Vào mùa hè nhiều người thường sử dụng nước đậu đen để giải khát, tuy nhiên theo các bác sĩ, nếu uống sai cách chúng lại ảnh hưởng không ngờ tới sức khỏe.
Theo bác sĩ chuyên khoa II Huỳnh Tấn Vũ, giảng viên Khoa Y học cổ truyền, Đại học Y Dược TP.HCM, đậu đen là loại ngũ cốc có giá trị dinh dưỡng cao, được sử dụng trong đời sống hàng ngày cũng như các bài thuốc Đông y.
Các nghiên cứu khoa học cho thấy thành phần hóa học của hạt đậu đen khá đa dạng. Vỏ đậu đen có chất màu anthoxyanozit. Trong hạt đậu đen có 24,2% protit, 1,7% chất béo, 53,3% gluxit, 2,8% tro. Hàm lượng muối khoáng là 56 mg%; canxi 354 mg% P; 6,1 mg% sắt; 0,06 mg% carten; 0,51 mg% vitamin B; vitamin PP; 3 mg% vitamin C.
Ngoài ra, hàm lượng các axit amin cần thiết trong đậu đen rất cao. Trong 100 g đậu đen có 0,97 g lysine; 0,31 g mentionin; 0,31 g tryptophan; 0,16 g phenylalanine; 1,09 g alanin; 0,97 g valin; 1,26 g lenxin; 1,11 g izoleuxin; 1,72 g acginin và 0,75 g histidin.
Theo các nghiên cứu gần đây, đậu đen chứa isoflavone và anthocyanin. Đây là hai chất có khả năng điều chỉnh, chuyển hóa chất béo. Bên cạnh đó, nước đậu đen có thể giúp giảm cân do tác dụng làm đầy bụng, no nước, sẽ ít sử dụng các thực phẩm khác.
Không nên dùng nước đậu đen thay thế nước uống hàng ngày. Ảnh minh họa
Dù nước đậu đen rất tốt cho sức khỏe tuy nhiên theo bác sĩ Vũ, uống nước đậu đen chỉ nên sử dụng như món giải khát, tuần sử dụng 2-3 lần, mỗi lần khoảng 100-250 ml. Không nên dùng nước đậu đen thay thế nước uống hàng ngày vì chúng sẽ làm ảnh hưởng khả năng hấp thu các chất trong cơ thể.
Nước đậu đen nên được uống không thêm đường hoặc một chút muối với người lao động nặng. Người có bệnh tiểu đường không nên pha đường vào nước đậu đen. Nước đậu đen có tác dụng lợi tiểu, do đó người có bệnh về thận cần thận trọng khi sử dụng, nên ăn uống theo lời khuyên của thầy thuốc.
Thời gian lý tưởng để sử dụng đậu đen với các thực phẩm khác là cách nhau khoảng 4 giờ. Bởi đậu đen có chữa phytat, sẽ làm ảnh hưởng tới khả năng hấp thu của các chất trong cơ thể. Phytat gây cản trở cho việc hấp thu của các khoáng chất như sắt, kẽm, đồng, phốt pho… dẫn tới thiếu máu, loãng xương.
Bên cạnh đó, người mắc bệnh viêm đại tràng, đi ngoài phân lỏng, tiêu chảy, tiêu hóa kém không dùng đậu đen. Hàm lượng protein trong đậu đen rất cao khiến cho người già, trẻ em hay có thể trạng yếu khó tiêu thụ hết. Vì vậy, khi uống nước đậu đen, bạn dễ gây ra vấn đề về tiêu hóa, đầy bụng, đau bụng.
“Thực tế, không loại thực phẩm nào hoàn hảo và hạt đậu đen cũng không phải thần dược trị bách bệnh. Khi có các vấn đề sức khỏe, người bệnh cần tìm hiểu kỹ nguyên nhân và tìm đến sự thăm khám, điều trị, tư vấn của các thầy thuốc có kiến thức, kinh nghiệm thay vì tin theo, áp dụng thông tin chưa được kiểm chứng trên mạng xã hội”, bác sĩ Vũ nhấn mạnh.
BS Nguyễn Quốc Oai, Trưởng khoa Đông Y (Bệnh viện Phố Nối, Hưng Yên) cũng lưu ý, nước đậu sau khi pha chế có thể bảo quản trong ngăn mát tủ lạnh tối đa 24 giờ đầu. Tránh việc để nước ở nhiệt độ phòng mà không đậy kín sẽ dễ gây tình trạng đau bụng khi uống phải.
Tác dụng của đậu đen mang lại cho cơ thể là rất nhiều. Tuy vậy không nên quá lạm dụng thức uống này để tránh làm ảnh hưởng đến sức khỏe.
Ngoài ra, bác sĩ Oai khuyên, trong những ngày hè nóng bức, để giải nhiệt cùng với việc uống các nước uống giải nhiệt, mọi người cũng nên thường xuyên ăn các loại rau xanh, củ quả, trái cây ít ngọt và kết hợp uống nhiều nước; tránh ăn các món có tính nhiệt, nóng, chiên xào nhiều dầu mỡ, nướng…
Ngọc Nga (T/h)
https://vietq.vn/bac-si-khuyen-cao-khong-nen-dung-nuoc-dau-den-thay-the-nuoc-uong-hang-ngay-d211855.html