28 C
Hanoi
Thứ tư, Tháng mười một 20, 2024
More
    Home Blog Page 351

    Phát hiện mới về nguyên nhân hàng đầu khiến mực nước biển dâng cao

    Một nghiên cứu của các nhà khoa học Australia công bố ngày 3/6 cho thấy các trận động đất lớn cũng là nguyên nhân khiến mực nước biển dâng cao tại các đại dương.

    Lâu nay, tình trạng Trái Đất ấm lên được xác định là nguyên nhân chính làm tan chảy các dòng sông băng, qua đó khiến mực nước biển ngày càng dâng cao.

    Tuy nhiên, một nghiên cứu của các nhà khoa học Australia công bố ngày 3/6 cho thấy các trận động đất lớn cũng là nguyên nhân khiến mực nước biển dâng cao tại các đại dương, thậm chí với tộc độ nhanh hơn tình trạng biến đổi khí hậu.

    Hình ảnh sau trận động đất ở Samoa-Tonga năm 2009. (Nguồn: Daily Express)

    Giáo sư Shin-Chan Han, thuộc Đại học Newcastle phát hiện ra rằng mực nước biển tại Samoa thuộc Mỹ đã dâng cao gấp 5 lần mức trung bình toàn thế giới do hiện tượng sụt lún đất trên bề mặt Trái Đất – hậu quả sau các trận động đất ở Samoa-Tonga năm 2009.

    Giáo sư cảnh báo với các quốc đảo Thái Bình Dương rằng hiện tượng này còn nguy hiểm hơn so với tình trạng biến đổi khí hậu.

    Căn cứ những hình ảnh và dữ liệu thu thập từ vệ tinh, giáo sư Han chỉ ra trong 8 năm sau trận động đất nói trên, đất tại đảo Samoa thuộc Mỹ sụt lụt khoảng 16mm/năm, so với mức 8-10mm/năm được ghi nhân trên toàn quần đảo cùng tên.

    Ông kêu gọi chính phủ các nước khẩn trương đánh giá lại dự báo về mực nước biển dâng do ảnh hưởng của các trận động đất lớn với cường độ trên 8 bởi những trận động đất có cường độ lớn như vậy có khả năng làm biến dạng vỏ Trái đất.

    Giáo sư Han kết luận sự vận động địa chất có thể ảnh hưởng lớn đến tốc độ nước biển dâng cao và cần được xem xét bên cạnh nhưng thay đổi do biến đổi khí hậu.

    The Vietnamplus.vn (3/6/2019)

    Bộ Công Thương công bố mẫu nhãn năng lượng cho xe mô tô, xe gắn máy

    Theo Thông tư số 59/2018/TT-BGTVT ngày 17/12/2018 của bộ Giao thông Vận tải, hướng dẫn việc dán nhãn năng lượng đối với xe mô tô, xe gắn máy sản xuất, lắp ráp và nhập khẩu, cơ sở sản xuất, nhập khẩu xe phải in nhãn năng lượng của xe theo mẫu quy định của Bộ Công Thương và thực hiện dán nhãn năng lượng trên từng xe tại vị trí dễ quan sát trước khi đưa ra thị trường.

    Trên cơ sở đó, Bộ Công Thương ban hành quyết định công bố mẫu nhãn năng lượng cho xe mô tô, xe gắn máy tại Quyết định số 1500/QĐ-BCT ngày 30/5/2019.

    Theo đó, 2 mẫu nhãn năng lượng dành cho xe mô tô, gắn máy nội địa và nhập khẩu bao gồm các thông tin tối thiểu sau: mức tiêu thụ nhiên liệu, số BCTN, nhãn hiệu, số loại, nhà sản xuất/nhà nhập khẩu, dung tích xy lanh, quy chuẩn áp dụng và chu trình thử.

    Nhãn năng lượng phải được dán ở vị trí giúp cho người tiêu dùng dễ nhận biết, so sánh mức tiêu hao năng lượng đối với các sản phẩm cùng loại trên thị trường: doanh nghiệp có thể dán nhãn năng lượng ở: (1) yếm trước của xe, (2) cạnh đèn pha trước của xe, (3) cạnh bình xăng nếu nằm ở phần thân trước xe, (4) Ốp đầu xe.

    Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững, Bộ Công Thương có trách nhiệm thi hành Quyết định này.

    Chi tiết thông tư, xem tại đây.

    Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững

    Cải thiện chất lượng không khí trong nhà từ những mẹo nhỏ

    Một sự thật mà không phải ai cũng biết, đó chính là dù bạn có sử dụng máy lọc không khí, trồng nhiều cây… nhưng nếu không thường xuyên dọn dẹp nhà cửa, bạn vẫn khó có thể cải thiện được chất lượng không khí trong nhà.

    Một ngôi nhà thực sự trong lành, thoáng mát không chỉ nhờ việc trồng các loại cây hút bụi, hút chất độc, nhờ sự hỗ trợ tích cực của các loại máy làm sạch không khí mà yếu tố đầu tiên cần chú ý đến, đó chính là việc thường xuyên giữ cho ngôi nhà được gọn gàng và sạch sẽ.

    Vệ sinh sàn nhà

    Sàn nhà luôn là nơi rất cần sự sạch sẽ. Bạn có thể hút bụi và lau dọn thường xuyên mỗi ngày 1 – 2 lần giúp sàn luôn là nơi sạch sẽ và dễ dàng, thoải mái cho mọi người khi đi lại trong nhà. Nếu quá bận bịu, bạn có thể mua robot hút bụi và robot lau nhà, cài đặt chương trình và những vị trí cần làm sạch để chúng làm nhiệm vụ lau dọn, giúp ngôi nhà sạch sẽ mà không mất nhiều thời gian của bản thân.

    Hút bụi trên nội thất

    Rèm cửa, sofa, thảm trải sàn… là những nội thất, đồ dùng dễ bám bụi nhưng không phải tiện lợi cho việc vệ sinh và giặt giũ. Vì thế, hãy đảm bảo luôn hút bụi cho nội thất khi dọn dẹp nhà cửa. Cách làm này cũng hỗ trợ tích cực cho ngôi nhà của bạn được sạch sẽ hơn.

    “Tắm rửa” cho các chậu cây cảnh

    Những chậu cây cảnh trong nhà cũng cần thường xuyên “tắm rửa”. Chúng hiện diện trong ngôi nhà của bạn với chức năng hút bụi bẩn từ không khí. Những chiếc lá chắc chắn sẽ bám rất nhiều bụi. Vì thế, hãy mang chúng vào nhà tắm và dùng vòi xịt để xịt ngang thân lá, tránh gốc bị ngập nước gây úng và hỏng cây. Với những cây to có thể dùng khăn ướt để lau từng lá.

    Đóng cửa sổ khi ra khỏi nhà

    Đừng nghĩ rằng việc mở rộng cửa sổ sẽ giúp ngôi nhà luôn có sự trao đổi không khí một cách tích cực. Bởi việc mở cửa sổ quá rộng có thể là nguyên nhân khiến bạn dù lau dọn thường xuyên nhưng luôn có cảm giác nhà bị phủ một lớp bụi dày. Hãy đóng cửa sổ khi ra khỏi nhà để đảm bảo giữ được không khí sạch bên trong nhà, tránh bụi bẩn vào nhà. Khi đi làm về, hãy mở rộng cửa vào những thời điểm không khí trong lành như chiều tối, sáng mai…

    Sử dụng các chất tẩy rửa từ thiên nhiên

    Bạn không thể làm sạch nhà bằng cách tăng lượng hóa chất trong không khí bằng việc sử dụng các sản phẩm công nghiệp. Hãy nghiên cứu cách kết hợp các nguyên liệu có sẵn từ tự nhiên, chúng sẽ giúp ngôi nhà lưu hương thơm mát sau khi sử dụng để làm sạch. Có rất nhiều chất tẩy rửa làm sạch nhà, làm sạch nội thất và an toàn với môi trường như baking soda, giấm, bột mì, chanh, bồ hòn…

    Theo Helino (31/5/2019)

    Trung Quốc phát triển thành công công nghệ ức chế chất độc hại

    Các nhà khoa học Trung Quốc đã phát triển thành công phương pháp ức chế việc tạo ra các chất độc hại sinh ra từ quá trình đốt rác thải.

    Nghiên cứu được thực hiện bởi các nhà khoa học thuộc Viện Vật lý hóa học Đại Liên thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Trung Quốc đã dẫn đến việc phát triển các công nghệ ức chế mới có thể giúp làm giảm hơn một nửa lượng chất thải dioxin trong quá trình đốt chất thải rắn.


    Trung Quốc phát triển thành công công nghệ ức chế chất độc hại. (Ảnh minh họa: KT)

    Một lượng lớn các hợp chất thơm clo hóa cực độc được phát ra trong quá trình đốt chất thải rắn. Các hóa chất trong đó có dioxin được Chương trình Môi trường Liên Hợp Quốc liệt vào danh sách các chất gây ô nhiễm hữu cơ nguy hiểm do tác dụng gây ung thư, quái thai hay các đột biến khác.

    Các nhà khoa học đã tiến hành nghiên cứu tác động của oxit kim loại và clorua lên quá trình clo hóa các hợp chất thơm. Quá trình clo hóa là một bước quan trọng để kiểm soát sự hình thành các hợp chất độc hại trong khí đốt.

    Với lý thuyết vừa đưa ra, nhóm nghiên cứu đã ức chế thành công lượng đầu ra của dioxin tại 3 nhà máy điện đốt chất thải rắn quy mô lớn ở Trung Quốc tới hơn một nửa. Kết quả nghiên cứu khả quan này đã được công bố trong số đăng mới nhất của tạp chí khoa học quốc tế Khoa học và Công nghệ Môi trường.

    Theo Vov.vn (2/6/2019)

    Chất lượng nước tại Việt Nam suy giảm, ô nhiễm gia tăng

    Ô nhiễm tấn công nguồn nước mặt, nước dưới đất. Tỉ lệ nước thải đô thị và công nghiệp được xử lý thấp với phần lớn nước thải sinh hoạt, nước thải công nghiệp, chất thải rắn được xả thẳng vào nguồn nước.

    Mặc dù mang lại những lợi ích to lớn, tăng trưởng kinh tế cũng tạo ra những áp lực cho nguồn nước, dẫn tới sự căng thẳng về kinh tế. Nền kinh tế Việt Nam tăng trưởng rất nhanh, lại có nguồn tài nguyên nước dồi dào khiến những thách thức tiềm ẩn trong sự thành công này dễ bị xem nhẹ: Tình trạng căng thẳng về nước được ghi nhận ở một số vùng và theo mùa với sự bất cân đối giữa cung và cầu. Trong những năm tới, những căng thẳng này có xu hướng gia tăng nếu không có hành động can thiệp kịp thời.

    Nếu vẫn tiếp tục mục tiêu tăng trưởng kinh tế trong điều kiện gia tăng áp lực lên tài nguyên nước sẽ dẫn đến tình trạng cạnh tranh giữa các nhu cầu sử dụng nước, làm gia tăng nhiều đánh đổi, đòi hỏi phải theo dõi chặt chẽ hơn cách thức mà tài nguyên nước được quản lý và phân bổ như thế nào. Khoảng 90% lượng nước khai thác trên phạm vi cả nước là để đáp ứng nhu cầu tưới tiêu và nuôi trồng thủy sản.

    Ngày nay, do nhu cầu khai thác, sử dụng nước phục vụ phát triển thủy điện, nhiệt điện, công nghiệp, đô thị, giao thông thủy và các nhu cầu sử dụng nước giá trị cao khác ngày càng tăng dẫn tới nguy cơ cạnh tranh sử dụng nước càng lớn trong khi chưa thể giải quyết một cách dễ dàng thông qua thể chế quản lý tài nguyên nước hiện tại.

    Giá trị tiềm năng và giá trị thực tế nhận được trên mỗi đơn vị nước còn tồn tại một khoảng cách lớn. Ngành nông nghiệp có thể tạo ra nhiều giá trị hơn, thông qua việc sử dụng nước hiệu quả hơn và năng suất nước cao hơn và lựa chọn canh tác trọng tâm, nhằm giúp cải thiện thu nhập và giá trị gia tăng cho người nông dân.

    Cách quản lý tài nguyên hiện tại chưa tạo được động lực cần thiết thúc đẩy việc tạo ra giá trị cao nhất có thể của tài nguyên nước. Ví dụ như việc khuyến khích nông dân coi trọng giá trị của tài nguyên nước hơn thông qua việc thu phí sử dụng nước trong nông nghiệp, theo đó, nước sẽ được sử dụng hiệu quả hơn. Tối ưu hóa bậc thang thủy điện trên sông thành một hệ thống cũng là một giải pháp nâng cao đáng kể sản lượng điện, đồng nghĩa là doanh thu cao hơn.

    Chất lượng nước bị suy giảm và lượng ô nhiễm có xu hướng gia tăng. Ô nhiễm đang tấn công nguồn nước mặt và nước dưới đất. Tỉ lệ nước thải đô thị và công nghiệp được xử lý còn thấp với phần lớn nước thải sinh hoạt, nước thải công nghiệp, chất thải rắn được xả thẳng vào nguồn nước.

    Một số đoạn sông – trước đây là các đoạn sông sạch – chảy trong hay ven thành phố đã trở nên ô nhiễm nặng. Mực nước biển dâng, cùng với sự suy giảm dòng chảy đã gây ra tình trạng xâm nhập mặn đối với nước mặt và nước dưới đất. Khai thác nước dưới đất thiếu kiểm soát bào mòn nguồn tài nguyên này và gây ra sụt lún tại một số khu vực.

    Biến đổi khí hậu đang làm gia tăng rủi ro và tổn thất do hạn hán và lũ lụt, những thiên tai gần đây cho thấy còn thiếu về cơ sở hạ tầng cũng như khả năng chống chịu thấp. Vướng mắc, bất cập về thể chế, quản lý và cơ sở hạ tầng sẽ khiến những tổn thương này càng lớn, làm hạn chế các dịch vụ nước và làm giảm giá trị do việc phân bổ và sử dụng nước chưa đảm bảo tối ưu.

    Việt Nam đang nhanh chóng tiến tới một nước thu nhập trung bình. Nếu ngành nước muốn tiếp tục hỗ trợ sự phát triển nhanh chóng của nền kinh tế quốc gia thì cần phải vượt qua ba thách thức quan trọng: nâng cao hiệu quả sử dụng nước để đáp ứng nhu cầu nước ngày càng cao, đồng thời, nâng cao thu nhập trên mỗi đơn vị nước sử dụng; giảm các mối đe dọa do nước “quá ít, quá nhiều và quá bẩn”; và cải thiện quản trị nước- chính sách, thể chế và tài chính.

    Để có cái nhìn tổng thể về hậu quả và các tổn thất kinh tế do không có hành động can thiệp ở thời điểm hiện tại, Nghiên cứu đã lựa chọn một số thách thức có thể xảy ra trong tương lai để mô hình hóa những tác động kinh tế trên diện rộng và các tác động tiêu cực sẽ xảy ra vào năm 2035 nếu không có hành động can thiệp. Một nghiên cứu đã thực hiện mô hình hóa các tác động tiêu cực của các mối đe dọa tới GDP tổng thể vào năm 2035, so sánh với kịch bản năm 2035 không có đe dọa.

    Kết quả chạy mô hình cho thấy, các đe dọa sẽ gây thiệt hại từ 0,2-3,5% tổng GDP. Lưu ý số liệu lựa chọn tính toán là số liệu của năm 2016, dao động từ 400 triệu và 7 tỷ đô la Mỹ cho mỗi đe dọa/ảnh hưởng. Khi kết hợp tất cả các đe dọa, tác động tổng thể lên GDP lên đến 6% GDP.

    Theo Bizlive.vn (31/5/2019)

    Liên hợp quốc kêu gọi đánh thuế ô nhiễm

    Tại Hội nghị thường niên của liên minh R20 (Các khu vực hành động vì khí hậu) tại Vienna (Áo), Tổng thư ký Liên hợp quốc António Guterres đã kêu gọi các chính phủ đánh thuế ô nhiễm, chứ không phải dân số, để chống biến đổi khí hậu.

    R20, được thành lập năm 2011 bởi cựu Thống đốc bang California Arnold Schwarzenegger với sự hỗ trợ của Liên hợp quốc, là một liên minh của các chính phủ khu vực, các doanh nghiệp tư nhân, các tổ chức phi chính phủ, các trường đại học và các tổ chức tài chính với sứ mệnh đẩy nhanh quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế xanh.

    Tại Hội nghị thường niên của liên minh R20 (Các khu vực hành động vì khí hậu) tại Vienna (Áo), ngày 28/5, ông Guterres tuyên bố nêu rõ: “Chúng ta phải đánh thuế ô nhiễm, chứ không phải dân số, và ngừng trợ cấp cho nhiên liệu hóa thạch”. Theo người đứng đầu Liên hợp quốc, nhiều người vẫn lầm tưởng rằng “việc trợ cấp cho nhiên liệu hóa thạch là một cách để cải thiện điều kiện sống của người dân”.

    “Không có gì sai hơn thế. Chúng ta sử dụng tiền của người nộp thuế – tiền của chúng ta – để tăng cường các cơn bão, hạn hán lan rộng, làm tan chảy sông băng, làm trắng san hô. Nói một cách dễ hiểu – phá hủy thế giới” – ông nói thêm.


    Các nhà máy nhiệt điện đã hoạt động và đang được xây dựng đe dọa ảnh hưởng đến mục tiêu ngăn chặn sự ấm dần lên của Trái Đất.

    Nhà lãnh đạo cấp cao của Liên hợp quốc ước tính rằng người nộp thuế có thể muốn thu hồi tiền của họ hơn là xem nó được sử dụng để phá hủy thế giới. “Chúng ta cần giải phóng cơ sở hạ tầng đô thị, đặc biệt là giao thông và các tòa nhà, và ngừng xây dựng các nhà máy than mới gây độc cho không khí chúng ta hít thở” – ông nhấn mạnh.

    “Chúng ta cần thúc đẩy tiêu thụ và sản xuất bền vững, hỗ trợ nông nghiệp thông minh với các giải pháp dựa trên tự nhiên chứ không dựa trên các đầu vào hóa học”.

    Bên cạnh đó, Tổng thư ký Guterres cũng một lần nữa nhắc lại rằng, chính vì lý do này mà ông tổ chức Hội nghị thượng đỉnh về khí hậu vào tháng 9 ở New York (Mỹ).

    Tổng thư ký Liên hợp quốc yêu cầu các nhà lãnh đạo không đi kèm với những bài phát biểu hay mà hãy đưa ra những kế hoạch cụ thể để thúc đẩy hành động khí hậu mà chúng ta cần.

    “Tôi muốn thế giới đoàn kết để hạn chế sự gia tăng nhiệt độ toàn cầu xuống 1,5 độ C và giữ lời hứa của Thỏa thuận Paris (về khí hậu)” – ông nêu rõ.

    Trong đó, liên minh R20 có vai trò rất lớn. “Hành động khí hậu ở cấp độ khu vực là điều cần thiết để giải quyết khủng hoảng khí hậu, không chỉ bởi vì chính quyền khu vực gần gũi nhất với người dân, mà còn bởi vì các khu vực và thành phố là động lực chính của nền kinh tế toàn cầu” – Tổng thư ký nhấn mạnh.

    80 quốc gia sẵn sàng tăng cường cam kết về khí hậu

    Cũng trong ngày 28/5, Đặc phái viên Liên hợp quốc về khí hậu Luis Alfonso de Alba tuyên bố bảo đảm rằng khoảng 80 quốc gia đã sẵn sàng đáp ứng các cam kết giảm lượng khí thải carbon theo thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu.

    Theo thỏa thuận, các nước ký kết cam kết sẽ công bố vào năm 2020 những nỗ lực mới nhằm tăng cường kế hoạch quốc gia để giảm phát thải khí nhà kính, trong nỗ lực ngăn chặn sự gia tăng nhiệt độ toàn cầu.

    “Có 80 quốc gia đã chỉ cho chúng tôi thấy rằng họ đã sẵn sàng” để điều chỉnh lại tham vọng của mình – ông Luis Alfonso de Alba tuyên bố với các phóng viên.

    Liên hợp quốc đang thúc đẩy các chính phủ giảm 45% khí thải nhà kính trong 10 năm tới và đạt được tính trung lập carbon vào năm 2050.

    Theo Đặc phái viên Luis Alfonso de Alba, chúng ta cần tăng đáng kể tham vọng của mình. Thay vì tiếp cận dần dần, chúng ta cần tăng cường quyết tâm một cách mạnh mẽ.

    Theo VietnamPlus (30/5/2019)

    Làm sao tiêu hủy pin điện mặt trời?

    Tuổi thọ pin điện mặt trời từ 20 – 25 năm, có loại pin tuổi thọ chỉ 15 năm. Vậy phải xử lý tiêu hủy pin này như thế nào để không ảnh hưởng môi trường?

    Nhiều dự án nhà máy điện mặt trời đang thi công xây dựng tại tỉnh Ninh Thuận – Ảnh: MINH TRÂN

    Đây là vấn đề được đặt ra tại Hội thảo quốc gia phát triển Ninh Thuận trở thành trung tâm năng lượng tái tạo (NLTT) của cả nước, vào chiều 24-5, do Bộ Công thương, Viện Hàn lâm khoa học – xã hội Việt Nam và UBND tỉnh Ninh Thuận phối hợp tổ chức.


    Hội thảo quốc gia phát triển Ninh Thuận trở thành trung tâm năng lượng tái tạo của cả nước – Ảnh: MINH TRÂN

    Ông Nguyễn Minh Trứ, trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Ninh Thuận, đại biểu HĐND tỉnh, cho hay các đợt tiếp xúc cử tri huyện Ninh Phước, cử tri đều hỏi tuổi thọ pin ĐMT từ 20 – 25 năm, có loại pin tuổi thọ chỉ 15 năm.

    “Sau đó pin này thải ra được xử lý tiêu hủy ra sao để không ảnh hưởng môi trường sống của người dân” – ông Trứ đặt câu hỏi.


    Tuổi thọ pin điện mặt trời từ 20 – 25 năm, có loại chỉ 15 năm. Hiện chưa có công nghệ xử lý tiêu hủy khi các pin đến hạn – Ảnh: MINH TRÂN

    Ông Đỗ Đức Quân, cục phó Cục Điện lực và NLTT Bộ Công thương, trả lời: “Các tấm pin điện mặt trời không gây ô nhiễm môi trường. Chúng tôi hy vọng 20 năm tới, thế giới sẽ có công nghệ xử lý tiêu hủy các tấm pin đến hạn”.

    Thế nhưng, theo PGS.TS Nguyễn Chiến Thắng, viện phó Viện Kinh tế Việt Nam, điện mặt trời có gây ô nhiễm, vì những tấm pin được sản xuất có nhiều hóa chất carrium, arsenic và silicon tetrachloride. Đây là những chất rất độc hại cho công nhân chế tạo cũng như thẩm thấu nguồn nước, khuếch tán vào không khí.

    Việc thu gom, tái chế các tấm pin điện mặt trời cũng chưa tiến hành nghiêm túc, có nguy cơ gây ô nhiễm cao.

    Phó chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận Phạm Văn Hậu đề nghị trong khi chờ đến tuổi thọ pin điện mặt trời, bộ ngành trung ương cần nghiên cứu đưa ra công nghệ tối ưu để xử lý tiêu hủy các tấm pin này.

    “Hiện Bộ Công thương đang rất khuyến khích các nhà đầu tư tham gia nghiên cứu xây dựng công nghệ xử tiêu hủy các pin điện mặt trời đến hạn và sẽ được bộ hỗ trợ kinh phí” – ông Đỗ Đức Quân, cục phó Cục Điện lực và năng lượng tái tạo, nói.

    Cần có Luật năng lượng tái tạo

    PGS.TS Bùi Nhật Quang, phó chủ tịch Viện Hàn lâm khoa học – xã hội Việt Nam, cho rằng tuy năm 2018, Chính phủ có ban hành Nghị quyết 115/NQ-CP chấp thuận chủ trương phát triển Ninh Thuận trở thành trung tâm năng lượng tái tạo của cả nước với một số cơ chế đặc thù.

    Tuy nhiên, hiện Việt Nam chưa có Luật năng lượng tái tạo để có nền tảng pháp lý đủ mạnh về quy định hàng loạt cơ chế chính sách cần thiết như giá, yêu cầu về công nghệ, vấn đề thành lập các quỹ phát triển năng lượng tái tạo, chế tài xử lý các vi phạm nếu có.

    “Đây là đòi hỏi cấp thiết để Ninh Thuận thực hiện thuận lợi cơ chế đặc thù và sớm trở thành trung tâm năng lượng tái tạo của cả nước” – ông Quang nói.

    Theo Minh Trân/tuoitre.vn (25/5/2019)

    10 ý tưởng nhà ở nổi bật và sáng tạo được trao giải

    Chương trình Môi trường sống thế giới của Liên hợp quốc (World Habitat) đã trao thưởng, mỗi giải trị giá 11.000 USD, cho 10 ý tưởng, dự án và chương trình nhà ở nổi bật và sáng tạo nhất trên toàn cầu.

    Hai trong số 10 sáng kiến, dự án và chương trình về nhà ở có tính sáng tạo đoạt giải của Liên hợp quốc đã thuộc về Nhật Bản và Pakistan. Cụ thể, chương trình của Nhật Bản liên quan tới hỗ trợ bà mẹ đơn thân bằng cách dùng tiền trợ cấp chính phủ để cải tạo nhà bỏ hoang rồi cho các bà mẹ đơn thân thuê với giá thấp trong bối cảnh tại Nhật Bản, một bà mẹ đơn thân rất khó có thể thuê được một căn hộ với giá phải chăng.

    Trong khi đó, chương trình của Pakistan do Hiệp hội Di sản nước này thực hiện, hướng dẫn những phụ nữ bị gạt ra ngoài xã hội, cách đóng một bếp lò bằng đất, hợp vệ sinh, bền và không bị khói khi đun nấu. Chương trình này không những cải thiện sức khỏe của người phụ nữ trong công việc nấu nướng mà còn giúp họ kiếm kế sinh nhai bằng cách đóng bếp lò và mang đi bán ở nơi khác.

    Ngoài hai dự án trên, những dự án khác lọt vào vòng chung kết giải World Habitat 2018 đến từ Haiti, Hà Lan, Algeria, Kenya, Rwanda, Uganda, Tajikistan và Anh. Các ý tưởng, dự án và chương trình được lựa chọn này đều nhấn mạnh về vai trò trong việc thúc đẩy các giải pháp về nhà ở, giúp thay đổi đời sống của người dân cũng như góp phần mang lại sự vào sự thịnh vượng cho họ.

    Được khởi xướng từ năm 1985, cuộc thi giải World Habitat trên thế giới hằng năm thu hút nhiều dự án có sự đóng góp nổi bật cho sinh hoạt của người dân trong nhiều mặt của đời sống. Hơn 250 giải World Habitat suất sắc đã được công nhận trong nhiều năm qua, cho thấy những cải thiện quan trọng và bền vững về điều kiện đời sống sinh hoạt của con người.

    Theo Vũ Nhung/tapchimoitruong.vn

    Philippines yêu cầu học sinh trồng 10 cây trước khi tốt nghiệp

    Nếu được thực hiện đúng cách, luật mới của Philippines sẽ đảm bảo ít nhất 175 triệu cây mới được trồng mỗi năm.

    Philippines ngày 15/5 đã ban hành luật “Di sản tốt nghiệp cho Hành động vì môi trường”. Bộ Giáo dục và Đào tạo Philippines và Ủy ban Giáo dục Đại học sẽ chịu trách nhiệm thực hiện và đảm bảo tuân thủ đạo luật mới.

    Theo luật, mỗi học sinh năm cuối cấp tiểu học, trung học và đại học phải trồng ít nhất 10 cây mới có thể tốt nghiệp. Việc này nhằm góp phần chống lại biến đổi khí hậu toàn cầu, mang lại hiểu biết về môi trường cho các thế hệ tương lai và thúc đẩy nhiều sáng kiến sinh thái hơn.

    Ảnh: Nextshark

    Tác giả chính của đạo luật, ông Gary Alejano (Đảng Magdalo) cho rằng với hơn 12 triệu học sinh tốt nghiệp tiểu học, gần 5 triệu tốt nghiệp trung học và gần 500.000 tốt nghiệp đại học mỗi năm, sáng kiến này sẽ đảm bảo ít nhất 175 triệu cây mới được trồng. Ông Alejano dự kiến, ở mỗi thế hệ, Philippines sẽ có ít nhất 525 tỷ cây được trồng.

    Các cây sẽ được trồng trong rừng ngập mặn, rừng hiện có, một số khu vực được bảo vệ, khu khai thác bị bỏ hoang hoặc một số khu đô thị. Chính phủ cho biết cây được trồng phải phù hợp với yêu cầu của từng khu vực, khí hậu và địa hình, khuyến khích lựa chọn loài bản địa.

    Philippines là một trong những quốc gia có nạn phá rừng nghiêm trọng nhất thế giới, tổng diện tích rừng giảm từ 70% xuống 20% trong thế kỷ 20. Khai thác gỗ bất hợp pháp là vấn đề đối với đất nước này. Việc thiếu cây xanh ở một số khu vực đã làm gia tăng lũ lụt, lở đất.

    Theo NextShark/tinmoitruong.vn (29/5/2019)

    Những người lớn lên trong môi trường thiên nhiên sẽ có sức khỏe tinh thần tốt hơn

    Theo một công trình khoa học vừa được công bố cho thấy, những người lớn lên trong môi trường thiên nhiên có thể có sức khỏe tâm thần tốt hơn. Nghiên cứu được công bố trên tạp chí International Journal of Environmental Health Research.

    Phát hiện này của các nhà nghiên cứu kêu gọi thay đổi các ưu tiên khi nói đến vấn đề quy hoạch đô thị cho các thế hệ tương lai.

    Chúng ta đều biết rằng, có rất nhiều lợi ích sức khỏe để dành thời gian ở ngoài trời, nhưng nghiên cứu cụ thể rất khan hiếm khi nói về việc thời gian ở bên ngoài có những tác động như thế nào đối với một đứa trẻ.


    Trẻ em sống trong môi trường hòa cùng thiên nhiên sẽ có sức khỏe tinh thần tốt

    Để kiểm tra điều này, các nhà nghiên cứu đã khảo sát 3.585 người lớn từ 18 đến 75 tuổi ở bốn thành phố châu Âu về các chủ đề như tần suất họ đến thăm không gian tự nhiên khi còn nhỏ và bây giờ là người lớn. Những người tham gia cũng được kiểm tra tâm lý để xác định tình trạng sức khỏe tâm thần của họ trong thời gian trước đó.

    Những người trưởng thành có mức độ tiếp xúc với thiên nhiên thấp trong thời thơ ấu đã gặp những vấn đề sức khỏe tâm thần nghiêm trọng hơn và không xem các không gian tự nhiên có tầm quan trọng như tuổi trưởng thành của những người dành nhiều thời gian để trưởng thành bên ngoài.

    Các nhà nghiên cứu nói rằng, những phát hiện của họ làm nổi bật tầm quan trọng của việc tiếp xúc của trẻ em với không gian tự nhiên vì nó liên quan đến việc phát triển sự đánh giá cao của thiên nhiên và trạng thái tâm lý lành mạnh ở tuổi trưởng thành.

    Điều này đặc biệt có liên quan với gần 3/4 người châu Âu hiện đang sống trong các không gian đô thị có rất ít cơ hội hòa mình vào không gian xanh. Con số đó dự kiến ​​sẽ tăng lên 80% trong 3 thập kỷ tới.

    Tác giả nghiên cứu Mark Nieuwenhuijsen, cho biết: “Chúng tôi kêu gọi các nhà hoạch định chính sách cải thiện sự sẵn có của không gian tự nhiên cho trẻ em và môi trường xanh.”

    Sức khỏe tâm thần đã được chứng minh là bị ảnh hưởng tiêu cực bởi môi trường đô thị do tiếp xúc với tiếng ồn, đám đông và thiếu không gian xanh. Trẻ em có lối sống ít vận động có nhiều khả năng có chất lượng cuộc sống thấp hơn, lòng tự trọng, sức khỏe thể chất và chỉ số khối cơ thể cao hơn.

    Tuy nhiên, các tác giả nói rằng cần có các nghiên cứu sâu hơn để xác nhận phát hiện của họ và xác định lý do tại sao chúng ta thấy những lợi ích lâu dài này với thiên nhiên.

    Theo Moitruong.com.vn (28/5/2019)