Sau khi Ngân hàng Thế giới (WB) rút tài trợ vốn cho TP.HCM đầu tư dự án chống ngập, Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) có thư xác nhận sẵn sàng tài trợ nguồn vốn 350 triệu USD để tiếp tục triển khai dự án.

Ngày 27.3, Trung tâm Điều hành chương trình chống ngập nước TP.HCM cho biết Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) vừa có thư gửi UBND TP.HCM về chấp thuận đầu tư dự án cải thiện hệ thống thoát nước mưa, nước thải khu vực TP.HCM, bao gồm 2 lưu vực là lưu vực Tham Lương – Bến Cát và lưu vực Tây Sài Gòn (gọi tắt là dự án chống ngập).

Trong đó, ADB đề xuất ưu tiên tài trợ giai đoạn 1 (tài khóa năm 2019) cho lưu vực Tham Lương – Bến Cát, cụ thể gồm các hạng mục: 2 cống kiểm soát triều Vàm Thuật, Nước Lên, hệ thống cống bao Q.Gò Vấp và hệ thống thu gom nước mưa, nước thải Q.12, Gò Vấp, Bình Thạnh, một đoạn tuyến kè dọc kênh Tham Lương – Bến Cát – Nước Lên từ cầu Tham Lương đến sông Sài Gòn (thuộc Q.12, Gò Vấp, Tân Bình, Bình Thạnh).

Tổng vốn đầu tư mà ADB đề xuất tài trợ là 350 triệu USD (khoảng 8.000 tỉ đồng).

Theo ông Nguyễn Ngọc Công, Giám đốc Trung tâm Điều hành chương trình chống ngập nước TP.HCM, để giảm thời gian cho công tác chuẩn bị dự án, tận dụng tối đa các hồ sơ đã nghiên cứu nhằm tiết kiệm chi phí, và phù hợp với nguồn vốn đầu tư công trung hạn đã được thông qua, thì việc điều chỉnh tên dự án “Quản lý rủi ro ngập nước khu vực TP.HCM” thành dự án “Thích ứng biến đổi khí hậu đô thị TP.HCM lưu vực Tham Lương – Bến Cát” (dự án chống ngập) và điều chỉnh nguồn vốn vay từ WB sang ADB là cần thiết.

Trên thực tế, dự án “Quản lý rủi ro ngập nước khu vực TP.HCM” đã được Thủ tướng phê duyệt danh mục dự án vay vốn ODA của WB vào tháng 1.2015, đến tháng 5.2016, TP.HCM phê duyệt dự án đầu tư.

Tuy nhiên, do những khác biệt liên quan đến công tác giải phóng mặt bằng nên WB đã đề xuất không đầu tư dự án bằng nguồn vốn WB. Đề xuất này của WB cũng đã được Thủ tướng chấp thuận vào tháng 11.2017.

Theo UBND TP.HCM, TP tiếp tục triển khai dự án “Quản lý rủi ro ngập nước khu vực TP.HCM” (sẽ trình Chính phủ đổi tên dự án thành “Thích ứng biến đổi khí hậu đô thị TP.HCM”) nhằm giải quyết cấp bách thoát nước, chống ngập, ô nhiễm môi trường cho lưu vực dự án. Do đó, sau khi WB ngưng tài trợ vốn, TP.HCM xúc tiến kêu gọi các nguồn vốn khác nhau để thực hiện dự án quan trọng này.

Theo thanhnien.vn