Bộ Công Thương đang xin ý kiến Dự thảo Thông tư quy định về việc bổ sung chất chỉ thị màu vào cồn công nghiệp không dùng trong thực phẩm để phân biệt với cồn thực phẩm (sau đây gọi tắt là Dự thảo).

Về sự cần thiết ban hành Thông tư, theo Bộ Công Thương, xuất phát từ thực tiễn có nhiều vụ ngộ độc khi sử dụng rượu tự pha chế từ cồn không đảm bảo chất lượng, Khoản 3 Điều 20 Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia quy định: “Bộ Công Thương, Bộ Y tế, trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, hướng dẫn việc bổ sung chất chỉ thị màu vào các sản phẩm cồn không dùng trong thực phẩm để phân biệt với cồn thực phẩm và phòng ngừa pha chế rượu từ sản phẩm cồn không được phép dùng trong thực phẩm”.

Để thực hiện quy định tại Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia và phòng ngừa việc sử dụng cồn công nghiệp không dùng được trong thực phẩm để pha chế đồ uống có cồn gây tổn hại đến sức khỏe con người, Cục Hóa chất được giao chủ trì xây dựng Dự thảo Thông tư quy định về việc bổ sung chất chỉ thị màu vào cồn công nghiệp không dùng trong thực phẩm để phân biệt với cồn thực phẩm.

Về mục đích, Thông tư này quy định việc bổ sung chất chỉ thị màu vào cồn công nghiệp không dùng trong thực phẩm để phân biệt với cồn thực phẩm và phòng ngừa pha chế rượu từ sản phẩm cồn không được phép dùng trong thực phẩm.

Quan điểm xây dựng dự thảo Thông tư nhằm đảm bảo phù hợp với quan điểm, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, tuân thủ quy định của Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia, Luật Hóa chất và sự phù hợp với hệ thống pháp luật hiện hành; Đảm bảo tính khả thi, phù hợp với điều kiện thực tế của các tổ chức, cá nhân thuộc đối tượng chịu tác động của chính sách; Đảm bảo phù hợp với chức năng quản lý nhà nước, sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan có liên quan.

Về phạm vi điều chỉnh, Thông tư này quy định về việc bổ sung chất chỉ thị màu vào cồn công nghiệp không dùng trong thực phẩm để phân biệt với cồn thực phẩm và phòng ngừa pha chế rượu từ sản phẩm cồn không được phép dùng trong thực phẩm.


Ảnh minh hoạ

Từ ngữ “cồn công nghiệp” trong Thông tư được giải thích tại khoản 1 Điều 3 của Dự thảo: “Cồn công nghiệp là hợp chất hữu cơ có công thức phân tử là C2H5OH và có tên khoa học là ethanol, được sử dụng trong lĩnh vực công nghiệp, có chứa tạp chất và các thành phần có hại, không đạt yêu cầu dùng trong thực phẩm theo quy định của QCVN 6-3:2010/BYT Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia đối với các sản phẩm đồ uống có cồn, có khả năng gây ngộ độc cấp tính”.

Các trường hợp không thuộc phạm vi điều chỉnh của Thông tư bao gồm trường hợp cồn công nghiệp không lưu thông trong thị trường nội địa và cồn công nghiệp thuộc các lĩnh vực đặc thù do các Bộ, ngành quản lý: a) Được sản xuất để xuất khẩu theo hợp đồng gia công hàng xuất khẩu hoặc hợp đồng sản xuất hàng để xuất khẩu; b) Được doanh nghiệp chế xuất, doanh nghiệp hoạt động trong khu chế xuất nhập khẩu làm nguyên liệu để sản xuất hàng xuất khẩu; c) Tạm nhập tái xuất, quá cảnh, chuyển khẩu, gửi kho ngoại quan; d) Được sử dụng để phục vụ mục đích an ninh, quốc phòng; đ) Được sử dụng để phục vụ mục đích thí nghiệm, nghiên cứu khoa học. Cồn sử dụng trong lĩnh vực y tế không thuộc phạm vi điều chỉnh của Thông tư này.

Quy định về việc bổ sung chất chỉ thị màu vào cồn công nghiệp

Khoản 3 Điều 20 Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia quy định: “Bộ Công Thương, Bộ Y tế, trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, hướng dẫn việc bổ sung chất chỉ thị màu vào các sản phẩm cồn không dùng trong thực phẩm để phân biệt với cồn thực phẩm và phòng ngừa pha chế rượu từ sản phẩm cồn không được phép dùng trong thực phẩm.”

Nhằm tổng hợp ý kiến để xây dựng quy định bổ sung chất chỉ thị màu để nhận biết cồn không được phép sử dụng trong bảo quản, chế biến thực phẩm, ngày 24 tháng 11 năm 2021, Cục Hóa chất đã tổ chức Hội thảo trực tuyến với sự tham gia của các nhà khoa học và đại diện doanh nghiệp xuất nhập khẩu cồn công nghiệp lớn tại Việt Nam. Hầu hết ý kiến của các chuyên gia và doanh nghiệp cho rằng giải pháp bổ sung chất chỉ thị màu vào sản phẩm cồn không dùng trong thực phẩm có nhiều hạn chế khi triển khai trong thực tế và có thể áp dụng các biện pháp khác để phân biệt cồn công nghiệp với cồn thực phẩm.

Về kỹ thuật, cồn được sử dụng rộng rãi, đa dạng trong nhiều loại hình công nghiệp với nhiều ứng dụng, mục đích, tham gia vào các quá trình công nghệ khác nhau, như: sản xuất nhiên liệu hoặc phụ gia xăng dầu, nhiên liệu sinh học; trong công nghiệp in, công nghiệp điện tử, dệt may; sử dụng làm chất dung môi chiết xuất, chiết tách, chưng cất các hợp chất thiên nhiên… Việc thêm chất chỉ thị màu sẽ làm thay đổi chất lượng, độ tinh khiết của cồn, chất chỉ thị màu có thể ảnh hưởng đến quá trình công nghệ, độ ổn định của dây chuyền sản xuất và chất lượng sản phẩm đầu ra, đặc biệt đối với các sản phẩm có yêu cầu độ tinh khiết cao như thực phẩm, dược phẩm… Chính vì lý do trên, nên hiện nay hầu như không có quốc gia nào pha chất chỉ thị màu vào cồn công nghiệp trừ những mục đích rất đặc biệt. Bên cạnh đó, quá trình phối trộn, bổ sung chất chỉ thị màu có thể phát sinh các nguy cơ rủi ro, mất an toàn hoặc dẫn đến cháy nổ.

Về kinh tế, cồn công nghiệp là hóa chất cơ bản có tính ứng dụng rộng rãi trong công nghiệp, năng lực sản xuất trong nước chưa đủ đáp ứng nhu cầu, lượng lớn cồn công nghiệp được sử dụng trong nước do các đơn vị nhập khẩu từ các nước khác nhau trên thế giới. Trên thị trường quốc tế, chỉ tiêu ngoại quan phổ biến đối với mặt hàng cồn công nghiệp là trong suốt, không phân lớp và không có tạp chất. Do đó quy định yêu cầu bổ sung chất chỉ thị màu vào các sản phẩm cồn không dùng trong thực phẩm để phân biệt với cồn thực phẩm gây khó khăn cho các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu cồn công nghiệp, phát sinh nhiều chi phí như xây dựng bồn bể riêng, xây dựng dây chuyền pha chất chỉ thị, chi phí nhân công… Như vậy, việc bổ sung chất chỉ thị màu sẽ làm tăng chi phí đầu vào và không phù hợp với thông lệ quốc tế.

Từ những lý do trên, để có ý kiến khách quan, đa chiều về vấn đề này, cơ quan soạn thảo đã xin ý kiến các cơ quan, tổ chức, cá nhân đối với 2 phương án: Phương án 1: Tổ chức, cá nhân nhập khẩu, sản xuất, kinh doanh, san chiết, đóng gói cồn công nghiệp có trách nhiệm bổ sung chất chỉ thị màu vào cồn công nghiệp để phân biệt với cồn thực phẩm và phòng ngừa pha chế rượu từ cồn công nghiệp không dùng trong thực phẩm trước khi đưa ra lưu thông trên thị trường;

Phương án 2: Tổ chức, cá nhân nhập khẩu, sản xuất, kinh doanh, san chiết, đóng gói cồn công nghiệp lựa chọn áp dụng một trong 03 biện pháp sau đây để phân biệt cồn công nghiệp với cồn thực phẩm: i) Bổ sung hình cảnh báo sản phẩm không được uống trên nhãn hoặc bao bì hàng hóa cồn công nghiệp; ii) Bổ sung chất chỉ thị màu vào cồn công nghiệp; iii) Bổ sung chất tạo mùi, vị vào cồn công nghiệp.

Từ các ý kiến góp ý, có thể thấy, theo quy định tại Khoản 3 Điều 20 Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia, việc bổ sung chất chỉ thị màu vào các sản phẩm cồn công nghiệp không dùng trong thực phẩm để phân biệt với cồn thực phẩm là bắt buộc. Tuy nhiên, việc bắt buộc bổ sung chất chỉ thị màu vào cồn công nghiệp sẽ có tác động rất lớn, gây khó khăn cho các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh và sử dụng cồn công nghiệp. Vì vậy, cần cân nhắc, giới hạn đối tượng cồn công nghiệp phải bổ sung chất chỉ thị màu.

Trên thực tế các vụ ngộ độc rượu hầu hết do pha chế rượu từ cồn mua tại các cửa hàng bán lẻ, tại đó, cồn công nghiệp được chứa trong các can, chai có dung tích nhỏ. Cồn công nghiệp chứa trong các bồn, tank, phuy… chủ yếu được vận chuyển từ cửa khẩu, nhà sản xuất hoặc kho chứa đến các cơ sở sử dụng để sản xuất ở quy mô công nghiệp hoặc pilot, do đó hầu như không được bày bán trên thị trường và ít dẫn đến nguy cơ nhầm lẫn với cồn thực phẩm để pha chế rượu.

Trên cơ sở đó, Dự thảo Thông tư quy định: Cồn công nghiệp chứa trong bao bì có dung tích nhỏ hơn hoặc bằng 50 lít phải được bổ sung chất chỉ thị màu để phân biệt với cồn thực phẩm nhằm phòng ngừa pha chế rượu từ cồn công nghiệp.

Để tạo điều kiện cho tổ chức, cá nhân linh hoạt lựa chọn chất chỉ thị màu phù hợp với điều kiện thực tế, mục đích sử dụng và yêu cầu của khách hàng, Dự thảo quy định các yêu cầu chung mà chất chỉ thị màu bổ sung vào cồn công nghiệp phải đáp ứng: Cồn công nghiệp sau khi bổ sung chất chỉ thị màu phải có màu sắc phân biệt được bằng mắt thường với cồn thực phẩm trong suốt quá trình lưu thông trên thị trường. Chất chỉ thị màu phải đảm bảo không xảy ra phản ứng hóa học với cồn công nghiệp và các chất khác trong hỗn hợp cồn công nghiệp, không gây phát sinh độc tố ảnh hưởng đến sức khỏe con người sau khi được bổ sung vào cồn công nghiệp.

Đối với trường hợp cồn công nghiệp đã bổ sung chất chỉ thị màu nhưng được pha loãng dẫn đến hàm lượng chất chỉ thị màu giảm, không phân biệt được với cồn thực phẩm, tổ chức, cá nhân thực hiện pha loãng có trách nhiệm bổ sung để tăng hàm lượng chất chỉ thị màu đã được bổ sung vào cồn công nghiệp.

Trách nhiệm của tố chức, cá nhân

Dự thảo Thông tư quy định các tổ chức, cá nhân đưa cồn thuộc trường hợp phải bổ sung chỉ thị màu vào lưu thông trên thị trường, bao gồm tổ chức, cá nhân nhập khẩu, sản xuất, kinh doanh, san chiết, đóng gói cồn công nghiệp có trách nhiệm bổ sung chất chỉ thị màu vào cồn công nghiệp trước khi đưa vào lưu thông trên thị trường.

Tổ chức, cá nhân thực hiện bổ sung chất chỉ thị màu vào cồn công nghiệp phải ghi rõ thông tin về chất chỉ thị màu được bổ sung trên nhãn cồn công nghiệp. Đối với tổ chức, cá nhân là nhà sản xuất, nhập khẩu phải ghi rõ thông tin về chất chỉ thị màu được bổ sung vào cồn công nghiệp trên Phiếu An toàn hóa chất. Tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính chính xác của thông tin nêu trên.

Để đảm bảo có biện pháp quản lý phù hợp đối với cồn công nghiệp chứa trong bao bì có dung tích lớn hơn 50 lít, Dự thảo Thông tư quy định tổ chức, cá nhân nhập khẩu, sản xuất, kinh doanh, san chiết, đóng gói cồn công nghiệp trong trường hợp này có trách nhiệm bổ sung Hình đồ cảnh báo sản phẩm không được uống trên nhãn và bao bì hàng hóa cồn công nghiệp theo hướng dẫn.

Dự thảo cũng quy định tổ chức, cá nhân không được sử dụng cồn công nghiệp đã bổ sung chất chỉ thị màu hoặc có Hình đồ cảnh báo sản phẩm không được uống trên nhãn và bao bì hàng hóa để sản xuất, pha chế rượu và đồ uống có cồn.

Phong Lâm
https://vietq.vn/quy-dinh-bo-sung-chat-chi-thi-mau-vao-con-cong-nghiep-khong-dung-trong-thuc-pham-d215735.html