22 C
Hanoi
Thứ tư, Tháng mười một 20, 2024
More
    Home Blog Page 355

    Giá điện tăng, cách sử dụng điều hoà siêu tiết kiệm nhiều gia đình không biết

    Giá điện mới tăng hơn 8%, do vậy, để sử dụng điều hòa tiết kiệm điện và tiết kiệm tiền mỗi tháng, người dùng cần biết những cách sử dụng đơn giản và dễ dàng sau đây.

    Chế độ sử dụng điều hòa tiết kiệm điện năng đa số người dùng không biết

    Thứ nhất, khi sử dụng điều hòa người dùng cần phải điều chỉnh nhiệt độ cho phù hợp. Không nên sử dụng điều hòa ở nhệt độ quá thấp vừa tốn điện lại hại sức khỏe. Theo các chuyên gia điện máy, mỗi khi người dùng giảm 5 độ C thì điều hòa sẽ tiêu tốn thêm khoảng 40% điện năng.

    Thứ hai, khi sử dụng điều hòa cần hạn chế việc làm thất thoát điện ra bên ngoài. Bởi khi đó, sẽ khiến điều hòa hoạt động nhanh hơn mà không cần tốn quá nhiều thời gian. Với các phòng có sử dụng cửa kính thì nên tránh tuyệt đối việc để ánh nắng mặt trời trực tiếp chiếc vào cửa khi đó kính sẽ hấp thụ nhiệt và đổ lại phòng gây rất bí bách oi nóng và khó chịu. Hoặc không thì cần phải sử dụng rèm cửa để che chắn.

    Thứ ba, khi sử dụng điều hòa nên kết hợp sử dụng thêm quạt điện hoặc một chậu nước mát. Khi đó, gió từ quạt sẽ giúp lưu thông không khí trong phòng nhanh hơn và phân bố khí mát từ điều hòa đều hơn. Vì thế, bạn sẽ thấy mát nhanh hơn mà không cần giảm nhiệt độ, rút ngắn thời gian sử dụng điều hòa và tiết kiệm tối đa điện năng.


    Những cách sử dụng điều hòa tiết kiệm điện mà nhiều gia đình không biết. Ảnh minh họa.

    Thứ tư, nên sử dụng chế độ hẹn giờ tắt điều hoà và thường xuyên bảo dưỡng điều hòa. Điều hòa hay bất cứ thiết bị điện tử, điện lạnh nào cũng vậy, đều sẽ giảm năng suất sau một thời gian dài hoạt động. Vì thế, hãy thường xuyên lau chùi, vệ sinh bảo dưỡng để máy hoạt động tốt nhất, đảm bảo chất lượng không khí và tiết kiệm điện năng.

    Các nghiên cứu chỉ ra rằng khi bộ lọc bám bụi, công suất hoạt động của điều hòa có thể giảm đến 15%, qua đó tiêu tốn nhiều điện năng hơn trong quá trình hoạt động.

    Thứ năm, khi sử dụng điều hòa cũng nên để chế độ quạt gió tự động. Việc này giúp tiết kiệm điện khi công suất hoạt động của máy nhỏ hơn các chế độ khác, đồng thời cả căn phòng sẽ được mát một cách toàn diện. Một số người dùng thường để quạt gió thổi mạnh vào  khu vực nhất định, vừa lãng phí vừa không tốt cho sức khỏe về lâu dài.

    Cuối cùng, nên dùng tấm bạc chống nhiệt để phủ dàn nóng. Việc này giúp cho dàn nóng của điều hòa không bị ánh mặt trời chiếu trực tiếp. Nếu có điều kiện, người sử dụng có thể làm khung chống nóng bằng gỗ hoặc các vật liệu cách nhiệt khác tốt hơn. Chi phí để mua tấm bạc chống nhiệt khá rẻ nhưng có thể giúp tiết kiệm tiền điện của điều hòa từ 5% đến 10%.

    Theo Phương Nam/vietq.vn

    Chủ đề Ngày Môi trường thế giới 2019: Ô nhiễm không khí

    Chương trình Môi trường Liên hợp quốc đã đưa ra Chủ đề hưởng ứng Ngày Môi trường thế giới (05/6) năm 2019 là “Ô nhiễm không khí” nhằm kêu gọi tất cả các quốc gia, cộng đồng và xã hội cùng hành động để cải thiện chất lượng môi trường không khí ở tất cả các thành phố và khu vực trên toàn thế giới.

    Ngày 5 tháng 6 hàng năm được Chương trình Môi trường Liên hợp quốc chọn là Ngày Môi trường thế giới. Đây là sự kiện môi trường quốc tế thường niên hết sức quan trọng được Việt Nam hưởng ứng từ năm 1982 nhằm góp phần nâng cao nhận thức, thúc đẩy hành động của cộng đồng về bảo vệ môi trường và phát triển bền vững.

    Theo báo cáo của Liên hợp quốc, mỗi năm trên toàn thế giới có khoảng 7 triệu người chết sớm do ô nhiễm không khí, trong đó khu vực Châu Á -Thái Bình Dương có gần 4 triệu người.

    Ô nhiễm không khí ảnh hưởng đến sức khỏe con người và tăng trưởng kinh tế với khoảng 92% người dân trên toàn thế giới không được hít thở không khí sạch, gây thiệt hại cho nền kinh tế toàn cầu 5 nghìn tỷ đô la mỗi năm.

    Theo báo cáo của Liên hợp quốc, mỗi năm trên toàn thế giới có khoảng 7 triệu người chết sớm do ô nhiễm không khí.

    Ô nhiễm ôzôn trên mặt đất dự kiến sẽ làm giảm 26% năng suất cây trồng chủ lực vào năm 2030. Ô nhiễm không khí đã và đang là một thách thức lớn đối với cộng đồng và toàn xã hội.

    Để từng bước giải quyết vấn đề này, Chương trình Môi trường Liên hợp quốc đã đưa ra Chủ đề hưởng ứng Ngày Môi trường thế giới (05/6) năm 2019 là “Ô nhiễm không khí” nhằm kêu gọi tất cả các quốc gia, cộng đồng và xã hội cùng hành động để cải thiện chất lượng môi trường không khí ở tất cả các thành phố và khu vực trên toàn thế giới.

    Lễ kỷ niệm Ngày Môi trường thế giới năm 2019 sẽ được tổ chức vào ngày 05/6 tại Trung Quốc nhằm kêu gọi mọi người cân nhắc cách thay đổi cuộc sống hàng ngày để giảm lượng ô nhiễm không khí thải ra môi trường, ngăn chặn nguy cơ ô nhiễm không khí gây nên sự nóng lên toàn cầu và ảnh hưởng tới sức khỏe của chính chúng ta.

    Tại Việt Nam, Lễ kỷ niệm Ngày Môi trường thế giới (05/6) năm nay sẽ được tổ chức tại tỉnh Bạc Liêu.

    Theo monre.gov.vn

    Chấm dứt tình trạng 7 bộ cùng quản lý chất thải rắn

    Sau nhiều năm trong tình trạng bảy bộ cùng quản lý chất thải rắn, gây chồng chéo, kém hiệu quả, Nghị quyết số 09 của Chính phủ đã thống nhất giao Bộ TN&MT đầu mối, thống nhất quản lý nhà nước về chất thải rắn. Chủ tịch UBND cấp tỉnh chịu trách nhiệm toàn diện về vấn đề rác thải và xử lý rác thải trên địa bàn.

    Sáng 8/5 tại Bộ Tài nguyên và Môi trường diễn ra Hội thảo quản lý Nhà nước về chất thải rắn. Ông Nguyễn Hưng Thịnh, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường nêu thực trạng, có tới 7 bộ cùng quản lý chất thải rắn trong nhiều năm qua. Ngoài Bộ TN&MT còn có Bộ Xây dựng, quản lý chất thải từ hoạt động xây dựng và chất thải rắn sinh hoạt.

    Bộ Y tế phụ trách hoạt động bảo vệ môi trường trong hoạt động y tế. Bộ KH&CN quản lý nhiên liệu hạt nhân, nhiên liệu hạt nhân đã qua sử dụng, vật liệu hạt nhân, vật liệu hạt nhân nguồn, chất thải phóng xạ. Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn quản lý chất thải trong nông nghiệp.

    Bộ Giao thông Vận tải có chức năng quy định chi tiết chất thải nguy hại, chất thải rắn phát sinh từ hoạt động GTVT. Bộ Công thương ban hành Thông tư về quản lý môi trường trong lĩnh vực công thương.

    Theo quy định mới Chủ tịch UBND cấp tỉnh chịu trách nhiệm toàn diện về vấn đề rác thải và xử lý rác thải trên địa bàn.

    Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Võ Tuấn Nhân chia sẻ, việc quản lý chất thải rắn còn phân công quản lý từng công đoạn cho các bộ, ngành khác nhau, thiếu thống nhất từ trung ương đến địa phương.

    Theo ông Đồng Phước An, Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội. Quy định của Nghị định 38 của Chính phủ giao UBND các tỉnh, thành phố chủ động phân công các sở, ngành quản lý chất thải rắn. Mỗi địa phương giao cho một sở, ngành khác nhau dẫn đến thiếu thống nhất.

    Ông An chia sẻ, đã có giai đoạn tại Hà Nội, việc quản lý chất thải rắn sinh hoạt ở các quận giao cho Sở Xây dựng, các huyện giao cho Sở Tài nguyên và Môi trường, vừa rồi tạm thống nhất giao cho một đầu mối là Sở Xây dựng. Ông An kiến nghị nên giao cho Sở Tài nguyên và Môi trường là đầu mối quản lý nhà nước về chất thải rắn.

    “Sở TN&MT có cả Chi cục Bảo vệ Môi trường, còn Sở Xây dựng chỉ có một Phòng Quản lý Hạ tầng kỹ thuật. Phòng này quản lý tới 5 lĩnh vực là rác thải sinh hoạt, cấp nước, thoát nước, chiếu sáng, cây xanh. Bộ phận giao làm quản lý chất thải rắn chỉ có 3 đồng chí cán bộ”, ông An nêu thực tế.

    Theo bà Đỗ Thị Hương, Phó chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ Môi trường Hải Phòng chia sẻ, ngoài chất thải nguy hại và chất thải công nghiệp thông thường được giao cho ngành Tài nguyên và Môi trường quản lý, các chất thải còn lại đang rất chồng chéo, khó khăn trong quản lý, nhất là quản lý chất thải rắn sinh hoạt ở nông thôn.

    Chất thải rắn nông thôn giao cho Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn nhưng năng lực của cán bộ cũng là vấn đề. Khi phân cấp tới cấp huyện, một số huyện giao cho Phòng Môi trường, một số huyện giao cho Phòng Nông nghiệp.

    Để giải quyết tình trạng này, bà Hương kiến nghị cần sửa đổi Luật bảo vệ môi trường, đảm bảo thống nhất với các Luật thuộc lĩnh vực xây dựng, đấu thầu, thực hiện sửa đổi chức năng của các bộ, cơ quan ngang bộ để đảm bảo thống nhất quản lý, tránh chồng chéo như hiện nay.

    Trước đó, Nghị quyết số 09 ngày 3/2/2019 của Chính phủ đã thống nhất giao Bộ TN&MT đầu mối, thống nhất quản lý nhà nước về chất thải rắn. Chủ tịch UBND cấp tỉnh chịu trách nhiệm toàn diện về vấn đề rác thải và xử lý rác thải trên địa bàn. Tuy nhiên, để có thể thống nhất quản lý, vẫn còn nhiều việc làm trước mắt.

    Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết, để thực hiện Nghị quyết 09, Bộ đang tiến hành rà soát các bất cập về cơ chế chính sách, đề xuất hướng sửa đổi phù hợp. Bộ Tài nguyên và Môi trường đã ban hành kế hoạch và đang tích cực triển khai các nhiệm vụ nhằm tăng cường công tác quản lý nhà nước về CTR, trong đó tập trung đánh giá tình hình thực hiện các chiến lược, kế hoạch về CTR; tổ chức kiểm tra, đánh giá thực trạng công tác quản lý CTR trên phạm vi cả nước; chuẩn bị nội dung để tổ chức Hội nghị toàn quốc về CTR. Bộ cũng đang xây dựng các Đề án tăng cường năng lực quản lý CTR tại Việt Nam, tăng cường quản lý rác thải nhựa ở Việt Nam.

    Theo Tienphong.vn (9/5/2019)

    Thủ tướng gửi thư kêu gọi chung tay giải quyết rác thải nhựa

    Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vừa có thư kêu gọi hành động vì một “Việt Nam với môi trường sống trong lành, an toàn và phát triển bền vững, giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường do rác thải nhựa gây ra”.

    Trong thư Thủ tướng nêu rõ: Hiện nay rác thải nhựa là vấn đề nhức nhối trên toàn cầu, mỗi năm lượng rác nhựa do con người thải ra đủ để phủ kín bốn lần diện tích bề mặt Trái Đất, trong đó 13 triệu tấn rác nhựa trôi nổi, đổ ra đại dương.

    Rác thải nhựa đang hàng ngày, hàng giờ tác động tiêu cực đến hệ sinh thái, môi trường sống, sức khoẻ con người và sự bền vững của mỗi quốc gia.

    Ở Việt Nam lượng tác thải nhựa cũng ngày càng gia tăng. Nếu chúng ta không có giải pháp hữu hiệu, kịp thời thì những tác động tiêu cực của rác thải nhựa sẽ trở nên rất nghiêm trọng.


    Rác thải nhựa để vương vãi khắp nơi ở làng Triều Khúc, Tân Triều, Thanh Trì. Ảnh Mạnh Khánh-TTXVN

    Năm 2018 Liên hợp quốc đã phát động chủ đề “Giải quyết ô nhiễm nhựa và ni lông” và tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới năm 2019 nguyên thủ các nước, lãnh đạo các tập đoàn đa quốc gia đã mạnh mẽ cam kết về việc chống rác thải nhựa.

    Nhiều quốc gia đã có những hành động cụ thể để giảm thiểu và cấm sử dụng một số sản phẩm nhựa không thân thiện môi trường, đồng thời tăng tái sử dụng, tái chế chất thải nhựa.

    Tại nhiều diễn đàn quốc tế Việt Nam đã đề xuất các sáng kiến và tham gia cơ chế hợp tác toàn cầu, khu vực để giải quyết rác thải nhựa.

    Chính phủ đang quyết liệt thực hiện các chính sách và giải pháp kiểm soát hiệu quả ô nhiễm môi trường do rác thải nhựa, nhất là sản phẩm nhựa dùng một lần và túi ni lông khó phân huỷ; chú trọng giảm thiểu việc sử dụng, tăng cường tái chế, tái sử dụng, thúc đẩy xây dựng nền kinh tế tuần hoàn, tăng trưởng xanh.

    Thủ tướng đánh giá cao một số địa phương, doanh nghiệp đã có những mô hình, sáng kiến, hành động thiết thực để giải quyết rác thải nhựa. Tuy nhiên, kết quả chưa được phát huy và lan tỏa sâu, rộng trong cả nước.

    Thủ tướng cho rằng giải quyết ô nhiễm môi trường do rác thải nhựa gây ra là nhiệm vụ cấp bách, đòi hỏi phải thực hiện thường xuyên, có sự tham gia của nhiều cấp, nhiều ngành và của toàn xã hội.

    Thủ tướng kêu gọi mọi người dân Việt Nam hãy chung tay hành động giải quyết vấn đề rác thải nhựa.

    Từng cơ quan, đơn vị trong cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân cần làm tốt cồng tác thông tin tuyên truyền, đề cao tinh thần trách nhiệm, phát động các phong trào, xây dựng nhân rộng các mô hình, đề xuất các sáng kiến và tích cực tham gia bằng các hành động cụ thể như: thay đổi thói quen sử dụng, giảm thiểu, phân loại, thu gom, tái sử dụng, tái chế rác thải nhựa; tăng cường sử dụng các sản phẩm thân thiện với môi trường; khuyến khích sử dụng bao bì, túi đựng nhiều lần; kịp thời biểu dương, tôn vinh, khen thưởng các điển hình tiên tiến, mô hình tốt, cách làm hay, sáng kiến có giá trị.

    “Mỗi cán bộ, đảng viên cần gương mẫu đi đầu và vận động thực hiện các biện pháp giải quyết vấn đề rác thải nhựa. Các bộ, ngành và địa phương tiếp tục xây dựng, hoàn thiện các cơ chế, chính sách pháp luật nhằm giải quyết đồng bộ, hiệu quả vấn đề rác thải nhựa”, Thủ tướng kêu gọi.

    Thủ tướng đề nghị ngay bây giờ chúng ta hãy chung tay hành động vì một Việt Nam với môi trường sống trong lành, an toàn và phát triển bền vững, góp phần cùng cộng đồng quốc tế, giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường do rác thải nhựa gây ra.

    Theo Vnanet.vn (3/5/2019)

    Nhà khoa học biến rác thải thành phân hữu cơ vi sinh để bón cho cây trồng

    0

    Các loại chai, lọ, nilon… trong rác thải sinh hoạt tại đô thị và nông thôn sẽ được sản xuất thành phân hữu cơ vi sinh để bón cho cây trồng. Đây cũng là giải pháp tốt để hạn chế rác thải bảo vệ môi trường.

    Tác giả Trần Kim Quy đạt giải Nhất cuộc thi Sáng chế năm 2018. (Ảnh: Bích Liên)

    Lễ trao giải cuộc thi Sáng chế năm 2018 vừa được tổ chức tại Hà Nội nhằm vinh danh 10 sáng chế xuất sắc, ứng dụng khả thi giúp cải thiện cuộc sống của người dân và góp phần phát triển kinh tế.

    Tác giả Trần Kim Quy (83 tuổi, từng là giảng viên Đại học khoa học tự nhiên TP. Hồ Chí Minh) và cộng sự đã đạt giải Nhất với sáng chế về quy trình sản xuất phân hữu cơ vi sinh từ chất thải rắn sinh hoạt.

    Với sáng chế này, tác giả đã sử dụng rác thải sinh hoạt đô thị và nông thôn làm nguyên liệu sản xuất phân hữu cơ vi sinh. Các chủng vi sinh vật dùng để nhân giống, lên men sản xuất ra các chế phẩm vi sinh phân lập tuyển chọn từ trong đất.

    Chia sẻ về thành công của mình, GS Trần Kim Quy cho biết: Từng giảng dạy ở Đại học Khoa học tự nhiên, Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh chuyên ngành hóa học, vi sinh học, GS Quy đã dành gần 20 năm nghiên cứu tìm ra những vi sinh vật có ích để xử lý rác và xây dựng quy trình sản xuất phân vi sinh.

    Từ những năm 2004, ông đã tìm cách giải bài toán này để có thể tận dụng tài nguyên từ rác. Đến năm 2012 ông đã tìm ra vi sinh vật giúp phân hủy rác và xây dựng quy trình tạo phân bón dinh dưỡng cho cây trồng, được các hội đồng khoa học nghiệm thu.


    Rác thải được phân loại trước khi đưa vào làm nguyên liệu sản xuất phân hữu có vi sinh. (Ảnh: BL)

    Theo GS Quy, khác với các công nghệ hiện có, giải pháp của ông rác không cần phân loại từ đầu nguồn. Theo quy trình, khi rác tập kết về cơ sở sản xuất được phun vi sinh vật khử mùi và sau đó cho chạy trên băng tải. Người ngồi đầu băng tải nhặt những chai lọ, lon. Tiếp đến sẽ có người chuyên lấy các chất dẻo là nilon để tái chế nhựa sản xuất mặt bàn composite. Những chất trơ được sử dụng làm gạch block không nung lát đường. Rác hữu cơ sẽ được phun các chế phẩm có chứa vi sinh vật, phân giải sinh học để làm phân vi sinh.

    GS Quy cũng cho biết, sẽ có ba vi sinh vật được sử dụng để phân hủy trong quy trình xử lý. Một con chuyên khử mùi rác (con này lấy trong sữa chua); một con lấy ở đất đen dưới đáy hồ ở độ sâu 15 cm. Một con có chức năng cố định đạm lấy ở nốt sần trong rễ cây rau cải.

    Cách làm này của ông là để rác phân hủy càng nhanh càng tốt. Vì thế ông đã cấy vi sinh vật để một con ăn từ trong ra, một con ăn từ ngoài vào, một con ăn khi nhiệt độ rác ủ lên đến 50 độ C. Khi rác sau phân loại đưa vào hầm ủ và phun chế phẩm vi sinh, khoảng 20 – 25 ngày toàn bộ rác hữu cơ sẽ bị phân hủy và tạo thành phân vi sinh cung cấp dưỡng chất cho cây trồng.

    Tính đến nay, giải pháp của GS Quy đã được thực hiện ở Nhà máy xử lý rác Thụy Phương (Thừa Thiên – Huế). Tại đây, ông và cộng sự đã dùng 100 tấn rác thải để sản xuất 38 – 40 tấn phân vi sinh. Mỗi tấn được bán với giá 2,5 triệu đồng (rẻ bằng một nửa so với giá phân vi sinh đang bán trên thị trường). Theo ông Quy, giá này giúp cho nhiều người dân mua được phân tốt để dùng và người đầu tư vẫn thu lợi nhuận.

    Không chỉ được triển khai tại Huế, với quyết tâm tạo ra sản phẩm thương mại tại nhiều tỉnh, thành; ông đã gom góp, vay mượn từ người thân gần 20 tỷ đồng xây nhà máy 10.000 tấn/năm trên huyện Lâm Hà (Lâm Đồng). Giấy phép lưu hành sản phẩm phân vi sinh đã có. Hiện nhà máy đã được đầu tư thiết bị sản xuất và đang chờ giấy phép để cơ sở hoạt động.

    Ông cho biết, với mô hình 100 tấn/ngày, đủ cho một huyện xử lý rác thải. Sau này mỗi huyện có một khu xử lý như vậy sẽ rất có lợi về môi trường, người dân khó khăn được tiếp cận với phân vi sinh giá rẻ (2.500 đồng/kg). Các loại phân đang bán trên thị trường tỉ lệ hữu cơ thấp nhưng đang bán giá từ 5.000 -10.000 đồng/kg. Phân vi sinh do GS Quy tạo ra giá rẻ và có tỷ lệ vi sinh cao, tác dụng tốt cho cây trồng và tạo mùn cho đất.

    Khi được hỏi sau thành công từ sáng chế này, ông có dự định nghiên cứu thêm về lĩnh vực nào, GS Quy cho biết, hiện ông đang đăng ký bảo hộ sáng chế tại Cục Sở hữu trí tuệ giải pháp sản xuất thuốc bảo vệ thực vật sinh học làm từ lá cây. Đây cũng là dự án ông rất tâm đắc và hi vọng nếu thành công sẽ được triển khai tại nhiều tỉnh, thành phố.

    Theo dangcongsan.vn (4/5/2019)

    Biến điều hòa không khí thành máy hút CO2

    0

    Các nhà khoa học tại Viện Công nghệ Karlsruhe (KIT) của Đức và trường Đại học Toronto của Canada vừa đưa ra một giải pháp bất ngờ, đó là biến chiếc điều hòa không khí thành thiết bị hút CO2, chống lại biến đổi khí hậu.

    Điều hòa không khí, một thiết bị điện dân dụng mà đại đa số gia đình nào cũng có bởi nó rất cần thiết đối với cuộc sống ngày nay. Tuy là một thiết bị thông dụng nhưng điều hòa lại là một trong những nguyên nhân gây ra hiện tượng nóng lên của Trái đất và biến đổi khí hậu.

    Truy tìm thủ phạm khiến Trái đất nóng lên

    Mới đây, đại diện của Liên hợp quốc, Thư ký Điều hành Công ước khung về biến đổi khí hậu của Liên hợp quốc, bà Patricia Espinosa đã đưa ra lời cảnh báo nếu không nỗ lực hơn nữa và thực hiện mọi biện pháp ngăn chặn biến đổi khí hậu thì nhân loại sắp phải đối mặt với thảm họa trong tương lai. Bà Espinosa cũng hối thúc các nhà lãnh đạo các quốc gia trên thế giới rằng, sẽ không có lựa chọn nào khác cho chúng ta ngoài việc đẩy nhanh, mở rộng quy mô các hoạt động nhằm đối phó với hiện tượng nóng lên toàn cầu và biến đổi khí hậu.

    Quay lại với nghiên cứu của các nhà khoa học Đức và Canada, họ cho biết trước đây đã có nhiều công trình nghiên cứu đã chỉ ra rằng, điều hòa không khí là một trong những thủ phạm chính gây ra hiện tượng nóng lên của Trái đất. Sở dĩ mà các nhà khoa học nhận định điều hòa chính là nguyên nhân góp phần làm gia tăng hiệu ứng nhà kính và hiện tượng nóng lên toàn cầu bởi trong điều hòa không khí có chất hydrofluorocarbons (HFC), một hợp chất hữu cơ có chứa nguyên tử hydro và flo, có ứng dụng cho việc làm lạnh, mát không khí. Loại khí này được cho là “an toàn” với tầng ozone, tiết kiệm năng lượng, giảm chi phí, nhưng nó lại có tính độc hại gấp hơn 1.000 lần so với CO2.


    Điều hòa là một trong những nguyên nhân góp phần gây nên biến đổi khí hậu.

    Bên cạnh đó, nhiệt tỏa ra từ các cục nóng của điều hòa cũng khiến cho bầu không khí của Trái đất ngày càng nóng lên và thêm ngột ngạt do lớp khí CO2 bị chặn ở tầng trên của Trái đất, ngăn không cho nhiệt tỏa ra ngoài. Theo phản ứng dây chuyền thì thời tiết càng nóng và khắc nghiệt, nhà nhà dùng điều hòa sẽ tỏa ra một lượng nhiệt khổng lồ chưa từng có. Và đặc biệt đối với những nơi có khí hậu nóng và khô thì điều này quả thực là địa ngục bởi nó không chỉ ảnh hưởng tới sức khỏe, môi trường mà còn kéo theo nhiều hệ lụy phía sau.

    Cải tiến điều hòa, giải cứu thế giới

    “Hãy tưởng tượng, nếu hệ thống điều hòa không khí chạy bằng điện trong nhà, căn hộ, hoặc văn phòng làm việc của bạn. Bên cạnh các chức năng làm mát, sưởi ấm, nó còn có thể dùng để hút khí CO2 và nước từ không khí.

    Ví dụ, chúng ta có thể lấy được nước và khí CO2, rồi sau đó chuyển đổi thành nhiên liệu hydrocarbon tái tạo bằng công nghệ hiện có, từ đó sẽ tạo ra một nguồn năng lượng rất quan trọng”, Ronald Dittmeyer, kỹ sư tại Viện Công nghệ KIT, tác giả chính của nghiên cứu chia sẻ. Từ đó, ý tưởng cải tiến chiếc điều hòa không khí, biến nó thành thiết bị hấp thụ khí nhà kính đã được triển khai thực nghiệm.

    “Chúng tôi muốn phối hợp giữa công nghệ thông gió với điều hòa không khí một chiều và công nghệ năng lượng với việc sưởi ấm để giảm chi phí và việc tiêu hao năng lượng trong quá trình hoạt động của điều hòa”, Dittmeyer nói. Khi không khí đi qua điều hòa, một bộ lọc đã được tích hợp trong điều hòa có thể thu được tất cả lượng khí CO2 thổi vào bên trong, qua đó hạn chế được lượng khí thải trong khí quyển. Ngoài ra, nguồn CO2 này còn được trưng dụng để sản xuất nhiên liệu.

    Tuy nhiên, trở ngại lớn nhất hiện nay đối với các nhà khoa học là lượng CO2 trong không khí gần mặt đất không nhiều, do đó để tận dụng tối đa việc thu hút khí CO2 của điều hòa trong tương lai thì cần xây dựng các bể chứa hydrocarbon khổng lồ. Nếu thực hiện được điều này thì việc cải tiến điều hòa của các nhà khoa học của Đức và Canada sẽ áp dụng được trên quy mô lớn, hy vọng sẽ đem lại nhiều thay đổi tích cực trên quy mô toàn cầu.

    Cơ quan Năng lượng quốc tế ước tính có khoảng 1,6 tỷ chiếc điều hòa trên Trái đất. Con số này dự kiến có thể tăng lên 5,6 tỷ chiếc vào năm 2050. Như vậy lượng khí thải nhà kính do điều hòa tỏa ra sẽ tăng từ 1,25 tỷ tấn lên 2,28 tỷ tấn vào giữa thế kỷ này.

    Theo Cand.com.vn (6/5/2019)

    Jakarta, Tp.HCM top đầu danh sách các thành phố sắp chìm trong nước

    Việc Indonesia quyết định dời đô vì kẹt xe và ngập lụt nhắc nhở một thực tế rằng có hàng ngàn đô thị khác trên thế giới đang hoặc sắp chịu chung số phận trong tương lai gần.

    Đại đô thị Jakarta là thành phố lớn thứ hai thế giới, dân số lên đến 30 triệu người. Trong 30 năm qua, mực nước biển xung quanh Jakarta đã dâng lên 3m (bao gồm nước biển dâng và sự sụt lún), biến nó trở thành đô thị chìm nhanh nhất thế giới.

    Tại nhiều khu vực trong thành phố, đất sụt lún với tốc độ kinh hoàng lên đến 10cm mỗi năm (tức 1m trong 10 năm). Tình trạng ngập nước không xa lạ gì với Jakarta nhưng những gì xấu nhất vẫn còn ở phía trước, theo cảnh báo của giới nghiên cứu.

    Có 13 con sông chảy xuống từ các vùng núi của Indonesia xuyên qua Jakarta. Trong lúc thành phố chìm dần, người ta lại xây lên những bức tường cao dọc hai bên bờ để ngăn nước tràn vào thành phố. Thực tế chúng khá là mong manh.


    Trong tương lai không xa, Jakarta sẽ trở thành một thành phố dưới nước – Ảnh: REUTERS

    Jakarta có một số đặc thù riêng. Hầu hết nhà cửa trong thành phố không kết nối với hệ thống cấp nước, do đó người dân buộc phải dùng nước giếng. Khai thác nước ngầm ào ạt là nguyên nhân chủ yếu khiến đất lún.

    Các đây 100 năm, thủ đô Tokyo của Nhật Bản cũng ở vào tình thế tương tự. Bơm nước ngầm khiến tốc độ chìm của thành phố còn nhanh hơn Jakarta bây giờ.

    Sau Thế chiến thứ hai, chính quyền Tokyo quyết liệt cấm khai thác nước ngầm và thậm chí còn bơm thêm nước vào lòng đất. Kết quả rất thành công: Tokyo bây giờ không còn lún nữa.

    Trở lại Jakarta, chính phủ Indonesia nhấn mạnh dời đô không có nghĩa là Jakarta bị bỏ hoang, họ muốn biến nó thành trung tâm tài chính như New York ở Mỹ. Tuy nhiên, với một tâm trạng bi quan, thị trưởng Jakarta Anies Baswedan không cho rằng đó là giải pháp.

    Trước hết, tình trạng kẹt xe ở Jakarta là do phương tiện cá nhân (chủ yếu ôtô) gây ra, không phải do vài chiếc xe của các bộ ngành chính phủ – ông Baswedan chỉ ra.

    Thứ hai, dù có tính cách nào đi nữa, một thành phố chìm dưới nước không phải là tương lai dành cho bất cứ ai, cả người dân lẫn chính phủ. Dời thủ đô sẽ không giúp gì được cho những ai không có chỗ để đi.

    Và trong khi chờ các giải pháp được triển khai, các chuyên gia cảnh báo bất cứ sự cố vỡ đê hoặc thiên tai lớn cũng có thể dẫn đến một thảm họa nhân đạo ở Jakarta như hồi năm 2007, thương vong có thể lên đến hàng trăm ngàn người.

    TP.HCM nằm trong top 10 thành phố bị nước biển đe dọa

    Theo đánh giá của nhiều chuyên gia và tổ chức, trong đó có Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF), có khoảng 4.000 đô thị lớn ven biển (dân số trên 150.000 người) trên khắp thế giới đang bị đe dọa bởi nước biển dâng, trong đó 10 thành phố nguy cấp nhất bao gồm:

    1. Jakarta, Indonesia

    2. Manila, Philippines

    3. TP.HCM, Việt Nam

    4. New Orleans, Louisiana, Mỹ

    5. Bangkok, Thái Lan

    6. Osaka, Nhật Bản

    7. Dhaka, Bangladesh

    8. Thượng Hải, Trung Quốc

    9. Venice, Ý

    10. Alexandria, Ai Cập

    Theo Tuoitre.vn (7/5/2019)

    WHO khuyến cáo cấm trẻ dưới 2 tuổi tiếp xúc với màn hình điện tử

    Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đang tiến hành một cách kiên quyết việc cấm cho trẻ nhỏ xem TV hoặc chơi điện thoại thông minh, đồng thời thúc đẩy các bậc cha mẹ giúp con cái họ vận động nhiều và ngủ đủ giấc.

    Tuần vừa qua, WHO đã đưa ra các khuyến nghị về thời lượng hoạt động thể chất và ngủ đối với trẻ dưới năm tuổi để có sức khỏe tốt nhất. Trong đó, WHO đặc biệt nhấn mạnh giới hạn nghiêm ngặt về thời lượng tiếp xúc với màn hình điện tử, đặc biệt là đối với trẻ dưới hai tuổi. WHO nói, nên cho trẻ dưới hai tuổi tránh hoàn toàn việc tiếp xúc với màn hình điện tử, và trẻ em từ hai đến năm tuổi có thể tiếp xúc tối đa một giờ mỗi ngày.

    WHO cho biết: “Cải thiện hoạt động thể chất và đảm bảo chất lượng giấc ngủ ở trẻ nhỏ sẽ giúp cải thiện sức khỏe thể chất, tinh thần, giúp ngăn ngừa béo phì, phòng ngừa bệnh không lây truyền và các bệnh liên quan sau này trong đời sống của trẻ.”

    Theo WHO trẻ dưới hai tuổi tránh hoàn toàn việc tiếp xúc với màn hình điện tử, và trẻ em từ hai đến năm tuổi có thể tiếp xúc tối đa một giờ mỗi ngày.

    Các hướng dẫn về thời gian sử dụng điện tử ở trẻ nhỏ của WHO chặt chẽ hơn so với các hướng dẫn mà chúng ta đã thấy từ các tổ chức y tế công cộng khác. Ví dụ, trong năm 2016, Học viện Nhi khoa Hoa Kỳ khuyến cáo rằng trẻ em dưới 18 tháng tuổi hoàn toàn không được tiếp xúc với màn hình điện tử, trong khi trẻ em từ hai đến năm tuổi có thể tiếp xúc đến hai giờ mỗi ngày.

    Ngoài ra, hướng suy nghĩ của WHO cũng đã thay đổi so với hướng dẫn năm 2016 này. Học viện Nhi khoa Hoa Kỳ chú trọng vấn đề nội dung những gì trẻ em xem được (như tài liệu giáo dục hay phim hoạt hình bạo lực). Trong khi đó WHO chú trọng thời lượng tiếp xúc với màn hình điện tử.

    Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu cho biết, ngay cả các khuyến cáo mềm lỏng hơn của Học viện Nhi khoa Hoa Kỳ cũng có khuyết điểm. Họ chưa tìm được mối liên hệ rõ ràng nào giữa thời gian tiếp xúc với màn hình điện tử và các vấn đề sức khỏe tâm thần như trầm cảm, lo âu và mất ngủ.

    Về phần mình, WHO cho rằng các hướng dẫn của mình hướng tới đảm bảo trẻ nhỏ phát triển các thói quen lành mạnh càng sớm càng tốt. Ví dụ, trong bất kỳ khoảng thời gian ít vận động nào của trẻ, trẻ chỉ được xem TV, điện thoại không quá một giờ mỗi lần; và trẻ nên được bố mẹ đọc truyện cho. Đối với giấc ngủ, WHO khuyên rằng trẻ em từ một đến hai tuổi ngủ từ 11 đến 14 giờ một đêm; trẻ từ ba đến bốn tuổi ngủ từ 10 đến 13 giờ một đêm. Trẻ em trên một tuổi cũng nên có 180 phút hoạt động thể chất mỗi ngày, và với trẻ trên ba tuổi cần ít nhất một giờ tập thể dục với cường độ cao mỗi ngày.

    Tóm lại, ta cần tạo môi trường vui chơi cho trẻ em. Đó cũng là kế hoạch phòng ngừa bệnh béo phì ở trẻ em của WHO.

    Theo Trí thức trẻ/tapchicongthuong.vn

    Thiếu nước: Chạy đua lọc nước biển thành nước ngọt

    Trước viễn cảnh không còn đủ nước để uống, các nhà khoa học đã nhắm đến giải pháp biến nước biển thành nước ngọt dù công nghệ này còn đắt tiền.

    Với hiện tượng biến đổi khí hậu, lượng mưa ngày càng ít và khô hạn kéo dài hơn, tình hình thiếu nước trở nên gay gắt.

    “Hiện thời tưới nước cho bãi cỏ của bạn không phải là ý tưởng tốt. Đừng lãng phí nước quý giá. Có nguy cơ thiếu nước lịch sử”. Nước Bỉ đang lên tiếng cảnh báo tình hình thiếu nước nghiêm trọng.

    Mùa đông vừa qua mưa ít hơn năm trước, không đủ bù đắp nguồn nước vốn đã thiếu hụt sau đợt khô hạn năm ngoái. Giáo sư Patrick Willems ở Đại học KU Leuven (Bỉ) tặc lưỡi nhận xét: “Chúng tôi chưa từng thấy chuyện này trong mấy chục năm qua”.


    Nhà nghiên cứu Marjolein Vanoppen thử nghiệm lọc nước biển trong phòng thí nghiệm – Ảnh: natuurenbos.be

    Sử dụng công nghệ màng lọc

    Tại tỉnh nông nghiệp West-Vlaanderen (miền tây nước Bỉ), tỉnh trưởng Carl Decaluwé tuyên bố nếu trời mưa không cung cấp đủ nước, còn một chỗ có thể lấy nước là biển.

    Tỉnh đang thực hiện dự án thí điểm lọc nước biển lấy nước ngọt. Các nhà khoa học ở Đại học Ghent đã nghiên cứu và nhận thấy có thể thực hiện dự án nhưng với chi phí khá đắt.

    Kỹ sư sinh học Marjolein Vanoppen nhận xét: “Điều này không thể tránh khỏi vì khô hạn sẽ xảy ra thường xuyên hơn”.

    Bà giải thích: “Từ thời Trung cổ người ta đã dùng kỹ thuật chưng cất để tách muối khỏi nước biển. Hơi nước thu được dùng để uống. Cách này tốn nhiều năng lượng. Muốn sản xuất 1.000 lít nước ngọt từ 2.000 lít nước biển cần từ 15-30 kWh điện.

    Cứ thử so sánh, một người dân Bỉ chỉ dùng bình quân 2-4 kWh mỗi ngày thì mức tiêu thụ điện trên lớn đến mức nào”.

    Bà đã nghiên cứu một giải pháp đỡ tốn điện hơn là công nghệ màng (membrane technology) dựa trên thẩm thấu ngược. Màng bán thấm có các lỗ nhỏ giữ lại các phân tử muối. Nếu sử dụng máy bơm cực mạnh, có thể thu được 500 lít nước ngọt từ 1.000 lít nước biển.

    Các nước Trung Đông đang thu hoạch lượng nước khổng lồ bằng phương pháp trên. Tại châu Âu, Tây Ban Nha và Cyprus đi tiên phong trong lĩnh vực này. Úc cũng mới xây dựng một trong những nhà máy khử mặn lớn nhất thế giới.

    Lọc nước biển với ánh nắng mặt trời

    Tuy vậy, so với bơm và lọc nước sông, nước giếng thì lọc nước biển thành nước ngọt tốn năng lượng hơn nhiều. Các kỹ sư của Đại học Bách khoa Torino (Ý) đã thử nghiệm một công nghệ mới có chi phí rẻ hơn vì sử dụng năng lượng mặt trời.

    Nguyên lý vận hành rất đơn giản, bắt chước nguyên lý cây đưa nước từ rễ lên lá qua hiện tượng mao dẫn và thoát hơi nước. Thiết bị nổi lấy nước biển được làm bằng xốp rẻ tiền. Nước biển nóng lên nhờ năng lượng mặt trời sẽ giúp tách muối khỏi nước biển.

    Với lượng năng lượng mặt trời cố định, công nghệ mới có thể sản xuất lượng nước gấp đôi.

    Công nghệ khử mặn thông thường cần các linh kiện cơ hoặc điện đắt tiền như ống bơm, hệ thống điều khiển và kỹ thuật viên lắp ráp, bảo trì. Công nghệ mới dựa trên quá trình tự phát và không cần máy móc trợ giúp.

    Năng suất đạt được tối thiểu 20 lít nước uống mỗi ngày trên 1m2 tiếp xúc với ánh nắng. Thiết bị ít tốn kém, dễ lắp đặt, dễ sửa chữa, thích hợp với các địa phương ven biển thường xuyên thiếu nước, thiếu cơ sở hạ tầng và vốn đầu tư.

    Theo Tuoitre.vn (30/4/2019)

    Thủ tướng gửi thư kêu gọi chung tay giải quyết rác thải nhựa

    Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vừa có thư kêu gọi hành động vì một “Việt Nam với môi trường sống trong lành, an toàn và phát triển bền vững, giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường do rác thải nhựa gây ra”.

    Trong thư Thủ tướng nêu rõ: Hiện nay rác thải nhựa là vấn đề nhức nhối trên toàn cầu, mỗi năm lượng rác nhựa do con người thải ra đủ để phủ kín bốn lần diện tích bề mặt Trái Đất, trong đó 13 triệu tấn rác nhựa trôi nổi, đổ ra đại dương.

    Rác thải nhựa đang hàng ngày, hàng giờ tác động tiêu cực đến hệ sinh thái, môi trường sống, sức khoẻ con người và sự bền vững của mỗi quốc gia.

    Ở Việt Nam lượng tác thải nhựa cũng ngày càng gia tăng. Nếu chúng ta không có giải pháp hữu hiệu, kịp thời thì những tác động tiêu cực của rác thải nhựa sẽ trở nên rất nghiêm trọng.

    Rác thải nhựa để vương vãi khắp nơi ở làng Triều Khúc, Tân Triều, Thanh Trì. Ảnh Mạnh Khánh-TTXVN

    Năm 2018 Liên hợp quốc đã phát động chủ đề “Giải quyết ô nhiễm nhựa và ni lông” và tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới năm 2019 nguyên thủ các nước, lãnh đạo các tập đoàn đa quốc gia đã mạnh mẽ cam kết về việc chống rác thải nhựa.

    Nhiều quốc gia đã có những hành động cụ thể để giảm thiểu và cấm sử dụng một số sản phẩm nhựa không thân thiện môi trường, đồng thời tăng tái sử dụng, tái chế chất thải nhựa.

    Tại nhiều diễn đàn quốc tế Việt Nam đã đề xuất các sáng kiến và tham gia cơ chế hợp tác toàn cầu, khu vực để giải quyết rác thải nhựa.

    Chính phủ đang quyết liệt thực hiện các chính sách và giải pháp kiểm soát hiệu quả ô nhiễm môi trường do rác thải nhựa, nhất là sản phẩm nhựa dùng một lần và túi ni lông khó phân huỷ; chú trọng giảm thiểu việc sử dụng, tăng cường tái chế, tái sử dụng, thúc đẩy xây dựng nền kinh tế tuần hoàn, tăng trưởng xanh.

    Thủ tướng đánh giá cao một số địa phương, doanh nghiệp đã có những mô hình, sáng kiến, hành động thiết thực để giải quyết rác thải nhựa. Tuy nhiên, kết quả chưa được phát huy và lan tỏa sâu, rộng trong cả nước.

    Thủ tướng cho rằng giải quyết ô nhiễm môi trường do rác thải nhựa gây ra là nhiệm vụ cấp bách, đòi hỏi phải thực hiện thường xuyên, có sự tham gia của nhiều cấp, nhiều ngành và của toàn xã hội.

    Thủ tướng kêu gọi mọi người dân Việt Nam hãy chung tay hành động giải quyết vấn đề rác thải nhựa.

    Từng cơ quan, đơn vị trong cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân cần làm tốt cồng tác thông tin tuyên truyền, đề cao tinh thần trách nhiệm, phát động các phong trào, xây dựng nhân rộng các mô hình, đề xuất các sáng kiến và tích cực tham gia bằng các hành động cụ thể như: thay đổi thói quen sử dụng, giảm thiểu, phân loại, thu gom, tái sử dụng, tái chế rác thải nhựa; tăng cường sử dụng các sản phẩm thân thiện với môi trường; khuyến khích sử dụng bao bì, túi đựng nhiều lần; kịp thời biểu dương, tôn vinh, khen thưởng các điển hình tiên tiến, mô hình tốt, cách làm hay, sáng kiến có giá trị.

    “Mỗi cán bộ, đảng viên cần gương mẫu đi đầu và vận động thực hiện các biện pháp giải quyết vấn đề rác thải nhựa. Các bộ, ngành và địa phương tiếp tục xây dựng, hoàn thiện các cơ chế, chính sách pháp luật nhằm giải quyết đồng bộ, hiệu quả vấn đề rác thải nhựa”, Thủ tướng kêu gọi.

    Thủ tướng đề nghị ngay bây giờ chúng ta hãy chung tay hành động vì một Việt Nam với môi trường sống trong lành, an toàn và phát triển bền vững, góp phần cùng cộng đồng quốc tế, giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường do rác thải nhựa gây ra.

    Theo Vnanet.vn (3/5/2019)