27 C
Hanoi
Chủ Nhật, Tháng mười một 17, 2024
More
    Home Blog Page 381

    Xanh hóa bãi rác nhờ ứng dụng giải pháp nông nghiệp công nghệ cao

    0

    Bãi chôn lấp rác (CLR) Đông Thạnh, huyện Hóc Môn, TP. Hồ Chí Minh từng là bãi rác gây ô nhiễm môi trường (ÔNMT) nghiêm trọng, nhưng giờ đây, sau nhiều năm cải tạo, bãi rác đã phủ một màu xanh ngút ngàn, trở thành một khuôn viên xanh, với vườn cây ăn trái công nghệ cao mang lại giá trị kinh tế.

    Trước năm 2002, bãi CLR Đông Thạnh có công suất chôn lấp hơn 10 triệu tấn rác/năm được Công ty xử lý chất thải TP. Hồ Chí Minh quản lý và vận hành. Do tình trạng ô nhiễm kéo dài và ngày càng nghiêm trọng, cuối năm 2002, UBND TP. Hồ Chí Minh quyết định đóng cửa bãi CLR Đông Thạnh.

    Đầu năm 2003, UBND TP giao cho Công ty TNHH MTV Môi trường Đô thị TP. Hồ Chí Minh quản lý và thực hiện các giải pháp khắc phục ô nhiễm môi trường. Triển khai quá trình khắc phục, Công ty đã áp dụng mô hình nông nghiệp công nghệ cao của Israel, với mục tiêu “xanh hóa” bãi rác thành khu vực sinh thái điển hình của TP. Hồ Chí Minh. Để tạo thành khuôn viên sinh thái, công tác cải tạo đất tại bãi rác được Công ty thực hiện, sau đó tiến hành trồng cây, hình thành nên các vườn cây ăn quả, hoa, cây cảnh… Vì đây không phải là đất tự nhiên (bãi rác được đổ đất sét dày 4 m) nên việc trồng cây gặp nhiều khó khăn, ban đầu phải trồng nhiều loại cây khác nhau, sau đó chọn lọc dần các loại cây thích nghi với môi trường đất.

    Nhà màng trồng dưa lưới và dưa lê giống Nhật Bản cho thu hoạch, đạt giá trị kinh tế cao

    Sau 5 năm cải tạo, bãi CLR Đông Thạnh đã phủ một màu xanh với các bãi cỏ, dừa cảnh, cây cá vàng cùng nhiều loại cây lấy lá. Phân bố khắp khu vực là vườn ổi sạch, giống Đồng Nai, Tiền Giang với hơn 1.000 gốc, có năng suất 150 kg/ngày. Ổi được trồng trên các luống đất, thực hiện bao trái đảm bảo chất lượng và chỉ tiêu an toàn vệ sinh thực phẩm; vườn mai 2.500 cây, giống Thủ Đức, được trồng trong chậu có trấu, mùn cưa trộn với phân bón, cung cấp cho các đơn vị của Công ty, bán hoặc cho thuê trong dịp lễ, tết hằng năm; vườn lan, hoa kiểng, với 2.000 gốc đang khoe sắc rực rỡ thu hút nhiều khách tham quan.

    Đặc biệt, ấn tượng là 6 nhà màng trồng dưa lưới và dưa lê giống Nhật Bản có diện tích 12.000 m2. Trong mỗi nhà màng đều có quạt đối lưu, điều hòa nhiệt độ. Các nhà màng trồng dưa theo công nghệ tưới nhỏ giọt Israel. Theo đó, việc tưới nước và bón phân đều thực hiện tự động theo quy trình đã cài đặt sẵn, chỉ cần nhân công cắt tỉa lá, quả để mỗi cây một quả và treo theo dây lên cao cho quả phát triển đều về kích thước. Nhà màng giúp cho cây trồng tránh được mưa, gió, các loại côn trùng và bức xạ ánh sáng. Mỗi vụ dưa lưới trồng trong 60 – 75 ngày, trọng lượng mỗi quả 1,6 – 1,8 kg. Dưa trồng được kiểm tra an toàn chất lượng theo đơn đặt hàng của các doanh nghiệp, siêu thị nên có đầu ra và giá cả ổn định. Các vườn cây trong khu vực đã góp phần cải tạo môi trường, cảnh quan nơi đây và mang lại nguồn lợi kinh tế, với nguồn thu mỗi năm khoảng 300 triệu đồng.

    Bên cạnh việc trồng cây phủ xanh toàn khu vực, Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị TP. Hồ Chí Minh còn xây dựng trên nền bãi rác cũ Nhà máy xử lý chất thải y tế, công nghiệp nguy hại, với tổng vốn đầu tư 95,2 tỷ đồng. Đây là Dự án ODA giữa Chính phủ Việt Nam và Vương Quốc Bỉ hợp tác đầu tư và giao cho Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị TP. Hồ Chí Minh vận hành.

    Để giám sát công tác khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường ở bãi CLR Đông Thạnh, Công ty đã phối hợp với UBND huyện Hóc Môn và xã Đông Thạnh thành lập tổ giám sát nhân dân. Tổ giám sát có quyền và nhiệm vụ giám sát hoạt động xử lý rác thải y tế và rác thải công nghiệp nguy hại của nhà máy nằm trong khuôn viên công trường, vấn đề xử lý nước thải, mùi hôi của bãi rác cũ cũng như việc trồng cây phủ xanh. Nếu có vấn đề phát sinh về môi trường, Tổ giám sát nhân dân sẽ báo cáo với xã, huyện và Công ty để xử lý kịp thời.

    Có thể nói, việc “xanh hóa” bãi rác ở TP. Hồ Chí Minh đã mang lại hiệu quả thiết thực, giúp xử lý triệt để rác thải, góp phần xây dựng nếp sống văn hóa ở khu dân cư, vừa nâng cao nhận thức BVMT cho người dân và tạo cảnh quan môi trường Xanh – Sạch – Đẹp.

    Theo Lê Xuân Thái (Tạp chí Môi trường, số 10/2018)

    Táo bạo dự án đóng chai năng lượng mặt trời

    0

    Điều gì xảy ra nếu chúng ta có thể đóng chai năng lượng mặt trời để sử dụng trong sinh hoạt và sản xuất ngay cả khi đó là ban đêm?

    Một nghiên cứu mới đây của các nhà khoa học Thụy Điển đã đạt những tiến bộ đáng kể trong việc tạo ra một loại chất lỏng có thể hấp thu năng lượng mặt trời và cất giữ trong nhiều năm rồi mang ra sử dụng khi cần.

    Trên mái của tòa nhà vật lý tại Đại học Công nghệ Chalmers (Gothenburg, Thụy Điển) tiến sĩ Kasper Moth-Poulsen xây dựng hệ thống thử nghiệm nhiên liệu nhiệt mặt trời mới. Chất lỏng bên trong hệ thống này thu năng lượng từ ánh sáng mặt trời và lưu trữ ở nhiệt độ phòng. Khi cần sử dụng, nguồn năng lượng này sẽ được làm nóng lên thông qua chất xúc tác Coban.


    Ảnh: NBC News

    Tiến sĩ Kasper Moth-Poulsen tính toán rằng mỗi chai một kg này có thể lưu trữ tới 250 Wh năng lượng. Gọn nhẹ và hiệu quả hơn nhiều so với các tấm pin năng lượng mặt trời như hiện nay.

    Kết quả nghiên cứu này được công bố trên nhiều báo cáo khoa học và nhanh chóng thu hút sự chú ý trong giới khoa học nói chung và các nhà đầu tư nói riêng. Tuy nhiên, tiến sĩ Moth-Poulsen cho rằng vẫn còn rất việc phải làm trước khi đưa hệ thống này vào sử dụng rộng rãi.

    Nếu công trình nghiên cứu này thành công, nguồn năng lượng mặt trời đóng chai sẽ giải quyết được tình trạng lo ngại khan hiếm nhiên liệu hóa thạch và vấn đề ô nhiễm môi trường hiện nay.

    Không giống như dầu mỏ, than đá và khí tự nhiên, nhiên liệu nhiệt mặt trời có thể tái sử dụng và thân thiện với môi trường. Chúng giải phóng năng lượng mà không thải khí carbon dioxide và các khí nhà kính khác vào khí quyển.

    Các hộ gia đình có thể lưu trữ năng lượng mặt trời trong chai, thùng chứa như một nguồn nhiên liệu thông thường khác hoặc được cung cấp theo hệ thống các đường ống nối liền nhau giống như đường ống nước.

    Năng lượng mặt trời, bức xạ ánh sáng và nhiệt từ mặt trời từ hàng nghìn năm trước đã được con người khai thác sử dụng theo nhiều cách khác nhau. Khoa học càng tiến bộ, chúng ta càng nhận ra những lợi ích lớn của năng lượng đến từ mặt trời. Tuy nhiên, làm thế nào để sử dụng nó ngay cả khi mặt trời không tỏa sáng là câu hỏi được nhiều nhà nhà khoa học tìm kiếm.

    Theo Tuoitre.vn (6/11/2018)

    Người Việt tạo hệ thống hút ẩm từ không khí thành nước uống

    0

    Hệ thống hai trong một vừa tạo nước ngọt và làm lạnh bằng cách hạ nhiệt độ không khí đến điểm sương, tách thành giọt, thu 200 lít một ngày.

    Các nhà khoa học thuộc Đại học Tài nguyên và Môi trường TPHCM đã nghiên cứu và chế tạo thành công hệ thống tách ẩm từ không khí để sản xuất nước uống.Hệ thống bao gồm dàn lạnh, dàn nóng, thiết bị lọc nước và pin mặt trời để cung cấp năng lượng cho toàn hệ thống.

    GS Phan Đình Tuấn, Hiệu trưởng Đại học Tài nguyên và Môi trường TP HCM cho biết, các nhà khoa học bắt đầu nghiên cứu thiết bị từ năm 2016, dựa trên nguyên lý trong không khí luôn có độ ẩm. Nếu hạ nhiệt độ xuống đến điểm sương (khoảng 15° – 20°C) thành phần hơi nước trong khối không khí ngưng đọng thành nước lỏng. Tiếp tục hạ nhiệt độ xuống thấp hơn, độ ẩm trong không khí sẽ tạo thành giọt để thu hồi.


    Cán bộ, sinh viên Đại học Tài nguyên và Môi trường sử dụng nước tách từ không khí uống trực tiếp.

    Để hạ nhiệt độ, nhóm nghiên cứu đã chế tạo thiết bị làm lạnh bằng cách sử dụng môi chất lạnh chạy tuần hoàn trong hệ thống máy nén giống như trong thiết bị làm lạnh thông thường. Trong quá trình trao đổi nhiệt, các khối không khí đi qua được làm lạnh xuống dưới nhiệt độ điểm sương sẽ thu được nước.

    Theo tiêu chuẩn của nước uống, nước tách ra phải được làm sạch bụi, vi khuẩn. Để đảm bảo tiêu chuẩn này, nước thu hồi được chạy qua hệ thống lọc, khoáng hóa tạo vi chất nên có thể uống trực tiếp.

    GS Tuấn cho biết, do hệ thống có công suất lớn (5kW) nên điện lưới bình thường ở nhiều nơi không đáp ứng được. Để khắc phục, nhóm nghiên cứu đã thiết kế thêm hệ thống năng lượng mặt trời và dùng bộ biến đổi năng lượng một chiều thành hệ thống điện xoay chiều ba pha dùng cho hệ thống làm lạnh.

    Hệ thống tách nước. Ảnh: NVCC.

    Mô hình ban đầu được nhóm thiết kế có thể thu được 10 lít nước một ngày, sau đó nâng công suất lên 200 lít/ngày. Theo tính toán, với độ ẩm 45%, thiết bị sản xuất được 1,5 lít nước trong khoảng thời gian một giờ, tiêu tốn hết 1,8 kW điện.

    Hệ thống được lắp đặt chạy thử nghiệm tại Đại học Tài nguyên và Môi trường và Tiểu học Văn Lâm (Thuận Nam, Ninh Thuận). Ở trường Tiểu học Văn Lâm, hệ thống cung cấp nước sạch cho hơn 3.000 học sinh, thầy cô giáo trong trường. Ngoài ra, sản phẩm phụ là hơi từ hệ thống được sử dụng làm lạnh cho các phòng học của trường.

    Thiết bị có thể sử dụng cả hai nguồn điện (từ lưới điện quốc gia hoặc nguồn từ pin năng lượng mặt trời) nên có thể giải quyết nhu cầu nước sạch cho những vùng quanh năm thiếu nước, không có điện trên cả nước.

    Theo VnExpress.net (6/11/2017)

    Ứng xử thế nào với giấy tái chế?

    0

    Một tấn giấy tái chế có thể cứu sống 17 cây gỗ trưởng thành, tiết kiệm 4.000kWh điện, 270 lít dầu, 26.000 lít nước và 3,5m3 đất để chôn lấp, theo Hiệp hội giấy và bột giấy Việt Nam (VPPA). Tuy nhiên, Việt Nam vẫn đang đắn đo trong việc nhập khẩu loại nguyên liệu này.

    Mọi chuyện bắt đầu từ cuối năm 2017, khi Trung Quốc tuyên bố ngừng nhập khẩu 24 loại nguyên liệu tái chế. Hành động này ngay lập tức khiến thị trường xuất khẩu phế liệu hoảng loạn vì Trung Quốc tiêu thụ hơn một nửa lượng phế liệu trên toàn thế giới.

    Lo sợ rác nhập khẩu sẽ tràn về các nước khác để giải phóng hàng tồn, Chính phủ Việt Nam đã siết nhập khẩu phế liệu. Điều này đã làm cho các doanh nghiệp ngành giấy trong nước điêu đứng, vì giấy phế liệu, một trong những thành phần không thể thiếu để sản xuất bột giấy, cũng nằm trong diện nguyên liệu tái chế bị cấm.

    Doanh nghiệp trong nước điêu đứng

    Để hiểu rõ hơn, có 2 loại bột được sử dụng trong sản xuất giấy là bột nguyên sinh và bột tái chế. Tính đến hiện tại, Việt Nam chỉ có khoảng 300 doanh nghiệp sản xuất được 200.000 tấn mỗi năm và số lượng này là không đủ. Năm 2017 Việt Nam phải nhập thêm 1,5 triệu tấn giấy tái chế để làm nguyên liệu sản xuất.

    Thực tế, ngay trên thế giới, các doanh nghiệp ngành giấy cũng thiên về xu hướng sử dụng bột giấy tái chế hơn là nguyên sinh vì lý do môi trường và chi phí rẻ hơn. Thống kê năm 2017 của RISI và VPPA cho thấy nhu cầu tiêu thụ bột giấy tái chế trên thế giới chiếm đến 59%, khoảng 251 triệu tấn.

    Các doanh nghiệp càng điêu đứng hơn khi số lượng tiêu thụ giấy trong nước tăng qua từng năm. Theo ước tính của ông Phan Chí Dũng, nguyên Vụ trưởng Vụ Công nghiệp nhẹ, Bộ Công Thương, năm 2018 dự kiến nhu cầu tiêu thụ cả nước đạt hơn 4,7 triệu tấn, cao hơn so với các năm trước đó.

    Việc khan hiếm bột giấy có thể làm giá thành sản phẩm doanh nghiệp Việt Nam tăng cao. Trong khi đó, lượng nguyên liệu tái chế toàn cầu, trong đó có giấy tái chế đang thừa thải từ sau khi Trung Quốc ngưng nhập làm giá thành rẻ đi và là cơ hội cho các doanh nghiệp ngoại.

    Ông Hoàng Trung Sơn, Tổng Giám đốc Công ty Giấy và Bao bì Đồng Tiến, Phó Chủ tịch VPPA, ngành công nghiệp giấy của Ấn Độ 2 năm gần đây, đặc biệt năm 2018 đang hưởng lợi rất nhiều. Thứ 2 là Indonesia và hiện doanh nghiệp nước này đã xuất giấy sang Việt Nam với giá rất cạnh tranh. “Họ bán thấp hơn giá các doanh nghiệp Việt Nam từ 10-20% nhờ nguồn nguyên liệu giá rẻ”, ông Sơn nói.

    Kinh nghiệm của nước ngoài

    Để hạn chế nhập khẩu giấy tái chế, các quốc gia trên thế giới đã có chính sách tiến hành phân loại giấy để không chỉ tái chế hiệu quả hơn mà còn phục vụ xuất khẩu. Điển hình như châu Âu, năm 2017 họ thu hồi được 57 triệu tấn, sử dụng tái chế tại chỗ 48,6 triệu tấn, số còn lại là xuất khẩu. Tại châu Á, tổng thu hồi được 106,7 triệu nhưng sử dụng lên đến 137 triệu tấn vì nhu cầu sử dụng giấy cao. Trong đó, Nhật là nước có tỉ lệ thu hồi giấy cao nhất với hơn 80%.

    Theo ông Sơn, tỉ lệ thu hồi giấy tái chế ở Việt Nam hiện chưa đến 40%, trong khi chuẩn trung bình thế giới là 56%. Và để nâng cao tỉ lệ thu hồi cần có các chính sách của Chính phủ và điều này cần thời gian vì ngay cả quốc gia nổi tiếng kỷ luật như Nhật để đạt được ngưỡng thu hồi như hiện nay cần mất tới 20 năm.

    Việt Nam khá giống với Trung Quốc giai đoạn 1995-2005 khi ngành giấy có nhu cầu nhảy vọt. Trung Quốc không còn cách nào khác là nhập khẩu giấy thải. Nếu năm 2004-2005 quốc gia này nhập 2,6 triệu tấn giấy thì đến năm 2016-2017, con số này là 30 triệu tấn.

    Đề giải quyết, Chính phủ Trung Quốc đã nỗ lực phát triển nguồn nguyên liệu từ 3 nguồn. Thứ nhất là bột giấy từ gỗ bằng chương trình phát triển về trồng rừng cũng như nhập khẩu mảnh từ nước ngoài. Việt Nam là quốc gia xuất khẩu mảnh sang Trung Quốc lớn nhất.

    Thứ 2 là phát triển nguồn bột giấy từ nguyên liệu phi gỗ, từ rơm rạ. Trung Quốc từng có giai đoạn phát triển mạnh, rất nhiều doanh nghiệp nhập khẩu bột giấy sản xuất từ phụ phẩm nông nghiệp. Nhưng nguồn này bây giờ đã hết ngưỡng phát triển và chất lượng xơ sợi không đáp ứng được dòng giấy cao cấp. Nguồn thứ 3, cũng là nguồn lớn nhất, là thu gom giấy trong nước và nhập khẩu.

    Hiện nay, dù hạn chế nhập nhưng Trung Quốc vẫn cấp hạn ngạch cho những doanh nghiệp có đủ điều kiện. Theo ông Sơn, Việt Nam cần cân nhắc chính sách để tận hưởng nguồn giấy giá rẻ trên thế giới như Ấn Độ, Thái Lan, Malaysia… nhưng vẫn giảm thiểu tác động đến môi trường.

    Theo Nhipcaudautu.vn (7/11/2017)

    Nước đóng chai có hại cho sức khỏe?

    0

    Chúng ta đều biết tầm quan trọng của việc uống nước đầy đủ. Nhiều người đang tiêu thụ rất nhiều nước đóng chai mỗi ngày để đáp ứng nhu cầu nước của mình. Và câu hỏi được đặt ra là: Nước đóng chai có hại cho sức khỏe hay không?

    Chủ đề này đã gây ra nhiều tranh cãi trong giới chuyên gia. Một số chuyên gia cho rằng nó gây hại cho sức khỏe của chúng ta do các chất như Bisphenol A, hoặc BPA, một độc tố môi trường và là chất gây rối loạn nội tiết đã được chứng minh là gây ung thư. Trong khi những người khác, như Peter Gleick, một nhà khoa học và chuyên gia về nước toàn cầu và các vấn đề khí hậu, nói rằng nước đóng chai hoàn toàn an toàn.

    Nước đóng chai có hại cho sức khỏe?

    Theo Gleick, polyethylene terephthalate (PET), là loại nhựa làm nên hầu hết các chai nước, không chứa BPA. “PET thực sự là một loại nhựa tốt. Đó là một trong những lý do chúng tôi để đồ uống bên trong. Vì vậy, BPA không phải là điều bạn cần phải lo lắng khi bạn uống nước từ một chai nhựa.”

    Như vậy, nước đóng chai hoàn toàn an toàn. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là nó không đi kèm với một loạt các vấn đề khác mà sẽ làm cho bạn muốn chuyển sang chai nước thân thiện với môi trường. Dưới đây sẽ là 4 điều bạn cần biết về nước đóng chai, bao gồm cả nguồn nước và ảnh hưởng của nó đến Trái Đất quý giá của chúng ta.

    1. Chai nước là một trong những nguồn chất thải nhựa lớn nhất

    “Ngành công nghiệp nước đóng chai cho rằng các chai nước nhựa sẽ được tái chế 100%”, Gleick nói. Về lý thuyết, điều đó đúng, nhưng hầu hết nhựa không bao giờ thực sự được tái chế.

    Vì vậy, mặc dù về mặt kỹ thuật, chai nước nhựa có thể tái chế nhưng trong hàng tỷ chai nhựa được sản xuất tại Hoa Kỳ mỗi năm chỉ có khoảng 30 % được tái chế. Phần lớn các chai nhựa kết thúc tại các bãi chôn lấp, thiêu đốt, hoặc rải rác khắp cảnh quan và dọc theo các tuyến đường thủy.

    2. Phải mất một lượng lớn năng lượng để sản xuất nước đóng chai

    Bạn sẽ phải kinh ngạc về năng lượng (và tiền bạc) cần thiết để tạo ra những chai nước cho bạn. “Những chai nước cần năng lượng, chủ yếu từ nhiên liệu hóa thạch, để bơm nước từ suối hoặc giếng thành phố, sau đó xử lý nước, chế tạo chai nhựa, đổ đầy chai và vận chuyển chúng khắp thế giới,” Royte nói. Sự xuất hiện và phân phối nước đóng chai dày đặc hơn rất nhiều so nước máy. Và uống nước đóng chai cũng đắt gấp 2000 lần so với uống cùng một lượng nước máy.

    3. Nước máy cũng là một sự lựa chọn an toàn

    Nếu bạn đã sẵn sàng nói tạm biệt nước đóng chai mãi mãi, uống nước máy thực sự là một lựa chọn tốt. Gleick nói: “Chúng ta có một hệ thống nước máy tuyệt vời ở Hoa Kỳ. Mặc dù hệ thống nước của mỗi thành phố đều khác nhau, cả nước máy và nước đóng chai phải đáp ứng các tiêu chuẩn liên bang tương tự trong Đạo Luật Nước Uống An Toàn.

    Theo Royte, nước máy thực sự được điều chỉnh tốt hơn so với nước đóng chai. “Các nhà cung cấp nước máy được yêu cầu tiết lộ kết quả thử nghiệm của họ cho người tiêu dùng. Trong khi đó các công ty nước đóng chai, mặc dù được tổ chức phần lớn theo tiêu chuẩn giống như nước máy, không cần phải tiết lộ kết quả thử nghiệm của họ.”

    4. Nước đóng chai thực sự xuất phát từ nước máy

    Trớ trêu thay, Gleick nói, rất nhiều nước đóng chai được sản xuất ở Mỹ (khoảng một nửa) thực ra chỉ là nước máy. Các công ty có thể tái xử lý hoặc lọc nước trước khi đóng chai, nhưng nước đóng chai thực sự bắt nguồn từ nước máy và nửa còn lại thường là nước suối. Điều đó có nghĩa là nước đóng chai có nguồn gốc từ một nguồn tự nhiên như nước ngầm, giếng, hoặc suối và phải đáp ứng các tiêu chuẩn của liên bang.

    Theo Nguyễn Tùng/vietq.vn (5/11/2018)

    Ngạc nhiên công nghệ Nhật biến hồ chết thành hồ sống

    0

    Hồ Hùng Thắng (Quảng Ninh) là nơi xảy ra hiện tượng cá chết hàng loạt và có mức độ ô nhiễm cao, sau 1 tháng xử lý bằng công nghệ Nhật, các thông số ô nhiễm môi trường đều đạt giới hạn cho phép.

    Hồ này nằm trong chuỗi 4 hồ điều hòa thuộc phường Yết Kiêu và Hùng Thắng, Bãi Cháy (Quảng Ninh) giúp điều hòa môi trường, tạo điểm nhấn không gian xanh cho TP du lịch Hạ Long. Hồ rộng 9ha và được coi là phần hạ lưu của 4 hồ trước khi xả ra vịnh Hạ Long.

    Ngày 17/5 năm nay (thời điểm xảy ra hiện tượng cá chết hàng loạt), UBND tỉnh Quảng Ninh, Sở TN&MT phối hợp cùng đoàn chuyên gia Nhật của công ty CP Cải thiện môi trường Nhật Việt (JVE) tiến hành khảo sát thực tế 4 hồ điều hòa đang bị ô nhiễm nặng.


    Mẫu nước trước khi xử lý


    Mẫu nước sau khi xử lý 1 tháng

    Trong đó, nước tại hồ Hùng Thắng bị ô nhiễm nặng nhất. Vào thời điểm lấy mẫu, đây là nơi có hiện tượng cá chết nhiều nhất, gây ra mùi hôi thối nặng và biến đổi màu nước thành đen đặc.

    Tại diện tích 900m2 triển khai thuộc giai đoạn 1, JVE tiến hành đặt các module Bakture dạng tấm xuống đáy hồ, với các cao độ khác nhau. Việc sử dụng các tấm Bakture sẽ giúp bột Bakture tồn tại ổn định trong thời gian dài, không bị thất thoát theo dòng chảy của nước trong hồ.

    Tái sinh hồ chết

    Chủ tịch HĐQT công ty JVE Nguyễn Tuấn Anh cho hay, sau 1 tháng xử lý nước hồ Hùng Thắng, Trung tâm chất lượng và bảo vệ tài nguyên nước – Trung tâm Quy hoạch và điều tra tài nguyên nước quốc gia (Bộ TN&MT) đã lấy mẫu phân tích chất lượng nước hồ để đánh giá hiệu quả xử lý của công nghệ Bakture.


    Phần diện tích hồ trước khi xử lý


    Sau khi xử lý

    So sánh với kết quả phân tích tại thời điểm xảy ra hiện tượng cá chết hàng loạt, tất cả các thông số ô nhiễm đều giảm mạnh và đạt giới hạn cho phép theo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng nước mặt.

    Ngoài ra, bằng biện pháp cảm quan thực tế tại khu vực triển khai thí điểm, có thể nhận thấy về độ mùi của nước, từ trạng thái mùi hôi nồng nặc đã hoàn toàn biến mất. Độ trong của nước tăng cao, có thể nhìn thấy đáy hồ, cá và các thực vật thủy sinh phát triển tốt; lượng bùn tích tụ dưới đáy suy giảm mạnh mà không cần đến các biện pháp nạo vét cơ học khác.

    Sở TN&MT tỉnh Quảng Ninh cũng tiến hành quan trắc lấy mẫu nước phân tích vào ngày 9/10 (sau 1,5 tháng xử lý). Kết quả cho thấy, mọi thông số được cải thiện rõ rệt hơn nữa và đạt giới hạn cho phép theo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng nước mặt.

    Phương pháp xử lý nước ô nhiễm bằng công nghệ thiên nhiên Bakture là công nghệ hiện đại, hoạt động trên nguyên lý kích hoạt các vi sinh vật và thanh lọc bằng vòng tuần hoàn sinh thái trong tự nhiên.

    Qua thực tế xử lý thí điểm ô nhiễm nước trên diện tích 900m2 tại hồ Hùng Thắng (khu vực bị ô nhiễm nặng nhất trong số 4 hồ) bằng công nghệ Bakture, dù chịu tác động của thủy triều lên xuống thất thường, nước mưa chảy tràn trong những ngày mưa bão, các nguồn nước thải liên tục từ các khu dân cư đô thị xung quanh đã tác động mạnh đến khu vực xử lý nhưng chất lượng nước vẫn đạt yêu cầu theo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về nước mặt.

    Các chuyên gia Nhật Bản và JVE đánh giá, công nghệ Bakture hoàn toàn có khả năng xử lý triệt để vấn đề ô nhiễm môi trường nước mặt tại 4 hồ điều hòa của TP Hạ Long, nếu mô hình được nhân rộng sẽ mang lại môi trường sống sạch đẹp cho nhân dân trong khu vực, hệ sinh thái tự nhiên được cải thiện và bảo vệ.

    Công nghệ Bakture (Back to the nature – Trở về với tự nhiên) đã được áp dụng tại 300 điểm ô nhiễm ở Nhật Bản, Lào, Thái Lan… trong đó chủ yếu là khu vực nước thải công nghiệp, cơ sở chăn nuôi, nước hồ, ao ô nhiễm. Tại Việt Nam, công nghệ được áp dụng hiệu quả tại hồ Hạnh Phúc (Hải Phòng).

    Bột Bakture được sản xuất từ các nguyên liệu thiên nhiên, chủ yếu là đá núi lửa dạng tổ ong, xốp, với công nghệ riêng biệt, giúp thúc đẩy quá trình tự làm sạch của môi trường thông qua phát huy tối đa năng lực phân giải các chất bẩn, độc hại… bởi các vi sinh vật có lợi sẵn có trong môi trường.

    Sản phẩm đã được cấp bằng sáng chế tại Nhật Bản, đạt chứng nhận JAS (tiêu chuẩn hữu cơ về nông nghiệp Nhật Bản) và được Tổ chức Phát triển công nghiệp LHQ (UNIDO) chứng nhận về công dụng làm sạch môi trường.

    Đặc biệt, công nghệ sử dụng bột Bakture xử lý, hoạt động theo nguyên lý thông qua vòng tuần hoàn sinh thái tự nhiên để tự phân hủy các chất ô nhiễm và chất độc hại, làm cho các vi sinh vật có lợi phát triển, là chất xúc tác giúp tăng khả năng tự làm sạch sẵn có của tự nhiên.

    Theo VNN/moitruong.com.vn

    Việt Nam đã có tiêu chuẩn để giải quyết nạn rác thải tro xỉ

    0

    Bộ Khoa học và Công nghệ vừa công bố tiêu chuẩn quốc gia về tro xỉ nhiệt điện đốt than làm vật liệu san lấp – TCVN 12249:2018. Tiêu chuẩn quy định về thông số ô nhiễm và mức độ giới hạn trong nước từ tro xỉ phải đáp ứng yêu cầu đối với nước thải công nghiệp.

    Tiêu chuẩn quy định một số chỉ tiêu kỹ thuật đối với tro xỉ nhiệt điện hỗn hợp, tro xỉ nhiệt điện đốt than làm vật liệu san lấp bao gồm: thông số ô nhiễm và mức giới hạn trong nước chiết từ tro xỉ nhiệt điện phải đáp ứng yêu cầu quy định đối với nước thải công nghiệp, độ trương nở thể tích và chỉ số hoạt độ phóng xạ an toàn.

    Tiêu chuẩn được ban hành sẽ xử lý căn bản khối lượng phát thải tro xỉ từ các trung tâm nhiệt điện để đảm bảo dung tích kho bãi chứa trong hoạt động vận hành tại các nhà máy hiện nay, theo ông Nguyễn Văn Khôi – Phó Vụ trưởng phụ trách Vụ Tiêu chuẩn, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng, Bộ Khoa học và Công nghệ.

    Bãi tro xỉ tại Nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 2. Ảnh: Nguyễn Nam.

    Hiện mỗi năm các nhà máy nhiệt điện tiêu thụ 176 triệu tấn than và thải ra 35 triệu tấn tro xỉ. Trong số này chỉ có 10% được thu gom sử dụng, 90% còn lại vẫn thực hiện chứa hoặc chôn lấp.

    Từ năm 2014 Thủ tướng đã ban hành Quyết định 1696/QĐ-TTg về một số giải pháp thực hiện xử lý tro, xỉ, thạch cao của các nhà máy nhiệt điện, nhà máy hóa chất phân bón để làm nguyên liệu sản xuất vật liệu xây dựng và Đề án đẩy mạnh xử lý tro, xỉ, thạch cao của các nhà máy nhiệt điện, nhà máy hóa chất, phân bón làm nguyên liệu sản xuất vật liệu xây dựng.

    Triển khai quyết định này, Bộ Khoa học và Công nghệ đã chỉ đạo Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng phối hợp với các bộ, ngành liên quan xây dựng, thẩm định và ban hành tiêu chuẩn TCVN 12249:2018 tro xỉ nhiệt điện làm vật liệu san lấp – yêu cầu chung.

    Trong phiên trả lời chất vấn trước Quốc hội ngày 1/11, Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ Chu Ngọc Anh cũng thông tin, Bộ đã tham mưu với Thủ tướng Chính phủ ban hành danh mục và lộ trình phương tiện, thiết bị sử dụng năng lượng phải loại bỏ và các tổ máy phát điện hiệu suất thấp và giao nghiên cứu tro xỉ của các nhà máy nhiệt điện để xử lý triệt để.

    Hiện nhiều nhà máy đã áp dụng công nghệ để xử lý tro xỉ làm vật liệu xây dựng cho hiệu quả cả mặt kinh tế và môi trường.

    Theo VnExpress.net

    Khai thác năng lượng mặt trời bằng cửa sổ kiểu mới

    0

    Các nhà khoa học tại Học viện công nghệ Massachusetts (Mỹ) đã đạt được bước đột phá mới trong khai thác năng lượng mặt trời. Công nghệ mới này sẽ sớm được thương mại hóa trong những thiết bị hữu ích cho con người trong thời gian tới.

    Hãy tưởng tượng khung cửa sổ không chỉ giúp chúng ta nhìn ngắm không gian bên ngoài, chiếu sáng phòng mà còn là một bộ phận giúp tăng hiệu suất của các thiết bị khai thác năng lượng mặt trời.


    Ảnh minh họa

    Phương pháp khai thác năng lượng mặt trời kiểu mới này được phát triển bởi các kỹ sư thuộc Học viện công nghệ Massachusetts (MIT).

    Thay vì phủ khắp nóc nhà những tấm thiết bị chứa hàng triệu tế bào năng lượng mặt trời, vừa đắt đỏ vừa chiếm nhiều diện tích, trong thiết kế mới chỉ cần đặt các tế bào nằm ở cạnh của ô kính cửa sổ.

    Ngoài ra, cơ chế hội tụ ánh sáng làm tăng hiệu suất khai thác điện mặt trời ở mỗi tế bào “vào quãng trên 40%”, theo tiết lộ của Marc A. Baldo, người lãnh đạo công trình nghiên cứu.

    Do hệ thống này rất dễ dàng chế tạo nên các nhóm nghiên cứu tin tưởng có thể sẽ sản xuất thương mại sau một thời gian ngắn nữa. Thêm vào đó, với chi phí giá thành rẻ, hệ thống ô cửa năng lượng mặt trời này còn tăng thêm 50% hiệu suất so với các hệ thống hiện tại. Cả hai yếu tố này lần lượt giúp giảm chi phí sản xuất các thiết bị khai thác điện từ năng lượng mặt trời.

    Ngoài Baldo, nhóm nghiên cứu còn gồm Michael Currie, Jon Mapel và Timothy Heidel, tất cả đều là nghiên cứu sinh tiến sỹ tại Khoa Khoa học máy tính và Kỹ nghệ điện; Shalom Goffri, nghiên cứu sinh hậu tiến sỹ tại Phòng nghiên cứu điện tử MIT.

    “Công trình của giáo sư Baldo ứng dụng thành công mô hình thiết kế kiểu mới nhằm tăng cao hiệu suất chuyển đổi quang năng thành điện năng trong khi không hề can thiệp vào nguồn quang năng”, đánh giá của tiến sỹ Aravinda Kini, trưởng phòng Khoa học năng lượng cơ bản, Phòng Khoa học năng lượng thuộc Bộ năng lượng Hoa Kỳ, nhà bảo trợ nghiên cứu này. “Thành tựu đã cho thấy tầm quan trọng then chốt của những nghiên cứu căn bản mới mẻ, đó là đem lại bước tiến bộ cách mạng về sử dụng năng lượng mặt trời nhằm sinh lợi ích cho con người”.

    Ngày nay, các miếng tập kết năng lượng mặt trời thường “chuyển động theo hướng mặt trời để tận dụng khả năng khai thác các cường độ quang học cao, thường là những tấm gương di động cỡ lớn nên rất tốn kém khi triển khai và duy trì”, Baldo và đồng nghiệp viết trong bài báo trên Tạp chí Khoa học tự nhiên.

    Ngoài ra, “các tế bào năng lượng mặt trời nằm ở tiêu điểm của gương phải được làm mát và toàn bộ khối phải có khoảng trống ở quanh chu vi để tránh hiệu ứng màn chắn đối với các lớp tập kết kề nhau”.

    Các miếng tập kết năng lượng mặt trời do các nhà khoa học MIT thiết kế bao gồm hỗn hợp của hai hoặc nhiều màu được quét lên tấm kính thủy tinh hoặc nhựa dẻo. Các màu phối hợp với nhau để hấp thu ánh sáng dọc theo dải sóng ánh sáng, sau đó sẽ tái phát chúng ở những bước sóng ánh sáng khác nhau và lan truyền dọc theo ô cửa đến các cạnh, nơi đặt các tế bào năng lượng mặt trời.

    Trong thập niên 1970, các miếng tập kết năng lượng mặt trời tương tự đã được phát triển bằng cách nhuộm màu cho chất dẻo (plastic). Nhưng ý tưởng này bị bỏ rơi bởi nhiều lý do như không tụ hội đủ ánh sáng để có thể truyền tới các bộ phận tập kết năng lượng mặt trời ở cạnh. Có quá nhiều đường tập kết dẫn đến năng lượng bị phân tán trước khi đến được đích.

    Các kỹ sư, chuyên gia kỹ nghệ quang học đã khai thác La-de và Đi-ốt phát sáng, để thực hiện những cải tiến tương tự có thể ứng dụng trong bộ tập kết năng lượng mặt trời. Một hỗn hợp các màu theo tỷ lệ rõ ràng, được pha trộn vào bề mặt lớp kính, cho phép kiểm soát mức độ thu nhận và lan tỏa ánh sáng.

    “Chúng tôi làm vậy nhằm làm ánh sáng có thể đi xa hơn”, Mapel cho biết. “Về cơ bản chúng tôi có thể giảm thiểu mức tiêu hao trong quá trình chuyên chở năng lượng mặt trời giữa các phần tử, kết quả làm tăng gấp 10 lần khả năng chuyển đổi của tế bào năng lượng mặt trời”.

    Nghiên cứu được cấp vốn bởi Quỹ Khoa học Quốc gia (Hoa Kỳ). Giáo sư Baldo đồng thời cũng là thành viên của Phòng nghiên cứu điện tử MIT, Phòng công nghệ các hệ thống vi mô và Viện Kỹ nghệ nano quân sự.

    Theo phunuvietnam.vn (5/11/2018)

    Sợi các bon có thể trữ năng lượng bên trong thân xe hơi

    0

    Một nghiên cứu mới đây cho thấy, các sợi các bon có thể hoạt động như các điện cực pin, lưu trữ năng lượng một cách trực tiếp bên trong chúng.

    Phát hiện này mở ra những cơ hội chế tạo nên các loại pin với cấu trúc mới, trong đó, sợi các bon sẽ trở thành một phần quan trọng trong hệ thống năng lượng. Loại vật liệu đa chức năng này có thể đóng góp đáng kể vào việc giảm khối lượng của máy bay và các phương tiện giao thông trong tương lai – một thách thức lớn đối với quá trình điện hóa các phương tiện đi lại này.

    Máy bay chở khách cần phải nhẹ hơn rất nhiều so với hiện nay để có thể chuyển từ sử dụng xăng, dầu sang pin điện. Đối với các loại xe hơi, giảm được khối lượng đồng nghĩa với quãng đường di chuyển sau mỗi lần sạc sẽ được kéo dài hơn nữa.

    Leif Asp, Giáo sư vật liệu và Cơ khí Máy tính tại Đại học Công nghệ Chalmers, đã tiến hành nghiên cứu khả năng của sợi các bon để xem liệu nó có thể thực hiện nhiều tác vụ khác thay vì chỉ đơn giản đóng vai trò là một loại vật liệu gia cố hay không. Và thật ngạc nhiên, sợi các bon có thể lưu trữ năng lượng!


    Mật độ năng lượng thấp hơn của pin cấu trúc sẽ làm chúng an toàn hơn pin tiêu chuẩn.

    Giáo sư Leif Asp đã tập hợp một nhóm các nhà nghiên cứu đa ngành – những người vừa xuất bản một nghiên cứu về phương thức các vi cấu trúc sợi các bon ảnh hưởng đến thuộc tính điện hóa của chúng, tức khả năng hoạt động như các điện cực trong pin lithium-ion của sợi các bon. Cho đến thời điểm này, đây vẫn là một lĩnh vực nghiên cứu chưa được khai phá.

    Các nhà nghiên cứu đã tìm hiểu về nhiều loại vi cấu trúc khác nhau của các loại sợi các bon thương mại trên thị trường. Họ khám phá ra rằng, sợi các bon với các tinh thể nhỏ kém định hướng có thuộc tính điện hóa tốt nhưng độ cứng thấp hơn thông thường. Ngược lại, sợi các bon có các tinh thể lớn, định hướng cao, sẽ có các thuộc tính điện hóa quá thấp để có thể sử dụng trong các viên pin có cấu trúc mới.

    “Chúng tôi đã biết sợi các bon đa chức năng nên được sản xuất ra sao để đạt được khả năng lưu trữ năng lượng cao, trong khi vẫn đảm bảo độ cứng chấp nhận được” – Asp nói – “Độ cứng có giảm đi một chút cũng không phải là vấn đề với nhiều ứng dụng của sợi các bon như xe hơi chẳng hạn. Thị trường hiện bị thống trị bởi các vật liệu tổng hợp sợi các bon đắt tiền vốn có độ cứng dành cho máy bay. Do đó, các hãng sản xuất sợi các bon có tiềm năng mở rộng tính ứng dụng của nó”.

    Trong nghiên cứu này, các loại sợi các bon với thuộc tính điện hóa tốt có độ cứng cao hơn một chút so với thép, trong khi cac loại sợi các bon với thuộc tính điện hóa kém lại cứng gấp đôi thép.

    Các nhà nghiên cứu đang cộng tác với cả ngành công nghiệp xe hơi và hàng không. Leif Asp giải thích rằng đối với ngành công nghiệp hàng không, việc tăng độ dày của vật liệu tổng hợp sợi các bon là cần thiết để bù đắp cho việc giảm độ cứng của nó nhằm làm pin cấu trúc mới. Đồng thời, điều này còn giúp tăng khả năng lưu trữ năng lượng của chúng nữa.

    “Mấu chốt là tối ưu các phương tiện ở cấp độ hệ thống – dựa trên các thuộc tính khối lượng, độ chắc, độ cứng và điện hóa. Đó là cách suy nghĩ mới đối với ngành công nghiệp xe hơi, vốn đã quen với việc tối ưu các thành phần riêng biệt. Pin cấu trúc có lẽ sẽ không hiệu quả như pin thông thường, nhưng bởi chúng có khả năng chuyên chở, chúng có thể mang lại những thay đổi lớn ở cấp độ hệ thống. Bên cạnh đó, mật độ năng lượng thấp hơn của pin cấu trúc sẽ làm chúng an toàn hơn pin tiêu chuẩn, đặc biệt là chúng không có chứa bất kỳ vật chất dễ bay hơi nào” – Asp cho biết.

    Theo khoahoc.tv

    Thời điểm hút thuốc lá độc hại nhất trong ngày ít ai ngờ tới

    0

    Các chuyên gia y tế khuyên không dùng thuốc lá vì độc hại. Theo nghiên cứu, việc hút thuốc lá lúc nào cũng độc hại nhưng nghiên cứu mới đây cho biết rằng hút thuốc vào buổi sáng sẽ độc hại nhất.

    Theo nhà khoa học Joshua Muscat đến từ Đại Học Y Penn State, Hershey cùng với các đồng sự của mình đã tiến hành một nghiên cứu về việc hút thuốc lá vào buổi sáng có thể làm tăng nguy cơ mắc các bệnh ung thư đầu cổ, ung thư phổi hay không?

    Nhà khoa học Muscat cho biết rằng “những người có thói quen hút thuốc lá vào thời điểm này có lượng nicotine và cả những độc tố từ những thuốc lá khác đi vào trong cơ thể cao hơn bình thường, chính vì vậy mà họ dễ bị nghiện hơn so với những người hút thuốc lá sau đó thời gian đó khoảng nửa giờ hoặc muộn hơn”.


    Hút thuốc lá đã độc hại nhưng hút vào buổi sáng độc hại nhất trong ngày. Ảnh minh họa

    Bên cạnh đó, một cuộc khảo sát được tiến hành trên khoảng 4.755 bệnh nhân ung thư phổi đều là những người hút thuốc lá bình thường cho thấy kết quả rằng, so với những người có thói quen hút thuốc lá sau khi ngủ dậy khoảng 60 phút hoặc hơn thì những người sử dụng thuốc lá trong vòng từ 30 phút đến một giờ sau khi tỉnh giấc có nguy cơ mắc ung thư phổi cao hơn gấp 1,31 lần. Tỷ lệ này sẽ tăng lên với những đối tượng hút thuốc lá trong vòng nửa tiếng sau khi thức dậy là 1,79 lần.

    Trong một cuộc khảo sát về ung thư đầu và cổ của các nhà khoa học cũng được đã được tiến hành trên 1.055 trường hợp mắc ung thư đầu và cổ và 785 bệnh nhân ung thư đều có tiền sử hút thuốc là đã cho thấy rằng: so với những nhóm người có thói quen hút thuốc lá sau 60 phút khi thức dậy thì nhữg người sử dụng thuốc trong vòng từ 31 phút tới 60 phút khi tỉnh dậy sẽ có nguy cơ mắc bệnh ung thư vùng đầu và cổ cao hơn gấp 1,42 lần.

    Liên quan tới tình trạng hút thuốc lá hiện nay tại Việt Nam, theo nghiên cứu của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), Việt Nam nằm trong số 15 nước có số người hút thuốc lá nhiều nhất thế giới. Tỷ lệ hút thuốc của nam giới là 45,3%. Hàng năm có trên 40.000 người Việt Nam tử vong do các bệnh liên quan đến thuốc lá.

    Cũng theo WHO, năm 2017, giá thuốc lá của Việt Nam nằm trong số 15 nước thấp nhất thế giới, phổ biến dưới mức 20.000 đồng/bao, đây là một trong những nguyên nhân người hút thuốc lá còn cao và giảm chậm.

    Điều tra về tình hình sử dụng thuốc lá ở người trưởng thành tại Việt Nam gần đây nhất cho thấy, số tiền người dân Việt Nam chi mua thuốc lá là 31.000 tỷ đồng/năm.

    Bên cạnh đó, tổng chi phí điều trị và tổn thất do mất khả năng lao động vì ốm đau và tử vong sớm 5 nhóm bệnh trong số 25 bệnh do sử dụng thuốc lá gây ra là ung thư phổi, ung thư đường tiêu hóa, hô hấp trên, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính, nhồi máu cơ tim, đột quỵ là hơn 23.000 tỷ đồng/năm.

    Do đó, việc hạn chế hoặc nói không với thuốc lá là một giải pháp tối ưu nhất để phòng ngừa các căn bệnh quái ác này và mang lại một lối sống lành mạnh.

    Theo An Dương/vietq.vn (5/11/2018)