25 C
Hanoi
Thứ tư, Tháng mười một 20, 2024
More
    Home Blog Page 352

    Tiếp tục xả rác, con người sẽ thiếu oxy để thở

    Bạn có biết rằng 10% lượng oxy mà chúng ta hít vào được một loài vi khuẩn trong đại dương sản xuất? Rác thải ra biển sẽ làm biến mất loài vi khuẩn này. Thế nên, nếu muốn có khí oxy để thở, hãy ngừng xả rác ra đại dương.

    Đây là một tuyên bố, cũng là lời cảnh báo mà các nhà nghiên cứu thuộc Đại học Macquarie (Úc) mới đưa ra trên tạp chí Communications Biology.

    Các nhà nghiên cứu kiểm tra tác động của nhựa đối với một loại vi khuẩn biển quang hợp có tên là Prochlorococcus và nhận ra rằng rác thải nhựa khiến gen không hoạt động theo cách thông thường để tạo ra protein cần thiết. Loài vi khuẩn này sẽ chậm phát triển và giảm chức năng sản sinh oxy.

    Những vi khuẩn nhỏ bé này là mắt xích quan trọng đối với mạng lưới thức ăn biển, góp phần vào chu trình carbon và được cho là chịu trách nhiệm tới 10% tổng sản lượng oxy toàn cầu.

    Rác thải mà con người ném ra đại dương không chỉ ảnh hưởng đến sinh vật lớn mà còn gây hại cho vi khuẩn sản sinh oxy, giúp chúng ta hô hấp và tồn tại – Ảnh: METRO

    “Cứ 10 nhịp thở bạn hít khí oxy vào phổi là nhờ những sinh vật nhỏ bé này. Nhưng từ trước đến nay, chúng ta chỉ chú ý đến tác hại của rác nhựa đối với các loài sinh vật lớn như cá, tôm, san hô mà quên mất nó”, nhà nghiên cứu Lisa Moore cho biết.

    Đây thực sự là một mối đe dọa lớn. Ước tính mỗi năm có tới 12,7 triệu tấn rác nhựa thải vào đại dương, gây hại cho gần 200 loài sinh vật biển, bao gồm cả động vật có vú, chim, cá và động vật không xương sống. Con số này không ngừng tăng lên mỗi năm. Đến năm 2050, rác nhựa sẽ nhiều hơn cá.

    Sức khỏe con người cũng bị ảnh hưởng khi tiêu thụ hải sản bị nhiễm các hóa chất độc hại này. Một báo cáo của Tổ chức Động thực vật thế giới (FFI) từng cho thấy rõ tác động của ô nhiễm nhựa đối với tỉ lệ tử vong của con người. Theo đó, cứ mỗi 30 giây lại có một người ở các nước đang phát triển tử vong do hậu quả của ô nhiễm chất thải.

    “Nghiên cứu mới này cho thấy không phải chúng ta chỉ ảnh hưởng khi ăn hải sản, mà việc hít thở cũng sẽ trở nên khó khăn hơn. Chúng ta có thể ăn kiêng, có thể bỏ không ăn hải sản, nhưng không thể sống mà không có oxy”, Sasha Tetu – thành viên nhóm nghiên cứu nói.

    Chúng ta có thể làm gì?

    Tổ chức bảo tồn thiên nhiên thế giới (WWF) gợi ý 10 cách để giảm rác thải nhựa mà ai cũng có thể làm:

    1. Sử dụng cốc cà phê có thể tái chế.

    2. Mang theo một chai nước có thể tái sử dụng mỗi khi đi biển. Chai nhựa dùng một lần là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây ô nhiễm nhựa trên các bãi biển và chim biển thường chết vì ăn nắp của chúng.

    3. Không sử dụng dao, kéo nhựa. Trung bình một người vứt bỏ 46 chiếc dao kéo nhựa dùng một lần mỗi năm.

    4. Không dùng ống hút nhựa. Phải mất tới 200 năm để một ống hút nhựa phân hủy hoàn toàn.

    5. Gói thực phẩm bằng lá, giấy thay cho nilông, hộp xốp.

    6. Không dùng túi trà lọc. Túi trà lọc khó phân hủy, chúng bị vứt ra biển và gây hại rất nhiều sinh vật ở đây.

    7. Không nhai và nhổ kẹo cao su trên biển. Kẹo cao su được làm từ nhựa một số loại quả, nhưng hiện nay chúng được làm từ polymer trên nền dầu mỏ thay cho nhựa cây.

    8. Ngừng sử dụng sơn nhũ kim tuyến và các đồ làm đẹp lấp lánh (glitter). Sinh vật phù du và động vật có vỏ sẽ lầm tưởng glitter là thức ăn và chết khi nuốt vào bụng.

    9. Mua sữa, nước trong chai thủy tinh thay vì hộp nhựa để có thể tái chế.

    10. Mua rượu trong chai có nút chai bằng gỗ thay vì nút nhựa hoặc nắp vặn. Nút nhựa và nắp vặn có chứa một hóa chất công nghiệp gọi là BPA, gây hại cho môi trường.

    Theo tinmoitruong.vn (28/5/2019)

    Nhà máy điện mặt trời đầu tiên được lắp đặt trên mặt hồ phát điện

    0

    Ngày 27/5, Công ty CP thủy điện Đa Nhim- Hàm Thuận- Đa Mi (DHD) đã đóng điện trạm Inverter B, nâng công suất phát điện của Nhà máy điện mặt trời Đa Mi lên lưới 38,2 MWp.

    Công ty CP thủy điện Đa Nhim- Hàm Thuận- Đa Mi (DHD) đã đóng điện trạm Inverter B, nâng công suất phát điện của Nhà máy điện mặt trời Đa Mi lên lưới 38,2 MWp. Ảnh: Ngọc Hà – TTXVN

    Ngày 27/5, tại khu vực hồ thủy điện Đa Mi (tỉnh Bình Thuận), Công ty CP thủy điện Đa Nhim- Hàm Thuận- Đa Mi (DHD) và các nhà thầu đã đóng điện trạm Inverter B, nâng công suất phát điện của Nhà máy điện mặt trời Đa Mi lên lưới 38,2 MWp.

    Trước đó, ngày 13/5, DHD đã đóng điện trạm Inverter A với công suất điện phát lên lưới là 20,5 MWp và đóng điện đường dây 110kV đồng bộ với nhà máy.


    Dự án Nhà máy điện mặt trời Đa Mi được xây dựng nổi tại hồ thủy điện Đa Mi. Ảnh: Ngọc Hà – TTXVN

    Dự án Nhà máy điện mặt trời Đa Mi được xây dựng nổi tại hồ thủy điện Đa Mi với công suất 47,5 MWp, sử dụng công nghệ tấm pin quang điện, với quy mô: 2 trạm inverter trung tâm và máy biến áp nâng áp trung thế 0,6/22kV; trong đó, trạm inverter A đặt trên bờ với công suất 17,5 MW, trạm inverter B đặt ngoài đảo nổi với công suất 25 MW; 1 trạm biến áp nâng áp 22/110kV, công suất 63 MVA cho toàn nhà máy; 1 đường dây 110kV mạch kép, dài khoảng 3,33 km từ trạm nâng áp 22/110kV của nhà máy điện mặt trời đến đấu nối chuyển tiếp đồng bộ vào đường dây 110kV Hàm Thuận – Đức Linh hiện có…

    Nhà máy điện mặt trời Đa Mi có tổng diện tích mặt bằng sử dụng 56,65 ha, không phải di dân tái định cư.

    Trong đó, diện tích mặt nước là 50 ha (thuộc quyền sử dụng đất của DHD) và tổng diện tích trên đất liền khoảng 6,65 ha; trong đó 0,77 ha thuộc DHD, còn lại 5,88 ha chủ yếu là đất nghèo trồng cây lâu năm của các hộ dân đã được đền bù theo quy định.

    Dự án Nhà máy điện mặt trời Đa Mi có tổng mức đầu tư khoảng 1.438,8 tỷ đồng (vốn đối ứng của DHD là 30%, còn lại là vốn vay thương mại); giá bán điện 9,35 UScent/kWh và thời gian hoàn vốn là 14,5 năm.

    Với công suất 47,5 MWp, năm đầu tiên vào vận hành, Nhà máy điện mặt trời Đa Mi bổ sung cho hệ thống điện quốc gia 69,9 triệu kWh.

    Nhà máy điện mặt trời tại hồ thủy điện Đa Mi, tỉnh Bình Thuận được xây dựng với mục tiêu bổ sung một nguồn năng lượng sạch vào hệ thống điện Quốc gia, đáp ứng cung cấp điện cho hệ thống điện nói chung và tỉnh Bình Thuận nói riêng.


    Các kỹ sư trong Nhà điều hành. Ảnh: Ngọc Hà – TTXVN

    Dự án điện mặt trời Đa Mi là một trong những dự án điện mặt trời đầu tiên tại Việt Nam được lắp đặt trên mặt hồ, góp phần tạo tiền đề, cơ sở để phát triển nguồn năng lượng sạch, phù hợp với định hướng phát triển nguồn điện của Chính phủ.

    Tháng 4/2019, mực nước tại hồ thủy điện Hàm Thuận- Đa Mi giảm xuống mực nước chết, nên sản lượng điện của các nhà máy thủy điện Hàm Thuận- Đa Mi đã giảm 80 triệu kWh so với cùng kỳ năm 2018.

    Dự báo, tháng 5/2019, mực nước tại các hồ này tiếp tục duy trì ở mức thấp, dẫn đến tiếp tục thiếu hụt sản lượng điện.

    Việc Nhà máy điện mặt trời Đa Mi đưa vào vận hành sớm hơn 33 ngày so với tiến độ đã góp phần bổ sung thiếu hụt sản lượng điện từ các nhà máy thủy điện Hàm Thuận- Đa Mi, đồng nghĩa với việc giảm phát điện bằng nguồn nhiên liệu dầu trong tình trạng công suất hệ thống điện Quốc gia tăng đột biến do nắng nóng.

    Theo TTXVN (27/5/2019)

    Kết nối mạng lưới tái chế nhựa

    Ngày 23/5/2019, tại TP. Hồ Chí Minh, Công ty TNHH MTV Môi trường Đô thị TP. Hồ Chí Minh phối hợp với Trường Đại học Công nghiệp TP. Hồ Chí Minh tổ chức Hội thảo Kết nối mạng lưới tái chế nhựa, với sự tham gia của các chuyên gia trong nước và quốc tế.

    Phát biểu tại Hội thảo, ông Bùi Trọng Hiếu, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty TNHH MTV Môi trường Đô thị TP. Hồ Chí Minh cho biết, hiện nay, chất thải nhựa và ô nhiễm chất thải nhựa đang là vấn nạn môi trường mang tính cấp thiết trên thế giới. Riêng tại TP. Hồ Chí Minh, chất thải nhựa chiếm khoảng 1.800 tấn trong tổng số 8.900 tấn chất thải rắn sinh hoạt thải ra mỗi ngày, trong đó chỉ có khoảng 200 tấn được tái chế, còn lại được xử lý chôn lấp cùng các loại chất thải rắn khác. Thời gian qua, TP đã nỗ lực thực hiện các giải pháp nhằm giảm thiểu ô nhiễm môi trường do chất thải nhựa với chiến lược biến rác thành tài nguyên; đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu và ứng dụng công nghệ tái chế chất thải nhựa vào thực tiễn. Tuy nhiên, một trong những giải pháp quan trọng là đẩy mạnh học hỏi kinh nghiệm và tham gia kết nối vào mạng lưới tái chế nhựa tại khu vực và thế giới.

    Đối với vấn đề kết nối mạng lưới tái chế nhựa, GS – TS Stefan Salhofer, Trường Đại học TN&MT Vienna của Áo cho biết, Chương trình ERASMUS+ của Liên minh châu Âu đã tài trợ thực hiện Dự án Mạng lưới tái chế nhựa Đông Nam Á – châu Âu, nhằm nâng cao năng lực đào tạo, giáo dục về tái chế nhựa ở Lào và Việt Nam. Dự án thực hiện từ tháng 10/2017 đến tháng 10/2020 với 10 thành viên gồm các trường đại học và đối tác công nghiệp chuyên ngành liên quan đến từ Lào, Việt Nam, Đan Mạch, Đức và Áo.

    Dự án tập trung tổ chức các khóa tập huấn cho doanh nghiệp, giảng viên, sinh viên về lĩnh vực tái chế nhựa; hỗ trợ quá trình tạo ra các sản phẩm nhựa và thay thế nhựa an toàn, thân thiện môi trường. Đến tháng 10/2020, Dự án hỗ trợ thành lập hai Trung tâm đào tạo và nghiên cứu về tái chế nhựa tại Trường Đại học Công nghiệp TP. Hồ Chí Minh và Đại học Quốc gia Lào.

    Các Tổng lãnh sự tại TP. Hồ Chí Minh tham gia tặng túi vải tái sử dụng cho tiểu thương và người đi chợ Bến Thành (Ảnh: Xuân Khu/TTXVN)

    Theo Phó Giáo sư – Tiến sỹ Lê Hùng Anh, Trường Đại học Công nghiệp TP. Hồ Chí Minh, để thực hiện vai trò thành viên của Dự án, trường sẽ tổ chức các khóa tập huấn về tái chế nhựa, đánh giá vi nhựa trong sản phẩm và môi trường, phân tích chất lượng sản phẩm nhựa theo tiêu chuẩn RoSH của châu Âu (tiêu chuẩn của châu Âu nhằm hạn chế nghiêm ngặt các thành phần độc hại như chì, thủy ngân… trong các thiết bị gia dụng, đồ chơi, thiết bị tiêu dùng), nhằm nâng cao ý thức của người sản xuất và nhận thức của người tiêu dùng cũng như các bên liên quan. Trong năm 2019, trường sẽ hỗ trợ các doanh nghiệp xét nghiệm miễn phí về đánh giá vi nhựa trong sản phẩm nước ăn uống và đánh giá an toàn sản phẩm nhựa theo tiêu chuẩn RoSH, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp đạt tiêu chuẩn xuất khẩu sản phẩm nhựa vào thị trường châu Âu.

    Phó Giáo sư – Tiến sỹ Lê Hùng Anh cho biết thêm, trên thế giới, chỉ khoảng 50%, khối lượng rác thải nhựa được xử lý, số còn lại được thải ra môi trường. Chất thải nhựa sau khi thải ra môi trường sẽ tạo thành các sợi vi nhựa, mảnh và màng vi nhựa theo nước ra sông, biển, làm ô nhiễm nước ở sông, suối, đại dương, nước ngầm, ô nhiễm không khí.

    Theo thống kê, Việt Nam xếp ở vị trí thứ tư về phát thải rác thải nhựa trên thế giới, sau Trung Quốc, Inđônêxia, Philippin. Khảo sát tại sông Sài Gòn cho thấy, có 172.000 – 519.000 sợi vi nhựa/m3 nước; 10 – 233 mảnh vi nhựa/m3 nước, qua đó có thể nhận định nguồn nước sông đang ở trong tình trạng ô nhiễm nhựa ở mức cao.

    Chia sẻ về vấn đề tái chế nhựa, GS – TS. Christina Dornark, Trường Đại học Công nghệ Dresden của Đức cho biết, tại Đức, trước khi tập trung vào giải pháp tái chế rác thải nhựa thì chúng tôi giảm thiểu tối đa việc sử dụng sản phẩm nhựa, nhất là các sản phẩm nhựa sử dụng một lần, thay thế bằng các sản phẩm tái sử dụng hoặc sản phẩm thân thiện với môi trường. Việc tái chế rác thải nhựa được các doanh nghiệp thực hiện bằng các giải pháp đảm bảo vấn đề môi trường, đảm bảo an toàn, chất lượng của sản phẩm tái chế.

    GS – TS. Christina Dornark cho rằng, Lào và Việt Nam cần đẩy mạnh thực hiện các giải pháp tái chế rác thải nhựa, có kế hoạch nhập khẩu sản phẩm nhựa phù hợp, hạn chế nhập khẩu các rác thải nhựa làm nguyên liệu; đồng thời phối hợp với các tổ chức quốc tế để có các giải pháp, thiết bị hiện đại thực hiện việc tái chế rác thải nhựa đảm bảo an toàn chất lượng và vệ sinh môi trường.

    Theo Hoàng Đàn/tapchimoitruong.vn (24/5/2019)

    Từ không tái chế đến không rác thải: Học cách xử lý rác của Slovenia

    15 năm trước, toàn bộ rác thải ở thủ đô Ljubljana của Slovenia đều được đem chôn. Nhưng tới năm 2025, ít nhất 75% rác thải tại đây sẽ được tái chế. Vậy bằng cách nào mà Ljubljana chuyển mình “xanh” đến vậy?

    Từ ngọn đồi xanh tươi tốt này, bạn có thể nhìn thấy Ljubljana phía xa. Nhiều đàn hươu, thỏ và rùa sống ở đây. Không khí sạch sẽ và dấu hiệu duy nhất cho chúng ta nhận biết rằng đang đứng bên trên bãi rác sâu 24 mét là những ống dẫn khí metan nhô lên khỏi đám cỏ.

    Ljubljana là thủ đô châu Âu đầu tiên cam kết không rác thải. Nhưng 15 năm trước, toàn bộ đồ bỏ đi ở thủ đô này đều bị chôn thẳng xuống đất. Bà Nina Sankovic tại công ty Voka Snaga xử lý rác thải thành phố nhận xét: “Điều đó thật tốn kém. Cách làm này tốn diện tích và bạn đang ném đi những nguồn tài nguyên”. Vì thế, thành phố này quyết định thay đổi.

    Theo Guardian, chiến dịch “xanh” của Ljubljana bắt đầu năm 2002 bằng việc đặt thùng chứa dọc đường, phân chia thành từng loại rác riêng như giấy, thủy tinh, bao bì.

    Bốn năm sau, chính quyền thành phố triển khai thu gom rải thác phân hủy sinh học đến tận cửa mỗi nhà. Thu gom rác sinh học riêng biệt sẽ trở thành yếu tố bắt buộc ở khắp châu Âu vào năm 2023, nhưng Ljubljana đã đi trước gần hai thập kỷ.


    Rác thải được đưa vào máy cắt vụn tại nhà máy xử lý rác sinh học tại Ljubljana. Ảnh: Guardian

    Năm 2013, mọi cửa ra vào trong thành phố đều được trang bị thùng rác đựng bao bì và giấy báo riêng. Và, gây tranh cãi nhất, lịch thu gom rác bị cắt một nửa, buộc người dân phải phân loại rác thải của họ hiệu quả hơn nữa.

    Kết quả thu được rất ấn tượng. Năm 2008, Ljubljana mới chỉ tái chế được 29,3% rác thải và đứng sau các nước châu Âu. Ở thời điểm hiện tại, con số này là 68%. Gần 80% rác thải không còn bị chôn dưới đất nữa, đưa thủ đô Slovenia dẫn đầu bảng xếp hạng tái chế giữa những thủ đô ở châu Âu.

    Hiện nay, thủ đô Ljubljana chỉ còn thải ra 115kg rác phế phẩm (sau khi tái chế và phân hủy) trên đầu người mỗi năm. Thành phố Treviso ở Italy giữ kỷ lục 59kg rác phế phẩm trên đầu người.

    Sự phát triển của nhà máy hiện đại nhất khu vực để xử lý rác thải sinh học đã đóng vai trò quan trọng giúp Ljubljana đạt được cam kết tái chế tối thiểu 75% rác thải vào năm 2025.

    Trung tâm khu vực quản lý rác thải (RCERO) đi vào vận hành năm 2015 và đang xử lý gần 1/4 rác trên toàn Slovenia, sử dụng khí ga tự nhiên tạo ra nhiệt và điện để tự vận hành. RCERO xử lý 95% rác phế phẩm thành vật liệu tái chế được và nhiên liệu rắn, chưa đầy 5% còn lại đem đi chôn. Nó thậm chí còn biến rác sinh học thành phân bón chất lượng cao.


    Bên trong nhà máy RCERO – nơi phân loại rác sinh học và rác phế phẩm thành 4 loại. Ảnh: Guardian

    Tuy nhiên, cuộc cách mạng “xanh” ở đây không chỉ riêng về cách xử lý rác. Hạn chế rác thải, tái sử dụng và tái chế mới là yếu tố hàng đầu. Bên cạnh thu gom rác tận nhà, Ljubljana còn mở hai trung tâm tái chế rác thải hộ gia đình – nơi người dân có thể đem bỏ đồ thừa. Một nhà máy gần RCERO rất nổi tiếng, với trên 1.000 lượt người đến mỗi ngày. Thành phố này đang dự định xây thêm ít nhất 3 trung tâm như vậy, cùng với 10 cơ sở nhỏ hơn tại các khu vực đông dân cư.

    Ông Henrik, một người dân đem rác đến trung tâm, chia sẻ: “Tôi không còn nhớ đến quãng thời gian chúng tôi chưa phân loại rác ra sao. Tôi biết chính xác từng thùng chứa loại rác cụ thể đặt ở đâu nên tôi đóng gói rác theo thứ tự đó”.


    4 loại rác sau khi được phân loại. Ảnh: Ảnh: Guardian

    Những đồ vật không bị hư hỏng sẽ được tái sử dụng. Chúng được kiểm tra lại, lau rửa sạch sẽ rồi bán với giá rẻ. Mỗi tuần nơi đây tổ chức lại một buổi hướng dẫn người dân sửa chữa đồ đạc bị hỏng trong gia đình.

    Cửa hàng không rác thải đang là một xu hướng mới tại Ljubljana và công ty Voka Snaga đang triển khai hệ thống máy bán các mặt hàng gia dụng cơ bản tự động mà không cần bao bì đóng gói. Một sáng kiến khác nữa là toàn bộ các trụ sở công quyền trong thành phố đều sử dụng giấy vệ sinh được tái chế từ vỏ hộp sữa và nước hoa quả.


    Máy bán hàng thiết yếu không sử dụng bao bì đóng gói, người dân sử dụng chai thủy tinh hoặc nhựa tái chế để đựng. Ảnh: Guardian

    Ở trung tâm thành phố, cư dân vứt bỏ rác thải gia đình vào từng thùng riêng, sử dụng thẻ quẹt để mở nắp. Ảnh: Guardian

    Ở trung tâm thành phố, nơi không gian bị hạn chế, Voka Snaga lắp đặt 67 thùng rác ngầm dưới đất. Thùng chứa sẽ mở ra khi cư dân quẹt thẻ. Mặc dù chật kín du khách, trung tâm thủ đô Ljubljana vẫn luôn sạch sẽ. Nhân viên vệ sinh đi bộ để dọn rác, trong khi xe quét đường sử dụng nước mưa hứng từ nóc của công ty Voka Snaga cùng với chất tẩy rửa sinh học. Hầu hết mọi ngõ ngách đều có thùng phân loại rác.

    Tuy vậy, Ljubljana vẫn phải đối mặt với những thách thức trong vấn đề rác thải. Không chỉ các tòa nhà chung cư, nơi rất khó xác định người nào xử lý chất thải không đúng quy trình, mà còn là thói quen thắp nến tại nghĩa trang. Slovenia đứng thứ ba thế giới về việc sử dụng nến.


    Vỏ nhựa đựng nến chất đống chờ xử lý tại RCERO. Ảnh: Guardian

    Theo baotintuc.vn (25/5/2019)

    Startup làm giấy từ đá vôi đặt mục tiêu doanh thu 9 tỉ đô la

    Sản xuất giấy từ đá vôi không chỉ là ý tưởng đột phá vì giúp tiết kiệm nước mà còn giúp tận dụng nguồn tài nguyên khoáng chất Cacbonat canxi (CaCO3) có sẵn ở bất cứ đâu trên trái đất.

    TBM, công ty khởi nghiệp (startup) có trụ sở ở Tokyo (Nhật Bản), nổi tiếng với công nghệ biến đá vôi thành danh thiếp, giấy bìa và hộp đựng thực phẩm, bản đồ…, đang lên kế hoạch cho vòng gọi vốn mới để có nguồn tài chính giúp mở rộng kinh doanh ở nước ngoài trước khi tiến hành bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) trong vòng hai năm tới.

    Ngân hàng Goldman Sachs, Tập đoàn thương mại Itochu Corp và Công ty in lớn nhất Nhật Bản Toppan Printing đã đầu tư vào TBM. Cho đến nay, TBM đã huy động được 4,7 tỉ yen trong hai vòng gọi vốn gần nhất.


    Nobuyoshi Yamasak, người sáng lập kiêm Giám đốc điều hành TBM, cầm một mẩu đá vôi tại văn phòng của công ty ông ở Tokyo. Ảnh: Bloomberg.

    Giám đốc điều hành TBM Nobuyoshi Yamasaki nói công ty đang đặt mục tiêu huy động thêm vài tỉ yen nữa. Mục đích là để thành lập các đối tác liên doanh ở nước ngoài trước khi tiến hành IPO.

    “Vòng gọi vốn tiếp theo của chúng tôi là nhằm mở rộng sự hiện diện ở nước ngoài trên phương diện sản lượng lẫn doanh thu. Chúng tôi muốn mở rộng quyết liệt ở nước ngoài và để thực hiện kế hoạch này, chúng tôi cần nguồn lực tài chính để tuyển dụng thêm nhân sự”, ông nói.

    Yamasaki cho biết công ty TBM được định giá 56,3 tỉ yen trong vòng gọi vốn mới đây. Dù TBM không tiết lộ doanh thu của năm ngoái, Yamasaki tự tin doanh thu sẽ tăng trưởng ít nhất gấp năm lần trong năm tới. Gần đây, công ty đã giành được hợp đồng cung cấp sản phẩm giấy đá vôi limex cho chuỗi nhà hàng Yoshinoya để in thực đơn. Một nhà máy mới của TBM ở gần TP. Sendai, thủ phủ của tỉnh Miyagi, sẽ đi vào vận hành vào năm 2020 để sản xuất 30.000 tấn sản phẩm limex mỗi năm.

    Vào thời gian ban đầu sau khi thành lập, TBM chủ yếu bán giấy đá vôi limex để làm danh thiếp vì nó không thấm nước, có độ dai cứng nên rất khó để xé rách hay bẻ cong. Tính chất này của giấy đá vôi limex cũng giúp nó trở thành sự lựa chọn lý tưởng để in các cuốn thực đơn, giúp các nhà hàng không cần phải thường xuyên thay thế chúng.

    Hơn 400 nhà hàng sushi trên khắp Nhật Bản của công ty Sushiro Global Holdings đã sử dụng giấy đá vôi limex để in các cuốn thực đơn. Giấy đá vôi có thể tái chế để sản xuất các sản phẩm giấy trở lại hoặc các vật dụng có độ bền cao hơn như cặp giấy, chén dĩa.

    Một nhược điểm của giấy đá vôi limex là nó vẫn còn đắt hơn một chút so với giấy thông thường nhưng khoản đầu tư gần đây của Goldman Sachs sẽ giúp tăng khả năng cạnh tranh của loại giấy này trên thị trường.


    Danh thiếp, giấy bìa và hộp đựng thực phẩm làm bằng giấy đá vôi limex của TBM. Ảnh: Bloomberg.

    Mặc dù nó không lý tưởng để sản xuất tạp chí hoặc sách vì có trọng lượng nặng, công ty TMB đang nghiên cứu cách để có thể sử dụng giấy limex sản xuất các văn phòng phẩm và vật dụng hàng ngày khác.

    Một đặc điểm quan trọng của giấy đá vôi limex là nó có thể được sản xuất mà không cần nước. Trong khi đó, phải mất 100 tấn nước để sản xuất một tấn giấy thông thường làm từ bột gỗ được khai thác từ 20 cây. Để sản xuất một tấn giấy limex, TBM sử dụng chưa đến một tấn đá vôi cùng với 200kg nhựa polyolefin.

    TBM cho biết lượng khí thải nhà kính phát ra trong quá trình sản xuất giấy đá vôi ít hơn 20% so với hoạt động sản xuất giấy truyền thống.

    Yamasaki bỏ học năm 15 tuổi và lần lượt làm thợ mộc và nhân viên kinh doanh xe cũ để mưu sinh. Tò mò với sản phẩm giấy sản xuất từ đá vôi có xuất xứ từ Đài Loan, Yamasaki và các cộng sự đã nghiên cứu kỹ hơn về công nghệ sản xuất loại giấy này. Yamasaki đã nhập khẩu giấy đá vôi từ Đài Loan và sau đó phát triển công nghệ sản xuất giấy đá vôi limex.

    Thách thức của Yamasaki và các cộng sự là phải bảo đảm tính thân thiện với môi trường, chất lượng giấy và tính hiệu quả chi phí trong sản xuất. Khi đủ tự tin với sản phẩm đang nghiên cứu, ông đã thành lập công ty IBM để giới thiệu giấy đá vôi ra thị trường. Limex được sản xuất bằng cách phối trộn bột đá vôi với nhựa polyolefin ở nhiệt độ và áp suất cao.

    Mục tiêu của Yamasaki là đưa TBM cán mức tổng doanh thu tích lũy 1.000 tỉ yen (9 tỉ đô la Mỹ) vào giữa thập niên 2030. Ông đang lên kế hoạch cấp phép sử dụng công nghệ sản xuất limex cho các nhà sản xuất bên ngoài Nhật Bản, đặc biệt là ở những nơi thiếu nước và giàu đá vôi như bang California (Mỹ) hay Saudi Arabia.

    Theo Moitruongvadothi.vn (27/5/2019)

    Đông Nam Á “ngập” trong rác từ các nước phát triển

    Việc Trung Quốc hạn chế nhập khẩu phế liệu khiến rác đổ về Đông Nam Á, buộc chính phủ những nước này phải đưa ra biện pháp đối phó.

    Ở những núi rác nhựa cao hơn 4m tỏa ra mùi hóa chất dưới cái nóng 37 độ C, có thể dễ dàng nhìn thấy tem giảm giá của chuỗi cửa hàng Mỹ hay bao bì sản phẩm Mỹ. Chúng có thể đã đi qua hành trình 16.000 km để đến bãi rác tự phát ở khu công nghiệp tại Ipoh, tây bắc Malaysia.

    Các quốc gia Đông Nam Á đang đối mặt với việc phế liệu từ các quốc gia phát triển ồ ạt đổ về khu vực. Phế liệu nhập khẩu vào các quốc gia như Malaysia, Thái Lan, Philippines, Indonesia và Việt Nam năm 2018 chủ yếu đến từ Mỹ, Nhật Bản, Đức, Anh, Bỉ và Canada. “Chúng tôi không muốn bị coi là bãi rác của thế giới”, Bộ trưởng Năng lượng, Công nghệ, Khoa học, Biến đổi khí hậu và Môi trường Malaysia Yeo Bee Yin phát biểu tại một cuộc họp báo ngày 17/5.

    Bãi rác ở Ipoh, Malaysia hồi tháng một. Ảnh: Huffpost.

    Trung Quốc tháng 1/2018 ban hành chính sách hạn chế nhập khẩu phế liệu nhựa và giấy. Động thái này khiến rác đổ về Đông Nam Á nhiều hơn, tiêu biểu là Malaysia, nước nhập 750.000 tấn rác nhựa năm 2018, so với 316.000 tấn năm 2017 và 168.500 tấn năm 2016. Trong khi đó, lượng nhập khẩu của Trung Quốc giảm từ hơn 600.000 tấn một tháng năm 2016 xuống còn 30.000 tấn một tháng kể từ tháng 1/2018.

    “Vì lệnh cấm rác nhựa của Trung Quốc, các quốc gia khác đã biến Malaysia thành địa điểm chính để xuất khẩu chất thải nhựa bất hợp pháp”, Bộ trưởng Malaysia Yeo Bee Yin nói.

    “Rác thải nhựa từ các nước phát triển đang nhấn chìm các cộng đồng ở Đông Nam Á, biến những nơi từng sạch và có tiềm năng phát triển thành bãi rác độc hại”, Cameron Von Hernandez,từ liên minh các nhóm phi chính phủ Break Free from Plastic, nói vào tháng trước. “Thật là bất công khi các quốc gia và cộng đồng có ít khả năng và nguồn lực xử lý ô nhiễm lại bị biến thành nơi thải nhựa của các nước phát triển”.

    Một số quốc gia Đông Nam Á đã có những hành động để hạn chế nhập khẩu rác.

    Kể từ năm 2017, Malaysia đã mua phế liệu nhựa từ Anh, Australia và Mỹ. Nhựa không thể tái chế sẽ bị đốt bỏ, giải phóng chất độc vào khí quyển hoặc bị chôn, gây ô nhiễm đất và nước.

    Kuala Lumpur bắt đầu mạnh tay với rác nhựa sau khi phát hiện 24 lô rác nhựa từ Tây Ban Nha được nhập lậu vào cảng Klang, Selangor bằng cách sử dụng tờ khai hải quan giả.

    Tháng 10/2018, Kuala Lumpur ban hành lệnh cấm nhập rác nhựa. Hồi tháng hai, Malaysia cho biết đã đóng cửa 139 nhà máy tái chế nhựa không có giấy phép kể từ tháng 7 năm ngoái.

    Bà Yeo hôm 21/5 thông báo sẽ trả lại phế liệu nhựa không thể tái chế cho các nước phát triển. “Các nước phát triển phải có trách nhiệm với những thứ họ đã chuyển đi”, bà nói.

    Indonesia, quốc gia lớn nhất Đông Nam Á, nhập khẩu 35.000 tấn chất thải nhựa mỗi tháng từ Đức, Australia và Mỹ vào cuối năm 2018 – tăng mạnh từ mức 10.000 tấn hàng tháng vào cuối năm 2017.

    Nước này hiện chưa có biện pháp mạnh tay với rác nhựa vì lợi ích kinh tế. Bộ trưởng Công nghiệp Indonesia Airlangga Hartarto tháng 11 năm ngoái cho biết Jakarta được hưởng thặng dư thương mại 40 triệu USD bằng cách xuất khẩu nhựa tái chế.

    Rosa Vivien Ratnawati, lãnh đạo ban quản lý rác thải tại Bộ Môi trường và Lâm nghiệp Indonesia, nói rằng rác nhựa mà họ nhập khẩu không độc hại và có thể tái chế.

    Tuy nhiên, các nhóm bảo vệ môi trường đã bày tỏ lo ngại rằng các công ty địa phương kiếm lời bằng cách nhập lậu rác. Họ cáo buộc các nhà máy không có giấy phép đốt bừa bãi rác nhựa không thể tái chế. “Một số người kiếm lợi từ những hành động đó nhưng họ cũng sẽ bị ảnh hưởng vì chất thải sẽ đe dọa sức khỏe cộng đồng”, Prigi Arisandi, người sáng lập nhóm bảo vệ môi trường Ecoton nói.

    Các nhà hoạt động Indonesia cũng nói rằng có chất thải sinh hoạt lẫn trong những lô hàng giấy đã qua sử dụng mà các nhà máy Indonesia nhập khẩu để tái chế. “Chúng tôi phát hiện ra rằng các quốc gia như Mỹ, Anh, Canada, New Zealand và Australia đã loại bỏ chất thải sinh hoạt bằng cách xuất khẩu chúng lẫn trong giấy đã qua sử dụng”, Prigi nói. Ecoton ước tính 70% giấy được nhập để tái chế bị nhiễm bẩn từ chất thải nhựa.

    Tại Thái Lan, giới chức giảm hạn ngạch nhập khẩu rác nhựa từ vài trăm nghìn tấn xuống còn 70.000 tấn và chỉ cho phép nhập nhựa tốt, có thể tái chế.

    Theo Báo cáo Tái chế năm 2018 của tổ chức phi lợi nhuận Greenpeace, lượng nhập khẩu rác nhựa của Thái Lan tăng lên mức 75.000 tấn mỗi tháng vào đầu năm 2018, chủ yếu đến từ Nhật Bản, Mỹ và Hong Kong.

    Khi các tác động môi trường ngày càng trở nên rõ rệt ở các vùng nông thôn Thái Lan, chính phủ nước này đẩy mạnh xử lý các nhà máy tái chế nhựa trái phép.

    Giữa năm 2018, Bộ Tài nguyên và Môi trường Thái Lan ra lệnh cấm nhập khẩu rác nhựa trong vòng 6 tháng và cho biết họ có kế hoạch cấm hoàn toàn nhập khẩu phế liệu nhựa, kể cả có thể tái chế, trước năm 2020.


    Người Philippines ở Makati năm 2015 biểu tình yêu cầu Canada nhận lại rác. Ảnh: AP.

    Vấn đề rác thải đã đè nặng lên quan hệ ngoại giao giữa Canada và Philippines. 103 container chứa khoảng 2.500 tấn rác thải sinh hoạt được vận chuyển từ Vancouver tới Phillippines trong giai đoạn 2013 – 2014. Rác thải từ ít nhất 26 container đã được chôn tại một bãi rác ở Philippines. Tuy nhiên, các container còn lại chứa chất thải nguy hại vẫn được lưu trữ tại cảng Limbo.

    Philippines đã nhiều lần phản đối bằng biện pháp ngoại giao đối với Canada sau một phán quyết của tòa án Philippines năm 2016 rằng Ottawa phải nhận lại số container chứa rác. Canada đồng ý nhận các container rác nhưng không nêu thời gian cụ thể.

    Tuần trước, Philippines triệu hồi đại sứ từ Ottawa về nước vì Canada chưa nhận lại những container rác thải dù hạn chót 15/5 mà Manila đưa ra đã qua. Philippines cảnh báo rằng nếu Canada không hợp tác, họ sẽ mang rác đến đổ ở vùng lãnh hải của Canada.

    Việc triệu hồi đại sứ ở Ottawa cho thấy “chúng tôi không chỉ nhìn nhận vấn đề này rất nghiêm túc mà còn cảnh báo Canada rằng chúng tôi sẽ cắt đứt quan hệ ngoại giao nếu họ không hành động”, phát ngôn viên của Tổng thống Philippines Salvador Panelo Jr. nói.

    Tại Việt Nam, tổng khối lượng phế liệu nhập khẩu năm ngoái là hơn 9,2 triệu tấn, tăng hơn 1,3 triệu tấn so với năm 2017. Một số tổ chức, cá nhân lợi dụng việc nhập khẩu phế liệu đã đưa chất thải nguy hại, chủ yếu là phế liệu nhựa, kim loại, săm lốp cao su thải, vỏ ôtô, tàu biển chưa làm sạch tạp chất, ắc quy chì thải, sản phẩm điện tử đã qua sử dụng về Việt Nam, gây ra nguy cơ ô nhiễm môi trường.

    Thống kê của Bộ Tài chính cho thấy có 23.453 container phế liệu đang lưu giữ tại các cảng biển, trong đó 9.825 container lưu trữ trên 90 ngày, chưa làm thủ tục hải quan tính đến đầu tháng 4.

    Bộ Tài chính đề xuất bán đấu giá lô hàng là phế liệu đạt quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường. Nếu là lô hàng chứa chất thải, chất thải nguy hại, phế liệu không đạt quy chuẩn, cơ quan hải quan yêu cầu hãng tàu có trách nhiệm vận chuyển ra khỏi Việt Nam.

    Tháng này, 187 quốc gia đã thông qua sửa đổi Công ước Basel, hiệp ước năm 1989 nhằm giảm việc di chuyển nhựa và chất thải nguy hại xuyên biên giới. Những thay đổi này sẽ có hiệu lực vào ngày 1/1/2021, yêu cầu các quốc gia xuất khẩu rác thải nhựa phải xin phép các nước nhận rác.

    “Công dân của các nước phát triển cần yêu cầu chính phủ của họ minh bạch về cách theo dõi chất thải. Họ cần biết rõ rác và nhựa của họ sẽ đi về đâu”, bà Yeo Bee Yin nói.

    “Điều khiến tôi bất bình là sự bất công khi thấy người dân ở các nước đang phát triển phải chịu đựng rác bắt nguồn từ các nước phát triển. Tôi không nghĩ rằng công dân của các quốc gia này biết chuyện gì đang xảy ra, thậm chí có thể các nhà lập pháp của họ cũng không biết”, bà nói thêm.

    Theo Eco Business/tinmoitruong.vn

    Thủ tướng chỉ thị về phát triển bền vững

    0

    Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc vừa ký Chỉ thị số 13/CT-TTg ngày 20/5/2019 về phát triển bền vững.

    Phát triển bền vững là một chủ trương nhất quán của Đảng và Nhà nước ta. Chính phủ đã ban hành Chương trình nghị sự 21 của Việt Nam (2004), Chiến lược phát triển bền vững Việt Nam giai đoạn 2011 – 2020 (2012) và gần đây nhất là Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững với 17 mục tiêu phát triển bền vững và 115 mục tiêu cụ thể đặt ra cho Việt Nam trong giai đoạn từ nay đến năm 2030 trên tất cả các lĩnh vực kinh tế – xã hội – môi trường.

    Quan điểm phát triển bền vững đã được lồng ghép xuyên suốt trong Chiến lược phát triển kinh tế – xã hội 2011 – 2020 và Kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội 2011 – 2015 và 2016 – 2020. Đất nước đã đạt được các thành tựu về phát triển bền vững trên các lĩnh vực kinh tế, xã hội và môi trường như tốc độ tăng trưởng GDP, giảm nghèo bền vững, phổ cập giáo dục, tiếp cận các dịch vụ y tế, chăm sóc sức khỏe…

    Tuy nhiên, nhận thức về phát triển bền vững của không ít cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp và nhiều người dân còn chưa đầy đủ, thống nhất; các chính sách kinh tế – xã hội còn thiên về tăng trưởng nhanh kinh tế và ổn định xã hội, mà chưa quan tâm đầy đủ, đúng mức đến tính bền vững khi khai thác và sử dụng tài nguyên thiên nhiên và bảo vệ môi trường…

    Để khắc phục những tồn tại, hạn chế nêu trên, tạo điều kiện thuận lợi cho việc thực hiện thành công các mục tiêu phát triển bền vững của Việt Nam đến năm 2030, Thủ tướng Chính phủ chỉ thị Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương và các bên liên quan tổ chức triển khai có hiệu quả các nhiệm vụ được giao trong Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện Chương trình nghị sự 2030.

    Trong năm 2019, Bộ Kế hoạch và Đầu tư xây dựng và ban hành Hướng dẫn lồng ghép các mục tiêu phát triển bền vững vào Kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội và Hướng dẫn thực hiện giám sát, đánh giá các mục tiêu phát triển bền vững. Theo dõi, đánh giá, tổng hợp báo cáo kết quả thực hiện Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện Chương trình nghị sự 2030 và các mục tiêu phát triển bền vững trình Chính phủ, Quốc hội hằng năm.

    Lồng ghép các mục tiêu phát triển bền vững vào Kế hoạch phát triển KTXH

    Thủ tướng chỉ thị các bộ, ngành, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương gấp rút hoàn thành việc xây dựng Kế hoạch/Chương trình hành động thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ được giao trong Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện Chương trình nghị sự 2030 trong năm 2019. Lồng ghép hiệu quả việc thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững vào xây dựng và thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội tại các cấp, các ngành và địa phương. Triển khai kịp thời các chính sách hỗ trợ cho người nghèo, cận nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số, các đối tượng chính sách xã hội và các đối tượng dễ bị tổn thương khác.

    Hội đồng Quốc gia về Phát triển bền vững và Nâng cao năng lực cạnh tranh tham mưu, tư vấn giúp Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo xây dựng, thực hiện các chiến lược, chính sách, các kế hoạch, chương trình, nhiệm vụ, giải pháp để thực hiện có hiệu quả Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững. Hằng năm, lựa chọn ít nhất một vấn đề cụ thể liên quan đến phát triển bền vững để tham mưu, tư vấn cho Thủ tướng Chính phủ về các cơ chế, chính sách, biện pháp chỉ đạo, điều hành.

    Đề nghị Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và cơ quan trung ương của các đoàn thể tăng cường giám sát các cấp, các ngành trong việc triển khai thực hiện phát triển bền vững. Chú trọng phản biện các cơ chế, chính sách nhằm bảo đảm các yêu cầu phát triển bền vững; vận động, giám sát việc thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững tại các bộ, ngành, địa phương. Tích cực huy động sự tham gia, đóng góp của các tổ chức trong nước và quốc tế, các đối tác phát triển, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân trong thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững của Việt Nam.

    Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thực hiện vai trò là cầu nối giữa nhà nước với các tổ chức xã hội, ghi nhận và phản ánh tiếng nói, mong muốn, nguyện vọng của các tổ chức xã hội và nhân dân đối với việc thực hiện phát triển bền vững cũng như các vấn đề lớn trong phát triển đất nước.

    Hỗ trợ doanh nghiệp trong thực hiện phát triển bền vững

    Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam và Hội đồng doanh nghiệp vì sự phát triển bền vững Việt Nam (VBCSD) tiếp tục phát huy vai trò định hướng, hỗ trợ doanh nghiệp trong thực hiện phát triển bền vững.

    Đồng thời, phối hợp chặt chẽ với Hội đồng Quốc gia về Phát triển bền vững và Nâng cao năng lực cạnh tranh cũng như các bộ, ngành, địa phương thực hiện các sáng kiến như: Tổ chức các diễn đàn đối thoại chính sách về phát triển bền vững; thực hiện chương trình đánh giá xếp hạng doanh nghiệp bền vững dựa trên bộ chỉ số doanh nghiệp bền vững CSI; huy động sự tham gia của doanh nghiệp trong việc thực hiện Chiến lược tăng trưởng xanh cũng như Diễn đàn cấp cao vì mục tiêu xanh toàn cầu 2030 (Diễn đàn P4G); triển khai sáng kiến về nền kinh tế tuần hoàn.

    Tham mưu, tư vấn cho Chính phủ trong thực hiện các giải pháp giải quyết các thách thức trong các mô hình đối tác công tư (PPP) nhằm tạo môi trường đầu tư thuận lợi, thu hút sự tham gia của cộng đồng doanh nghiệp trong thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững của Việt Nam.

    Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam chủ động tuyên truyền phổ biến, hướng dẫn các doanh nghiệp hội viên tích cực hưởng ứng thực hiện thành công Kế hoạch hành động quốc gia Chương trình nghị sự 2030. Chủ động phối hợp với các bộ, ngành, các cơ quan, tổ chức trong nước và quốc tế để tranh thủ sự hỗ trợ về nguồn lực cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa nhằm hướng đến mục tiêu trong Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện Chương trình nghị sự 2030.

    Theo Chinhphu.vn (24/5/2019)

    Lọc sạch không khí bằng công nghệ lá quang sinh học

    0

    Các nhà khoa học phát triển công nghệ Lá quang sinh học có khả năng làm sạch, cải thiện chất lượng không khí từ quá trình quang hợp của các cây siêu nhỏ.

    Hệ thống Biosolar Leaf bao gồm các cấu trúc giống như tấm pin năng lượng Mặt trời có thể tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển của vi tảo, thực vật phù du và tảo cát.


    Các mái nhà được phủ bằng lá quang sinh học. (Ảnh: Arborea)

    Những cấu trúc lớn này sẽ được lắp đặt trên các mái nhà, mặt đất và nhiều cơ sở hạ tầng khác. Chúng hấp thụ khí nhà kính carbon dioxide (CO2) và thải khí oxy vào khí quyển hiệu quả hơn gấp 100 lần so với cây xanh thông thường.

    Ngoài ra, hệ thống Biosolar Leaf cũng tạo ra một nguồn sinh khối hữu cơ dồi dào có thể được sử dụng để làm phụ gia thực phẩm.

    “Ô nhiễm không khí là một trong những thách thức cấp bách nhất của thủ đô London. Chúng tôi đang tạo ra các giải pháp bền vững và tiên tiến để cải thiện môi trường không khí của Vương quốc Anh và toàn thế giới”, Neil Alford, thành viên của nhóm nghiên cứu tại trường Imperial College London, cho biết.

    Theo Moitruong.vn (22/5/2019)

    Mối nguy hiểm từ ô nhiễm không khí

    Theo một đánh giá toàn cầu được công bố trên Tạp chí Chest mới đây, ô nhiễm không khí có thể gây tổn hại cho mọi cơ quan và hầu như mọi tế bào trong cơ thể con người.

    Nghiên cứu cho thấy, tác hại từ đầu đến chân, từ bệnh tim, phổi đến bệnh tiểu đường và chứng mất trí, từ các vấn đề về gan, ung thư bàng quang đến xương giòn và da bị tổn thương. Đánh giá phát hiện không khí độc hại cũng ảnh hưởng đến khả năng sinh sản, thai nhi và trẻ em.

    Thiệt hại toàn thân là kết quả của các chất ô nhiễm gây viêm sau đó tràn qua cơ thể và các hạt siêu mịn xâm nhập vào khắp cơ thể theo dòng máu.

    Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), ô nhiễm không khí là vấn đề khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng, với hơn 90% dân số toàn cầu hứng chịu không khí độc hại ngoài trời. Phân tích mới chỉ ra rằng 8,8 triệu người chết sớm mỗi năm – gấp đôi ước tính trước đó, làm cho ô nhiễm không khí trở thành “thủ phạm” giết người lớn hơn cả hút thuốc lá.

    Ô nhiễm không khí có thể gây tổn hại cho mọi cơ quan và hầu như mọi tế bào trong cơ thể con người

    Nhưng tác động của các chất gây ô nhiễm khác nhau đối với nhiều căn bệnh vẫn đang được tìm kiếm.

    “Ô nhiễm không khí có thể gây hại nghiêm trọng, cũng như mãn tính, ảnh hưởng đến mọi cơ quan trong cơ thể”, các nhà khoa học đến từ Diễn đàn của Hiệp hội Hô hấp quốc tế kết luận.

    Theo các nhà khoa học, các hạt Ultrafine có thể đi qua phổi, các tế bào sẽ dễ dàng nhặt chúng và mang qua dòng máu để xâm nhập hầu hết các tế bào trong cơ thể.

    Giáo sư Dean Schraufnagel tại Đại học Illinois ở Chicago – người dẫn đầu các đánh giá cho biết: “Tôi không thấy ngạc nhiên khi hầu hết mọi cơ quan đều bị ảnh hưởng…”

    “Đây là đánh giá lớn về sức khỏe mang tính khoa học. Có hơn 70.000 bài báo khoa học chứng minh rằng ô nhiễm không khí đang ảnh hưởng đến sức khỏe của chúng ta” – Tiến sĩ Maria Neira, Giám đốc của Ban Các yếu tố xã hội và môi trường ảnh hưởng tới Sức khỏe cộng đồng của WHO cho biết.

    Tiến sĩ Maria Neira dự đoán ​​sẽ còn tác động nhiều hơn nữa đến ô nhiễm không khí trong các nghiên cứu trong tương lai.

    Theo An Vi/tapchimoitruong.vn

    Các quốc gia trên thế giới tái chế rác thải nhựa như thế nào?

    Trong khi cả thế giới đang loay hoay với việc xử lý rác thải nhựa thì tại một số nước như Đức, Thụy Điển, Áo đã có công nghệ xử lý rác rựa hiện đại nhất thế giới.

    Na Uy – 97% chai nhựa được tái chế

    Na Uy hiện là quốc gia đi đầu thế giới trong phong trào tái chế chất thải nhựa. Bằng chứng từ Infinitum, một tổ chức tái chế nhựa ở Na Uy, cho biết nước này đã tái chế được tới 97% chai nhựa.

    92% trong số đó quay trở lại thành nhựa chất lượng cao và có thể tiếp tục đựng nước uống. Chỉ có chưa đến 1% là nhựa không thể tái chế, loại bắt buộc phải thải ra ngoài môi trường.

    Vòng đời của một số chai nhựa ở Na Uy có thể lên tới 50 lần tái chế. Điều này biến quốc gia Bắc Âu trở thành hình mẫu của cả thế giới trong lĩnh vực bảo vệ môi trường.

    Đa số các công ty và người tiêu dùng sẵn sàng đánh đổi hiệu quả kinh tế và sự thuận tiện của họ bằng chi phí môi trường. Na Uy đã giải quyết vấn đề này bằng cách thu phí mua chai nhựa. Nghĩa là khi người tiêu dùng mua các loại nước uống đóng chai, họ sẽ phải trả tiền cho cả chiếc chai nhựa nữa, một khoản tương đương 3-7.000 VNĐ.

    Nhưng số tiền này có thể được nhận lại, nếu người tiêu dùng mang chai nhựa dùng xong đến quét mã vạch và đổi ở một máy thu chai tự động, các cửa hàng tạp hóa hoặc trạm xăng, nơi họ sẽ nhận lại tiền mặt hoặc được tích điểm cho lần mua sắm tiếp theo.

    Nhưng không chỉ có người tiêu dùng, cả chính phủ Na Uy cũng đang nhắm mục tiêu giải quyết vấn đề môi trường. Các sản phẩm nhựa ở Na Uy đang bị đánh thuế.

    Để kêu gọi sự chung tay của cả ngành công nghiệp, chính phủ Na Uy sẵn sàng miễn hoàn toàn thuế này cho tất cả các doanh nghiệp, nếu tỷ lệ tái chế toàn quốc đạt trên 95%.

    Trong khi nghe có vẻ là một mục tiêu viễn tưởng ở nhiều quốc gia khác, đất nước Bắc Âu lại đang đạt được con số liên tiếp 7 năm trở lại đây.

    Thụy Điển – 99% rác thải được tái chế

    Hơn 99% tổng lượng rác thải từ các hộ gia đình tại quốc gia này đều đã được tái chế, bằng nhiều cách khác nhau. Trong năm 1975, chỉ có khoảng 38% lượng rác thải được tái chế, nhưng đến nay con số này đã đạt đến gần 100% nhờ cuộc cách mạng tái chế rác thải trong suốt những thập kỷ vừa qua.

    Là quốc gia trong nhiều năm liền đi đầu ở khâu tái chế, hiện nay Thụy Điển phải nhập khẩu rác từ các nước khác để các nhà máy tái chế nước này tiếp tục hoạt động. Kể từ năm 2011, không tới 1% các hộ gia đình Thụy Điển mang rác thải ra bãi, theo Independent.

    Năm 1991, Chính phủ Thụy Điển là một trong những quốc gia đầu tiên trên thế giới đi đầu trong việc áp thuế cao đối với hoạt động sử dụng nhiên liệu hóa thạch, trong khi đó phải kể đến điện năng tiêu thụ ở Thụy Điển có tới khoảng 50% là từ năng lượng tái tạo. Thậm chí, nếu trong trường hợp xấu nhất có thể xảy ra khi nguồn nguyên liệu rác không được nhập khẩu để cung ứng cho các nhà máy hoạt động thì Thụy Điển sẽ không hề bị tê liệt bởi họ đã có nguồn nhiên liệu sinh học sẵn sàng thay thế khó khăn trên.

    Áo – Công nghệ sinh học để tái chế nhựa PET

    Áo là một Quốc gia nhỏ bé đã làm được những điều to lớn trong việc xử lý chất thải. Nổi bật nhất trong hệ thống xử lý rác thải của Áo là công nghệ sinh học để tái chế nhựa PET.

    Trong khi cả Thế Giới đang phải bó tay vì rác thải nhựa – giải pháp tái chế PET hiện giờ là đốt chảy hoặc nghiền nhỏ, vốn có chất lượng sau tái chế rất kém. Một công ty ở Áo đã phát triển một giải pháp công nghệ cao, sử dụng enzim một loại nấm để tái chế nhựa PET.

    Dưới tác động của enzim, nhựa PET sẽ bị phân huỷ thành phân tử và sau đó có thể dễ dàng chuyển đổi lại thành nhựa chất lượng cao.

    Đức – gần như đứng đầu châu Âu về tái chế nhựa

    Tại Đức, vấn đề xử lý rác thải, đặc biệt là rác thải nhựa có từ rất lâu và chính phủ Đức đặc biệt quan tâm. Hiện nay, Đức gần như đứng đầu châu Âu về tái chế chất nhựa. Họ dùng rất ít nhựa nguyên sinh. Đó là những chất chế từ các hạt nhựa thành phẩm của dầu mỏ và được dùng lần đầu.

    Gần đây, chính phủ Đức đưa ra những thông tin và yêu cầu các siêu thị là phải cung cấp các loại túi khác thân thiện với môi trường hơn, ví dụ như túi giấy, hoặc khi khách hàng yêu cầu có túi ni-lông, họ phải trả tiền thay vì được miễn phí như trước đây. Chính điều đó giảm thiểu lượng túi ni-lông sử dụng ở các siêu thị. Người dân đã sử dụng túi dùng nhiều lần hoặc mang túi vải đi mua hàng để khỏi phải trả tiền.

    Bên cạnh đó, Đức cũng có chính sách rất tốt và đồng bộ đối với việc sử dụng vật liệu đóng gói và chai nhựa được tái chế và được sử dụng nhiều lần. Đức đưa ra chế độ khi người ta mua một đồ uống đựng trong chai nhựa thì họ phải trả thêm tiền chai nhựa để khuyến khích khách hàng sau khi sử dụng thành phẩm trong chai thì có động lực đem trả lại cho siêu thị cái chai đó để lấy lại tiền. Hiện nay Đức đang cố gắng phấn đấu là 98% số chai đựng chất lỏng bán trong các siêu thị sẽ được tái chế sử dụng.

    Mới đây, Bộ Môi trường Đức còn công bố một kế hoạch giảm rác thải nhựa bằng 5 biện pháp cụ thể: hạn chế bao bì, sử dụng bao bì thân thiện môi trường, xây dựng thêm trạm tái chế rác, ngăn chặn nhựa vào chất thải hữu cơ, giảm thải nhựa ra biển.

    Bỉ – trên 80% rác thải được tái chế

    Bỉ là một trong những nước có tỷ lệ tái chế, tái sử dụng rác thải đứng đầu thế giới, luôn trên 80%. Trong số 183.000 tấn chất thải thu được từ các hộ gia đình mỗi năm, 9 nhà máy tái chế của nước này xử lý khoảng 157.000 tấn nhựa, kim loại và tái chế khoảng 132.000 tấn (84%) bao bì nhựa.

    Bỉ sử dụng hai quy trình quản lý rác thải Ecolizer và Sự kiện xanh để quản lý rác thải ngay tại nguồn. Ecolizer giúp các nhà sản xuất tính toán tác động của sản phẩm đối với môi trường ngay từ khi sản phẩm mới ở khâu thiết kế. Sự kiện xanh cũng là hệ thống công nghệ số tương tự. Hệ thống này cho phép các nhà tổ chức sự kiện tính toán được tác động từ những sự kiện của họ đến hệ sinh thái, ví dụ như lượng rác thải mà sự kiện đó sẽ thải ra môi trường.

    Theo ước tính, hiện tại lượng rác thải nhựa trên biển vào khoảng 140 triệu tấn, mỗi năm có thêm 10 triệu tấn. Rác thải nhựa khi trôi ra đến biển có thể tồn tại hàng trăm năm. Do bị cọ xát, dưới tác động của nước biển, của tia cực tím rác, nhựa sẽ rã thành những mảnh nhỏ và có thể bị các loài hải sản ăn vào để rồi lại có mặt trong chuỗi thức ăn của con người. Do đó, ngành thủy sản và du lịch bị ảnh hưởng rất lớn bởi lượng rác thải này và phải mất rất nhiều phí tổn để khắc phục. Ví dụ, dọc bờ biển Brazil, từ Rio de Janeiro đến São Paulo mỗi năm có tới 70.000 tấn rác nhựa bị vứt xuống biển và phải huy động 9 con tàu để thu gom rác và một tàu chuyên dụng để chế biến lượng rác thải này.

    Có 192 quốc gia bị ô nhiễm rác thải nhựa trên biển, trong đó một số nước châu Á như Trung quốc, Indonesia, Philippin và Việt nam nặng nề nhất.

    Theo Moitruongvadothi.vn (21/5/2019)