17 C
Hanoi
Thứ tư, Tháng mười hai 25, 2024
More
    Home Blog Page 429

    Cạnh tranh và đổi mới: Doanh nghiệp cần sử dụng hiệu quả nguyên vật liệu

    Hiện nay, các nước công nghiệp trên thế giới đang sử dụng từ 31 – 74 tấn vật liệu/người/năm. Trong tương lai, khả năng tiếp cận những nguồn tài nguyên này càng trở nên khó khăn hơn. Do đó, sử dụng hiệu quả nguyên vật liệu được xem như một yếu tố quan trọng trong cạnh tranh và đổi mới. 

    Tình hình sử dụng tài nguyên của nền kinh tế thế giới.

    Từ năm 1980 đến năm 2005, 4 nhóm tài nguyên (bao gồm những vật liệu được sử dụng) là: nhiên liệu hóa thạch; quặng kim loại; khoáng sản công nghiệp, xây dựng; và sinh khối (từ nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản).

    Biểu đồ cho thấy việc khai thác những nguồn tài nguyên thay đổi đều trong vòng 25 năm, từ 40 tỷ tấn năm 1980 đến 58 tỷ tấn năm 2005, với tốc độ tăng trưởng tích lũy 45%. Tuy nhiên, tốc độ này phân bố không đều giữa các nhóm vật liệu chính. Khai thác quặng kim loại tăng nhiều nhất (hơn 65%), cho thấy tầm quan trọng liên tục của nhóm tài nguyên này đối với phát triển công nghiệp. Khai thác sinh khối tăng dưới đường cong của các nhóm khác. Do vậy, tỷ lệ những nguồn tài nguyên tái tạo trong tổng khai thác tài nguyên đang giảm trên toàn thế giới.

    Hiệu quả sử dụng vật liệu trong sản xuất công nghiệp tập trung vào lượng vật liệu nhất định cần để sản xuất ra một sản phẩm nhất định. Hiệu quả sử dụng vật liệu có thể được nâng cao bằng cách giảm lượng vật liệu chứa trong sản phẩm cuối cùng (giảm trọng) hoặc giảm lượng vật liệu tham gia vào quá trình sản xuất nhưng lại bị thải bỏ.

     Ba thành phần của sử dụng hiệu quả vật liệu có thể được nhận định như sau:

    • Giảm trọng trong quá trình sản xuất;
    • Giảm thiểu chất thải trong quá trình sản xuất;
    • Tái chế vật liệu trong chu trình sản xuất – tiêu thụ;

    Theo chu trình sản xuất – tiêu thụ công nghiệp, hiệu quả sử dụng vật liệu liên quan tới lượng tài nguyên cần thiết để sản xuất ra một lượng sản phẩm nhất định, vật liệu thải sau khi tiêu thụ xong được tái chế và quay trở lại để sản xuất.

    Vì sao sử dụng hiệu quả nguyên vật liệu mang lại lợi ích cho doanh nghiệp vừa và nhỏ?

    Có rất nhiều ích lợi đem lại từ việc nâng cao hiệu quả sử dụng vật liệu:

    Sử dụng hiệu quả sử dụng vật liệu liên quan tới lượng tài nguyên cần thiết để sản xuất ra một lượng sản phẩm nhất định, vật liệu thải sau khi tiêu thụ xong được tái chế và quay trở lại để sản xuất.

    Đầu tiên, các nguồn tài nguyên thiên nhiên sẽ được sử dụng một cách hiệu quả nhất kéo theo lượng tài nguyên được dự trữ tốt hơn, đảm bảo dễ tiếp cận trong việc sử dụng tài nguyên và có chi phí rẻ nhất, giảm chi phí sản xuất và nâng cao chất lượng sống, do đó những nguồn tài nguyên này sẽ khả dụng cho các thế hệ sau. Việc cạn kiệt các nguồn tài nguyên cản trở sự phát triển, cho nên việc bảo tồn những nguồn tài nguyên này còn đem lại nhiều lợi ích khác.

    Thứ hai, giảm nhu cầu sử dụng nguyên liệu thô sẽ làm giảm những tác động của việc khai thác nguyên liệu thô, bao gồm cả những ảnh hưởng về mặt môi trường và xã hội.

    Thứ ba là tiết kiệm năng lượng và giảm khí thải nhà kính. Việc sử dụng hiệu quả tài nguyên thiên nhiên thì lượng tài nguyên đi vào sản phẩm nhiều hơn dẫn đến định mức tiêu hao năng lượng và nhiên liệu để sản xuất ra một sản phẩm giảm xuống. Và, việc tái chế nguyên liệu có thể tiết kiệm hầu hết năng lượng cần thiết cho tinh chế và xử lý.

    Thứ tư, hiệu quả sử dụng nguyên liệu tăng dẫn đến giảm lượng nguyên liệu thải ra các bãi chôn lấp hoặc đốt, giảm diện tích đất sử dụng, giảm ô nhiễm nước, không khí và các tác động tiêu cực khác từ việc quản lý chất thải.

    Thứ năm, nâng cao hiệu quả thu gom và tái chế chất thải, đặc biệt đối với bao bì đồ uống và túi nhựa có thể làm giảm lượng rác thải ra đất và nước và trong một số trường hợp còn giảm sự tắc nghẽn của hệ thống thoát nước. Trên thực tế, giảm lượng rác vứt bừa bãi nhằm phục vụ cho nhu cầu mĩ quan là một động lực chính cho cơ chế tái chế chất thải đô thị ở nhiều khu vực.

    Doanh nghiệp có thể nâng cao hiệu quả sử dụng nguyên liệu bằng cách nào?

    Phân tích dòng nguyên liệu là một cách tiếp cận hệ thống nhằm mục đích:

    • Đưa ra tổng quan về nguyên liệu được sử dụng trong doanh nghiệp
    • Xác định điểm đầu, thể tích và các nguyên nhân phát sinh chất thải và khí thải
    • Thiết lập cơ sở đánh giá và dự báo cho việc phát triển trong tương lai
    • Xác định chiến lược cải thiện tình hình chung

    Cách tốt nhất để xác định mục tiêu là bắt đầu phân tích dòng nguyên liệu trong toàn bộ doanh nghiệp. Đầu tiên, phân tích đầu vào/đầu ra toàn diện sẽ trả lời các câu hỏi sau:

    Cạn kiệt các nguồn tài nguyên cản trở sự phát triển, cho nên việc bảo tồn những nguồn tài nguyên này còn đem lại nhiều lợi ích khác.

    • Những nguyên liệu nào được sử dụng trong doanh nghiệp?
    • Bao nhiêu nguyên liệu được chế biến?
    • Giá trị về mặt kinh tế của chúng là gì?
    • Bao nhiêu chất thải và khí thải thải bỏ ra ở cuối quy trình sản xuất?

    Mục tiêu là vẽ được một bản đồ rõ ràng về sơ đồ quy trình của công ty nhằm hiểu rõ cách hệ thống vận hành – nghĩa là, ai và cái gì tham gia vào quy trình và làm gì trong quy trình. Bản đồ sẽ giúp hiểu rõ nơi vật liệu được sử dụng và định vị. Dòng quy trình bao gồm cả chuỗi hoạt động thực hiện ở doanh nghiệp và những hoạt động bên ngoài có thể tác động tới công ty, từ những sản phẩm và dịch vụ mà doanh nghiệp mua, tới những sản phẩm và dịch vụ mà doanh nghiệp cung cấp.

    Theo VNCPC

    Thiết bị thông minh giúp tạo ra nước uống từ không khí 

    0

    Các nhà nghiên cứu đã chứng minh, bạn hoàn toàn có thể tạo ra nước uống sạch ngay từ trong không khí nhờ thiết bị thông minh, thậm chí ở vùng sa mạc khô cằn nhất.

    Ngay cả ở những nơi khô cằn nhất trên Trái đất thì phương pháp chiết xuất từ độ ẩm ít ỏi trong không khí là cách duy nhất để tồn tại trong hoàn cảnh thiếu nước trầm trọng. Và hiện nay, các nhà nghiên cứu tại MIT đã chứng minh rằng có một hệ thống có thể có tác dụng.

    Thiết bị mới, dựa trên một nền tảng mà nhóm nghiên cứu đề xuất lần đầu tiên vào năm ngoái, đã được thử nghiệm trên thực tế trong điều kiện không khí khô khan tại thành phố Tempe, Arizona, khẳng định tiềm năng của phương pháp mới này. Mặc dù vậy, thiết bị vẫn còn nhiều chỗ cần phải cải thiện và nâng cấp.

    Nghiên cứu mới được công bố ngày 22/3 trên tạp chí Nature Communications bao gồm một số cải tiến đáng kể so với khái niệm ban đầu mà đã được mô tả vào năm ngoái trong một bài báo trên tạp chí Science.

    Các nhà nghiên cứu tại MIT đã phát triển một thiết bị mới có khả năng hút ẩm từ không khí rất khô. Ảnh: Theo Science Daily

    Evelyn Wang, giáo sư Gail E. Kendall thuộc Bộ Cơ khí, tác giả cấp cao của cả hai bài báo, ông Sameer Rao thuộc MIT và cựu nghiên cứu sinh Hyunho Kim, là những tác giả chính của bài báo mới nhất, cùng với bốn người khác ở MIT và Đại học California tại Berkeley.

    Bà Wang nói rằng bài báo năm ngoái đã thu hút rất nhiều sự chú ý. “Có khá nhiều ý kiến cường điệu và một số lời chỉ trích. Bây giờ, tất cả các câu hỏi được đặt ra từ thời gian qua đến nay đã được minh chứng rõ ràng trong bài báo này.”

    Các nhà nghiên cứu cho biết, hệ thống, dựa trên các vật liệu công nghệ cao mới có tên là MOFs, có thể chiết xuất nước uống từ những vùng khô cằn nhất trong không khí sa mạc, với độ ẩm tương đối thấp tới 10%.

    Các phương pháp chiết xuất nước từ không khí đòi hỏi mức độ cao hơn nhiều – độ ẩm 100% đối với phương pháp thu hái sương, và trên 50% đối với hệ thống làm lạnh nước thu hoạch từ sương, đòi hỏi phải có một lượng lớn năng lượng để làm mát. Vì vậy, hệ thống mới có khả năng đáp ứng nhu cầu về nước ngay cả ở những khu vực khô hạn nhất thế giới.

    Bà Wang còn cho biết, nhóm nghiên cứu đang thử nghiệm thực địa tại một nơi đại diện cho những khu vực khô cằn nhất và kết quả cho thấy rằng chúng ta có thể thu hoạch được nước, ngay cả ở các điểm sương mù dưới đáy biển.

    Các nhà nghiên cứu cho biết thiết bị kiểm tra chỉ được cung cấp năng lượng bởi ánh sáng Mặt trời, và mặc dù nó là một thiết bị thử nghiệm, nếu tăng sản lượng thì sẽ tương đương với hơn một phần tư lít nước mỗi ngày.

    Theo ông Hyunho Kim, với sự lựa chọn vật liệu tối ưu, sản lượng có thể gấp 3 lần so với phiên bản hiện tại. Bà Wang nói: “Không giống bất kỳ phương pháp nào khác để chiết xuất nước từ không khí với độ ẩm thấp, với cách tiếp cận này, bạn thực sự có thể làm được, ngay cả trong những điều kiện khắc nghiệt.”

    Nhưng những hệ thống này khiến máy bơm và máy nén có thể bị mòn, trong khi không có bộ phận chuyển động, nó có thể được vận hành một cách hoàn toàn thụ động ở những nơi có độ ẩm thấp nhưng lượng ánh sáng mặt trời lớn.

    Trong khi nhóm nghiên cứu trước đây mô tả khả năng vận hành hệ thống một cách thụ động, ông Rao nói, “bây giờ chúng tôi đã chứng minh được rằng điều này thực sự có thể”. Phiên bản hiện tại chỉ có thể hoạt động trong một chu kỳ đêm và có ánh sáng Mặt trời, nhưng cũng có thể hoạt động liên tục bằng cách sử dụng các nguồn nhiệt độ thấp như sinh khối và nhiệt thải.

    Ông Rao cho biết thêm: “Chúng tôi hy vọng sẽ có một thiết bị có khả năng sản xuất ra hàng lít nước”. Những hệ thống kiểm tra nhỏ ban đầu này chỉ được thiết kế để tạo ra một vài mililit. Hiện nay, ý tưởng là sản xuất các đơn vị đủ cung cấp nước cho các hộ gia đình cá nhân”.

    Nhóm nghiên cứu kiểm tra nước từ thiết bị sản xuất và không tìm thấy dấu vết tạp chất. Thử nghiệm quang phổ khối cho thấy “không có gì khác lạ từ thiết bị rớt vào trong nước”, bà Wang nói. “Nó cho thấy thiết bị vận hành thực sự là rất ổn định, và chúng ta hoàn toàn có thể có được loại nước chất lượng cao.”

    Theo moitruong.com.vn

    Áp dụng trí tuệ nhân tạo giúp tăng năng suất trong nông nghiệp

    Một dự án khởi nghiệp sử dụng trí tuệ nhân tạo trong nông nghiệp đang hứa hẹn sẽ “cứu đói” cho người dân ở châu Phi.

    Mỗi năm, các nước ở châu Phi phải chi đến 35 tỷ đô la để nhập khẩu lương thực. Tuy nhiên, một dự án khởi nghiệp được thực hiện tại thành phố Cape Town (Nam Phi) đang hứa hẹn sẽ giảm bớt con số khổng lồ trên bằng cách sử dụng những chiếc máy bay không người lái hỗ trợ người nông dân trong việc kiểm soát sâu bệnh và tình hình sức khỏe cây trồng, giúp tăng năng suất thu hoạch.

    Khoảng 60% người châu Phi sống ở nông thôn, và những cộng đồng này phụ thuộc nhiều vào nông nghiệp. Ngân hàng Phát triển châu Phi đang đầu tư 24 tỷ đô la trong 10 năm tới để thay đổi tình hình nông nghiệp. Việc tăng năng suất và nâng cao khả năng tiếp cận với các công cụ hiện đại và những thông tin quản lý đất đai là rất quan trọng. Và đó là nền tảng để công ty Aerobotics ra đời. Được thành lập bởi James Paterson, công ty trẻ này đang ấp ủ ước mơ sử dụng trí tuệ nhân tạo giải quyết những vấn đề cấp thiết.

    Aerobotics sử dụng máy bay điều khiển từ xa và các thuật toán để giúp nông dân theo dõi tình trạng cây trồng. Ảnh: Internet 

    Paterson lớn lên trong một trang trại trái cây gần thành phố Cape Town trước khi tốt nghiệp với bằng Thạc sỹ về Hàng không và Phi hành gia từ MIT. Năm 2014, ông bắt đầu lắp ráp máy bay không người lái trong một gara với người đồng sáng lập Benji Meltzer.

    Nhiệm vụ của những chiếc máy bay này là chụp những khu vực trồng trọt của nông dân, với mục đích tối ưu hóa năng suất cây trồng và giảm chi phí. Aerobotics hứa hẹn với khách hàng rằng sản lượng sẽ tăng lên đến 10%.

    Để đạt được điều này, họ sử dụng máy tính để phân tích những hình ảnh được chụp từ vệ tinh, máy bay không người lái và điện thoại di động. Các kết quả được đưa vào ứng dụng Aeroview- 1 app của công ty. Meltzer cho biết: “Toàn bộ hệ sinh thái được đưa vào Aeroview, nơi tập trung và thu thập thông tin chi tiết”.

    Aeroview phân tích dữ liệu nhận được để làm nổi bật các khu vực trồng trọt kém hiệu quả để nông dân kiểm tra và chăm sóc. Nó cũng có thể chẩn đoán các vấn đề của cây trồng gây ra bởi dịch bệnh, sâu bệnh, thiếu nước hoặc chất dinh dưỡng.

    Aerobotics hiện đang hoạt động tại 11 quốc gia, bao gồm Hoa Kỳ, Nga và Anh. Với gần 200 nhóm khách hàng trên toàn thế giới (khoảng 85% ở Nam Phi), họ đang có kế hoạch mở rộng đội ngũ phát triển phần mềm và thương mại nhanh chóng. Hiện tại, Aerobotics đang tiến hành cải tiến công nghệ nhằm mục đích mang lại những vụ mùa bội thu hơn.

    Theo Vietq

    VNCPC hỗ trợ doanh nghiệp Myanmar thực hiện Chương trình Sử dụng hiệu quả tài nguyên và SXSH

    Mới đây, 10 doanh nghiệp tại Myanmar đã được lựa chọn để tham gia Chương trình Sử dụng hiệu quả tài nguyên và Sản xuất sạch hơn (RECP). Chương trình do Công ty TNHH Trung tâm Sản xuất sạch hơn Việt Nam (VNCPC) phối hợp cùng Sofies (Thụy Sỹ) thực hiện.

    Các doanh nghiệp này tập trung chủ yếu ở thủ đô Yangon và thành phố Mandalay, với các ngành nghề kinh doanh khác nhau như: chế biến thủy sản, chế biến sữa, nhựa, xi măng, rượu, chế biến gạo, bánh kẹo và khách sạn.

    Từ năm 2013, Tổ chức Phát triển Công nghiệp Liên hợp quốc (UNIDO) bắt đầu xúc tiến hỗ trợ thực hiện Chương trình Sử dụng hiệu quả tài nguyên và Sản xuất sạch hơn bằng các hoạt động như đào tạo, nâng cao năng lực cho các chuyên gia, cán bộ nhà nước và doanh nghiệp.

    Chuyên gia VNCPC đánh giá hiệu quả chiếu sáng trong khu vực chế biến sản phẩm tại doanh nghiệp.

    Sau khi đào tạo và nâng cao năng lực, dự án đã lựa chọn được 10 doanh nghiệp tại Myanmar để hỗ trợ đánh giá RECP chuyên sâu, do VNCPC phối hợp cùng Sofies (Thụy Sỹ) triển khai. Thời gian thực hiện, từ tháng 1 đến tháng 6 năm 2018, với 2 đợt đánh giá tại nhà máy và hoạt động tổ chức hội thảo phổ biến thông tin.

    Đối với các doanh nghiệp sản xuất tại Myanmar, đây là lần đầu tiên được tiếp cận với chương trình RECP. Vì vậy, các chuyên gia đều đánh giá rằng: tiềm năng tiết kiệm năng lượng, hóa chất, nước và nguyên vật liệu của các doanh nghiệp là rất lớn.

    Theo đó, ngay sau khi nhận được báo cáo tư vấn đợt 1 của các chuyên gia, các doanh nghiệp đã bắt tay ngay vào việc thực hiện các giải pháp đơn giản, với chi phí đầu tư thấp như: bảo ôn, điều chỉnh thông số dây chuyền lạnh, vệ sinh dàn ngưng, điều chỉnh đầu đun nhựa… và đã thu lại được những kết quả rất tích cực. Thậm chí, không ít doanh nghiệp đã lên kế hoạch thay đổi dây chuyền, máy móc sang sử dụng thiết bị có hiệu suất sử dụng năng lượng cao và hiệu quả hơn.

    Chuyên gia VNCPC cùng cán bộ kỹ thuật của doanh nghiệp đánh giá hiệu quả hệ thống dàn ngưng lạnh.

    Bà Naing Naing Linn – Giám đốc Ban Hiệu quả và Bảo tồn năng lượng – Tổng cục Hợp tác Công nghiệp (Bộ Công nghiệp Myanmar) sau chuyến đi thị sát cùng đoàn công tác đã đánh giá rất cao hiệu quả của chương trình và mong muốn rằng thời gian tới, sẽ có thêm nhiều dự án tiếp tục hỗ trợ cho các doanh nghiệp Myanmar trong việc Sử dụng hiệu quả tài nguyên và Sản xuất sạch hơn.

    Theo VNCPC

    Giấy dán tường chịu lửa có thể báo cháy

    0

    Nhóm chuyên gia ở Viện Gốm sứ Thượng Hải Trung Quốc đã chế tạo loại giấy dán tường vô cơ chịu lửa có sử dụng graphene có thể hoạt động như một tín hiệu báo cháy.

    Hiện nay thì ngoài sơn, nhiều căn hộ hay sử dụng giấy dán tường. Đây là một cách khá hợp lý để trang trí các bức tường theo ý thích, nhưng giấy dán tường có một bất lợi rất nguy hiểm, là hay bắt lửa dễ cháy.

    Nhằm khắc phục những rủi ro đó, các nhà nghiên cứu Trung Quốc gần đây đã phát triển được loại giấy dán tường vô cơ chịu lửa. Hơn thế nữa loại giấy dán tường này có sử dụng graphene có thể hoạt động như một tín hiệu báo cháy.

    ACS Nano cho biết trong thành phần của loại giấy dán tường như vậy bao gồm các sợi hydroxyapatite và các bộ cảm biến nhiệt đặc biệt bằng graphene oxide. Chính các bộ cảm biến này sẽ cảnh báo một khi có hỏa hoạn.

    Sơ đồ giấy dán tường báo cháy – Ảnh: ASC Nano

    Khi nhiệt độ đạt đến ngưỡng 130 độ C, các cảm biến này báo động chỉ sau 2 giây và báo động liên tục trong hơn 5 phút.

    Nhóm chuyên gia ở Viện Gốm sứ Thượng Hải, do nhà nghiên cứu Zhi-Chao Xiong đứng đầu, chịu trách nhiệm nghiên cứu loại giấy dán tường kỳ diệu này. Họ đã phát triển công nghệ đưa các cảm biến graphene vào nền giấy và trên cơ sở đó, tạo ra một loại giấy vô cơ không cháy.

    Cơ sở của giấy dán tường là cấu trúc của các sợi nano hydroxyapatite dài hơn 10 micromet và độ dày khoảng 10 nanomét. Chúng tạo cho giấy có độ bền cơ học, trong khi vẫn nhẹ và chịu được hỏa hoạn.

    Graphene oxide cũng được các nhà khoa học sử dụng trong loại giấy dán tường mới là vì khi nhiệt độ tăng lên, nó gây ra một chuỗi các phản ứng hóa học khiến cảm biến báo động bằng tín hiệu ánh sáng hoặc âm thanh.

    Điều đặc biệt là các bộ cảm biến này vẫn hoạt động ổn định trong trường hợp nhiệt độ lên đến 250 độ C. Để tăng tính chịu lửa, các nhà khoa học đã thêm các phân tử polydopamine vào thành phần cấu tạo của giấy.

    Theo moitruong.com.vn

    Cửa sổ thông minh có thể tự đổi màu để tiết kiệm năng lượng

    0

    Theo nghiên cứu được công bố ngày 8/3/2018 trên Tạp chí Chem của Mỹ, các nhà khoa học Canađa vừa chế tạo loại cửa sổ thông minh có thể tự đổi màu để tiết kiệm năng lượng.

    Cụ thể, các nhà khoa học đã phủ cồn có chứa các ion kim loại lên mặt kính của các cửa sổ, sau đó sử dụng tia cực tím để tạo một lớp màng bao phủ toàn bộ lớp kính cửa sổ. Lớp màng này hoàn toàn trong suốt, nhưng sau khi được truyền điện đã chuyển thành màu xanh.

    Hình minh họa.

    Theo các nhà khoa học, những cửa sổ trên có thể giữ được năng lượng trong tòa nhà khi chuyển đổi từ trạng thái không có màu sang trạng thái có màu sắc, qua đó kiểm soát được nhiệt lượng và ánh sáng mặt Trời phụ thuộc vào kết cấu và nhu cầu của những người bên trong tòa nhà. Việc chế tạo cửa sổ theo cách trên sẽ không đòi hỏi phải có nhiệt độ cao hoặc thiết bị chân không hiện đại giống như những loại cửa sổ thông minh khác, do vậy đã giúp giảm chi phí sản xuất.

    Những cửa số thông thường thường làm mất đi 1/3 nguồn năng lượng mặt Trời được sử dụng để sưởi ấm, thông gió và phục vụ cho những tòa nhà được lắp đặt hệ thống điều hòa nhiệt độ, tuy nhiên, cửa sổ thông minh có thể giúp tiết kiệm nguồn năng lượng này tới 20%.

    Việc nghiên cứu sản xuất và đưa vào lưu hành trên thị trường loại cửa sổ trên đã góp phần cung ứng cho thị trường vật liệu những dòng sản phẩm mới thân thiện, đảm bảo được sức khoẻ cho người sử dụng, và tiết kiệm được nguồn tài nguyên đang ngày càng bị cạn kiệt.

    Theo tapchimoitruong.vn

    Đánh thuế tài nguyên nước để sử dụng nguồn nước có hiệu quả

    Nguồn thu chính từ tài nguyên nước đến từ thu thuế, phí, lệ phí tài nguyên nước, song nguồn thu này không tương xứng với tốc độ phát triển kinh tế – xã hội, do đó cần có những chính sách về thu thuế tài nguyên nước để sử dụng nguồn nước hiệu quả.

    Đây là ý kiến của nhiều chuyên gia tại hội thảo “Giải pháp xanh cho nguồn nước” do Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức sáng nay (16/3), tại Hà Nội.

    Các chuyên gia nhận định, vấn đề quản lý nước bền vững đang trở nên cấp bách khi nước ta mới chủ động được 30% nguồn nước, gần 70% còn lại là lượng nước phát sinh từ bên ngoài lãnh thổ. Nguồn nước này lại xu hướng giảm do các quốc gia thượng nguồn tích nước để xây dựng thủy điện và phục vụ cho phát triển kinh tế-xã hội của nước họ. Bên cạnh đó, tình trạng sử dụng nước chưa hiệu quả, nguồn nước liên tục bị suy giảm cả về số lượng và chất lượng cùng với ảnh hưởng của thiên tai, biến đổi khí hậu đã và đang gây sức ép không nhỏ đến toàn bộ đời sống người dân và tăng trưởng kinh tế.

    Ông Châu Trần Vĩnh, Phó cục trưởng Cục quản lý tài nguyên nước, Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết, ô nhiễm do nước thải đang là vấn đề thách thức lớn ở nước ta hiện nay. Tình trạng xả nước thải chưa qua xử lý hoặc xử lý chưa đạt chuẩn vào nguồn nước vẫn xảy ra thường xuyên và trên diện rộng. Hậu quả là một số con sông đã bị ô nhiễm nghiêm trọng.

    Thực tế cho thấy, vấn đề quản lý, khai thác và sử dụng tài nguyên nước hiện đang thiếu bền vững, thiếu hiệu quả và công bằng. Do vậy các đại biểu cho rằng cần có chính sách quản lý tài nguyên nước dựa trên tiếp cận thị trường.


    Thực tế cho thấy, vấn đề quản lý, khai thác và sử dụng tài nguyên nước hiện đang thiếu bền vững, thiếu hiệu quả và công bằng.

    Ông Nguyễn Thế Chinh, Viện trưởng Viện chiến lược chính sách tài nguyên và môi trường cho biết, quản lý tài nguyên nước dựa trên cơ sở tiếp cận thị trường cần phải tuân thủ những nguyên tắc của thị trường để quản lý, một trong những nguyên tắc cơ bản là có cầu thì phải có cung, như vậy nếu xem xét khía cạnh đầu vào nước là tài nguyên thì nhu cầu đầu vào tài nguyên nước là hệ thống kinh tế và tiêu dùng nước của xã hội. Còn đối với nhà quản lý, yêu cầu nước thải ra môi trường phải đảm bảo những tiêu chuẩn chất lượng nước sạch buộc các đối tượng sử dụng nước phải xử lý hoặc giảm lượng nước thải ra môi trường. Công cụ điều tiết giữa cung và cầu nước trên thị trường phải sử dụng công cụ thị trường.

    Theo ông Chinh, nguồn thu thực tế từ tài nguyên nước chủ yếu từ việc thu thuế, phí, lệ phí tài nguyên nước, cụ thể là thuế đối với hoạt động khai thác nước cho thủy điện, phí, lệ phí cấp phép khai thác, sử dụng tài nguyên nước và xả nước thải vào nguồn nước. Mặc dù nguồn thu chính từ tài nguyên nước đến từ thu thuế, phí, lệ phí tài nguyên nước, song nguồn thu này không tương xứng với tốc độ phát triển kinh tế – xã hội.

    Thực hiện Quyết định số 59/2006/QĐ-BTC về mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí thẩm định, lệ phí cấp phép thăm dò, khai thác, sử dụng tài nguyên nước, xả nước thải vào nguồn nước và hành nghề khoan nước dưới đất, đến nay, số phí thu được từ các tổ chức, cá nhân xin cấp phép đối với quy mô thuộc Bộ TN&MT đạt khoảng 2,96 tỷ đồng, trong khi hoạt động sản xuất chiếm trên 41% GDP của quốc gia. Số thuế thu được từ hoạt động khai thác nước cho thủy điện khoảng 2.900 tỷ đồng chiếm khoảng 0.7% GDP quốc gia. Trong khi đó, theo thống kê sơ bộ, hiện tại, cả nước hàng ngày đang khai thác hàng triệu m3 nước sử dụng cho sản xuất và sinh hoạt, nhưng lại chưa thu được thuế (ước tính nếu thu được trong một năm đạt khoảng 1.000 tỷ đồng tại thời điểm năm 2010).

    Theo thống kê dự toán thu ngân sách của Bộ tài Chính, tiền thu từ thuê đất, mặt nước chỉ chiếm từ 0,6% đến 1,5% trong tổng thu nhân sách. Điều này phần nào thể hiện rằng nguồn nước các ngành kinh tế đang sử dụng gần như miễn phí. Đóng góp cho ngân sách không đáng kể.

    Do đó, theo đại diện Viện chiến lược chính sách tài nguyên và môi trường, để quản lý TNN một cách hiệu quả, công bằng và bền vững cần dựa trên tiếp cận thị trường, căn cứ vào những quy luật thị trường điều chỉnh hành vi của bên sử dụng nước như yếu tố đầu vào, và bên xả thải nước như chất thải đầu ra của hoạt động KTXH. Việt Nam đã thực hiện một số công cụ chính sách quản lý dựa trên tiếp cận thị trường như: thuế tài nguyên nước; phí và lệ phí trong khai thác sử dụng nước; giá và trợ cấp tiền sử dụng nước; phí BVMT đối với nước thải; bồi thường thiệt hại gây ô nhiễm nước.

    Tuy nhiên quá trình thực hiện cho thấy những chính sách này còn bất cập, chưa phát huy được hết ưu thế của công cụ thị trường trong điều tiết khai thác sử dụng nước hiệu quả hơn cũng như những chế tài, nhằm giảm thiểu xả thải gây ô nhiễm môi trường.

    Thời gian tới đây, ngành nước cần nỗ lực cải thiện và bổ sung chính sách để khắc phục tình trạng này dựa trên những nguyên lý cơ bản của thể chế kinh tế thị trường.

    Theo baotintuc.vn

    Căn hộ xanh xu thế đang ngày càng được quan tâm

    Với tốc độ đô thị hóa hiện nay, diện tích đất ở dần thu hẹp lại, vì vậy, số lượng người chuyển lên ở các chung cư cao tầng ngày càng nhiều nên yếu tố cây xanh ngày càng được quan tâm.

    Càng ngày yêu cầu thiết kế không gian căn hộ chung cư càng quan trọng. Nhiều người mua nhà ưu tiên chọn những nơi có không gian xanh, gần công viên, hồ nước… Bên cạnh đó, ngôi nhà phải có thiết kế thông minh, được tối ưu hóa về diện tích và công năng sử dụng.

    Ngôi nhà xanh là những ngôi nhà tiết kiệm năng lượng, tận dụng được “năng lượng xanh” sẵn có. Công trình đó phải đảm bảo được các yếu tố như sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả. Lựa chọn vật liệu xây dựng phù hợp, áp dụng công nghệ, trang thiết bị để đảm bảo sử dụng hợp lý, tiết kiệm tối đa năng lượng. Tận dụng các nguồn năng lượng sẵn có tại khu vực, năng lượng sinh thái, ánh sáng tự nhiên… Nếu tuân thủ thiết kế xanh, căn nhà sẽ tiết kiệm điện, nước, chiếu sáng, có bầu không khí sạch, giảm thiểu bụi và các loại hóa chất.

    Ngôi nhà xanh đang là xu hướng của giới trẻ.

    Căn hộ xanh giờ đây không chỉ dành cho người có thu nhập cao, những người có thu nhập trung bình cũng có thể lựa chọn những căn hộ có diện tích nhỏ hơn ở các khu chung cư xanh và cao cấp. Trong tương lai, chi phí nhà ở tăng cao sẽ là động cơ khiến các hộ gia đình chuyển hướng sang xem xét các giải pháp nhà ở xanh. Mua căn hộ tại một dự án xanh sẽ tiết kiệm từ các hóa đơn điện, năng lượng sau này.

    Xu hướng kiến trúc xanh chắc chắn sẽ có cơ hội để nở rộ trong thời gian tới. Bởi các công trình nhà ở theo hướng kiến trúc xanh hiện nay phát triển ở nhiều loại hình như nhà phố, nhà vườn, nhà đất, chung cư, văn phòng… Đặc biệt, mục đích của chủ đầu tư khi xây dựng chung cư vẫn là đáp ứng nhu cầu của khách hàng, quan tâm tới lợi ích sau này để vừa lòng khách hàng.

    Thiết kế chung cư theo hướng xanh vẫn là cách thức phát triển hiệu quả trong các năm tới. Đặc biệt, trong bối cảnh số lượng chung cư ngày càng nhiều và tính cạnh tranh cao. Người mua căn hộ, nhà ở có nhu cầu tìm chốn ở vừa đảm bảo sức khỏe, vừa tiện nghi và an toàn.

    Theo tapchimoitruong.vn

    Sử dụng túi nilong thế nào cho không bị nhiễm độc?

    Theo PGS. Nguyễn Duy Thịnh, túi nilong hoặc hộp xốp để đựng thực phẩm nóng như sữa đậu nóng, nước ngô, nước canh, cơm… ở 78-80oC hoặc màng bọc nilong bị nóng chảy sau khi làm nóng thức trong lò vi sóng sẽ dễ dàng thôi nhiễm chất DOP (dioctin phatalat) vào thức ăn.

    Nếu bị nhiễm chất này lâu dài, các bé trai có thể bị nữ tính hóa, vô sinh nam, còn trẻ em nữ có nguy cơ dậy thì quá sớm.

    Qua tìm hiểu của phóng viên, những người bỏ mối túi nilong tại một số khu chợ lớn ở Hà Nội cho biết, mỗi ngày họ bán được khoảng 30-40kg túi, giá từ 2.300 – 4.500 đồng/lạng”. Những người thương lái cho biết: Túi nilong đựng rau, thịt… ở chợ được sản xuất từ nhựa tái chế. Chỉ cần nhìn qua có thể nhận ra túi nào tốt, túi nào xấu, thậm chí sản xuất ở đâu”.

    Hiện Việt Nam đang sử dụng phần lớn túi nilong tái chế gây nhiều nguy cơ nhiễm chì, cadimi cho người sử dụng.

    Những người lấy túi nilong buôn này cho biết, họ thường lấy túi ở ngay trong Hà Nội như: Trung Văn, Từ Liêm, La Phù, An Khánh, Hoài Đức, Hà Nội và lấy ở các tỉnh lân cận Hà Nội như: Hưng Yên, Nam Định, Hải Phòng….

    Tuy nhiên, khi được hỏi chất lượng của các loại túi, những người kinh doanh này cho rằng, bản thân chị và không ít người tiêu dùng không quan tâm đến chất lượng của túi. Đây chính là nguy hiểm tiềm ẩn hủy hoại sức khỏe người tiêu dùng.

    Túi nilong hoặc hộp xốp để đựng thực phẩm nóng như sữa đậu nóng, nước ngô, nước canh, cơm… ở 78-80oC hoặc màng bọc nilong bị nóng chảy sau khi làm nóng thức trong lò vi sóng sẽ dễ dàng thôi nhiễm chất DOP (dioctin phatalat) vào thức ăn.

    Nhiễm kim loại nặng cadimi, chì do sử dụng túi ni long

    PGS.TS. Nguyễn Duy Thịnh – Nguyên giảng viên Viện Công nghệ sinh học và thực phẩm Trường đại học Bách khoa Hà Nội cho biết, hiện nay, Việt Nam đang sử dụng phần lớn túi nilong tái chế gây nhiều nguy cơ nhiễm chì, cadimi cho người sử dụng.

    Túi nilong có 2 loại: Loại thứ nhất được sản xuất từ 100% các hạt nhựa PV và PP nguyên sinh từ dầu mỏ nguyên chất. Loại nhựa này không gây độc hại cho con người.

    Loại thứ hai (là loại chúng ta đang dùng phổ biến) chính là túi nilong tái chế từ nhiều sản phẩm nhựa đã qua sử dụng. Trong đó, thậm chí có cả hộp thùng sơn, lọ tẩy bồn cầu… Trong quá trình tái chế, nhựa thủ công sẽ hấp thu các kim loại nặng như cadimi, chì… (là những chất dẫn đến bệnh ung thư).

    Nếu ăn thức ăn bị nhiễm lâu dài chất DOP (dioctin phatalat) từ nilong bị nóng chảy, các bé trai có thể bị nữ tính hóa, vô sinh nam, còn trẻ em nữ có nguy cơ dậy thì quá sớm.

    Theo PGS. Thịnh, quá trình thôi nhiễm chất độc từ túi nilong diễn ra mạnh hơn khi chịu tác động lớn của nhiệt. Túi nilong hoặc hộp xốp để đựng thực phẩm nóng như sữa đậu nóng, nước ngô, nước canh, cơm ở 78-80oC sẽ khiến các chất phụ gia làm mềm, dẻo, dai túi ni lông, gây phản ứng phụ và dễ dàng thôi nhiễm chất độc vào thức ăn.

    Một trong những chất đó là chất DOP (dioctin phatalat) giống như hormon nữ, vì thế rất có hại cho nam giới và trẻ em khi cơ quan sinh dục chưa hoàn chỉnh. Nếu bị nhiễm chất này lâu dài, các bé trai có thể bị nữ tính hóa, vô sinh nam, còn trẻ em nữ có nguy cơ dậy thì quá sớm.

    PGS. Thịnh đặc biệt lưu ý, tuyệt đối không được dùng màng bọc thực phẩm nilong lên bề mặt thức ăn để hâm nóng trong lò vi sóng. Sau khi bị quay nóng trong lò vi sóng tới 300 – 500oC, các màng bọc nilong này bị chảy nhẽo và chất dẻo sẽ dính vào thức ăn.

    Chính vì thế, để sử dụng túi nilong an toàn, người dân nên chọn các loại túi không màu, có độ trong, bóng cao, màu sắc sáng tươi, bề mặt sản phẩm không bị nhám, xước. Hạn chế sử dụng đồ nhựa để đựng thức ăn nóng, chua, cay…

    Muốn sử dụng túi nilong an toàn, người dân nên chọn các loại túi không màu, có độ trong, bóng cao, màu sắc sáng tươi, bề mặt sản phẩm không bị nhám, xước.

    Tuyệt đối không được dùng màng bọc thực phẩm nilong lên bề mặt thức ăn để hâm nóng trong lò vi sóng. Sau khi bị quay nóng trong lò vi sóng tới 300 – 500oC, các màng bọc nilong này bị chảy nhẽo và chất dẻo sẽ dính vào thức ăn.

    PGS. Nguyễn Duy Thịnh cho biết: Hiện nay, các nhà khoa học trên thế giới và Việt Nam đang nghiên cứu để tạo ra chất dẻo làm túi phối trộn giữa 60% nhựa thông thường với 30% lượng tinh bột (thường là bột mỳ).

    Loại túi này chỉ mất 3-5 năm sẽ phân hủy được, không phải mất tới 500 năm như túi nilong tái chế đang dùng. Dự kiến, sản phẩm này sẽ có giá cao hơn túi nilong và sẽ được sử dụng phổ biến trong tương lai.

    Theo suckhoedoisong.vn

    “Sẵn sàng ứng phó với thời tiết, hành động thông minh với khí hậu”

    “Sẵn sàng ứng phó với thời tiết, hành động thông minh với khí hậu” – là chủ đề đã được chọn cho Ngày Khí tượng Thế giới năm nay, năm 2018. Nếu bổ sung thêm cụm từ “Ứng xử khôn ngoan với nguồn nước” trong khẩu hiệu nói trên thì chúng ta đã nối trọn một chu trình hoàn chỉnh của các thành phần cơ bản đảm bảo quá trình phát triển bền vững.

    Thời tiết, khí hậu và nước đều rất quan trọng đối với an sinh xã hội, sức khoẻ cộng đồng và an ninh lương thực. Nhưng chúng cũng có thể trở thành nên nguy hiểm và có sức tàn phá khủng khiếp. Các loại hình thời tiết gây tác động lớn như bão, mưa lớn, nắng nóng, hạn hán, bão tuyết và băng giá đã và đang cướp đi sinh mạng và sinh kế của người dân trong suốt quá trình lịch sử. Và ngày nay, biến đổi khí hậu đang làm gia tăng cường độ và tần suất của những loại hình thiên tai này.

    Các hiện tượng thời tiết cực đoan vẫn tiếp tục diễn ra từ cuối năm 2017 đến những ngày đầu của năm 2018, cướp đi sinh mạng và hủy hoại sinh kế của người dân trên khắp thế giới. Mùa bão năm 2017 là mùa bão có thiệt hại kinh tế nặng nề nhất ngay cả với Hoa Kỳ – và phá hủy thành quả phát triển gây dựng trong hàng thập kỷ tại Đô-mi-ni-ca hay các quốc đảo nhỏ ở Ca-ri-bê. Lũ lụt đã làm hàng triệu người dân châu Á mất nhà cửa, trong khi hạn hán làm cho tình trạng đói nghèo và áp lực di cư tại cực Nam Châu Phi càng trở nên trầm trọng.

    Năm 2017 là một trong ba năm nóng nhất trong lịch sử và là năm nóng nhất mà không có El Nino.

    Không có gì ngạc nhiên khi môi trường là mối quan ngại lớn nhất của các nhà lãnh đạo toàn cầu, được nêu ra tại Báo cáo về Các rủi ro toàn cầu của Diễn đàn Kinh tế Thế giới trong hai năm liền liên tiếp. Chúng bao gồm thời tiết cực đoan; hủy hoại đa dạng sinh học và mất cân bằng hệ sinh thái; thiên tai trên diện rộng; thảm họa môi trường do con người gây ra; và sự thất bại trong công tác thích ứng và giảm nhẹ biến đổi khí hậu. Trong đó, thời tiết cực đoan đã được xem là rủi ro đáng lo ngại nhất.

    Năm 2017 là một trong ba năm nóng nhất trong lịch sử và là năm nóng nhất mà không có El Nino. Biến đổi khí hậu do phát thải khí nhà kính khiến hành tinh của chúng ta sẽ nóng hơn, thời tiết cực đoan và lũ lụt sẽ xảy ra nhiều hơn trong tương lai.

    Tôi mong rằng tất cả các quốc gia thành viên của Tổ chức Khí tượng Thế giới sẽ cùng “Sẵn sàng ứng phó với thời tiết, hành động thông minh với khí hậu” – và “Ứng xử khôn ngoan với nguồn nước”. Điều này thực sự cần thiết để ủng hộ chương trình nghị sự quốc tế về phát triển bền vững, giảm rủi ro thiên tai và thích ứng với biến đổi khí hậu.

    Cụ thể, chúng ta cần phải chuẩn bị thật tốt và hiệu quả công tác ứng phó với thời tiết cực đoan, khí hậu và nguồn nước thông qua các hệ thống cảnh báo sớm đa thiên tai. Để tạo điều kiện thuận lợi cho việc này, Tổ chức Khí tượng Thế giới đang công bố một danh mục các hệ thống cảnh báo sớm đa thiên tai. Đây sẽ là một công cụ quan trọng, thực tiễn để tăng khả năng chống chịu của cộng đồng trước những thiên tai kể trên.

    Các Cơ quan Khí tượng Thuỷ văn quốc gia cần có khả năng cung cấp các sản phẩm dự báo chính xác và kịp thời đối với mọi hiện tượng thời tiết từ hạn cực ngắn đến nội mùa, mùa, và khí hậu hạn dài bằng ngôn ngữ dễ hiểu nhất đến tất cả mọi người – từ cá nhân đến cộng đồng, đến các lĩnh vực kinh doanh khác nhau và cả các nhà hoạch định chính sách.

    Bước đầu tiên trong việc xây dựng khả năng chống chịu với các hiện tượng thời tiết và khí hậu cực đoan chính là việc thiết lập một mạng lưới quan trắc thật tốt. Một mạng lưới quan trắc rộng khắp trên mặt đất, trong không trung, trên biển cũng như từ không gian – là điều tối quan trọng để cung cấp dữ liệu hỗ trợ dự báo và cảnh báo sớm cho các hiện tượng thời tiết và khí hậu cực đoan. Tổ chức Khí tượng Thế giới là một cộng đồng được xây dựng nhằm khuyến khích và tạo cơ hội cho các quốc gia thành viên có nhu cầu nâng cấp nền tảng quan trắc, cũng như phát triển các dịch vụ khí hậu và thời tiết.

    Thứ hai, khả năng chống chịu của cộng đồng đối với các hiện tượng thời tiết và khí hậu cực đoan cần phải được xây dựng dựa trên những tiến bộ trong khoa học và công nghệ dự báo. Độ chính xác của công tác dự báo và cảnh báo được cải thiện, kết hợp với sự phối hợp tốt hơn giữa cơ quan dự báo và cơ quan quản lý thiên tai đã làm giảm mạnh mất mát về sinh mạng do các hiện tượng thời tiết nguy hiểm trong ba mươi năm qua. Nhờ sự phát triển của dự báo số trị mà ngày nay dự báo 5 ngày cũng chính xác như dự báo 2 ngày của 20 năm về trước. Sự phát triển này vẫn đang được tiếp tục, hỗ trợ công tác cảnh báo sớm một cách hiệu quả.

    Cảnh báo sớm là một yếu tố quan trọng để giảm thiểu rủi ro do thiên tai. Cảnh báo sớm có thể giúp giảm được thiệt hại về người, tài sản và kinh tế khi thiên tai xảy ra.

    Để phát huy hiệu quả, người dân và các cộng đồng có nguy cơ chịu rủi ro do thiên tai cần phải tham gia tích cực các hệ thống cảnh báo sớm. Công tác giáo dục và nâng cao nhận thức cộng đồng về rủi ro do thiên tai cũng cần được đẩy mạnh, nhằm phổ biến một cách có hiệu quả các thông tin cảnh báo dự báo, bảo đảm sự chuẩn bị sẵn sàng ứng phó với thiên tai.

    Vì lý do này, Tổ chức Khí tượng Thế giới đã phối hợp với các Cơ quan Khí tượng Thuỷ văn quốc gia trên toàn thế giới khởi xướng sáng kiến nhằm thiết lập một hệ thống cảnh báo đa thiên tai trên phạm vi toàn cầu.

    Chúng tôi cũng đang tích cực làm việc với các đối tác trong Sáng kiến cảnh báo sớm và Rủi ro khí hậu cũng như với Khung Dịch vụ Khí hậu Toàn cầu để hỗ trợ những khu vực dễ bị tổn thương nhất.

    Dự báo thuỷ văn cũng là một phần rất quan trọng trong công tác phòng chống thiên tai. Với lý do này, Tổ chức Khí tượng Thế giới là một trong những nhà tài trợ, tổ chức hội nghị toàn cầu về nước vào tháng năm năm nay, với chủ đề “Thịnh vượng từ Dự báo Thuỷ văn”.

    Thay cho lời kết, Tổ chức Khí tượng Thế giới luôn coi trọng việc bổ sung mạng lưới trạm quan trắc, dự báo chính xác, kịp thời và cảnh báo ảnh hưởng của thiên tai để góp phần xây dựng khả năng chống chịu với thời tiết, khí hậu và nước tại tất cả các quốc gia thành viên và các vùng lãnh thổ. Bằng cách đó, Tổ chức Khí tượng Thế giới sẽ đóng góp để thực hiện đầy đủ Chương trình Nghị sự 2030 của Liên hợp quốc về Phát triển Bền vững và Khung hành động Sendai về giảm thiểu rủi ro thiên tai: Chúng ta sẽ xây dựng một thế giới chúng ta mong muốn.

    Tôi xin chúc tất cả các quốc gia thành viên và các tổ chức, cá nhân đang đồng hành cùng Tổ chức Khí tượng Thế giới có một Lễ kỷ niệm Ngày Nước Thế giới (22 tháng 3) và Ngày Khí tượng Thế giới (23 tháng 3) thật ý nghĩa, với hy vọng rằng tất cả các quốc gia sẽ nhanh chóng “Sẵn sàng ứng phó với thời tiết, hành động thông minh với khí hậu” và “Ứng xử khôn ngoan với nguồn nước”.

    Tác giả Petteri Taalas – Tổng Thư ký WMO
    Theo dwrm.gov.vn