17 C
Hanoi
Thứ hai, Tháng mười hai 23, 2024
More
    Home Blog Page 443

    Công nghệ GE giúp Việt Nam khai phá tiềm năng điện mặt trời

    0

    Song hành cùng bước tiến mạnh mẽ của Việt Nam trong phát triển năng lượng mặt trời, Tập đoàn General Electric (GE) Hoa Kỳ đang đưa ra những giải pháp công nghệ tân tiến giúp khai phá tiềm năng điện mặt trời.

    Thị trường nhiều triển vọng

    Kinh tế phát triển nhanh chóng khiến Việt Nam đứng trước sức ép về nhu cầu năng lượng tăng cao. Tuy còn phụ thuộc vào tài nguyên truyền thống như than, thủy điện và khí để đảm bảo an ninh năng lượng, Việt Nam đang hướng đến cơ cấu năng lượng cân bằng thông qua việc phát triển năng lượng tái tạo, về lâu dài, trong đó, năng lượng mặt trời đang trở thành xu hướng, nhất là khi chi phí công nghệ giảm mạnh và việc chuyển hướng sang sử dụng năng lượng tái tạo đang lan tỏa khắp thế giới.

    Việt Nam được đánh giá là nước có tài nguyên điện mặt trời lớn, tương đương với các nước trong khu vực có thị trường năng lượng mặt trời phát triển, như: Trung Quốc, Thái Lan, Philippines hay những thị trường trưởng thành như Ý và Tây Ban Nha. Tiềm năng về năng lượng mặt trời của Việt Nam tương đối lớn, với tổng số giờ chiếu sáng khoảng 1.600 – 2.700 giờ/năm và bức xạ mặt trời bình quân hàng năm đạt khoảng 4 – 5 kWh/m2/ngày.

    Quy hoạch Phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2011 – 2020 có xét đến năm 2030 (Quy hoạch điện VII) cũng xác định việc ưu tiên phát triển nguồn điện từ năng lượng mặt trời, sẽ nâng công suất lắp đặt tăng từ 6 – 7 MW cuối năm 2017 lên khoảng 850 MW vào năm 2020 và khoảng 12.000 MW vào năm 2030, tương đương với 1,6% và 3,3% tổng công suất nguồn điện.

    Việt Nam được đánh giá là nước có tài nguyên điện mặt trời lớn.

    Để đạt được mục tiêu này, Chính phủ Việt Nam đã ban hành một số chính sách ưu đãi nhằm khuyến khích đầu tư vào lĩnh vực năng lượng mặt trời.

    Tháng 4/2017, Chính phủ ban hành văn bản pháp lý đầu tiên về phát triển điện mặt trời tại Việt Nam (Quyết định 11/2017/QĐ-TTg) quy định giá mua điện là 9.35 UScent/kWh. Đến tháng 9/2017, Bộ Công Thương đã ban hành Thông tư 16/2017/TT-BCT hướng dẫn chi tiết các quy định về phát triển dự án và Hợp đồng mua bán điện mẫu áp dụng cho các dự án điện mặt trời tại Việt Nam. Việc ban hành giá mua điện mới và Hợp đồng mua bán điện mẫu đã tạo nền tảng pháp lý cho việc thu hút đầu tư tư nhân vào thị trường điện năng lượng mặt trời Việt Nam.

    Với cơ chế chính sách hỗ trợ, sự quan tâm của các nhà đầu tư vào thị trường điện mặt trời Việt Nam ngày càng lớn. Nhiều doanh nghiệp trong và ngoài nước đang hào hứng lên kế hoạch phát triển các dự án điện mặt trời tại Việt Nam. Bước tiếp theo là lựa chọn công nghệ phù hợp để hiện thực hóa các dự án năng lượng mặt trời.

    Nhờ hiệu quả và chi phí cạnh tranh, công nghệ 1,5 kV của GE được ứng dụng rộng rãi trên khắp thế giới, dần thay thế bộ tiêu chuẩn 1 kV.

    Lợi thế của công nghệ 1,5 kV

    Bộ nghịch lưu năng lượng (PV Inverter) là thiết bị biến đổi điện một chiều (DC) từ năng lượng mặt trời thành điện xoay chiều (AC) hòa trực tiếp với lưới điện quốc gia.

    GE đã tập trung cải tiến công nghệ của bộ nghịch lưu bằng việc tăng điện áp nhằm giúp sản xuất ra nhiều điện năng trên mỗi mét vuông hơn. Nhờ đó, các trang trại điện mặt trời có thể hoạt động hiệu quả trên diện tích đất nhỏ hơn, với yêu cầu đầu tư về cơ sở hạ tầng thấp hơn. Bộ nghịch lưu công nghệ 1 kV được sử dụng khá phổ biến một vài năm trước đang dần được thay thế bởi bộ tiêu chuẩn 1,5 kV do GE sản xuất và ra mắt lần đầu vào năm 2012.

    Khi kết hợp với tấm pin năng lượng mặt trời công suất 330 Wp, bộ nghịch lưu 1,5 kV giúp giảm 3% chi phí hệ thống và 15% chi phí hoạt động. Nhờ hiệu quả và chi phí cạnh tranh, công nghệ 1,5 kV của GE được ứng dụng rộng rãi trên khắp thế giới, dần thay thế bộ tiêu chuẩn 1 kV. Những dự án đầu tiên ứng dụng công nghệ 1,5 kV ở các quốc gia châu Á như Nhật Bản và Ấn Độ. Hiện nay, các nhà đầu tư sử dụng công nghệ 1,5 kV trong phát triển điện năng lượng mặt trời nhằm giảm chi phí và tăng lợi tức đầu tư.

    Cùng với những tiến bộ phần cứng trong sản xuất điện mặt trời, cơ hội ngày càng mở rộng trong thế giới Internet kết nối vạn vật (IoT) được dự báo sẽ có khoảng 50 USD tài sản kết nối vào Internet đến năm 2020.

    Tri thức và kết quả phân tích dữ liệu lớn trong thời gian thực sẽ định hình năng suất và hiệu năng mặt trời trong tương lai, như tự động hóa và tối ưu bảo trì dự đoán, giám sát tất cả các phần cứng trong nhà máy năng lượng mặt trời. Từ đó giúp giảm chi phí, giảm thời gian mất điện, tăng hiệu suất hoạt động. Đây chính là lợi thế, bởi vì trong ngành này chỉ cần thay một bộ phận bị hư sẽ kéo theo nhiều ngày trì trệ, giảm sản lượng điện.

    Việc thiếu dữ liệu và khả năng khai thác dữ liệu thông minh khiến các dự án năng lượng mặt trời giảm lợi nhuận. Ví dụ, dự án lên kế hoạch dự phòng 5% vốn đầu tư, nhưng chi vượt 8% doanh thu cho hợp đồng cung cấp dịch vụ bảo trì và vận hành (O&M) do thiếu dữ liệu hoặc giảm 1% đến 3% doanh thu do hụt mất một kWh sản xuất điện. Với hiệu quả tăng và chi phí giảm, số hóa đang làm thay đổi ngành công nghiệp năng lượng mặt trời, tiếp tục củng cố vị thế của năng lượng mặt trời trong thị trường năng lượng toàn cầu.

    Thị trường điện mặt trời phát triển nhanh chóng đi kèm với sự phức tạp của các nhà máy do quy mô ngày càng lớn và thách thức về sự ổn định của lưới điện. Các nhà khai thác, chủ sở hữu, nhà đầu tư và nhà phát triển dự án đang tìm cách để giảm thiểu rủi ro và đem lại lợi nhuận cao nhất.

    Đó là lý do vì sao ngành năng lượng mặt trời đang phát triển các hệ thống tích hợp và đây cũng là cách tiếp cận chính của GE đối với toàn bộ hệ sinh thái nhà máy điện nối lưới.

    Hiện nay, GE đang làm việc với khách hàng để đưa ra các giải pháp chìa khóa trao tay tối ưu cho dự án, từ các tấm pin năng lượng mặt trời đến trạm biến áp HV, bao gồm các tấm pin PV, bộ nghịch lưu, hệ thống cân bằng, hệ thống giám sát điều khiển SCADA, tuân thủ tiêu chuẩn kết nối lưới điện và kết nối trạm biến áp. GE cũng làm việc với các công ty trong nước để cung cấp hợp đồng tổng thầu EPC hoàn thiện cho các dự án năng lượng mặt trời tại Việt Nam. GE còn cung cấp thêm dịch vụ dịch vụ kỹ thuật số linh hoạt cho phép đảm bảo hiệu suất lâu dài.

    Cơ hội mới đang mở ra

    Tương tự như Việt Nam, Dubai thuộc Tiểu vương quốc Ả Rập Thống Nhất là một trong những nơi phát triển điện năng lượng mặt trời hiệu quả nhất, với nguồn ánh sáng năng lượng mặt trời dồi dào. GE đang giúp Cơ quan Nước và Năng lượng Dubai xây dựng nhà máy điện năng lượng mặt trời khổng lồ tại sa mạc Dubai.

    Nhà máy Mohammed bin Rashid Al Maktoum Solar Park được phát triển với 3 giai đoạn, dự kiến hoàn thành vào năm 2030. Đây là dự án lớn nhất trong vùng, với sản lượng điện lên đến 5.000 MW. Giai đoạn II của Dự án sử dụng công nghệ của GE cho sản lượng điện lên đến 200 MW, đủ chiếu sáng cho hơn 30.000 hộ dân và giảm 250.000 tấn CO2 mỗi năm.

    Tuy nhiên, nhiệt độ môi trường xung quanh tại Dubai có thể lên đến 50 độ C. Đây là trở ngại cho các kỹ sư thiết kế sản phẩm chịu được điều kiện khắc nghiệt như vậy. Với thế mạnh của mình, GE đã nghiên cứu và cho ra đời bộ nghịch lưu hoạt động hiệu quả trong môi trường nhiệt độ cao.

    Bộ nghịch lưu 1,5 kV còn cho phép nhà máy điện mặt trời thiết kế đơn giản hơn, yêu cầu về cơ sở hạ tầng thấp hơn so với các nhà máy ứng dụng công nghệ 1 kV. Nhờ vậy, nhà máy mặt trời giai đoạn ba sử dụng bộ nghịch lưu tiên tiến của GE dự kiến sẽ sản xuất điện với mức giá 2,99 cent/kWh, vượt qua các loại nhiên liệu truyền thống, trở thành năng lượng rẻ nhất ở Dubai.

    Với công nghệ mặt trời tiên tiến và đáng tin cậy, GE đang giúp Dubai mở rộng năng lượng mặt trời hướng đến cơ cấu năng lượng cân bằng. GE cũng cam kết đưa công nghệ mới nhất và các giải pháp hay nhất để thúc đẩy thị trường năng lượng mặt trời Việt Nam trong thời gian sắp tới.

    Theo nangluongvietnam.vn

    Công trình Xanh hướng tới tối ưu hóa năng lượng

    Sử dụng năng lượng tại Việt Nam tăng nhanh hơn các nước trong khu vực, với mức tiêu thụ nhiều nhất trong lĩnh vực điện. Nhiều chuyên gia dự báo nhu cầu vẫn chưa tính đủ, có nguy cơ thiếu năng lượng. Vì thế, việc xuất hiện những tòa nhà Xanh, Công trình Xanh trở nên cực kỳ bức thiết.

    Theo kết quả khảo sát tại các thành phố lớn của Trung tâm Nghiên cứu và phát triển về tiết kiệm năng lượng cho biết, các công trình ở Việt Nam đang ngày càng tiêu thụ nhiều năng lượng hơn và chiếm tỷ trọng lớn hơn trong tổng mức tiêu thụ năng lượng quốc gia.

    Trung bình mỗi năm, Việt Nam có thêm khoảng 80 đến 90 triệu m2 sàn công trình mới. Trong đó, khu vực công trình thương mại, khách sạn, văn phòng có mức độ tăng nhanh cả về số lượng và quy mô. Nếu như năm 2003, lĩnh vực công trình dân dụng chỉ chiếm khoảng 22,4% tổng mức tiêu thụ năng lượng của quốc gia thì đến nay, con số này cũng đã tới gần 40%.

    Thống kê đối với các văn phòng tại Hà Nội, cơ cấu năng lượng sử dụng bao gồm 34% điều hòa không khí, 18% chiếu sáng, 17% trang thiết bị điện, 15% thang máy phụ trợ, 7% sưởi, 3% nước nóng, 6% quạt, nhiệt thải và bơm.

    Trong một ngôi nhà, các thiết bị tiêu thụ năng lượng nhiều nhất là hệ thống chiếu sáng, hệ thống điều hòa không khí và hệ thống nước nóng. Bởi vậy, thiết kế để tiết kiệm năng lượng, giảm thiểu sử dụng năng lượng là một trong những yếu tố đang được nhiều công trình chú trọng. Trong đó, bắt đầu từ khâu thiết kế, vật liệu và công nghệ đóng vai trò quan trọng để nâng cao hiệu quả sử dụng và tiết kiệm năng lượng cho công trình.


    Tòa nhà City House ở khu thương mại trung tâm của Singapore được thiết kế theo hướng tiết kiệm năng lượng. Ảnh: Eco-business

    Được biết, Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia các công trình xây dựng do Bộ Xây dựng ban hành cuối tháng 9/2013 bao gồm các yêu cầu, chỉ số kỹ thuật áp dụng đối với: Lớp vỏ công trình, ngoại trừ lớp vỏ của các không gian làm kho chứa hoặc nhà kho không sử dụng điều hoà; Trang thiết bị trong công trình bao gồm (Hệ thống chiếu sáng nội thất; hệ thống thông gió và điều hoà không khí; Thiết bị đun nước nóng; thiết bị quản lý năng lượng; thang máy và thang cuốn…) mà tổ chức, cá nhân phải tuân thủ khi thiết kế, xây dựng mới hoặc cải tạo các công trình dân dụng (như văn phòng, khách sạn, bệnh viện, trường học, thương mại, dịch vụ, chung cư) có tổng diện tích sàn từ 2500 m2 trở lên. Quy chuẩn này hướng đến sử dụng năng lượng hiệu quả trong công trình xây dựng và phát triển Kiến trúc Xanh tại Việt Nam.

    Dưới đây là một số giải pháp giúp hướng đến sử dụng năng lượng hiệu quả:

    Tiết kiệm năng lượng cho điều hòa

    Để giảm áp lực cho hệ thống điều hòa, nhiều tòa nhà cao ốc hiện nay cho lắp đặt hệ thống cửa ra vào đóng mở tự động và quạt cắt gió để ngăn chặn sự xâm nhập của không khí bên ngoài. Bên cạnh đó, các khu vực cửa kính được dán chống nóng và lắp rèm chắn nắng. Phía bên ngoài tòa nhà được lắp đặt mái chắn bằng thép. Hệ thống mái chắn này giúp lấy được ánh sáng vào buổi sáng và tạo bóng tâm chắn nắng vào buổi chiều.

    Tiết kiệm năng lượng cho chiếu sáng

    Hầu hết các tòa nhà đều có thiết kế hệ thống đèn chiếu sáng tại khu vực sảnh, quầy hàng, biển quảng cáo và trong các phòng chiếu. Ngoài ra, các bóng đèn cũ đã được thay bằng bóng Led, bóng Compact để tiết kiệm điện. Cũng có một số công trình tòa nhà đã thiết kế nhiều giếng trời để lấy ánh sáng, tận dụng tối đa nguồn ánh sáng tự nhiên, giảm thiểu sử dụng đèn.

    Thay thế hệ thống nước nóng

    Một trong những phương án tiết kiệm năng lượng trong các tòa nhà hiện nay là sử dụng năng lượng mặt trời. Được biết, các tấm pin quang điện với công suất 110 kWp được lắp đặt trên một mái nhà có thể đáp ứng được 10% tổng lượng điện tiêu thụ.

    Nhiều công trình còn đặt ra tiêu chí tự sản xuất năng lượng cho chính nó, nhiều hơn năng lượng mà công trình đó đang sử dụng. Một trong các cách mà các công trình đang lựa chọn là sử dụng tấm pin năng lượng mặt trời.

    Theo Reatimes.vn

    Mẹo dùng bình nóng lạnh thoải mái vẫn tiết kiệm tiền điện

    Làm thế nào để gia đình bạn thoải mái sử dụng nước nóng vào mùa đông mà tiền điện vẫn không hề “tăng vọt”?

    Để có thể tiết kiệm được tối đa tiền điện mỗi tháng, bạn phải chú ý một số nguyên tắc sau đây khi chọn và dùng bình nóng lạnh hiệu quả, an toàn.

    1. Chỉ bật khi có nhu cầu

    Chúng ta thường hay quên tắt bình nóng lạnh sau khi sử dụng xong hoặc thậm chí bật 24/24 để đỡ tốn thời gian, nhưng điều này sẽ gây nguy hiểm và khiến điện dễ dàng rò rỉ do hoạt động quá tải, tiêu tốn nhiều điện năng. Tốt nhất bạn chỉ nên bật bình trước 10 – 15 phút khi có nhu cầu dùng nước nóng và nhớ ngắt điện khi sử dụng để đảm bảo an toàn.

    Tốt nhất bạn chỉ nên bật bình trước 10 – 15 phút khi có nhu cầu dùng nước nóng và nhớ ngắt điện khi sử dụng để đảm bảo an toàn.

    2. Lựa chọn dung tích bình phù hợp

    Bình nóng lạnh có dung tích càng lớn thì sẽ hao tổn càng nhiều điện năng. Nếu gia đình bạn chỉ có 2 – 4 người thì nên lắp loại 20 lít là vừa đủ. Nhiều bà nội trợ “nhắm mắt chọn bừa” hẳn bình nóng lạnh 50 lít để dùng thả ga không sợ hết nước nóng gây lãng phí điện năng, nhiệt năng mà không dùng hết nước.

    Bạn nên chú ý tới những loại bình có thiết bị quấn bông bảo ôn (có tác dụng như thùng xốp giữ nhiệt) để đỡ thất thoát nhiệt ra ngoài môi trường trong quá trình sử dụng, giữ nóng lâu hơn.

    3. Hạ nhiệt độ làm nóng nước

    Bạn thường hay vặn nhiệt độ đến mức tối đa để nước được nóng nhanh. Tuy nhiên, sự thật là khi bạn giảm đi 5 độ C bạn có thể tiết kiệm được 3 đến 5% tiền điện bình nóng lạnh hao tốn hàng tháng.

    4. Chọn thương hiệu uy tín, chất lượng

    Sản phẩm có thương hiệu uy tín sẽ được áp dụng nhiều công nghệ hiện đại giúp tiết kiệm điện. Không nên chọn mua lại các bình nóng lạnh quá cũ cũng như thương hiệu trôi nổi trên thị trường, vừa tốn nhiều tiền điện lại ẩn chứa rất nhiều nguy hiểm.

    Trong quá trình sử dụng bình nóng lạnh nên thường xuyên vệ sinh, bảo trì.

    5. Sửa chữa rò rỉ kịp thời

    Rò rỉ ở bình nóng lạnh sẽ gây ra nhiều nguy cơ cho tính mạng con người, khiến hoá đơn tiền điện dễ tăng vọt. Mỗi một vết rò rỉ trung bình cứ một giây sẽ làm lãng phí một giọt nước, điều này xảy ra sẽ ngốn của bạn vài chục nghìn mỗi tháng, cứ dần dần 1 năm thì con số cũng khá lớn bởi 1 giọt/giây tức 1 phút lãng phí 60 giọt, tính ra 1 ngày sẽ mất 8,64 lít nước, vậy 1 năm sẽ là con số 3.153 lít. Chính vì thế, trong quá trình sử dụng bình nóng lạnh nên thường xuyên vệ sinh, bảo trì, nếu thấy có hiện tượng rò điện cần tìm cách khắc phục ngay.

    Theo Giadinh.net.vn

    Đánh giá SXSH là gì?

    Đánh giá sản xuất sạch hơn là tiếp cận có hệ thống để kiểm tra quá trình sản xuất hiện tại và xác định các cơ hội cải thiện quá trình đó hoặc sản phẩm.

    Đánh giá SXSH là các hoạt động được tiến hành nhằm xác định các khả năng có thể mang lại hiệu quả cho cơ sở sản xuất; được thực hiện bởi bản thân doanh nghiệp hoặc do cơ quan tư vấn hỗ trợ. Việc đánh giá SXSH thường tập trung vào trả lời các câu hỏi:

    Đánh giá SXSH là các hoạt động được tiến hành nhằm xác định các khả năng có thể mang lại hiệu quả cho cơ sở sản xuất.

    • Các chất thải và phát thải ở đâu sinh ra?
    • Các chất thải và phát thải phát sinh do nguyên nhân nào?
    • Giảm thiểu và loại bỏ các chất thải và phát thải trong doanh nghiệp như thế nào?

    Quá trình đánh giá SXSH được chia thành sáu bước là:

    1. Khởi động;
    2. Phân tích các công đoạn sản xuất;
    3. Phát triển các cơ hội SXSH;
    4. Lựa chọn các giải pháp SXSH;
    5. Thực hiện các giải pháp SXSH;
    6. Duy trì SXSH.

    Sáu bước này phân ra thành 18 nhiệm vụ, cụ thể như sau:

    Bước 1: Khởi động
    Nhiệm vụ 1: Thành lập nhóm SXSH
    Nhiệm vụ 2: Liệt kê các bước công nghệ và xác định lại định mức
    Nhiệm vụ 3: Xác định và lựa chọn công đoạn gây lãng phí nhất

    Bước 2: Phân tích các công đoạn sản xuất
    Nhiệm vụ 4: Xây dựng sơ đồ công nghệ cho phần trọng tâm kiểm toán
    Nhiệm vụ 5: Cân bằng vật liệu/năng lượng
    Nhiệm vụ 6: Xác định cho phí cho dòng thải
    Nhiệm vụ 7: Phân tích nguyên nhân

    Bước 3: Phát triển các cơ hội SXSH
    Nhiệm vụ 8: Xây dựng các cơ hội SXSH
    Nhiệm vụ 9: Lựa chọn các cơ hội khả thi nhất

    Bước 4: Lựa chọn các giải pháp SXSH
    Nhiệm vụ 10: Đánh giá khả thi về kỹ thật
    Nhiệm vụ 11: Đánh giá khả thi về kinh tế
    Nhiệm vụ 12: Đánh giá về môi trường
    Nhiệm vụ 13: Lựa chọn giải pháp để thực hiện

    Bước 5: Thực hiện các giải pháp SXSH
    Nhiệm vụ 14: Chẩn bị thực hiện
    Nhiệm vụ 15: Thực hiện các giải SXSH
    Nhiệm vụ 16: Quan trắc và đánh giá kết quả

    Bước 6: Duy trì SXSH
    Nhiệm vụ 17: Duy trì các giải pháp SXSH
    Nhiệm vụ 18: Lựa chọn công đoạn tiếp theo cho trọng tâm đánh giá SXSH

    Theo VNCPC

    Tiết kiệm điện hiệu quả nơi công sở chỉ từ những hành động nhỏ

    Mỗi nhân viên văn phòng, hằng ngày chỉ cần lưu ý đến những việc làm nhỏ dưới đây là đã giúp tiết kiệm đáng kể trong việc sử dụng năng lượng.

    1. Sử dụng máy điều hòa hợp lý

    Các cơ quan, công sở nên chọn loại máy điều hòa có công suất sử dụng phù hợp với diện tích căn phòng.

    Khi lắp đặt, nên đặt dàn nóng nơi thông thoáng, không nên đặt dụng cụ phát nhiệt gần máy điều hòa và không nên đặt dàn nóng quá xa dàn lạnh.

    Khi sử dụng, nên tắt máy điều hòa 30 phút trước khi hết giờ làm việc, nên đặt nhiệt độ làm mát từ 25 độ C trở lên. Lưu ý chế độ bảo dưỡng định kỳ từ ba đến sáu tháng/lần.

    Các cơ quan, công sở nên chọn loại máy điều hòa có công suất sử dụng phù hợp với diện tích căn phòng.

    2. Tắt các thiết bị điện khi không sử dụng

    Đối với máy vi tính, trước khi ra về, bạn phải nhớ tắt máy vi tính hoặc khi không cần sử dụng.

    Đối với máy in, máy photocopy, cần chọn máy có sông suất theo nhu cầu sử dụng và là loại máy có tính năng tiết kiệm điện. Khi sử dụng, bạn cần lưu ý không vận hành liên tục quá hai giờ, gây nóng máy quá mức dẫn đến chất lượng bản in không tốt, vừa tiêu tốn nhiều điện năng.

    Đối với máy vi tính, trước khi ra về, bạn phải nhớ tắt máy vi tính hoặc khi không cần sử dụng.

    Đối với máy scan, bạn nên chọn máy có độ phân giải phù hợp với nhu cầu sử dụng.

    3. Mở cửa sổ để tận dụng ánh sáng tự nhiên

    Bạn nên tận dụng ánh sáng tự nhiên để chiếu sáng cho văn phòng bằng cách mở cửa sổ, như vậy sẽ giúp tiết kiệm điện năng. Bạn cũng nên tắt bớt đèn phù hợp với số người sử dụng trong phòng, đồng thời sử dụng đèn tiết kiệm điện như đèn LED.

    Theo Tietkiemnangluong.com.vn

    Mô hình cảng biển xanh trên thế giới và đề xuất giải pháp tại Việt Nam

    0

    Xây dựng cảng xanh theo mô hình cân bằng giữa sự biến động môi trường và nhu cầu phát triển kinh tế đang là xu hướng chiến lược trong sự phát triển cảng biển trên thế giới.

    Cảng xanh là cảng khai thác tập trung phát triển dựa trên tiêu chí về tăng trưởng kinh tế xanh theo một kế hoạch dài hạn, đáp ứng được những nhu cầu hiện tại và tương lai. Do vậy, xây dựng hệ thống cảng xanh tại Việt Nam theo hướng thân thiện với môi trường không những đáp ứng được yêu cầu BVMT mà còn giúp các cảng biển hội nhập với quốc tế.

    Cảng xanh là cảng khai thác tập trung phát triển dựa trên tiêu chí về tăng trưởng kinh tế xanh theo một kế hoạch dài hạn, đáp ứng được những nhu cầu hiện tại và tương lai.

    ​Một số mô hình cảng xanh trên thế giới

    Tại châu Âu

    Mô hình cảng sinh thái (Ecoport) được xây dựng và quản lý bởi Tổ chức cảng biển châu Âu (ESPO). Các cảng biển được công nhận là “Cảng sinh thái” thì phải đáp ứng các tiêu chí do ESPO đưa ra, trong đó môi trường là tiêu chí quan trọng nhất. Hiện tại có nhiều cảng của châu Âu đã gia nhập Hội Cảng sinh thái (Ecoports) và được cấp giấy chứng nhận “Ecoport” hợp lệ. Việc cấp giấy chứng nhận đã khẳng định, các chương trình quản lý môi trường phù hợp với yêu cầu theo quy định của Ecoport, nhằm hài hòa mối quan hệ giữa phát triển kinh tế và BVMT, tiết kiệm năng lượng, bảo tồn tài nguyên, hướng đến sự phát triển bền vững các cảng.

    Trong 15 năm qua, Ecoports tập trung phát triển và sàng lọc các công cụ (bao gồm phương pháp tự chẩn đoán (SDM), hệ thống đánh giá môi trường cảng (PERS)) để hỗ trợ công tác quản lý môi trường.

    Ở Mỹ

    Long Beach là một trong các cảng biển hàng đầu của nước Mỹ. Đây cũng là cảng tiên phong trong lĩnh vực vận chuyển hàng hóa và BVMT trên thế giới, với tổng giá trị hàng hóa mỗi năm ước tính đạt hơn 100 tỷ đô la Mỹ. Cảng Long Beach đã áp dụng chính sách cảng xanh, qua đó góp phần giảm thiểu và loại bỏ tác động tiêu cực đến môi trường và phát triển các chương trình sáng kiến môi trường. Mục tiêu chính của chính sách cảng xanh gồm: Bảo vệ cộng đồng khỏi các tác động tiêu cực từ môi trường do quá trình khai thác cảng phát sinh; Quy định rõ vai trò của cảng như là một nhà lãnh đạo trong lĩnh vực quản lý và hòa hợp môi trường; Đẩy mạnh tính bền vững; Sử dụng công nghệ tiên tiến để chống lại hoặc làm giảm các tác động tiêu cực tới môi trường…

    Đề xuất giải pháp cảng xanh tại Việt Nam

    Với những đặc thù của hoạt động cảng biển, hiện trạng hoạt động và các quy định của pháp luật đối với cảng biển, nên việc xây dựng tiêu chí về cảng sinh thái cho cảng biển Việt Nam chủ yếu tập trung vào các tiêu chí về môi trường, phòng ngừa và ứng phó sự cố môi trường, những yêu cầu về sử dụng năng lượng sẽ được lồng ghép vào các tiêu chí khác. Tiêu chuẩn cảng xanh cho các cảng biển Việt Nam sẽ giúp xây dựng bộ máy quản lý môi trường một cách chuyên nghiệp, đồng bộ, nâng cao ý thức về BVMT cho đơn vị quản lý cảng biển; các cảng biển tuân thủ quy định về BVMT của pháp luật Việt Nam và công ước quốc tế; các cảng có thể gia nhập Hiệp hội cảng biển sinh thái trong khu vực và trên thế giới, nâng cao hình ảnh cảng biển Việt Nam.

    Để thực hiện cam kết và kế hoạch quản lý môi trường, năng lượng, các cảng biển cần xây dựng bộ máy quản lý môi trường, năng lượng, chủ yếu sử dụng nhân lực kiêm nhiệm có liên quan, hạn chế sử dụng cán bộ chuyên trách. Các cảng phải hoàn thiện đầy đủ hồ sơ pháp lý về quản lý môi trường và năng lượng theo quy định hiện hành của pháp luật, quy định của địa phương, ngành. Đồng thời, các cảng biển sẽ xác định vấn đề môi trường cần được cải thiện để mang lại hiệu quả cao. Các giải pháp này cần được sắp xếp theo thứ tự ưu tiên thực hiện, phụ thuộc vào vấn đề cần được cải thiện, nguồn lực đáp ứng của cảng.

    Cùng với đó, tuyên truyền, đào tạo nâng cao nhận thức cho cán bộ công nhân viên của cảng về chính sách và kế hoạch quản lý môi trường, năng lượng. Ban quản lý môi trường và năng lượng sẽ là đầu mối tiếp nhận những đóng góp của mọi đối tượng về vấn đề BVMT, sử dụng năng lượng của cảng.

    Cảng Lạch Huyện sẽ là mô hình cảng xanh thí điểm đầu tiên tại Việt Nam

    Theo Cảng vụ Hàng hải Hải Phòng năm 2014, mô hình hệ thống cảng biển hiện tại không đáp ứng được nhu cầu vận chuyển hàng hóa trong thời kỳ hội nhập thương mại quốc tế. Vì vậy, Hải Phòng cần có một khu vực cảng biển mới, ứng dụng kỹ thuật tiên tiến trên thế giới trong công tác quản lý, vận hành và cân bằng giữa mục tiêu phát triển kinh tế với BVMT. Do đó, Cảng cửa ngõ quốc tế Hải Phòng (cảng Lạch Huyện) sẽ được xây dựng mô hình thí điểm cảng xanh.

    Để xây dựng cảng Lạch Huyện theo tiêu chí xanh, trước hết cần kiểm soát về khói, bụi tại cảng bằng việc đẩy mạnh áp dụng khoa học kỹ thuật, hạn chế các phương tiện lạc hậu vận chuyển hàng hóa, khuyến khích các tàu áp dụng công nghệ mới đến cảng. Đồng thời, phải xây dựng kế hoạch quản lý nguồn nước tổng thể tại cảng và sử dụng hệ thống giám sát nguồn nước; kiểm soát nước thải để tránh ô nhiễm môi trường; ứng dụng khoa học kỹ thuật để xác định mẫu nước dằn tàu; xây dựng các cơ sở tiếp nhận rác thải, tổ chức thu dọn rác thải hàng ngày khi tàu cập cảng…

    Theo Tapchimoitruong.vn

    Ngành dệt may: Triển khai sản xuất sạch hơn nhằm tăng sức cạnh tranh

    0

    Trong những năm qua, cùng với sự phát triển của xã hội, ngành Dệt may (NDM) gia tăng nhanh chóng sản lượng sản xuất. Đây là ngành thu hút một lượng lớn lao động, khoảng hơn 2,5 triệu, với hơn 5.000 doanh nghiệp (DN). Tuy nhiên, sự phát triển của NDM cũng kéo theo các hệ lụy về ô nhiễm môi trường.

    Để nâng cao năng lực sản xuất và giảm thiểu chất thải, tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên, NDM đã áp dụng các giải pháp sản xuất sạch hơn (SXSH), nhằm thay đổi mô hình sản xuất theo hướng bền vững và thân thiện môi trường.

    ​NDM Việt Nam hiện đang phải đối mặt với vấn đề ô nhiễm môi trường do nước thải nhuộm có dư lượng hóa chất lớn. Theo nghiên cứu, trong nước thải dệt nhuộm có cả những chất dễ phân giải vi sinh như bột sắn dùng hồ sợi dọc và những chất khó phân giải vi sinh như polyvinyl axetat, thuốc nhuộm phân tán, thuốc nhuộm hoạt tính và các chất dùng tẩy trắng vải.

    Với các loại vải càng sử dụng nhiều xơ sợi tổng hợp như polyester thì càng dùng nhiều thuốc nhuộm và các chất phụ trợ khó phân giải vi sinh, dẫn tới lượng chất gây ô nhiễm môi trường trong nước thải càng cao. Để đảm bảo lợi ích kinh tế và môi trường, việc áp dụng SXSH đã giúp các DN dệt may tiết kiệm năng lượng, giảm chất thải, đồng thời, giảm chi phí đầu vào và chi phí xử lý môi trường, nâng cao chất lượng và hạ giá thành sản phẩm. Trên thực tế, nhiều DN dệt may đã giảm từ 20 – 30% tải lượng ô nhiễm mà không tốn khoản chi phí đầu tư nào do áp dụng công nghệ xử lý khí thải thông qua bộ phận thu khí lò hơi; sử dụng định mức tiêu hao hợp lý nguồn nguyên liệu dệt nhuộm.


    Thực hiện SXSH giúp các DN dệt may tiết kiệm năng lượng và giảm chất thải.

    Trong đó, Tổng Công ty Dệt may Hà Nội (Hanosimex) với hoạt động sản xuất sợi – dệt may, nên vấn đề môi trường chủ yếu là khí thải, bụi và tiếng ồn khi kéo sợi. Để giảm thiểu ô nhiễm, từ năm 2014, Hanosimex đã đầu tư 500 triệu đồng lắp đặt các biến tần cho quạt thông gió, sử dụng bóng đèn tiết kiệm năng lượng.

    Nhờ đó, Hanosimex đã tiết kiệm trên 4 triệu kWh điện/năm, giảm 4.000 tấn CO2/năm. Tại các phân xưởng dệt, Hanosimex đầu tư hệ thống hút bụi, tại các lò cấp hơi sử dụng nước, nên giảm được 3 – 5% ô nhiễm không khí và tăng hiệu suất lò hơi. Tương tự, Công ty May Tiên Hưng (Hưng Yên) đã lắp đặt 2 bơm nhiệt để thay thế lò hơi; sử dụng 35 đèn LED thay thế đèn compact; lắp đặt biến tần cho hệ thống bơm… Các thiết bị này đã giúp Công ty tiết kiệm được 177,6 triệu đồng/năm chi phí năng lượng.

    Tuy nhiên, hiện tỷ lệ áp dụng SXSH tại các DN dệt may chưa cao, nguyên nhân là do vẫn còn một số hạn chế về nhận thức của DN. Một số DN dệt may nhận định, SXSH chỉ đơn thuần liên quan đến vệ sinh môi trường nên không quan tâm và cho rằng, SXSH có thể gây tốn kém cho DN. Bên cạnh đó, do nguồn lực đầu tư vào sản xuất (đặc biệt là nước và nhân công) còn thấp so với nhiều nước trong khu vực, nên các DN chưa nhìn nhận được tầm quan trọng của việc tăng hiệu quả sử dụng tài nguyên.

    Hơn nữa, nhiều DN chưa hiểu rõ nguyên tắc người gây ô nhiễm phải trả tiền và xem BVMT là việc của Nhà nước. Các DN cũng chưa nhận thấy lợi ích của SXSH và cho rằng, SXSH là việc xây dựng hệ thống xử lý chất thải sẽ làm tăng chi phí. Ngoài ra, nhiều DN vẫn duy trì hệ thống công nghệ sản xuất cũ, tiêu tốn năng lượng, cùng với hạn chế về năng lực kỹ thuật, dẫn đến không tiết kiệm năng lượng, gây phát thải cao. Mặt khác, việc hướng dẫn kỹ thuật trong thực hiện SXSH thường dựa trên mạng lưới các nhà tư vấn, nhưng ngay cả các chuyên gia tư vấn về SXSH cũng thiếu về số lượng và chất lượng.

    Để trở thành một ngành kinh tế mạnh với tốc độ tăng trưởng cao và bền vững, trong những năm tới, NDM cần đẩy mạnh thực hiện các giải pháp SXSH như tăng cường triển khai thực hiện hỗ trợ tư vấn về SXSH cho các DN NDM thông qua các Trung tâm Khuyến công. Nhà nước cần có các chính sách khuyến khích các DN dệt may sử dụng các công nghệ, quy trình sản xuất sạch, từng bước thực hiện nghiệm các giải pháp quản lý môi trường.

    Đối với các công ty, đơn vị sản xuất, đặc biệt là các đơn vị tư nhân, liên doanh, hoặc 100% vốn nước ngoài thuộc lĩnh vực nhuộm, cần áp dụng các chế tài quản lý định mức tiêu hao nguyên, nhiên vật liệu dệt nhuộm, kiểm soát nhập khẩu máy móc thiết bị, nguyên phụ liệu, nhất là các chất trơ và thuốc nhuộm.

    Bên cạnh đó, NDM phải xây dựng Báo cáo đánh giá tác động môi trường phù hợp với Chiến lược phát triển của ngành và các quy định pháp luật về môi trường; tập trung xử lý triệt để các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng; triển khai xây dựng các khu, cụm công nghiệp dệt may có hệ thống xử lý nước thải tập trung, đạt tiêu chuẩn môi trường để di dời các cơ sở dệt may có nguy cơ gây ô nhiễm. Đồng thời, cần khuyến khích các DN áp dụng tiêu chuẩn quản lý môi trường theo ISO 14000, tạo môi trường lao động tốt cho người lao động theo Tiêu chuẩn SA 8000.


    Trạm xử lý nước thải dệt nhuộm của Công ty TNHH Chyang Sheng Việt Nam (thị xã Thuận An – Bình Dương).

    Đặc biệt, NDM cần xây dựng và thực hiện lộ trình đổi mới công nghệ theo hướng thân thiện với môi trường, tăng cường năng lực nghiên cứu khoa học – công nghệ về môi trường… nhằm đáp ứng các yêu cầu môi trường và rào cản kỹ thuật để hội nhập kinh tế quốc tế.

    Ngoài ra, khi Việt Nam gia nhập TPP, “giấy thông hành” đối với các DN dệt may không chỉ là tiêu chuẩn về trách nhiệm xã hội, mà còn bao gồm cả các tiêu chuẩn về môi trường; trong đó, phổ biến nhất là tiêu chuẩn sản xuất xanh, xử lý nước thải, giải pháp tái chế phụ phẩm phát sinh trong sản xuất… Ngoài ra, cần khuyến khích các DN dệt may tạo môi trường lao động tốt cho nhân viên.

    Tuy nhiên, để thực hiện thành công chương trình SXSH, một trong những yếu tố quan trọng là các DN dệt may cần lập nhóm SXSH. Đối với các DN lớn, nhóm SXSH có thể bao gồm một đội nòng cốt (gồm đại diện các phòng ban khác nhau) và một số thành phần khác chịu trách nhiệm về từng nhiệm vụ cụ thể.

    Đối với các DN vừa và nhỏ, nhóm SXSH có thể chỉ gồm chủ DN và một quản đốc – người giám sát các hoạt động thường nhật. Nhóm này sẽ chịu trách nhiệm khởi xướng, phối hợp và giám sát hoạt động đánh giá SXSH. Để hoạt động có hiệu quả, về cơ bản, nhóm phải có đủ kiến thức để phân tích và rà soát thực hành sản xuất hiện tại của DN. Các chuyên gia trong nhóm cần có khả năng sáng tạo để khám phá, phát triển và đánh giá những cải tiến trong thực hành sản xuất, cũng như triển khai các biện pháp giám sát, kiểm tra để tăng cường việc giảm thiểu chất thải.

    Theo Tapchimoitruong.vn

    Thiết bị giám sát ô nhiễm không khí sử dụng năng lượng Mặt trời

    0

    Mới đây, 2 sinh viên đến từ Trường Đại học Bách khoa – Đại học Đà Nẵng đã chế tạo thành công một thiết bị cảnh báo ô nhiễm không khí nhỏ gọn, chạy bằng năng lượng Mặt trời, có giá chỉ 1,5 triệu đồng.

    Các dữ liệu về ô nhiễm không khí được cập nhật theo thời gian thực lên trang dữ liệu Firebase.

    Dưới sự hướng dẫn của TS Lê Quốc Huy – Giảng viên nhà trường, Phạm Trung Phong và Nguyễn Trần Phước đã cùng nhau xây dựng mô hình “Hệ thống giám sát chất lượng không khí”. Mô hình hoạt động như một hệ thống đo chất lượng không khí và cảnh báo tại chỗ các mức độ ô nhiễm không khí khác nhau, với cấu trúc gồm: Các module cảm biến, các đèn báo hiển thị trạng thái mức ô nhiễm, chuông báo động tình trạng ô nhiễm không khí.

    Tín hiệu cảnh báo mức độ ô nhiễm của không khí sẽ được điều khiển thông qua bộ điều khiển trung tâm là con chíp ARM Cortex-M4F, đồng thời, được hiển thị lên màn hình LCD của mô hình. Dữ liệu mà các module cảm biến ghi nhận được sẽ được gửi lên Firebase (trang Database miễn phí của Google). Nguồn dữ liệu này sẽ được sử dụng để xây dựng trang web và phần mềm theo dõi ô nhiễm không khí theo thời gian thực. Khi không khí ở mức ô nhiễm nghiêm trọng, tín hiệu cảnh báo trên trang web và phần mềm theo dõi sẽ chuyển màu sắc từ xanh sang đỏ và chuông báo động trên thiết bị sẽ cảnh báo cho người dùng biết để có biện pháp phòng ngừa và xử lý.

    Với thiết kế và chức năng như trên, nếu được đưa vào sản xuất đại trà thì chi phí sản xuất thiết bị của Phong và Phước chỉ mất khoảng 1,5 triệu đồng. Ngoài ra, thiết bị có thể hoạt động bằng năng lượng Mặt trời, góp phần tiết kiệm năng lượng, BVMT. Thiết bị đã được thử nghiệm trong khuôn viên của Trường Đại học Bách khoa, có thể hoạt động liên tục trong 48h và cho kết quả kiểm định nồng độ của không khí trong vòng bán kính 2 km.

    Được biết, đối tượng mà sản phẩm hướng đến là các khu công nghiệp và các hộ gia đình sống xung quanh đó. Tuy nhiên, phạm vi đo vẫn còn hạn chế, hệ thống vẫn chưa đo được các loại khí nguy hiểm khác như SO2, NOx, bụi chì… Trước mắt nhóm sẽ cố gắng khắc phục những nhược điểm này để thiết bị hoàn thiện hơn.

    Theo Tapchimoitruong.vn

    Ấn Độ ra mắt tàu năng lượng mặt trời đầu tiên

    0

    Mạng lưới đường sắt lớn nhất khu vực châu Á hy vọng sẽ tiết kiệm được khoảng hơn 6 tỉ USD cho chi phí sử dụng năng lượng khi hoạt động trong thập kỷ tới.

    Theo Engadget, hệ thống đường sắt Ấn Độ vừa ra mắt chuyến tàu năng lượng mặt trời đầu tiên mang tên gọi Diesel Electric Multiple Unit (DEMU), với phạm vi hoạt động tại thành phố New Delhi.

    Để tạo ra chuyến tàu DEMU, các kỹ sư đã phải vượt qua thử thách trong việc đặt vị trí các tấm pin năng lượng ở phía trên của toa tàu. Sandeep Gupta, Phó chủ tịch kiêm CEO Jakson Engineers Limited (công ty sản xuất và lắp đặt các tấm pin mặt trời) cho rằng, việc đặt các tấm pin năng lượt mặt trời trên mái của toa tàu chạy ở tốc độ 80 km/h không phải là nhiệm vụ dễ dàng. Được biết, các tấm pin này cung cấp năng lượng đến một pin trên máy phát đặt trong toa tàu để tích trữ năng lượng dư thừa.


    Tấm pin năng lượng mặt trời được đặt trên mái của các toa tàu.

    Mặc dù là chuyến tàu năng lượng mặt trời nhưng các toa tàu vẫn được kéo bởi một đầu máy chạy bằng dầu diesel. Theo giải thích, các tấm pin mặt trời chỉ cung cấp năng lượng cho các hệ thống tiện nghi của hành khách như ánh sáng, màn hình hiển thị và quạt.

    Dẫu vậy, ngành đường sắt Ấn Độ ước tính rằng chỉ cần 6 toa trang bị tấm năng lượng mặt trời, một chuyến tàu DEMU sẽ tiết kiệm được khoảng 21.000 lít nhiên liệu diesel mỗi năm, tương đương khoảng gần 20.000 USD.

    Ấn Độ là quốc gia có mạng lưới đường sắt lớn nhất châu Á với số chuyến hoạt động mỗi ngày là 11.000 và giúp di chuyển khoảng 13 triệu hành khách mỗi ngày. Điều đó có nghĩa hóa đơn tiền điện tiết kiệm được trên các chuyến tàu DEMU là rất lớn, lên đến 6,31 tỉ USD trong vòng 10 năm tới như ước tính của giới chức nước này.

    Theo thanhnien.vn

    RECP: Giúp doanh nghiệp tăng năng suất, giảm tiêu thụ tài nguyên

    Tăng năng suất, giảm tiêu thụ tài nguyên… là mục tiêu của tất cả các doanh nghiệp sản xuất, song không phải doanh nghiệp nào cũng tìm ra hướng đi đúng.

    Mục đích của đánh giá RECP (hiệu quả tài nguyên và sản xuất sạch hơn) chính là giúp cho các doanh nghiệp công nghiệp có thể tăng năng suất và giảm tiêu thụ tài nguyên, cũng như ô nhiễm môi trường. Đây là một hợp phần quan trọng trong dự án “Triển khai sáng kiến khu công nghiệp sinh thái hướng tới mô hình khu công nghiệp bền vững tại Việt Nam”.

    Hợp phần thực hiện RECP trong doanh nghiệp là một bước đi ở cấp doanh nghiệp góp phần chuyển đổi khu công nghiệp truyền thống sang mô hình khu công nghiệp sinh thái.

    Một công ty thủy sản tại Cần Thơ tham gia dự án đã nhận được rất nhiều những tư vấn hữu ích về giải pháp công nghệ từ phía các chuyên gia của Công ty TNHH Trung tâm Sản xuất sạch hơn (VNCPC).

    Công ty thủy sản này được thành lập năm 2008 và chính thức đi vào hoạt động năm 2009, với số lượng công nhân là 350 người. Sản phẩm chính của công ty là cá tra phi-lê nguyên con, cắt khúc đông lạnh xuất khẩu sang các thị trường EU, Canada, Brazil, Trung Đông, Hồng Kông, Autralia…

    Hợp phần thực hiện RECP trong doanh nghiệp là một bước đi ở cấp doanh nghiệp góp phần chuyển đổi khu công nghiệp truyền thống sang mô hình khu công nghiệp sinh thái.

    Qua khảo sát, các chuyên gia VNCPC nhận thấy mặc dù định mức tiêu thụ cá tra và điện của doanh nghiệp ở mức trung bình trong ngành, song vẫn có thể tối ưu quá trình sản xuất để giảm các tiêu hao này dựa vào việc theo dõi thông số định kỳ.

    Bên cạnh đó, tại nhà máy còn có nhiều vị trí điện bị rò rỉ lên đến 16V, tổn thất điện do rò rỉ tương đương 23.133 kWh/năm

    Ngoài ra, nhiệt độ đo được tại một số đầu cốt lên tới trên 60oC, có khả năng gây ra sự cố cho một số thiết bị điện.

    Hệ số công suất tại các máy nén lạnh và trạm xử lý nước thải thấp cũng làm tăng tổn thất trên đường dây. Chỉ tính riêng, dây curoa tại các máy nén lạnh bị chùng, gần đứt, lắp thiếu có thể làm tổn hao tới 7% lượng điện tiêu thụ của các máy nén lạnh.

    Quá nhiều cặn trong bình ngưng cũng là nguyên nhân gây ra hiện tượng áp suất nén và áp suất ngưng tăng khiến máy nén tiêu thụ nhiều điện hơn.

    Về lượng nước tiêu thụ của công ty cũng đang ở mức cao, khi so sánh với các doanh nghiệp chế biến cá tra khác. Vì vậy, cần phải quản lý việc sử dụng nước, đặc biệt là các công đoạn tiêu thụ nhiều nước như rửa nguyên liệu, vệ sinh nhà xưởng và thiết bị.

    Theo đó, trong quá trình thực hiện RECP tại công ty, tổng cộng đã có 31 giải pháp RECP được đề xuất, trong đó có 10 giải pháp quản lý nội vi, 10 giải pháp kiểm soát quá trình, 05 giải pháp cải tiến thiết bị, 05 giải pháp thay thế công nghệ và thiết bị mới, 01 giải pháp tái sử dụng tại chỗ.

    Trong số các đề xuất này, phần lớn các giải pháp có thể thực hiện ngay và mang lại hiệu quả cao cho doanh nghiệp.

    Ngoài ra, tham gia dự án, công ty còn được đào tạo để nâng cao nhận thức của công nhân về chương trình sử dụng hiệu quả tài nguyên và sản xuất sạch hơn RECP; hướng dẫn để công nhân vận hành đúng quy trình, tập trung nâng cao chất lượng sản phẩm và tiết kiệm nguyên vật liệu, điện, nước, dầu FO… trong quá trình sản xuất.

    Theo VNCPC