Máy đánh trứng cầm tay hay máy đánh trứng có trộn bột là vật dụng không còn quá xa lạ trong gian bếp của mỗi gia đình. Tuy nhiên, còn không ít người vẫn loay hoay trong việc lựa chọn loại máy phù hợp, chất lượng đáp ứng nhu cầu sử dụng.
Với sự đa dạng của thị trường, việc lựa chọn một chiếc máy đánh trứng phù hợp với nhu cầu sử dụng không phải là điều dễ dàng. Dưới đây là một số yếu tố quan trọng cần xem xét để đảm bảo người dùng đã chọn được sản phẩm chất lượng, an toàn và phù hợp với mục đích sử dụng của mình.
Chọn loại máy đánh trứng phù hợp
Đối với máy đánh trứng cầm tay có kích thước nhỏ gọn, thường dùng để đánh trứng, đánh kem hay trộn bột với một lượng vừa phải. Trong quá trình máy hoạt động, người dùng phải cầm bằng tay và di chuyển xung quanh thực phẩm cần đánh để đảm bảo hỗn hợp được nhuyễn, mịn hơn.
Máy đánh trứng cầm tay và máy đánh trứng để bàn. Ảnh minh họa
So với máy đánh trứng cầm tay, máy đánh trứng để bàn có kích thước lớn và cồng kềnh hơn. Máy thường được thiết kế đứng được cố định kèm theo tô đựng với dung tích khoảng 2.5 – 4 lít, thích hợp để trộn nguyên liệu lượng lớn, đặc.
Nếu như người chỉ có nhu cầu sử dụng cơ bản, làm bánh nhưng không thường xuyên nên lựa chọn máy đánh trứng cầm tay. Còn nếu người dùng thường xuyên làm bánh hoặc làm bánh chuyên nghiệp thì hãy ưu tiên chọn mua máy đánh trứng để bàn.
Công suất phù hợp
Thông thường các máy đánh trứng trên thị trường có công suất từ 200 – 400W. Công suất càng lớn thì máy đánh trứng sẽ hoạt động càng nhanh, mạnh hơn.
Với nhu cầu sử dụng hằng ngày của gia đình, một chiếc máy có công suất 200W là hợp lý nhất. Nếu người dùng chọn mua máy với mục đích kinh doanh bánh thì nên chọn máy có công suất cao hơn.
Thiết kế và chất liệu sử dụng
Ngoài việc chú trọng vào mẫu mã máy đẹp mắt, chất liệu các bộ phận của máy cũng đáng được quan tâm, vì điều này quyết định độ bền và ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe người sử dụng.
Trong đó, 2 bộ phận quan trọng nhất của máy đánh trứng là động cơ và que đánh trứng. Người dùng nên chọn que đánh trứng làm từ chất liệu an toàn và cao cấp có thể chống rỉ sét như inox hay hợp kim thép không gỉ.
Với dòng máy đánh trứng để bàn, tô máy thường có dung tích khoảng 2 – 4 lít và sử dụng chất liệu là kim loại hoặc nhựa ABS, so với nhựa thì kim loại có độ bền cao hơn.
Các tốc độ đánh trứng của máy
Một chiếc máy đánh trứng có nhiều mức tốc độ sẽ giúp người sử dụng thực hiện công việc đánh trứng của mình dễ dàng hơn. Thông thường máy đánh trứng cầm tay có từ 3 – 7 tốc độ, phù hợp sử dụng cho gia đình. Máy đánh trứng để bàn có loại lên đến 16 tốc độ.
Máy đánh trứng tốc độ cao giúp đánh trứng bông, phù hợp để làm cà phê trứng. Ảnh minh họa
Dù là máy đánh trứng có bao nhiêu tốc độ thì đều được chia thành 3 mức tốc độ chính, dùng để đánh các nguyên liệu khác nhau như: Tốc độ thấp: Dùng để trộn nguyên liệu hay trộn bột khô làm bánh mì; Tốc độ trung bình: Đánh bơ với đường, trộn trứng với hỗn hợp bột; Tốc độ cao: Đánh lòng trắng trứng, đánh trứng nguyên quả, đánh kem.
Độ ồn của máy đánh trứng
Nhiều máy đánh trứng khi sử dụng phát ra tiếng kêu rất to và ồn ào, điều này sẽ ảnh hưởng tới người khác nhất là trẻ nhỏ, vì vậy hãy lưu ý chọn máy chạy êm và ít rung lắc. Thông thường máy đánh trứng cầm tay có công suất nhỏ hơn sẽ hạn chế được tiếng ồn.
Lựa chọn tiện ích đáp ứng nhu cầu sử dụng
Tuỳ thuộc vào nhu cầu sử dụng mà người dùng hãy lựa chọn máy có tiện ích phù hợp. Nếu không thường xuyên sử dụng, máy đánh trứng cầm tay là một lựa chọn hợp lý. Còn nếu người dùng thường xuyên làm bánh với số lượng lớn thì có thể cân nhắc máy để bàn. Bên cạnh đó, người dùng nên chọn sản phẩm tích hợp nhiều chức năng để nấu được đa dạng món ngon.
Việc lựa chọn máy đánh trứng không chỉ dựa trên giá cả mà còn cần xem xét kỹ lưỡng về chất lượng và tiện ích của sản phẩm. Hãy cân nhắc kỹ lưỡng để đảm bảo rằng chiếc máy đáp ứng đầy đủ nhu cầu sử dụng trong gian bếp của mình.
Quy chuẩn sửa đổi 1:2018 QCVN 9:2012/BKHCN Tương thích điện từ với thiết bị điện, điện tử gia dụng
Tương thích điện từ thực tiễn nhất trong đời sống của chúng ta, có thể kể như: làm sai lệch kết quả của máy đo huyết áp, có thể gây trục trặc trong sự hoạt động của thang cuốn, cửa tự động, thang máy, camera.. hay thậm chí cũng ảnh hưởng không ít đến sức khỏe con người như rối loạn chức năng hệ thần kinh, rối loạn chức năng hệ thống miễn dịch, ảnh hưởng đến sức khỏe sinh sản… hay thậm chí là ung thư và rất nhiều bệnh khác.
Vì những ảnh hưởng lớn đáng lo ngại của bức xạ điện từ, tương thích điện từ, ngày 12/04/2012, Bộ Khoa học và Công nghệ đã ban hành Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia QCVN 9:2012/BKHCN về tương thích điện từ đối với thiết bị điện và điện tử gia dụng và các mục đích tương tự. Trong đó, quy định các yêu cầu kỹ thuật và các yêu cầu quản lý đối với giới hạn phát xạ nhiễu điện từ phát ra từ các thiết bị điện và điện tử gia dụng và các mục đích tương tự trong đó có Máy đánh trứng (quy định trong sửa đổi 1:2018 QCVN 09:2012/BKHCN ngày 6 tháng 6 năm 2018).
Duy Trinh (t/h)
https://vietq.vn/lua-chon-may-danh-trung-chat-luong-an-toan-phu-hop-voi-muc-dich-su-dung-d219481.html