Đèn sưởi nhà tắm là một sản phẩm được sử dụng phổ biến hiện nay. Tuy nhiên khi lựa chọn và sử dụng sản phẩm này sao cho an toàn, tiết kiệm điện thì cần lưu ý, nhất là tới công suất của sản phẩm.

Vào mùa lạnh, đèn sưởi nhà tắm giúp vấn đề sinh hoạt và sức khỏe của các thành viên trong gia đình được cải thiện rất nhiều. Các loại đèn sưởi đều có khả năng sinh nhiệt cao, làm ấm nhanh. Đồng thời, đèn còn có thiết kế gọn đẹp, dễ tháo lắp, làm ấm hiệu quả, giá thành hợp lý, nên được nhiều người lựa chọn. Tuy nhiên khi lựa chọn và sử dụng sản phẩm này sao cho an toàn cũng cần lưu ý để tránh những tai nạn đáng tiếc.

Trong quá trình chọn mua đèn sưởi nhà tắm thì công suất là yếu tố quan trọng cần xem xét bởi điều này ảnh hưởng trực tiếp đến khả năng tiêu thụ điện và sưởi ấm. Công suất đèn sưởi nhà tắm thường dao động từ khoảng 500W đến 2.000W, tùy vào loại và kích thước của đèn sưởi. Cụ thể, đối với đèn sưởi 2 bóng thì công suất phổ biến nhất thường rơi vào khoảng 550W, trong khi đèn sưởi 3 bóng sẽ có công suất khoảng 825W.

Đèn sưởi công suất thấp (500W – 800W) thường được sử dụng cho các phòng tắm nhỏ hoặc cần sưởi ấm nhẹ nhàng. Trong khi đó, công suất cao hơn (1.000W – 2.000W) thường được dùng cho những phòng tắm lớn và cần sưởi ấm mạnh hơn. Việc lựa chọn công suất phù hợp cho đèn sưởi nhà tắm cũng phụ thuộc vào khả năng cách nhiệt và kích thước của phòng tắm, cũng như độ ẩm trong không gian.

Lựa chọn và sử dụng đèn sưởi nhà tắm cần lưu ý tới công suất. Ảnh minh họa

Khi chọn đèn sưởi nhà tắm dựa trên công suất cần xem xét một số yếu tố quan trọng để đảm bảo rằng đèn sưởi bạn chọn phù hợp với nhu cầu sử dụng và tiết kiệm điện năng.

Kích thước không gian sẽ ảnh hưởng đến lượng nhiệt cần thiết để làm ấm không gian đó. Người tiêu dùng cần nắm được diện tích sử dụng của nhà tắm thông qua việc đo kích thước chiều dài, chiều rộng và chiều cao của không gian. Từ những thông số này, hãy tính toán thể tích của nhà tắm để hiểu rõ kích thước tổng thể và xác định mình cần một chiếc đèn sưởi công suất bao nhiêu.

Nếu chỉ cần sưởi ấm sau khi tắm xong thì đèn sưởi có công suất thấp từ 500W đến 800W có thể phù hợp. Trong trường hợp muốn sưởi ấm không gian lớn hơn hoặc cần nhiệt độ cao hơn, có thể cân nhắc đèn sưởi có công suất cao hơn từ 1.000W đến 1.500W.

Hãy kiểm tra cấu trúc và thiết kế không gian nhà tắm. Nếu có nhiều cửa sổ hoặc khe hở thì nhiệt lượng sẽ bị thất thoát nhanh chóng, vì vậy nhu cầu sưởi ấm có thể cao hơn. Bên cạnh đó, nhớ đánh giá khả năng chịu tải điện của hệ thống điện trong nhà tắm để đảm bảo rằng bạn không chọn đèn sưởi có công suất vượt quá giới hạn.

Một quy tắc đơn giản giúp tính toán công suất cần thiết đó là sử dụng 10W cho mỗi mét vuông của không gian cần sưởi. Ví dụ, nếu không gian nhà tắm có diện tích 5 mét vuông thì công suất đèn sưởi cần thiết là khoảng 50W đến 80W.

Dựa trên các chỉ tiêu nói trên hãy lựa chọn đèn sưởi có công suất tương ứng. Nếu không tìm thấy thiết bị có chỉ số đúng như tính toán, hãy chọn những sản phẩm có công suất gần nhất với nhu cầu sử dụng để tránh lãng phí điện năng. Mỗi loại đèn sưởi đều có ưu điểm và hạn chế riêng cần xem xét nhu cầu cũng như điều kiện cụ thể của nhà tắm để lựa chọn loại đèn sưởi phù hợp nhất cho không gian của mình.

Nếu quan tâm đến chi phí sử dụng điện nên tìm kiếm các đèn sưởi nhà tắm có tính năng tiết kiệm năng lượng như hẹn giờ hoặc cảm biến nhiệt tự động điều chỉnh công suất.

Đảm bảo thiết bị sưởi có các tính năng an toàn như cơ chế tự ngắt điện khi bị có sự cố xảy ra hoặc lắp đặt lưới bảo vệ để tránh gây bỏng. Ngoài ra, cần đảm bảo rằng đèn sưởi được thiết kế chống thấm vì nhà tắm là nơi có nhiều tiếp xúc với nước. Lưu ý đến việc lắp đặt đèn sưởi ở vị trí phù hợp, tránh đặt gần các vật dụng dễ cháy, chất dễ cháy hoặc tiếp xúc trực tiếp với nước.

Để đảm bảo an toàn, mỗi lần bật đèn không nên để quá 15 phút. Trong lúc tắm có thể tắt đèn sưởi vì không gian phòng lúc này đã ấm hơn và cơ thể cũng đã thích nghi được với nhiệt độ. Trong quá trình tắm nên chú ý không đứng quá gần đèn sưởi để tránh nước bắn vào đèn, làm giảm độ nóng.

Vệ sinh đèn ít nhất hai lần một năm, trước mùa lạnh và sau mùa lạnh để đảm bảo đèn sưởi hoạt động tốt, không bị bụi bẩn bám vào. Một số đèn sưởi tắm có tính năng tự ngắt khi nhiệt độ tăng cao, đảm bảo an toàn cho người sử dụng.

Đặc biệt khi lắp đặt vị trí đèn sưởi nhà tắm cần lựa chọn khoảng cách an toàn dao động từ 1.8 mét tới 2 mét tính từ nền nhà đến vị trí lắp đèn. Đèn sưởi nhà tắm hiện nay thường dùng bóng đèn hồng ngoại làm bóng sưởi, chiếu tới đâu sẽ làm ấm tới đó. Vì vậy, khoảng cách này được xem là khá lý tưởng để ánh sáng của đèn chiếu thẳng vào khu vực tắm, tạo hơi ấm vừa đủ và thoải mái, an toàn với người dùng.

Dù được thiết kế với khả năng chống nước nhất định, tuy nhiên khi lựa chọn vị trí lắp đèn sưởi nhà tắm vẫn nên lưu ý tránh để nước tiếp xúc với đèn để tránh ảnh hưởng đến khả năng tỏa nhiệt của bóng đèn và kéo dài tuổi thọ thiết bị. Lưu ý rằng đường dây điện và khu vực cắm điện cũng cần được giữ khô ráo, tránh nước bắn vào nhằm đảm bảo an toàan về điện trong môi trường nhà tắm.

Tại sao cần chứng nhận hợp quy thiết bị điện, điện tử?

Theo quy định của Bộ Khoa học và Công nghệ, các nhà sản xuất, nhập khẩu thiết bị điện, điện tử thuộc danh mục bắt buộc Chứng nhận hợp quy và Công bố hợp quy phải tiến hành các thủ tục cần thiết để Chứng nhận sản phẩm phù hợp với Quy chuẩn quốc gia về an toàn điện QCVN 4:2009/BKHCN và Sửa đổi 1:2016 QCVN 4:2009/BKHCN.

Trên cơ sở giấy Chứng nhận hợp quy, doanh nghiệp sản xuất thiết bị điện và điện tử cần tiếp tục làm thủ tục đăng ký bản công bố hợp quy tại Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng nơi doanh nghiệp đăng k‎ý kinh doanh trước khi đưa sản phẩm ra lưu thông trên thị trường theo quy định tại Thông tư số 28/2012/TT-BKHCN. Doanh nghiệp nhập khẩu thiết bị điện và điện tử sau khi được chứng nhận hợp quy phải đăng ký kiểm tra chất lượng tại Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng theo quy định tại Thông tư số 27/2012/TT-BKHCN.

Ngọc Nga (T/h)
https://vietq.vn/cach-chon-den-suoi-nha-tam-dua-tren-cong-suat-d215761.html