Chính phủ Anh cũng đã bật đèn xanh cho một chương trình: Máy tự động đổi rác thải nhựa lấy tiền. Trước đó chương trình lắp đặt các máy tự động đổi chai lọ nhựa, thủy tinh đã qua sử dụng để lấy tiền từng giành được những thành công nhất định, đặc biệt là ở Đức hay Na Uy.

Theo tờ The Guardian, nếu chương trình được chính thức áp dụng tại Anh, giá của các loại đồ uống so với giá gốc sẽ tăng thêm trung bình khoảng 15 penny, tương đương 5.000 VND. Người dân đem đổi các loại vỏ đựng sẽ được nhận lại số tiền chênh lệch này qua hệ thống máy móc tự động.

PV THVN thường trú tại Anh cho rằng động thái của chính phủ Anh nhằm thay đổi trực diện vấn đề lớn đang tồn tại ở nước này là trong 13 tỷ chai nhựa được bán mỗi năm, không đến 50% được đem đi tái chế. Trong khi đó, ở Đức, chương trình tương tự bắt đầu năm 2003 đã giúp tái chế tới 99% lượng chai lọ nhựa đã qua sử dụng.

Chương trình nhận được rất nhiều phản hồi tích cực từ giới hoạt động vì môi trường nhưng lại khiến các doanh nghiệp không khỏi lo ngại.

Cũng theo báo này, một thống kê cho thấy các hội đồng địa phương tại Anh có thể tiết kiệm được tổng cộng tới 35 triệu Bảng/năm từ lợi ích của chương trình nói trên. Con số này đến từ việc giảm thiểu chi phí so với thu gom rác thải bằng xe ô tô thông thường. Lượng rác giảm, số thùng rác cần duy trì có thể cũng sẽ ít hơn, kèm theo đó là đỡ tốn kém chi phí hoạt động tại các bãi chứa rác thải.

Tuy nhiên, cũng ngay lập tức có những số liệu ước tính được BBC công bố cho thấy một khía cạnh phức tạp khác của vấn đề. Hệ thống máy tự động đổi chai lọ nhựa lấy tiền này ở Đức ban đầu tiêu tốn khoảng hơn 600 triệu Bảng và 700 triệu Bảng hàng năm cho việc vận hành.

Hiệp hội nhựa tại Anh cho rằng nếu chương trình được triển khai trên toàn quốc, khả năng chi phí sẽ lên tới 1 tỷ Bảng và tiếp theo là một con số tương đương cho tiền vận hành, bảo trì mỗi năm. Báo  cáo này nhận định, dù chương trình nhận được rất nhiều phản hồi tích cực từ giới hoạt động vì môi trường nhưng lại khiến các doanh nghiệp không khỏi lo ngại.

Nỗ lực nhằm giảm lượng rác thải trên mặt đất và đại dương

Giá đồ uống trong chai thủy tinh, nhựa hay kim loại có thể sẽ tăng nhẹ nếu Anh áp dụng chương trình hoàn tiền đặt cọc, nhưng người tiêu dùng có thể lấy lại tiền nếu tái chế chúng – Tuổi trẻ dẫn nguồn tin từ CNN cho hay.

Tuần qua, chính phủ Anh công bố một báo cáo, cho thấy nếu không có sự can thiệp, lượng rác thải trôi nổi trên biển sẽ tăng gấp ba trong vòng một thập kỷ. Ước tính, 13 tỷ chai nhựa được sử dụng ở Anh mỗi năm, trong đó 5,5 tỷ chai không được đưa đến các cơ sở tái chế. Toàn thế giới, lượng chai nhựa chiếm 1/3 rác trên biển, chưa kể tới 5 nghìn tỉ tấn nhựa khác đang làm ô nhiễm đại dương.

Thư ký Bộ môi trường của Anh, ông Michael Gove, cho biết: “Chúng ta không thể phủ nhận nhựa đang làm ô nhiễm môi trường biển – giết chết cá heo, làm rùa nghẹt thở, và phá hủy môi trường sống quý giá của chúng ta. Chúng ta buộc phải hành động ngày để giải quyết mối nguy này, và kiểm soát hàng triệu chai nhựa đang không được tái chế mỗi ngày”.

Hugo Tagholm, CEO của Tổ chức từ thiện Surfers Against Sewage, cho biết: “Động thái bảo vệ đại dương này sẽ ngăn hàng triệu chai nhựa bị thải ra môi trường hàng năm, cũng như giảm bớt làn sóng nhựa đang bao trùm các bờ biển của chúng ta”.

Tổ chức Greenpeace UK cho biết giải pháp này của chính phủ đã đi đúng hướng, nhưng cần có thêm chính sách để kiểm soát việc sản xuất nhựa.

Theo moitruong.com.vn