31 C
Hanoi
Thứ bảy, Tháng mười một 16, 2024
More
    Home Blog Page 395

    Xu thế năng lượng thế giới – Điện gió

    0

    Cùng với thủy điện, điện gió được xem là nguồn năng lượng giá rẻ, phù hợp để phát triển đại trà.

    Tính kinh tế

    Năng lượng gió cần vốn đầu tư, nhưng không tốn chi phí nhiên liệu, vì vậy, giá điện từ năng lượng gió ổn định hơn nhiều so với giá điện từ nhiên liệu hóa thạch. Chi phí xây dựng 1 trạm năng lượng gió thường dưới 0,01USD cho mỗi kWh. Do chi phí vốn giảm khoảng 12%, hiện điện gió đã đạt mức ngang giá điện lưới ở một số nước châu Âu vào năm 2010 và Hoa Kỳ vào năm 2016. Tuy nhiên, ước tính chi phí trung bình trên mỗi đơn vị điện phải kết hợp chi phí xây dựng tuabin và thiết bị truyền dẫn, vốn vay, trả lại cho nhà đầu tư (chi phí rủi ro), nên con số chi phí được công bố có thể khác nhau. Năm 2004, chi phí năng lượng gió chỉ bằng 1/5 so với những năm 1980 và ngày càng giảm khi tuabin gió công suất lớn được sản xuất hàng loạt.

    Trong năm 2012, chi phí vốn cho tuabin gió thấp hơn đáng kể so với năm 2008-2010. “Chi phí của điện gió đã giảm trong 2 năm qua khoảng 0,05 – 0,06 USD mỗi kWh, rẻ hơn 0,02 USD so với điện than” – một báo cáo năm 2011 của Hiệp hội Năng lượng Gió Hoa Kỳ viết. Trong khi đó, báo cáo của Hiệp hội Năng lượng Gió Anh đưa ra chi phí sản xuất điện gió trên bờ trung bình 0,055USD cho mỗi kWh (2005). Tại Anh năm 2011, năng lượng từ tua bin gió rẻ hơn từ hóa thạch hoặc nhà máy hạt nhân. Người ta kỳ vọng, sự hiện diện của năng lượng gió có thể giảm chi phí cho người tiêu dùng (5 tỷ EUR/năm ở Đức) bằng cách giảm thiểu việc sử dụng nhà máy điện tốn nhiều vốn đầu tư.

    Năng lượng gió có chi phí bên ngoài thấp nhất. Tháng 2/2013, New Energy Finance (BNEF) đã báo cáo rằng, chi phí sản xuất điện từ các trang trại gió mới rẻ hơn so với các nhà máy chạy than hoặc chạy gas mới.

    Theo mô hình giá các bon của chính phủ Australia là 80USD/MWh cho các trang trại gió mới, 143USD/MWh cho các nhà máy than mới và 116USD/MWh các nhà máy khí đốt, cho thấy năng lượng gió rẻ hơn 14% so với nhà máy than mới và rẻ hơn 18% so với nhà máy khí mới.

    Nỗ lực giảm chi phí

    Vốn đầu tư dự án điện gió cũng như chi phí bảo trì ngày càng giảm, trong khi giảm công nghệ tuabin gió cũng luôn được hoàn thiện. Hiện nay các cánh tuabin gió dài hơn và nhẹ hơn, cải thiện hiệu suất của tuabin và tăng hiệu suất phát điện. Ví dụ, ngành công nghiệp gió ở Hoa Kỳ năm 2014 đã sản xuất nhiều năng lượng hơn với chi phí thấp hơn, bằng cách sử dụng các tuabin gió cao hơn với các cánh quạt dài hơn, thu được những cơn gió mạnh ở độ cao cao hơn. Điều này đã mở ra những cơ hội mới và ở Indiana, Michigan và Ohio khi tuabin gió được xây dựng cao hơn 91,44 m so với mặt đất để cạnh tranh với nhiên liệu hóa thạch như than đá. Giá đã giảm xuống còn khoảng 0,04 USD/kWh.

    Một số sáng kiến cũng đang được thực hiện để giảm chi phí điện năng từ gió ngoài khơi. Ví dụ, Carbon Trust, một dự án công nghiệp chung, liên quan đến 9 nhà phát triển điện gió ngoài khơi, nhằm giảm chi phí của điện gió xuống 10% vào năm 2015. Người ta cho rằng. sự đổi mới ở quy mô có thể giảm đến 25% chi phí điện gió vào năm 2020.

    Tháng 8/2017, Phòng thí nghiệm Năng lượng tái tạo quốc gia (NREL), Bộ Năng lượng Hoa Kỳ, đã công bố một báo cáo về việc giảm 50% chi phí năng lượng gió vào năm 2030. NREL dự kiến đạt được những tiến bộ trong thiết kế tuabin gió, vật liệu và kiểm soát để cải tiến hiệu suất và giảm chi phí. Nghiên cứu này cho thấy cắt giảm chi phí dự kiến 24 – 30% vào năm 2030. Trong các trường hợp tích cực hơn, các chuyên gia ước tính giảm chi phí lên tới 40%, nếu các chương trình nghiên cứu và phát triển công nghệ đem lại hiệu quả bổ sung.

    Tác động môi trường

    Tác động môi trường của năng lượng gió khi so sánh với nhiên liệu hóa thạch tương đối nhỏ. Theo IPCC, trong các đánh giá về nguy cơ nóng lên toàn cầu của các nguồn năng lượng, các tuabin gió có giá trị trung bình 12 và 11 g CO2/kWh, tùy thuộc vào việc tuabin lắp ở ngoài khơi hay trên bờ. So với các nguồn carbon thấp khác, tuabin gió có rủi ro làm nóng lên toàn cầu thấp nhất trên mỗi đơn vị năng lượng điện được tạo ra. Dù vậy, một trang trại gió có thể bao phủ diện tích đất lớn nông nghiệp. Có báo cáo về việc tuabin gió làm chết chim chóc và dơi. Bên cạnh đó, tuabin gió tạo ra một số tiếng ồn. Ở khoảng cách dân cư 300 m, tiếng ồn có thể vào khoảng 45 dB, không đáng kể. Tại khoảng cách 1,5 km, những tiếng ồn từ tuabin gió hoàn toàn không nghe thấy.

    Có những báo cáo về những ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe từ tiếng ồn đối với những người sống rất gần với tuabin gió. Tuy nhiên, những nghiên cứu khác lại bác bỏ những tuyên bố này. Ngoài ra, không quân và Hải quân Hoa Kỳ bày tỏ lo ngại việc đặt các tuabin gió lớn gần các căn cứ sẽ tác động tiêu cực đến radar, khiến các bộ điều khiển không lưu sẽ mất vị trí của máy bay.

    Phát triển năng lượng gió được tài trợ tại nhiều nước không phụ thuộc vào đường lối chính trị, như thông qua việc hoàn trả thuế (PTC tại Hoa Kỳ), các mô hình hạn ngạch hay đấu thầu (như tại Anh, Italia), hay thông qua các hệ thống giá tối thiểu (Đức, Tây Ban Nha, Áo, Pháp, Bồ Đào Nha, Hy Lạp). Hệ thống giá tối thiểu ngày càng phổ biến và đã đạt được giá điện bình quân thấp hơn trước, khi công suất các nhà máy lắp đặt cao hơn. Trên nhiều thị trường điện, năng lượng gió phải cạnh tranh với các nhà máy điện mà một phần đáng kể đã được khấu hao toàn bộ từ lâu, bên cạnh đó công nghệ này còn tương đối mới.

    Vì thế, tại Đức, có đền bù giá giảm dần theo thời gian từ những nhà cung cấp năng lượng. Điều này thực hiện theo Luật Năng lượng tái sinh, tạo điều kiện cho ngành công nghiệp trẻ này phát triển. Bộ luật này quy định giá tối thiểu các doanh nghiệp vận hành lưới điện phải trả cho các nhà máy sản xuất điện từ năng lượng tái sinh. Mức giá được ấn định giảm dần theo thời gian. Ngược với việc trợ giá, việc khuyến khích này không xuất phát từ tiền thuế, các doanh nghiệp vận hành lưới điện có trách nhiệm phải mua với giá cao hơn.

    Theo Trần Hương

    Saigondautu.com.vn/tapchicongthuong.vn (16/8/2018)

    Thúc đẩy ý tưởng sáng tạo công nghệ phục vụ cuộc sống hàng ngày

    Cuộc thi sáng chế năm 2018 được tổ chức với mục đích khuyến khích các hoạt động sáng chế, sáng tạo nhằm tạo ra những công nghệ ứng dụng rộng rãi vào thực tiễn cuộc sống.

    Ngày 16/8, tại Hà Nội, Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì, phối hợp với Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO), Tổng cục Sở hữu trí tuệ Hàn Quốc (KIPO) và các đơn vị liên quan tổ chức Lễ công bố Cuộc thi Sáng chế năm 2018 với chủ đề “Sáng tạo công nghệ cho cuộc sống hàng ngày”.

    Cuộc thi Sáng chế là sự kiện thường niên do WIPO, KIPO và Cơ quan Sở hữu trí tuệ của các quốc gia đang phát triển phối hợp tổ chức nhằm thúc đẩy tinh thần sáng tạo để đưa ra các giải pháp kỹ thuật nhằm cải thiện cuộc sống cộng đồng ở chính các quốc gia đó.

    Theo Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học & Công nghệ Đinh Hữu Phí, tại Việt Nam cuộc thi sáng chế đã được tổ chức vào các năm 2013 và 2014, thu hút nhiều tổ chức, cá nhân tham gia với nhiều giải pháp có giá trị về kỹ thuật, tính ứng dụng, có hiệu quả kinh tế cao. Qua 2 năm tổ chức đã nhận được 319 giải pháp dự thi thuộc nhiều lĩnh vực kỹ thuật khác nhau như cơ khí chế tạo, tự động hóa, vật liệu mới, công nghệ môi trường, công nghệ sinh học… Nhiều giải pháp đã được thương mại hóa thành công, có tính ứng dụng thực tế cao.

    Ban tổ chức chương trình cuộc thi sáng chế năm 2018. Ảnh: VGP

    Điển hình như giải pháp Máy gặt đập lúa (Giải Nhất năm 2013) của Công ty TNHH Nhựa Hoàng Thắng (Cần Thơ) với các tính năng công suất cao, tiết kiệm nhân lực và nhiên liệu, giảm tỉ lệ hao hụt lúa và có giá rẻ hơn (bằng 50% giá của các loại máy nhập ngoại cùng loại), được bà con nông dân sử dụng rộng rãi tại Đồng bằng sông Cửu Long, các tỉnh miền Trung.

    Cuộc thi sáng chế năm 2018 với chủ đề “Sáng tạo công nghệ cho cuộc sống hàng ngày” có mục đích khuyến khích các hoạt động sáng chế, sáng tạo nhằm tạo ra công nghệ, giải pháp kỹ thuật mới có tính ứng dụng rộng rãi, dễ dàng và tiết kiệm chi phí để đáp ứng nhu cầu thiết thực của cuộc sống, góp phần vào sự phát triển kinh tế – xã hội của đất nước.

    Cuộc thi dành cho mọi công dân Việt Nam đang cư trú, sinh sống và làm việc trên lãnh thổ Việt Nam tạo ra giải pháp kỹ thuật là đối tượng được bảo hộ sáng chế thuộc mọi lĩnh vực kỹ thuật trong sản xuất kinh doanh, đời sống kinh tế-xã hội, an ninh quốc phòng… có thời điểm bộc lộ công khai lần đầu (ở trong nước hoặc ở nước ngoài) hoặc áp dụng lần đầu tại Việt Nam sau ngày 31/5/2013 và chưa tham dự Cuộc thi Sáng chế do Bộ Khoa học & Công nghệ tổ chức năm 2013, 2014 đều có quyền đăng ký tham dự Cuộc thi.

    Cuộc thi sáng chế 2018 sẽ bắt đầu từ tháng 8/2018 đến tháng 4/2019. Các Hội thảo định hướng sẽ được tổ chức tại Hà Nội, Đà Nẵng và TPHCM (dự kiến trong tháng 8/2018) nhằm hướng dẫn, đào tạo về sử dụng thông tin sáng chế và thông tin về cuộc thi cho các đối tượng quan tâm.

    Vòng Chung khảo, Hội thảo tổng kết và Lễ trao giải dự kiến được tổ chức vào vào tháng 4/2019. Tại Vòng Chung khảo, 10 tác giả có các giải pháp xuất sắc nhất được chọn ra từ Vòng Sơ khảo sẽ trình bày nội dung giải pháp của mình trước Hội đồng giám khảo (gồm 5 chuyên gia trong nước và 2 chuyên gia quốc tế). Lễ trao giải sẽ diễn ra cùng ngày với Hội thảo tổng kết.

    Cơ cấu giải thưởng gồm: 1 Giải Nhất, 1 Giải Nhì, 1 Giải Ba và 7 Giải Khuyến khích. Tổ chức, cá nhân đạt giải thưởng Cuộc thi sẽ được nhận Giấy chứng nhận Giải thưởng của Ban Tổ chức, tiền thưởng theo quy định, được quảng bá, truyền thông trên các phương tiện thông tin đại chúng.

    Theo Vietq.vn (16/8/2018)

    Ước tính hơn 21.000 người ở châu Á có thể chết do nhiệt độ tăng cao

    Tổ chức Y tế thế giới (WHO) ước tính, số người chết liên quan đến nhiệt độ cao ở các nước thu nhập cao tại châu Á – Thái Bình Dương có thể tăng thêm 1.488 người vào những năm 2030. Con số này trên toàn châu Á là hơn 21.000 người.

    Trên quy mô toàn cầu, nhiệt độ tăng có thể làm chết thêm khoảng 250.000 người mỗi năm trong giai đoạn 2030 – 2060, do tiếp xúc với nhiệt, bệnh nhiệt đới, suy dinh dưỡng và tiêu chảy.

    Một nghiên cứu của tạp chí PLOS Medicine gần đây cũng chỉ ra tác động của nhiệt độ tới sự gia tăng đột biến các trường hợp tử vong, đặc biệt là nếu lượng khí thải các bon không được kiểm soát. Chẳng hạn, số người chết vì nóng quá mức ở Nhật Bản đang vào khoảng hơn 2.000 người/năm và có thể tăng 170% trong những năm 2030 – 2080. Tương tự, Philippin có khả năng ghi nhận tỉ lệ gia tăng số ca tử vong do nhiệt độ cao là hơn 1.300% (từ mức 322 người/năm hiện tại).


    Một khu tránh nóng có điều hòa nhiệt độ được lập ra trong một tòa cao ốc ở Seoul – Hàn Quốc (Ảnh: EPA)

    Trong đợt nắng nóng 15 ngày ập vào Hồng Kông hồi tháng 5/2018, khoảng 1/3 số người được hỏi cho biết, họ cảm thấy mắc bệnh thường xuyên hơn do nhiệt độ ngột ngạt và 22% gặp phải các triệu chứng trầm cảm. Tại những nơi khác ở châu Á, tình hình còn tồi tệ hơn. Từ giữa tháng 7, bán đảo Triều Tiên hứng chịu mức nhiệt độ cao kỷ lục 40,7 độ C. Phía Hàn Quốc có ít nhất 42 người thiệt mạng cho đến nay.

    Tại Nhật Bản, mưa lớn gây ra lũ lụt và lở đất ở phía Tây Nam gần đây, làm chết hơn 200 người trước khi một đợt nắng nóng tới 41,1 độ C, làm 80 người khác thiệt mạng.

    Một nghiên cứu từ Trường Đại học Oxford (Anh) xác định, biến đổi khí hậu làm “tăng gấp đôi nguy cơ” xảy ra các sự kiện như trên. Và không chỉ các đợt nắng nóng, theo Ngân hàng Phát triển châu Á, nhiệt độ bề mặt biển tăng cao cũng khiến các cơn bão nhiệt đới trở nên mạnh hơn.

    Khi tác động của tình trạng nóng lên toàn cầu rõ rệt hơn, Chính phủ các nước trên khắp thế giới buộc phải tìm ra những cách thức mới để bảo vệ người dân. Các nhà quy hoạch đang tìm giải pháp như xây dựng các đại lộ rộng hơn, rợp bóng cây dẫn đến các khu vực có mật độ xây dựng cao. Các sáng kiến ​​khác bao gồm bảo vệ không gian xanh hiện có, đẩy mạnh sử dụng nhiên liệu xanh thay thế…

    Theo Trần Hương/tapchimoitruong.vn

    6 sai lầm khi sử dụng dầu ăn gây hại sức khỏe ai cũng từng mắc

    Tuy là một nguyên liệu quen thuộc nhưng để bảo vệ sức khỏe của thành viên trong gia đình, các bà nội trợ cần phải chú ý sáu sai lầm khi sử dụng dầu ăn dưới đây:

    1. Trao niềm tin tuyệt đối cho nhà sản xuất

    Theo nhiều nghiên cứu cho thấy phần lớn các loại dầu thực vật không hề chứa cholesterol mà chứng chỉ lại rơi vào những loại thực phẩm có nguồn gốc từ động vật. Do đó, nếu trên bao bì có ghi dòng chữ “hoàn toàn không chứa cholesterol” thì chớ vội tin, vì đây chỉ là một chiêu trò quảng cáo sản phẩm của nhà sản xuất mà thôi.

    2. Nhầm lẫn khi sử dụng quá nhiều nhãn hàng dầu ăn

    Đa số các bà mẹ đều có thói quen “đa dạng hóa” dầu ăn bằng cách thay đổi nhiều nhãn hàng khác nhau. Tuy nhiên, dù tên sản phẩm khác nhau nhưng đều chứa cùng các thành phần acid béo như nhau. Trên thực tế, tất cả loại dầu ăn dù được làm từ đậu nành, đậu phộng hay bất kỳ loại đậu nào khác đều tương đối giống nhau về thành phần cấu tạo.

    Do đó, nếu muốn thay đổi dầu ăn các mẹ nên chú ý chọn mua những loại dầu có thành phần acid béo khác nhau để tránh trùng lặp.

    3. Dầu có màu sắc nhạt, trong là sản phẩm chất lượng

    Đa số các bà nội trợ khi mua sắm, đều cho rằng dầu càng đậm càng hôi càng kém chất lượng nhưng thực chất màu sắc của sản phẩm được quyết đinh bởi nhiều yêu tố, có thể là do công thức chế biến, mức độ tinh luyện hay nguyên liệu sản xuất. Theo nhiều chuyên gia dinh dưỡng, dầu càng tinh luyện có màu càng nhạt và trong nhưng theo đó nhiều thành phần dinh dưỡng nguyên thủy cũng bị lấy đi.

    Do đó, việc đánh giá chất lượng của dầu khi chỉ nhìn vào màu sắc là chủ quan và không có cơ sở.

    4. Sử dụng một loại dầu duy nhất

    Tuy có thành phần giống nhau nhưng thực tế mỗi nhà sản xuất lại cho ra dầu ăn có giới hạn chịu nhiệt khác nhau. Do đó, đối với những món chiên hay rán, các bà nội trợ nên chọn những loại dầu có sức chịu nhiệt cao như dầu cọ, dầu dừa hay các loại mỡ như: bò, lợn,…

    Hiển nhiên, đối với những món xào đơn giản, chỉ cần những loại dầu có khả năng chịu nhiệt nhẹ hơn như dầu làm từđậu phộng, cám gạo, ô liu hay đậu nành. Và còn các món trộn hay nấu, khử hành,… các bà nội trợ chỉ cần một loại dầu có độ chịu nhiệt kém như dầu đay, dầu tía tô, dầu ô liu nguyên chất,…

    5.Tiếc dầu thừa nên không bỏ đi

    Đa số bà nội trợ đều rất tiếc khi phải bỏ dầu thừa đi nhưng lại không biết đây là cách tiết kiệm gây hại cho cơ thể. Theo nhiều nghiên cứu, khi được chế biến và tiếp xúc với nhiệt độ cao dầu ăn sản sinhra một hóa chất có tên là transfat – một chất có thể gây ung thư nếu sử dụng trong thời gian dài.

    Do đó, nếu muốn sử dụng lại dầu thừa, tốt nhất các bà nội trợ chỉ nên tận dầu đã qua chế biến lần đầu cho các món salad trộn hoặc để ướp cá thịt. Bạn cần tránh để dầu thừa tiếp xúc với nhiệt độ cao lần nữa.

    Tuyệt đối không sử dụng lại dầu ăn thừa. Ảnh: Internet

    6. Có phải dầu ôliu chỉ dùng để xào nấu

    Khi nhắc đến dầu ôliu chị em thường sẽ nghĩ ngay đến làm đẹp, vì đây là loại dầu chưa qua quá trình tinh luyện hoàn toàn, chỉ thuần được chắt lọc từ nước ép của quả ôliu nên mang lại mùi thơm dịu nhẹ, giàu chất kháng khuẩn và hiệu quả chống ôxy hóa cao. Cũng vì vậy, chị em không nên dùng dầu ôliu trong xào nấu vì dễ làm mất đi hàm lượng phenol. Do đó, để bảo toàn được lượng phenol có trong dầu ôliu chị em có thể kết hợp nó với các món salad và rau trộn sẽ bổ dưỡng và tốt cho sức khỏe hơn.

    Theo Eva/tapchicongthuong.vn (14/8/2018)

    Thách thức trong chuyển giao công nghệ vào Việt Nam

    0

    Theo Bộ Khoa học và Công nghệ, giai đoạn 2010-2017, có 115 hợp đồng chuyển giao từ nước ngoài vào Việt Nam, với tổng giá trị các hợp đồng chuyển giao công nghệ đã được cấp giấy chứng nhận đăng ký ước tính khoảng 447.000 tỷ đồng.

    Hiệu ứng các ngành nghề mới, công nghệ mới của các doanh nghiệp FDI đã giúp nhiều ngành kinh tế của Việt Nam có công nghệ tiên tiến. Tuy nhiên, việc chuyển giao công nghệ cho đến nay vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu đổi mới công nghệ của nước ta.

    Mặc dù trong bảng xếp hạng về năng lực cạnh tranh công nghiệp của UNIDO năm 2016, Việt Nam đứng thứ 50 trên tổng số 141 nước được xếp hạng, tăng 44 bậc so năm 1990; tuy vậy, trong ASEAN-5 Việt Nam chỉ đứng trên Philipines.

    Ảnh minh họa.

    Theo kết quả điều tra hàng năm của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), các doanh nghiệp FDI chỉ mua khoảng 26,6% thiết bị, đầu vào từ doanh nghiệp Việt, còn lại là nhập khẩu và nhập từ công ty mẹ. Nguyên nhân xuất phát từ loại hình hoạt động, gần như doanh nghiệp FDI là doanh nghiệp 100% vốn đầu tư nước ngoài. Điều này sẽ hạn chế việc chuyển giao công nghệ tiên tiến cho doanh nghiệp nội như kỳ vọng và cam kết.

    Về vấn đề chất lượng công nghệ, mặc dù các công nghệ chuyển giao vào Việt Nam phần lớn có trình độ bằng hoặc cao hơn công nghệ sẵn có ở trong nước, nhưng mới chỉ đạt mức trung bình hoặc trung bình tiên tiến so với các nước trong khu vực. Thực tế cho thấy, có khoảng 80% dự án FDI sử dụng công nghệ trung bình của thế giới, 14% ở mức thấp và lạc hậu và chỉ 5-6% sử dụng công nghệ cao.

    Cho đến nay, Chính phủ đã ban hành nhiều văn bản chính sách với mục tiêu ngăn ngừa nhập khẩu công nghệ lạc hậu, kém chất lượng, tiêu tốn nhiều năng lượng, nguyên vật liệu và gây ô nhiễm môi trường vào Việt Nam thông qua các dự án đầu tư. Việc kiểm soát thiết bị, dây chuyền công nghệ đã qua sử dụng dần được siết chặt. Thông tư số 23/2015/TT-BKH&CN đưa ra quy định máy móc, thiết bị, dây chuyền công nghệ đã qua sử dụng phải đáp ứng điều kiện tuổi thiết bị không quá 10 năm và đã được sản xuất phù hợp quy chuẩn kỹ thuật quốc gia (QCVN), tiêu chuẩn quốc gia (TCVN) hoặc tiêu chuẩn G7 về an toàn, tiết kiệm năng lượng và môi trường.

    Tuy vậy, công tác kiểm soát nhập khẩu máy móc, thiết bị vẫn còn nhiều khó khăn, vướng mắc. Bộ Khoa học và Công nghệ cho biết, trước đây, việc thẩm định về công nghệ tương ứng với giai đoạn quyết định chủ trương đầu tư và giai đoạn quyết định đầu tư chưa được quy định rõ. Đặc biệt, là chưa có cơ chế quản lý nhập khẩu công nghệ ngoài Danh sách hạn chế nhập khẩu.

    Để tăng cường công tác thẩm định công nghệ dự án đầu tư, Luật Chuyển giao công nghệ năm 2017 đã dành một Chương quy định về công tác này, trong đó bổ sung các quy định, như: Mở rộng đối tượng dự án đầu tư cần phải thẩm định/có ý kiến về công nghệ trong từng giai đoạn quyết định chủ trương đầu tư và quyết định đầu tư; Biện pháp quản lý đối với trường hợp chủ đầu tư điều chỉnh, thay đổi nội dung công nghệ đã được thẩm định; Hoạt động kiểm tra, giám sát trong quá trình triển khai, thực hiện; Nội dung giải trình về công nghệ và nội dung thẩm định về công nghệ tương ứng với từng giai đoạn quyết định chủ trương và giai đoạn quyết định đầu tư dự án; Trách nhiệm của các cơ quan trong việc thẩm định hoặc có ý kiến về công nghệ.

    Trong thời gian tới, Bộ Khoa học và Công nghệ đề xuất điều chỉnh hệ thống các văn bản pháp luật có liên quan để có hành lang pháp lý đồng bộ về công tác thẩm định công nghệ trong dự án đầu tư. Bên cạnh đó, cần xây dựng chính sách nhập khẩu công nghệ phù hợp với từng giai đoạn phát triển kinh tế – xã hội.

    Theo sxsh.vn (15/8/2018)

    Mở đường cho năng lượng tái tạo tới từng gia đình Việt

    Tuần lễ Năng lượng tái tạo Việt Nam 2018 sẽ diễn ra từ ngày 21 – 26/8 tại 3 thành phố lớn là Hà Nội, Hồ Chí Minh và Cần Thơ, nhằm tập trung thảo luận về việc tháo gỡ các rào cản, tạo bước “nhảy vọt” để năng lượng tái tạo khả thi và mang lại lợi ích cho từng gia đình Việt.

    Chương trình Tuần lễ Năng lượng tái tạo thường niên lần thứ 3 do Liên minh Năng lượng bền vững Việt Nam (VSEA) và Nhóm công tác về Biến đổi khí hậu (CCWG) tổ chức, với một chuỗi sự kiện bao gồm hội thảo, tọa đàm, thăm quan thực địa, triển lãm…

    Cùng với đó, sáng kiến “Triệu ngôi nhà xanh vì Việt Nam thịnh vượng” cũng sẽ được phát động trong thời gian diễn ra tuần lễ.

    Chương trình Tuần lễ Năng lượng tái tạo thường niên lần thứ 3 do Liên minh Năng lượng bền vững Việt Nam (VSEA) và Nhóm công tác về Biến đổi khí hậu (CCWG) tổ chức.

    Giám đốc Trung tâm Phát triển Sáng tạo Xanh (GreenID), cơ quan điều phối của VSEA Ngụy Thị Khanh cho biết, với thông điệp “Mở đường cho năng lượng tái tạo tới từng gia đình Việt”, chương trình tuần lễ năm nay sẽ hướng tới khuyến khích mọi công dân Việt Nam trở thành một phần của quá trình chuyển dịch năng lượng và trở thành những người hưởng lợi trực tiếp của quá trình này.

    Giám đốc GreenID Ngụy Thị Khanh nhấn mạnh: “Cùng với các đối tác, chúng tôi mong muốn sẽ dành nhiều nỗ lực hơn cho việc đẩy mạnh ứng dụng điện mặt trời để tạo đột phá cho chuyển dịch năng lượng, đảm bảo công bằng xã hội, tạo điều kiện cho người tiêu dùng trở thành những nhà sản xuất và tiêu dùng thông thái”.

    Cùng với sự tham gia, hưởng lợi của người dân, chương trình cũng sẽ thu hút sự tham gia của các nhà quản lý, hoạch định chính sách, các chuyên gia trong và ngoài nước về năng lượng tái tạo, các đơn vị đang triển khai các hoạt động trong lĩnh vực năng lượng, tìm ra các giải pháp nhằm tháo gỡ những khó khăn thách thức, thúc đẩy phát triển năng lượng tái tạo đổi mới ở Việt Nam.

    Theo N.H/Petrotimes.vn (15/8/2018)

    IEA lo ngại thế giới sẽ thiếu dầu

    Ngày 11/8, Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) công bố báo cáo hàng tháng bày tỏ lo ngại về khả năng nguồn cung dầu thế giới trong thời gian tới sẽ thiếu hụt.

    “Khi các biện pháp trừng phạt xuất khẩu dầu chống Iran có hiệu lực, cùng với tình trạng giảm sản lượng ở nơi khác, việc duy trì nguồn cung toàn cầu có thể rất khó khăn”, IEA cảnh báo trong báo cáo hàng tháng.

    Iran, nhà sản xuất lớn thứ ba của Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) lo sợ sản lượng dầu xuất khẩu sẽ giảm nghiêm trọng bởi các lệnh cấm vận của Mỹ, sẽ có hiệu lực từ tháng 11 tới.

    Hình minh họa.

    Trước đây, Mỹ từng cấm vận xuất khẩu dầu mỏ với Iran, khi ấy xuất khẩu thô của nước này đã giảm 1,2 triệu thùng mỗi ngày, nhưng “vào tháng 11 tới, tác động của lệnh trừng phạt có thể còn nghiêm trọng hơn”, theo báo cáo của IEA.

    Tuy nhiên, cơ quan này lưu ý rằng, hiện tại thì những lo ngại về nguồn cung đã không cao như trước, ngay cả khi sản lượng của Arập Xê út giảm bất ngờ vào tháng 7/2017 (giảm 110.000 thùng mỗi ngày xuống còn 10,35 triệu thùng/ngày, do xuất khẩu giảm).

    Đó là vì các nhà đầu tư đang lo chiến tranh thương mại Mỹ – Trung Quốc sẽ khiến nhu cầu dầu giảm.

    Các nhà phân tích của ANZ cho biết, trong tuần qua, Bắc Kinh đã đe dọa sẽ đánh thuế đối với các sản phẩm dầu mỏ (chưng cất) nhập từ Mỹ”.

    Sự căng thẳng thương mại giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ đã tăng lên trong tuần này, khi Bắc Kinh công bố hôm 8/8 rằng họ sẽ áp đặt thuế suất 25% lên 16 tỷ USD sản phẩm bổ sung của Hoa Kỳ, để đáp lại các biện pháp tương tự trước đó của Mỹ với Trung Quốc.

    Theo H.Phan/AFP/Petrotimes.vn (12/8/2018)

    ISO 45001:2018 chính thức được ban hành trên toàn thế giới

    0

    Tiêu chuẩn quốc tế ISO 45001:2018 Hệ thống quản lý an toàn và sức khỏe nghề nghiệp – Các yêu cầu và hướng dẫn sử dụng đã chính thức được ban hành tháng 3/2018.

    Tiêu chuẩn này tạo nền tảng vững chắc và hiệu quả để cải thiện an toàn lao động trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Tiêu chuẩn được thiết kế để giúp đỡ các tổ chức với mọi quy mô và ngành nghề, tiêu chuẩn quốc tế mới được mong đợi sẽ làm giảm thương tích và bệnh tật tại nơi làm việc trên khắp thế giới.

    Theo tính toán năm 2017 của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO), có tới 2.78 triệu vụ tai nạn chết người xảy ra trong công việc hàng năm. Điều này có nghĩa là, mỗi ngày, gần 7.700 người chết vì các bệnh liên quan đến công việc hoặc thương tích. Ngoài ra, mỗi năm có khoảng 374 triệu người thương tích và bệnh tật dù không bị tử vong, nhiều trường hợp dẫn đến nghỉ việc kéo dài. Điều này làm cho bức tranh về nơi làm việc hiện đại rõ nét hơn – nơi mà người lao động có thể chịu hậu quả nghiêm trọng mà không chỉ đơn giản là đến “làm công việc của họ”. ISO 45001 được kỳ vọng sẽ thay đổi điều này. Nó cung cấp cho các cơ quan chính phủ, ngành công nghiệp và các bên liên quan khác có ảnh hưởng bằng hướng dẫn có hiệu lực và có thể sử dụng để cải thiện an toàn lao động ở các nước trên thế giới.

    Thực tế cho thấy, tiêu chuẩn ISO 45001 sẽ dẫn tới sự chuyển đổi lớn trong thực tiễn làm việc và tạo một môi trường làm việc an toàn và lành mạnh cho công nhân và các bên có liên quan thông qua việc liên tục cải thiện kết quả thực hiện của OH&S. Hơn 70 quốc gia đã tham gia trực tiếp vào việc soạn thảo và ban hành tài liệu quan trọng này, được phát triển bởi ISO / PC 283, Các hệ thống quản lý an toàn và sức khoẻ nghề nghiệp.

    Vì tiêu chuẩn ISO 45001 được thiết kế để tích hợp với các tiêu chuẩn hệ thống quản lý khác của ISO và đảm bảo mức độ tương thích cao với ISO 9001:2015 và ISO 14001:2015 nên các tổ chức đã áp dụng một tiêu chuẩn trên, có nhiều cơ hội và thuận lợi trong việc áp dụng tiêu chuẩn này.

    Tiêu chuẩn OH&S mới dựa trên nền tảng chung như tất cả các tiêu chuẩn Hệ thống quản lý (Management System) và sử dụng mô hình PDCA (Plan-Do-Check-Act) nhằm cung cấp một khuôn khổ cho các tổ chức để lên kế hoạch những gì họ cần phải làm để giảm thiểu rủi ro.

    ISO 45001 sẽ thay thế OHSAS 18001, tài liệu tham khảo trên thế giới về sức khoẻ và an toàn tại nơi làm việc. Các tổ chức đã được chứng nhận OHSAS 18001 sẽ có ba năm để chuyển đổi sang tiêu chuẩn mới ISO 45001. Các hoạt động chuẩn bị cho công tác chuyển đổi và áp dụng mới bao gồm nhưng không giới hạn các công việc sau:

    1/ Có sẵn tiêu chuẩn ISO 45001:2018

    2/ Xác định các điểm còn thiếu và sửa đổi, nếu có trong OHSMS để đáp ứng yêu cầu mới của tiêu chuẩn

    3/ Xây dựng kế hoạch/kế hoạch chuyển đổi nhằm thực hiện bổ sung các công việc từ tiêu chuẩn hiện hành.

    4/ Đảm bảo rằng mọi yêu cầu mới về năng lực được đáp ứng và đào tạo nhận thức cho tất cả các bên có ảnh hưởng đến hiệu lực của OHSMS.

    5/ Cập nhật OHSMS hiện có để đáp ứng các yêu cầu mới và thực hiện xác nhận hiệu lực của hệ thống (đánh giá nội bộ, xem xét của lãnh đạo, báo cáo các chỉ số giám sát và đo lường,…)

    6/ Liên hệ với tổ chức chứng nhận để thực hiện đánh giá chuyển đổi theo ISO 45001:2018.

    Theo Trần Anh Tuấn, Phòng R & D, Trung tâm chứng nhận phù hợp QUACERT/Tapchicongthuong.vn (13/8/2018)

    Lợi ích từ nguồn rác thải sinh học

    0

    Vừa qua, Ban Quản lý Dự án Đầu tư xây dựng chuyên ngành khoa học – công nghệ, Bộ Khoa học và Công nghệ đã ký Bản ghi nhớ Chuyển giao công nghệ và đầu tư nhà máy xử lý rác thải nông nghiệp có giá trị 100 triệu USD cho một số đối tác, hứa hẹn đem lại những lợi ích to lớn từ chính nguồn rác thải sinh học vẫn bị bỏ phí từ trước tới nay.

    Việc tận dụng các phụ phẩm, phế phẩm từ nông nghiệp luôn là mối quan tâm của các nhà sản xuất, nhà khoa học cũng như ngành nông nghiệp nói chung. Đã có không ít công nghệ tham gia vào việc xử lý vấn đề trên. Tuy nhiên, những giải pháp, công nghệ này còn có nhiều nhược điểm. Ở Việt Nam, sau mỗi mùa thu hoạch, phế phẩm nông nghiệp thường được đem chôn lấp theo kiểu xử lý vi sinh hoặc đem đốt… Các phương pháp này không mang lại hiệu quả cao mà còn gây ô nhiễm không khí, ô nhiễm đất. Trong khi đó, công nghệ carbolosic, được phát triển bởi các nhà khoa học ở Đại học Central Florida (Mỹ), có thể giải quyết được một cách cơ bản những vấn đề trên.

    “Siêu công nghệ” xử lý rác thải nông nghiệp tạo ra sản phẩm có giá trị sắp được chuyển giao tại Việt Nam.

    Nhà sáng chế Walsh Joseph John, đồng tác giả công nghệ cho biết, công nghệ carbolosic về bản chất là dùng phương pháp thủy phân cellulose các rác thải sinh học trong nông nghiệp như bã mía, rơm rạ, cỏ, lõi ngô… để sản xuất ra một số nhóm sản phẩm chủ lực như xăng, điện, đường, ethanol, phân vi sinh, hay than hoạt tính. Tùy nhu cầu về sản phẩm đầu ra là gì, dây chuyền công nghệ có thể thay đổi các module để sản xuất ra hàng trăm loại sản phẩm khác nhau. Bên cạnh đó, với việc thiết kế tách rời từng module, hệ thống xử lý có thể được di chuyển tới các vùng nguyên liệu nông nghiệp đang thu hoạch để xử lý tại chỗ, giảm thiểu được nhiều chi phí.

    Trên thực thế, công nghệ thủy phân cellulose đã ra đời gần 20 năm nay với các phương pháp sử dụng hóa chất và dung môi, nhưng đòi hỏi chi phí rất lớn. Còn cách thức thủy phân của công nghệ carbolosic đã được cấp bản quyền công nghệ cho các nhà khoa học thuộc Đại học Central Florida hoàn toàn mới với công nghệ lõi là thiết bị thủy phân sử dụng máy có nhiều vòng bi, chạy ở các tốc độ khác nhau, bẻ gãy các liên kết hóa học, tạo ra một chất gần như dạng đường. Đây chính là quá trình then chốt “tạo cellulose thành đường” – CTS, với những ưu điểm vượt trội là thân thiện với môi trường, chi phí thấp. Nhiên liệu sinh học dùng cho hàng không có thể được sản xuất từ sinh khối cellulose thông qua việc tách đường, lên men, tách nước và oligomer hóa. Các nhà khoa học của Đại học Central Florida đã đề xuất kết hợp quá trình CTS với quá trình lên men và xử lý hóa học để thu được loại nhiên liệu sinh học này.

    Theo Nguyên Hằng/tapchimoitruong.vn

    Ngành Năng lượng đứng trước những thách thức, nguy cơ lớn

    Ngày 9/8 tại Trung tâm Hội nghị Quốc tế (11 Lê Hồng Phong, Hà Nội), Bộ Công Thương đã tổ chức Diễn đàn Năng lượng Việt Nam với chủ đề: “Những thách thức trong đảm bảo an ninh năng lượng gắn với phát triển bền vững”.

    Đây là sự kiện nhằm tìm giải pháp phát triển năng lượng quốc gia. Tập đoàn Dầu Khí Việt Nam (PVN),Tổng công ty Khí Việt Nam (PV GAS), Tổng Công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam (PVPower), Tổng công ty Thăm dò Khai thác Dầu khí (PVEP) và Liên doanh Việt – Nga Vietsovpetro tham gia đồng hành cùng chương trình.


    Thứ trưởng Bộ Công Thương Hoàng Quốc Vượng phát biểu tại diễn đàn.

    Phát biểu tại diễn đàn, Thứ trưởng Bộ Công Thương Hoàng Quốc Vượng cho biết, nền kinh tế Việt Nam phát triển với tốc độ cao, tạo ra những thách thức, thay đổi to lớn trong đời sống kinh tế xã hội. Để đạt được sự tăng trưởng phát triển kinh tế, ngành năng lượng Việt Nam có vai trò đặc biệt quan trọng. Được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, trong những năm qua, ngành năng lượng đã có những bước phát triển vượt bậc, luôn đi trước đáp ứng cơ bản thị trường năng lượng của nền kinh tế xã hội.

    Tuy nhiên, hiện nay, nhu cầu năng lượng là thách thức rất lớn với Việt Nam khi các nguồn năng lượng sơ cấp như than đá, dầu khí… hoặc được khai thác hết, hoặc đang cạn kiệt, không đủ cho nhu cầu trong nước, mặt khác các yêu cầu ngày càng cao về bảo vệ môi trường cũng tạo ra áp lực to lớn đối với việc thực hiện chiến lược đảm bảo an ninh năng lượng gắn với phát triển bền vững. Để đánh giá một cách đầy đủ, chính xác, toàn diện những thách thức trong phát triển ngành năng lượng của đất nước hướng tới đảm bảo an ninh năng lượng gắn với phát triển bền vững trên cơ sở đó giúp cho Bộ Công Thương tham mưu cho Chính phủ xây dựng những cơ chế, chính sách phát triển năng lượng trong thời gian tới.


    Toàn cảnh diễn đàn. 

    Trước những thách thức trong đảm bảo an ninh năng lượng gắn với phát triển bền vững, diễn đàn đã dành phần lớn thời gian để nghe tham luận cũng như thảo luận giữa các nhà quản lý, lãnh đạo các bộ, ngành, các chuyên gia kinh tế, doanh nghiệp và nhà đầu tư chia sẻ về những thách thức và các định hướng đảm bảo an ninh năng lượng cho phát triển kinh tế xã hội, tầm nhìn 2050; nghiên cứu về Khoa học và Công nghệ phục vụ phát triển năng lượng trong bối cảnh từ bỏ điện hạt nhân; an ninh năng lượng từ góc nhìn nhu cầu và hiệu quả sử dụng; định hướng phát triển thị trường điện, cơ chế thị trường năng lượng và tái tạo cơ cấu ngành điện; tiềm năng cung cấp nguồn khí và kiến nghị về các giải pháp cung cấp khí phục vụ phát điện góp phần đảm bảo an ninh năng lượng…

    Phát biểu tại diễn đàn, Phó Cục trưởng Cục Điện lực và năng lượng tái tạo (Bộ Công Thương) Lê Văn Lực cho hay, mục tiêu phát triển năng lượng Việt Nam giai đoạn tới sẽ thúc đẩy phát triển các dạng năng lượng tái tạo, bao gồm: thủy điện vừa và nhỏ, năng lượng gió, mặt trời, sinh khối, khí sinh học, nhiên liệu sinh học.

    Bên cạnh đó là duy trì tỷ trọng năng lượng tái tạo trong tổng cung cấp năng lượng sơ cấp ở trên mức 30% đến năm 2035, đồng thời hướng tới việc sử dụng năng lượng tiết kiệm hiệu quả, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng, giảm sự phụ thuộc vào năng lượng nhập khẩu và tăng cường bảo vệ môi trường.

    Đồng thời, Phó Cục trưởng Cục Điện lực và năng lượng tái tạo Lê Văn Lực cũng thẳng thắn chỉ ra một loạt thách thức trong đảm bảo an ninh năng lượng như: Hạn chế về nguồn cung năng lượng sơ cấp trong nước dẫn đến sự phụ thuộc ngày càng tăng vào nguồn nhiên liệu nhập khẩu, đặc biệt nhiên liệu cho phát điện; tốc độ tăng trưởng cao nhu cầu năng lượng gây sức ép lên hạ tầng cơ sở ngành năng lượng đòi hỏi vốn đầu tư lớn trong bối cảnh nợ công tăng cao và quá trình cổ phần hóa chưa thuận lợi; Thách thức về các tác động môi trường của các hoạt động cung cấp năng lượng sẽ ngày càng gia tăng do nhu cầu năng lượng trong nước tăng nhanh, đi kèm với sự gia tăng nhanh chóng về tỷ trọng các nguồn nhiên liệu hóa thạch, đặc biệt là than trong cơ cấu nguồn cung năng lượng.

    Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam Ngô Xuân Hải phát biểu tại diễn đàn. 

    Tại diễn đàn, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam Ngô Xuân Hải cũng đưa ra dự báo, trong giai đoạn đến năm 2030 nhu cầu sử dụng điện sẽ tiếp tục tăng trưởng ở mức cao. Trên cơ sở cập nhật tiến độ các dự án nguồn điện đang triển khai trong thời gian tới theo Quy hoạch điện VII điều chỉnh, EVN đã tính toán cập nhật nhiều phương án cân bằng công suất-điện năng đến năm 2030. Theo đó, với phương án phụ tải cơ sở, tần suất nước về các hồ thủy điện ở mức trung bình nhiều năm thì: Các năm 2019-2020, nhìn chung cung ứng điện có thể được đảm bảo nhưng đến các năm 2021-2023, hệ thống điện không đáp ứng nhu cầu điện và nhiều khả năng xảy ra tình trạng thiếu điện tại miền Nam. Đặc biệt, tình trạng thiếu điện miền Nam có thể tăng cao hơn hoặc kéo dài ra cả giai đoạn đến năm 2025 trong các kịch bản: Phụ tải tăng trưởng cao, lượng về các hồ thủy điện kém hơn trung bình nhiều năm,…

    Nguyên Thứ trưởng Bộ Khoa học và công nghệ Nguyễn Quân phát biểu tại diễn đàn.

    Tại diễn đàn, nguyên Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Nguyễn Quân cho rằng, trong bối cảnh Việt Nam dừng các dự án điện hạt nhân ở Ninh Thuận thì quy hoạch điện VII đã có khoảng trống và cần phải có giải pháp để thay thế.

    Nguyên Thứ trưởng Bộ Khoa học và công nghệ Nguyễn Quân cho rằng, chắc chắn cần nâng cao việc ứng dụng công nghệ vào phát triển năng lượng. Giữa sự phát triển vũ bão của Cách mạng công nghiệp 4.0, không có lý gì lại để ngành năng lượng Việt Nam đứng ngoài, “chúng ta phải làm chủ được công nghệ”, sử dụng năng lượng tái tạo và các nguồn năng lượng mới là xu hướng không thể đảo ngược.

    Đứng trước bài toán về nguồn cung năng lượng, ông Quân cho rằng, Việt Nam cần tự chủ được công nghệ về nguồn năng lượng tái tạo, nhất là nguồn năng lượng mặt trời và năng lượng gió. Trong tương lai không chỉ có điện mặt trời, điện gió chung ta còn phát triển thêm điện sinh khối, điện thủy triều, điện nhiệt…như các nước trên thế giới mới đủ đáp ứng nhu cầu năng lượng nếu như chúng ta vẫn không quay trở lại với điện hạt nhận, hoặc chúng ta không tiếp cận được với phương thức sản xuất điện mới có thể xuất hiện trong tương lai. Theo đó, nhiệm vụ phát triển khoa học công nghệ phải đi trước một bước để chúng ta sớm làm chủ được công nghệ cơ khí chế tạo lẫn công nghệ thiết kế, vận hành để có nền năng lượng phát triển bền vững.


    PGS-TS. Trần Đình Thiên – nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam phát biểu tại diễn đàn.

    Còn theo PGS-TS. Trần Đình Thiên – nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam – cho rằng, dù còn nhiều khó khăn, nhưng với vai trò là bộ quản lý ngành, thời gian qua, Bộ Công Thương và EVN đã làm rất tốt công tác đảm bảo điện cho nền kinh tế – xã hội. Tuy nhiên, mục tiêu của Chính phủ là duy trì tăng trưởng ở tốc độ cao trong nhiều năm, nhu cầu năng lượng sẽ tiếp tục tăng lên.

    Vì vậy, cần có giải pháp đồng bộ, toàn diện phù hợp với từng giai đoạn phát triển của đất nước như mong muốn chuyển nhanh cấu trúc công nghiệp, cấu trúc kinh tế sang công nghiệp 4.0; về vấn đề toàn cầu hóa, đặt ra những tiêu chuẩn cho việc sản suất và tiêu dùng năng lượng; cần điều chỉnh cả phía cung lẫn phía cầu trên căn bản giá cả thị trường điều tiết; cần phải tư duy hiên đại hóa phải chi phối, thay đổi cơ cấu kinh tế theo hướng công nghệ cao, đô thị hóa và đinh hướng đô thị thông minh. Trong đó, cần giải bài toán cân đối cung – cầu cũng như hài hòa lợi ích giữa nhà nước, nhà đầu tư và người sử dụng điện; giữa quản lý và tiêu dùng, an sinh xã hội, cũng như các vấn đề về môi trường bền vững, ứng phó với biến đổi khí hậu.


    Ông Lê Đức Quang, Cán bộ Ban Khí – Chế biến Dầu khí (PVN) trình bày tham luận tại diễn đàn. 

    Tham luận tại diễn đàn, ông Lê Đức Quang, Cán bộ Ban Khí – Chế biến Dầu khí (PVN) chia sẻ về tiềm năng cung cấp nguồn khí và kiến nghị các giải pháp cung cấp khí phục vụ phát điện góp phần đảm bảo an ninh năng lượng. Theo quy hoạch phát triển công nghiệp khí giai đoạn 2016-2025, sẽ phát triển thị trường tiêu thụ khí sử dụng tới 80% cho phát điện. Theo quy hoạch Điện VII điều chỉnh, nhiệt điện khí ngày càng đóng vai trò nhiều hơn trong an ninh năng lượng, theo đó: đến năm 2020, nhiệt điện sử dụng khí sẽ chiếm khoảng 16,6% sản lượng điện sản xuất và đạt 19% vào năm 2025.

    Sự xuất hiện của các nguồn khí bổ sung trong nước chỉ đáp ứng nhu cầu của nhà mấy điện khí mới tại chỗ. Nguồn khí cho các nhà mấy điện hiện hữu tại các khu vực truyền thống như Đông Nam Bộ và Cà Mau sẽ sụt giảm rất nhanh từ sau 2020, nếu không có bổ sung từ nguồn khí nhập khẩu.

    Ông Lê Đức Quang cũng cho biết, từ sau 2020, các nguồn khí trong nước sẽ suy giảm nhanh chóng, đặc biệt là các nguồn khí giá rẻ, vì vậy sẽ không đáp ứng nhu cầu khí tăng nhanh trong thời gian tới (chủ yếu tăng cho nhu cầu phát điện). Để bù đắp thiếu hụt, việc nhập khẩu khí (LNG, khí nhập khẩu từ Malaysia, mỏ nhỏ cận biên xa bờ…) đòi hỏi phải điều chỉnh cơ chế giá bán khí, phân bổ các nguồn khí, cũng như phải có mô hình kinh doanh/giá khí riêng cho LNG nhập khẩu. Cần đẩy nhanh tiến độ của các dự án khí đang triển khai cũng như tăng cường tìm kiếm các nguồn khí mới.

    Phát biểu kết luận diễn đàn, Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng nhấn mạnh, thời gian tới cần phải có một cơ cấu hợp lý cho ngành năng lượng; phải có cơ chế đặc thù cho các dự án quy mô lớn, dự án rất quan trọng cho sự phát triển kinh tế – xã hội đất nước để đẩy nhanh tiến độ, đúng tiến độ có như vậy chúng ta mới có đủ năng lượng cung ứng, đáp ứng nhu cầu năng lương cho phát triển; cần tiếp tục đẩy mạnh phát triển năng lượng tái tạo trong hệ thống điện, khi bối cảnh hiện nay các dạng năng lượng truyền thống càng ngày càng khó phát triển; đẩy mạnh chương trình sử dung hiệu quả năng lượng và chính sách về giá điện, giá năng lượng trong thời gian tới.

    Theo Nguyễn Hoan/Petrotimes.vn (9/8/2018)