Tới đây, nguồn vốn huy động từ các đợt phát hành trái phiếu xanh sẽ được phân bổ vào các dự án liên quan môi trường như năng lượng tái tạo, công trình quản lý rác thải và tòa nhà xanh, giao thông vận tải, sân bay với các tiêu chí đạt tiêu chuẩn bền vững…

Theo thông tin trên Báo Hải Quan, dù chưa có một định nghĩa chính thức nào về sản phẩm này, nhưng trái phiếu xanh được hiểu là công cụ huy động vốn cho các dự án/hoạt động đáp ứng được các tiêu chí về phát triển bền vững, trong đó có thể sẽ đáp ứng tất cả hoặc một phần quy định về môi trường, xã hội, quản trị (ESG).

Các dự án chuyển đổi sang năng lượng bền vững, kiểm soát cách thức thay đổi hành vi tiêu dùng, hướng tới sử dụng năng lượng sạch, nhằm ngăn chặn hiện tượng khí hậu ấm lên trên toàn cầu, tiến tới loại bỏ sự phụ thuộc về năng lượng hóa thạch đòi hỏi phải có sự đầu tư rất lớn trong nhiều lĩnh vực kinh tế khác nhau.


Nguồn vốn huy động từ trái phiếu xanh sẽ được phân bổ vào các dự án liên quan đến môi trường.

Theo Tạp chí Điện tử Tài chính, một trong những giải pháp quan trọng là Bộ Tài chính sẽ thực hiện rà soát, hoàn thiện khung chính sách tài chính nhằm phát triển thị trường vốn xanh và các sản phẩm tài chính xanh. Theo đó, các hoạt động trên thị trường vốn sẽ được thiết lập một khung tài chính xanh như: ban hành các quy định, điều kiện khi niêm yết cổ phiếu (niêm yết xanh), báo cáo (trong báo cáo bền vững) và trong giám sát (theo các tiêu chí tài chính xanh).

Bộ Tài chính cũng sẽ tiếp tục đẩy mạnh các sản phẩm của thị trường vốn xanh bao gồm: Trái phiếu xanh (các trái phiếu của doanh nghiệp xanh, phát hành cho các dự án xanh hoặc các sản phẩm xanh); Trái phiếu chính phủ và trái phiếu chính quyền địa phương phục vụ cho các mục tiêu, chương trình, dự án xanh; Các chỉ số xanh, chỉ số bền vững, chỉ số carbon; Các chứng chỉ, chứng chỉ đầu tư xanh của các quỹ đầu tư phát hành.

Về trái phiếu xanh, ngay từ cuối năm 2015, chương trình hợp tác giữa Ủy ban Chứng khoán Quốc gia với Tổ chức Hợp tác Phát triển Đức (GIZ), Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) đã xây dựng Đề án phát triển thị trường trái phiếu xanh.

Trên cơ sở đó, ngày 20/10/2016, lãnh đạo Bộ Tài chính đã phê duyệt Đề án phát hành thí điểm trái phiếu xanh của chính quyền địa phương và chỉ đạo các đơn vị liên quan triển khai thí điểm trái phiếu xanh chính quyền địa phương. Hai địa phương đầu tiên là TP. Hồ Chí Minh và Bà Rịa – Vũng Tàu đã đồng ý triển khai đề án này.

Đến nay, TP. Hồ Chí Minh đã phát hành 3.000 tỷ đồng trái phiếu chính quyền địa phương xanh cho 34 dự án, trong đó lập danh mục 11 dự án xanh dựa trên “Danh mục dự án xanh” do Ngân hàng Nhà nước ban hành. Đồng thời, Bà Rịa – Vũng Tàu đã chuẩn bị cho đợt phát hành trái phiếu xanh đầu tiên 500 tỷ đồng cho 8 dự án xanh.

Trong chương trình hợp tác từ năm 2018, GIZ dự kiến sẽ phối hợp với Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước, Ủy ban Chứng khoán Quốc gia, hai Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh cùng với IFC xây dựng đề án phát triển trái phiếu xanh doanh nghiệp và trái phiếu xanh định chế tài chính và thí điểm phát hành trái phiếu doanh nghiệp xanh, trước mắt có thể là các công ty thuộc VNSI (Top 20 doanh nghiệp về phát triển bền vững) và ngân hàng thương mại lớn của Việt Nam.

Theo moitruong.com.vn