25 C
Hanoi
Thứ hai, Tháng mười một 18, 2024
More
    Home Blog Page 371

    Sản xuất nhựa từ khoai tây và vỏ trái cây

    0

    Việc tìm kiếm giải pháp nhựa sinh học an toàn và dễ phân hủy đang là hướng đi của các nhà khoa học cùng Chính phủ các nước để giải bài toán ô nhiễm môi trường hiện nay. Trong số đó phải kể đến vật liệu từ tinh bột khoai tây có tính chất tương tự như nhựa – một sản phẩm của Pontus Trenquist – cựu sinh viên của Đại học Lund (Thụy Điển).

    Thành công từ việc… “lỡ tay”

    Pontus Trenquist, 24 tuổi, cựu sinh viên ĐH Lund (Thụy Điển) đã được giới khoa học chú ý đến bởi công trình nghiên cứu cho ra sản phẩm nguyên liệu nhựa từ tinh bột khoai tây tại cuộc thi thiết kế “The James Dyson”.

    Pontus Trenquist đã tạo ra những dụng cụ nhà bếp như dao, nĩa, thìa, đĩa… từ “nhựa khoai tây”. Ngoài tinh bột khoai tây, Trenquist còn sử dụng 2 loại nguyên liệu có sẵn mà không gây hại cho môi trường đó là nước và glycerin (một hợp chất có vị ngọt như siro, là thành phần chính trong chất béo hoặc dầu thực vật).

    Pontus Trenquist đã tạo ra những dụng cụ nhà bếp như dao, nĩa, thìa, đĩa… từ “nhựa khoai tây”

    Đặc biệt, Trenquist chia sẻ: “Lúc đầu tôi lên kế hoạch sản xuất đá, gạch xây nhà từ tảo biển nên tôi đã về quê và tìm kiếm rong biển để phơi khô. Tôi đã loay hoay để tìm kiếm một chất kết dính cho rong biển và trong số đó tôi để ý đến tinh bột khoai tây kết hợp với nước.

    Tuy nhiên, do lỡ tay nên tôi đã đổ hỗn hợp chất lỏng này tràn ra ngoài. Và rất ngạc nhiên sau đó tôi phát hiện, hỗn hợp khoai tây trộn với nước khi khô đi có đặc tính như màng nhựa. Chính điều đó đã khiến tôi nảy ý tưởng nghiên cứu nhựa từ tinh bột khoai tây”.

    “Sau đó, tôi tiếp tục thêm glycerin vào trong hỗn hợp tinh bột khoai tây và nước, hỗn hợp đã trở nên dẻo hơn, dễ dàng cán và tạo hình ra những sản phẩm theo ý thích của mình mà không hề bị rách hay rạn nứt, thậm chí chúng còn xuất hiện lớp màng mỏng có thể tạo ra những chiếc túi nilon hoàn toàn bằng thực vật”, Trenquist chia sẻ thêm.

    Hiện nay, Trenquist đang làm việc tại Phòng Nghiên cứu Thiết kế Vật liệu tại trường Đại học Công nghệ và Thiết kế Copenhagen (Đan Mạch) và vẫn tiếp tục phát triển sản phẩm của mình.

    Mới đây, một nhóm nghiên cứu của Đại học Y khoa Vienna (Áo) cho biết, họ đã tìm thấy 9 loại vi hạt nhựa khác nhau có trong các mẫu phân của các tình nguyện viên tham gia thí nghiệm. Điều này chứng tỏ chúng ta đang nuốt phải chất thải nhựa cùng với thức ăn hàng ngày. Các vi chất nhựa này có thể gây ức chế hệ miễn dịch, làm lây lan các độc tố, virus và vi khuẩn trong cơ thể con người.

    Do đó, nghiên cứu của Trenquist có thể là một trong những thành công trong việc vừa tiết kiệm được nông sản bỏ đi (khoảng 20% khoai tây sau thu hoạch bị loại) vừa là lời giải cho bài toán cứu lấy đại dương.

    Bao bì làm từ vỏ trái cây và khoai tây

    Hồi năm 2006, một nhà máy tại Pháp đã sản suất ra các loại bao bì từ bột khoai tây và có thể tự phân hủy trong khoảng từ 5 – 6 tháng sau khi sử dụng. “Bao bì này sẽ giúp chúng ta tiết kiệm năng lượng hơn, ít tốn nguyên liệu, bền hơn nhờ độ đặc của tinh bột khoai tây, đồng thời tạo thu nhập cho người nông dân”, ông Renault – Giám đốc Công ty Plastiques et Tissages de Luneray cho biết. Và lợi ích lớn nhất là “giá của bao bì nhựa thông thường sẽ tăng theo giá dầu, trong khi bao bì làm từ khoai tây sẽ hạ giá khi sản lượng khoai thu hoạch tăng”.

    Một công ty khác cũng đã nỗ lực để thay đổi vấn đề này đó là Biome Bioplastics (Anh) khi sản xuất loại cốc, ly có thể phân hủy và tái chế. Loại nguyên liệu để làm ra những chiếc cốc đó là tinh bột khoai tây, ngô và cellulose. Sản phẩm cốc, ly của của Biome Bioplastics hoàn toàn có thể tự phân hủy trong thùng rác thực phẩm hoặc thùng giấy tái chế.

    Bên cạnh đó, cả một công ty chuyên sản xuất thực phẩm và nước giải khát khổng lồ như PepsiCo cũng đang nhắm đến mục đích sản xuất bao bì từ vỏ khoai tây bỏ đi sau khi sản xuất khoai tây chiên giòn tại nhà máy tại Leicester (Anh).

    Trước đó, tại Malaysia, các nhà nghiên cứu tại nước này đã phát triển loại bao bì nhựa phân hủy sinh học làm từ vỏ trái cây nhiệt đới không chỉ bền, tiết kiệm mà còn giúp chúng ta hạn chế được việc gây ô nhiễm môi trường. GS.TS Hanafi Ismail cùng nhóm nghiên cứu đặt tên sản phẩm là “FruitPlast” – sản phẩm của sự chuyển đổi từ vỏ trái cây biến thành tinh bột rồi thành nhựa phân hủy sinh học.

    Hiện nay, giới khoa học cho biết ý tưởng sử dụng nhựa phân hủy sinh học thân thiện với môi trường, thay thế cho nhựa truyền thống làm từ nhiên liệu hóa thạch là rất khả quan.

    Theo Anninhthudo.vn (9/1/2018)

    Ưu điểm của điện mặt trời nối lưới so với ắc quy lưu trữ

    0

    Với nhiều ưu điểm so với ắc quy lưu trữ, hệ thống điện mặt trời nối lưới đang được nhiều người dân lựa chọn đầu tư cho gia đình.

    Hệ thống điện mặt trời nối lưới không sử dụng ắc quy nên chi phí đầu tư và bảo dưỡng hệ thống thấp hơn nhiều so với hệ lưu trữ, thao tác vận hành đơn giản, dễ dàng nâng cấp mở rộng hệ thống; Không mất thêm chi phí nâng cấp ắc quy do tuổi thọ của ắc quy tương đối thấp; Lượng điện dư được đẩy lên lưới và được ghi nhận lại thông qua công tơ điện 2 chiều, được bán lại cho EVN với giá 2.086 đồng/kWh.

    Hiện nay, phía EVN đang hoàn thiện các thủ tục mua bán điện, giúp người dân an tâm sử dụng điện mặt trời.


    Điện mặt trời nối lưới có nhiều ưu điểm so với ắc quy lưu trữ.

    Ông Nguyễn Văn Lý – Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Điện lực TP HCM (EVN HCM) cho biết hiện nay, trên địa bàn TP HCM đã có 860 hộ dân lắp đặt hệ thống điện mặt trời trên mái nhà và phát hơn 1 triệu kWh lên hệ thống lưới điện. Để tạo điều kiện cho người dân phát triển điện mặt trời trên mái nhà (nếu không dùng hết có thể bán ngược lại cho ngành điện với công tơ hai chiều).

    Ông Lý cho hay, trong năm 2018, EVN HCM đã xây dựng quy trình truyền thông cho người dân: muốn lắp điện mặt trời liên hệ với ai, thủ tục thế nào, giá mua bán ra sao, nối lưới thế nào… Người dân có nhu cầu đầu tư điện mặt trời trên mái nhà tại TP HCM liên hệ qua tổng đài 1900545454 hoặc website: cskh.hcmpc.vn. Qua đó, nhân viên ngành điện sẽ tư vấn cho khách hàng đầu tư thế nào hợp lý với diện tích, đồng thời giới thiệu cho khách hàng 10 đơn vị cung cấp, lắp đặt uy tín.

    Theo Mai Phương (petrotimes.vn)

    El Nino xuất hiện, mùa đông xuân miền Bắc ấm hơn mọi năm

    Từ tháng 2 đến 6, nhiệt độ toàn quốc sẽ cao hơn trung bình nhiều năm khoảng 0,5-1 độ, nắng nóng xuất hiện sớm hơn.

    Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn quốc gia nhận định, El Nino xuất hiện nửa đầu năm 2019 với xác suất 80-90%. Dưới tác động của hiện tượng này, nhiệt độ trung bình 6 tháng đầu năm trên toàn quốc cao hơn so với trung bình nhiều năm. Nắng nóng sẽ xuất hiện sớm hơn (thông thường vào tháng 5); bão và áp thấp nhiệt đới xuất hiện muộn hơn.

    Riêng tháng 1, nhiệt độ toàn quốc xấp xỉ trung bình nhiều năm cùng thời kỳ. Rét đậm, rét hại tiếp tục xuất hiện ở trung du và đồng bằng Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ trong tháng 1 do có khoảng 3-5 đợt không khí lạnh tràn về. Các đợt rét đậm, rét hại có thể kéo dài 4-7 ngày, tập trung vào đầu và nửa cuối tháng 1. Sang tháng 2, rét đậm, rét hại ít hơn so với nhiều năm.

    Từ tháng 2 đến 6, nền nhiệt toàn quốc sẽ cao hơn trung bình nhiều năm khoảng 0,5-1 độ; riêng tháng 2-3 Bắc Bộ cao hơn 1-2 độ C.


    Miền Bắc đang trải qua đợt rét nhất từ đầu đông. Hai em bé ở Sa Pa (Lào Cai) phải mặc thật ấm để đi bán đồ lưu niệm. Ảnh: Tuấn Minh.

    Trước đó tháng 10/2018, nhiệt độ trung bình cả nước cao hơn 0,5-1,5 độ so với nhiều năm cùng kỳ, trừ vùng núi Đông Bắc Bộ. Tháng 11-12/2018, nền nhiệt cao hơn 1-2 độ, riêng đồng bằng Bắc Bộ và khu vực từ Thanh Hóa đến Thừa Thiên Huế cao hơn 2,5-3 độ C. Như vậy với dự báo tháng 2 ít đợt rét đậm, rét hại, nền nhiệt cao hơn, mùa đông xuân 2018-2019 ấm hơn mọi năm.

    Cũng theo Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, tổng lượng mưa tháng 1 trên toàn quốc cao hơn trung bình nhiều năm khoảng 15-30%. Nam Bộ đang là mùa khô nhưng có thể xuất hiện mưa trái mùa. Từ tháng 2 đến 5, Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ tổng lượng mưa xấp xỉ nhiều năm; Trung và Nam Trung Bộ mưa phổ biến thấp hơn 20-40%.

    Nhiều sông suối Trung Bộ do đó có khả năng xuất hiện mực nước thấp nhất chuỗi số liệu quan trắc. Tình trạng hạn hán, thiếu nước cục bộ sẽ xuất hiện ở Nam Trung Bộ và Tây Nguyên trong các tháng 2-4.

    Theo VnExpress.net (5/1/2019)

    Sự thật về các chỉ số chất lượng không khí

    Làm thế nào để biết được bầu không khí bạn đang hít thở là sạch, là đạt chất lượng? Thực ra xưa nay, chúng ta thường chỉ dựa vào cảm nhận của bản thân. Bạn hít thở cảm thấy thoải mái, không khí mát mẻ, không khó chịu thì mặc nhiên đó là không khí sạch.

    Khoa học thì khác! Muốn đánh giá thứ gì chúng ta cũng cần các chỉ số cụ thể. Và với câu chuyện không khí sạch, chúng ta sử dụng chỉ số đo lường chất lượng không khí AQI (Air quality Index).

    AQI là chỉ số được nhiều quốc gia tin dùng để đánh giá bầu không khí chúng ta đang hít thở. Nhưng thực tế cho thấy, rất nhiều người trong chúng ta – và có thể là cả bạn nữa – đang có một hiểu nhầm không nhỏ về những gì mà nó tiết lộ.

    AQI cho biết điều gì?

    Đây là chỉ số được tính toán từ các thông số quan trắc các chất ô nhiễm trong không khí nhằm cho biết tình trạng chất lượng không khí và mức độ ảnh hưởng đến sức khỏe con người.

    Các chỉ số AQI được tính toán trên công thức để chuyển đổi số đo PM 2.5 thành chỉ số chất lượng không khí. Dành cho những ai chưa biết, PM2.5 mật độ hạt bụi có đường kính nhỏ hơn 2,5micromet có trong không khí quanh máy quan trắc. Sau khi quy đổi, chất lượng không khí sẽ được biểu diễn theo một thang điểm gồm 6 khoảng, và cụ thể như sau:


    Nguồn ảnh: Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Việt Nam

    Nhưng chỉ mình AQI không nói lên được toàn bộ bức tranh không khí của toàn thành phố, có những thời điểm mọi người nhìn máy đo và nhận được chỉ số AQI ở mức cao ngất ngưởng, để rồi cảm thấy hoang mang vì chất lượng không khí quá kém. Tuy nhiên, câu chuyện về AQI không chỉ đơn giản như thế.

    Đầu tiên, cần biết rằng AQI không phải là một chỉ số hoàn hảo. Nó được xây dựng dựa trên công thức chuyển đổi số đo PM 2.5 thôi, trong khi để đánh giá tổng thể chất lượng không khí thì còn cần các chỉ số khác như PM10, lượng CO2 trong không khí…

    Thứ 2 là tại Việt Nam, nhiều người lấy chỉ số AQI do thiết bị quan trắc của Lãnh sự quán Hoa Kỳ tại Việt Nam cung cấp. Tuy nhiên, ngay chính website của đại sứ quán cũng đưa ra lưu ý rằng thiết bị của họ chỉ có thể đưa ra chỉ số chất lượng không khí tại khu vực gần lãnh sự quán – nơi đặt thiết bị quan trắc.

    Nói cách khác, đó là chỉ số cục bộ, chứ không thể đại diện cho chất lượng không khí toàn thành phố.

    AQI cũng sẽ có sự khác biệt theo từng thời điểm trong ngày. Vào giờ cao điểm, chất lượng không khí sẽ tệ hơn do các phương tiện lưu thông nhiều. Trong những ngày mưa hoặc có gió nhiều, AQI cũng sẽ giảm xuống.

    Và cuối cùng là về những cỗ máy đo chất lượng không khí tại nhà mà nhiều gia đình đang sử dụng. Có một sự thật nhiều người cần biết là không khí trong nhà đôi khi có chất lượng còn kém hơn ngoài trời do cấu trúc khép kín, nên cũng không thể vin vào đó mà bảo không khí toàn thành phố đang xuống cấp được.

    Tóm lại, câu chuyện chúng ta cần hiểu ở đây là AQI dù sao cũng chỉ mang tính chất tham khảo mà thôi.

     Theo Helino/tapchimoitruong.vn

    Phân loại rác tại nhà bằng điện thoại thông minh

    Chỉ với một chiếc điện thoại thông minh, mỗi hộ gia đình có thể tự thực hiện việc phân loại rác, sử dụng ứng dụng để gọi người thu gom và được tích điểm thưởng, đổi nhiều phần quà có giá trị…

    Cuối tháng 11.2018, TP.HCM chính thức áp dụng quy định về phân loại rác tại nguồn cho mọi người dân sinh sống trên địa bàn TP. Cũng tại thời điểm này, Sở Tài nguyên và Môi trường TP chính thức cho ra mắt phần mềm ứng dụng hướng dẫn phân loại chất thải rắn tại nguồn mGreen.

    Theo đó, hộ dân tham gia dự án, khi tải phần mềm về trên thiết bị điện thoại di động thông minh sẽ được cung cấp thẻ tích điểm điện tử và thùng đựng rác tái chế.

    Ứng dụng sẽ cung cấp cho người dùng các thông tin về hướng dẫn phân loại các nhóm chất thải thành 3 loại: rác hữu cơ, rác tái chế và rác còn lại, quy trình thu gom, cách nhận biết từng nhóm chất thải, ý nghĩa của việc phân loại rác, quy định xử phạt hành vi không phân loại…

    Phần mềm quản lý thu gom rác tái chế mGreen C.T.V

    Khi thùng rác đã đầy, các hộ gia đình sẽ mở thẻ, nhấn nút gọi thông báo tới bên thu gom. Dựa trên lượng rác thải tái chế do bên thu gom sẽ xác định, cư dân sẽ được tích điểm thưởng vào thẻ hộ gia đình. Số điểm này được đổi thành quà qua ePoint – sử dụng khi mua sắm, ăn uống, giải trí.

    Trước khi triển khai tại TP.HCM, ứng dụng phân loại rác áp dụng công nghệ 4.0 này đã được thí điểm tại một số chung cư tại Hà Nội và nhận được sự ủng hộ của hầu hết các hộ gia đình.

    Sau gần 2 tháng tải app mGreen, chị Huỳnh Thanh Hải (quận Tân Phú, TP.HCM) cho biết từ khi có ứng dụng, tất cả các thành viên trong gia đình chị đều hiểu rõ hơn ý nghĩa của việc phải phân loại rác tại nguồn, thực trạng rác thải, tác hại của rác thải tới môi trường…

    “Vì có sẵn trên điện thoại di động nên ứng dụng rất tiện lợi. giao diện đơn giản, dễ sử dụng. Nhà có trẻ con nên việc giáo dục các cháu từ nhỏ về vấn đề rác thải, bảo vệ môi trường có ý nghĩa rất lớn. Chưa kể còn được tích điểm, quy đổi thành những nhu yếu phẩm hằng ngày gia đình sử dụng. Vừa ích nước lợi nhà, tội gì không dùng” – chị Hải chia sẻ.

    Trao đổi với PV, Phó chủ tịch UBND TP.HCM Trần Vĩnh Tuyến cho biết UBND TP rất hoan nghênh việc ứng dụng công nghệ thông tin vào phân loại rác. Mỗi ngày, trên địa bàn thành phố phát sinh khoảng 8.300 tấn rác sinh hoạt, cao điểm có ngày lên đến 9.200 tấn, chiếm hơn 40% nguồn phát thải. Để thu gom, vận chuyển và xử lý lượng rác thải khổng lồ này, mỗi năm thành phố phải tiêu tốn hàng ngàn tỉ đồng.

    Theo Thanhnien.vn (6/1/2019)

    Điện mặt trời vừa dùng vừa bán

    0

    Tận dụng không gian sân thượng, mái nhà để lắp đặt hệ thống điện mặt trời vừa dùng cho gia đình, vừa để bán lại cho ngành điện đang là xu thế của không ít hộ gia đình thành thị.

    Theo thống kê của Tổng công ty Điện lực TP.HCM, trên địa bàn TP đã có 859 hộ gia đình lắp đặt hệ thống điện mặt trời và phát hơn 1 triệu kWh điện lên hệ thống lưới điện.

    Đỡ tốn tiền nhờ dùng điện mặt trời

    Một tháng nay, gia đình bà Nguyễn Thị Thu Thắm (Q.Tân Phú) sử dụng các thiết bị tiêu tốn nhiều điện như điều hòa, máy giặt, quạt máy… thoải mái hơn bởi gia đình này vừa đầu tư hệ thống điện mặt trời.

    Cả thảy 8 tấm pin mặt trời với tổng diện tích 16m² chỉ chiếm 1/3 không gian sân thượng của nhà bà Thắm, nhưng các tấm pin này cung cấp cho gia đình 300 kWh điện/tháng.

    “Nhà tôi có 7 người, hằng tháng chi trả cho ngành điện khoảng 1,5 triệu đồng. Nay nhờ lắp đặt hệ thống điện mặt trời chúng tôi tiết kiệm được nhiều hơn khi chỉ trả cho ngành điện tầm 500.000 – 700.000 đồng/tháng”.


    Hệ thống điện mặt trời vừa được gia đình bà Nguyễn Thị Thu Thắm (Q.Tân Phú, TP.HCM) đầu tư lắp đặt trên sân thượng – Ảnh: NGỌC HIỂN

    Cầm chiếc điện thoại thông minh theo dõi các chỉ số điện được ghi nhận tự động bằng phần mềm, bà Thắm cho biết mọi thông số về lượng điện sản xuất trong ngày, tháng và tổng lượng điện sản xuất của hệ thống đều được “báo cáo” mỗi ngày để gia đình kiểm soát lượng điện tiêu thụ.

    Với mức đầu tư 50 triệu đồng cho hệ thống này, bà Thắm nhẩm tính trong vòng 6 năm sẽ thu hồi vốn trong khi thiết bị được bảo hành 12 năm và vòng đời lên đến 25 năm. Tuy nhiên, điều bà Thắm băn khoăn là hiện nay dù đã lắp đặt hệ thống điện mặt trời nhiều ngày, nhưng ngành điện TP vẫn chưa có người đến lắp đồng hồ điện hai chiều cho nhà bà.

    “Nhà tôi đang dùng đồng hồ cơ nên lắp đặt hệ thống điện mặt trời được. Tuy nhiên, muốn đưa điện từ hệ thống này lên lưới điện TP để dùng dư thì bán cho ngành điện, nhà dân phải được lắp đồng hồ điện hai chiều” – bà Thắm nói.

    Cũng theo bà Thắm, các gia đình đã lắp đồng hồ điện tử hiện nay không thể lắp đặt hệ thống điện mặt trời, buộc phải thay đồng hồ điện hai chiều, nhưng việc này lại phụ thuộc vào ngành điện.

    Ngoài ra, đến nay ngành điện vẫn chưa có thông báo về việc tính giá điện, tính thuế như thế nào khi người dân bán lại lượng điện dư thừa.

    Hỗ trợ vay vốn lắp đặt điện mặt trời

    Ông Nguyễn Đình Hiến (Q.Tân Bình) cũng tận dụng diện tích trên mái nhà để lắp đặt 12 tấm pin năng lượng mặt trời. Tuy mới đưa vào hoạt động, nhưng hệ thống này đã giúp gia đình tiết kiệm gần cả triệu đồng tiền điện/tháng. Ông Hiến cho biết sắp tới ông sẽ lắp thêm các tấm pin trên mái nhà do vẫn còn không gian khá rộng.

    Thời điểm này, các doanh nghiệp cung cấp các dịch vụ lắp đặt pin năng lượng mặt trời cũng đưa ra nhiều chương trình ưu đãi về bảo hiểm, vốn cho các hộ gia đình. Theo đại diện Công ty SolarBK, công ty này hợp tác với phía bảo hiểm BIC để khách hàng lắp đặt hệ thống điện mặt trời đến ngày 31-7-2019 sẽ được cung cấp gói bảo hiểm sản lượng điện.

    Trong vòng 5 năm, khách hàng sẽ được bảo hiểm bằng 75% sản lượng dự kiến của hệ thống sản sinh. Ngoài ra, phía công ty còn hợp tác với Ngân hàng BIDV, khách hàng lắp đặt điện mặt trời sẽ được hỗ trợ thêm các gói vay ưu đãi từ 12-36 tháng với tỉ lệ duyệt vay lên đến 70%.

    Theo nghiên cứu của SolarBK, do công nghệ phát triển nên trên cùng một diện tích đầu tư hệ thống điện mặt trời với công nghệ mới, hiệu suất của hệ thống đã tăng thêm 6,4% và sẽ tiếp tục tăng lên trong những năm tới. Do đó, dù với diện tích nhỏ nhưng nhiều gia đình vẫn có thể đầu tư hệ thống điện mặt trời.

    Dân chờ lắp đồng hồ điện hai chiều

    Theo Tổng công ty Điện lực TP.HCM, hiện nay có khoảng 10 nhà cung cấp uy tín, có năng lực để người dân có thể liên hệ lắp đặt hệ thống điện mặt trời. Ông Nguyễn Tấn Hưng, trưởng phòng quan hệ cộng đồng (Tổng công ty Điện lực TP), cho biết để khuyến khích khách hàng sử dụng điện mặt trời, phía công ty sẽ hỗ trợ khách hàng lắp đặt đồng hồ điện hai chiều miễn phí.

    Tuy nhiên, thời gian qua có nhiều hộ gia đình đăng ký nên công ty chưa kịp lắp đặt cho toàn bộ các hộ gia đình trên địa bàn TP. Theo ông Hưng, khi có nhu cầu thay đổi sang đồng hồ hai chiều, khách hàng có thể liên hệ qua tổng đài chăm sóc khách hàng: 1900.54.54.54 hoặc truy cập trang web chăm sóc khách hàng của Tổng công ty Điện lực TP.

    Sau khi tiến hành thử nghiệm điện, dòng điện ổn định đạt tiêu chuẩn đưa lên lưới, công ty sẽ thay thế đồng hồ hai chiều cho khách hàng. Theo ông Hưng, đã có 859 hộ lắp đặt, đăng ký bán lại điện với tổng công suất 9,53 MWp.

    Ông Nguyễn Văn Lý, phó tổng giám đốc Tổng công ty Điện lực TP, cho biết vướng mắc hiện nay trong việc phát triển điện mặt trời tại nhà dân là chưa thống nhất được việc thanh toán giữa bên mua và bên bán.

    Hiện nay, số lượng điện các hộ dân đưa lên lưới đều được ghi nhận, giá điện cũng đã có nhưng thanh toán chưa được vì vướng thủ tục về thuế. Hiện ngành điện đang chờ hướng dẫn của Bộ Công thương, Bộ Tài chính về vấn đề này.

    Theo Tuoitre.vn (28/12/2018)

    Năm 2018, thiệt hại 17,4 nghìn tỷ đồng do thiên tai, cháy nổ

    Theo Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), năm 2018, tổng thiệt hại do thiên tai và cháy nổ là 17,4 nghìn tỷ đồng.

    Cụ thể, thiên tai năm 2018 đã làm 218 người chết, mất tích và 157 người bị thương; 1.967 ngôi nhà bị sập đổ, cuốn trôi; 119 nghìn ngôi nhà bị sạt lở, tốc mái và ngập nước; hơn 260 nghìn ha lúa và hoa màu bị hư hỏng.


    Cả nước xảy ra 4.075 vụ cháy, nổ. Ảnh minh họa

    Tổng giá trị thiệt hại do thiên tai năm 2018 ước tính 15,7 nghìn tỷ đồng.

    Cùng với đó, trong năm nay, trên địa bàn cả nước xảy ra 4.075 vụ cháy, nổ làm 112 người chết và 263 người bị thương, thiệt hại ước tính khoảng 1,7 nghìn tỷ đồng.

    Theo Thoibaotaichinhvietnam (3/1/2018)

    Công nghệ thân thiện với môi trường có thể thay đổi giao thông

    0

    Từ phương tiện chạy bằng nhiên liệu hydro đến công nghệ tàu siêu tốc và cáp treo, một loạt các công nghệ và ý tưởng đang được phát triển để định hình tương lai của giao thông đô thị.

    Thành phố của ngày mai

    Trong vài năm qua, một số xe buýt và xe lửa cải tiến đã được giới thiệu trong các mạng lưới giao thông công cộng trên khắp thế giới

    Theo bà Susan Shaheen, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Giao thông Bền vững tại Đại học California, Berkeley, giao thông có thể sẽ rất khác trong vài năm tới.

    “Trong vài thập kỷ tới, mọi thứ sẽ thay đổi rất nhiều nhờ tiến bộ công nghệ – ô tô tự động, điện khí hóa và những tiến bộ hơn nữa trong kết nối không dây và điện tử”, bà Susan Shaheen nói với CNBC.

    Trong tương lai, hyperloop là ý tưởng về một hệ thống giao thông tốc độ cao, có thể giảm đáng kể thời gian đi lại giữa các thành phố.

    Một số doanh nghiệp, bao gồm Hyperloop Transport Technologies và Virgin Hyperloop One đang phát triển hệ thống hyperloop. Riêng Virgin Hyperloop One đã nhận được 295 triệu USD tài trợ. Virgin Group, GE Ventures và SNCF là các nhà đầu tư của doanh nghiệp này.

    Hyperloop là một hình thức vận chuyển sử dụng bay từ trường để các phương tiện di chuyển trên đường ray. Động cơ điện tăng tốc cho xe thông qua một ống áp suất thấp, với tàu có thể chạy trong khoảng cách xa với “tốc độ hàng không” nhờ “lực cản khí động học cực thấp”.

    Về giao thông giữa các đô thị, sự thay đổi cũng có thể đang diễn ra. “Trong 10 đến 20 năm nữa, tôi nghĩ rằng chúng ta sẽ thấy nhiều hệ thống đường sắt cao tốc hơn giúp mọi người đi xa nhưng tiêu tốn ít thời gian hơn”, Shaheen nói và nhấn mạnh công nghệ hyperloop là một mô hình giao thông tiềm năng khác cho cả du lịch đô thị và vận chuyển hàng hóa đường dài.

    Giao thông không khí thải

    Trong khi hyperloop cung cấp sự nhìn nhận thoáng qua về giao thông có thể phát triển trong những năm tới, các hệ thống giao thông lớn như xe buýt và xe lửa vẫn sẽ đóng một vai trò quan trọng.

    Thật vậy, trong vài năm qua, một số xe buýt và xe lửa cải tiến đã được giới thiệu trong các mạng lưới giao thông công cộng trên khắp thế giới.

    Thành phố Aberdeen của Scotland, được nhiều người gọi là “thủ đô dầu mỏ của châu Âu”, giờ đây tự hào có hàng loạt xe buýt hydro không phát thải. Trong lĩnh vực đường sắt, công ty Alstom của Pháp gần đây đã công bố tàu “chạy bằng hydro” đầu tiên trên thế giới.

    Doanh nghiệp này cho biết Coradia iLint sử dụng pin nhiên liệu biến hydro và oxy thành điện năng. Về tốc độ, tàu có thể chạy với tốc độ 140 km mỗi giờ.

    Chia sẻ là quan tâm

    Khi nói đến các phương tiện giao thông hai bánh, các chương trình chia sẻ chu trình đang trở thành phương thức vận tải ngày càng phổ biến.

    Thủ đô Copenhagen của Đan Mạch là nơi có một số lượng lớn các tuyến đường và làn xe đạp, đã nỗ lực xây dựng các làn đường an toàn cho người đi xe đạp. “Nếu bạn muốn tạo ra một thành phố xe đạp thì bạn phải làm cho thành phố đó an toàn khi đi bằng xe đạp”, Thị trưởng thành phố Copenhagen, Frank Jensen nói với CNBC vào đầu năm nay.

    “Ở Copenhagen, trẻ em học đi xe đạp khi trẻ bắt đầu đi học, các em cùng đạp xe với bố mẹ và cứ như vậy, các em đi xe đạp đến khi lớn lên” – Jensen nói thêm.

    Thay đổi thời gian

    Theo Shaheen, các chương trình chia sẻ chu trình là một phần của sự thay đổi trong thói quen. “Chúng tôi đã thấy một số đổi mới ngày nay trong thế giới phát triển bao gồm xe tay ga điện tử và chia sẻ xe đạp và chia sẻ xe và các dịch vụ vận chuyển theo yêu cầu như Uber và Lyft” – Shaheen giải thích. “Chúng tôi cũng đang tập trung nhiều hơn vào các phương tiện được chia sẻ và tự động”, Shaheen nói thêm.

    Shaheen cho rằng để khuyến khích các phương tiện tự động được sử dụng rộng rãi, cần tập trung vào an toàn công cộng và nhận thức về an toàn giao thông tự chủ.

    Theo tapchitainguyenvamoitruong.vn (2/1/2019)

    Dấu hiệu rau muống có hóa chất các mẹ nên biết

    Các mẹ hãy chú ý nếu luộc rau xong mà thấy nước có màu này hãy đổ ngay đi kẻo ung thư ùn ùn kéo đến.

    Rau muống được biết đến là thực phẩm quen thuộc trong bữa cơm hàng ngày của mỗi gia đình. Người ta có thể lựa chọn rau muống để chế biến các loại món ăn như: Rau muống luộc, rau muống xào, rau muống nộm… để giúp cả nhà ngon miệng hơn.

    Vậy làm thế nào để nhận biết rau muống sạch và rau muống có hóa chất? Dưới đây là một số thông tin hữu ích dành cho bạn.

    Phân biệt rau muống sạch nhờ mùi vị, thành phẩm sau chế biến

    – Theo kinh nghiệm thực tế, rau muống có chứa chất kích thích khi chế biến lên thường có vị chát, mùi hắc. Ngược lại, rau muống sạch lại rất xanh, có vị giòn, thanh mát tự nhiên.

    Ảnh minh họa.

    Sau khi rau đã chín, nhìn vào nước luộc bạn cũng hoàn toàn có thể phân biệt được:

    – Rau có chứa nhiều hóa chất: Nước luộc thường có màu xanh thẫm, càng chứa nhiều hóa chất độc hại, “ăn” nhiều thuốc kích thích thì càng thẫm màu. Kể cả khi bạn dùng chanh vắt vào, nước vẫn có màu xanh đậm. Khi để nguội, nước sẽ chuyển sang màu đen.

    – Với rau nhà trồng, rau muống sạch: Nước luộc rau thường xanh nhẹ, vắt chanh hoặc quất vào nó nhanh chóng hơi thiên về màu trắng, nước trong. Thậm chí, khi bạn để nguội, nước đó cũng không bị đổi màu.

    Những mối nguy hại từ rau muống

    Ngày nay khi nhu cầu tăng cao, một số người bắt đầu sử dụng hóa chất để rau muống nhanh mọc, giòn và ngon mắt. Thế nên mới có tình trạng 18 người bị ngộ độc, phải nhập viện cấp cứu trong tình trạng nôn mửa, người tím tái sau khi ăn rau muống.

    Bác sĩ Đặng Văn Chính (PGĐ. Bệnh viện Thanh Nhàn) cho biết, tất cả những bệnh nhân bị ngộ độc phải cấp cứu này đều được phát hiện rau muống chưa tiêu hóa hết trong dạ dày. Đồng thời, vị bác sỹ này cũng khẳng định, nguyên nhân khiến những người này bị hôn mê là do phốt phát hữu cơ – chất kịch độc có trong thuốc trừ sâu.

    Chất này khi đi vào cơ thể sẽ gây nên tình trạng rối loạn tiêu hóa, khiến cơ thể bị nôn mửa. Thậm chí, có không ít người suýt bỏ mạng vì ăn phải rau muống chứa đầy thuốc trừ sâu.

    Cách luộc rau muống ngon

    – Chuẩn bị 1 nồi nước đun sôi, nhiều rau thì phải đun nhiều nước. Khi nước sôi 2 phút, bắt đầu thả rau vào và thêm ½ thìa muối giúp rau thêm xanh.

    – Lật rau luôn để rau ngập đều nước, như vậy sẽ xanh và ngon hơn.

    Theo khoevadep.vn (3/1/2019)

    Tất cả mô tô, xe máy mới phải dán nhãn năng lượng từ năm 2020

    0

    Nhãn năng lượng phải được cơ sở sản xuất, nhập khẩu và kinh doanh xe duy trì trên xe cho tới khi xe được bàn giao đến tay người tiêu dùng.

    Bộ Giao thông vận tải đã ban hành Thông tư 59/2018/TT-BGTVT hướng dẫn việc dán nhãn năng lượng đối với xe mô tô, xe gắn máy sản xuất, lắp ráp và nhập khẩu. Thông tư có hiệu lực từ 1/1/2020.

    Theo đó, cơ sở sản xuất, nhập khẩu xe phải công khai thông tin về mức tiêu thụ nhiên liệu theo quy định trước khi thực hiện dán nhãn năng lượng.

    Theo Thông tư, cơ sở sản xuất, nhập khẩu xe in nhãn năng lượng của xe theo mẫu quy định của Bộ Công Thương. Sau khi gửi thông tin công khai tới cơ quan quản lý chất lượng, cơ sở sản xuất, nhập khẩu thực hiện dán nhãn năng lượng trên từng xe tại vị trí dễ quan sát trước khi đưa ra thị trường.

    Thông tư nêu rõ, nhãn năng lượng phải được cơ sở sản xuất, nhập khẩu và kinh doanh xe duy trì trên xe cho tới khi xe được bàn giao đến tay người tiêu dùng.

    Bên cạnh đó, cơ sở sản xuất, nhập khẩu phải công khai lại thông tin về mức tiêu thụ nhiên liệu và dán nhãn năng lượng khi:

    1- Tiêu chuẩn, quy chuẩn áp dụng thay đổi;

    2- Kiểu loại xe đã được công khai thông tin về mức tiêu thụ nhiên liệu và dán nhãn năng lượng có những thay đổi mà không đáp ứng được điều kiện mở rộng việc thừa nhận kết quả thử nghiệm khí thải theo quy định;

    3- Công khai sai mức tiêu thụ nhiên liệu hoặc kết quả kiểm tra, giám sát phát hiện mức tiêu thụ nhiên liệu thực tế vượt quá 4% so với mức công khai của cơ sở sản xuất, nhập khẩu.

    Thông tư này có hiệu lực từ ngày 1/1/2020. Bộ Giao thông vận tải khuyến khích các cơ sở sản xuất, lắp ráp và nhập khẩu xe thực hiện việc công khai thông tin mức tiêu thụ nhiên liệu và dán nhãn năng lượng trước thời điểm này.

    Thông tư này được áp dụng với tổ chức liên quan đến sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu, kinh doanh xe mô tô, xe gắn máy; tổ chức liên quan đến thử nghiêm mức tiêu thụ nhiên liệu và kiểm tra, giám sát việc thực hiện dán nhãn năng lượng xe (nhãn cung cấp các thông tin liên quan đến loại nhiên liệu sử dụng, mức tiêu thụ nhiên liệu của xe).

    Thông tư 59 của Bộ Giao thông Vận tải không áp dụng đối với: xe được sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu sử dụng trực tiếp vào mục đích quốc phòng, an ninh của Bộ Quốc phòng, Bộ Công an; xe tạm nhập tái xuất; xe quá cảnh, chuyển khẩu; xe của cơ quan ngoại giao, lãnh sự; xe nhập khẩu không vì mục đích kinh doanh xe; xe nhập khẩu theo quy định riêng của Thủ tướng Chính phủ; xe sử dụng nhiên liệu không phải là xăng, điêzen, khí dầu mỏ hóa lỏng (LPG), khí tự nhiên (NG).

    Theo vietq.vn (3/1/2019)