Các chuyên gia y tế cảnh báo trong số các nguyên nhân gây ra ung thư phổi, có thể thấy thuốc lá và ô nhiễm không khí là những yếu tố đáng lưu ý nhất, nhưng đáng lo hơn, những yếu tố này càng nghiêm trọng hơn khi nhiều quốc gia chưa có chính sách kiểm soát hiệu quả.

Cụ thể, ở Trung Quốc, quốc gia sản xuất 40% tổng số thuốc lá toàn cầu và thường xuyên đối mặt với hiểm họa sương khói đầy độc hại ở các thành phố lớn thì đồng thời cũng chiếm hơn 1/3 tổng số ca chết vì ung thư phổi trên toàn cầu.

Các chuyên gia cho rằng, chỉ có 5% tới 10% của tất cả các trường hợp ung thư có thể cho là do lỗi gene. Trong khi đó, có tới 90% đến 95% là căn nguyên từ môi trường và lối sống. Theo đó, tác hại từ việc hút thuốc, béo phì, ô nhiễm môi trường và thực phẩm công nghiệp là nguyên nhân chính gây ra ung thư.

Theo báo cáo Ung thư Thế giới của Cơ quan Nghiên cứu về Ung thư Quốc tế thuộc WHO, số ca mắc bệnh ung thư trên thế giới có khả năng sẽ tăng thêm 22 triệu người mỗi năm trong vòng 2 thập kỷ tới.

Khói thuốc và ô nhiễm không khí được xem là nguyên nhân gây ra nhiều bệnh tật hiểm nghèo.

Những bệnh hiểm nghèo do ô nhiễm môi trường

Đột quỵ: Ô nhiễm không khí lần đầu tiên được xác định là một trong 10 nguyên nhân hàng đầu gây đột quỵ dẫn tới tàn tật và tử vong ở người, chủ yếu tại các quốc gia đang phát triển. Đây là kết quả nghiên cứu của một nhóm nhà khoa học quốc tế, được đăng tải trên Tạp chí Thần kinh học (The Lancet Neurology). Ước tính, mỗi năm có khoảng 15 triệu người bị đột quỵ trên toàn thế giới, trong đó có gần 6 triệu người tử vong và 5 triệu người bị tàn tật như mất khả năng nhìn, nói, liệt người và lẩn thẩn.

Tăng huyết áp: Nghiên cứu của các nhà khoa học Đức tìm hiểu ảnh hưởng của không khí ô nhiễm lên huyết áp người dân năm 2000 – 2003 cho thấy loại ô nhiễm này đang là kẻ thù giấu mặt của bệnh tim – căn bệnh đang có xu hướng gia tăng ở cư dân đô thị. Khi tiếp xúc với ô nhiễm không khí trong một thời gian dài, huyết áp tăng lên rõ rệt. Ở nữ giới, bệnh tăng huyết áp do ô nhiễm không khí cao hơn ở nam giới. Thống kê cho thấy có khoảng 10 triệu người Việt Nam mắc bệnh tăng huyết áp trong năm 2014 và con số này không ngừng tăng lên theo từng năm.

Bệnh bụi phổi: Bệnh bụi phổi có thể gây nên do nhiều loại bụi vô cơ và bụi hữu cơ khác nhau, trong đó quan trọng nhất là bụi vô cơ silic. Bụi vô cơ gồm có loại bụi trơ như bụi than, bụi sắt, bụi silic, bụi xi măng, bụi cao lanh, bụi đá, bụi sa thạch, bụi granit, bụi mica, bụi thạch anh… Ngoài ra còn có loại bụi có hoạt tính hóa học như bụi silic, bụi amiăng, bụi magie, bụi berili…

Thời gian tiếp xúc với không khí có chứa nhiều bụi bẩn càng lâu, nồng độ bụi trong không khí càng cao thì diễn biến bệnh càng nặng và càng tăng nhanh thời gian bị mắc bệnh. Thông thường thời gian tiếp xúc cần thiết để người có thể mắc bệnh bụi phổi loại bụi silic mất khoảng từ 5 đến 10 năm.

Bệnh tâm thần phân liệt: Theo một nghiên cứu mới đây thì việc tiếp xúc sớm với ô nhiễm không khí gây ra các biến đổi có hại ở não, tương tự như những gì chúng ta quan sát được ở bệnh tự kỷ hay tâm thần phân liệt. Đối với con người, tâm thần phân liệt khiến người bệnh rối loạn khả năng tư duy, mất ý thức muốn làm việc, dần dần trở nên cách ly với xã hội.

Béo phì: Các nhà khoa học Trung Quốc kết luận rằng hít thở thường xuyên không khí ô nhiễm ảnh hưởng nghiêm trọng đến quá trình chuyển hóa gây ra các bệnh tiểu đường, béo phì. Một nghiên cứu được thực hiện trước đó tại miền Nam bang California cũng cho thấy nơi có mật độ dân số cao và không khí ô nhiễm nặng nề, chỉ số cân nặng của người dân thường cao hơn so với các khu vực khác. Một nghiên cứu khác được thực hiện tại New York cũng chỉ ra ô nhiễm không khí ảnh hưởng xấu đến việc mang thai cũng như chứng béo phì ở trẻ em.

Ngăn ngừa bệnh hiểm nghèo bằng cách nào?

Theo WHO, hơn 30% các ca chết vì ung thư có thể được ngăn ngừa nếu chúng ta điều chỉnh hay tránh các tiếp xúc với nhân tố gây bệnh quan trọng như tránh thuốc lá vốn là yếu tố quan trọng nhất gây ra 22% tổng ca chết vì ung thư toàn cầu cũng như khoảng 71% ung thư phổi, hạn chế béo phì, có chế độ dinh dưỡng khỏe mạnh với việc dùng nhiều trái cây và hoa quả.

Chúng ta cũng nên vận động nhiều hơn, giảm sử dụng rượu bia, quan hệ tình dục an toàn để tránh nhiễm virut HPV vốn có liên quan đến ung thư cổ tử cung ở nữ giới. Còn về mặt nhà nước, một chính sách giảm ô nhiễm không khí, đặc biệt ở các đô thị lớn là điều nên được tiến hành.

Theo moitruong.com.vn