Theo các chuyên gia về sức khỏe, có rất nhiều loại thực phẩm không thể ăn sống vì bản chất chúng đã chứa chất độc tự nhiên.

Khoai tây

Các chuyên gia khuyến cáo trên chuyên trang sức khỏe Healthline (Mỹ) rằng, do thành phần chủ yếu của khoai tây sống là tinh bột kháng trong khi đó cơ thể con người khó phân hủy loại tinh bột này. Do đó, khi đi vào ruột, một lượng lớn tinh bột kháng sẽ gây các triệu chứng khó chịu cho đường tiêu hóa.

Còn theo Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hà Tĩnh, ăn khoai tây sống nhất là đã có dấu hiệu mọc mầm màu xanh sẽ vô cùng nguy hiểm do có chứa thành phần độc hại là solaninemang vị đắng. Chất này khi ăn vào cơ thể sẽ gây ngộ độc nhanh chóng với các biểu hiện như cứng lưỡi, thanh quản tê liệt, buồn nôn, nôn mửa, đau bụng, tiêu chảy, nóng rát dạ dày và các triệu chứng khác. Nếu gọt bỏ mầm mọc trên củ khoai, chất độc vẫn còn lưu lại trong phần còn lại, có thể sẽ gây ngộ độc.

Công ty Cổ Phần Dược Phẩm FPT Long Châu cũng cho biết, ăn khoai tây sống tiềm ẩn vi khuẩn gây bệnh như Salmonella hoặc E.coli, đặc biệt nếu không được vệ sinh và xử lý đúng cách ăn khoai tây sống có thể gây đầy hơi, đau đầu và buồn nôn.


Có nhiều thực phẩm như khoai tây, rau họ cải không nên ăn sống vì có thể gây ngộ độc

Khoai mì

Khoai mì (củ sắn) thường được chế biến bằng cách luộc, nướng và là món ăn yêu thích của nhiều người. Tuy nhiên, cũng tương tự như khoai tây, khoai mì không nên ăn sống mà phải nấu chín. Nguyên nhân là do trong vỏ và thịt khoai mì đều có chứa xyanua. Khi luộc với số lượng lớn, chất này sẽ đóng váng trên bề mặt nước. Ăn phải chất này với hàm lượng cao sẽ bị ngộ độc. Cách tốt nhất để loại bỏ chất xyanua trong sắn là lột vỏ, ngâm trong nước lạnh nhiều giờ trước khi luộc.

Rau họ cải

Các loại rau họ cải như bông cải xanh, súp lơ trắng, cải xoăn mang lại rất nhiều lợi ích sức khỏe. Ăn sống các loại rau này không gây ra những nguy cơ sức khỏe như khoai tây hay khoai mì. Tuy nhiên, ăn sống chúng có thể gây đầy hơi, chướng bụng ở những người mắc một số vấn đề về ruột nhất định, chẳng hạn như hội chứng ruột kích thích.

Ngoài ra một số người thắc mắc vấn đề như ăn rau cải đi tiểu nhiều hoặc một số người sử dụng lại gây ra phản ứng dị ứng của cơ thể. Hay một số người đang điều trị bằng các loại thuốc làm loãng máu không nên sử dụng rau cải. Bởi thành phần vitamin K trong rau cải khá phong phú. Đây là vitamin giúp đông máu.

Rau cải cũng chứa nhiều oxalat, có thể làm tăng nguy cơ sỏi thận ở những ăn rau cải quá nhiều và thường xuyên. Vì thế, những người có vấn đề sức khỏe liên quan đến thận nên hạn chế loại rau này trong khẩu phần ăn hàng ngày để tránh các tình trạng bệnh tiến triển.

Lá đại hoàng

Lá đại hoàng được chứng minh là chứa các dưỡng chất giúp kiểm soát cholesterol trong máu, hỗ trợ sức khỏe xương, chống táo bón và nhiều lợi ích khác. Tuy nhiên, lá đại hoàng lại có hàm lượng axit oxalic cao và có thể gây độc. Các triệu chứng ngộ độc lá đại hoàng là phồng rộp miệng, buồn nôn, ói mửa, khó thở, giọng khàn và nước tiểu có màu đỏ. Trong trường hợp nghiêm trọng, nạn nhân có thể bị hôn mê hoặc co giật, theo chuyên trang sức khỏe Healthline.

Cà tím

Cà tím chưa chín có chứa chất độc solanine – một chất có thể gây độc tương đối cao nếu ăn. Solanine cơ bản không tan trong nước nếu dùng các phương pháp như nấu canh, luộc… đều không thể loại bỏ được hết solanine vì vậy khi nấu cà tím nên thêm một chút dấm ăn để hỗ trợ giúp phá vỡ và phân giải solanine.

Rau mầm

Các loại rau mầm có thể chứa vi khuẩn có hại như E. coli, Salmonella và Listeria. Rau mầm được trồng trong điều kiện ẩm ướt, ấm áp, nơi những vi khuẩn này phát triển mạnh. Vì vậy, nếu ăn rau mầm sống sẽ rất dễ bị ngộ độc. Nếu ăn rau mầm, hãy chọn những loại rau có nguồn gốc đảm bảo, rửa sạch sẽ và đặc biệt phải nấu chín.

Sữa đậu nành

Do trong đậu nành sống cũng có thành phần độc tố saponin. Đặc biệt khi sữa đậu nành được nấu đến khoảng 80°C, chất saponin trong đậu nành gặp nóng sẽ bị giãn nở và bọt nổi lên tạo thành hiện tượng “sôi giả”. Trên thực tế, nếu vừa thấy hiện tượng sôi giả đã ngừng đun các thành phần độc hại như saponin có trong sữa đậu nành sẽ không bị phá hủy hoàn toàn. Điều đó sẽ gây ngộ độc khi sử dụng, thường gặp là đau bụng, buồn nôn, tiêu chảy… Để ngăn ngừa ngộ độc sữa đậu nành sống, khi nấu sữa đậu nành, cần đun nóng đến 100°C, trong khoảng 10 phút trên lửa nhỏ, lúc này có thể an toàn sử dụng sữa đậu nành.

Những hành vi bị cấm trong an toàn thực phẩm

Theo Điều 5 Luật An toàn thực phẩm 2010 những hành vi bị cấm trong an toàn thực phẩm bao gồm: Sử dụng nguyên liệu không thuộc loại dùng cho thực phẩm để chế biến thực phẩm. Sử dụng nguyên liệu thực phẩm đã quá thời hạn sử dụng, không rõ nguồn gốc, xuất xứ hoặc không bảo đảm an toàn để sản xuất, chế biến thực phẩm.

Sử dụng phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm đã quá thời hạn sử dụng, ngoài danh mục được phép sử dụng hoặc trong danh mục được phép sử dụng nhưng vượt quá giới hạn cho phép; sử dụng hóa chất không rõ nguồn gốc, hóa chất bị cấm sử dụng trong hoạt động sản xuất, kinh doanh thực phẩm. Sử dụng động vật chết do bệnh, dịch bệnh hoặc chết không rõ nguyên nhân, bị tiêu hủy để sản xuất, kinh doanh thực phẩm.

Thực phẩm vi phạm quy định của pháp luật về nhãn hàng hóa. Thực phẩm không phù hợp với quy chuẩn kỹ thuật tương ứng. Thực phẩm bị biến chất. Thực phẩm có chứa chất độc hại hoặc nhiễm chất độc, tác nhân gây ô nhiễm vượt quá giới hạn cho phép.

Thực phẩm có bao gói, đồ chứa đựng không bảo đảm an toàn hoặc bị vỡ, rách, biến dạng trong quá trình vận chuyển gây ô nhiễm thực phẩm. Thịt hoặc sản phẩm được chế biến từ thịt chưa qua kiểm tra thú y hoặc đã qua kiểm tra nhưng không đạt yêu cầu. Thực phẩm không được phép sản xuất, kinh doanh để phòng, chống dịch bệnh.

Thực phẩm chưa được đăng ký bản công bố hợp quy tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong trường hợp thực phẩm đó thuộc diện phải được đăng ký bản công bố hợp quy.

Thực phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ hoặc quá thời hạn sử dụng. Sử dụng phương tiện gây ô nhiễm thực phẩm, phương tiện đã vận chuyển chất độc hại chưa được tẩy rửa sạch để vận chuyển nguyên liệu thực phẩm, thực phẩm.

Cung cấp sai hoặc giả mạo kết quả kiểm nghiệm thực phẩm. Che dấu, làm sai lệch, xóa bỏ hiện trường, bằng chứng về sự cố an toàn thực phẩm hoặc các hành vi cố ý khác cản trở việc phát hiện, khắc phục sự cố về an toàn thực phẩm. Người mắc bệnh truyền nhiễm tham gia sản xuất, kinh doanh thực phẩm.

Sản xuất, kinh doanh thực phẩm tại cơ sở không có giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm theo quy định của pháp luật. Quảng cáo thực phẩm sai sự thật, gây nhầm lẫn đối với người tiêu dùng. Đăng tải, công bố thông tin sai lệch về an toàn thực phẩm gây bức xúc cho xã hội hoặc thiệt hại cho sản xuất, kinh doanh. Sử dụng trái phép lòng đường, vỉa hè, hành lang, sân chung, lối đi chung, diện tích phụ chung để chế biến, sản xuất, kinh doanh thức ăn đường phố.

Vân Thảo (T/h)
https://vietq.vn/nhung-loai-thuc-pham-tranh-an-song-vi-co-the-gay-doc-d222563.html