29 C
Hanoi
Thứ Bảy, Tháng 7 19, 2025
More
    Home Blog Page 435

    Cách phân loại rác thải có thể giúp bạn tận dụng tài nguyên

    Khi biết phân loại rác hợp lý, bạn có thể dễ dàng kiếm thêm một ít tiền tiêu vặt từ việc bán phế liệu, cũng như sử dụng tài nguyên một cách phù hợp nhất.

    Việc xử lý rác thải gia đình hiệu quả sẽ giúp môi trường sống trở nên tốt hơn. Vì vậy, chúng ta cần biết cách phân loại rác thải sinh hoạt cho đúng.

    Việc xử lý rác thải gia đình hiệu quả sẽ giúp môi trường sống trở nên tốt hơn.

    Cần giảm lượng rác thải ra môi trường

    Cách tốt nhất để làm xử lý rác thải sinh hoạt là giảm lượng rác được thải ra. Để làm điều này, bạn có thể sử dụng các bao bì tái sử dụng để sau khi dùng xong có thể bán cho người thu mua phế liệu.

    Quản lý rác hợp lý

    Hãy thận trọng khi mua sắm và cố gắng hạn chế sử dụng túi nylon, thay vào đó bạn có thể dùng túi vải đựng đồ để dùng được nhiều lần. Càng ít thải rác, chúng ta càng góp phần giúp cho môi trường Việt Nam được cải thiện.

    Lựa chọn chất liệu tái sử dụng

    Tất nhiên là bạn không thể nào hạn chế hoàn toàn việc phải dùng tới bao bì đựng đồ, do đó hãy cố gắng sử dụng các bao bì có thể tái chế được.

    Bạn cũng có thể giảm một nửa công việc xử lý rác thải bằng cách mua sắm hợp lý, vừa giúp giảm rác thải vừa bảo vệ môi trường.

    Phân loại rác

    Để góp phần bảo vệ môi trường, điều quan trọng là bạn phải biết phân loại rác thải như thế nào cho đúng cách để chắc chắn các loại rác thải khác nhau được phân chia đúng loại.

    Người ta ước tính rằng hơn hai triệu tấn chất thải trong các bãi rác ở Việt Nam thực sự là những chất thải có thể thu gom đồng nát được. Vì thế, điều quan trọng nhất là bạn cần biết những gì có thể và không thể tái chế.

    Khi phân loại chất thải, hãy bỏ các đồ có thể tái chế như thẻ nhựa, giấy, các đồ nhựa, kim loại, thủy tinh và vải vào một thùng rác riêng và đặt ở xa thùng chứa rác thải sinh hoạt.

    Theo moitruong.com.vn

    Khói thuốc lá và ô nhiễm không khí nguyên nhân chính gây ung thư phổi

    Các chuyên gia y tế cảnh báo trong số các nguyên nhân gây ra ung thư phổi, có thể thấy thuốc lá và ô nhiễm không khí là những yếu tố đáng lưu ý nhất, nhưng đáng lo hơn, những yếu tố này càng nghiêm trọng hơn khi nhiều quốc gia chưa có chính sách kiểm soát hiệu quả.

    Cụ thể, ở Trung Quốc, quốc gia sản xuất 40% tổng số thuốc lá toàn cầu và thường xuyên đối mặt với hiểm họa sương khói đầy độc hại ở các thành phố lớn thì đồng thời cũng chiếm hơn 1/3 tổng số ca chết vì ung thư phổi trên toàn cầu.

    Các chuyên gia cho rằng, chỉ có 5% tới 10% của tất cả các trường hợp ung thư có thể cho là do lỗi gene. Trong khi đó, có tới 90% đến 95% là căn nguyên từ môi trường và lối sống. Theo đó, tác hại từ việc hút thuốc, béo phì, ô nhiễm môi trường và thực phẩm công nghiệp là nguyên nhân chính gây ra ung thư.

    Theo báo cáo Ung thư Thế giới của Cơ quan Nghiên cứu về Ung thư Quốc tế thuộc WHO, số ca mắc bệnh ung thư trên thế giới có khả năng sẽ tăng thêm 22 triệu người mỗi năm trong vòng 2 thập kỷ tới.

    Khói thuốc và ô nhiễm không khí được xem là nguyên nhân gây ra nhiều bệnh tật hiểm nghèo.

    Những bệnh hiểm nghèo do ô nhiễm môi trường

    Đột quỵ: Ô nhiễm không khí lần đầu tiên được xác định là một trong 10 nguyên nhân hàng đầu gây đột quỵ dẫn tới tàn tật và tử vong ở người, chủ yếu tại các quốc gia đang phát triển. Đây là kết quả nghiên cứu của một nhóm nhà khoa học quốc tế, được đăng tải trên Tạp chí Thần kinh học (The Lancet Neurology). Ước tính, mỗi năm có khoảng 15 triệu người bị đột quỵ trên toàn thế giới, trong đó có gần 6 triệu người tử vong và 5 triệu người bị tàn tật như mất khả năng nhìn, nói, liệt người và lẩn thẩn.

    Tăng huyết áp: Nghiên cứu của các nhà khoa học Đức tìm hiểu ảnh hưởng của không khí ô nhiễm lên huyết áp người dân năm 2000 – 2003 cho thấy loại ô nhiễm này đang là kẻ thù giấu mặt của bệnh tim – căn bệnh đang có xu hướng gia tăng ở cư dân đô thị. Khi tiếp xúc với ô nhiễm không khí trong một thời gian dài, huyết áp tăng lên rõ rệt. Ở nữ giới, bệnh tăng huyết áp do ô nhiễm không khí cao hơn ở nam giới. Thống kê cho thấy có khoảng 10 triệu người Việt Nam mắc bệnh tăng huyết áp trong năm 2014 và con số này không ngừng tăng lên theo từng năm.

    Bệnh bụi phổi: Bệnh bụi phổi có thể gây nên do nhiều loại bụi vô cơ và bụi hữu cơ khác nhau, trong đó quan trọng nhất là bụi vô cơ silic. Bụi vô cơ gồm có loại bụi trơ như bụi than, bụi sắt, bụi silic, bụi xi măng, bụi cao lanh, bụi đá, bụi sa thạch, bụi granit, bụi mica, bụi thạch anh… Ngoài ra còn có loại bụi có hoạt tính hóa học như bụi silic, bụi amiăng, bụi magie, bụi berili…

    Thời gian tiếp xúc với không khí có chứa nhiều bụi bẩn càng lâu, nồng độ bụi trong không khí càng cao thì diễn biến bệnh càng nặng và càng tăng nhanh thời gian bị mắc bệnh. Thông thường thời gian tiếp xúc cần thiết để người có thể mắc bệnh bụi phổi loại bụi silic mất khoảng từ 5 đến 10 năm.

    Bệnh tâm thần phân liệt: Theo một nghiên cứu mới đây thì việc tiếp xúc sớm với ô nhiễm không khí gây ra các biến đổi có hại ở não, tương tự như những gì chúng ta quan sát được ở bệnh tự kỷ hay tâm thần phân liệt. Đối với con người, tâm thần phân liệt khiến người bệnh rối loạn khả năng tư duy, mất ý thức muốn làm việc, dần dần trở nên cách ly với xã hội.

    Béo phì: Các nhà khoa học Trung Quốc kết luận rằng hít thở thường xuyên không khí ô nhiễm ảnh hưởng nghiêm trọng đến quá trình chuyển hóa gây ra các bệnh tiểu đường, béo phì. Một nghiên cứu được thực hiện trước đó tại miền Nam bang California cũng cho thấy nơi có mật độ dân số cao và không khí ô nhiễm nặng nề, chỉ số cân nặng của người dân thường cao hơn so với các khu vực khác. Một nghiên cứu khác được thực hiện tại New York cũng chỉ ra ô nhiễm không khí ảnh hưởng xấu đến việc mang thai cũng như chứng béo phì ở trẻ em.

    Ngăn ngừa bệnh hiểm nghèo bằng cách nào?

    Theo WHO, hơn 30% các ca chết vì ung thư có thể được ngăn ngừa nếu chúng ta điều chỉnh hay tránh các tiếp xúc với nhân tố gây bệnh quan trọng như tránh thuốc lá vốn là yếu tố quan trọng nhất gây ra 22% tổng ca chết vì ung thư toàn cầu cũng như khoảng 71% ung thư phổi, hạn chế béo phì, có chế độ dinh dưỡng khỏe mạnh với việc dùng nhiều trái cây và hoa quả.

    Chúng ta cũng nên vận động nhiều hơn, giảm sử dụng rượu bia, quan hệ tình dục an toàn để tránh nhiễm virut HPV vốn có liên quan đến ung thư cổ tử cung ở nữ giới. Còn về mặt nhà nước, một chính sách giảm ô nhiễm không khí, đặc biệt ở các đô thị lớn là điều nên được tiến hành.

    Theo moitruong.com.vn

    Vì sao cần lồng ghép Sản xuất sạch hơn và Sử dụng năng lượng hiệu quả?

    Sản xuất sạch hơn (SXSH) và Sử dụng năng lượng hiệu quả (SDNLHQ) là những chiến lược có tác động mạnh mẽ nhằm giảm chi phí và tạo ra lợi nhuận từ việc giảm phát sinh chất thải. Việc lồng ghép hai chiến lược này sẽ giúp mang lại nhiều lợi ích hơn – cả về khía cạnh môi trường và kinh tế.

    Sản xuất sạch hơn – Trọng tâm là dòng vật liệu

    SXSH là một chiến lược mang tính phòng ngừa nhằm giảm thiểu ô nhiễm môi trường, đồng thời giảm tiêu thụ các nguyên vật liệu. SXSH tập trung chủ yếu vào các quy trình và việc giảm thiểu các đầu vào của các quy trình đó.

    Đây là một phương pháp tư duy mới và sáng tạo về sản phẩm và quy trình, trong đó liên tục áp dụng các chiến lược nhằm ngăn ngừa và/hoặc giảm sự phát sinh chất thải. Người thực hành SXSH dựa vào phương pháp luận SXSH đã được xác lập nhằm nhận diện và triển khai giải pháp.

    SXSH là một chiến lược mang tính phòng ngừa nhằm giảm thiểu ô nhiễm môi trường, đồng thời giảm tiêu thụ các nguyên vật liệu.

    Như vậy, khái niệm SXSH giúp kết hợp các cơ hội tăng trưởng thực sự với hiệu quả sử dụng nguyên liệu tối ưu. Tuy nhiên, vì SXSH được phát triển bắt nguồn từ những mối lo ngại về môi trường liên quan đến ô nhiễm vật lý phát sinh từ các dòng thải nguyên liệu và phát thải nên các cấu phần của nó và những người thực hành đều chú trọng đến vấn đề bảo toàn nguồn nguyên liệu. Nhìn chung, SXSH không giải quyết những vấn đề tổng năng suất sử dụng tài nguyên, và các khía cạnh khác của năng suất như bảo toàn năng lượng, kỹ thuật công nghiệp, kỹ thuật giá trị… chưa được lồng ghép vào khái niệm này. Bên cạnh đó, SXSH, theo định nghĩa, cũng không bao hàm các giải pháp “cuối đường ống”.

    Sử dụng năng lượng hiệu quả – trọng tâm là giảm chi phí

    Những nỗ lực cải thiện sử dụng năng lượng hiệu quả bắt đầu được tiến hành vào đầu những năm 70 của thế kỷ trước, chủ yếu là do nhu cầu giảm chi phí sản xuất. Dù cho năng lượng là đầu vào thiết yếu của nhiều quy trình thì cũng không nhất thiết phải là một thành phần chi phí quan trọng nhất.

    Điều này giải thích tại sao những người thực hành SDNLHQ có xu hướng chú trọng vào thiết bị chuyển hoá năng lượng (ít rủi ro hơn về việc làm phá vỡ quy trình) và luôn tránh các giải pháp SDNLHQ có liên quan đến quy trình (mang tính chất rủi ro hơn).

    Lợi ích của việc tích hợp SXSH và SDNLHQ

    Tiếp cận SXSH-SDNLHQ tích hợp sẽ giúp mang lại những lợi ích sau:

    Gói dịch vụ mở rộng mang lại lợi ích lớn hơn: Khi tài nguyên được định giá ở mức thấp (hoặc có thể được trợ giá) và/hoặc các vấn đề môi trường chưa được xem là quan trọng thì giải pháp SXSH tự nó có thể không thu hút được nhiều sự quan tâm. Lúc đó, nếu kết hợp với lợi ích từ SDNLHQ có thể đề xuất một gói giải pháp hấp dẫn hơn.

    SXSH-SDNLHQ có thể giúp tạo ra những sản phẩm thực sự thân thiện với môi trường sinh thái.

    Tương tự, vấn đề giảm tiêu hao năng lượng trong thời điểm giá năng lượng giảm xuống có thể được quan tâm hơn khi kết hợp với SXSH. Tiếp cận SXSH-SDNLHQ tích hợp đúc rút từ số lượng lớn hơn những thực hành sản xuất tốt nhất nên mang lại các giải pháp kinh doanh toàn diện và có nhiều lợi ích hơn về mặt kinh tế.

    Thị phần của sản phẩm được mở rộng hơn

    SXSH-SDNLHQ có thể giúp tạo ra những sản phẩm thực sự thân thiện với môi trường sinh thái. Sản phẩm “xanh”, bảo đảm cả nhãn đánh giá tính sinh thái và năng lượng, nên sẽ giúp sản phẩm có thêm lợi thế cạnh tranh – có thể giành được thị phần tốt hơn.

    Việc tích hợp bảo đảm cho tính bền vững của các giải pháp SDNLHQ

    Cho đến nay, tiếp cận SDNLHQ đang thịnh hành, về bản chất, có định hướng theo nhiệm vụ (kiểu “kê toa”) vì thế không được xem là hoạt động quản lý hàng ngày tại doanh nghiệp. Một tình trạng phổ biến là các chương trình SDNLHQ kết thúc ngay khi các nhà tư vấn rời khỏi công ty và kết quả là các chương trình vẫn mang tính rời rạc và diễn ra trong thời gian ngắn.

    Ngược lại, áp dụng liên tục là một đặc điểm chính của SXSH. Khi SXSH và SDNLHQ tích hợp, khái niệm “liên tục” mở rộng cho SDNLHQ và do đó đảm bảo tính bền vững lâu dài cho thực hiện SDNLHQ.

    Hỗ trợ thực hiện các hiệp định và nghị định thư toàn cầu

    Trong những năm gần đây một loạt các hiệp định và nghị định thư của khu vực và toàn cầu đã được xây dựng nhằm giải quyết các vấn đề về môi trường và năng lượng.

    SXSH-SDNLHQ có thể giúp kiểm soát những vấn đề này dễ dàng hơn so với khi chỉ áp dụng SXSH hay SDNLHQ đơn lẻ. Một số quốc gia ban hành luật về SXSH, một số quốc gia khác lại ban hành luật về SDNLHQ; nếu kết hợp hai luật này sẽ giúp thực hiện đồng thời những biện pháp bảo toàn nguyên vật liệu và năng lượng. Nhóm công tác SXSH-SDNLHQ có thể đóng vai trò then chốt trong việc hỗ trợ chính phủ một quốc gia đạt được mục tiêu này.

    Bớt lặp lại nhiệm vụ và tạo ra sự đồng vận giữa các mục tiêu của SXSH và SDNLHQ

    Khi không tích hợp, các chuyên gia SXSH và SDNLHQ mất nhiều thời gian để thu thập và phân tích dữ liệu một cách riêng biệt và sau đó thực hiện các giải pháp tiết kiệm nguyên liệu và năng lượng cũng theo cách đơn lẻ. Khi tích hợp, nỗ lực chung và đồng thời sẽ giúp tiết kiệm nhiều thời gian thu thập và phân tích dữ liệu, như vậy, sẽ dẫn đến nhiều cách thức đơn giản hơn để giải quyết những vấn đề độc lập về lãng phí nguyên vật liệu và năng lượng.

    Dễ dàng tiếp cận với nhiều nguồn vốn hơn

    Có những nguồn vốn trong khu vực và trên toàn cầu chỉ dành cho SXSH hoặc chỉ dành cho SDNLHQ. Theo đó, doanh nghiệp có thể dễ dàng tiếp cận với tất cả những nguồn vốn này bằng cách tích hợp SXSH-SDNLHQ.

    SXSH-SDNLHQ mở đường cho việc thực hiện Hệ thống Quản lý Môi trường (EMS)

    Tiếp cận SXSH-SDNLHQ tích hợp, với phương pháp luận của mình sẽ giúp dễ dàng triển khai và duy trì một Hệ thống Quản lý Môi trường (EMS) toàn diện hơn.

    Theo VNCPC

    Sự thật đáng giật mình về chất tạo ngọt 

    Chất tạo ngọt nhân tạo xuất hiện ngày càng nhiều trong thực phẩm nhằm thay thế cho đường tuy nhiên, tuy nhiên chúng cũng được cho là nguyên nhân phá vỡ hệ vị sinh đường ruột, làm gia tăng nguy cơ mắc bép phì, tiểu đường.

    Chất tạo ngọt từng được coi là lựa chọn thay thế lành mạnh cho đường bởi chúng không tạo ra calo. Trong khi đó những loại đường như glucose có thể kích thích giải phóng insulin, một loại hoóc môn điều hòa lượng đường trong máu, nồng độ glucoso cao ở bệnh nhân mắc tiểu đường loại 2 có thể làm tổn thương dây thần kinh, thận, mạch máu và tim.

    Tuy nhiên, ngày càng có nhiều bằng chứng cho thấy những chất tạo ngọt này có thể làm thay đổi các quá trình trao đổi chất lành mạnh theo những cách khác, đặc biệt trong ruột.


    Chất tạo ngọt có thể phá vỡ hệ vị sinh đường ruột, làm gia tăng nguy cơ mắc bép phì, tiểu đường.

    Sử dụng lâu dài các chất tạo ngọt này làm tăng nguy cao mắc bệnh tiểu đường loại 2. Chất tạo ngọt nhân tạo như saccharin, đã được chứng minh là thay đổi loại và chức năng của hệ vi sinh đường ruột. Còn aspartame, một chất tạo ngọt có mặt trong hơn 6000 sản phẩm trên thế giới có thể làm giảm hoạt động của một enzyme đường ruột bảo vệ chống lại bệnh tiểu đường loại 2 và có thể gây ra sự rối loạn chuyển hóa.

    Chất tạo ngọt cũng đã được chứng minh làm thay đổi hoạt động của não liên quan đến việc ăn thức ăn ngọt. Một xét nghiệm điện não đồ (MRI) nghiên cứu hoạt động của não bằng cách đo lưu lượng máu, cho thấy chất tạo ngọt sucralose, so với đường thông thường, làm giảm hoạt động trong amygdala, một phần của não liên quan đến nhận thức vị giác và trải nghiệm ăn uống.

    Những phát hiện này báo hiệu rằng người tiêu dùng và các chuyên gia y tế cần kiểm tra các những lợi ích sức khỏe của các sản phẩm này. Chất ngọt có ở mọi nơi, từ đồ uống đến nước sốt salad, từ bánh quy đến sữa chua, và chúng ta phải nhận thức rằng không có gì đảm bảo rằng những hóa chất này sẽ không làm tăng gánh nặng bệnh chuyển hóa trong tương lai.

    Theo Vietq

    Thức ăn thừa: Bảo quản sao cho đúng cách?

    Ăn thức ăn qua đêm đã ẩn chứa nguy cơ độc hại nhưng bảo quản thức ăn không đúng cách còn hại hơn gấp nhiều lần.

    Mùa hè nắng nóng, thực phẩm nếu không được bảo quản đúng cách sẽ rất dễ trở thành môi trường cho vi khuẩn sinh sôi. Nếu chúng ta ăn phải những thực phẩm này sẽ dễ bị đau bụng, tiêu chảy, hay ngộ độc thực phẩm.

    Nhiều người vào thời tiết nắng nóng có thói quen cất trữ thực phẩm vào tủ lạnh và cho rằng đó là cách tốt nhất để đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Tuy nhiên đã từng có trường hợp nhập viện vì ăn đồ ăn qua đêm trong tủ lạnh.

    Nguyên nhân bắt nguồn từ chính thói quen cất trữ thực phẩm trong tủ không đúng cách. Dưới đây là 6 sai lầm phổ biến nhất của mọi người khi bảo quản thức ăn trong tủ lạnh khiến sức khỏe càng thêm nguy hại.

    1. Đặt lẫn thức ăn chín và sống

    Nếu bạn đặt những thức ăn đã nấu chín hay các thức ăn ăn liền như hoa quả gọt sẵn, bánh kem,… bên cạnh các thực phẩm sống như thịt, cá, tôm… sẽ tạo điều kiện cho vi khuẩn lây lan rất nhanh. Các đồ ăn sống khi chưa được chế biến sẽ ẩn chứa những vi khuẩn ít tai ngờ tới và chúng có thể xâm nhập vào các đồ ăn chín của bạn. Vì vậy, bạn nên để riêng thực phẩm sống và chín ở các ngăn khác nhau và cách xa càng tốt để vi khuẩn không thể lây lan. An toàn nhất là bạn nên cho mỗi thực phẩm vào hộp riêng đậy kín nắp.

    2. Không đậy kín thức ăn thừa

    Không đậy thức ăn thừa khi cho vào tủ lạnh có thể khiến cho vi khuẩn từ các thực phẩm khác có thể lan sang.

    Có không ít người khi cất trữ đồ ăn thừa vì lười hoặc ngại mà cho thẳng đĩa thức ăn vào trong tủ không cần che đậy. Chính điều này đã khiến cho vi khuẩn từ các thực phẩm khác có thể lan sang. Hơn nữa, thức ăn nếu để quá lâu trong tủ lạnh mà không bọc kỹ sẽ phát tán các vi khuẩn ra xung quanh toàn bộ tủ và khiến cho các thực phẩm khác không an toàn. Do đó, khi cất trữ thức ăn dù sống hay chín cũng cần cho vào hộp đậy kín hoặc cho vào túi đựng.

    3. Dồn quá nhiều thực phẩm vào tủ lạnh

    Khi tủ lạnh bị chất đầy thức ăn thì luồng khí lạnh sẽ khó lưu thông đến một vài vị trí khác trong tủ khiến những khu vực này trở thành môi trường cho vi khuẩn sinh sôi, làm hỏng thực phẩm và có thể lây sang các thức ăn khác. Do đó đừng cố nhồi nhét tất cả thức ăn vào trong tủ, nên cất trữ với lượng vừa phải. Nếu đột xuất có quá nhiều thực phẩm thì bạn nên hạ nhiệt độ để bảo quản thực phẩm tốt hơn.

    4. Không rửa rau củ quả trước khi bỏ tủ lạnh

    Các loại rau củ quả thường chứa một loại vi khuẩn E. Coli có trong các loại đất trồng rau nếu xâm nhập vào cơ thể sẽ cực kỳ có hại. Ngoài ra, rau củ quả khi mua về không rửa mà đã cho ngay vào tủ lạnh sẽ dễ lây nhiễm chéo sang các đồ ăn khác. Vì thế, trước khi cho rau củ quả vào tủ lạnh thì bạn nên rửa thật sạch và nhớ đặt ở ngăn riêng biệt để hạn chế vi khuẩn lây lan.

    5. Dùng chai nhựa kém chất lượng để đựng nước trong tủ lạnh

    Hiện nay có không ít những sản phẩm chai nhựa kém chất lượng nếu để ở nhiệt độ thấp, sẽ tiết ra một loại độc tố có tên là dioxin. Đây là một chất cực độc và là nguyên nhân chính dẫn tới căn bệnh ai cũng sợ đó là ung thư. Vì thế nếu bạn có ý định để nước mát trong tủ lạnh thì nên đựng trong bình thủy tinh hoặc bình nhựa chất lương. Tuyệt đối không tái sử dụng các chai nước nhựa vì sẽ gây tổn hại sức khỏe.

    6. Bảo quản thực phẩm trong tủ lạnh quá bẩn

    Tủ lạnh cần được vệ sinh, lau chùi thường xuyên.

    Tủ lạnh nếu không vệ sinh thường xuyên sẽ trở thành nơi lý tưởng cho các loại vi khuẩn trú ẩn và sinh sôi. Hơn nữa, nhiều loại thực phẩm nếu cất trữ quá lâu trong tủ lạnh cũng sẽ sản sinh không ít những vi khuẩn gây hại. Tốt nhất bạn nên vệ sinh sạch sẽ tủ lạnh hàng tuần, loại bỏ những thực phẩm đã để quá lâu và lau chùi tủ lạnh để tống khứ mọi vi khuẩn ra khỏi bữa ăn nhà bạn.

    Theo Khampha.vn

    Sống sạch – Trào lưu của những người “khó tính”?

    Việc rèn luyện cho bản thân những thói quen “sạch”, hẳn sẽ khiến bạn cảm thấy khó chịu khi nhìn thấy những người vứt rác bừa bãi ở nơi công cộng.

    Lối sống này mang đến nhiều lợi ích nhưng đổi lại bản thân cần nhiều động lực và tính kỷ luật. Việc thay đổi hay hình thành một thói quen cần nhiều thời gian và sự nghiêm khắc của chính bạn.

    Sống sạch là gì?

    Để bàn về câu chuyện sống sạch, trước hết cần hiểu thế nào là sống sạch. Vòng quanh các diễn đàn, những topic như: “Sống sạch là gì?”, “Cách chọn thực phẩm Organic?”, “Làm thế nào để ăn sạch?” luôn là những đề tài hot và được nhiều người quan tâm. Thế nhưng, “sống sạch” theo định nghĩa ở Việt Nam chỉ gói gọn trong việc sử dụng các thực phẩm hữu cơ hay organic.

    Sống sạch hiện đang là lối sống được nhiều bạn trẻ theo đuổi.

    Trên thực tế, sống sạch là một lối sống bắt nguồn từ cả hành động và suy nghĩ của chính bản thân. Khi đó, bạn cần rèn luyện cho mình những thói quen sạch và suy nghĩ tích cực. Tập thể dục, hạn chế mạng xã hội, ăn sạch, suy nghĩ lành mạnh chính là chìa khóa của lối sống này.

    Cuộc sống hiện đại với khói bụi, hóa chất và căng thẳng có mặt khắp nơi, sống sạch như một tấm lọc giúp bạn loại bỏ những thói quen xấu, tạp chất để phòng ngừa bệnh tật và khỏe mạnh cả thể chất lẫn tinh thần. Rèn luyện và hình thành được những thói quen sạch, bạn sẽ tránh xa bệnh tật và hưởng thụ một cuộc sống luôn vui vẻ, khỏe mạnh. Hơn thế nữa, lối sống này không chỉ tác động lên người tham gia mà còn cả cộng đồng và môi trường.

    Sống sạch hiện đang là lối sống được nhiều bạn trẻ theo đuổi. Cụ thể hơn ăn sạch (eat clean) đang là một trong những phương pháp giảm cân khoa học được nhiều người áp dụng. Ăn sạch hướng tới việc sử dụng các thực phẩm ở dạng tươi thô, ít chế biến nhằm hạn chế dầu mỡ và bảo toàn những dinh dưỡng vốn có.

    Không chỉ dừng lại ở ăn sạch, các bậc cha mẹ còn hướng con em mình tới lối sống sạch bằng những bài học về thiên nhiên và bảo vệ môi trường. Chỉ là những việc làm nhỏ và đơn giản như: tắt điện khi không dùng đến, tái chế và phân loại rác, không vứt rác bừa bãi… cũng có tác động mạnh mẽ tới môi trường thiên nhiên.

    Sống sạch là khi bạn tự rèn luyện cho mình ý thức và trách nhiệm về những hành động của bản thân. Từ đó, mỗi cá nhân sẽ trở thành tấm gương cho những người xung quanh

    Liệu rằng sống sạch có nhàm chán?

    Việc sống theo một phong cách khác mọi người sẽ khiến bạn nhận được những cái nhìn tò mò từ phía xã hội. Khi được bạn bè rủ đi ăn, bạn sẽ không thể nào thoải mái thưởng thức những món ăn không rõ nguồn gốc, nhiều dầu mỡ ngoài lề đường. Sống sạch cũng đồng nghĩa với việc hạn chế tiệc tùng thâu đêm với bạn bè hay những chất kích thích phổ biến trong giới trẻ ngày nay.

    Việc rèn luyện cho bản thân những thói quen “sạch”, hẳn sẽ khiến bạn cảm thấy khó chịu khi nhìn thấy những người vứt rác bừa bãi ở nơi công cộng. Lối sống này mang đến nhiều lợi ích nhưng đổi lại bản thân cần nhiều động lực và tính kỷ luật. Việc thay đổi hay hình thành một thói quen cần nhiều thời gian và sự nghiêm khắc của chính bạn.

    Sống sạch yêu cầu sự tự giác cao của mỗi cá nhân để hình thành và duy trì những thói quen “sạch” đó. Đôi khi, bạn sẽ phải biết cách nói lời từ chối để duy trì lối sống của mình và nhận lại được sự khó hiểu từ phía xã hội. Không chỉ vậy, ngay cả chính bản thân bạn cũng sẽ thấy mình thật kỳ cục và khác người.

    Sống sạch yêu cầu sự tự giác cao của mỗi cá nhân để hình thành và duy trì những thói quen “sạch” đó.

    Hơn thế nữa, việc tìm hiểu và luôn cập nhật thông tin về những kiến thức mới sẽ tốn kha khá thời gian của bản thân. Khi đi mua sắm, thay vì chỉ cần nhặt bất kỳ món đồ nào mình thích thì bạn sẽ phải học cách đọc bảng thành phần, thông tin dinh dưỡng, cam kết từ nhãn hàng để đảm bảo sản phẩm đó “xanh và sạch”.

    Chính vì vậy, bạn sẽ phải trang bị cho bản thân những kiến thức về dinh dưỡng, môi trường, hóa học… để có thể lựa chọn được sản phẩm phù hợp nhất. Một hạn chế khi sống sạch ở Việt Nam là sự đổ bộ của hàng loạt sản phẩm không rõ nguồn gốc.

    Đồng thời, các sản phẩm organic thường rất khó tìm và có giá thành cao hơn so với các sản phẩm thông thường. Chính vì vậy, sẽ có ít sự lựa chọn về thực phẩm hơn khi ăn sạch. Do đó, sự nhàm chán khi chỉ có một số loại thực phẩm được phép nạp vào người sẽ sớm khiến bạn nản chí.

    Như đã nhắc tới ở trên, sống sạch không chỉ dừng lại ở hành động, mà còn là suy nghĩ sạch. Trong cuộc sống căng thẳng hàng ngày, sẽ có những lúc mệt mỏi và khiến bạn rơi vào trạng thái tiêu cực. Những suy nghĩ này sẽ dễ khiến bạn mất tập trung, mệt mỏi và từ đó vô tình tạo áp lực cho bản thân. Mặc dù, sống sạch hướng đến sự tích cực trong suy nghĩ, nhưng đó lại không phải là điều mà ai cũng luôn làm được.

    Làm thế nào để khiến sống sạch trở nên thú vị?

    Không thể phủ nhận đây là một lối sống mang lại nhiều lợi ích và có tác động tích cực tới xã hội. Nhưng, hãy đừng để nó chỉ là trào lưu nhất thời. Muốn duy trì lối sống này, hãy biến nó trở nên thú vị bằng nhiều cách khác nhau. Thay vì chỉ ăn một số loại thực phẩm cố định với những cách chế biến nhàm chán, hãy thử tìm tòi và kết hợp các loại gia vị thảo mộc, cách nấu khác nhau nhằm mang tới những bữa ăn sạch phong phú.

    Mang niềm vui vào từng hành động cũng là một cách để biến lối sống này trở nên thú vị hơn. Việc đi siêu thị, tìm hiểu từng thành phần của sản phẩm sẽ giúp bạn nạp một lượng kiến thức mới, điều mà sẽ khiến bạn tự tin hơn trong cuộc sống và giao tiếp.

    Mặc dù, sống sạch đòi hỏi tính ký luật cao của bản thân, nhưng cũng đừng quá khắt khe với chính mình. Hãy kiên nhẫn, thay đổi từ từ và cho cơ thể có thời gian thích nghi. Đôi khi, hãy tự thưởng cho mình một bữa ăn ngoài với bạn bè để giúp tâm trạng được thoải mái. Cùng với đó, việc tìm người đồng hành cũng không phải là một lưa chọn tồi.

    Khi đó, bạn sẽ có thêm động lực và sự thấu hiểu trên con đường của mình.Đồng thời, hãy suy nghĩ tích cực hơn về việc làm của bản thân. Hãy nghĩ rằng, lối sống mà bạn đang theo đuổi không chỉ mang đến lợi ích về mặt sức khỏe, tinh thần cho bản thân bạn mà còn mang đến lợi ích cho tương lai xã hội.

    Mỗi vỏ lon được tái chế hay việc sử dụng sản phẩm không thí nghiệm trên động vật sẽ khiến bạn cảm thấy mình có trách nhiệm và tầm quan trọng hơn với cuộc sống của bạn và của nhân loại.

    Sống sạch không chỉ mang đến lợi ích về mặt sức khỏe, tinh thần cho bản thân bạn mà còn mang đến lợi ích cho tương lai xã hội.

    Việc suy nghĩ tích cực sẽ khiến bạn yêu đời hơn nhờ đó tăng năng suất làm việc. Việc loại bỏ đi những tạp chất sẽ mang lại một cái nhìn khác hơn về cuộc sống, ít cám dỗ và muộn phiền. Có thể, bản thân bạn sẽ thấy mình khác người ở thời điểm này và nghi ngờ những gì mình đã chọn. Nhưng chăc chắn, bạn của tương lại sẽ rất biết ơn những gì bạn đã đang và sẽ làm.

    Không chỉ là một trào lưu

    Sống sạch là một lối sống hiện đại, khi mà cuộc sống ngày càng trở nên bộn bề. Mặc dù đây đang là một trào lưu phổ biến nhưng đừng dừng lại ở đó. Hãy biến nó thành một lối sống, nơi mà bạn hoàn toàn được làm những gì mình thích và hứng thú. Sống sạch sẽ giúp bạn lan tỏa những thông điệp ý nghĩa về cuộc sống, con người và thiên nhiên. Mỗi ngày sẽ luôn là một ngày tràn ngập niềm vui và hạnh phúc khi bạn được sống có ý nghĩa.

    Theo Baophapluat.vn

    Biến thùng rác thành trạm phát wifi miễn phí

    0

    Một công ty ở Mỹ đã biến thùng rác thành trạm phát wifi miễn phí cho người dân và khách du lịch.

    Cuối năm 2014, Bigbelly, một công ty quản lý rác thải của New York đã cho thử nghiệm 2 thùng rác thông minh với kết nối Internet không dây tại quận Manhattan.

    Theo đó, tốc độ đường truyền Internet của thùng rác thông minh này lên tới 50-75 Mbs, đủ để người dùng có thể tải xuống một bộ phim HD trong vòng 9 phút hoặc tải lên 200 bức ảnh trong vòng 27 giây.


    Các thùng rác thông minh sử dụng năng lượng mặt trời và là điểm phát Wifi tại Mỹ.

    Big Belly đã đặt 170 thùng rác thông minh tại New York (Mỹ), trong số đó có 2 thùng rác được lắp đặt hệ thống phát Wifi miễn phí cho người dân và khách du lịch ở khu vực này.

    Trên thực tế, toàn bộ 170 thùng rác được lắp đặt tại quận Manhattan đều được tích hợp nhiều tính năng hiện đại để trở thành một thiết bị thông minh hữu ích trên đường phố.

    Những thùng rác này sử dụng năng lượng mặt trời để hoạt động. Chúng được các nhà thiết kế lắp đặt những con chip cảm biến, giúp tự theo dõi khối lượng rác ở trong thùng nhiều hay ít, mức độ phát mùi của mỗi thùng rác cũng như gửi tín hiệu thông báo cho nhân viên thu gom rác qua hệ thống đã được lập trình.

    Thậm chí, có một số thùng rác còn có thể tự động thu gọn khối lượng rác ở trong thùng nếu nó quá đầy để tiếp tục nhận thêm rác.

    “Chúng tôi sử dụng năng lượng mặt trời cho các thùng rác như một cách kết nối công nghệ thông minh trên các con đường ở thành phố New York”, Leila Dillon, Phó Chủ tịch tiếp thị toàn cầu của Big Belly nói. Ngoài ra, hệ thống thông minh trong các thùng rác còn có thể hiển thị dịch vụ thông báo và cảnh báo nơi công cộng.

    Theo moitruong.com.vn

    EVN HANOI: Khuyến cáo khách hàng sử dụng điện tiết kiệm trong dịp nắng nóng

    Trong nhiều năm qua, công tác đảm bảo cung cấp điện trên địa bàn Thủ đô luôn được xác định là một nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của Tổng công ty Điện lực TP Hà Nội (EVN HANOI).

    Đặc biệt là trong các dịp hè nắng nóng. Với việc thực hiện đồng bộ các giải pháp về kỹ thuật vận hành, đầu tư xây dựng cải tạo, nâng cấp và phát triển lưới điện, các chỉ số về chất lượng cung cấp điện ngày càng được cải thiện tốt hơn. Cụ thể kết quả năm 2017 là:

    – Thời gian mất điện trung bình (phút)/KH/năm – SAIDI: 543,1 phút, giảm 198 phút so với cùng kỳ và giảm được 3.452 phút so với 2013.

    – Số lần mất điện trung bình (lần)/KH/năm:

    + SAIFI (trên 05 phút): 2,58 lần giảm 3,81 lần so với cùng kỳ.

    + MAIFI (từ 05 phút trở xuống): 1,03 lần giảm 1,19 lần so với cùng kỳ.

    Nhằm đảm bảo cung cấp đủ điện, giảm đến mức thấp nhất thời gian mất điện và hạn chế nguy cơ sự cố, EVNHANOI đang tập trung chỉ đạo gấp rút hoàn thành đóng điện các công trình quan trọng và chuẩn bị sẵn sàng các nguồn lực theo phương án vận hành cung cấp điện trong mùa hè nắng nóng năm nay.

    Tình trạng nắng nóng gay gắt, kéo dài sẽ dẫn đến nhu cầu sử dụng điện tăng cao đột biến. 

    Theo thông tin từ Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, cao điểm mùa nắng nóng năm 2018 sẽ diễn ra trong các tháng 5, 6, 7;nhiệt độ cao nhất tại các tỉnh Bắc bộ có thể đạt mức 38-39 độ C.

    Trong những ngày đầu tháng 5/2018 đã xuất hiện đợt nắng nóng gay gắt đầu tiên ở Bắc Bộ và Trung Bộ (vào các ngày 7 và 8/5). Tại thủ đô Hà Nội, sản lượng điện tiêu thụ toàn thành phố đã đạt 64,6 triệu kWh (vào ngày 16/5/2018), đây là mức tiêu thụ điện trong ngày cao nhất từ đầu năm. Sản lượng điện tiêu thụ bình quân các ngày đầu tháng 5 (tính đến ngày 16/05/2018) đã tăng 21% so với tháng 4/2018.

    Tình trạng nắng nóng gay gắt, kéo dài sẽ dẫn đến nhu cầu sử dụng điện tăng cao đột biến, chủ yếu do việc sử dụng điều hòa nhiệt độ và các thiết bị làm mát tăng rất cao dẫn đến nguy cơ đầy tải và quá tải lưới điện cục bộ ở một số khu vực, gây mất an toàn ổn định vận hành hệ thống điện.

    Vì vậy, EVN HANOI khuyến cáo quý khách hàng hãy sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả, bằng việc hạn chế sử dụng các thiết bị tiêu thụ nhiều điện vào giờ cao điểm từ 11h00 ¸ 14h00 và từ 18h00 ¸ 23h00 hàng ngày. Đặc biệt khi sử dụng điều hòa nhiệt độ cần lưu ý để ở chế độ tối ưu, chỉ nên đặt ở mức 26 độ C trở lên, như vậy sẽ đảm bảo tiết kiệm điện tiên thụ, hạn chế tình trạng hóa đơn tiền điện tăng đột biến cho khách hàng, mặt khác sẽ góp phần giảm thiểu nguy cơ quá tải cục bộ, gây sự cố gián đọan cung cấp điện.

    Trong quá trình sử dụng điện, nếu có vướng mắc, quý khách hàng vui lòng liên hệ Trung tâm chăm sóc khách hàng của EVN HANOI theo số điện thoại 19001288 và 024 2222 2000 để được hỗ trợ và giải đáp.

    Theo VNE HANOI

    Biển Đông: Thảm họa môi trường đang tiềm tàng?

    Việc nạo vét và xây dựng trên các rạn san hô ở Biển Đông đang hủy hoại nghiêm trọng một trong những hệ sinh thái có sự đa dạng vào bậc nhất trên Trái Đất.

    Hầu hết sự tập trung chú ý về Biển Đông đều xoay quanh các hành động quân sự của Trung Quốc. Tuy nhiên, thảm họa tự nhiên đang âm thầm diễn ra trong khu vực cũng là một vấn đề gây quan ngại nghiêm trọng.

    Một báo cáo môi trường gần đây đã đề cập tới các số liệu và bằng chứng cụ thể cho thấy có một diện tích lớn các rạn san hô đang bị “xóa sổ” do sự ấm lên của nước biển. Tuy nhiên, bên cạnh các yếu tố thay đổi của môi trường tự nhiên, sự biến mất của nhiều rạn san hô còn do một yếu tố khác, đó chính là các hoạt động khai thác quá mức và cải tạo đảo của Chính phủ Trung Quốc.

    Phán quyết của Tòa Trọng tài ở La Hay hồi tháng 7/2016 về vụ kiện giữa Philippines và Trung Quốc nhấn mạnh việc Trung Quốc xây dựng 7 hòn đảo nhân tạo ở quần đảo Trường Sa đã vi phạm các nghĩa vụ về bảo vệ môi trường trong khuôn khổ Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS).

    Những rạn san hô đã chết sẽ bị chôn vùi dưới cát, sau đó kết thành khối và không thể tái sinh.

    Trong khi đó, Bắc Kinh tuyên bố các hoạt động xây đảo nhân tạo của họ là thuộc phạm vi “Dự án Xanh”, và các kỹ thuật mà họ sử dụng đơn giản là mô phỏng các quá trình vẫn diễn ra trong tự nhiên, chẳng hạn như việc những cơn bão trên biển cuốn mảnh vụn và xác các sinh vật biển khiến chúng kết tụ dần thành các thực thể trên biển.

    Ông John McManus, hiện đang làm việc tại Trường Rosenstiel, thuộc Đại học Miami, đã nhấn mạnh rằng việc cải tạo địa hình ở Bãi cạn Scarborough, quần đảo Pratas, quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa có thể đang khiến địa hình và môi trường tự nhiên tại các khu vực này bị phá hủy tới mức không thể khôi phục được. Năm 2016, trong một công trình nghiên cứu của mình, ông McManus kết luận tại khu vực Biển Đông, ít nhất 104 km2 diện tích san hô đã bị hủy hoại do hoạt động cải tạo của con người.

    Không chỉ xây đảo nhân tạo tại các đảo đá và rạn san hô có tranh chấp chủ quyền với các quốc gia khác, Trung Quốc còn cải tạo và phá hủy môi trường tại nhiều rạn san hô vòng, với tổng diện tích lên tới gần 60km2.

    Tính tổng số diện tích san hô bị hủy hoại do các hoạt động này của Trung Quốc, ông McManus cho rằng khoảng 10% diện tích san hô tại quần đảo Trường Sa và 8% diện tích san hô ở Hoàng Sa đã bị xóa sổ.

    Nhà sinh học Alan Freidlander, hiện đang làm việc tại Đại học Hawaii, cho biết việc nạo vét và xây dựng trên các rạn san hô ở Biển Đông đang hủy hoại nghiêm trọng một trong những hệ sinh thái có sự đa dạng vào bậc nhất trên Trái Đất.

    Những rạn san hô đã chết sẽ bị chôn vùi dưới cát, sau đó kết thành khối và không thể tái sinh. Điều mà nhiều chuyên gia liên tục lưu ý là khi tiến hành các hoạt động cải tạo và xây dựng ở Biển Đông, Trung Quốc cần xem xét và tôn trọng UNCLOS, một công ước mà chính họ cũng đã đặt bút ký.

    Điều 206 của UNCLOS nêu rõ: “Các quốc gia có cơ sở vững chắc để chứng minh rằng kế hoạch mà họ dự định tiến hành tại những khu vực mà họ có quyền tài phán hoặc quyền kiểm soát có thể khiến môi trường tại đó ô nhiễm hoặc tạo ra những thay đổi xấu tới môi trường biển thì các quốc gia đó phải đánh giá tác động của các hoạt động này đối với môi trường, và phải công bố kết quả đánh giá theo quy định được nêu trong Điều 205”.

    UNCLOS cũng yêu cầu các quốc gia phải tiến hành những đánh giá cần thiết trong trường hợp các hoạt động mà họ dự định tiến hành có thể có những tác động đáng kể vượt ra ngoài đường biên giới của mình.

    Đã đến lúc các cộng đồng an ninh và môi trường truyền thống ở Biển Đông cần có sự kết nối và hợp tác sâu sắc hơn. Các quốc gia ở Thái Bình Dương cần phải hiểu rõ các vấn đề liên quan tới cả khía cạnh quân sự và môi trường. Không thể phủ nhận một thực tế là Mỹ đang có những đóng góp hữu ích cho việc tăng cường công tác quản lý hoạt động đánh bắt cả ở Đông Nam Á.

    Các quốc gia khu vực cũng có thể hợp tác với các tổ chức môi trường, song khi vấn đề liên quan tới việc lên án các hoạt động cải tạo ở rạn san hô, người ta thường đối mặt với một sự “im lặng”. Nguyên nhân có thể là bởi việc bảo tồn các rạn san hô hiện không phải là một vấn đề nóng, không được dư luận quan tâm nhiều như những vấn đề môi trường khác, chẳng hạn như năng lượng sạch.

    Hơn thế nữa, nhiều quốc gia khu vực cũng khá dè dặt trong việc hợp tác với Mỹ do lo ngại điều này có thể khiến họ trở thành “con rối” của Washington. Một số nhà hoạt động môi trường cho rằng nhận thức của dư luận đối với nguy cơ mà các rạn san hô đang phải đối mặt không cao cũng là bởi sự vắng mặt của truyền thông.

    Hình ảnh những rạn san hô và các loài sinh vật biển đang đứng trước nguy cơ biến mất không xuất hiện nhiều và gây ám ảnh như các hình ảnh mô tả gấu trắng vất vả đi trên nền băng tan trơn trượt, hay những chú chim thoi thóp do dính dầu tràn trên biển, hoặc những chú voi với đôi ngà bị cắt cụt và những chú rùa mắc kẹt trong lưới đánh cá.

    Cho dù lý do là gì đi chăng nữa thì thảm họa môi trường tại Biển Đông cũng cần nhiều sự quan tâm như những gì người ta dành cho các hoạt động quân sự của Trung Quốc. Điều này cần tới sự phối hợp chặt chẽ hơn trên khía cạnh môi trường và quân sự, đòi hỏi sự vào cuộc của các chuyên gia ở cả hai lĩnh vực này, ngay cả khi điều đó có thể khiến Trung Quốc cho là vấn đề môi trường đã bị các nước láng giềng và khu vực “chính trị hóa” hoặc “thù địch hóa”.

    Theo Nghiên cứu Biển Đông/Aspistrategist

    1/7: Hà Nội thí điểm mở tuyến xe buýt sử dụng nhiên liệu sạch 

    Theo tin từ Sở Giao thông Vận tải Hà Nội, từ ngày 1/7, Hà Nội sẽ thí điểm mở tuyến xe buýt sử dụng nhiên liệu sạch (khí CNG).

    Đó là các tuyến bến xe Mỹ Đình-bến xe Sơn Tây, bến xe Yên Nghĩa-khu đô thị Đặng Xá, Bệnh viện nhiệt đới Trung ương cơ sở 2-khu đô thị Times City.

    Cả 3 tuyến buýt này đều do Công ty Trách nhiệm hữu hạn Du lịch Dịch vụ Xây dựng Bảo Yến vận hành.

    Tuyến buýt bến xe Mỹ Đình-bến xe Sơn Tây có lộ trình chiều đi: Bến xe Mỹ Đình-Phạm Hùng-Mễ Trì-Châu Văn Liêm-đại lộ Thăng Long (đường gom)-Phượng Cách-tỉnh lộ 421B-Tỉnh lộ 420-tỉnh lộ 419-quốc lộ 32-Chùa Thông (Sơn Tây)-bến xe Sơn Tây.

    Chiều về: Bến xe Sơn Tây-Chùa Thông (Sơn Tây)-quốc lộ 32-tỉnh lộ 419-tỉnh lộ 420-tỉnh lộ 421B-Phượng Cách-đại lộ Thăng Long (đường gom)-Lê Quang Đạo-Mễ Trì-Phạm Hùng-quay đầu tại nút giao Phạm Hùng, Tôn Thất Thuyết-Phạm Hùng-bến xe Mỹ Đình.

    Tuyến này dự kiến sẽ có 122 lượt xe/ngày; tần suất dịch vụ 15-20 phút/lượt.

    Cả 3 tuyến buýt này đều do Công ty Trách nhiệm hữu hạn Du lịch Dịch vụ Xây dựng Bảo Yến vận hành.

    Tuyến xe buýt bến xe Yên Nghĩa-khu đô thị Đặng Xá (đối viện nhà CT3 khu đô thị Đặng Xá), có lộ trình chiều đi: Bến xe Yên Nghĩa-Quang Trung (Hà Đông)-Lê Trọng Tấn (Hà Đông)-đường Phúc La, Văn Phú-Cầu Bươu-Thanh Liệt-Cầu Dậu-Nghiêm Xuân Yêm-Nguyễn Hữu Thọ-Giải Phóng-Bến xe Giáp Bát-Giải Phóng-Kim Đồng-Tân Mai-Tam Trinh-Minh Khai-Cầu Vĩnh Tuy- Đàm Quang Trung-Chu Huy Mân-Trần Danh Tuyên-Sài Đồng-Nguyễn Đức Thuận-Khu đô thị Đặng Xá-đường nội bộ ĐX2-đường vành đai nội bộ khu đô thị Đặng Xá (qua các khu nhà CT9B, D3, D13, D10)-khu đô thị Đặng Xá (đối diện nhà CT3 khu đô thị Đặng Xá).

    Chiều về: Khu đô thị Đặng Xá (Đối diện nhà CT3 Khu đô thị Đặng Xá)- đường vành đai nội bộ khu đô thị Đặng Xá (qua các khu nhà CT9B, D3, D13, D10)-đường nội bộ ĐX2-khu đô thị Đặng Xá-Nguyễn Đức Thuận-Sài Đồng- Trần Danh Tuyên-Chu Huy Mân-Đàm Quang Trung-Cầu Vĩnh Tuy-Minh Khai-Tam Trinh-Tân Mai-Kim Đồng-Giải Phóng-Nguyễn Hữu Thọ-Nghiêm Xuân Yêm-Cầu Dậu-Thanh Liệt-Cầu Bươu-Phúc La, Văn Phú-Lê Trọng Tấn (Hà Đông)-Quang Trung (Hà Đông)-bến xe Yên Nghĩa.

    Dự kiến trên tuyến này sẽ có 126 lượt xe/ngày; tần suất dịch vụ 15-20 phút/lượt.

    Tuyến xe buýt: Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương cơ sở II-khu đô thị Times City (Bệnh viện Vimmec) sẽ có lộ trình chiều đi: Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung Ương cơ sở II-Khu công nghiệp Bắc Thăng Long-Hoàng Sa- Phương Trạch-đường 6 km-cầu Nhật Tân-Võ Chí Công-Bưởi (đường dưới bên bờ sông Tô Lịch)-Đội Cấn-Liễu Giai-Kim Mã-Nguyễn Thái Học-Lê Duẩn- Trần Hưng Đạo-Bà Triệu-Trần Khát Chân-Võ Thị Sáu-Thanh Nhàn-Kim Ngưu-Cầu Mai Động-Minh Khai-khu đô thị Times City (Bệnh viện Vinmec).

    Chiều về: Khu đô thị Times City (Bệnh viện Vinmec)-Minh Khai-quay đầu tại gầm cầu Vĩnh Tuy-Minh Khai-Kim Ngưu-Cầu Mai Động-Thanh Nhàn-Võ Thị Sáu-Trần Khát Chân-Phố Huế-Hàng Bài-Trần Hưng Đạo-Quán Sứ-Hai Bà Trưng-Thợ Nhuộm-Điện Biên Phủ-Trần Phú-Sơn Tây-Kim Mã-Liễu Giai-Đội Cấn-Bưởi (đường dưới bên nút giao Đội Cấn)-Võ Chí Công-Cầu Nhật Tân – Hoàng Sa-khu công nghiệp Bắc Thăng Long-bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương cơ sở II. Tuyến này tần suất 138 lượt xe/ngày; tần suất dịch vụ 12-15 phút/lượt.

    Xe buýt sử dụng nhiên liệu sạch CNG đã được đưa vào hoạt động thành công ở địa bàn thành phố Hồ Chí Minh.

    Theo tính toán đối với 21 xe đưa vào chạy thí điểm từ năm 2011, sau một năm chạy thử nghiệm, các xe buýt CNG tiết kiệm được 2 tỷ đồng (23% chi phí nhiên liệu) so với các xe chạy dầu DO trên cùng cự ly.

    So với động cơ xăng và dầu DO, sử dụng khí CNG động cơ vận hành êm, các khí độc hại giảm từ 53 đến 63%, khí CO2 giảm 20%, không gây bụi và khói đen.

    Theo TTXVN