29.1 C
Hanoi
Chủ Nhật, Tháng 7 6, 2025
More
    Home Blog Page 2

    Cảnh báo nguy cơ cháy nổ tiềm ẩn từ pin lithium

    Sau hơn 1,15 triệu sản phẩm bị thu hồi tại Mỹ vì nguy cơ cháy nổ, Anker chính thức mở rộng việc thu hồi sang thị trường Việt Nam. Dù chưa ghi nhận sự cố nào trong nước, hãng vẫn cảnh báo người dùng ngừng sử dụng các mẫu pin nằm trong diện bị ảnh hưởng và tuân thủ nghiêm hướng dẫn an toàn.

    Bốn mẫu pin sạc dự phòng của Anker nằm trong danh sách thu hồi bao gồm: Anker 10.000 mAh 22,5 W (mã sản phẩm A1257); Anker 20.000 mAh 22,5 W tích hợp cáp USB-C (mã A1647); Anker Zolo 20.000 mAh 30W tích hợp cáp USB-C và Lightning (mã A1681) và Anker Zolo 20.000 mAh 30W tích hợp cáp USB-C (mã A1689). Đây đều là những sản phẩm phổ biến, được phân phối chính hãng tại nhiều cửa hàng điện tử và trên các sàn thương mại điện tử tại Việt Nam.

    Hiện chưa có thông tin cụ thể về số lượng sản phẩm thu hồi trong đợt này. Người tiêu dùng có thể kiểm tra mã sản phẩm được in ở cạnh dưới thiết bị để xác định xem sản phẩm mình đang sử dụng có nằm trong danh sách bị ảnh hưởng hay không. Nếu có, cần nhanh chóng liên hệ với nhà cung cấp hoặc điểm bán để được hướng dẫn thu hồi hoặc đổi trả. Anker cũng khuyến cáo người dùng không tiếp tục sử dụng các mẫu pin nói trên mà nên bảo quản sản phẩm trong hộp nhựa, đặt ở nơi khô ráo, thoáng mát, tránh xa vật liệu dễ cháy và không sạc pin trong thời gian dài để đề phòng sự cố bất ngờ.

    Nguyên nhân sâu xa của đợt thu hồi lần này đến từ việc các sản phẩm pin bị ảnh hưởng đều sử dụng cell pin do công ty Amprius (Mỹ) cung cấp. Theo cơ quan kiểm định tiêu chuẩn 3C của Trung Quốc, các cell pin của Amprius có thể phát sinh sự cố sau thời gian dài sử dụng, đặc biệt khi pin hoạt động liên tục khiến nhiệt độ tăng cao, làm gia tăng nguy cơ cháy nổ.

    Trong đợt thu hồi tại Mỹ, Ủy ban An toàn Sản phẩm Tiêu dùng (CPSC) đã ghi nhận tổng cộng 19 vụ cháy nổ liên quan đến các dòng pin của Anker, khiến nhiều người bị bỏng nhẹ và thiệt hại tài sản lên tới 60.700 USD.

    Tại Trung Quốc, không chỉ Anker mà nhiều thương hiệu lớn khác như Xiaomi, Romoss, Baseus… cũng đã đồng loạt thu hồi một số mẫu sạc dự phòng sử dụng loại cell pin tương tự. Điều đáng lo ngại là nhiều trong số các sản phẩm bị thu hồi ở nước ngoài vẫn được rao bán tràn lan trên sàn thương mại điện tử tại Việt Nam, tiềm ẩn rủi ro cho người tiêu dùng trong nước nếu không có sự kiểm soát chặt chẽ từ cơ quan chức năng.

    Thực tế cho thấy, không ít vụ cháy nổ nghiêm trọng trong thời gian gần đây đều xuất phát từ pin lithium-ion. Tháng 4/2024, một vụ hỏa hoạn xảy ra tại cửa hàng điện thoại ở quận 10, TP.HCM, được xác định bắt nguồn từ sạc dự phòng bị quá nhiệt sau khi cắm sạc qua đêm. Tháng 3/2025, tại Bình Dương, một học sinh đã bị bỏng ở tay khi sạc dự phòng phát nổ ngay trong balo.

    Trên thế giới, cuối năm 2023, một vụ cháy nhà nghiêm trọng tại Úc khiến ba người thiệt mạng, nguyên nhân cũng đến từ sạc dự phòng phát nổ khi đang cắm sạc trong phòng kín. Những sự cố này là lời cảnh tỉnh rõ ràng cho cả nhà sản xuất và người tiêu dùng: bất kỳ sản phẩm điện tử nào cũng có thể trở thành “quả bom nổ chậm” nếu thiếu kiểm soát chất lượng và lơ là trong sử dụng.

    Trước tình trạng nguy cơ cháy nổ từ thiết bị điện tử ngày càng phổ biến, Việt Nam đã ban hành nhiều tiêu chuẩn và quy định pháp luật nhằm đảm bảo an toàn cho người tiêu dùng. Tiêu chuẩn quốc gia TCVN 11918:2017 quy định rõ các yêu cầu an toàn đối với pin lithium, bao gồm thử nghiệm va đập, quá nhiệt, đoản mạch và rò rỉ. Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 101:2020/BTTTT yêu cầu kiểm tra nghiêm ngặt pin sử dụng trong các thiết bị di động, bao gồm sạc dự phòng.

    Luật An toàn sản phẩm và hàng hóa cũng yêu cầu các doanh nghiệp phải có trách nhiệm thu hồi sản phẩm khi có dấu hiệu mất an toàn hoặc khi có cảnh báo từ cơ quan chức năng. Ngoài ra, Nghị định 43/2017/NĐ-CP về nhãn hàng hóa quy định bắt buộc các sản phẩm pin, sạc dự phòng phải ghi rõ mã hiệu, xuất xứ, thông tin cảnh báo nguy hiểm giúp người tiêu dùng nhận biết và phòng tránh rủi ro.

    Việc Anker chủ động thu hồi sản phẩm tại Việt Nam là động thái đáng ghi nhận, song đồng thời cũng là hồi chuông cảnh tỉnh về lỗ hổng trong kiểm soát chất lượng các thiết bị công nghệ cao. Người tiêu dùng cần nâng cao nhận thức về các nguy cơ tiềm ẩn từ pin lithium, chỉ sử dụng sản phẩm đã qua kiểm định, không sạc pin qua đêm và phải bảo quản đúng cách để hạn chế tối đa rủi ro.

    Về phía cơ quan quản lý, cần siết chặt khâu nhập khẩu, kiểm định và xử lý nghiêm các hành vi bán hàng không rõ nguồn gốc. Trong bối cảnh số lượng thiết bị sử dụng pin lithium ngày càng gia tăng, việc đảm bảo an toàn cho người tiêu dùng không chỉ là trách nhiệm của doanh nghiệp mà còn là yêu cầu cấp thiết của toàn xã hội.

    Thanh Hiền
    https://vietq.vn/canh-bao-nguy-co-chay-no-tiem-an-tu-pin-lithium-d234726.html

    EU tiên phong quy định dán nhãn thiết bị điện tử, thúc đẩy sản xuất bền vững

    Từ tháng 6 năm nay, tất cả điện thoại thông minh và máy tính bảng được bán tại Liên minh châu Âu (EU) – bao gồm cả iPhone, iPad và thiết bị Android – sẽ bắt buộc phải dán sáu nhãn thông tin tiêu chuẩn mới.

    Các thiết bị điện tử giờ đây đang trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống con người. Tuy nhiên, vòng đời sản phẩm ngắn ngủi và lượng rác thải điện tử khổng lồ đang là thách thức môi trường nghiêm trọng. Nhận thức được vấn đề này, Liên minh Châu Âu (EU) tiếp tục khẳng định vai trò tiên phong trong việc thúc đẩy nền kinh tế tuần hoàn bằng việc ban hành các quy định mới về dán nhãn sản phẩm.

    Liên minh Châu Âu tiên phong với 6 nhãn dán mới về thiết bị điện tử

    Bắt đầu từ tháng 6 năm nay, các quy tắc bền vững mới của EU sẽ có hiệu lực, yêu cầu tất cả điện thoại thông minh và máy tính bảng được bán tại thị trường này phải hiển thị một loạt nhãn năng lượng mới. Những nhãn dán này sẽ cung cấp thông tin chi tiết, giúp người mua đưa ra quyết định sáng suốt hơn về sản phẩm mình lựa chọn.

    Hệ thống nhãn dán mới sẽ bao gồm sáu hạng mục chính, mỗi hạng mục mang một ý nghĩa quan trọng đối với người dùng:

    Lớp hiệu quả năng lượng (Energy Efficiency Class): Xếp hạng từ A đến G, tương tự như nhãn năng lượng trên các thiết bị gia dụng khác, cho biết mức độ tiết kiệm năng lượng của thiết bị.

    Tuổi thọ pin mỗi lần sạc (Battery Life per Charge): Thể hiện thời lượng sử dụng pin theo giờ và phút sau mỗi lần sạc đầy, dựa trên các tiêu chuẩn thử nghiệm thống nhất.

    Tuổi thọ pin (Battery Longevity): Đánh giá khả năng duy trì dung lượng pin, cụ thể là dung lượng tối thiểu 80% sau 800 chu kỳ sạc, giúp người dùng dự đoán được tuổi thọ hữu dụng của pin.

    Điểm khả năng sửa chữa (Repairability Score): Xếp hạng từ A đến E, phản ánh mức độ dễ dàng sửa chữa của thiết bị. Điểm số này sẽ bao gồm các yếu tố như khả năng tiếp cận linh kiện, tính sẵn có của hướng dẫn sửa chữa và sự dễ dàng trong việc tháo lắp.

    Chỉ số chống rơi (Drop Resistance Rating): Đánh giá khả năng chống chịu của thiết bị khi rơi, giúp người dùng biết được độ bền vật lý của sản phẩm.

    Chỉ số chống xâm nhập (Ingress Protection Score – IP Code): Thể hiện khả năng chống bụi và nước của thiết bị, một thông tin quan trọng đối với độ bền và tuổi thọ trong điều kiện sử dụng hàng ngày.

    Đáng chú ý, mỗi nhãn dán sẽ có một mã QR liên kết trực tiếp đến Cơ sở dữ liệu đăng ký sản phẩm Châu Âu về Nhãn năng lượng (EPREL), nơi người tiêu dùng có thể truy cập các thông số kỹ thuật chi tiết và thông tin bổ sung về sản phẩm.

    Việc EU mạnh tay trong các quy định mới không nằm ngoài chiến lược lớn nhằm xây dựng một nền kinh tế tuần hoàn và trao quyền cho người tiêu dùng. Đây là một phần của cam kết của EU trong việc giảm thiểu rác thải điện tử (e-waste) – một trong những dòng chất thải tăng nhanh nhất thế giới. Theo các chuyên gia môi trường, việc kéo dài tuổi thọ của các thiết bị điện tử là chìa khóa để giảm bớt gánh nặng môi trường từ việc sản xuất và thải bỏ.

    Các quy định mới còn củng cố sáng kiến “Quyền được sửa chữa” (Right to Repair) của EU, nhằm đảm bảo rằng người tiêu dùng có quyền và khả năng sửa chữa các thiết bị của mình một cách dễ dàng và hợp lý. Điều này đòi hỏi các nhà sản xuất phải cung cấp linh kiện thay thế, hướng dẫn sửa chữa và các công cụ cần thiết trong một khoảng thời gian nhất định sau khi sản phẩm ngừng sản xuất. Cụ thể, các nhà sản xuất hiện có nghĩa vụ cung cấp các linh kiện thay thế thiết yếu trong vòng bảy năm sau khi đơn vị cuối cùng của một mẫu sản phẩm được bán tại EU, vượt nhẹ so với thời gian hỗ trợ hiện tại của một số hãng lớn như Apple.

    Theo European Consumer Organisation (BEUC), đây là một “bước ngoặt lớn trong quyền được sửa chữa và tiêu dùng bền vững”, góp phần thúc đẩy thị trường thiết bị điện tử có trách nhiệm hơn với môi trường.

    Việc EU đi đầu trong minh bạch hóa nhãn năng lượng sẽ tạo chuẩn mực toàn cầu, buộc các doanh nghiệp công nghệ lớn phải thiết kế sản phẩm theo yêu cầu châu Âu, từ đó ảnh hưởng đến sản phẩm bán tại các thị trường khác như Mỹ, Nhật, Đông Nam Á… Quy định mới của EU về sáu nhãn năng lượng dành cho điện thoại và máy tính bảng đánh dấu bước tiến mạnh mẽ trong việc thúc đẩy nền kinh tế tuần hoàn và giảm thiểu rác thải điện tử.

    Trong bối cảnh biến đổi khí hậu và ô nhiễm công nghệ ngày càng gia tăng, những biện pháp như vậy là cần thiết để tạo dựng tương lai tiêu dùng có trách nhiệm, minh bạch và bền vững.

    Bảo Linh
    https://vietq.vn/eu-tien-phong-voi-quy-dinh-dan-nhan-thiet-bi-dien-tu-thuc-day-san-xuat-ben-vung-d234617.html

    Chuyên gia khuyến cáo các loại đậu tốt cho sức khỏe nhưng không nên lạm dụng

    Nghiên cứu mới được trình bày tại hội nghị của Học viện Dinh dưỡng và Ăn kiêng ở Minneapolis (Mỹ) cho thấy, các loại đậu nói chung có thể mang lại rất nhiều lợi ích cho sức khỏe.

    Nghiên cứu dựa vào dữ liệu từ Khảo sát Kiểm tra Sức khỏe và Dinh dưỡng Quốc gia Mỹ (2001–2018), đây là cuộc khảo sát về chế độ ăn uống và sức khỏe của người dân Mỹ.

    Kết quả cho thấy việc bổ sung đậu vào chế độ ăn có thể giúp cơ thể nhận đủ các chất dinh dưỡng cần thiết, đồng thời cải thiện sức khỏe tổng thể. Cụ thể, việc ăn thêm đậu sẽ giúp tăng cường các chất dinh dưỡng quan trọng mà nhiều người thiếu, chẳng hạn như chất xơ, magie, kali và sắt.

    Theo trang sức khỏe Everyday Health, chất xơ là một trong những thành phần quan trọng nhất mà nhiều người không nhận đủ trong chế độ ăn. Chất xơ có vai trò quan trọng trong việc duy trì sức khỏe tiêu hóa, giúp giảm nguy cơ táo bón và các vấn đề đường ruột khác.

    Đặc biệt, chất xơ hòa tan có trong các loại đậu có thể giúp cải thiện mức cholesterol trong máu, giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch, đồng thời giúp ổn định lượng đường huyết. Việc bổ sung đậu vào chế độ ăn giúp cơ thể có thể tiêu hóa và hấp thụ các dưỡng chất một cách hiệu quả hơn.


    Các loại đậu tốt nhưng cũng nên lưu ý khi ăn để tốt cho sức khỏe. Ảnh minh họa

    Bên cạnh đó, việc ăn đậu còn giúp người tiêu dùng cảm thấy no lâu, giúp giảm cảm giác đói và kiểm soát khẩu phần ăn trong ngày. Bà Julie Garden-Robinson, chuyên gia thực phẩm và dinh dưỡng của Mỹ, cho biết khi đậu được kết hợp cùng chế độ ăn uống ít calo và ít chất béo, chúng có thể giúp kiểm soát cân nặng. Chất xơ trong đậu còn giúp giảm sự thèm ăn, góp phần hỗ trợ giảm cân.

    Ngoài ra, sắt và magie đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì chức năng cơ thể, đặc biệt là trong việc hỗ trợ sức khỏe tim mạch và cải thiện năng lượng trong cơ thể. Magie có tác dụng giúp duy trì sức khỏe của xương, trong khi kali giúp điều hòa huyết áp và hỗ trợ chức năng thần kinh. Thêm vào đó, đậu cũng cung cấp một lượng lớn protein thực vật, giúp phục hồi cơ bắp và cải thiện sức khỏe tổng thể.

    Việc thay thế các thực phẩm chế biến sẵn, đồ ăn nhanh hoặc các thực phẩm chứa nhiều đường và chất béo bão hòa bằng đậu sẽ giúp cải thiện chất lượng dinh dưỡng của bữa ăn. Nhờ đó, cơ thể nhận được lượng chất xơ và protein tốt hơn, đồng thời giảm nguy cơ mắc các bệnh do ăn không lành mạnh, như bệnh tim mạch và tiểu đường loại 2.

    Đậu cũng là nguồn protein thực vật tuyệt vời, có thể thay thế thịt đỏ, giúp duy trì chế độ ăn lành mạnh và bền vững hơn. Đậu phộng, mặc dù giàu chất béo, nhưng nếu không ướp muối và dùng đúng cách vẫn có lợi cho sức khỏe tim mạch.

    Như vậy, việc bổ sung đậu vào chế độ ăn không chỉ đơn giản là một phương pháp cải thiện dinh dưỡng, mà còn là một cách thức để thay đổi thói quen ăn uống theo hướng lành mạnh hơn. Tuy nhiên, không nên ăn nhiều vì có thể gây đầy hơi, chướng bụng do chứa nhiều oligosaccharides – một loại đường khó tiêu hóa.

    Ngoài ra, do đậu có nhiều chất xơ, dùng quá nhiều có thể dẫn đến táo bón hoặc chuột rút. Đặc biệt, loại đậu thận sống có chứa nồng độ cao Phytohaemagglutinin (PHA), một lectin độc hại nên nếu ăn sống loại đậu này có thể gây buồn nôn, nôn, tiêu chảy và đau bụng.

    Không nên dùng đậu với hy vọng chữa trị bất kỳ tình trạng sức khỏe hoặc bệnh tật nào đang xảy ra. Người bệnh hội chứng ruột kích thích cần chú ý khi ăn đậu. Mặc dù không có nghiên cứu nào bác bỏ việc sử dụng đậu cho một nhóm cụ thể, nhưng những người bị hội chứng ruột kích thích có thể cảm thấy khó chịu ở dạ dày, chủ yếu là đầy hơi và khó tiêu, do hàm lượng cao oligosaccharide trong các loại đậu này. Do đó, nên ăn đậu ở mức độ vừa phải, như một phần của chế độ ăn uống cân bằng hàng ngày.

    Tiêu chuẩn về ngũ cốc, đậu đỗ và các loại hạt

    Tiêu chuẩn Quốc gia TCVN 11017:2015 – “Ngũ cốc, đậu đỗ và các loại hạt khác – Tên gọi” được xây dựng dựa trên tiêu chuẩn quốc tế ISO 5526:2013, nhằm thiết lập danh mục tên gọi chính thức cho các loại ngũ cốc, đậu đỗ và hạt dùng trong sản xuất và thương mại. Trong đó, nhóm đậu đỗ (pulses) được quy định khá chi tiết với nhiều loại đậu phổ biến trong sản xuất nông nghiệp và chế biến thực phẩm. Tiêu chuẩn này quy định rõ tên tiếng Việt, tên khoa học, tên tiếng Anh và mã của Hội Kiểm nghiệm Hạt giống Quốc tế (ISTA) đối với từng loại đậu, giúp thống nhất sử dụng trong các tài liệu chuyên ngành, kiểm nghiệm, thương mại và nghiên cứu.

    Một số loại đậu nổi bật trong danh mục gồm đậu xanh (Vigna radiata), đậu lăng (Lens culinaris), đậu gà hay còn gọi là đậu garbanzo (Cicer arietinum), đậu tây hay đậu thận (Phaseolus vulgaris), đậu Hà Lan (Pisum sativum), đậu đen (Vigna mungo), đậu lupin các loại, đậu pinto và đậu azuki. Việc quy chuẩn tên gọi không chỉ giúp dễ dàng phân biệt các loại đậu có hình thái tương tự mà còn hỗ trợ hoạt động kiểm nghiệm hạt giống, truy xuất nguồn gốc và thương mại hóa sản phẩm trong nước và quốc tế.

    Theo Vân Thảo (T/h)
    https://vietq.vn/chuyen-gia-khuyen-cao-cac-loai-dau-tot-cho-suc-khoe-nhung-khong-nen-lam-dung-d234665.html

    Dùng dầu chăn nuôi sản xuất thành dầu ăn cho người, tiềm ẩn nhiều tác hại khôn lường

    Hàng chục nghìn tấn dầu ăn nhập khẩu dành cho chăn nuôi đã được cơ sở sản xuất thành dầu ăn chế biến thực phẩm cho người đang trở thành nỗi ám ảnh của người tiêu dùng, tiềm ẩn nhiều tác hại khôn lường.

    Dầu chăn nuôi làm từ gì?

    Dầu chăn nuôi là nguồn chất béo bổ sung vào thức ăn công nghiệp, được đưa vào cám viên hoặc phun lên bề mặt sau khi ép viên. Hầu hết, dầu chăn nuôi thường được làm từ: Dầu ăn đã qua sử dụng; Phụ phẩm dầu công nghiệp chưa tinh chế; Mỡ động vật thải loại không đạt chuẩn thực phẩm. Loại dầu này chỉ để dùng trong chăn nuôi, không thể sử dụng làm thực phẩm.

    Liên quan đến vấn đề trên, mới đây, Công an tỉnh Hưng Yên đã triệt phá đường dây sản xuất hàng chục nghìn tấn dầu ăn nhập khẩu dành cho thức ăn chăn nuôi để sản xuất chế biến thành dầu ăn chế biến thực phẩm cho người. Công ty TNHH Sản xuất và Xuất nhập khẩu Nhật Minh Food (chủ thương hiệu OFood) là đơn vị nhập khẩu lượng lớn dầu này. Tuy nhiên, đơn vị này đã cho bơm trực tiếp dầu nguyên liệu vào hệ thống sản xuất qua đường ống ngầm, sau đó đóng gói, dán nhãn là dầu ăn cho người, kèm công bố “có bổ sung vitamin A”. Kết quả kiểm nghiệm cho thấy sản phẩm không hề chứa vi chất này.

    Lượng dầu không đạt chuẩn được đưa đến nhiều cơ sở chế biến thực phẩm, nhà hàng, cơ sở sản xuất bim bim, salad công nghiệp, khu làng nghề và bếp ăn tại nhiều tỉnh thành. Ước tính hàng chục nghìn tấn dầu ăn loại này đã tiêu thụ ra thị trường.

    Dầu dùng cho chăn nuôi nhưng lại dùng để chế biến thành dùng cho người tiền ẩn nhiều nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe

    Tiềm ẩn nhiều rủi ro sức khỏe khi sử dụng dầu chăn nuôi làm thực phẩm

    Theo Báo cáo của Ủy ban An toàn Thực phẩm châu Âu (EFSA) năm 2016 cảnh báo, dầu không dành cho người thường có hàm lượng cao các chất oxy hóa lipid, axit béo tự do, kim loại nặng (như chì, cadmium) và hydrocarbon thơm đa vòng (PAHs), những chất độc có thể gây đột biến gen, rối loạn chuyển hóa, tổn thương gan, thận và ung thư nếu tích tụ lâu dài.

    Hiệp hội An toàn Thực phẩm Mỹ (IAFP) cũng cảnh báo, thực phẩm chiên rán bằng dầu chăn nuôi có thể làm tăng nguy cơ xơ vữa động mạch, viêm gan nhiễm độc và rối loạn nội tiết sau một thời gian tiếp xúc liên tục. Những rủi ro này thường âm thầm và không gây biểu hiện cấp tính, nhưng tác động về lâu dài là rất đáng lo ngại.

    Ngoài ra, tiêu thụ thực phẩm chiên bằng dầu đã qua sử dụng nhiều lần có liên quan đến tăng nguy cơ bệnh tim mạch. Nguyên nhân chủ yếu do sự hiện diện của chất béo chuyển hóa và lipid bị oxy hóa, cả hai đều là tác nhân gây xơ vữa động mạch, tăng huyết áp và cholesterol cao.

    Một nghiên cứu trên tạp chí Hóa sinh Lâm sàng Ấn Độ cho thấy chuột ăn dầu đã chiên nhiều lần có mức cholesterol LDL (cholesterol xấu) tăng cao và thành động mạch dày lên liên quan tới bệnh tim mạch. Chất béo chuyển hóa đã bị kiểm soát nghiêm ngặt ở nhiều quốc gia vì mối liên hệ rõ ràng với bệnh mạch vành.

    Ngoài độc tính trực tiếp, dầu chiên nhiều lần còn ảnh hưởng đến hệ vi sinh đường ruột và góp phần gây tăng cân. Các chất béo bị biến chất làm rối loạn tiêu hóa và gây viêm trong ruột, ảnh hưởng đến khả năng hấp thụ dinh dưỡng và điều hòa insulin.

    Một nghiên cứu đăng trên tạp chí Nutrients chỉ ra rằng các loại dầu bị phân hủy ảnh hưởng tiêu cực đến ruột, làm tăng viêm hệ thống, từ đó góp phần gây béo phì và rối loạn chuyển hóa.

    Trước những rủi ro rõ ràng, nhiều quốc gia đã ban hành hướng dẫn về quy trình chiên rán an toàn và xử lý dầu ăn đã qua sử dụng. Ví dụ, Singapore và một số bang của Ấn Độ quy định số lần tối đa dầu được phép tái sử dụng trong môi trường thương mại. Tuy nhiên, việc thực thi vẫn là một thách thức, đặc biệt trong các quán ăn đường phố.

    Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) nhấn mạnh tầm quan trọng của việc giáo dục cộng đồng về tác hại của dầu chiên lại và khuyến khích sử dụng chất béo lành mạnh, chẳng hạn dầu ô-liu hoặc dầu cải, với lượng vừa phải.

    Theo Bảo Linh (t/h)
    https://vietq.vn/tu-dau-chan-nuoi-thanh-dau-an-tiem-an-nhieu-tac-hai-khon-luong-d234615.html

    Chất dinh dưỡng cucurbitacin có trong dưa chuột mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe

    Dưa chuột (hay dưa leo) là loại thực phẩm mang lại nhiều lợi ích tuyệt vời cho sức khỏe như hỗ trợ tiêu hóa, ngăn ngừa táo bón, ổn định đường huyết và tăng cường sức khỏe tim mạch.

    Theo The Times of India (Ấn Độ), dưa chuột không chỉ là món ăn giải nhiệt tuyệt vời mà còn là “siêu thực phẩm” mang đến vô vàn lợi ích sức khỏe đáng kinh ngạc. Từ việc hỗ trợ tiêu hóa, ngăn ngừa táo bón cho đến kiểm soát đường huyết và bảo vệ tim mạch, loại quả bình dân này thực sự có thể là bí quyết giúp bạn sống khỏe mạnh hơn mỗi ngày.

    Ngăn ngừa ung thư

    Dưa chuột chứa hàm lượng cao chất dinh dưỡng cucurbitacin. Theo một bài báo trên tập san học thuật International Journal of Health Services (Mỹ), cucurbitacin trong dưa chuột có thể ngăn ngừa ung thư bằng cách ngăn chặn các tế bào ung thư sinh sản. Theo chuyên trang y tế Medical News Today cũng cho biết, hàm lượng chất xơ trong dưa chuột cũng có thể giúp chống lại ung thư đại trực tràng.

    Tốt cho tim mạch

    Hàm lượng kali trong dưa chuột giúp cân bằng mức natri trong cơ thể, từ đó hỗ trợ huyết áp ổn định. Thêm vào đó, chất xơ và các hợp chất chống oxy hóa trong dưa chuột có thể giúp giảm cholesterol “xấu” (LDL) và viêm, hai yếu tố nguy cơ chính gây bệnh tim.

    Hiệp hội Tim mạch Mỹ (AHA) lưu ý rằng chất xơ có thể giúp kiểm soát cholesterol và ngăn ngừa các vấn đề liên quan đến tim mạch. Dưa chuột cũng chứa nhiều kali. Giảm lượng natri và tăng lượng kali có thể giúp ngăn ngừa huyết áp cao. Cucurbitacin trong dưa chuột cũng có thể giúp ngăn ngừa chứng xơ vữa động mạch.


    Dưa chuột là thực phẩm quen thuộc, giá rẻ nhưng mang lại nhiều giá trị dinh dưỡng tốt cho sức khỏe. Ảnh minh họa

    Ngăn ngừa bệnh tiểu đường

    Dưa chuột có thể đóng vai trò quan trọng trong việc kiểm soát và ngăn ngừa bệnh tiểu đường. Nó chứa cucurbitacin có thể giúp giảm mức đường huyết hoặc ngăn đường huyết tăng quá cao. Các chuyên gia cho rằng chất cucurbitacin giúp điều chỉnh việc giải phóng insulin và chuyển hóa glycogen ở gan, một loại hoóc môn quan trọng trong quá trình xử lý lượng đường trong máu.

    Nghiên cứu trên chuột còn cho thấy vỏ dưa chuột giúp kiểm soát bệnh tiểu đường – có thể nhờ hàm lượng chất chống oxy hóa. Theo AHA, chất xơ và chỉ số đường huyết thấp của dưa chuột cũng có thể giúp ngăn ngừa và kiểm soát bệnh tiểu đường.

    Tăng cường độ ẩm cho cơ thể

    Với gần 95% là nước, dưa chuột là lựa chọn tuyệt vời giúp giải khát và bù nước hiệu quả. Uống đủ nước không chỉ giúp tỉnh táo mà còn hỗ trợ tiêu hóa, tuần hoàn, điều hòa thân nhiệt và hấp thu dưỡng chất tốt hơn. Vào những ngày nóng nực hoặc sau khi vận động, một vài lát dưa chuột trong bữa ăn sẽ giúp bạn duy trì độ ẩm cần thiết cho cơ thể.

    Giàu chất chống oxy hóa

    Dưa chuột chứa nhiều chất chống oxy hóa mạnh như flavonoid, tannin và quercetin, những dưỡng chất giúp bảo vệ cơ thể từ bên trong. Các hợp chất này chống lại các gốc tự do, những phân tử không ổn định góp phần gây lão hóa và các bệnh như ung thư, Alzheimer.

    Cải thiện hệ tiêu hóa, ngừa táo bón

    Nếu thường xuyên bị đầy bụng hay táo bón, dưa chuột chính là “vị cứu tinh”. Chất xơ trong vỏ dưa chuột giúp làm tăng khối lượng phân, hỗ trợ nhu động ruột hiệu quả. Đồng thời, lượng nước dồi dào giúp làm mềm chất thải và thúc đẩy quá trình tiêu hóa. Hãy thử ăn dưa chuột thường xuyên trước khi nghĩ đến thuốc nhuận tràng.

    Hỗ trợ kiểm soát cân nặng

    Dưa chuột là món ăn nhẹ lý tưởng cho những ai đang muốn kiểm soát cân nặng. Chỉ với khoảng 16 calo mỗi cốc, loại quả này giúp bạn no lâu mà không lo tăng cân, nhờ hàm lượng nước và chất xơ cao.

    Cải thiện sức khỏe làn da

    Dưa chuột không chỉ được dùng phổ biến trong spa vì tính mát và dịu nhẹ, mà còn thực sự có tác dụng làm đẹp từ bên trong. Hàm lượng silica trong dưa chuột hỗ trợ sản xuất collagen, giúp da căng mịn và săn chắc. Đồng thời, các chất chống oxy hóa giúp làm chậm quá trình lão hóa và bảo vệ da khỏi tác động từ ánh nắng và ô nhiễm môi trường.

    Có đặc tính chống viêm

    Viêm mãn tính là nguyên nhân âm thầm dẫn đến nhiều bệnh lý nghiêm trọng. Dưa chuột với hàm lượng chất chống oxy hóa cao giúp giảm viêm, làm dịu các kích ứng bên trong và hỗ trợ hệ miễn dịch khỏe mạnh hơn.

    Tiêu chuẩn quốc gia TCVN 168:2020 về dưa chuột dầm

    TCVN 168:2020 đã được Bộ Khoa học và Công nghệ ban hành để quy định các yêu cầu kỹ thuật đối với sản phẩm dưa chuột dầm được chế biến và đóng gói sẵn để tiêu thụ.

    Theo đó, TCVN 168:2020 áp dụng cho dưa chuột dầm sản xuất từ các giống dưa chuột (Cucumis sativus L.) tươi, chất lượng tốt, đã qua quá trình sơ chế, ngâm trong dung dịch dầm như giấm, muối, đường, có thể kèm theo gia vị tự nhiên. Dưa chuột dùng trong sản phẩm này phải đảm bảo không bị sâu bệnh, dập nát và không chứa dư lượng thuốc bảo vệ thực vật vượt ngưỡng cho phép.

    Tiêu chuẩn cũng quy định rõ các yêu cầu cảm quan như màu sắc tự nhiên, mùi vị đặc trưng, không có mùi lạ và độ giòn phù hợp. Về chỉ tiêu hóa lý, sản phẩm phải đạt hàm lượng muối, axit và độ pH nhất định để đảm bảo khả năng bảo quản cũng như an toàn cho sức khỏe. Các chỉ tiêu vi sinh vật như tổng số vi khuẩn hiếu khí, Coliforms, E. coli, nấm men và nấm mốc đều phải nằm trong giới hạn an toàn theo quy định.

    Ngoài ra, TCVN 168:2020 còn quy định rõ về bao bì, ghi nhãn và bảo quản sản phẩm, nhấn mạnh việc ghi rõ nguồn gốc, thành phần, ngày sản xuất và hạn sử dụng để đảm bảo quyền lợi và sự an toàn cho người tiêu dùng. Đây là tiêu chuẩn quan trọng giúp kiểm soát chất lượng trong sản xuất dưa chuột dầm và nâng cao uy tín cho các doanh nghiệp thực phẩm.

    Theo Vân Thảo (T/h)
    https://vietq.vn/dua-chuot-co-the-ho-tro-ngan-ngua-tieu-duong-tot-cho-tim-mach-va-nhieu-benh-khac-hieu-qua-d234573.html

    Bác sĩ khuyến cáo nên cẩn trọng khi dùng thuốc điều trị bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính

    Sử dụng thuốc đúng cách là yếu tố then chốt trong điều trị bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD). Tuy nhiên, thực tế cho thấy nhiều bệnh nhân vẫn dùng thuốc sai cách khiến điều trị kém hiệu quả mà còn gây tác dụng phụ nghiêm trọng.

    Theo Hiệp hội Phổi Mỹ, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD) là một trong những nguyên nhân gây tử vong hàng đầu tại Việt Nam và thế giới. Dù không thể chữa khỏi hoàn toàn, nếu được điều trị đúng cách, người bệnh có thể kiểm soát triệu chứng, giảm số lần nhập viện và nâng cao chất lượng cuộc sống. Tuy nhiên, việc dùng thuốc điều trị COPD không đúng cách lại có thể khiến bệnh nặng thêm, gây biến chứng nguy hiểm.

    Nhiều người bệnh có tâm lý muốn cắt nhanh cơn ho kéo dài – một triệu chứng phổ biến ở COPD nên tự ý sử dụng thuốc giảm ho. Tuy nhiên, theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Chu Thị Hạnh (Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội), ho là phản xạ tự nhiên giúp cơ thể tống đờm ra ngoài. Việc dùng thuốc ức chế ho vô tình làm đờm ứ đọng, gây bít tắc đường thở, từ đó khiến bệnh nặng hơn. Tương tự, các thuốc an thần hay thuốc ngủ nếu dùng tùy tiện có thể ức chế trung tâm hô hấp, làm giảm khả năng thông khí và gây ngưng thở – đặc biệt nguy hiểm ở người bệnh COPD nặng hoặc lớn tuổi.

    Người bệnh COPD thường được chỉ định dùng thuốc giãn phế quản dạng hít (ống xịt định liều MDI, bột hít DPI hoặc khí dung). Đây là nhóm thuốc có tác dụng nhanh, trực tiếp tại phổi, hạn chế tác dụng phụ toàn thân. Tuy nhiên, hiệu quả điều trị chỉ đạt được nếu người bệnh sử dụng đúng thiết bị, đúng kỹ thuật và đủ liều lượng. Nếu dùng sai cách, thuốc sẽ không vào được phổi hoặc lượng thuốc không đủ để đạt hiệu quả mong muốn.


    Sử dụng thuốc điều trị bệnh phổi tắc nghẽn nên lưu ý để không hại sức khỏe. Ảnh minh họa

    Ngoài ra, một số người có thể lạm dụng hoặc dùng không đều thuốc dạng hít chứa corticoid, gây ra tình trạng nhiễm nấm miệng (Candida), loét niêm mạc, hoặc các tác dụng phụ như yếu cơ, loãng xương nếu dùng lâu dài. Vì vậy, sau khi xịt thuốc, cần súc miệng sạch để tránh đọng thuốc ở miệng và họng.

    Chia sẻ với Everyday Health, tiến sĩ Robert A. Wise, Giám đốc y khoa tại Trung tâm Hen suyễn và Dị ứng Johns Hopkins ở Baltimore (Mỹ) cho biết, một số dấu hiệu cảnh báo bệnh đang trở nặng hoặc thuốc mất tác dụng gồm: ho kéo dài hơn, thở khò khè tăng lên, khó thở khi gắng sức, đờm chuyển màu xanh vàng, huyết áp hoặc nhịp tim thay đổi, buồn nôn, tiêu chảy hoặc tê bì tay chân (có thể do hạ kali khi dùng corticoid). Nếu gặp những biểu hiện này, người bệnh cần đi khám ngay để được điều chỉnh thuốc hoặc thay đổi phác đồ điều trị kịp thời.

    Đôi khi, nếu một người dùng sai liều thuốc điều trị COPD còn có thể ảnh hưởng đến huyết áp, nhịp mạch hoặc thậm chí là chất điện giải của họ. Người bệnh COPD có thể bị hạ kali do một số loại thuốc xịt nhất định. Vì vậy nên theo dõi thường xuyên các dấu hiệu sinh tồn và chất điện giải để đảm bảo cơ thể đang xử lý thuốc phù hợp.

    Thậm chí, Tiến sĩ Wise cho biết, tác dụng phụ phổ biến nhất của một số loại thuốc uống được kê đơn cho COPD là rối loạn tiêu hóa, chẳng hạn buồn nôn, tiêu chảy và sụt cân. Điều này thường xảy ra khi bắt đầu dùng thuốc.

    COPD là bệnh lý tiến triển, do đó việc tái khám định kỳ để theo dõi chức năng phổi, kiểm tra tác dụng thuốc và đánh giá nguy cơ biến chứng là rất quan trọng. Dựa trên tình trạng cụ thể, bác sĩ có thể điều chỉnh liều lượng, thay thuốc phù hợp hoặc kết hợp thêm biện pháp hỗ trợ như vật lý trị liệu hô hấp, phục hồi chức năng phổi.

    Luôn sử dụng thuốc theo chỉ định của bác sĩ, tuyệt đối không tự ý thêm hoặc bỏ thuốc. Ưu tiên thuốc dạng hít và học cách sử dụng đúng kỹ thuật để tối ưu hiệu quả. Theo dõi sát các dấu hiệu bất thường và tác dụng phụ trong quá trình dùng thuốc. Không tự ý dùng thuốc giảm ho, thuốc an thần, kháng sinh hoặc corticoid đường uống. Tái khám định kỳ, duy trì lối sống lành mạnh để kiểm soát bệnh hiệu quả hơn.

    Thực tế điều trị COPD hiệu quả không chỉ nằm ở việc dùng đúng loại thuốc, mà còn ở cách sử dụng, liều lượng, thời gian và sự phối hợp chặt chẽ giữa bệnh nhân và nhân viên y tế. Dùng thuốc đúng cách không chỉ kiểm soát được triệu chứng mà còn nâng cao chất lượng sống, giảm nguy cơ nhập viện và biến chứng lâu dài cho người bệnh.

    Theo Vân Thảo (T/h)
    https://vietq.vn/bac-si-khuyen-cao-nen-can-trong-khi-dung-thuoc-dieu-tri-benh-phoi-tac-nghen-man-tinh-d234571.html

    Mỹ cảnh báo những loại rau quả nhiễm thuốc trừ sâu nhiều nhất năm 2025

    Tổ chức Môi trường EWG (Environmental Working Group) đã phân tích hơn 53.000 mẫu xét nghiệm dư lượng thuốc trừ sâu trên 47 loại trái cây và rau quả. Kết quả có 12 loại nông sản có mức tồn dư thuốc trừ sâu cao nhất vẫn sử dụng hàng ngày.

    Tổ chức Môi trường EWG (Environmental Working Group) cho biết, trong danh sách công bố năm 2025, rau bina tiếp tục giữ vị trí đầu bảng về mức độ tồn dư thuốc trừ sâu. Theo sau là các loại như dâu tây, cải xoăn, nho, đào, anh đào, xuân đào, lê, táo, mâm xôi đen, việt quất và khoai tây.

    Những loại rau quả này thường có lớp vỏ mỏng hoặc cấu trúc xốp, khiến chúng dễ hấp thụ hóa chất từ thuốc trừ sâu. Việc rửa sạch bằng nước đôi khi không thể loại bỏ hoàn toàn các chất tồn dư. Ngay cả khi gọt vỏ cũng chỉ giúp giảm thiểu tiếp xúc, nhưng vẫn có nguy cơ hóa chất đã ngấm sâu vào bên trong.

    Đáng chú ý, trong năm nay, mâm xôi và khoai tây đã trở lại danh sách “bẩn” sau khi phát hiện có chứa dấu vết của cypermethrin – một loại thuốc trừ sâu mà Cơ quan Bảo vệ Môi trường Hoa Kỳ (EPA) xếp vào nhóm có khả năng gây ung thư. Do đó, việc lựa chọn cẩn trọng và sơ chế đúng cách là điều cần thiết khi sử dụng những loại nông sản này.


    Rau bina nằm đầu trong dách sách chứa thuốc bảo vệ thực vật nhiều nhất. Ảnh minh họa

    Với những người yêu thích ẩm thực và quan tâm đến sức khỏe, việc lựa chọn nguyên liệu sạch và sơ chế đúng cách không chỉ giúp món ăn ngon hơn mà còn đảm bảo an toàn cho sức khỏe. Các chuyên gia khuyến nghị nên rửa kỹ rau củ dưới vòi nước chảy trong ít nhất 15 giây để loại bỏ cặn bẩn và vi sinh vật. Với những loại củ quả có vỏ cứng như khoai tây, cà rốt hay táo, nên dùng bàn chải để chà rửa kỹ. Với rau lá như cải bắp, xà lách, nên lột bỏ lớp lá ngoài. Đối với các loại quả có nhiều khe kẽ như nho, mâm xôi hoặc bông cải, nên ngâm trong nước ấm vài phút để tăng hiệu quả làm sạch.

    Lưu ý, không nên dùng xà phòng hay chất tẩy rửa để rửa thực phẩm vì những chất này không phù hợp cho thực phẩm và có thể gây hại nếu còn sót lại. Đặc biệt, việc hiểu rõ nguồn gốc, đặc điểm và cách sơ chế từng loại nguyên liệu sẽ giúp người tiêu dùng tự tin hơn trong việc chế biến những bữa ăn vừa ngon, vừa an toàn cho bản thân và gia đình.

    Song song với danh sách “bẩn”, EWG cũng công bố bảng xếp hạng 15 loại trái cây và rau củ “sạch” nhất – tức có mức dư lượng thuốc trừ sâu thấp nhất hoặc không phát hiện được. Những loại như chuối, bơ, dứa, hành tây, đu đủ, măng tây, bắp cải, dưa hấu, xoài, cà rốt, nấm, kiwi, ngô ngọt và đậu que được xếp vào nhóm này, nhờ lớp vỏ dày hoặc cấu trúc đặc biệt giúp hạn chế tiếp xúc với hóa chất.

    Chẳng hạn, bắp cải và súp lơ có lớp lá ngoài dày, thường được loại bỏ trước khi chế biến; còn các loại quả như chuối và bơ có vỏ cứng, giúp bảo vệ phần thịt bên trong khỏi tác nhân bên ngoài. Đây là những lựa chọn đáng ưu tiên khi người tiêu dùng muốn tiết kiệm chi phí mà vẫn đảm bảo giảm thiểu nguy cơ tiếp xúc thuốc trừ sâu trong chế độ ăn hàng ngày.

    Dù được xem là thực phẩm “tươi sống” và “tốt cho sức khỏe”, rau củ quả vẫn có thể trở thành nguồn gây hại tiềm ẩn nếu không được kiểm soát nghiêm ngặt. Các chuyên gia dinh dưỡng cảnh báo rằng tình trạng lạm dụng thuốc trừ sâu và hóa chất bảo quản trong sản xuất nông nghiệp vẫn còn phổ biến, khiến dư luận không khỏi lo ngại. Thực tế, các cơ quan chức năng tại Việt Nam cũng liên tục phát hiện nhiều vụ việc rau củ chứa hóa chất vượt ngưỡng cho phép.

    Chỉ tính riêng trong năm 2022, Ban Quản lý An toàn thực phẩm TP.HCM đã lấy mẫu kiểm nghiệm và phát hiện 14 mẫu rau củ được bán tại chợ có chứa các hoạt chất cấm như permethrin, cypermethrin và imidacloprid – những chất được cảnh báo có thể gây tổn thương thần kinh và ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ nhỏ.

    Tại thành phố Vinh (Nghệ An), kết quả kiểm tra cho thấy 5/6 mẫu rau củ nhập khẩu từ Trung Quốc, gồm cải xanh, hành và tỏi, có tồn dư cypermethrin vượt ngưỡng cho phép nhiều lần. Gần đây, trong một đợt kiểm tra bánh mì tại Nha Trang, 11 mẫu rau sống dùng trong món ăn này bị phát hiện chứa thuốc trừ sâu, khiến người tiêu dùng không khỏi hoang mang khi cả món ăn quen thuộc hàng ngày cũng bị “nhiễm độc”.

    Mới đây nhất, tại Sơn La, cơ quan chức năng đã tiến hành tiêu hủy 3 tạ rau quả nhiễm hóa chất độc hại. Kết quả test nhanh cho thấy 9/21 mẫu (gồm bầu, bí, dưa chuột, su su, rau cải dài, chanh, quất, cam, dưa lê, xoài…) dương tính cao với thuốc bảo vệ thực vật và chất bảo quản vượt ngưỡng cho phép hoặc thuộc danh mục cấm.

    Quy định nghiêm ngặt về thuốc bảo vệ thực vật theo quy chuẩn đảm bảo an toàn từ khâu sản xuất đến sử dụng

    Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 01-188:2018/BNNPTNT là quy chuẩn kỹ thuật quốc gia do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành (nay là Bộ Nông nghiệp và Môi trường) quy định các yêu cầu kỹ thuật và quản lý đối với thuốc bảo vệ thực vật được sản xuất, kinh doanh và sử dụng tại Việt Nam. Mục tiêu chính của quy chuẩn là kiểm soát chặt chẽ chất lượng thuốc bảo vệ thực vật, đảm bảo an toàn cho người sử dụng, cây trồng và môi trường.

    Theo quy chuẩn, thuốc bảo vệ thực vật phải được đăng ký và cấp phép lưu hành, đồng thời phải đáp ứng các chỉ tiêu chất lượng, độ tinh khiết và mức độ an toàn theo từng nhóm sản phẩm (thuốc trừ sâu, trừ bệnh, trừ cỏ…). Quy chuẩn cũng quy định rõ giới hạn tối đa cho các tạp chất độc hại, chẳng hạn như arsen, chì hoặc dung môi hữu cơ, nếu vượt mức sẽ bị cấm lưu hành. Bao bì sản phẩm phải ghi đầy đủ, rõ ràng về thành phần, hướng dẫn sử dụng, thời gian cách ly và cảnh báo an toàn.

    Ngoài ra, quy chuẩn yêu cầu kiểm soát nghiêm ngặt quy trình thử nghiệm, lấy mẫu, phân tích và đánh giá chất lượng thuốc bảo vệ thực vật. Việc sử dụng thuốc không đúng quy định hoặc vượt liều có thể bị xử phạt, thậm chí truy cứu trách nhiệm hình sự nếu gây hậu quả nghiêm trọng.

    Theo An Dương (T/h)
    https://vietq.vn/my-canh-bao-danh-sach-rau-qua-nhiem-thuoc-tru-sau-nhieu-nhat-nam-2025-d234535.html

    Chuyên gia Mỹ chỉ ra những thực phẩm bổ sung có thể gây hại thận

    Theo chuyên gia chăm sóc sức khỏe của Mỹ, có rất nhiều loại thực phẩm tưởng tốt nhưng lại tiềm ẩn nhiều nguy hại cho sức khỏe, nhất là thận.

    Tiến sĩ dược HaVy Ngo-Hamilton, cố vấn lâm sàng của Công ty chăm sóc sức khỏe BuzzRx (Mỹ), cho biết nhiều người lầm tưởng thực phẩm bổ sung có nguồn gốc từ thiên nhiên thì vô hại. Tuy nhiên, thực tế không phải lúc nào thực phẩm bổ sung cũng an toàn, đặc biệt là đối với thận. Do đó, tốt nhất nên hỏi ý kiến bác sĩ trước khi sử dụng bất kỳ loại thực phẩm bổ sung nào, theo trang tin sức khỏe Best Life.

    Tiến sĩ Ngo-Hamilton lưu ý, nếu có dấu hiệu tổn thương thận, cần cung cấp cho bác sĩ danh sách đầy đủ các loại thuốc và thực phẩm bổ sung đang sử dụng để xác định nguyên nhân. Dưới đây là một số loại thực phẩm bổ sung phổ biến có thể gây hại cho thận nếu dùng sai cách.

    Nghệ

    Nghệ có đặc tính chống viêm, nhưng theo tiến sĩ dược Angela Dori (Mỹ), người có tiền sử sỏi thận nên tránh dùng liều cao vì nghệ chứa oxalate – chất có thể kết hợp với khoáng và hình thành sỏi.

    Vitamin C

    Cũng theo tiến sĩ Dori, nhiều người bổ sung vitamin C tới 1.000 mg mỗi ngày, vượt xa mức khuyến nghị (75 mg với nữ, 90 mg với nam). Lượng dư thừa này có thể chuyển hóa thành oxalat – yếu tố gây sỏi thận và tổn thương thận cấp.

    Canxi

    Dùng liều cao canxi, đặc biệt khi kết hợp với vitamin C, có thể làm tăng nguy cơ sỏi thận. Tuy nhiên, nếu được bác sĩ chỉ định, bổ sung magiê và vitamin B6 có thể hỗ trợ giảm rủi ro.


    Có nhiều loại thực phẩm bổ sung hại thận nếu sử dụng sai. Ảnh minh họa

    Kali

    Trường Y Harvard khuyến cáo không nên bổ sung kali hằng ngày nếu không có chỉ định. Người mắc bệnh thận mạn tính phải theo dõi lượng kali nạp vào để tránh tăng kali máu – tình trạng có thể gây rối loạn nhịp tim hoặc tử vong.

    Cam thảo

    Tiêu thụ nhiều cam thảo có thể gây tổn thương thận do thành phần glycyrrhizin làm tăng huyết áp. Trung tâm Chăm sóc sức khỏe Quốc gia Mỹ (NCCIC) khuyến cáo người có bệnh tim, thận hoặc huyết áp cao không nên sử dụng.

    Một số lưu ý khác có thể gây hại thận

    Bên cạnh việc tìm hiểu về những thực phẩm không tốt cho thận, mỗi người cần biết các thói quen xấu gây hại cho thận để có thể chủ động phòng tránh, chẳng hạn như: Lạm dụng caffeine (có trong cà phê, soda, trà) vì nếu dung nạp nhiều caffeine mỗi ngày có thể gây hại cho thận. Caffeine làm tăng lưu lượng máu, tăng huyết áp, có tác dụng lợi tiểu, gây mất nước.

    Ít uống nước cũng là nguyên nhân gây hại thận. Uống đủ nước giúp loại bỏ các độc tố, natri dư thừa ra khỏi cơ thể, phòng tránh nguy cơ hình thành sỏi thận. Mỗi người được khuyến nghị nên uống 1,5 – 2 lít nước/ngày. Lưu ý, người đang gặp bệnh lý về thận cần uống nước theo chỉ dẫn của bác sĩ.

    Ngoài ra khi cơ thể chìm vào giấc ngủ, thận sẽ tái tạo các mô bị tổn thương. Chu kỳ ngủ – thức không phù hợp có thể tác động đến thận, dẫn đến tình trạng tăng huyết áp, xơ vữa động mạch, qua đó làm giảm lưu lượng máu đi đến thận.

    Thích ăn ngọt góp phần làm tăng nguy cơ bị tiểu đường, tăng huyết áp – hai trong số các nguyên nhân hàng đầu gây ra các bệnh lý về thận. Hay vận động thể chất quá sức trong thời gian dài có thể dẫn đến tình trạng tiêu cơ vân. Ở tình trạng này, các chất đi vào máu quá nhanh khiến thận không xử lý kịp, làm thận bị suy yếu.

    Những loại thuốc giảm đau không kê đơn như NSAID (thuốc chống viêm không steroid)… có thể làm giảm tình trạng đau nhức nhưng tiềm ẩn nguy cơ gây hại cho thận, đặc biệt là với những người đã mắc bệnh về thận…

    Đảm bảo an toàn thực phẩm bổ sung theo QCVN 20-1:2024/BYT

    Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 20-1:2024/BYT do Bộ Y tế ban hành, quy định giới hạn tối đa cho phép của các chất gây ô nhiễm trong thực phẩm bảo vệ sức khỏe (thường được gọi là thực phẩm bổ sung). Quy chuẩn này có hiệu lực từ ngày 1/8/2025 và là một trong những căn cứ quan trọng để kiểm soát chất lượng sản phẩm trên thị trường, đặc biệt trong bối cảnh người tiêu dùng ngày càng quan tâm đến vấn đề an toàn khi sử dụng thực phẩm chức năng.

    Theo đó, quy chuẩn quy định rõ giới hạn tối đa của các kim loại nặng như chì, thủy ngân, asen và cadimi trong sản phẩm. Ngoài ra, QCVN 20-1 cũng đặt ra các ngưỡng an toàn đối với tồn dư thuốc bảo vệ thực vật, vi sinh vật gây bệnh và các độc tố tự nhiên (ví dụ như aflatoxin, ochratoxin). Những giới hạn này được xây dựng dựa trên cơ sở khoa học và hài hòa với các tiêu chuẩn quốc tế như Codex Alimentarius.

    Mỗi lô sản phẩm thực phẩm bổ sung trước khi lưu hành đều phải được kiểm nghiệm tại các phòng thí nghiệm được công nhận, đảm bảo phù hợp với tiêu chuẩn ISO/IEC 17025. Việc tuân thủ QCVN 20-1:2024/BYT là yêu cầu bắt buộc để bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng, đặc biệt là với các nhóm đối tượng nhạy cảm.

    Theo Vân Thảo (T/h)
    https://vietq.vn/chuyen-gia-my-chi-ra-thuc-pham-bo-sung-co-the-gay-hai-than-d234538.html

    Rước họa vào thân vì kem “tuổi thơ” bán tràn lan trên mạng

    Giữa mùa nắng nóng, nhu cầu giải nhiệt tăng cao khiến thị trường online ngập tràn các loại kem giá rẻ, kem “nhà làm” gợi nhớ hương vị tuổi thơ. Tuy nhiên, đằng sau những que kem tưởng chừng vô hại lại tiềm ẩn nhiều nguy cơ cho sức khỏe, nhất là khi sản phẩm không rõ nguồn gốc, điều kiện bảo quản kém, không kiểm định chất lượng.

    Chỉ cần vài phút lướt mạng xã hội, người tiêu dùng dễ dàng bắt gặp những lời rao mời chào hấp dẫn như “kem tuổi thơ”, “ăn là ghiền”, “kem nhà làm không chất bảo quản”, với mức giá siêu rẻ chỉ 35.000 – 40.000 đồng/chục. Không ít người đã đặt mua cả túi lớn tích trữ trong tủ lạnh mà không cần biết sản phẩm đó được làm từ gì, điều kiện bảo quản ra sao, hay có được kiểm nghiệm vệ sinh thực phẩm hay không.

    Nhiều loại kem que được quảng cáo là “kem nhà làm”, không chất bảo quản, hương vị truyền thống, nhưng lại không có nhãn mác, hạn sử dụng hay bao bì rõ ràng. Kem được đựng sơ sài trong túi nilon hoặc hộp nhựa, không bọc riêng từng que, tiềm ẩn rủi ro mất vệ sinh và ôi thiu trong điều kiện bảo quản không đạt chuẩn.

    Chị Hà (Hà Đông, Hà Nội) cho biết: “Tôi mua một túi 50 que kem các vị sữa dừa, đậu xanh, socola… giá chỉ 4.000 đồng/que, ăn thấy giống kem ngày xưa, nên mua để cả nhà ăn dần. Nhưng giờ nghĩ lại cũng hơi lo vì không có thông tin gì về nơi sản xuất”.

    Chị Minh Tâm (Cầu Giấy, Hà Nội) chia sẻ từng mua thử 20 que kem handmade qua nhóm cư dân tòa nhà: “Mở ra thì không có bao bì, hỏi người bán thì họ bảo là hàng nhà làm. Ăn thấy cũng ngon, nhưng tôi cứ nơm nớp lo không biết ăn xong có đau bụng không”.

    Anh Quốc Anh (Hà Đông) kể từng mua 30 que kem handmade giao tận nơi, khi nhận thấy kem chảy mềm, dính vào nhau, ăn thấy thơm mùi dừa, ngọt nhẹ nhưng lo ngại về độ an toàn.


    Kem “trở về tuổi thơ” nhiều hương vị được rao bán trên mạng xã hội.

    Theo PGS. TS Nguyễn Duy Thịnh – nguyên cán bộ Viện Công nghệ Sinh học và Thực phẩm (Đại học Bách khoa Hà Nội), kem là món ăn giải nhiệt phổ biến mùa hè, song nếu sản xuất thủ công, không đảm bảo vệ sinh sẽ tiềm ẩn nhiều nguy cơ. Trước đây, kem truyền thống thường làm từ bột gạo, bột đậu và đường. Ngày nay, nhiều loại kem trên thị trường sử dụng thêm hương liệu, chất tạo ngọt, chất làm đặc… Người tiêu dùng cần cẩn trọng khi lựa chọn sản phẩm, đặc biệt là các loại kem handmade bán trên mạng không rõ nguồn gốc, không được kiểm định chất lượng.

    Ông khuyến cáo người tiêu dùng nên ưu tiên mua sản phẩm có bao bì, nhãn mác rõ ràng, thông tin nhà sản xuất, hạn sử dụng đầy đủ. Không nên mua thực phẩm qua mạng nếu không biết rõ người bán là ai, ở đâu, bởi nếu có sự cố sẽ rất khó khiếu nại. Việc tiêu thụ kem không kiểm soát được nguyên liệu, điều kiện bảo quản và quy trình sản xuất sẽ dẫn đến nguy cơ ngộ độc thực phẩm, rối loạn tiêu hóa, nhất là với trẻ nhỏ.

    PGS. TS Nguyễn Duy Thịnh nhấn mạnh: “Giữa ma trận hàng giả, hàng kém chất lượng tràn lan, người tiêu dùng cần tỉnh táo, không vì ham rẻ mà đánh đổi sức khỏe”.

    Ông cũng đưa ra một số lưu ý khi chọn mua và sử dụng các sản phẩm kem trong mùa hè: Chỉ chọn sản phẩm có bao bì, nhãn mác rõ ràng, đầy đủ thông tin về hạn dùng và nhà sản xuất; Mua tại các cửa hàng, siêu thị hoặc thương hiệu đã được kiểm định chất lượng; Không tích trữ quá nhiều nếu không có tủ đông chuyên dụng; Hạn chế cho trẻ em ăn các loại kem không rõ nguồn gốc, không có kiểm định an toàn thực phẩm; Tuyệt đối không mua các loại kem có mức giá rẻ bất thường so với thị trường.

    Trong bối cảnh thực phẩm handmade tràn lan, người tiêu dùng cần cảnh giác với những sản phẩm “trở về tuổi thơ” nhưng không đảm bảo an toàn. Bởi đôi khi, chỉ một que kem không rõ nguồn gốc cũng có thể khiến bạn phải trả giá bằng sức khỏe của chính mình và người thân.

    Theo Thanh Hiền (t/h)
    https://vietq.vn/ruoc-hoa-vao-than-vi-kem-tuoi-tho-ban-tran-lan-tren-mang-d234545.html

    Đồ uống trong chai thủy tinh chứa nhiều vi nhựa hơn chai nhựa

    Một nghiên cứu mới vừa được công bố khiến nhiều người tiêu dùng bất ngờ: đồ uống đóng chai thủy tinh có thể chứa lượng vi nhựa cao gấp 5 đến 50 lần so với chai nhựa hoặc lon kim loại.

    Nghiên cứu do Cơ quan An toàn thực phẩm quốc gia Pháp (ANSES) thực hiện đã kiểm tra lượng vi nhựa trong nhiều loại đồ uống phổ biến như nước lọc, nước có gas, bia, nước chanh và rượu vang, được bán trong các loại bao bì khác nhau: chai thủy tinh, chai nhựa và lon kim loại.

    Tuy nhiên kết quả khiến nhiều người phải bất ngờ, trung bình có khoảng 100 hạt vi nhựa trên mỗi lít đồ uống đựng trong chai thủy tinh, trong khi cùng loại đồ uống đựng trong chai nhựa hoặc lon chỉ chứa từ 2 đến 20 hạt/lít.

    Điều bất ngờ là nguồn vi nhựa không đến từ thủy tinh, mà từ lớp sơn phủ bên ngoài nắp chai. Khi các nắp tiếp xúc hoặc cọ xát trong quá trình vận chuyển và lưu kho, lớp sơn này có thể bong tróc và giải phóng các mảnh vi nhựa cực nhỏ vào bên trong chai.

    Theo các nhà khoa học, vi nhựa trong chai thủy tinh cao gấp 5 – 50 lần so với chai nhựa

    Trong vài năm trở lại đây, những mảnh nhựa siêu nhỏ được gọi là vi nhựa không thể nhìn thấy bằng mắt thường được phát hiện ở khắp nơi: trong không khí, thực phẩm, nước uống, thậm chí cả bên trong cơ thể con người. Tuy chưa có bằng chứng chắc chắn về mức độ nguy hiểm đối với sức khỏe, nhưng đây đang là một lĩnh vực được giới khoa học đặc biệt quan tâm.

    Ông Guillaume Duflos – Giám đốc nghiên cứu tại ANSES, cho biết nhóm nghiên cứu muốn tìm hiểu xem lượng vi nhựa trong các loại đồ uống tại Pháp khác nhau như thế nào tùy theo loại bao bì chai thủy tinh, chai nhựa hay lon kim loại.

    Theo ANSES, các vết xước nhỏ mà mắt thường không thấy được có thể xuất hiện do ma sát giữa các nắp chai trong quá trình vận chuyển và bảo quản. Những vết xước này chính là nơi phát tán các mảnh nhựa cực nhỏ vào đồ uống bên trong và con người sẽ nuốt vào bụng.

    Nước lọc (dù là có gas hay không gas) chứa lượng vi nhựa khá thấp trong mọi bao bì: chai thủy tinh có khoảng 4,5 hạt/lít, chai nhựa có 1,6 hạt/lít. Nước giải khát và bia lại là nhóm có chỉ số vi nhựa cao hơn: nước ngọt khoảng 30 hạt/lít, nước chanh khoảng 40 hạt/lít, đặc biệt là các chai bia có khoảng 60 hạt/lít.

    Mặc dù vậy, ANSES nhấn mạnh hiện chưa có ngưỡng an toàn hay độc tính cụ thể cho lượng vi nhựa trong thực phẩm. Do đó không thể kết luận rằng mức độ vi nhựa ghi nhận trong nghiên cứu có gây hại cho sức khỏe con người hay không.

    Hiện tại, chưa có ngưỡng an toàn cụ thể cho lượng vi nhựa trong thực phẩm và đồ uống. Tuy nhiên, các nhà khoa học đang ngày càng quan tâm đến ảnh hưởng tiềm ẩn của vi nhựa đối với sức khỏe con người, từ rối loạn nội tiết đến nguy cơ viêm nhiễm và tổn thương tế bào.

    “Chúng tôi không thể khẳng định lượng vi nhựa này gây hại hay không. Nhưng rõ ràng cần thêm nhiều nghiên cứu để đánh giá rủi ro”, ông Guillaume Duflos, giám đốc nghiên cứu tại ANSES, cho biết.

    Theo ANSES, một quy trình đơn giản có thể giúp giảm tới 60% lượng vi nhựa từ nắp chai. Đó là thổi khí áp lực để làm sạch bề mặt nắp đồng thời rửa bằng nước và cồn trước khi đóng chai. Đây là giải pháp kỹ thuật mà các nhà sản xuất đồ uống hoàn toàn có thể áp dụng để cải thiện chất lượng sản phẩm.

    Theo Bảo Linh (t/h)
    https://vietq.vn/do-uong-trong-chai-thuy-tinh-chua-nhieu-vi-nhua-hon-chai-nhua-d234539.html