này nên trong những năm gần đây tủ sấy quần áo trở thành một thiết bị hữu ích giúp tiết kiệm thời gian và công sức trong việc chăm sóc và làm khô quần áo hàng ngày của gia đình. Xong trên thị trường có rất nhiều loại cũng cần cân nhắc tới nhiều yếu tố trong việc lựa chọn mới đảm bảo chất lượng bền lâu.


Mua tủ sấy quần áo cũng cần lưu ý để tránh mua phải sản phẩm kém chất lượng, không phù hợp với mục đích sử dụng. Ảnh minh họa

Lưu ý tới chất liệu

Chất liệu của tủ sấy quần áo quan trọng để đảm bảo độ bền và hiệu suất hoạt động. Tuy nhiên, đa số các mẫu đều được cấu thành từ các khung kim loại vô cùng chắc chắn không cần phải sợ tủ bị đổ. Phần vỏ bọc thường được làm từ nhựa, có chức năng giữ nhiệt bên trong tủ và không cho thoát ra bên ngoài. Mô tơ sấy là phần quan trọng của tủ, giúp tạo ra hơi sấy để làm khô quần áo. Do đó khi mua cần lựa chọn chất liệu sao cho sử dụng được bền lâu.

Công suất

Các loại tủ sấy quần áo hiện nay thường có công suất dao động trong khoảng 1800 – 5000W, tùy vào số lượng áo quần mà có thời gian sấy khác nhau. Nếu sấy nhiều thì mức tiêu tốn điện năng cao. Để giúp tiết kiệm điện hiệu quả nên chọn máy có công suất phù hợp, chỉ nên sử dụng khi cần thiết và tận dụng ánh nắng mặt trời để phơi khô quần áo.

Dung tích

Đa số các hãng đều thiết kế tủ với nhiều dung tích khác nhau để phù hợp với mọi gia đình. Nếu nhà bạn có 2 – 3 người, hãy chọn tủ sấy có có dung tích khoảng 6 – 7 kg. Trường hợp gia đình đông thành viên hãy chọn sản phẩm từ 10 kg trở lên.

Tính năng đi kèm

Tủ sấy áo quần thông thường chỉ có chức năng chính là sấy quần áo. Tuy nhiên, để có thể đáp ứng yêu cầu của người dùng, một số hãng đã trang bị thêm các tính năng như:

Điều khiển từ xa: Tủ sấy quần áo trang bị remote điều khiển từ xa có thể tùy chỉnh các chức năng hay nhiệt độ từ xa mà không cần đến gần thiết bị.

Tùy chọn công suất: Tủ sấy trang bị đa dạng các mức công suất hay mức nhiệt khác nhau giúp tùy chỉnh linh hoạt phù hợp nhu cầu sử dụng, chất liệu áo quần.

Hẹn giờ sấy: Đây là tính năng tiện dụng, tiện lợi đối với người bận rộn. Người tiêu dùng chỉ cần cài đặt thời gian thích hợp, đến khoảng thời gian cài đặt thì thiết bị sẽ tự động vận hành.

Bánh xe: Phía dưới tủ sấy được trang bị 4 bánh xe chắc chắn có tính linh hoạt cao, giúp di chuyển tiện lợi bất kỳ đâu nhanh chóng và nhẹ nhàng, mang đến những trải nghiệm tốt hơn khi sử dụng.

Diện tích không gian

Trước khi chọn lựa tủ sấy quần áo cho gia đình, bạn hãy tính toán trước diện tích nơi mà bạn đặt tủ. Mặc dù thiết bị có thể tháo lắp cất gọn rất tiện lợi, nhưng nếu bạn là người thường xuyên sử dụng thì điều này khá tốn thời gian.

Bên cạnh đó, bạn không nên để sản phẩm ngoài trời, ban công hay sân thượng vì sẽ làm hư hỏng tủ. Thay vào đó, bạn nên đặt tủ ở nơi thoáng mát, khô ráo, tránh ánh nắng trực tiếp của mặt trời và không đặt ở nơi ẩm ướt để đảm bảo tủ có độ bền cao, hoạt động hiệu quả hơn.

Giá thành

Nếu đang muốn sở hữu một thiết bị chỉ để làm khô quần áo thì tủ sấy là lựa chọn vô cùng hợp lý. Các sản phẩm này có mức giá vô cùng phải chăng, phù hợp với mọi túi tiền của người dùng, dao động khoảng 1.3 – 3 triệu đồng. Đối với các loại tủ sấy vuông sẽ có mức giá cao hơn so với tủ sấy tròn, nhưng bù lại khối lượng sấy cũng sẽ lớn hơn. Hãy cân nhắc thật kỹ và đưa ra lựa chọn phù hợp với mức chi tiêu của gia đình.

Những lưu ý khi sử dụng máy sấy quần áo

Tuy không phải là đồ gia dụng quá phổ biến do giá cả và chi phí lớn, ở Việt Nam hầu như chỉ cần dùng vào mùa mưa ẩm, nhưng nếu có một chiếc máy sấy, hãy lưu ý những lời khuyên sau đây để đảm bảo quần áo được sấy một cách tốt nhất cũng như tiết kiệm điện năng:

Chỉ cho quần áo đã được giặt sạch và vắt khô vào máy sấy. Quần áo càng ướt thì thời gian sấy càng lâu rất tốn điện. Bỏ quần áo vào đủ khối lượng cho phép theo công suất của máy sấy, thường khoảng 2/3 lồng máy, không nên chỉ sấy ít một sẽ rất lãng phí điện năng. Tuy nhiên cũng không để máy sấy bị quá tải, nhét đầy lồng máy. Lượng quần áo quá nhiều so với công suất của máy cũng sẽ tốn năng lượng, hơn nữa quần áo cần có không gian để được sấy khô nhanh hơn và giảm nhăn.

Rũ rời từng chiếc quần áo khi lấy ra khỏi máy giặt để bỏ vào máy sấy, việc này sẽ giúp quần áo đỡ bị nhăn và đồng thời giảm thời gian sấy khô. Chú ý không cho quần áo có chi tiết kim loại vào máy sấy bởi chúng có thể rơi ra và làm hỏng máy sấy. Không sấy những loại vải mềm mỏng như màn cửa, vải len, tơ, ny-lon không thấm nước, những đồ có kích thước to như áo khoác có mũ trùm đầu, chăn,….

Trước khi đưa quần áo vào máy sấy cần kiểm tra và lấy hết những vật có trong túi, những vật như kẹp, bút mực, đinh và kim… bởi những vật này có thể làm hư hóng máy sấy và quần áo. Đặc biệt, các loại vải bông rất nhạy cảm với nhiệt độ nên chỉ sấy ở chế độ gió, không nên sấy ở chế độ nhiệt độ cao. Lưu ý, nếu quần áo có dính dầu mỡ mà đưa vào máy sấy có thể gây cháy.

Dùng giấy thơm ủ sấy quần áo cho vào máy sấy cùng với quần áo, mỗi tờ dùng cho khoảng 10-12 bộ quần áo. Giấy này không những giúp làm mềm và thơm quần áo mà còn giúp giảm tĩnh điện trong quần áo, nếu không lúc gấp quần áo có thể bạn sẽ cảm thấy như bị điện giật nhẹ.

Máy sấy có từng chế độ theo từng chu kỳ với chức năng hẹn giờ sấy trong 30, 60, 120, 180 phút phù hợp với khối lượng và chất liệu vải. Chọn chế độ sấy phù hợp với quần áo, phân loại quần áo ngay từ khâu giặt, sau đó đưa vào máy sấy. Chất liệu quần áo khác nhau sẽ cần được sấy khác nhau.

Nên dùng nhiệt độ cao cho quần jean, khăn tắm, khăn vải nặng khác; nhiệt độ trung bình cho các vật liệu tổng hợp như polyester; và nhiệt độ thấp cho các món đồ như đồ lót, vải lông mềm. Không cho thêm quần áo ướt vào máy đang sấy dở quần áo, điều này sẽ khiến ẩm kế trong máy không đo được chính xác độ ẩm, quần áo có thể bị ẩm hoặc quá khô. Nhớ luôn đóng cửa máy sấy trong suốt quá trình sấy, mỗi khi mở cửa không khí nóng sẽ thoát ra và máy sẽ cần thêm thời gian để hoàn thành chu trình sấy.

Không sấy quần áo quá khô (nhiệt độ quá cao và thời gian dài), vừa hại quần áo vừa tốn điện, khiến quần áo bị nhăn. Khi sấy quá lâu, hơi nóng từ nhiệt độ cao làm giảm hơi ẩm trên quần áo, khiến cho quần áo bị co rút lại, nhất là với các loại vải cotton. Sấy càng khô thì đồ có độ nhăn càng cao, nên nếu không cần thiết, nên sấy ở chế độ thấp.

Nếu có thể sắp xếp thời gian để là/ủi quần áo ngay sau khi sấy nên chọn thời gian sấy ít hơn. Khi đó quần áo vẫn còn hơi ẩm sẽ dễ là/ủi hơn, lại tiết kiệm điện. Một điểm cần lưu ý nữa là cần vệ sinh lưới lọc bông vải thường xuyên, đây cũng là cách giúp tránh lãng phí thời gian sấy và tiết kiệm điện năng tiêu thụ.

EC công bố các quy tắc dán nhãn năng lượng và thiết kế sinh thái mới cho máy sấy quần áo

Mới đây, EC đã công bố các quy tắc thiết kế sinh thái mới của Liên minh châu Âu nhằm giảm mức tiêu thụ năng lượng của máy sấy quần áo gia đình và giúp cho việc sửa chữa chúng trở nên dễ dàng hơn. Các quy định mới thay thế thiết kế sinh thái hiện tại sẽ kèm theo nhãn năng lượng mới áp dụng cho máy sấy quần áo gia dụng được đưa ra thị trường từ ngày 1 tháng 7 năm 2025.

Những nhãn dán năng lượng đã được hiện đại hóa và điều chỉnh lại quy mô từ phạm vi A+++ đến D thành phạm vi từ A đến G. Ảnh theo: European Commission

Tính đến những phát triển công nghệ mới nhất trên thị trường hiện nay, những máy sấy quần áo dựa trên công nghệ bơm nhiệt mới được cấp phép bán trên thị trường. Ngoài ra, những nhãn dán năng lượng đã được hiện đại hóa và điều chỉnh lại quy mô từ phạm vi A+++ đến D thành phạm vi từ A đến G.

Cụ thể, đối với hạng A sẽ được áp dụng cho những sản phẩm tốt nhất, tạo động lực cho các nhà sản xuất phát triển các thiết bị có hiệu suất cao và tiết kiệm năng lượng.

Đến năm 2040, các biện pháp được công bố dự kiến sẽ giúp tiết kiệm năng lượng tích lũy và phát thải khí nhà kính lần lượt được ước tính khoảng 15 TWh và 1,7 triệu tấn CO2 tương đương. Con số này có thể được so sánh với mức sử dụng điện hàng năm của khoảng 2,6 triệu xe điện. Hiệu quả năng lượng được cải thiện nhờ các biện pháp mới có khả năng tiết kiệm khoảng 2,8 tỷ euro cho người tiêu dùng.

Các quy định mới sẽ được tuân theo sự tham vấn và giám sát rộng rãi của Nghị viện Châu Âu và Hội đồng Bộ trưởng các nước thuộc Liên minh châu Âu.

Ngọc Nga (T/h)
https://vietq.vn/cach-chon-tu-say-quan-ao-dam-bao-chat-luong-phu-hop-nhu-cau-khi-mua-gio-nom-ams19-d218159.html