30 C
Hanoi
Thứ năm, Tháng mười một 14, 2024
More
    Home Blog Page 409

    Hàm lượng dinh dưỡng trong cây trồng giảm khi khí nhà kính tăng

    Theo Tạp chí Science Advances (Các tiến bộ Khoa học) số ra mới đây, các nhà nghiên cứu nhận thấy hàm lượng sắt, kẽm, protein và các loại vitamin B1, B2, B5 và B9 giúp cơ thể chuyển hóa thức ăn thành năng lượng đều giảm trong thóc gạo được trồng trong các điều kiện nồng độ CO2 cao hơn.

    Cụ thể, hàm lượng vitamin B1 giảm 17,1%; hàm lượng protein giảm 10,3%; hàm lượng sắt giảm 8% và kẽm giảm 5,1%, so với lúa gạo được trồng trong các điều kiện CO2 hiện thời. Thiếu hụt protein và vitamin có thể dẫn đến hiện tượng chậm phát triển, dị tật bẩm sinh, bệnh tiêu chảy, nhiễm trùng, tử vong sớm.

    Đồng tác giả của bản báo cáo, giáo sư Adam Drewnowski thuộc trường Đại học Washington cho biết, hiện tượng khí hậu ấm lên trên toàn cầu, biến đổi khí hậu, đặc biệt là các loại khí gây hiệu ứng nhà kính như CO2 có thể tác động đến hàm lượng dinh dưỡng của các loại cây trồng được sử dụng làm thức ăn. Điều đó có thể gây tổn hại trầm trọng đến các quốc gia dùng nhiều gạo – nơi khoảng 70% lượng calo và phần lớn nguồn dinh dưỡng đến từ gạo.

    Trong khi đó, Tạp chí Nature (Thiên nhiên) ngày 24/5/2018 dẫn cảnh báo của các nhà nghiên cứu nhận định, thất bại trong nỗ lực hạn chế dưới 2 độ C mức tăng của nhiệt độ Trái đất so với thời tiền công nghiệp có thể “tước đi” nhiều chục nghìn tỷ USD của nền kinh tế thế giới trong vòng 80 năm tới. Những thiệt hại và chi phí hỗ trợ cho việc khắc phục các tác động của thời tiết khắc nghiệt, năng suất cây trồng thấp cùng với ảnh hường về sức khỏe dự báo sẽ gia tăng.

    Hiểu theo cách khác, trong gần một thế kỷ nữa, nền kinh tế toàn cầu trong điều kiện nhiệt độ Trái đất chỉ tăng 1,5 độ C sẽ tạo thêm 20.000 tỷ USD cho GDP so với nền kinh tế hoạt động trong điều kiện nhiệt độ ở nhiệt độ tăng thêm 2 độ C.

    Theo Tapchimoitruong.vn

    Thuốc lá tác nhân gây hủy hoại môi trường

    Hút thuốc là nguyên nhân chính gây nên ô nhiễm không khí trong nhà, nơi làm việc, trường học, nơi công cộng… và ngoài trời do khói thuốc thải ra ngoài không khí hàng ngàn chất hóa học độc hại… Đó là những thông tin đã được các nghiên cứu khẳng định nhân ngày Thế giới không khói thuốc (31/5).

    Ngoài tác hại đối với sức khỏe thì thuốc lá cũng góp phần không nhỏ vào việc hủy hoại môi trường. Các đầu mẩu thuốc lá và vỏ bao sau khi sử dụng sinh ra một khối lượng rác thải lớn; ước tính mỗi năm có tới 4.500 tỷ đầu lọc thuốc lá thải ra ngoài môi trường.


    Thuốc lá cũng góp phần không nhỏ vào việc hủy hoại môi trường

    Không chỉ là rác thải bẩn, đầu lọc thuốc lá còn gây hại cho các sinh vật dưới nước nếu bị bỏ lại trên bãi biển, sông, hồ hoặc trôi xuống cống thoát nước vì phải mất từ 5 – 7 năm mới phân hủy hết.

    Mỗi năm, ước tính có 1,4% diện tích rừng bị tàn phá để lấy gỗ sấy thuốc lá, ngoài ra, gỗ còn được sử dụng để xây lò sấy, làm giấy cuốn thuốc lá và bao bì đựng thuốc lá.

    Trong quá trình sản xuất thuốc lá nhiều chất thải được thải ra môi trường, bao gồm: dung môi, bùn than, dầu nhựa, giấy và gỗ cũng như các chất thải hóa học độc hại khác. Thuốc lá là cây sử dụng nhiều chất dinh dưỡng trong đất.

    Không có loại cây nào hấp thu nhiều chất dinh dưỡng trong đất (kali, phốt pho và ni tơ) nhiều như cây thuốc lá, dẫn đến hiện tượng xói mòn đất ngày càng nhanh do đất bị bạc màu.

    Trồng cây thuốc lá phải sử dụng nhiều loại thuốc trừ sâu, diệt cỏ, các chất độc hại có trong thuốc thẩm thấu, tích tụ gây ô nhiễm nguồn nước, đất… Ngoài ra, tàn thuốc lá có thể là một trong những nguyên nhân gây cháy rừng và hỏa hoạn lớn vì thường cháy lâu, âm ỉ.

    WHO khuyên Việt Nam tăng thuế 5.000 đồng mỗi bao thuốc lá

    Hút thuốc lá là nguyên nhân chính gây bệnh tim mạch. 30% ca tử vong do bệnh tim mạch có nguyên nhân từ hút thuốc, 12% người tử vong do bệnh tim mạch có nguyên nhân từ hút thuốc thụ động. 20-30% tỷ lệ tử vong do đột quỵ có nguyên nhân từ việc hút thuốc lá.

    Nạn hút thuốc lá đang giết chết hơn 7 triệu người thế giới mỗi năm, trong đó gần một triệu ca tử vong gây ra bởi các bệnh do hút thuốc lá thụ động. 80% trong số hơn một tỷ người hút thuốc lá trên toàn cầu đang sống ở các nước thu nhập thấp và trung bình.

    Tại các nước phát triển, tỷ lệ hút thuốc lá đang giảm đi trong những thập kỷ qua. Ngược lại, tại các nước đang phát triển, tỷ lệ hút thuốc lá có xu hướng gia tăng. Việt Nam là một trong 15 nước có số người hút thuốc lá cao nhất trên thế giới.

    Giá thuốc lá tại Việt Nam đều thấp so với các nước.

    VnExpress dẫn lời Tiến sĩ Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Quản lý Khám chữa bệnh, Bộ Y tế, cho biết, tỷ lệ nam giới hút thuốc tại nước ta là 47%. Trên 30 triệu người bị ảnh hưởng bởi khói thuốc, hút thuốc thụ động. Trong khi đó, chế tài xử phạt chưa đạt như mong muốn.

    Trưởng đại diện Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tại Việt Nam, ông Kidong Park chỉ ra thực tế thuế và giá thuốc lá tại Việt Nam đều thấp so với các nước. Giá một bao thuốc lá tại Việt Nam rẻ nhất là 6.000 đồng, phổ biến ở mức dưới 20.000 đồng. Theo dữ liệu của WHO, giá này nằm trong 15 nước thấp nhất thế giới. Trong khi đó, thuế thuốc lá khi tính trên giá bán lẻ chỉ chiếm hơn 35%, rất thấp so với trung bình thế giới là 56%; thấp hơn so với chuẩn của WHO khuyến cáo là 70%.

    Vì thế, ông Park đề nghị Việt Nam tăng thuế thuốc lá cao hơn nữa. Để đạt được mục tiêu giảm giảm tỷ lệ hút thuốc lá của nam giới từ 47% xuống 39% vào 2020; Việt Nam cần áp mức thuế tối thiểu là 2.000 đồng một bao và tối ưu là 5.000 đồng.

    Để đạt được mục tiêu của Chính phủ, giảm tỷ lệ mắc và tử vong do thuốc lá Quỹ Phòng Tác hại của thuốc lá, Bộ Y tế đưa ra hai phương án.

    Phương án 1: Từ năm 2020, bên cạnh biểu thuế theo tỷ lệ hiện hành, bổ sung thêm thuế tuyệt đối với thuốc lá ở mức 2.000 đồng một bao. Tỷ lệ hút thuốc ở nam giới có thể giảm 3%, giúp tránh 300.000 ca tử vong sớm do thuốc lá. Tăng doanh thu thuốc lá thêm 6.300 tỷ một năm.

    Phương án 2: Từ năm 2020, bên cạnh biểu thuế theo tỷ lệ hiện hành, bổ sung thêm thuế tuyệt đối với thuốc lá ở mức 5.000 đồng một bao. Tỷ lệ hút thuốc ở nam giới có thể giảm 6,3%; giúp tránh được 900.000 ca tử vong sớm do thuốc lá; tăng doanh thu thuốc lá thêm 10.700 tỷ một năm.

    Nếu chỉ tăng thuế tiêu thụ đặc biệt tăng lên 70% như hiện nay thì giá bán lẻ một bao thuốc lá 10.000 đồng cũng chỉ tăng 300 đồng.

    Theo moitruong.com.vn

    3 sai lầm khi sử dụng điều hòa khiến bạn mất tiền mà không hay

    Những thói quen tưởng chừng hiệu quả khi sử dụng điều hòa dưới đây lại là những sai lầm nghiêm trọng, khiến hóa đơn tiền điện liên tục gia tăng theo nhiệt độ của thời tiết.

    Đặt nhiệt độ trong phòng quá thấp

    Nhiều người sử dụng điều hòa có thói quen đặt nhiệt độ thấp (khoảng 16-20 độ C) với mong muốn phòng mát nhanh hay cảm giác thoải mái trong những ngày hè nóng bức. Tuy nhiên, đây là cách làm sai, vừa không tốt cho sức khỏe vừa cực kỳ tốn điện.

    Vì khi bạn đặt nhiệt độ quá thấp, điều hòa sẽ phải chạy nhiều hơn để duy trì nhiệt độ ở mức đã định. Ngoài ra, cơ thể bạn cũng sẽ khó thay đổi kịp khi bạn ra vào phòng điều hòa đặt nhiệt độ quá thấp. Vì vậy, nên đặt nhiệt độ trong khoảng 25-27 độ C, như vậy vừa đảm bảo sự thoải mái trong sinh hoạt, vừa đỡ tốn điện.

    Đặt nhiệt độ trong phòng quá thấp là sử dụng điều hòa sai cách vừa không tốt cho sức khỏe vừa cực kỳ tốn điện. Ảnh minh họa

    Sử dụng Dry Mode kết hợp bật quạt để tiết kiệm điện

    Trong nhiều năm gần đây rộ lên mẹo bật chức năng Dry Mode trên máy lạnh rồi kết hợp bật quạt gió nhẹ để vừa tiết kiệm điện, lại giúp thoáng mát, dễ thở hơn. Tuy nhiên trên thực tế, Dry Mode chỉ phát huy hiệu quả của nó vào những ngày nhiều mưa hoặc ẩm thấp kéo dài. Lúc này, điều hòa chạy chế độ Dry sẽ hoạt động như một máy hút ẩm, giúp giảm độ ẩm trong không khí khiến ta thấy dễ chịu hơn.

    Tuy nhiên, vào những ngày hè oi bức vốn đã có độ ẩm thấp trong không khí, bật chế độ Dry không chỉ khiến bạn thêm khó chịu vì khô, mà còn tốn thêm tiền điện cho một chiếc quạt chạy song song.

    Bật/tắt điều hoà liên tục

    Nhiều người có thói quen ra khỏi phòng, dù chỉ trong chốc lát, là lập tức tắt máy điều hòa để tiết kiệm điện. Hoặc có trường hợp bật điều hòa thường để nhiệt độ lạnh sâu, chờ cho phòng thật mát thì tắt điều hòa và bật quạt, đến khi cảm thấy nóng thì bật trở lại.

    Không nên bật/tắt điều hòa liên tục. Ảnh minh họa

    Nhiều người nghĩ làm vậy có thể tiết kiệm điện đáng kể vì thời gian mở điều hoà ít đi. Thế nhưng, đó là sai lầm, làm tốn điện thêm. Bởi, bật/tắt điều hoà liên tục sẽ làm máy phải khởi động nhiều lần, điện năng tiêu thụ cho việc làm lạnh lại căn phòng từ đầu còn nhiều hơn. Ngoài ra, bật/tắt nhiều lần cũng làm giảm tuổi thọ đáng kể của điều hoà. Hơn nữa, việc liên tục thay đổi nhiệt độ phòng sẽ ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe, nhất là đối với người già và trẻ em.

    Theo Vietq.vn

    Biến nước thải thành nước uống

    0

    Singapore là quốc gia đi đầu trong lĩnh vực chế biến nước thải thành nước uống. Hệ thống nhà máy nước quốc doanh của Singapore PUB đã đề ra câu khẩu hiệu “mỗi giọt nước cần phải được sử dụng nhiều hơn một lần”.

    Khi nước tái chế mới xuất hiện, ông Goh Chok Tong, khi đó là Thủ tướng, đã dùng trước để nêu gương. Ảnh: IT

    Thực tế, 50 năm trước, Singapore đã phải hạn chế dùng nước sạch. Nước từ các con sông thì có mùi và bị tắc nghẽn bởi chất thải từ xưởng đóng tàu, các trang trại lợn và nhà vệ sinh đổ trực tiếp vào dòng chảy.

    Từ đó, Singapore đã có chính sách sử dụng nước hoàn toàn mới. Họ thu thập nước mưa từ 2/3 diện tích đất đai, tái chế nước thải thông qua một mạng lưới cống dài 8.000 km, dẫn về 17 hồ chứa, đồng thời thu lại nước đã qua sử dụng từ hệ thống đường hầm thoát nước nằm sâu 60 mét dưới mặt đất.

     
    Dự án NEWater thực sự là cứu cánh trong vấn đề nước sạch ở Singapore. Ảnh IT

    Năm 2003, dự án NEWater được giới thiệu. Đây là tên của nguồn nước sạch được xử lý và thanh lọc bằng bộ vi lọc, bằng bộ thẩm thấu và được khử trùng bằng tia cực tím.

    Hiện, một phần ba lượng nước thải của 5,7 triệu dân Singapore hiện đã được tái chế. Nước thải từ các khu dân cư chảy qua một hệ thống đường ngầm dài 48km đến nhà máy chế biến nước thải. Tại đây, nước được đi qua một màng lọc cực nhỏ (microfilter) và các màng mỏng (membrane) sau đó chiếu tia cực tím.

    Hướng dẫn viên ở Trung tâm khách hàng NEWater giới thiệu quá trình này qua sự so sánh như sau: “Ví thử phân tử nước chui qua màng mỏng to bằng quả bóng quần vợt, thì một hormon estrogen to như quả bóng đá, một virus to kềnh như cái xe ô tô tải và một con vi trùng to đùng như toà nhà. Tất cả những thứ đó không thể chui qua những tấm màng mỏng membrane.”

    Singapore định hướng dự án NEWater sẽ đáp ứng 55% nhu cầu nước sạch của quốc gia vào năm 2060. Singapore hiện đang xây dựng một nhà máy với chương trình thử nghiệm phương pháp khử muối điện hóa, trong đó sử dụng điện trường để tách muối ra khỏi nước biển.

    Theo moitruong.com.vn

    Công bố phần mềm chính Quốc gia quét mã vạch Scan and Check

    Ngày 30/5, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng (Bộ Khoa học và Công nghệ) công bố phần mềm quét mã vạch Scan and Check. Đây cũng là phầm mềm chính thống của Quốc gia lần đầu tiên được công bố.

    Ông Trần Văn Vinh, Tổng cục trưởng Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng cho biết, từ năm 1995 đến nay Việt Nam đã cấp mã số mã vạch cho doanh nghiệp, nhưng hoạt động này chưa phát huy hiệu quả.

    Scan and Check là phần mềm quét mã vạch chính thống của Tổng cục TCĐLCL, miễn phí trên điện thoại di động.

    Mã số, mã vạch xem như “chứng minh thư”, mỗi doanh nghiệp chỉ được cấp một mã. Thế nhưng doanh nghiệp không cập nhật đầy đủ thông tin của sản phẩm lên “chứng minh thư” đó để quảng bá hình ảnh và tự bảo vệ thương hiệu của mình. Từ đó, cơ quan quản lý khó kiểm soát còn người tiêu dùng không biết chắc chắn sản phẩm mình mua có đúng của doanh nghiệp chính hãng hay hàng trôi nổi.

    Việc cập nhật thông tin đầy đủ qua mã số mã vạch còn giúp doanh nghiệp quản lý từng sản phẩm, biết rõ tình trạng sản xuất của lô hàng, nguồn gốc nguyên vật liệu và biết hàng đó đã chuyển tới trung tâm phân phối nào hay đang nằm ở vị trí nào trong kho. Nếu như để tìm kiếm chính xác vị trí kiện hàng đang nằm ở đâu theo cách thủ công có thể mất hàng tháng, nhưng quét mã vạch sẽ chỉ mất 3 giây.

    Hiện Việt Nam có 25.000 doanh nghiệp được cấp mã số mã vạch, trong số này có tới 15.000 đơn vị ngừng hoạt động hoặc bị thu hồi mã doanh nghiệp. Theo ông Vinh, việc xây dựng và công bố phần mềm sẽ góp phần hỗ trợ cơ quan quản lý, doanh nghiệp và người tiêu dùng thuận lợi hơn trong việc quản lý, cập nhật thông tin lưu thông, kiểm soát chất lượng hàng hóa.

    Để giúp doanh nghiệp thuận tiện trong việc cập nhật thông tin, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng đã xây dựng phần mềm IDD kê khai trực tuyến thông tin về mã số mã vạch. Để sử dụng phần mềm này, doanh nghiệp chỉ cần gửi yêu cầu về Tổ chức mã số mã vạch Việt Nam kèm bản chụp Giấy chứng nhận quyền sử dụng mã số mã vạch và cập nhật thông tin miễn phí.

    Scan and Check là phần mềm quét mã vạch chính thống của Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng, miễn phí trên điện thoại di động (hệ điều hành Android và IOS) để quét kiểm tra tính hợp pháp của MSMV và thông tin chính hãng về xuất xứ, về các thuộc tính của hàng hoá gắn MSMV cụ thể như sau:

    Đối với người tiêu dùng: Scan and Check cung cấp thông tin chính thống về doanh nghiệp chủ thương hiệu và thông tin về sản phẩm hàng hóa do chính nhà sản xuất kê khai;

    Đối với cơ quan quản lý nhà nước: Scan and Check cung cấp thông tin về tình trạng hợp lệ của mã số mã vạch đầu 893 gắn trên sản phẩm hàng hóa (những doanh nghiệp có hành vi vi phạm việc sử dụng mã số mã vạch sẽ bị cắt thông tin khỏi Mạng đăng kí toàn cầu thông tin điện tử các bên sử dụng mã số mã vạch GEPIR và Scan and Check sẽ cảnh báo cho các cơ quan chức năng biết để thanh tra, xử phạt);

    Đối với doanh nghiệp sử dụng mã số mã vạch đầu 893: Scan and Check giúp doanh nghiệp quảng bá miễn phí hình ảnh thương hiệu và các thông tin chi tiết về sản phẩm hàng hóa ra thị trường trong và ngoài nước.

    Theo vietq.vn

    Thực hư việc ăn mít, xoài, vải, nhãn… gây nóng

    Rất nhiều người thích những loại quả này nhưng lại sợ nóng và “đoạn tuyệt” với nó.

    Hiện đang vào mùa vải, mít, xoài, nhãn. Rất nhiều người thích những loại quả này nhưng lại sợ nóng và “đoạn tuyệt”với nó. Vậy, thực hư mít, xoài, vải, nhãn,… có gây nóng hay không?

    Ths.BS. Lê Thị Hải, nguyên Giám đốc Trung tâm Khám tư vấn dinh dưỡng, Viện Dinh dưỡng Quốc gia sẽ lý giải rõ hơn về điều này.

    Quả chín là nguồn cung cấp viatmin và muối khoáng quan trọng trong chế độ ăn của mỗi người.

    Theo BS Lê Thị Hải, quả chín là nguồn cung cấp viatmin và muối khoáng quan trọng trong chế độ ăn của mỗi người, vì ăn trực tiếp không qua nấu nướng nên quả chín giữ nguyên được hàm lượng vitamin và khoáng chất. Các loại quả chín rất đa dạng, nhiều chủng loại và mùi vị khác nhau, thay đổi theo mùa.

    BS Hải cho biết, một số người thường có quan niệm rằng các loại quả chín ngọt như: xoài, vải , nhãn, mít, dứa là những loại quả nóng nên thường kiêng không ăn, hoặc không cho trẻ con ăn sợ mọc mụn nhọt, rôm sảy.

    “Quan niệm này hoàn toàn sai lầm vì không có loại quả chín nào là nóng, ngay cả như mít, dứa, xoài , vải , nhãn thường có vào mùa hè nóng nực nhưng ăn vào cũng không hề bị nóng”, nguyên Giám đốc Trung tâm Khám tư vấn dinh dưỡng, Viện Dinh dưỡng Quốc gia khẳng định.

    Tuy nhiên, theo BS Hải, đối với những người thừa cân béo phì hoặc những người có nguy cơ bị thừa cân, người bị đái tháo đường thì không nên ăn nhiều các loại quả này vì hàm lượng đường cao, cung cấp nhiều năng lượng nếu ăn nhiều sẽ có nguy cơ bị thừa cân béo phì hoặc làm tăng lượng đường trong máu.

    Ăn quả vải không hề bị nóng.

    Mặt khác, một số người có cơ địa hay bị mọc mụn nhọt, rôm sảy, hay bị chắp lẹo mắt thì cũng không nên ăn nhiều các loại quả này, vì hàm lượng đường cao trong quả sẽ làm tăng lượng đường trong máu là môi trường thuận lợi cho các loại vi khuẩn phát triển nhất là tụ cầu là nguyên nhân gây nên tình trạng mụn nhọt, chốc lở.

    Như vậy, không có loại quả chín nào là nóng, mà chỉ có các loại quả có hàm lượng đường cao nếu ăn quá nhiều thì cũng không tốt cho sức khỏe, còn những người không thuộc diện phải ăn kiêng thì vẫn ăn bình thường.

    Ths. Lê Thị Hải khuyến cáo, mỗi ngày nên ăn từ 400g – 500g quả chín, ăn đa dạng các loại quả khác nhau thì sẽ cung cấp đủ nhu cầu vitamin và khoáng chất cho cơ thể, cung cấp đủ chất xơ giúp chống táo bón mà không cần phải dùng thuốc uống.

    Theo Danviet.vn

    Gắn sản xuất công nghiệp với bảo vệ môi trường

    0

    Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng vừa ký Quyết định 598/QĐ-TTg phê duyệt Kế hoạch cơ cấu lại ngành công nghiệp giai đoạn 2018 – 2020, xét đến năm 2025 trong đó tăng cường áp dụng công nghệ của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư trong sản xuất công nghiệp, gắn sản xuất công nghiệp với bảo vệ môi trường; loại bỏ dần các thiết bị lạc hậu trong các nhà máy và đóng cửa các nhà máy gây ô nhiễm.

    Theo kết hoạch, nhiệm vụ ưu tiên triển khai thực hiện trong giai đoạn 2018 – 2025 là thúc đẩy, nâng cao năng suất, chất lượng và giá trị gia tăng trong các ngành công nghiệp.

    Cụ thể, tăng cường áp dụng hệ thống tổ chức sản xuất tiên tiến và ứng dụng công nghệ cao, công nghệ của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư trong sản xuất công nghiệp, gắn sản xuất công nghiệp với bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu; sử dụng tài nguyên và năng lượng tiết kiệm, hiệu quả trong sản xuất công nghiệp; xây dựng danh mục các dự án, nhà máy sản xuất công nghiệp có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao và triển khai theo lộ trình thay thế và loại bỏ dần các thiết bị lạc hậu trong các nhà máy và đóng cửa các nhà máy gây ô nhiễm.

    Phát triển ngành thép nội địa, ưu tiên đầu tư phát triển các nhà máy sản xuất các loại thép mà trong nước chưa sản xuất được có công nghệ thân thiện môi trường.

    Xây dựng và nâng cấp chuỗi giá trị các sản phẩm của các ngành công nghiệp như dệt may, da giày, hóa chất, thực phẩm, điện tử… giấy nhằm nâng cao giá trị gia tăng và khả năng tham gia mạng lưới sản xuất toàn cầu, khai thác một cách có hiệu quả quá trình hội nhập và tự do hóa thương mại mạnh mẽ trong thời gian qua; phát triển thí điểm cụm liên kết ngành công nghiệp trong một số ngành công nghiệp ưu tiêu; đẩy mạnh các hoạt động đưa hàng Việt Nam vào hệ thống phân phối của các thương hiệu nước ngoài.

    Phát triển ngành thép nội địa, ưu tiên đầu tư phát triển các nhà máy sản xuất các loại thép mà trong nước chưa sản xuất được có công nghệ thân thiện môi trường như thép tấm cán nóng và các loại thép hợp kim phục vụ ngành cơ khí chế tạo. Xây dựng lộ trình để loại bỏ dần các nhà máy gang, luyện thép và cán thép quy mô nhỏ, công nghệ lạc hậu, sử dụng không hiệu quả tài nguyên và năng lượng thay thế bằng các nhà máy có công nghệ tiên tiến, đáp ứng các yêu cầu về bảo vệ môi trường.

    Tăng cường hiệu quả khai thác và sử dụng của ngành công nghiệp khai thác tài nguyên, khoáng sản, đặc biệt là đối với ngành công nghiệp than, dầu, khí và một số loại khoáng sản khác như alumin, limonit, manhetit, boxit, titan… Tổ chức điều tra, đánh giá thực chất năng lực cạnh tranh và đề xuất các giải pháp nhằm khai thác và sử dụng có hiệu quả của một số nguồn tài nguyên khoáng sản có trữ lượng lớn.

    Khuyến khích các doanh nghiệp lớn đầu tư phát triển ngành công nghiệp ô tô trên cơ sở bình đẳng, không phân biệt doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài nhằm phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam đáp ứng nhu cầu của thị trường và đóng góp cho phát triển kinh tế xã hội của đất nước. Các nhà sản xuất, lắp ráp ô tô cần chú trọng đầu tư vào công tác nghiên cứu phát triển và các ngành công nghiệp hỗ trợ, tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu của ngành.

    Tập trung hỗ trợ, nâng cao năng lực nghiên cứu, tự thiết kế mẫu và sản phẩm mới trong lĩnh vực dệt may và da giày, phát triển và liên kết ngành công nghiệp thời trang với dệt may và da giày. Xây dựng lộ trình về đổi mới công nghệ và hiện đại hóa trong ngành dệt may, da giày nhằm tạo giá trị tăng thêm, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu ngành; tạo mọi điều kiện thuận lợi để phát triển nguồn nguyên liệu cho các ngành: chế biến thực phẩm, thuốc lá, giấy, dầu thực vật, sữa… Điều chỉnh cơ cấu sản phẩm phù hợp thị trường, nâng cao chất lượng sản phẩm, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.

    Tập trung phát triển công nghiệp hỗ trợ trong ngành điện tử, cơ khí, dệt may, da giày; rà soát bổ sung chính sách để tiếp tục thực hiện có hiệu quả chương trình cơ khí trọng điểm. Lựa chọn mô hình thí điểm hỗ trợ một số doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ trong lĩnh vực dệt may, da giày, linh kiện điện tử, ô tô… và triển khai nhân rộng thành công các mô hình.

    Khuyến khích phát triển chế biến bằng công nghệ cao

    Ngoài các nhiệm vụ nêu trên, kế hoạch cũng chỉ rõ cần phát triển các ngành công nghiệp ưu tiên nhằm tạo tác động lan tỏa cho toàn ngành công nghiệp. Cụ thể, ưu tiên đầu tư phát triển ngành công nghiệp chế biến sâu đối với các sản phẩm nông lâm, thủy sản, đặc biệt là các sản phẩm Việt Nam, khuyến khích phát triển chế biến bằng công nghệ cao.

    Thu hút đầu tư phát triển năng lượng sạch, năng lượng tái tạo và năng lượng mới nhằm đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, đảm bảo thực hiện các mục tiêu về tăng trưởng xanh, giảm thiểu biến đổi khí hậu và cung cấp đầy đủ năng lượng với giá hợp lý, làm động lực phát triển cho các ngành công nghiệp khác.

    Đẩy mạnh phát triển sản phẩm cơ khí, ưu tiên phát triển một số ngành, lĩnh vực như: ô tô, các sản phẩm máy nông nghiệp, thiết bị công trình, thiết bị công nghiệp, thiết bị điện, thiết bị y tế, linh kiện phụ tùng ô tô, đóng tàu biển…

    Tăng cường công tác xúc tiến thương mại và phát triển thương hiệu đối với các sản phẩm công nghiệp, ngành công nghiệp Việt Nam ưu tiên và thương hiệu của các doanh nghiệp công nghiệp Việt Nam; tập trung nguồn lực triển khai Chương trình xúc tiến thương mại quốc gia hằng năm vào các ngành công nghiệp Việt Nam có thế mạnh như chế biến thực phẩm, đồ uống, dệt may, da giày… đẩy mạnh công tác phối hợp, cung cấp thông tin và hướng dẫn doanh nghiệp tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại, đặc biệt là thương mại quốc tế…

    Theo moitruong.com.vn

    Ký Quy tắc ứng xử về chống ô nhiễm chất thải nhựa

    Hai mươi hai Đại sứ quán và tổ chức quốc tế sẽ kỷ niệm Ngày Môi trường Thế giới bằng việc ký Quy tắc ứng xử về chống ô nhiễm chất thải nhựa vào lúc 9h00 sáng 4/6/2018 tại L’Espace, 24 Tràng Tiền, TP Hà Nội.

    Thông qua việc ký Quy tắc ứng xử này, các cơ quan đối tác quốc tế cam kết tiến hành đánh giá hiện trạng sử dụng các sản phẩm nhựa dùng một lần tại văn phòng cơ quan và bắt đầu thay đổi cách thức hoạt động để giảm thiểu chất thải nhựa.

    Tất cả các tổ chức ký kết cũng nhất trí sẽ vận động nhân viên giảm chất thải nhựa và khuyến khích các đối tác của mình áp dụng các giải pháp nhằm hạn chế hoặc không tạo ra chất thải nhựa.

    Với hành động chung này, các cơ quan đối tác quốc tế tại Việt Nam mong muốn trở thành các tác nhân thúc đẩy việc giảm ô nhiễm chất thải nhựa và nâng cao nhận thức về tác động tiêu cực của nó đối với con người, động vật và môi trường.

    Chiến dịch này, do Đại sứ quán Canada tại Việt Nam khởi xướng, nhằm mục tiêu nâng cao nhận thức về những tác động tiêu cực của ô nhiễm chất thải nhựa.

    Chiến dịch này, do Đại sứ quán Canada tại Việt Nam khởi xướng, nhằm mục tiêu nâng cao nhận thức về những tác động tiêu cực của ô nhiễm chất thải nhựa, đồng thời vận động thay đổi – ở cấp độ hành vi, thể chế và chính sách – giúp giảm chất thải nhựa tại Việt Nam.

    Lễ ký Quy tắc ứng xử là một điểm nhấn trong Chiến dịch vận động chống ô nhiễm nhựa, một chiến dịch chung của các đại sứ quán và đối tác quốc tế nhằm hỗ trợ sự phát triển bền vững của Việt Nam.

    Sau lễ ký sẽ có một hội thảo bàn tròn về vấn đề ô nhiễm nhựa, trong đó các nhà hoạch định chính sách, lãnh đạo doanh nghiệp, các học giả và các nhà hoạt động môi trường sẽ thảo luận về những thách thức trong việc giảm chất thải nhựa và đề xuất các phương pháp giải quyết hiệu quả vấn đề ô nhiễm nhựa.

    Trong những tháng vừa qua, hai mươi hai đại sứ quán và các đối tác quốc tế đã tích cực tham gia chiến dịch này với nhiều hoạt động cùng diễn ra.

    Một trong những hoạt động quan trọng khác của chiến dịch là các cuộc đối thoại mang tính xây dựng với các nhà lãnh đạo của Việt Nam để thảo luận các lựa chọn chính sách sẽ có ảnh hưởng tích cực lâu dài nhằm xử lý tình trạng ô nhiễm nhựa tại Việt Nam.

    Ngoài ra, chiến dịch trực tuyến #Giảm-thiểu-rác-thải-nhựa đã được phát động trên các nền tảng truyền thông xã hội của các tổ chức tham gia ký Quy tắc ứng xử, nhằm kêu gọi hành động chung của cộng đồng giảm sử dụng nhựa dùng một lần trong cuộc sống hàng ngày và tại nơi làm việc.

    Theo moitruong.com.vn

    1 triệu Euro hỗ trợ Lào và Việt Nam thực hiện dự án “Quản lý và tái chế nhựa”

    Ngày 23/5, tại Hà Nội đã diễn ra lễ khởi động dự án quốc tế “Quản lý và tái chế nhựa” (Sea-plastic-edu). Đây là dự án do Chương trình Erasmus +, chương trình về giáo dục đào tạo của Liên minh Âu châu (EU) tài trợ trong 3 năm (2018 – 2021), với sự tham gia của 5 quốc gia gồm: Áo, Đức, Đan Mạch, Lào và Việt Nam. Dự án có tổng kinh phí là 1 triệu Euro.

    Tham dự lễ khởi động dự án có đại diện Đại sứ quán Áo, Đại sứ quán Đức, Đại sứ quán Đan Mạch, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Công Thương, lãnh đạo ĐH QGHN, cùng các tổ chức hiệp hội, doanh nghiệp châu Âu và Việt Nam.

    Trong đó, Công ty TNHH Trung tâm Sản xuất sạch hơn Việt Nam (VNCPC) vinh dự là một trong 4 doanh nghiệp đối tác của dự án.

    Dự án “Quản lý và tái chế nhựa” do Chương trình Erasmus +, chương trình về giáo dục đào tạo của Liên minh Âu châu (EU) tài trợ trong 3 năm (2018 – 2021), với sự tham gia của 5 quốc gia gồm: Áo, Đức, Đan Mạch, Lào và Việt Nam.

    GS. Nguyễn Văn Nội, Hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học tự nhiên – ĐH QGHN cho biết, dự án được thành lập dựa trên điều lệ Erasmus+, với mục đích tạo kết nối giữa khu vực Đông Nam Á và châu Âu trong việc đào tạo, tập huấn về vấn đề tái chế nhựa tại Lào và Việt Nam.

    Theo đó, mục tiêu tổng thể của dự án bao gồm: Hỗ trợ các trường đại học ở Việt Nam và Lào trong việc hiện đại hóa và nâng cao giáo dục đại học tại các bậc đào tạo kỹ sư, cử nhân, kỹ thuật viên bằng cách thiết lập khái niệm giáo dục về tái chế nhựa và quản lý chất thải; Nâng cao khả năng được tuyển dụng sau khi ra trường và tinh thần kinh doanh của sinh viên tốt nghiệp và cho cán bộ của các trường;  Kết nối thế giới học thuật và công nghiệp trong lĩnh vực quản lý chất thải.

    Sau lễ khởi động, 6 hoạt động chính của dự án sẽ được triển khai tại Lào và Việt Nam là: hiện đại hóa chương trình giảng dạy hiện có; thành lập hai trung tâm đào tạo quy mô khu vực dành cho người làm việc trong lĩnh vực tái chế nhựa; thành lập Mạng lưới đào tạo về tái chế chất thải; đào tạo giảng viên; đưa khái niệm phát triển bền vững vào môn học quản lý chất thải trong đào tạo thạc sĩ; nâng cao kỹ năng, trình độ cho các chuyên gia về quản lý chất thải, chuyển giao công nghệ.

    Theo vncpc.org

    EU đề xuất “khai tử” tăm bông, ống hút nhựa vì quá ô nhiễm môi trường

    Ô nhiễm môi trường biển lên tới mức báo động là lý do Ủy ban châu Âu đề xuất khai tử các sản phẩm nhựa sử dụng một lần như tăm bông và ống hút bằng nhựa.

    Chúng sẽ được thay thế bằng các loại vật liệu tái chế hoặc thân thiện hơn với môi trường.

    Cũng theo đề xuất này, các nước Liên minh châu Âu (EU) sẽ được yêu cầu thu thập 90% số vỏ đồ uống đóng chai bằng nhựa để tái chế trong năm 2025. Các nhà sản xuất các sản phẩm này cũng sẽ phải chịu thêm các khoản chi phí về phản lý chất thải và làm sạch môi trường.

    Nhựa tích tụ trong các đại dương trên khắp thế giới đã trở thành vấn đề nan giải với nhiều chính phủ.

    “Không thể phủ nhận, chất thải nhựa đang là vấn đề lớn và người châu Âu cần hành động để cùng nhau giải quyết vấn đề này. Chất thải nhựa sẽ làm ô nhiễm không khí, đất đai, đại dương và cả thực phẩm của chúng ta”, ông Frans Timmermans, Phó chủ tịch Ủy ban châu Âu, nhấn mạnh.

    Nhựa tích tụ trong các đại dương trên khắp thế giới đã trở thành vấn đề nan giải với nhiều chính phủ. Các nhà khoa học cũng cảnh báo tác động của chúng lên chuỗi thức ăn. Theo nghiên cứu được công bố trên tạp chí Scientific Reports, lượng rác thải khổng lồ lên tới 79.000 tấn, tương đương 1,8 nghìn tỷ mảnh nhựa, đang trôi nổi trên khắp đại dương. Chúng bao gồm lưới đánh cá, hộp nhựa, túi nhựa và dây thừng.

    Hồi đầu năm, Anh cũng tuyên bố ý định cấm bán ống hút và các sản phẩm dùng một lần có nguồn gốc từ nhựa khác.

    Với đều xuất của Ủy ban châu Âu, họ cần cái gật đầu của Nghị viện và Hội đồng châu Âu trước khi có thể đi vào thực tế.

    Theo Trí thức trẻ