Bên cạnh việc bôi kem để bảo vệ da trong mùa hè nắng nóng cao điểm, thì phương pháp sử dụng áo chống nắng vật lý luôn được ưu tiên hàng đầu bởi hiệu quả chống nắng tối đa.

Lựa chọn chất liệu áo chống nắng

Theo các chuyên gia, tất cả các loại vải đều có thể cản được bức xạ tia UV nhưng chỉ ở mức độ nào đó. Để chọn trang phục có chất liệu chống tia UV hiệu quả, bạn cần chú ý đến chỉ số UPF. Ultraviolet Protection Factor là chỉ số đánh giá mức độ bảo vệ của chất liệu vải khỏi các tia UV. Chỉ số UPF càng cao thì độ phòng tránh ảnh hưởng tiêu cực tia UV của trang phục càng lớn. Ví dụ: UPF 3 sẽ cho 1/3 lượng tia tử ngoại đi qua hay cản được 66,6%. UPF 9 sẽ cho 1/9 tia UV đi qua và cản 81%. Và UPF 50 sẽ cho 1/50 đi qua và cản đến 98% tia UV còn lại.

Thông thường, chỉ số của chất liệu vải có độ bảo vệ thực sự tốt là từ 30 trở lên. Điển hình như polyester, nylon,.. cao hơn cotton thường có UPF khoảng từ 5- 8. Loại vải lý tưởng nhất sẽ có chỉ số UPF trên 50, với khả năng ngăn chặn tia UV vượt 97,5%. Tiêu biểu chính là denim (có chỉ số UPF lên tới 115). Tuy nhiên, denim (chất liệu jean) lại có điểm yếu là hấp thụ nhiệt từ mặt trời, gây ra cho người mặc cảm giác nóng bức khó chịu. Vì vậy, bạn nên ưu tiên chọn những item mỏng, nhẹ để thoải mái hơn. Ngoài ra, vải polyester và nylon cũng nằm trong “top” các chất liệu đạt mức độ bảo vệ tốt.

Chỉ số UPF càng cao thì mức độ chống tia UV của trang phục càng lớn

Màu sắc áo chống nắng

Theo chuyên gia, cùng một chất liệu vải gam màu tối có chỉ số chống UV cao hơn màu sáng. Song về nguyên lý hấp thụ nhiệt của các màu sắc thì những tông màu tối như đen, nâu lại có xu hướng hấp thụ nhiệt mạnh hơn. Gây cảm giác nóng hơn các tông màu sáng. Tuy nhiên, trang phục màu đen cũng hấp thụ nhiệt cao, thường gây gảm giác oi bức. Nếu muốn diện đồ đen trong thời tiết nắng nóng, bạn nên chú ý chọn đồ mỏng và chất liệu nhẹ. Nên cân nhắc những thiết kế có gam màu tươi tắn. Nhưng ở tông trầm hoặc thẫm để vừa chống nắng tốt, vừa mang lại sự mát mẻ. Một số gợi ý bạn nên ưu ái là gam màu xanh lơ, màu đỏ đô hoặc màu vàng cam.

Độ dày của áo chống nắng

Về cấu tạo, những loại vải dệt dày đặc như denim, canvas, len hoặc sợi tổng hợp, có khả năng bảo vệ tốt hơn vải dệt mỏng. Bạn có thể kiểm tra độ an toàn với ánh nắng mặt trời của vải bằng cách đưa nó lên chỗ có ánh sáng. Nếu có thể nhìn xuyên qua thì bức xạ UV cũng có thể xuyên qua rồi tác động đến da. Những tấm lụa mỏng nhẹ, vải công nghệ cao được xử lý bằng chất hấp thụ UV hóa học hoặc thuốc nhuộm cũng có thể ngăn chặn một số sự xâm nhập từ tia UV.

Độ chật – rộng của áo chống nắng

Khi chọn áo, bạn nên chọn quần áo vừa vặn, thoải mái. Trường hợp quần áo quá chật dễ bị kéo giãn và giảm mức độ bảo vệ khi sợi vải kéo ra xa nhau, cho phép nhiều tia UV đi qua. Cũng không nên mặc áo quá mỏng khiến bước sóng tia UV dễ chiếu qua, gây hại trực tiếp lên da. Các sợi vải xếp càng khít nhau càng có ít khe hở, chất vải càng dày thì khả năng chống nắng sẽ càng tốt hơn rất nhiều. Hạn chế làm ướt áo, vì áo ướt sẽ làm giảm hiệu quả chống nắng lên đến 50%.

Kiểu vải dệt ảnh hưởng trực tiếp tới khả năng chống tia UV của áo chống nắng

Lựa chọn áo chống nắng có UPF từ 30 trở lên

Nếu bạn không chắc áo chống nắng của mình có khả năng chống tia UV đến mức độ nào, lời khuyên là hãy mua của những hãng uy tín có nhãn ghi chỉ số UPF từ 30 trở lên. “Giống như kem chống nắng có SPF là chỉ số đo lường khả năng chống lại tia UVB, UPF là chỉ số bảo vệ khỏi tia tử ngoại của chất liệu vải trong ngành may mặc như quần áo, khẩu trang. Nếu như SPF trong kem chống nắng là chỉ số bảo vệ khỏi tia UVB thì UPF cho thấy khả năng bảo vệ da trước cả UVA và UVB. UPF càng cao thì khả năng bảo vệ càng tốt”.

– UPF từ 15-24: mức bảo vệ tốt khoảng 93-96.

– UPF từ 25-39 có thể bảo vệ từ 96-97,4.

– UPF từ 40-50 có thể bảo vệ từ 97,5-98%.

Bác sĩ khuyến cáo để chống nắng hiệu quả một biện pháp là chưa đủ. Bạn có thể trang bị cho mình các loại găng tay, váy chống nắng, khẩu trang, kính mát,…phối hợp chăm sóc da, thuốc uống chống nắng, tránh ra nắng giờ cao điểm 10h sáng đến 16h chiều, thoa kem chống nắng ngay cả khi ở trong nhà. Thường xuyên giặt giũ áo chống nắng, tránh để bụi bẩn và vi khuẩn làm ảnh hưởng xấu tới da của bạn.

Khánh Mai (t/h)
https://vietq.vn/nhung-tieu-chi-lua-chon-ao-chong-nang-hieu-qua-trong-mua-he-d211652.html